11.7.19

Trung Quốc trong bão táp


TRUNG QUỐC TRONG BÃO TÁP
Trung Quốc muốn thách thức ưu thế vượt trội của Hoa Kỳ trong các ngành công nghệ mũi nhọn, nhưng môi trường kinh tế đã kém thuận lợi hơn so với trước đây để họ vươn lên thành cường quốc.
Ngày 22 tháng năm vừa qua, khi gợi lại viễn cảnh một cuộc trường chinh mới, Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng đã nhấn mạnh đến cường độ của những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt ngày nay. Thật vậy, những biện pháp quyết liệt của chính quyền Trump trong lĩnh vực thuế quantăng 25% thuế quan lên phân nửa các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ –, cùng với việc chống lại Huawei, doanh nghiệp hàng đầu thế giới về các thiết bị viễn thông và triển khai mạng 5G trong tương lai, đang đe dọa không chỉ các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà còn cả sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc trong chuỗi các giá trị toàn cầu[1].
Nói một cách cơ bản hơn, chủ nghĩa tân trọng thương của Mỹ[2] có vẻ như được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì ưu thế vượt trội về công nghệ của Hoa Kỳ hơn là các động cơ thương mại. Một tham vọng mà, đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng nghĩa với việc muốn kiềm chế sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc.

Hướng thực sự đến những sản phẩm cao cấp hơn

Từ lâu được coi là “công xưởng của thế giới”, nói cách khác là nơi có nhiều đặc quyền để các công ty đa quốc gia chế biến và lắp ráp sản phẩm nhằm tái xuất lại thành phẩm, Trung Quốc đã ra sức làm tốt kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008-2009 trong việc làm thay đổi cấu trúc sản xuất theo hướng ưu tiên cho những hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn cùng với nội dung sản phẩm địa phương cao hơn. Từ 49% vào năm 2009, tỷ phần thương mại được gọi là xử lý (hoạt động lắp ráp quốc tế) trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm xuống còn 34% vào năm 2016.
Chính sách này, nằm trong chiến lược tập trung định hướng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào tiêu dùng nội địa, đối phó với sự xói mòn về lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Đối mặt với sự gia tăng nhanh về chi phí lao động ở Trung Quốc (+12% mỗi năm kể từ năm 2009 trong các ngành công nghiệp), các công ty đa quốc gia và bản thân các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng có xu hướng di dời nhà xưởng sản xuất của mình đến những nước có mặt bằng tiền lương thấp trong khu vực, bắt đầu từ Việt Nam.
Trong mười năm, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ dưới hình thức mua lại hoặc liên doanh đã tăng lên đến 40 tỷ US$
Để khuyến khích việc phát triển sản phẩm cao cấp trong các ngành công nghiệp, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục đại học và nghiên cứu-phát triển, với trọng lượng về tiền bằng US$ gần bằng với Hoa Kỳ từ nay và cao hơn toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu cộng lại. Họ cấp các khoản tài trợ và các hợp đồng cho những doanh nghiệp nào tham gia vào các lĩnh vực được Nhà nước coi là ưu tiên. Cuối cùng, họ đã triển khai thực hiện một chính sách chiếm hữu có hệ thống các công nghệ nước ngoài.
Chẳng hạn, từ năm 2007 đến năm 2017, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ dưới hình thức mua lại hoặc liên doanhthường là với những công ty mũi nhọn về nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn của công ty đó – đã lên đến 40 tỷ US$. Châu Âu cũng không là trường hợp ngoại lệ, như chúng ta có thể thấy vào năm 2016 qua việc mua lại 4,5 tỷ euro công ty Kuka của Đức, công ty hàng đầu thế giới về ngành robot công nghiệp, hoặc công ty Syngenta của Thụy Sĩ, công ty hàng đầu thế giới về sản xuất các sản phẩm bảo vệ thực vật và hạt giống, bởi ChemChina vào năm 2017 với 43 tỷ US$. Chính sách này đã dẫn đến việc Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA) và Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu (ECRA), cho phép ngăn chặn những thương vụ mua lại của nước ngoài và xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm đối với nền an ninh của Hoa Kỳ.

Những lĩnh vực then chốt còn phụ thuộc

Nếu các hoạt động nói trên diễn ra đúng luật hoàn toàn, thì Trung Quốc lại không lùi bước trong việc sử dụng những biện pháp không đúng luật: gián điệp công nghiệp theo kiểu cổ điển, gián điệp mạng, sử dụng sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc ở nước ngoài làm người thu thập thông tin, chuyển giao công nghệ bắt buộc. Việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, vấn đề từng bị chính quyền Obama cáo buộc, là một trong những trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán Trung-Mỹ.
Nắm lợi thế về sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các công ty đa quốc gia trong các chuỗi giá trị, chính quyền đã ra điều kiện để các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc muốn tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc phải chuyển giao những công nghệ được các doanh nghiệp nước ngoài này phát triển. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh của tiêu dùng, được thúc đẩy bởi sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc (năm 2016, có 116 triệu hộ gia đình có thu nhập khả dụng hàng năm trên 21.000 US$ so với chỉ có 2 triệu hộ gia đình vào năm 2000), đã làm cho việc tiếp cận thị trường nội địa trở thành một điều bắt buộc đối với các công ty đa quốc gia, không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các quy tắc của trò chơi do chính quyền đặt ra.
Được hỗ trợ bởi sức mạnh tài chính được tích lũy từ những năm 2000 và quy mô rộng lớn của thị trường nội địa, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ đã trở nên rõ ràng trong thập kỷ qua. Trong số 50 doanh nghiệp kỳ lân hàng đầu (những công ty khởi nghiệp có giá trị tài sản được ước tính hơn 1 tỷ USD) trên toàn thế giới vào năm 2018, thì có 27 doanh nghiệp của Trung Quốc và 16 doanh nghiệp của Mỹ (không có doanh nghiệp châu Âu nào). Ant Financial, công ty tài chính con của Alibaba, là công ty hàng đầu trong số các doanh nghiệp quán quân đó trên thế giới, với giá trị được ước tính là 150 tỷ US$. Đi đầu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, Trung Quốc chiếm hơn 40% giá trị các giao dịch toàn cầu trong lĩnh vực này. Ngành thương mại kỹ thuật số của Trung Quốc quan trọng hơn so với ngành thương mại kỹ thuật số của Pháp, Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cộng lại.
Trong lĩnh vực công nghiệp, từ nay, Trung Quốc thống trị các lĩnh vực cấp công nghệ “từ trung bình đến cao”, với 20% thị phần toàn cầu. Cho dù là các sản phẩm màn hình LCD và đèn LED, các hệ thống điều hòa không khí, các máy ủi, các pin dùng cho xe ô-tô điện hay các sản phẩm hóa học hữu cơ, các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng thống trị thị trường các ngành công nghệ trung bình toàn cầu, gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Trong lĩnh vực các ngành công nghệ cao, ngoài điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông, đã có những bước đột phá lớn được thực hiện trong ngành chế tạo máy bay, tàu hỏa cao tốc, ngành giám sát điện tử và các tấm thuộc quang điện có lớp chặn. Ngược lại, thị phần của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trong ngành tin học, công nghiệp ô-tô và dược phẩm. Đặc biệt, trong các lĩnh vực then chốt như các sản phẩm bán dẫn và mạch tích hợp điện tử[3], là những mục tiêu bị nhắm đến bởi lệnh cấm vận của Mỹ đối với tập đoàn Huawei, Trung Quốc bị lạc hậu khá xa, điều mà họ chỉ có thể lấp đầy khoảng cách đó sau mười năm đầu tư đáng kể.

Một bối cảnh ít thuận lợi hơn cho sự phát triển thành công

Chính sự phụ thuộc công nghệ nói trên là điều mà Bắc Kinh muốn phá vỡ, và điều không nghi ngờ là sự cứng rắn của Mỹ sẽ củng cố quyết tâm của họ trong lĩnh vực này. Được phát động vào năm 2015, kế hoạch Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025” nhắm đến mục đích loại bỏ sự lạc hậu của đất nước trong các lĩnh vực biểu tượng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: khoa học robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin mới, xe tự lái, công nghiệp hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, vật liệu mới, v.v..
Việc đi tìm khả năng tự chủ về mặt công nghiệp, minh bạch trong các mục tiêu về nội dung các sản phẩm Trung Quốc của ngành sản xuất chế biến (80% vào năm 2025), đi kèm với sự xác định các thị phần địa phương trong từng lĩnh vực nằm trong kế hoạch. Đó là một cách tiếp cận, đã gây ra sự phản đối quốc tế khi huy động mạnh mẽ sự hậu thuẫn của nhà nước (trợ cấp, ưu tiên tiếp cận các khoản tín dụng …) để đạt được những mục tiêu đã đề ra, gợi lên một chương trình thống trị công nghệ toàn cầu và mâu thuẫn trực tiếp với các nguyên tắc tự do thương mại mà Trung Quốc đã ký kết chấp thuận khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Việc ngăn chặn hệ thống tài chính song song không chỉ khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, mà còn phá vỡ sự tăng trưởng của ngành bất động sản, làm chậm lại mức chi tiêu của người tiêu dùng và dẫn đến sự sụp đổ về doanh số bán xe ô-tô
Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc cần phải điều chỉnh với môi trường trong nước và quốc tế, điều rõ ràng đã kém sôi nổi hơn so với trước đây. Ngay cả trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, chiến dịch trả nợ trong khu vực tư nhân được chính quyền phát động vào năm 2017 đã gây ra một sự sụp đổ tín dụng dành cho các doanh nghiệp tư nhân và một sự giảm tốc mạnh trong hoạt động của khu vực tư nhân.
Việc ngăn chặn hệ thống tài chính song song, một thuật ngữ đề chỉ các chu trình tài chính phi ngân hàng từng trải nghiệm một sự tăng trưởng chóng mặt trong những năm 2010, không chỉ khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, mà còn phá vỡ sự tăng trưởng của ngành bất động sản, làm chậm lại mức chi tiêu của người tiêu dùng và dẫn đến sự sụp đổ về doanh số bán xe ô-tô. Việc Hoa Kỳ leo thang các mức thuế quan đã làm trầm trọng thêm sự bi quan của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, trong khi mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đã trở về con số 0 trong nửa đầu năm 2019, so với mức 10% một năm trước đây.

Sự mất giá của đồng nhân dân tệ đối lại với thuế quan?

Chịu áp lực trong suốt năm 2018 và một lần nữa kể từ tháng 5, tiền tệ Trung Quốc cho đến nay đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc duy trì ở mức dưới 7 nhân dân tệ ăn 1 US$, một ngưỡng mà họ đã bảo vệ trong các cuộc tấn công đầu cơ vào năm 2016. Trong một bối cảnh hoạt động chậm lại, thu hẹp các dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự đảo ngược khả dĩ về số kết của cán cân thanh toán hiện hành, thì việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ là điều đúng đắn theo quan điểm kinh tế vĩ mô. Bằng cách ngăn chặn tỷ giá hối đoái bị mất giá, chính quyền có lẻ muốn tránh trường hợp việc đồng US$ đắt giá hơn sẽ làm suy yếu thêm các doanh nghiệp tư nhân, mà khoảng một phần tư số nợ được vay bằng đồng US$, và điều đó xảy ra khi những chi phí rủi ro theo yêu cầu của các thị trường lên các hoạt động cung cấp tài chính bằng đồng US$ từ nay đã vượt quá 10%.
Tuy nhiên, sự cám dỗ phá vỡ tỉ giá có thể trở nên không cưỡng lại được, nếu chính phủ [Trung Quốc] không ngăn chặn được làn sóng suy thoái đang tấn công nền kinh tế, hoặc nếu chính quyền Trump quyết định mở rộng lệnh trừng phạt thuế quan đối với toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Hoa Kỳ (so với mức phân nửa vào thời điểm hiện tại). Thực vậy, một sự phá giá tiền tệ sẽ cho phép làm vô hiệu áp lực gây ra bởi thuế quan lên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Với mức 7,25 nhân dân tệ ăn 1 US$, ví dụ, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ được khôi phục hoàn toàn với mức thuế quan hiện tại. Một quyết định không hề dễ đối với chính quyền [Trung Quốc], lo ngại sẽ gây ra một cuộc thoái vốn, ngay cả khi họ có một kho vũ khí những quy định ấn tượng để ngăn chặn điều nói trên.
Tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng US$ (1 US$ = x nhân dân tệ, tỷ lệ đảo ngược)
Đối mặt với những thách thức này, phản ứng đầu tiên của chính quyền, giống như năm 2016 nhưng theo cách điều độ hơn, là kích hoạt lại mức chi tiêu công, đặc biệt thông qua số nợ của các chính quyền cấp tỉnh và khôi phục lại hạn mức tín dụng ngân hàng. Khi làm như vậy, họ đang mạo hiểm làm sống lại vòng xoáy nợ nần, ngay cả khi số nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới 150% trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gấp đôi mức nợ của Mỹ. Một nỗi đau ít hơn trong ngắn hạn, có thể lắm, khi mà nỗi sợ mất ổn định xã hội trong một bối cảnh thu hẹp việc làm đang chi phối những cân nhắc về mặt tài chính trong giới tinh hoa cầm quyền. Một tiên đề trong chính sách của Trung Quốc, vốn có ít cơ hội bị tước đi hiệu lực khi sự kiện lễ kỷ niệm lần thứ 70 kỷ niệm cách mạng đang đến gần.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La Chine dans la tempête, Alternatives Economiques, 25/06/2019.




Chú thích:

[1] Chuỗi giá trị toàn cầu: các mạng sản xuất được quốc tế hóa, được đặc trưng hóa bởi một sự phân khúc quốc tế mạnh mẽ các quy trình sản xuất và một tỷ lệ sử dụng cao các sản phẩm trung gian và các linh kiện nhập khẩu trong hoạt động xuất khẩu thành phẩm của các nước có liên quan.

[2] Chủ nghĩa tân trọng thương: một học thuyết coi các mối quan hệ kinh tế quốc tế như là một trò chơi có tổng bằng không, trong đó các Nhà nước sử dụng mọi phương tiện mình có được để tối đa hóa thu nhập từ các giao dịch thương mại cho nền kinh tế quốc gia và giảm thiểu những lợi thế mà các nền kinh tế cạnh tranh có thể tận dụng trong các mối quan hệ với mình.

[3] Sản phẩm bán dẫn và mạch tích hợp điện tử: các thành phần này được sử dụng trong việc sản xuất đủ loại sản phẩm, từ ô-tô cho đến máy bay chiến đấu, các máy giặt và các điện thoại di động. Trung Quốc sản xuất các sản phẩm bán dẫn đơn giản nhất. Đối với các thành phần còn lại (84% nhu cầu), Trung Quốc phụ thuộc vào nước ngoài, và đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ.

Print Friendly and PDF