29.7.19

Lí thuyết hệ thống thế giới của Immanuel Wallerstein

Immanuel Wallerstein (1930-)

LÝ THUYẾT HỆ THỐNG THẾ GIỚI CỦA IMMANUEL WALLERSTEIN

Cosma Sorinel
Phân tích các hệ thống-thế giới không phải là một lý thuyết, mà là một cách tiếp cận để phân tích xã hội và thay đổi xã hội do nhiều học giả phát triển, trong đó có Immanuel Wallerstein lừng danh. Giáo sư Wallerstein phân tích các hệ thống-thế giới[1] theo 3 hướng: sự phát triển lịch sử của hệ thống-thế giới hiện đại; cuộc khủng hoảng đương đại của nền kinh tế-thế giới tư bản chủ nghĩa; các cấu trúc của tri thức. Nhà phân tích người Mỹ bác bỏ ý niệm “Thế giới Thứ ba”, ông cho rằng chỉ có một thế giới được kết nối bởi một mạng lưới quan hệ trao đổi kinh tế phức tạp. Hệ thống thế giới của chúng ta được đặc trưng bởi các cơ chế mang lại sự tái phân phối các nguồn lực từ khu vực ngoại vi đến khu vực trung tâm. Cách tiếp cận phân tích của ông đã tạo ra một tác động đáng kể và thiết lập một cơ sở về thể chế đóng góp cho cách tiếp cận chung.
Hệ thống thế giới, các khu vực trung tâm, bán-ngoại vi, ngoại vi, bên ngoài hệ thống
Lý thuyết hệ thống-thế giới là một quan điểm xã hội học vĩ mô nhằm tìm cách giải thích cơ năng (dynamics) của “nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa” là một “hệ thống xã hội tổng thể”. Lý thuyết hệ thống-thế giới là cả một nỗ lực chính trị và đầy trí tuệ. Lý thuyết này vừa thuộc về các lĩnh vực xã hội học lịch sử vừa thuộc về lịch sử kinh tế. Ngoài ra, vì nhấn mạnh vào sự phát triển và các cơ hội không đồng đều giữa các nhà nước, lý thuyết hệ thống thế giới đã được các nhà lý thuyết phát triển và những người thực thi lý thuyết phát triển theo đuổi.

Tên tuổi Immanuel Wallerstein gắn liền với cách tiếp cận này. Ông xuất bản bài báo đầu tiên có tên The Rise and Future Demise of the World Capitalist System: Concepts for Comparative Analysis [Sự Trỗi dậy và Sụp đổ trong Tương lai của Hệ thống Tư bản Thế giới: các Khái niệm Phân tích So sánh] vào năm 1974. Sau đó, công trình quan trọng nhất của ông – The Modern World System [Hệ thống Thế giới Hiện đại, tập I: Nông nghiệp Tư bản và Nguồn gốc của nền Kinh tế-Thế giới châu Âu trong Thế kỷ XVI] được xuất bản vào năm 1974, 2 tập sau đó ra đời vào các năm 1980 và năm 1989 [tập thứ tư được xuất bản vào năm 2011, sau khi bài viết này ra đời – ND]. Đây là đóng góp mang tính bước ngoặt của ông cho tư tưởng xã hội học và lịch sử cũng như cho những cuộc tranh luận nảy sinh kéo dài suốt ba thập kỷ về vấn đề đâu là con đường tốt nhất để diễn giải lịch sử, xã hội và nền kinh tế dưới góc nhìn toàn cầu.
Karl Marx (1818-1883)
Max Weber (1864-1920)
Về mặt phương pháp luận, các công trình của ông nằm đâu đó giữa MarxWeber, các công trình nghiên cứu của cả hai tác giả này đều là nguồn cảm hứng quan trọng cho các công trình của ông.
Vào thời điểm khi các công trình của Wallerstein được xuất bản, lý thuyết về phát triển và hiện đại hóa đang bị công kích trên nhiều mặt trận. Chính ông cũng công kích lý thuyết này và cố gắng tạo ra cách giải thích thay thế. Ông muốn đạt được sự phân định rõ ràng về khái niệm với các lý thuyết về ‘hiện đại hóa’ và từ đó đưa ra một hệ hình (paradigm) lý thuyết mới để hướng dẫn các nghiên cứu về sự trỗi dậy và phát triển của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa công nghiệp và các nhà nước dân tộc.
Các phê phán về hiện đại hóa bao gồm – sự vật hóa (reification) nhà nước-dân tộc[2] thành đơn vị phân tích duy nhất – giả định rằng tất cả các nước đều chỉ có thể đi theo một lộ trình phát triển tiến hóa duy nhất – việc coi nhẹ sự phát triển lịch sử-thế giới của các cấu trúc xuyên nhà nước (transnational structure) vốn kiềm chế các sự phát triển của địa phương và nhà nước – việc giải thích về các loại hình lịch sử lý tưởng về “truyền thống” so với “hiện đại”, được xây dựng và áp dụng cho các trường hợp nhà nước.
Fernand Braudel (1902-1985)
Trong cuốn Modern World-System [Hệ thống-Thế giới Hiện đại], Wallerstein chủ yếu phát triển dựa vào ba nguồn ảnh hưởng trí thức (intellectual influences). Đầu tiên là từ Karl Marx, Wallerstein kế thừa sự phân đôi giữa tư bản và lao động, quan điểm phát triển kinh tế thế giới theo giai đoạn như chế độ phong kiến ​​và chủ nghĩa tư bản, niềm tin vào tích lũy tư bản, phép biện chứng và vài điều khác. Kế đến là từ nhà sử học người Pháp Fernand Braudel, người đã mô tả quá trình phát triển và ý nghĩa chính trị của các mạng lưới trao đổi kinh tế rộng lớn trong thế giới của các nhà nước châu Âu từ giữa những năm 1400 và 1800. Cuối cùng là từ lý thuyết phụ thuộc (dependency theory), rõ nhất là các khái niệm về “trung tâm” và “ngoại vi”; và — có lẽ là — từ kinh nghiệm thực tế và ấn tượng gặt hái được từ công trình của chính ông về châu Phi thời hậu-thuộc địa. Từ Marx, Wallerstein đã học được rằng (1) có một thực tại cơ bản là các cuộc xung đột xã hội giữa các nhóm người đều có nguồn gốc từ vật chất, (2) quan tâm đến một tính tổng thể có liên quan (relevant totality), (3) bản chất tạm thời của các hình thái xã hội và lý thuyết về chúng, (4) tính trung tâm về quá trình tích lũy [tư bản] và các cuộc đấu tranh giai cấp có tính cạnh tranh bắt nguồn từ đó, (5) một cảm thức có tính biện chứng về sự chuyển động thông qua xung đột và mâu thuẫn.
Lý thuyết hệ thống-thế giới chịu ảnh hưởng từ Trường phái Annales (Tạp chí Annales) [có thể tham khảo trường phái này ở đây - ND] – mà người đại diện chính là Fernand Braudel – cách tiếp cận lịch sử của trường phái này. Wallerstein kế thừa sự nhấn mạnh của Braudel về thời gian dài (la longue dureé). Ông cũng học cách tập trung vào các khu vực địa-sinh thái như các đơn vị phân tích, chú ý đến lịch sử nông thôn, và dựa vào các tài liệu thực nghiệm từ Braudel. Tác động của [trường phái] Annales là ở cấp độ phương pháp luận tổng quát. Lý thuyết hệ thống-thế giới về nhiều mặt là sự thích ứng với lý thuyết phụ thuộc. Wallerstein rút ra rất nhiều luận điểm từ lý thuyết phụ thuộc - vốn là một sự giải thích của các nhà tân-Marxist về các quá trình phát triển - phổ biến ở các nước đang phát triển. Lý thuyết phụ thuộc tập trung vào việc tìm hiểu khu vực “ngoại vi” bằng cách xem xét các mối quan hệ trung tâm-ngoại vi, và lý thuyết này phát triển mạnh mẽ ở các khu vực ngoại vi như khu vực Mỹ La tinh. Nhiều phê phán đương đại đối với chủ nghĩa tư bản toàn cầu bắt nguồn từ quan điểm của lý thuyết phụ thuộc.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Karl Polanyi (1886-1964)
Những nguồn ảnh hưởng quan trọng khác trong các công trình của Wallerstein - vẫn hiện diện trong nghiên cứu hệ thống thế giới đương đại - là từ Karl PolanyiJoseph Schumpeter. Từ Schumpeter là hệ thống thế giới quan tâm đến các chu kỳ kinh doanh, và từ Polanyi là khái niệm ba phương thức tổ chức kinh tế cơ bản: các phương thức tương hỗ, tái phân phối và thị trường. Chúng tương tự như các khái niệm của Wallerstein: các hệ thống-mini, đế chế-thế giới và nền kinh tế-thế giới.
Về lịch sử, hệ thống thế giới hiện đại về bản chất là hệ thống tư bản chủ nghĩa, phát triển lên sau cuộc khủng hoảng của hệ thống phong kiến ​​và giúp giải thích sự trỗi dậy của Tây Âu lên vị thế tối cao từ năm 1450 đến năm 1670.
Trước thế kỷ XVI, khi Tây Âu bắt đầu con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, “chế độ phong kiến” vẫn đang thống trị xã hội Tây Âu. Từ năm 1150 đến năm 1300, cả dân số lẫn thương mại đều mở rộng trong các giới hạn của hệ thống phong kiến. Tuy nhiên, từ năm 1300 đến năm 1450, việc mở rộng này dừng lại, tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Theo Wallerstein, cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến ​​có lẽ đã được lắng xuống bởi sự tương tác của các yếu tố sau: sự sụt giảm hay đình trệ của nền sản xuất nông nghiệp, nền kinh tế phong kiến đạt đỉnh trong chu kỳ kinh tế; biến đổi khí hậu làm cho năng suất nông nghiệp thấp và phát sinh dịch bệnh trong cư dân.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến, vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, hệ thống kinh tế thế giới đã nổi lên. Hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa mới dựa trên sự phân công lao động quốc tế xác định mối quan hệ giữa các khu vực khác nhau cũng như các loại điều kiện lao động theo từng khu vực.
Với Wallerstein, “một hệ thống-thế giới là một hệ thống xã hội, một hệ thống[3] có các ranh giới, cấu trúc, nhóm thành viên, quy tắc hợp thức hóa và sự gắn kết. Sự sống của hệ thống-thế giới được tạo thành từ mâu thuẫn của các mặt đối lập, đây là thứ duy trì hệ thống-thế giới bằng sự căng thẳng và hủy hoại hệ thống-thế giới khi mỗi nhóm không ngừng tìm cách tái định hình hệ thống-thế giới theo chiều hướng có lợi cho nhóm. Hệ thống-thế giới có đặc điểm của một sinh vật, có thời kì mà các đặc điểm của nó thay đổi ở một số khía cạnh và vẫn ổn định ở những khía cạnh khác …
Sự sống bên trong hệ thống thế giới phần lớn là khép kín và cơ năng phát triển của nó chủ yếu là đến từ bên trong”. Một hệ thống-thế giới là điều mà Wallerstein gọi là một “kinh tế thế giới”, được tích hợp thông qua thị trường chứ không phải thông qua một trung tâm chính trị, trong đó hai hay nhiều khu vực phụ thuộc lẫn nhau liên quan đến các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và sự bảo vệ, và hai hay nhiều thế lực chính trị cạnh tranh để thống trị chứ không có sự trỗi dậy của một trung tâm duy nhất mãi mãi.
Lý thuyết hệ thống-thế giới của ông đã mang đến một mô hình để hiểu cả sự thay đổi trong hệ thống toàn cầu lẫn mối quan hệ giữa các bộ phận của nó. Ông là một trong những người đầu tiên đề nghị chúng ta từ bỏ đơn vị mới tương đối được phát triển của nhà nước-dân tộc và thay vào đó nghiên cứu quá trình tương tác toàn cầu. Theo định nghĩa đầu tiên của ông, Wallerstein cho rằng một hệ thống-thế giới là một “sự phân công lao động theo lãnh thổ đa văn hóa, trong đó việc sản xuất và trao đổi hàng hóa cơ bản và nguyên liệu thô là cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của cư dân của nó.”
Sự phân công lao động này đề cập đến các lực lượng và quan hệ sản xuất của kinh tế thế giới, xét như một tổng thể. Wallerstein đề xuất phân loại thành bốn khu vực khác nhau: trung tâm, bán-ngoại vi, ngoại vi và bên ngoài hệ thống, trong đó tất cả các khu vực trên thế giới đều có thể được sắp xếp vào đó. Trong số bốn khu vực này, có hai khu vực là quan trọng nhất: đó là trung tâm và ngoại vi. Hai khu vực này có những khác biệt về địa lý và văn hóa, khu vực đầu tập trung vào sự sản xuất thâm dụng-lao động, và khu vực thứ hai vào sản xuất thâm dụng-tư bản. Mối quan hệ trung tâm-ngoại vi có tính cấu trúc. Các nhà nước trong khu vực bán-ngoại vi hoạt động như một vùng đệm giữa khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi, và có sự pha trộn của các loại hình hoạt động và thể chế tồn tại trong đó.
Các khu vực trung tâm được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa. Trong giai đoạn đang đề cập, phần lớn khu vực Tây Bắc châu Âu (gồm Anh, Pháp và Hà Lan) đã phát triển trở thành khu vực trung tâm đầu tiên. Về chính trị, các nhà nước trong khu vực này của châu Âu đã phát triển thành các chính quyền trung ương mạnh, có những bộ máy quan liêu lớn và các đội quân lính đánh thuê lớn. Điều này cho phép giai cấp tư sản bản địa giành quyền kiểm soát thương mại quốc tế và thu thặng dư tư bản từ hoạt động thương mại này vì lợi ích riêng của họ. Khi dân số ở khu vực nông thôn tăng lên, số lượng lao động làm thuê không có ruộng đất tuy không nhiều nhưng ngày càng tăng đã cung cấp lao động cho các trang trại và những hoạt động sản xuất. Việc chuyển đổi từ các nghĩa vụ trong chế độ phong kiến ​​sang các khoản tô trả bằng tiền tiếp theo sau cuộc khủng hoảng chế độ phong kiến ​​đã khuyến khích sự trỗi dậy của những người nông dân độc lập hay tiểu địa chủ nhưng đồng thời bức ép nhiều nông dân khác rời khỏi mảnh đất của họ. Những người nông dân nghèo này thường di chuyển lên các thành phố, cung ứng nguồn lao động giá rẻ cần thiết cho sự phát triển của quá trình sản xuất đô thị. Năng suất nông nghiệp tăng lên cùng với tình trạng nông dân độc lập hướng đến thương mại ngày càng chiếm ưu thế, tình trạng gia tăng của sản xuất chăn nuôi (pastoralism) cũng như với công nghệ trang trại được cải tiến.
Ở cuối bậc thang là các vùng ngoại vi. Những khu vực này hoặc không có chính quyền trung ương mạnh hoặc bị các nhà nước khác kiểm soát, xuất khẩu nguyên liệu thô đến khu vực trung tâm và dựa vào các hoạt động của lao động cưỡng bức. Khu vực trung tâm chiếm đoạt phần lớn thặng dư tư bản do khu vực ngoại vi tạo ra thông qua quan hệ thương mại bất bình đẳng. Hai khu vực Đông Âu (đặc biệt là Ba Lan) và Mỹ La tinh thể hiện các đặc điểm của khu vực ngoại vi. Ở Ba Lan, các vị vua mất quyền lực vào tay giới quý tộc khi khu vực này trở thành nước xuất khẩu lúa mì chính cho phần còn lại của châu Âu. Để có đủ lao động giá rẻ và dễ kiểm soát, các lãnh chúa đã buộc người lao động ở vùng nông thôn gia nhập vào “chế độ nông nô thứ hai” trong các điền trang thương mại. Ở khu vực Mỹ La tinh, các cuộc xâm lược của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã phá hủy các cấu trúc chính quyền bản địa và thay thế chúng bằng các bộ máy quan liêu yếu kém đặt dưới quyền kiểm soát của các nhà nước châu Âu này. Giới địa chủ hùng mạnh bản địa gốc Tây Ban Nha trở thành những người nông dân tư sản quý tộc. Tình trạng nô lệ của cư dân bản địa, nhập khẩu nô lệ châu Phi và các hoạt động của lao động cưỡng bức như phương thức ủy nhiệm encomienda[4] và lao động cưỡng chế khai thác mỏ đã tạo ra nguyên liệu thô giá rẻ để xuất sang châu Âu. Các hệ thống lao động ở cả hai khu vực ngoại vi trên khác biệt với các hình thức trước đó ở châu Âu thời Trung cổ ở chỗ chúng được thành lập để sản xuất hàng hóa cho nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa và không chỉ đơn thuần là cho tiêu dùng trong khu vực đó. Hơn nữa, tầng lớp quý tộc ở các khu vực Đông Âu và Mỹ La tinh đã trở nên giàu có nhờ mối quan hệ của họ với nền kinh tế thế giới và có thể dựa vào sức mạnh của một khu vực trung tâm để duy trì quyền kiểm soát.
Ở giữa khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi là các khu vực bán-ngoại vi. Những khu vực này đại diện cho các khu vực trung tâm suy thoái hay các khu vực ngoại vi đang cố gắng cải thiện địa vị tương đối của họ trong hệ thống kinh tế thế giới. Khu vực bán-ngoại vi cũng thường đóng vai trò như vùng đệm giữa khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi. Trên cương vị này, khu vực bán-ngoại vi thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa chính quyền trung ương và tầng lớp địa chủ bản địa mạnh mẽ. Những ví dụ điển hình về khu vực trung tâm suy thoái trở thành khu vực bán-ngoại vi trong thời gian được nghiên cứu là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các khu vực bán-ngoại vi khác tại thời điểm đó là nước Ý, miền nam nước Đức và miền nam nước Pháp. Về kinh tế, các khu vực này vẫn có thể tiếp cận vào hệ thống ngân hàng quốc tế một cách hạn chế và đang giảm dần cũng như duy trì việc sản xuất hàng hóa chất lượng cao có chi phí cao. Tuy nhiên, không giống như khu vực trung tâm, các nhà nước ở khu vực ngoại vi đã không chiếm ưu thế trong thương mại quốc tế và do đó không hưởng lợi từ đó bằng khu vực trung tâm. Với nền kinh tế nông thôn có tập trung tư bản kém, các chủ đất ở các khu vực bán-ngoại vi đã phải dùng đến hình thức cho tá điền thuê ruộng đất. Điều này làm giảm nguy cơ mất mùa đối với các chủ đất, và đồng thời có thể hưởng địa tô từ ruộng đất cũng như danh tiếng đi kèm với quyền sở hữu đất.
Theo Wallerstein, các nhà nước ở khu vực bán-ngoại vi bị các nhà nước ở khu vực trung tâm bóc lột nhưng, như trường hợp của các đế chế ở châu Mỹ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, lại thường là những kẻ bóc lột trong chính các khu vực ngoại vi của họ. Ví dụ, Tây Ban Nha, đã nhập khẩu vàng bạc từ các thuộc địa của mình ở châu Mỹ, thu lợi lớn nhờ các hoạt động của lao động cưỡng bức, nhưng phần lớn lợi nhuận thu được lại được dùng để mua các hàng hóa được sản xuất từ ​​các nước của khu vực trung tâm như Anh và Pháp thay vì khuyến khích hình thành một ngành sản xuất trong nước.
Những khu vực này duy trì các hệ thống kinh tế riêng và, phần lớn, được quản lý để giữ nguyên tình trạng nằm ngoài nền kinh tế thế giới hiện đại. Nga là ví dụ điển hình. Không giống như Ba Lan, lúa mì của Nga phục vụ chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước. Nga giao dịch với châu Á cũng như với châu Âu; thương mại trong nước vẫn quan trọng hơn thương mại với các khu vực bên ngoài. Ngoài ra, quyền lực đáng kể của nhà nước Nga đã giúp điều tiết nền kinh tế và hạn chế ảnh hưởng thương mại với nước ngoài.
Các nhà lý thuyết phụ thuộc trước hết trình bày rõ mối quan hệ “trao đổi không công bằng” (unequal exchange) trong đó các nước giàu trên thế giới thực thi các mối quan hệ thương mại với nước nghèo, trong đó nước giàu đã lấy thặng dư từ nước nghèo. Trong số các cấu trúc quan trọng nhất của hệ thống-thế giới hiện tại là hệ thống thứ bậc quyền lực giữa khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi, trong đó các xã hội “trung tâm” hùng mạnh và giàu có thống trị và khai thác các xã hội “ngoại vi” yếu thế và nghèo nàn.
Công nghệ là một nhân tố chính để định vị một khu vực là khu vực trung tâm hay khu vực ngoại vi. Các nước tiên tiến hay phát triển nằm ở khu vực trung tâm, và các nước kém phát triển hơn nằm ở khu vực ngoại vi. Về mặt cấu trúc, các nước nằm trong khu vực ngoại vi buộc phải trải nghiệm một loại hình phát triển lặp lại cương vị phát triển phụ thuộc của họ. Sức mạnh khác biệt của nhiều nhà nước trong hệ thống là rất quan trọng để duy trì toàn bộ hệ thống, bởi vì các nhà nước mạnh (strong state) củng cố và tăng dòng lưu thông thặng dư dị biệt đến vùng trung tâm. Đây là điều mà Wallerstein gọi là trao đổi không công bằng, tức là việc chuyển giao thặng dư một cách có hệ thống từ các nước bán-vô sản (semi-proletarian sector) ở khu vực ngoại vi sang khu vực trung tâm có công nghệ cao, công nghiệp hóa. Điều này dẫn đến một quá trình tích lũy tư bản ở quy mô toàn cầu, và nhất thiết liên quan đến việc chiếm dụng và chuyển đổi thặng dư của khu vực ngoại vi.
Về mặt chính trị của hệ thống-thế giới, có một vài khái niệm nổi bật. Với Wallerstein, các nhà nước-dân tộc là các biến số, yếu tố trong hệ thống. Các lực lượng giai cấp thống trị đều sử dụng chính quyền để bảo vệ lợi ích của giai cấp đó trong trường hợp các nước ở khu vực trung tâm. Khái niệm chủ nghĩa đế quốc đề cập đến sự thống trị của các nhà nước mạnh ở khu vực trung tâm đối với các nhà nước yếu ở khu vực ngoại vi. Khái niệm bá quyền[5] đề cập đến vị thế của một nhà nước ở khu vực trung tâm vượt xa tạm thời phần còn lại. Các thế lực bá quyền duy trì sự cân bằng quyền lực ổn định và thực thi thương mại tự do miễn là điều này phục vụ cho lợi thế của họ. Tuy nhiên, tình trạng bá quyền chỉ là tạm thời do các cuộc đấu tranh giai cấp và sự phổ biến của các lợi thế kỹ thuật. Cuối cùng, có một cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn cầu.
Đặc trưng của nền kinh tế-thế giới hiện tại là nhịp điệu chu kỳ đều đặn, cung cấp nền tảng cho sự phân kì lịch sử hiện đại của Wallerstein. Wallerstein đã hình dung ra sự trỗi dậy của một chính quyền-thế giới xã hội chủ nghĩa, là hệ thống-thế giới, đối chọn duy nhất có thể duy trì mức năng suất cao và thay đổi sự phân phối, bằng cách tích hợp các cấp độ ra quyết định chính trị và kinh tế.

Thay lời kết luận, chúng ta cần chú ý đến những gì Wallerstein đã nói trong một cuộc phỏng vấn về cuốn sách European Universalism [Chủ nghĩa phổ quát châu Âu] của ông, vào tháng 3 năm 2008: “Dĩ nhiên, chúng ta đã sống trong một “hệ thống-thế giới” kể từ khi bắt đầu của thời kỳ tươi đẹp (époque) được gọi là thời hiện đại vào thế kỷ XVI khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ra đời dưới dạng phôi thai ở châu Âu - một phần nhỏ của thế giới. Thế giới là một đơn vị phân tích rộng hơn so với nhà nước. Hệ thống tư bản chủ nghĩa đã giành thắng lợi dần dần, bằng các quá trình tự thân của nó, trong việc mở rộng ra toàn bộ thế giới. Thực tế có thể thấy rằng, kể từ cuối thế kỷ XIX, toàn bộ thế giới đã bị hệ thống tư bản chủ nghĩa chi phối, kéo dài đến tận ngày nay. Việc nghiên cứu về hệ thống-thế giới này, theo tôi, có thể làm phong phú cho cách tiếp cận của các khoa học xã hội, bằng cách xem các nhà nước là yếu tố cấu thành trong hệ thống này. Nhưng chúng không phải là yếu tố duy nhất của hệ thống, trong đó các yếu tố chủng tộc, giai cấp, nhà nước, hộ gia đình, v.v. cũng tồn tại. Tất cả [các nhà nước] đều là những thể chế trong nền kinh tế-thế giới tư bản chủ nghĩa này. Trên hết, khái niệm này cho phép tôi chỉ ra rằng, giống như bất kỳ cấu trúc nào, nó [hệ thống thế giới] đã trải qua các giai đoạn khác nhau: ban đầu là sự trỗi dậy, thành hình, sau đó là sự phát triển, cuối cùng là thời điểm khủng hoảng về cấu trúc, trước khi nó biến mất. Tôi nghĩ rằng chúng ta hiện đang sống trong thời điểm khủng hoảng cấu trúc này, và, trong khi tôi sẽ không mạo hiểm để dự đoán về ngày giờ chính xác (khoảng 25 đến 50 năm nữa) mà nó biến mất – hay đúng hơn là nó bị một hệ thống khác thay thế. Hiện tại, người ta chưa thể nói trước nó sẽ được thay thế bởi cái gì, nhưng quá trình này đang tiến triển theo hướng không gì có thể thay đổi được.”
Tài liệu tham khảo


1. Badescu, Ilie, Dungaciu, Dan, Baltasiu, Radu – Istoria sociologiei. Teorii contemporane [Lịch sử xã hội học. Các lý thuyết đương đại], Nhà xuất bản Eminescu, Bucharest, 1996
2. Braudel, Fernand – Dinamica capitalismului [Cơ năng của chủ nghĩa tư bản], Nhà xuất bản Corinth, Bucharest, 2002
3. Wallerstein, Immanuel – Sistemul mondial modern [Hệ thống thế giới hiện đại], Nhà xuất bản Meridiane, Bucharest, 1993
4. *** – O lectie de istorie cu Fernand Braudel [Bài học lịch sử với Fernand Braudel], Nhà xuất bản Corinth, Bucharest, 2002
---
Ông lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế học vào năm 2006 tại Học viện Nghiên cứu Kinh tế Bucharest (Romania). Hiện nay ông là Trưởng khoa Economie Generală (Kinh tế Tổng hợp) tại đại học Ovidius Constanţa (Romania).
Xem thêm CV (lý lịch) và Listă lucrări (hồ sơ khoa học) của ông.
Nguyễn Việt AnhNguyễn Chiến Trường dịch
Nguồn: Immanuel Wallerstein’s world system theory, Facultatea de Stiinte Economice, Universitatea din Oradea, 2010.




Chú thích của người dịch:

[1] Hệ thống-thế giới (world-system): Một hệ thống-thế giới không phải là hệ thống của thế giới, mà là một hệ thống vốn là một thế giới và có thể, và trước nay hầu như, nằm trong một khu vực nhỏ hơn toàn bộ địa cầu. Phân tích các hệ thống-thế giới cho rằng các đơn vị của thực tại xã hội nơi chúng ta hoạt động, với các quy tắc ràng buộc chúng ta, phần lớn là các hệ thống-thế giới đó (trừ các hệ thống mini nhỏ hiện đã tuyệt chủng từng tồn tại trên trái đất). Phân tích hệ thống-thế giới cho rằng cho đến nay chỉ có hai loại hệ thống-thế giới: nền kinh tế-thế giới và đế chế-thế giới. Một đế chế-thế giới (ví dụ, Đế chế La Mã, nhà Hán Trung Quốc) là những cấu trúc quan liêu lớn với một trung tâm chính trị duy nhất và một khu vực lao động theo trục, nhưng nhiều nền văn hóa. Một nền kinh tế-thế giới là một khu vực rộng lớn phân công lao động theo trục với nhiều trung tâm chính trị và nhiều nền văn hóa. Trong tiếng Anh, dấu gạch nối là điều cần thiết để ám chỉ ra các khái niệm này. “Hệ thống thế giới” không có dấu gạch nối cho thấy rằng chỉ có một hệ thống-thế giới trong lịch sử thế giới.

[2] Nhà nước-dân tộc (nation-state): Khái niệm nhà nước-dân tộc là lý tưởng thực tế mà tất cả, hoặc gần như tất cả, các nhà nước hiện đại đều khao khát. Nó đề cập đến một nhà nước trong đó tất cả mọi người có thể được cho là của một dân tộc và do đó chia sẻ các giá trị và trung thành cơ bản nhất định. Một dân tộc được định nghĩa khác nhau ở các nước khác nhau. Một dân tộc hầu như luôn có nghĩa là nói cùng một ngôn ngữ. Một dân tộc thường có nghĩa là chia sẻ cùng một tôn giáo. Các dân tộc được cho là có quan hệ lịch sử, thường được tuyên bố là, có trước sự tồn tại của một cấu trúc nhà nước. Phần lớn điều này, không phải tất cả, là huyễn hoặc. Và hầu như không có nhà nước nào thực sự trở thành một nhà nước-dân tộc chân chính, nhưng rất ít người thừa nhận điều này.

[3] Hệ thống (system): Một hệ thống theo nghĩa đen có nghĩa là một loại tổng thể được kết nối, với các quy tắc hoạt động nội hàm và có phần nào tính liên tục. Trong khoa học xã hội, việc sử dụng nó như một thuật ngữ mô tả bị tranh luận, đặc biệt bởi hai nhóm học giả: các nhà sử học cá biệt luận có xu hướng nghi ngờ sự tồn tại của các hệ thống xã hội, hoặc ít nhất cảm thấy chúng không phải là giải thích chính của hiện thực lịch sử; và những người tin rằng hành động xã hội là kết quả của hành động cá nhân (thường được gọi là những người theo phương pháp luận cá thể) và “hệ thống” không gì khác hơn là tổng hợp của các hoạt động cá nhân này. Việc sử dụng thuật ngữ “hệ thống” trong khoa học xã hội ngụ ý niềm tin vào sự tồn tại của cái gọi là đặc điểm nổi bật.

[4] Encomienda là các khu vực lãnh thổ được vua ủy thác cho một người cai quản. Mỗi encomienda được quản lý bởi một chỉ huy được chỉ định. Họ có quyền thu thuế từ người dân ở một số khu vực, có trách nhiệm tương ứng về bảo vệ và quản lý tinh thần.

[5] Bá quyền (hegemony): Thuật ngữ này thường được sử dụng một cách lỏng lẻo để chỉ là sự lãnh đạo thống trị trong một tình huống chính trị. Antonio Gramsci, lý thuyết gia Cộng sản người Ý, sau Machiavelli, đã nhấn mạnh vào thành phần văn hóa/ý thức hệ, trong đó sự lãnh đạo được người dân chính đáng hóa theo cách nào đó, mà ông xem là rất quan trọng để cho phép giới tinh hoa duy trì quyền lực. Thuật ngữ này được sử dụng hẹp hơn trong phân tích các hệ thống-thế giới. Nó đề cập đến những tình huống trong đó một nhà nước kết hợp ưu thế về kinh tế, chính trị và tài chính so với các nhà nước mạnh khác, và do đó cũng nắm cả sự lãnh đạo về quân sự và văn hóa. Các quyền lực bá quyền xác định các quy tắc của trò chơi. Định nghĩa theo cách này, bá quyền không tồn tại lâu dài, và có tính tự hủy.

Print Friendly and PDF