9.7.19

Sự hình thành của giai cấp siêu tư sản

Một giai cấp mới đang chiếm lĩnh những đòn bẩy của quyền lực
SỰ HÌNH THÀNH CỦA GIAI CẤP SIÊU TƯ SẢN
Denis Duclos
Khi đề cập đến chế độ tư bản toàn cầu hóa, ta thường hay nghĩ đến một nhúm tỷ phú thống trị toàn cầu. Tuy nhiên, những người này không thể nào nắm toàn bộ những đòn bẩy của quyền lực. Sự toàn cầu hóa đi đôi với sự hình thành một thành phần tư sản mới làm thuê mà những tham vọng đe dọa những giai cấp trung lưu dân tộc. Nhưng giai cấp mới này có thể đảm bảo cho sự tồn vong của chế độ không nếu không được nuôi dưỡng bởi cái nền văn hóa chính trị và công dân của những thành phần tư sản truyền thống?
Khi mà 90% dân số trên trái đất sẽ lệ thuộc cùng những người chủ được biết đến, những người này sẽ phải sống trong sự sợ hãi về một cuộc nổi dậy không thể tránh được. Do đó vấn đề cốt tử đối với chế độ tư bản, ở thời điểm của sự toàn cầu hóa, là sự lớn mạnh của một thành phần siêu tư sản tương ứng với thế lực mới của họ, và thế lực mới này sẽ phải xác lập những quan hệ hòa nhã với những thành phần khác của xã hội.
Từ đầu này đến đầu kia của thế giới, cái villa La Mã giả, các bể bơi khổng lồ, các bãi cỏ to lớn, sự phối hợp của các xe hơi đủ màu sắc, không còn là cái riêng của một Citizen Kane[*] của những năm 1930 nữa, mà là biểu hiện của sự tăng sinh của một thành phần siêu tư sản tự thừa nhận như vậy. Sở thích đáng buồn nôn của con người chỉ muốn tích lũy đã được áp đặt cùng với trò chơi cuồng nhiệt nhằm phá hủy những điều quý báu mà mọi giai cấp lãnh đạo văn minh đã đạt được.
Nhà triết học Clément đã từng nói rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa trong sự vui sướng của thực tại đối lập với cái hư vô[1]. Nhưng, chúng ta, những con người, thì khó có thể chấp nhận niềm vui theo kiểu Spinoza, và chúng ta lại vồn vã tạo ý nghĩa cho mọi thứ: như cái trên cái dưới. Lịch sử, như là một sự hư cấu, có vẻ như là một cuộc đấu tranh để sáng tạo một cái trên, nơi để nhô lên để có thể nhìn những kẻ khác như là chúng ở dưới ta; và nếu chúng không tin điều đó, thì phải buộc chúng tin điều đó.
Sự sáng tạo ra thế giới tự do chủ nghĩa cũng không thoát khỏi quy luật đó: nó giúp cho thành phần ưu tú tự xưng bay cao trên bầy không-ra-gì (sans grade). Ta sẽ không hiểu được những sự tiến hóa kinh tế nếu không thấy rằng các diễn tiến này cũng tham gia vào trò chơi so sánh các quyền lực. Nay thì các Nhà Nước Quốc Gia không còn là cái thước đo lường quyền lực, mà đã được thay thế bởi các công ty đa quốc gia. Một cuộc diện mới đã tái xây dựng thách thức biểu tượng, chính trị và xã hội được che giấu đằng sau dòng chảy trừu tượng của tiền bạc. Vào lúc đó thì một thành phần lãnh đạo có tầm cỡ toàn cầu lại trồi dậy. Đã đến lúc phải phác họa sự phân tích thành phần này[2].
Jean Claude Milner (1941-)
Trò chơi trẻ con muốn xác nhận một vật được đứa em của mình ước muốn chỉ để tước nó đi khiến cho người thống trị rơi vào một tình trạng cô đơn đầy hận thù. Như vậy, sự tổ chức thành giai cấp là cần thiết cho sự tồn vong của thành phần ưu tú. Cứ mỗi lần mà các giá trị quay vòng, thì có cả một lô những người nắm những cổ phiếu lại bị phá sản, trong khi số lượng những người làm công bị bần cùng hóa và những người thất nghiệp lại tăng lên. Nếu, như Jean Claude Milner đã nhắc chúng ta trong một quyển sách châm chọc[3], nếu giai cấp tư sản không duy trì được trọng lượng của mình bằng cách giành được cho mình một sự thu nhập làm công cao dựa trên một chính sách có ý đồ nhằm biển thủ khỏi cái cơ chế khắc nghiệt của sự thặng dư giá trị, thì nó sẽ biến mất đi trong vòng vài thập niên.
Điều càng đúng hơn nữa, với sự toàn cầu hóa: trong cuộc chơi tự do của thị trường thế giới, chủ nghĩa tư bản sẽ tự phá hủy mình chỉ trong chốc lát. Do đó, nó buộc phải trả công cho một thành phần lãnh đạo thế giới rộng lớn, vượt xa con số mấy nghìn tỷ phú được tạp chí Forbes ghi nhận. Nếu không, chỉ cần tài sản của họ tăng 1% mỗi năm trong một thế giới mà sự tăng trưởng và sự nghèo đi bù trừ lẫn nhau, một nhúm những gia đình giàu kếch xù sẽ làm chủ hoàn toàn định mệnh của nhân loại trước khi thế kỷ tới kết thúc.
Nhưng sức mạnh này cũng sẽ có cái mặt trái của nó: khi mà 90% con người lệ thuộc vào những ông chủ mà ai cũng biết, thì những người này sẽ phải sống trong sự lo âu về một cuộc nổi dậy không thể tránh. Do đó, đối với chế độ tư bản thế giới, vấn đề cốt yếu là cần phải có sự tăng trưởng của một thành phần tư sản mới tương ứng về số lượng với cái sức mạnh mới của mình, và thành phần mới phải xác lập những mối tương quan hòa nhã với những thành phần khác của thế giới của “mình”. Nhưng, nếu không có một Nhà Nước để điều tiết, nếu không có những tiêu chí được thương lượng để xây dựng một thành phần ưu tú thế giới, thì phải cấu tạo thành phần tư sản như là một giai cấp như thế nào? Phải kết hợp nó với các thành phần trung lưu như thế nào? Quyền lực của nó không thể lớn mạnh bằng cách tách rời khỏi những thành phần khác, bằng cách không đếm xỉa đến cái nhìn của kẻ khác (đúng như việc thành phần tư sản không thể nào tài trợ cho việc giáo dục cho thấy).
Jacques Attali (1943-)
Michael Lind (1962-)
Chính vì nó muốn ở “bên trên” của thế giới, cho nên chúng ta gọi thành phần lãnh đạo đang trỗi dậy là thành phần siêu tư sản, khác với những gia tài kếch xù hay những tầng lớp quý tộc tài chánh vốn đã trở thành quốc tế từ lâu, mà nó là cánh tay nối dài về mặt chức năng, đội ngũ “những người cộng tác thân cận nhất”. Nó gần với khái niệm giai cấp ở trên (overclass) của nhà nghiên cứu chính trị Michael Lind[4] nhưng thực tại của nó cũng khác xa với ý tưởng “siêu giai cấp/hyperclasse” mang tính vị lai và lãng mạn đã được Jacques Attali lấy lại[5].
Thành phần siêu tư sản kết hợp những vị trí quyền lực và những dấu hiệu của một sự cố kết văn hóa. Những vị trí quyền lực xuất phát từ những vị trí trong những tổ chức tài chánh, tư vấn hay những văn phòng luật sư, tức là những phòng điều khiển các luồng tài chánh và đưa ra những quyết định độc đoán. Ta còn có thể đi xuống đến những cơ quan quản lý chiến lược của tiến trình sản xuất. Nhưng vì các gia tài lớn (và những tổ chức săn tài năng của họ, những tỷ phú đã tự mình xây dựng được gia tài của mình)[6], đã rời bỏ lãnh vực công nghiệp để hướng tới lãnh vực tài chánh, công nghệ thông tin, truyền thông, phân phối, sản phẩm xa xỉ hay du lịch, thành phần siêu tư sản đã phát triển trong một sự chuyển động để thoát khỏi thế giới của người kỹ sư.
Hơn cả thành phần thượng lưu Anh Mỹ mà họ là những kẻ kế thừa, thành phần siêu tư sản thế giới là một sự phân chia những vị trí then chốt về mặt ảnh hưởng và ra quyết định nhanh, chẳng hạn như các vị trí đã giúp đưa ra những vụ tấn công sắc bén các đồng tiền Á Châu, trong khi vẫn rút ra được một lợi nhuận cho các khoản đầu tư của Tây Phương ở các nơi bị lâm nguy. Sự phá sản, thật sự nhưng với một phạm vi được hạn chế, của hàng trăm triệu người cho thấy phạm vi tác động của những quyết định của thành phần siêu tư sản – có hiệu quả về mặt chính trị hơn là về mặt tài chánh.
Về phong cách sống, lúc ban đầu thành phần siêu tư sản đã mô phỏng thành phần giàu có của Mỹ và quốc tế. Thích sống trong các thành phố lớn, phong cách sống này đã thực hiện một sự hợp nhất đầu tiên giữa các người thừa hưởng các tô và các cán bộ lãnh đạo cao cấp. Một trong những biểu tượng của sự hợp nhất này chính là việc tăng thu nhập của các thành phần này phần lớn là do việc được sở hữu những cổ phiếu. Khi mà thành phần thượng lưu Mỹ thường là theo đạo Tin Lành hay Do Thái hơn là Công Giáo, và thường theo giáo phái episcopalien hơn là methodiste hay baptiste (đạo Tin Lành có nhiều giáo phái – ND), thì thành phần siêu tư sản lại có những sự pha trộn đa dạng hơn. Nhưng, dù họ xuất xứ từ Á Châu hay Châu Mỹ La Tinh, sự theo đuổi một chủ nghĩa cá nhân khắc khổ vẫn dễ được chấp nhận hơn (như được sự phát triển mạnh mẽ của giáo phái Pentecote minh chứng).
Mô hình Mỹ vẫn là một mẫu mực cho mọi thành phần siêu tư sản. Ta có thể phân biệt rõ ràng “con người quốc tế ở vùng ven biển” - có bằng tiến sĩ của một trường đại học tư danh tiếng của Mỹ, với một giọng nói ngạo mạn, thích rượu vang Pháp và pho mát nhập khẩu, đọc giả của tờ Harper’s Magazine, xem chương trình của Mc Neil hay Lehrer trên PBS (nếu họ còn có truyền hình), chơi squash và đi du lịch ở Âu Châu hai tháng mỗi năm, với “con người bản địa sống ở vùng trong”, tốt nghiệp một trường đại học công nhỏ, với một giọng nói kéo dài, thích uống bia với các pancake được trét bơ đậu phộng, chơi bowling, xem các chương trình truyền hình cáp Nashville và đi nghĩ những ngày cuối tuần ngắn ngủi ở Disneyland hay Las Vegas.
Ở tất cả những nơi mà một thành phần ưu tú lục địa đã thành hình, có nguồn gốc, thí dụ ở Nga, từ những quan chức đã chuyển đổi[7], hay ở Trung Quốc từ truyền thống của những phường hội mà Đảng Cộng Sản đã không bao giờ phá bỏ được, một thành phần siêu tư sản đã có cơ hội quy định sự hình thành của chính mình. Và, ở đây cũng như ở Châu Mỹ, những mầm mống của nó không xuất phát từ hoạt động kinh doanh mà từ những vị trí làm công. Cũng như giai cấp tư sản dân tộc đã xuất hiện trước nó, thành phần siêu tư sản đã để cái phần lớn rủi ro của hoạt động kinh doanh cho những những kẻ về hưu có được một ít tô tức gánh chịu, rủi ro mà họ thích kiểm soát hơn từ những vị trí độc lập với những biến động bất ngờ của thị trường, với một phương cách có hiệu quả hơn nữa vì họ là những người kiểm soát các sự biến động này.
Những “kẻ siêu tư sản” bổ sung lương của họ với những hoa hồng, nhưng vị thế của họ được bảo đảm trước hết trong những guồng máy quan liêu tư nhân. Ở Mỹ, vị trí của người tổng giám đốc điều hành (CEO) cung cấp một đồng lương cao hơn trăm lần lương của một người công nhân cơ bản. Cũng giống như thành phần lãnh đạo cũ được trả lương, nhưng ở một mức độ cao hơn nhiều, thành phần siêu tư sản là một tổ chức chính trị của sự thu nhập bền lâu, nhưng nó ổn định tổ chức này một cách tốt hơn, thông qua những hiệp hội nghề nghiệp hoạt động như những văn phòng kiếm việc làm và những đòn bẩy của quyền lực trực tiếp (chẳng hạn như Hiệp Hội Luật Sư Mỹ/American Bar Association nổi tiếng). Thành phần siêu tư bản không được đặt bên cạnh giai cấp tư bản dân tộc hay khu vực: nó thay thế hai giai cấp này.
Jean Claude Milner bảo vệ giả thuyết cho rằng chủ nghĩa tư bản nay không cần đến giai cấp tư sản và những “siêu lương bổng” về thời gian và tiền bạc (được bao gồm trong những chi phí của tư bản để nuôi dưỡng một thành phần trung lưu rộng lớn) sẽ giảm, để được giành cho việc cung cấp ngày càng nhiều của cải cho phần thặng dư. Ông có thể đúng một phần nào, với điều kiện là thấy được sự cần thiết về mặt chính trị và mặt biểu tượng của giai cấp tư sản đối với sự tồn tại của chế độ tư bản không bị phủ nhận khi phát triển ở phạm vi toàn thế giới. Sự suy giảm mạnh mẽ của các siêu lương bổng là có thật, nhưng nó chỉ liên quan đến những bộ phận của thành phần tư sản mà sự quan trọng chiến lược đã giảm đi: đó là những bộ phận gắn liền với những Nhà Nước bảo trợ hay những công nghiệp có cơ sở trong nước.
Chiến lược con chim cu cu  
Nhưng tại sao thành phần siêu tư bản lại thay thế các thành phần tư bản cũ đã ổn định mà lại không chỉ vừa lòng với việc tạo thêm một tầng lớp cao cấp hơn?
Có ba lý do gắn kết với nhau. Trước hết, giai cấp tư sản đã được các nhà tư bản xây dựng dựa trên những lý do chính trị, và nó lệ thuộc vào tính logic của họ. Ta không thể cùng lúc nói rằng “chúng ta xây dựng thành phần lãnh đạo với những chủ các xí nghiệp lớn” và “những ông chủ là những nhân viên của những ai nắm cổ phần”. Nếu ta lựa chọn mô hình thứ hai, thì việc người lãnh đạo được tuyển dụng để chia cắt một công ty thành mười mảnh, trong đó năm, sáu mảnh sẽ bị vứt bỏ, có thu nhập cao hơn cả trăm lần ông chủ tịch tổng giám đốc cổ điển, quá gắn bó với một logic công nghiệp theo lối gia trưởng dài hạn, là điều bình thường. Nếu chính sách của tư bản giành sự ưu tiên cho những người làm cho vốn xoay chuyển một cách nhanh hơn so với những người tạo ra giá trị, cái thang của sự xếp hạng sẽ chuyển từ một thành phần tư sản sản xuất sang một thành phần tư sản chuyên về đầu tư. Ta cũng không thể nào cùng lúc khẳng định rằng “trình độ nghiệp vụ cao nhất được quy định bởi những văn bằng” và “điều thật sự quan trọng là phải biết vận hành cái sân khấu truyền thông bằng cách thu hút sự chú ý của quần chúng”. Nếu ta lựa chọn thông điệp thứ hai, thì người hướng dẫn chương trình trên truyền hình có thu nhập cao hơn vị giáo sư đại học mà ông có thể làm xuất hiện hay làm biến mất khỏi màn hình truyền hình khi nào ông thấy cần thiết, cũng là điều bình thường.
Lý do thứ hai mang tính kinh tế: khi sự luân chuyển thắng thế so với sự sản xuất, sự tăng trưởng thuần sẽ giảm đi, và những sự căng thẳng được trả giá bằng những sự sụp đổ. Thành phần siêu tư sản không được thiết lập trên một sự thặng dư dài hạn được tạo ra bằng tính kinh tế theo quy mô (sự tập trung trên phạm vi toàn thế giới) mà trên sự phân chia một cái bánh chỉ lớn hơn một ít mà thôi. Nó chiếm đoạt những phần thu nhập vốn đã được phân chia cho những bộ phận khác của giai cấp tư sản.
Lý do cuối cùng là trong lãnh vực tổ chức: ở những nơi nào mà thành phần siêu tư sản chiếm lấy quyền chỉ huy trung ương, nó cũng chiếm những chức vụ của thành phần lãnh đạo trước, nhưng trên phạm vi toàn thế giới (được một nhóm tư bản trùm chiếm giữ trước đó nhưng lại không có quyền lực chính trị trực tiếp). Các nhà quân sự đều biết rằng quy mô của bộ tham mưu là độc lập so với số lượng quân sĩ: ta không thể lấy quyết định về hàng ngàn vụ điều động của một đội quân một trăm nghìn lính hay một đội quân với mười triệu quân. Cũng giống như vậy, những chức vụ ở cấp dưới chỉ có thể được duy trì nếu ta không có được những công cụ điều khiển được canh tân làm cho những thông tin xuất phát từ những chiến trường hoạt động ngày càng đa dạng được tập trung trong tay một bộ phận lãnh đạo tối cao có khả năng lấy hàng loạt những quyết định cùng một lúc. Vì có rất nhiều những công cụ này (sự tin học hóa, việc thiết lập các mạng, một sự quản lý thuần lý, v.v.), bộ tham mưu của nền kinh tế thế giới được đơn giản hóa cũng không cần đông hơn những trung tâm địa phương cũ.
Thành phần tư sản lãnh đạo cũ không thể giữ được vai trò của mình. Và, nếu họ còn giữ được những chức vụ hiện tại của họ, quá tốn kém dựa trên hệ thống giá trị mới, thì họ cũng chỉ còn có được cái bóng của quyền lực của họ trước đây. Những sự tụ hợp khổng lồ các hoạt động đa dạng có thể được điều khiển bởi một vài người sếp, và mọi nhóm nắm quyền quyết định cũ bị mua lại ở một cấp độ cao hơn đều mất đi chức năng lãnh đạo của mình. Họ trở thành một bộ phận thừa hành trung gian buộc phải thi hành một chính sách được quyết định ở những cấp ngày càng cao.
Sự giáng cấp này không chỉ liên quan đến các cán bộ cao cấp tại chức, mà cả đến những người trẻ mới tốt nghiệp. Thật vậy, một người trẻ mới tốt nghiệp các trường đại học Pháp và nước ngoài tốt nhất đã kể lại cho chúng tôi những nỗi đắng cay của anh ở công ty Rhone Poulenc, sau sự hợp nhất với đại công ty Rorer của Mỹ. “Những cán bộ cao cấp Mỹ đã đổ bộ ngay ngày hôm sau của sự hợp nhất. Lúc đầu thì họ cũng ít xuất hiện. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đều rõ, họ phải nắm những chức chiến lược, ngay cả ở cấp độ trung gian. Tôi không còn có những triển vọng về sự nghiệp như cách đây vài năm.”
Thật là ngây thơ nếu tin rằng sự thay thế thành phần ưu tú kỹ thuật quan liêu quốc gia hay liên bang bởi một thành phần ưu tú thế giới chỉ là việc của những nước hướng ngoại (Mỹ) hay của những nước hỗn độn (các nước cộng sản trước đây). Phong trào này cũng diễn ra ngay ở Châu Âu, nơi mà thành phần siêu tư sản tìm cách gây trở ngại cho một thành phần tư sản chức năng của một Nhà Nước tương lai của Cộng Đồng (Châu Âu) để phòng ngừa. Ở bất cứ đâu, kết quả cũng giống nhau: lương bổng và trách nhiệm của khung cán bộ cũ giảm đi; địa vị bất ổn của họ dần dần tan rã. Sự trung thành của họ cũng bị xói mòn và họ dễ bị lôi cuốn vào sự hủ hóa (bị mua chuộc), thành phần siêu tư sản “làm tổ” ngay giữa giai cấp tư sản dân tộc, nhưng họ sẵn sàng bỏ rơi nó khi nào họ có thể làm được điều này.
Một văn hóa săn mồi
Trò chơi kinh tế không có hàng rào ngoài những bộ lọc mà các bộ máy lãnh đạo công ty đã đặt, sử dụng vài tiến trình xã hội hóa quốc gia và loại bỏ vài cái khác. Qua những cái “mang” này, cả một cái làng đa văn hóa của thành phần ưu tú được thiết lập, gần như vô hình vì những mạng lưới thuộc địa của họ tan biến trong cái bối cảnh xung quanh. Có hàng ngàn biệt thự xa hoa được xây dựng chìm trong cái xã hội cổ truyền, nhưng thật sự càng xa lánh vận mệnh của các thành phần trung lưu.
Bề ngoài, “những người dân ngoại ô dễ thương này” có vẽ ít phân biệt chủng tộc hơn, dân chủ hơn, thân mật hơn các thành phần ưu tú cũ cứng nhắc và kiêu căng. Họ không tốt nghiệp trường đại học Cambridge và cũng không sống ở quận 16, chỉ đi nghỉ ở những câu lạc bộ và thường lập gia đình trong giới đồng đẳng được phả hệ xác minh rõ ràng. Nhưng chỉ cần một cơn khủng hoảng về tài trợ của thành phần trung lưu bình thường để hiểu được rằng gió đã đổi chiều. Vì sự khác biệt được bảo vệ một cách đắt đỏ, đôi khi xã hội lại tỏ vẻ sự bực tức của mình: chẳng hạn như tòa án phúc thẩm ở Californie đã ra quyết định rằng cái hàng rào bao quanh xã Whitley Heights (Los Angeles) là một sự “quay trở lại bất hợp pháp về thời Trung Cổ”.
Hẳn là có một phần của thành phần tư sản lãnh đạo cũ sẽ gia nhập thành phần mới. Kẻ giàu giả mới, thật sự là con cháu của một gia đình bị sạt nghiệp, vẫn là một nhân vật cổ điển của những câu chuyện về sự thành đạt. Nhưng sự thích ứng được đòi hỏi để gia nhập thành phần siêu tư sản loại trừ một sự chuyển đổi của đa số những thành phần ưu tú cũ vào thành phần này: sự thay đổi của “vốn văn hóa” quá đắt. Khả năng mà các thành phần tư sản quốc gia đã có được để thương lượng những mối quan hệ với xã hội không còn tác dụng gì cả trong một hệ thống giá trị hướng tới sự săn mồi nhanh nhất.
Tất nhiên đã có những sự liên minh đã được xây dựng giữa những cơ nghiệp cũ và mới. Những thành phần ưu tú bị đe dọa đã sớm bổ sung những văn bằng ở Trường Bách Khoa của con cháu của họ với những những thời gian học tập ở Harvard. Nhưng lần này thì sự canh tranh gắt gao hơn. Điều được đòi hỏi không chỉ là một sự bổ sung cho cái vẻ hào nhoáng văn hóa. Học tập quản lý hay luật Mỹ không còn đủ nữa. Cần phải sớm bỏ Goethe, Molière hay kịch nô để nắm được những kiến thức sơ đẳng của một nền văn hóa đã sớm được toàn cầu hóa.
Thành phần trung lưu bị o ép
Ngay cả trong trường hợp này, những dấu hiệu tuyệt vọng về một sự phục tùng cũng không bảo đảm sự gia nhập vào thành phần mới, và sự náo động (bồn chồn) của những cán bộ của các công ty công hay của những “hạt nhân cứng rắn” để chuẩn bị một cách thuận lợi nhất việc xẻ các công ty khủng cũ cũng chỉ là vô ích mà thôi. Một khi họ đã xây dựng lại công ty để các nhà đầu tư thế giới thấy rằng nó đáng được ve vãn, thì họ cũng sẽ là những nạn nhân đầu tiên của những sự thay đổi. Họ càng chứng tỏ một tinh thần hợp tác đầy nhiệt huyết, thì họ lại càng bị thất vọng: những nhà lãnh đạo mới không đánh giá thuộc cấp của họ dựa trên sự tán thành những giáo điều của chủ nghĩa tân tự do hay trên một tiếng Anh quốc tế còn kém, cũng như trên tính dễ bảo trong những buổi thực tập đa quốc gia trong đó học viên được học về sự “điều hành” và sự khắt khe trong việc sa thải những kẻ yếu kém nhất, mà trên một nền văn hóa được khắc vào tâm trí ngay vào thời niên thiếu.
Tuy nhiên, khác với những nhà tư bản lớn xây dựng những lãnh vực chinh phục mới dựa trên cơ sở dài hạn và sự truyền lại (các gia tộc Rothschild, Albrecht, Mulliez, Livanos, Hass, Walton, Cargill, Agnelli, Tsai Wan-Lin), con người siêu tư sản gặp những khó khăn để “di sản hóa” những lợi nhuận khủng khiếp mà họ đạt được, nhưng lại mang tính đầu cơ. Tuy là người chỉ huy quân đội, hắn không được hoàn toàn chấp nhận trong cái nhóm nội bộ. Hắn đã đạt được sự ổn định của thu nhập của mình, nhưng lại chưa có được sự công nhận xã hội lâu dài. Chẳng hạn như những nhà lãnh đạo của Calpers, quỹ tiền hưu nổi tiếng của những công chức ở California, tuy có thế lực mạnh hơn các chủ ngân hàng kinh doanh, nhưng lại không có gia sản riêng hay của gia đình.
Michael Oakeshott (1901-1990)
Ngoài ra sự chuyển đổi các thành phần ưu tú kéo theo một sự xói mòn văn hóa, tương ứng với sự đơn giản hóa các giá trị về cuộc chơi tiền bạc, nay hoàn toàn thoát khỏi những nghĩa vụ đối với xã hội dân sự.
Trước hết thành phần siêu tư sản mới làm giảm giá trị của nền văn hóa công dân. Michael Lind nhận thấy một trường phái mới của các sử gia có xu hướng xóa bỏ các lịch sử dân tộc, bị tương đối hóa đến mức bị tôn giáo hay kinh tế vượt lên trên. Trả lời cho sự phủ nhận “lịch sử của nước Pháp” của triết gia Anh Michael Oakeshott[8], Lind đối đáp lại một cách hài hước rằng “có một dấu tích bền lâu về một cái gì đó được gọi là Pháp hơn là về một cái gì đó mang tên Michael Oakeshott”. Hẳn là sự xét lại lịch sử nhằm loại bỏ quốc gia/dân tộc như là một “chủ thể lịch sử thích đáng” biểu lộ một trào lưu rất mạnh.
John Cavanagh (1955-)
Richard J. Barnet (1929-2004)
Nhưng, đích xác là cũng không có gì được đề nghị để thay thế cái vai trò văn minh hóa mang tính biểu tượng của cuộc tranh luận quốc gia/dân tộc. Khi Richard J. Barnet và John Cavanagh phỏng vấn các nhà lãnh đạo của những tập đoàn đa quốc gia, những người này không biết đến “những hậu quả xã hội và chính trị của những gì nhóm của họ sản xuất hay làm (…). Những trách nhiệm mà họ sẵn sàng chấp nhận là của họ đều mang tính toàn cầu, nhưng cùng lúc lại thể hiện một tinh thần địa phương (cục bộ)”. Các nhà điều tra đã kết luận rằng “những ý tưởng về cách để có thể thực hiện sự quá độ hướng tới một trật tự hậu quốc gia, giải pháp duy nhất cho sự hỗn loạn vô chính phủ và sự tan rã của các quốc gia/dân tộc, chắc hẳn là khó có thể được tạo ra trong những phòng họp của các ban lãnh đạo các tập đoàn[9]”.
Thành phần siêu tư sản còn là “phản văn hóa”. Tại sao? Vì giá trị tối thượng là việc tác động đến các vốn có khả năng làm biến đổi sự giàu có của cả những lục địa, thành phần siêu tư sản phủ nhận những gì làm giảm đi sự biến đổi của những giá trị được con người gán cho những đồ vật của họ. Nó bài truyền thống, vì mục đích của tiền bạc là sự bay hơi của những đồ vật trên các thị trường chứng khoán, biểu hiện tối hậu về khả năng làm cho người khác bị suy sụp.
Trên phương diện cá nhân, người anh hùng của cuộc chơi về sự giàu có phải chứng tỏ một trí thông minh vượt bậc, dựa trên kiến thức văn hóa sâu sắc (như Georges Soros, Vincent Bolloré, v.v.). Nhưng xét về mặt tập thể, thành phần siêu tư sản bám víu vào sự căm ghét những “trí thức kiêu ngạo” (ép buộc nó phải suy nghĩ chính về sự diệt vong của nó, khi mà nó chỉ muốn rực sáng) và vào sự từ chối “những khoản chi tiêu quá đáng” của UNESCO hay Ủy Ban Châu Âu (vốn ép buộc nó phải xã hội hóa trong khi nó chỉ muốn tách riêng). Nó vun đắp một sự mê hồn dã man đối với những hình thức mang tính phô trương của giá trị duy nhất của sự thống trị: có được những vật lớn hơn, dễ thấy hơn, được bảo vệ tốt hơn, và mắc hơn người láng giềng, v.v..
Không còn là độc quyền của một Citizen Kane của những năm 30, cái villa La Mã giả, các bể bơi khổng lồ, các bãi cỏ to lớn, sự phối hợp của các xe hơi đủ màu sắc nay là sự biểu hiện của một thành phần siêu tư sản tự thừa nhận như vậy. Sở thích đáng buồn nôn của con người chỉ muốn tích lũy đã được áp đặt cùng với ý đồ cuồng nhiệt nhằm phá hủy những điều quý báu của sự tự do chính trị và văn minh mà mọi giai cấp lãnh đạo văn minh đã đạt được[10].
Thành phần trung lưu đã được đại học xã hội hóa, bị o ép giữa hai cái nền không-văn-minh nhưng lại tự khẳng định như là một “nền văn minh thế giới mới”. Không những những thành phần hạ lưu bị đòi hỏi là phải lựa chọn những giá trị của mình (mũ lưỡi trai, áo thun, giày, tên của những người anh hùng trong các phim dài tập) nơi những “kẻ chiến thắng trong thế giới này” để chọc tức chính những thành phần lãnh đạo địa phương của họ, mà những người này lại còn bị sỉ nhục từ “bên trên” khi thấy những kẻ có quyền lực và giàu có theo đuổi những lý tưởng trống rỗng không chứa đựng bất cứ trải nghiệm nào ngoài việc truyền bá sự phô trương.
Thành phần tư sản cũ và có văn hóa, được kết hợp một cách thận trọng với giai cấp trung lưu nhờ vào những cơ chế tinh tế của Nhà nước, chỉ còn biết kháng cự lại những cuộc cải cách luôn luôn mang tính phá hủy của các phái tả và phái hữu, vốn muốn miệt mài xô đẩy văn hóa, nghiên cứu và đại học, với cái cớ là phải chuyển cái bản chất của nó tới thành phần siêu tư sản, con chim cu cu mà sự thèm muốn vô hạn muốn phải được thỏa mãn.
Tuy nhiên, sự từ chối chuyển dời các cấu trúc văn hóa và công dân đến những chân trời không được xác định rõ ràng không phải chỉ là sự kháng cự của quá khứ. Nó còn diễn đạt cái kinh nghiệm mà chỉ một hệ thống những quy chiếu văn hóa mới giúp cho ông chủ, bị điên lên vì quyền uy của mình, có thể tránh cho ông xem sự hủy diệt như là một bằng chứng của quyền lực của ông. Hệ thống này – vốn sắp xếp những sự tiến bộ, làm cho các sự tiêu thụ giảm bớt đi và được xã hội hóa, quy định những hình thức tiết kiệm ít mang tính phi lý hơn là cuộc chơi thuần túy (chẳng hạn những vụ đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật hay vào sự bảo trợ văn nghệ) – chỉ có thể xuất phát từ một “nền cộng hòa của các quan điểm”, vốn thoát khỏi quy luật của thị trường, do bản chất của nó. Giữa sự hủy diệt các giá trị (chẳng hạn như việc phóng chiếu những tác phẩm lớn trên màn ảnh lớn trong nhà của Bill Gates ở Seattle, làm cho các tác phẩm này bị xóa đi trong sự vô danh của kỹ thuật số) và một hình thức văn minh, còn có chỗ cho một sự bình luận được đem ra thảo luận và được ghi nhận trong định chế đại học. Tuy nhiên điều này chỉ có thể có khi được gắn với những mơ ước văn hóa của quần chúng, chớ không phải do những sự thay đổi do các ông chủ của hình thái tiền tệ quyết định.
Như vậy, trong khi chờ đợi một sự công nhận của các định chế văn hóa thế giới, còn có một sự thiếu hụt văn hóa nơi giai cấp mới. Một thứ vô văn hóa “thật sự dốt nát” về những vấn đề dân sự vượt quá cái trò chơi về quyền lực giúp cho nó có một sự vô ý thức khủng khiếp về chính những xung năng thống trị của chính mình, được nuôi dưỡng một cách kịch liệt dù nó có thể gây nguy hại cho một tương lai bền vững.
Phải chăng mọi chuyện đếu hoang dã trong cái thế giới của thành phần siêu tư sản? Giai cấp siêu tư sản mới muốn được xem như là có tính nhân văn, có tầm nhìn thế giới và là đa chủng tộc. Nó phô bày những tình cảm tích cực và một sự độ lượng cực kỳ đối với cái ngoại lai đang bị đe dọa, từ bộ lạc Yanomanis đến người Pygmées. Nó khẳng định là đã vượt qua vấn đề chủng tộc. Chủ đề về một sự đa văn hóa toàn diện (hòa giải người Da Đỏ, Tây ban Nha, Á Châu và Da Đen, đưa ra những lời xin lỗi cho chế độ nô lệ và chính sách diệt chủng) được tôn lên thành ý thức hệ chính thức được chuyển hóa khi được nâng cao lên tầm cở siêu quốc gia, trong thế đối lập với những Nhà Nước-Dân Tộc bị tố cáo vì những giá trị lạc hậu, thậm chí còn là kỳ thị chủng tộc của họ.
Nhưng tính đa dạng này, nếu nó dẫn đến vài cuộc hôn nhân đa chủng tộc được quảng cáo rầm rộ, chỉ tổ chức một thứ giao tiếp hời hợt của những cuộc gặp gỡ được sắp xếp (các câu lạc bộ, những buổi lễ hội ở các công ty, v.v.). Những người da trắng, nằm ở trung tâm của những mạng lưới của thành phần siêu tư sản, được hưởng những sự ưu đãi xuất phát từ một tinh thần đa văn hóa mang tính đạo đức giả hơn các thành viên da đen hay gốc Tây Ban Nha của giai cấp trung lưu, trong khi họ không bị buộc phải từ bỏ những cách hành xử kỳ thị chủng tộc kín đáo của họ. Chế độ nội hôn dai dẳng của các thành phần ưu tú da trắng, vốn kiểm soát một phần lớn sự giàu có, bám sâu trong một cách ứng xử đã có từ lâu đời về sự du mục nằm ở bên trên các xã hội địa phương, khác với các thành phần ưu tú ở Nam Mỹ cởi mở hơn và hội nhập một cách tốt hơn.
Chế độ nội hôn và sự nâng cao đến vị thế của một “giai cấp liên bang” rồi “quốc tế” luôn luôn tác động cùng nhau trong truyền thống này. Điều này đã giúp họ không biến mất và chiếm giữ không gian cũ của đế quốc Anh bao trùm lên thế giới. Cái siêu giai cấp này đã thừa hưởng tính hai mặt: “tư duy theo trào lưu tự do chủ nghĩa” là điều kiện để có thể “sống về phía hữu”.
Tình cảm tốt đẹp hay dân chủ
Marine Le Pen (1968-)
Từ chủ nghĩa đa văn hóa mang tính toàn cầu, ta chuyển sang sự ủng hộ mơ hồ đối với các chủ nghĩa đặc thù. Đó không phải là vì thành phần siêu tư sản có tinh thần bè phái, mà vì các “loại thuyết bẩm sinh” (nativisme) và các trào lưu muốn tái lập sự chính thống (fondamentalisme) giúp nó củng cố sự bác bỏ những tiến trình hội nhập quốc gia/dân tộc vốn kéo theo một sự điều tiết mang tính công dân về những quyền đầu tư của nó. Ở đây, ta cũng tìm thấy sự giả dối thực sự: Phái Tái thiết Cơ Đốc Giáo (Christian Reconstructionnists – phái hữu khuynh ở Mỹ), hay Phong Trào Dân Tộc (Front National) của M. Le Pen bị căm ghét. Những khi các yêu sách của các nhóm chủng tộc hay của các phái công giáo tiến triển, điều này giúp cái siêu giai cấp hòa tan những sự trung thành mang tính công dân theo chiều ngang của những nước đã tống cổ những nhóm này. Một sự phân chia của các cuộc bầu cử giữa các phái Baptiste, Tân giáo và Công Giáo, một sự tái khẳng định những sự đối lập văn hóa ở Đức giữa Nam và Bắc, những chủ nghĩa địa phương thắng thế ở Ý và Tây Ban Nha, đó là những điều khiến cho thành phần siêu tư sản vui mừng qua những thiệt hại mà những biến cố này tạo đối với thiết chế của Nhà Nước, của quốc gia hay của liên bang.        
Max Weber (1864-1920)
Mặt khác, sự khoan dung đối với những tâm tính bè phái dẫn đến một nguồn gốc của chính sự vận hành của nó: kể từ Weber, ta biết rằng các giáo hội gần với ranh giới của những bè phái cung cấp những người bán hàng rất tốt, đáng tin và dễ kiểm soát về mặt đạo đức và sẵn sàng hiến mình cho một sự lao động miệt mài. Vậy thì Michael Lind có lý khi ông khẳng định rằng một sư liên minh tai hại của những kẻ theo thuyết đa văn hóa và những kẻ “chủ trương sự độc lập của người bản địa (autochtonistes)” sẽ chia rẽ những gì còn lại của những căn tính (bản sắc) chung thành những mảnh vụn của những tiểu văn hóa.
Chủ nghĩa đa văn hóa bao trùm lên toàn thế giới còn che giấu một loại khinh miệt mới để làm điểm tựa cho sự vươn lên của nó: sự vươn lên của những “người của thế giới” đối với những “người địa phương”, nhất là những cư dân ở phương Nam. Điều này sẽ cho họ quyền lấy lại của những người sau những thắng cảnh có giá trị thế giới. Dưới góc độ này, việc những hiệp hội sinh thái Bắc Mỹ mua lại một số mảnh đất ở vùng Amazone cũng không khác gì nhiều so với việc một số ngôi sao “dân chủ” của Hollywood tư hữu hóa của một cái hồ ở Argentine, hay việc xây dựng những hàng rào cho những vùng rừng to lớn ở Castille, ở Sologne hay ở vùng Tarn được các công ty săn bắn hay đánh cá sử dụng để tổ chức những khu giải trí cho những kẻ về hưu đáng mến.
Sau cùng, giống như một cái gương phản chiếu chính mình, thành phần siêu tư sản còn phát sinh ra một giai cấp hạ lưu mới (infraclasse), cũng tách rời những vấn đề an ninh quốc gia giống như nó, nhưng lần này từ ở “phía dưới”. Ở mọi nơi, thành phần này bắt nguồn từ khối lao động của những người di trú hơn là những người nhập cư, và được tuyển dụng một phần để phục vụ riêng cho thành phần siêu tư sản. Thật vậy, ngay cả khi mà tỷ lệ của những người nhập cư lậu tương đối thấp so với tổng số dân như ở Mỹ, thì những người này thường làm việc trong nền kinh tế của những người gia nhân và những người thuộc hạ mà họ giúp củng cố. Trong giới siêu tư sản, thường rất hay có trong nhà cả một gia đình người Philippine, trong khi những mối quan hệ dựa trên sự gần gũi (tất nhiên là được thương lượng và cũng bình đẳng hơn) thì vẫn còn được các thành phần tư sản cổ điển sử dụng. Thành phần siêu tư sản bị quyến rũ bởi cái toàn cầu vốn cộng thêm vào cái chủ nghĩa thế giới (mondialisme) cổ điển của những thành phần tiền nhiệm một công cụ để có thể kiểm soát ngay lập tức toàn bộ những sự trao đổi giữa con người. Nhưng, khi thiết lập những quan hệ mang tính biểu tượng này, từ trên xuống dưới, nó lại không có khả năng thấy được rằng cái ở đây và cái hiện nay, cái thể xác (thân thể), mối quan hệ láng giềng là những hiên thực giống như cái ảo mới nhất. Nó không nhận thấy được sự thờ ơ của thực tại đối với những sự lo âu của quyền lực, vì nó bị thu hút bởi sự đam mê về “ý nghĩa” (có hay không có, ở trung tâm hay ở ngoại vi, được nâng lên hay bị hạ xuống, v.v.).
Vì vậy, ta không thể nào trông đợi rằng nó sẽ chấp nhận khía cạnh tích cực của những cấu trúc bảo hộ những lễ nghi mà nó tìm mọi cách phá hủy. Tuy nhiên, nó không thể nào vứt bỏ nền văn hóa vốn xây dựng một phương thức tiêu thụ chính đáng. Nó cũng không thể nào coi thường nền văn hóa chính trị là phương tiện duy nhất giúp cho nó sống sót được khỏi cái hỗn độn mà chính nó hưởng thụ. Giữa hai mục tiêu vừa bổ sung cho nhau vừa mâu thuẫn với nhau – biến sự thống trị xã hội thành một hiện tượng thế giới, tồn tại như là một thành phần ưu tú mới –, thành phần siêu tư sản buộc phải xây dựng một thỏa hiệp hay sẽ bị diệt vong trong sự trở lại của những cuộc xung đột quân sự không thể nào kiểm soát được.
Những vấn đề chính trị của thành phần siêu tư sản có thể rút lại thành một vấn đề duy nhứt: lắp lại cái khoảng trống về những định chế có khả năng kiểm soát, với sự ưng thuận của nó, xu hướng tự sát của chính mình. Ở đây, chủ nghĩa dân chủ phổ cập là một lựa chọn, với việc xây dựng những định chế thế giới từ những tổ chức quốc tế hiện nay. Một sự kháng cự có hiệu quả của những thành phần tư sản văn minh và của các thành phần trung lưu có học thức có thể bao gồm việc đòi hỏi phải ngưng các hoạt động phi đạo đức hóa các cấu trúc văn hóa (độc lập kinh tế, đoàn kết xã hội, nghiên cứu, giáo dục), như là tiền đề cho sự thành hình những cấu trúc liên Châu Âu hay thế giới trên cơ sở của sự tôn trọng sự đa dạng về ngôn ngữ, xã hội và văn hóa. Xung quanh một mục tiêu như vậy, thành phần siêu tư sản có thể thương lượng vai trò của mình trong tương lai với những thành tố khác của thế giới mà nó đã đóng góp cho sự thống nhất. Để cùng nhau tồn tại.
Denis Duclos
Nhà xã hội hoc, Giám đốc nghiên cứu ở Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS), Paris.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Une nouvelle classe s’empare des leviers du pouvoir mondial: Naissance de l’hyperbourgeoisie”, Denis Duclos, Le Monde diplomatique, tháng 8 1998.




Chú thích:

[*] Ctizen Kane được sản xuất năm 1941 là một phim được giới điện ảnh xếp trong những phim hay nhất của thế kỷ 20. Đạo diễn của Citizen Kane là Orson Wells, lúc đó mới 26 tuổi. Orson Wells còn đóng vai trò chính trong phim này, vai trò của Charles Foster Kane, một ông trùm trong ngành truyền thông. Trong phim này có nhiều cảnh cho thấy sự tiêu xài phung phí, xa xỉ và phô trương của giới mới giàu với những công trình đồ sộ. Tác giả của bài viết đã lấy hình ảnh của Charles Foster Kane như là mẫu mực cho giới siêu tư sản (ND).

[1] Clément Rosset, Le Réel et son double, Minuit, Paris, 1976.

[2] Tôi cảm ơn giáo sư Gilles Gagné, đại học Laval, tỉnh Québec, và Hélène Y. Meynaud, về những buổi trao đổi mà nếu không có chúng đã không có bài viết này. Cũng nên xem các công trình thú vị của Michel et Monique Pinçon về giai cấp tư sản Pháp, và của Michel Bauer về các giới lãnh đạo. Cơ sở lí thuyết của quan điểm của chúng tôi được xác lập có quy chiếu đến hai tác giả được trích dẫn dưới đây: Michaël Lind và Jean-Claude Milner.

[3] Jean-Claude Milner, Le Salaire de l’idéal, Seuil, Paris, 1998.

[4] Michaël Lind, The Next American Nation, the New Nationalism and the Fourth American Revolution, Free Press Paperbacks, Simon and Schuster, New York, 1995.

[5] Jacques Attali, Dictionnaire du XXIe siècle, Fayard, Paris, 1998.

[6] Le Nouvel Economiste, 21 août 1997.

[7] Gilles Martinet, “Marx et les bourgeoisies imprévues”, Le Monde, 15 mai 1998.

[8] Michael Oakeshott, On History and Other Essays, Oxford University Press, Oxford, 1983.

[9] Richard J. Barnet et John Cavanagh, Global Dreams, Imperial Corporations and the New World Order, Simon and Schuster, New York, 1994, pp. 18-21.

[10] Về một lí thuyết của tự do chính trị và văn minh, cần thiết khi vượt ra ngoài sự đối lập lao động-nhàn rỗi, xem Jean-Claude Milner, sđd.

Print Friendly and PDF