21.7.19

Nghệ thuật kể chuyện định hình chiến lược kinh tế như thế nào?


NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN ĐỊNH HÌNH CHIẾN LƯỢC KINH TẾ NHƯ THẾ NÀO?
Johan Fourie
Việc kể chuyện đã có từ lâu đời như lịch sử của nền văn minh. Những câu chuyện được kể xung quanh ngọn lửa, trong các văn bản tôn giáo và những quyển sách dành cho thiếu nhi cho chúng ta biết căn tính (identity), và khắc ghi vào tâm khảm của chúng ta những chuẩn mực và giá trị để giúp chúng ta hiểu về thế giới xung quanh.
Những nhà kinh tế bắt đầu hiểu rằng các câu chuyện cũng định hình hành vi, và vì thế chúng định hình những kết quả kinh tế. Trong một bài báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research-NBER), nhà kinh tế tài chính và là khôi nguyên của giải [về kinh tế học để tưởng nhớ] Nobel năm 2013 Robert Shiller kêu gọi nghiên cứu về ‘các tự sự kinh tế’. Ông cho rằng cách mà chúng ta nói về những sự kiện, ví dụ như cuộc Đại Khủng hoảng (những năm 1930), Đại Suy thoái (2007-09) hoặc các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump ngày nay đã ảnh hưởng (hoặc sẽ ảnh hưởng) đến các kết quả của những sự kiện này. Ông giải thích rằng những chu kỳ kinh tế không thể chỉ được giải thích bằng tính duy lý của các con số. Những câu chuyện mà chúng ta kể, và cách mà những câu chuyện này lan truyền cũng rất quan trọng.
Các câu chuyện hay tự sự về kinh tế là những cách đơn giản hóa để giúp chúng ta hiểu thế giới. Chúng tồn tại dưới nhiều hình thức: từ các bài báo và sách, đến những giai thoại và truyện cười. Những câu chuyện thường thu hút chúng ta không chỉ vì chúng thuật lại tất cả các sự kiện, mà còn vì chúng giải thích thế giới bằng cách củng cố những thiên kiến (bias) và niềm tin hiện có của chúng ta.
Arthur Laffer (1940-)
Donald Rumsfeld (1932-)
Shiller sử dụng một câu chuyện để giải thích tác động của những câu chuyện. Vào một buổi tối năm 1974, tại một nhà hàng ở Washington DC, nhà kinh tế Arthur Laffer đã ăn tối với hai nhân vật quan trọng của Nhà Trắng là Dick Cheney và Donald Rumsfeld. Họ đã thảo luận về chính sách thuế. Laffer lấy một cái khăn ăn và vẽ lên đó một đồ thị hình chữ U ngược. Ở phía bên trái, thuế suất là 0%, có nghĩa là thu ngân sách từ thuế thu nhập cũng bằng không. Ở phía bên phải, thuế suất là 100%, đồng nghĩa với việc không ai làm việc và thu ngân sách từ thuế cũng bằng không. Điều này chỉ ra rằng có một mức thuế suất tối ưu mà thu ngân sách từ thuế không thể tăng hơn nữa, cho dù thuế suất tăng hay giảm.
Jude Wanniski (1936-2005)
Dick Cheney (1941-)
Cuộc họp năm 1974 này đáng ra là đã bị lãng quên, nhưng với Jude Wanniski thì không. Bốn năm sau đó, ông đã viết một bài báo sinh động trên tờ National Affairs [Các Vấn đề Quốc gia] về cuộc họp này. Câu chuyện này đã lan truyền nhanh chóng và có tác động lớn trong cuộc bỏ phiếu bầu Ronald Reagan làm tổng thống Mỹ vào năm 1980 cũng như cam kết của ông về việc cắt giảm thuế. (Ông cho rằng việc cắt giảm thuế có thể làm tăng doanh thu thuế vì Hoa Kỳ đã làm ngược lại với đường cong Laffer).
Tất nhiên Shiller không phải là người đầu tiên cho rằng những câu chuyện kể đóng vai trò quan trọng. Vài năm trước, Barry Eichengreen, Giáo sư Kinh tế học của Trường Đại học California (Berkeley, Hoa Kỳ) đã giải thích trong bài diễn văn nhậm chức chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Kinh tế rằng trong khi các nhà khoa học sử dụng phép diễn dịch [còn gọi là phép nội suy] hay phép quy nạp [còn gọi là phép ngoại suy] trong các nghiên cứu của họ thì các nhà hoạch định chính sách thường sử dụng phép tương tự [còn gọi là phép loại suy].
Barry Eichengreen (1952-)
Ông biết điều này từ kinh nghiệm của bản thân: khi người ta nhận ra mức độ nghiêm trọng của cuộc Đại Suy thoái vào năm 2007, các nhà hoạch định chính sách đã phải hành động nhanh chóng. Nếu họ tiếp cận nó theo phép diễn dịch, họ sẽ phải đồng ý với những lý do về mặt lý thuyết đã gây ra cuộc khủng hoảng. Eichengreen cho rằng điều này gần như không thể trước tình trạng chia rẽ sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế học vĩ mô. Nếu họ tiếp cận nó theo phép quy nạp, họ sẽ phải dựa vào bằng chứng thống kê, nhưng phần lớn chúng lại không có sẵn ngay lập tức.
Vì vậy, thay vào đó họ chuyển sang một sự kiện mà họ đã nghiên cứu: Cuộc Đại Khủng hoảng [1929 – 1939]. Ben Bernanke, một sinh viên nghiên cứu về cuộc Đại Khủng hoảng, đã sử dụng phép tương tự để đảm bảo rằng những sai lầm tương tự không bị lặp lại. Theo đó, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng đã được đưa ra. Phép tương tự cùng với cuộc Đại Khủng hoảng đã giúp việc truyền đạt dễ dàng hơn giải pháp chính sách của họ đến với đại chúng. Thay vì cố gắng giải thích lý thuyết hay những con số thống kê, họ có thể xây dựng một câu chuyện giúp mọi người hiểu tại sao việc nới lỏng định lượng (quantitative easing)[1] hoặc kích cầu tài khóa (fiscal stimulus)[2] là điều cần thiết.
Ben S. Bernanke (1953-)
Robert Shiller (1946-)
Nếu những câu chuyện góp phần quan trọng trong việc định hình phản ứng của chúng ta đối với những sự kiện kinh tế hoặc thuyết phục chúng ta về tính hợp lý (validity) của một số chính sách kinh tế thì các nhà kinh tế nên làm gì với điều này? Shiller đề xuất việc kết hợp phân tích văn bản (textual analysis)[3] vào nghiên cứu: “Cần có những nỗ lực nghiêm túc hơn nữa trong việc thu thập nhiều dữ liệu chuỗi thời gian về các câu chuyện kể, vượt ra khỏi việc thu thập thụ động từ ngữ của người khác, tiến tới các cuộc thí nghiệm nhằm bộc lộ ý nghĩa và tầm quan trọng của tâm lý học.” Nhưng khó ở chỗ: “Ý nghĩa của những từ ngữ này phụ thuộc vào bối cảnh và thay đổi theo thời gian. Ý nghĩa thực sự của một câu chuyện, tính đến tính lan truyền nhanh chóng của nó, cũng có thể thay đổi theo thời gian và khó theo dõi trong một thời gian dài.” Những kỹ thuật mới trong khoa học dữ liệu có thể giúp ích cho điều này.
Eichengreen đề xuất chú trọng vào nghiên cứu lịch sử. Hãy xem xét trường hợp phá sản của một ngân hàng ở Nam Phi. Chất liệu cho phản ứng chính sách là gì: đó là lý thuyết, thống kê hay những vụ phá sản ngân hàng trước đó, như ngân hàng Saambou và ngân hàng African? Có lẽ là phá sản ngân hàng.
Tuy thế, Eichengreen cũng cảnh báo lịch sử không hề lặp lại. Tất cả chúng ta đều có lăng kính ý thức hệ, mà qua đó chúng ta có thể nhìn vào quá khứ đặc biệt là khi những sự thật về điều đã diễn ra trong suốt những vụ phá sản trước đó không được biết đến rộng rãi. Câu chuyện về ngân hàng Absa gần đây [năm 2017][4] hiện ra ngay trong đầu tôi.
Johan Fourie
Bởi vì “những câu chuyện lịch sử đang bị tranh cãi”, Eichengreen gợi ý rằng, chúng ta nên thấy “ngày càng có nhiều sự chú ý rõ rệt tập trung vào câu hỏi làm thế nào mà những câu chuyện như thế được hình thành”. Vì vậy, để cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về thế giới cũng như khả năng dự đoán tương lai, các nhà kinh tế nên tìm hiểu cách mọi người kể chuyện và cách những câu chuyện này thuyết phục chúng ta phải có cách hành xử khác.
Johan Fourie là Phó Giáo sư Kinh tế học của Trường Đại học Stellenbosch [Nam Phi].
Bài viết này ban đầu xuất hiện với phiên bản giấy ra ngày 23 tháng 2 [năm 2017] của Finweek. Mua và tải tạp chí tại đây.
Phạm Thu Ngân dịch
Nguồn: How storytelling shapes economic strategy, Finweek, Feb 23, 2017.




Chú thích của người dịch:

[1] Nới lỏng định lượng (quantitative easing – QE) là một phương thức của ngân hàng trung ương để kích thích kinh tế bằng cách mua trái phiếu cùng những tích sản khác hầu tăng lượng lưu thông tiền tệ (tăng thanh khoản), kích thích đầu tư và chi tiêu …

Nới lỏng định lượng được thực hiện khi lãi suất đã xuống quá thấp gần bằng 0 và không thể giảm hơn nữa.

Đọc thêm tại: http://nghiencuuquocte.org/2015/03/24/noi-long-dinh-luong-la-gi/

https://www.investopedia.com/terms/q/quantitative-easing.asp

[2] Kích cầu tài khóa (fiscal stimulus) là một biện pháp tăng tổng cầu bằng chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện thông qua việc giảm thuế hoặc/và tăng chi tiêu của chính phủ.

Xem thêm tại: https://www.youtube.com/watch?v=4FNdUTN4cHY

[3] Phân tích văn bản (textual analysis) là phương pháp để các nhà nghiên cứu thu thập thông tin nhằm tìm hiểu làm thế nào mà con người hiểu về thế giới xung quanh mình, bằng cách nào mà các thành viên của những nền văn hóa khác nhau biết được họ là ai và cách họ tham gia vào xã hội mà họ đang sống. Phương pháp này thường được dùng trong nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu truyền thông và ngay cả trong xã hội học và triết học.

Đọc thêm tại: https://methods.sagepub.com/reference/the-sage-encyclopedia-of-communication-research-methods/i14636.xml

[4] Vào tháng 1/2017, Busisiwe Mkhwebane – Cơ quan Bảo vệ Công cộng của Nam Phi, đã gửi một báo cáo sơ bộ cho ngân hàng Absa, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB), kho bạc và tổng thống. Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 1985-1992, Absa đã nhận được số tiền cứu trợ bất hợp pháp tới hơn R1.125 tỷ từ SARB. Trong báo cáo, Mkhwebane khuyến nghị Absa buộc phải trả lại R2.25 tỷ đồng cho các tương tác tài chính bất hợp pháp này. Cả ngân hàng Absa và SARB đều phản đối báo cáo này.

Đọc thêm tại: https://www.biznews.com/sa-investing/2017/06/19/bankorp-saga-absa-public-protector-r1-125bn

https://businesstech.co.za/news/banking/226067/absas-r1-125-billion-apartheid-bailout-report-set-aside/

Print Friendly and PDF