CON ĐƯỜNG TƠ LỤA: BIÊN NIÊN SỬ VỀ MỘT SỰ PHỤC SINH
Như vào thời con đường tơ lụa lịch sử, một nhà buôn trà và đàn lạc đà của ông rông ruổi qua thành phố Zhangye, tỉnh Cam Túc của Trung Quốc. (Ảnh: WANG JIANG/IMAGINECHINA) |
Tập Cận Bình đã tạo lập thương hiệu của ông. Ông muốn làm nó trở thành một di sản của ông. Vị chủ tịch của Trung Quốc đã giương cao “con đường tơ lụa mới” của ông như là ngọn cờ của một nước Trung Quốc tự tin, không còn mặc cảm: ngọn cờ của một kiến trúc sư vĩ đại của cán cân quyền lực quốc tế. Nhưng làm thế nào để sáng kiến này thành hình? Cho đến gần đây, khái niệm của chính phủ Trung Quốc có hơi hướm giống như một nhãn hiệu, một công cụ đảm bảo tính nhất quán của nhiều dự án cơ sở hạ tầng, tất cả được đưa ra trước khi hình thành công thức. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, đã có nhiều tiến độ của Bắc Kinh về mặt tài chính và công trình, phản bác cách nhìn trên. Hãy quay trở lại, theo các bản đồ, nguồn gốc và sự hóa thân từng bước của một trong những sáng kiến địa chính trị tham vọng lớn nhất của thế kỷ XXI: sự phục sinh con đường tơ lụa.
Khái niệm “con đường tơ lụa mới” không lập tức có được những đường biên mà ngày nay chúng ta được biết đến nó. Khái niệm này đã được các nhà báo và các chuyên gia phương Tây phát triển lần đầu tiên, vào cuối những năm 2000, để mô tả sự xích lại gần giữa Trung Quốc và Trung Đông. Một khoảng thời gian ngắn sau đó, ý tưởng về một con đường tơ lụa mới được chính phủ Trung Quốc nắm lấy và đã trở thành đối tượng của một sự chiếm hữu từng bước.
Vào tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình trước hết đã giới thiệu dự án “vành đai kinh tế của con đường tơ lụa mới” của ông; tức con đường bộ chạy từ Tây An đến Venice. Rồi, vào tháng 10 cùng năm, đến lượt “con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ XXI” được chính thức công bố; như thế con đường tơ lụa trên bộ được bổ sung thêm một tuyến đường biển nối liền Quảng Châu đến Venice. Cũng trong thời gian đó, được đặt lại tên là “Một vành đai, Một con đường” (“One Belt, One Road” viết tắt là OBOR), con đường tơ lụa mới, kể từ tháng 3 năm 2015, được chia thành sáu hành lang, dọc ngang toàn bộ vùng Âu-Á.
Mục tiêu đề ra của chính phủ Trung Quốc nhắc lại di sản của con đường tơ lụa lịch sử (xem bài viết của chúng tôi về chủ đề này). Đó là việc chính thức làm sâu sắc thêm các quan hệ ngoại giao, văn hóa và kinh tế với những nước có con đường tơ lụa mới đi ngang qua. Nhưng trong thực tế, trọng tâm là một sự tập trung có chủ đích vào các trao đổi thương mại.
Tập Cận Bình và chỉ có Tập Cận Bình
Cần phải hiểu dự án con đường tơ lụa mới như là một công cụ của tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tại Trung Quốc, bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và căng thẳng xã hội đang làm suy yếu chính quyền trung ương. Song, đảng biết rằng họ được dân chúng đánh giá qua các thành quả kinh tế của mình. Do đó, cần phải đảm bảo các tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhằm bảo đảm tốt nhất sự thông cảm, và tệ nhất là sự thờ ơ của dư luận xã hội. Đó là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc muốn đảm bảo các dòng chảy nhập khẩu năng lượng và dòng chảy xuất khẩu hàng hoá. Điều này đòi hỏi phải triển khai một mạng lưới rộng lớn các cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, do tuyến đường thương mại hàng hải bị đe dọa bởi nạn cướp biển và khả năng kiểm soát tiềm tàng của Hải quân Mỹ.
Vì vậy, công khai khái niệm và làm cho nó được chấp nhận là chưa đủ. Dự án của Trung Quốc phải trở thành hiện thực, đó là vấn đề chính. Và để làm được điều đó, Tập Cận Bình dựa vào nhiều cách tiếp cận khác nhau mang tính chỉ đạo ít nhiều, nhưng mang tính duy ý chí một cách dứt khoát.
Với sự ra mắt trong năm nay của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank – AIIB), Bắc Kinh chơi con bài chủ nghĩa đa phương. Với số vốn 100 tỷ USD (75% của châu Á và 30% của Trung Quốc), ngân hàng AIIB tập hợp 57 quốc gia thành viên sáng lập (trong đó có Pháp) trong khi giữ hai đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc là Nhật Bản và Hoa Kỳ ở khoảng cách xa. Nhưng ngoài nền tảng đa phương này, các công cụ tài trợ chính cho con đường tơ lụa mới đều nằm trong tay của chính phủ Trung Quốc. Vì thế, các thông báo đầu tư không phân biệt được đưa ra như một cơn mưa những lời hứa hẹn: thành lập “Quỹ con đường tơ lụa”, một quỹ có giá trị lên đến 40 tỷ US$ (tháng 12 năm 2014); bơm 62 tỷ US$ cho ba ngân hàng Trung Quốc để hậu thuẫn cho các chính sách của Nhà nước (tháng 4 năm 2015); khoản đầu tư tương lai có giá trị lên đến 892 tỷ US$ của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (tháng 4 năm 2015)... Đó là chưa kể đến việc tài trợ các dự án được xác định rõ ràng, chẳng hạn như việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cảng biển ở Sri Lanka (1,4 tỷ US$) hoặc nâng cấp hệ thống lưới điện của Pakistan (37 tỷ US$).
Tuy nhiên, để từng hành lang trong sáu hành lang [của con đường tơ lụa mới] trở thành hiện thực, cần phải có một dự án đặc biệt – một cảng biển, một tuyến đường sắt hoặc khác cho mỗi hành lang. Thông qua bản đồ tương tác của chúng tôi, chúng tôi xin mời các bạn khám phá danh tính của các dự án hàng đầu này, cũng như tìm hiểu một phân tích các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Xem qua điểm neo của các dự án hàng đầu của họ, trung tâm của con đường tơ lụa mới dường như đánh vào vùng châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng về mặt an ninh năng lượng, trong thực tế, chính trục tiếp cận giữa Trung Quốc với Trung Đông mới là điểm tựa của dự án khả thi của Tập Cận Bình, về cơ bản. Vả lại sẽ không có tính chính danh để phục sinh khái niệm con đường tơ lụa nếu chỉ quan tâm đến vùng châu Á-Thái Bình Dương mà thôi...
Từ Trung Quốc, việc tiếp cận bằng đường bộ với Trung Đông bị điều kiện hóa bởi sự phát triển một mạng lưới cơ sở hạ tầng quan trọng ở Trung Á. Từ đó, Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến vùng này, hơn nữa đây là vùng rất giàu tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.
Trung Á, một vùng khập khiễng của Châu Á
Tất nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất thèm muốn vùng này. Có rất nhiều cường quốc đã và vẫn muốn đặt chân lên vùng Trung Á. Cha đẻ của địa chính trị, John Mackinder, gọi vùng này là Heartland (1919), “trái tim của thế giới” (trên thực tế, tên mà Mackinder gọi là “hòn đảo thế giới”: có nghĩa là vùng Âu-Á). Tên gọi này xuất phát từ tính chất chiến lược của vùng này, đã từng chứng kiến cuộc đụng độ, vào thế kỷ XIX, giữa các đế quốc Nga và Anh để kiểm soát nó. Còn được biết đến là “Cuộc chơi lớn” nổi tiếng. Một trò chơi mà ngọn gió dường như, ngày nay, vẫn còn thổi qua vùng này.
Thật vậy, mỗi cường quốc trong khu vực (Nga, Liên minh châu Âu) hoặc không nằm trong khu vực (Hoa Kỳ), đang ấp ủ một dự án hợp tác xuyên lục địa mang tính cạnh tranh, trong đó bao gồm Trung Á. Nhưng trong ba sáng kiến, có một sáng kiến đã bị từ bỏ (TRACECA hay Hành lang giao thông vận tải châu Âu-Caucasus-châu Á), một sáng kiến khác đã nhanh chóng bị lu mờ (Sáng kiến con đường tơ lụa mới của Mỹ), và sáng kiến cuối cùng vẫn còn phải mang đi thuyết phục (Liên minh Âu-Á của Putin). Chuỗi thất bại này, về mặt tiềm tàng hoặc đã được xác nhận, được giải thích phần lớn bởi sự bất ổn của vùng đất rất được thèm muốn này.
Với năm nước thuộc Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ouzbékistan, Tajikistan và Turkmenistan), theo nghĩa truyền thống, chúng ta nhìn thấy đứng trước những Nhà nước trẻ tuổi, đa sắc tộc, với các đường biên giới mang tính tùy tiện và chế độ chuyên quyền. Tại các nước đó, tệ nạn tham nhũng là một bệnh dịch và sự ổn định chính trị mang tính ít nhiều bấp bênh. Vì thế, vùng đất của họ, một cách tiên nghiệm, là một vùng đất không thuận lợi cho sự phát triển đúng đắn của một mạng lưới hạ tầng giao thông rộng lớn. Hơn nữa, Trung Quốc rất khó đảm bảo an ninh năng lượng của họ khi dựa vào các Nhà nước mà môi trường là rất mong manh đến độ, có thể trở nên nguy hiểm. Ngoài ra còn có nguy cơ khủng bố đang gia tăng.
Trang web Meduza của Nga gần đây đã tiến hành điều tra và chứng minh rằng trong các thành viên của Daech [Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) – ND] có những người gốc Tajikistan. Vì thế, Bắc Kinh lo ngại đến sự an toàn của các cơ sở hạ tầng (hiện tại và tương lai), cũng như sự an toàn của các công dân của họ trong vùng (xem bài viết của chúng tôi về chủ đề này). Thực vậy, ĐCSTQ lo ngại rằng các lợi ích của họ bị đe dọa bởi một cuộc tấn công khủng bố, do việc Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Uighur ở tỉnh Tân Cương.
Đó chính là một trong những trở ngại lớn cuối cùng của dự án Trung Quốc trong vùng. Việc mở cửa biên giới giữa Trung Quốc với Trung Á, sau sự sụp đổ của Liên Xô, đã kích hoạt lại sự tiếp xúc giữa người dân Uighur ở Tân Cương với người dân Uighur ở Kazakhstan và Kyrgyzstan. Trong bối cảnh này, dự án con đường tơ lụa mới là con dao hai lưỡi đối với Bắc Kinh. Một mặt, nó cho phép xây dựng một môi trường ổn định và thịnh vượng trong vùng. Theo chính quyền trung ương, những khuynh hướng ly khai ở Tân Cương sẽ giảm nhiệt theo. Nhưng mặt khác, sự kết nối dễ dàng hơn giữa tỉnh Tân Cương của Trung Quốc với phần còn lại trong khu vực có thể góp phần tạo ra một mạng lưới người Uighur xuyên quốc gia. Trong trường hợp này, đúng ra cần phải thấy trước khả năng tăng cường các khuynh hướng ly khai. Về vấn đề người Uighur, chiến lược của Bắc Kinh là phải xác định tình thế trong trường hợp có sự gia tăng kết nối trong vùng.
Hẹn gặp lại vào năm 2049
Như vậy, Trung Á vừa là nam châm chỉ đường vừa là tử huyệt của con đường tơ lụa mới. Tính mong manh của các Nhà nước của họ có thể chặng đứng chủ nghĩa duy ý chí, thậm chí cả chủ nghĩa chỉ đạo của Trung Quốc, do không thể trực tiếp can thiệp vì sợ bị cáo buộc can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. Do Bắc Kinh đang vận động, trên sân khấu ngoại giao thế giới, sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, sự cân bằng đa cực và, do đó, sự không can thiệp. Nhưng điều này không ngăn chặn họ, như chúng ta đã biết, thích nghi các nguyên tắc này dựa theo các lợi ích sống còn của họ, như ở bán đảo Đông Dương trong quá khứ hoặc ở Biển Đông hiện nay.
Và, cuối cùng, nếu dự án con đường tơ lụa mới là dấu hiệu của một nước Trung Quốc tại ngã tư đường thì sao? Bản thân Tập Cận Bình đã mô tả sáng kiến của ông như là “một mô hình mới các trao đổi thương mại quốc tế”; những trao đổi không chỉ về thương mại, mà còn về ngoại giao và con người (xem bài viết của hãng thông tấn Tân Hoa Xã, bằng tiếng Trung). Vì vậy, Chủ tịch của Trung Quốc đã giới thiệu đất nước ông như là một cường quốc có trách nhiệm trên toàn thế giới. Một diễn ngôn như vậy khác hẳn với diễn ngôn của một cường quốc trong khu vực, vốn được Bắc Kinh ưu tiên trước đây.
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn là cần thiết. Cho đến nay, chưa có một thời gian biểu nào được công bố và, mặc cho những tiến độ đã được thực hiện, các phương thức triển khai dự án vẫn chưa rõ ràng. Chỉ mới chốt lại được thời hạn năm 2049, sự phục sinh con đường tơ lụa phải trùng với thời điểm kỹ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Do đó, chính phủ Trung Quốc có một biên thời gian thoải mái để sắp xếp, nhằm điều hành tốt một công trình tầm cỡ Pharaon (ý muốn nói vĩ đại – ND), mà tương lai vẫn còn chưa rõ ràng.
Giới thiệu tác giả
Là nghiên cứu sinh về khoa học chính trị, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học chính trị (CERI), Alexandre Gandil là thành viên ban biên tập của Asialyst. Các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào quỹ đạo chính trị của Đài Loan, kể từ khi tách khỏi lục địa Trung Quốc vào năm 1949, và sự tiến triển mang tính hệ quả của quan hệ Trung-Đài. Là nhà báo và người vẽ bản đồ, ông đã từng làm việc cho đài phát thanh Le Dessous des cartes, phát sóng trên Arte. Alexandre Gandil đã học tiếng Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại INALCO, sau đó học địa chính trị tại IFG (Đại học Paris 8).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Route de la soie: chroniques d’une résurrection, Asialyst, 17/8/2015.