29.6.19

Chiến tranh thương mại: Việt Nam trong tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ


CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI: VIỆT NAM TRONG TẦM NGẮM CỦA BỘ TÀI CHÍNH MỸ
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Việt Nam Trần Đại Quang tại phủ chủ tịch, ngày 12 tháng 11 năm 2017 tại Hà Nội. (Nguồn: CNN)
Điều này nằm trong logic của sự việc: cuộc chiến tranh thương mại do Donald Trump kích hoạt đang làm thay đổi các giao dịch thương mại của Hoa Kỳ với châu Á. Với việc gia tăng đánh thuế hải quan lên các sản phẩm của Trung Quốc, nổi lên một hiện tượng cơ bản: sự di dời các nhà xưởng đến Việt Nam. Điều này làm cho mức thâm hụt của Mỹ với đất nước này còn sâu hơn. Vào lúc này, ông chủ nhà Trắng chưa có gì phải tức giận. Nhưng ở Washington, Bộ Tài chính đang theo dõi xu hướng thật chặt chẽ.
Trong bốn tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ và của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã sụt giảm. Mức thâm hụt của Washington với Bắc Kinh đã giảm xuống 8% còn 113 tỷ USD, trong khi tổng mức thâm hụt gần như không thay đổi – trong khoảng từ 347 đến 349 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ và mức thâm hụt của Hoa Kỳ trong bốn tháng đầu năm 2019. (Nguồn: US ITC)
Sự sụt giảm mức thâm hụt của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã được bù đắp bằng mức thâm hụt ngày càng lớn với các nước châu Á khác. Với 16,8 tỷ US$ từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2019, mức thâm hụt với Việt Nam đứng hàng thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc và đứng hàng thứ sáu trên thế giới. Mức thâm hụt này gần như chắc chắn sẽ vượt quá 50 tỷ US$ vào năm 2019 nếu các mối đe dọa của Mỹ chống lại Trung Quốc được thực thi.
Cuộc xung đột Trung-Mỹ đã thúc đẩy một phong trào đi dời các nhà xưởng khỏi Trung Quốc, đã được kích hoạt bởi sự gia tăng các chi phí tiền lương. Các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều lựa chọn. Hoặc họ tự động hóa các dây chuyền sản xuất, hoặc họ di dời các nhà xưởng đến các tỉnh ở phía tây đất nước, nơi các cơ sở hạ tầng đã được cải thiện và mặt bằng tiền lương thấp hơn, hoặc họ di dời các nhà xưởng ra nước ngoài. Theo một cuộc khảo sát được tiến hành vào cuối năm 2017 đối với 640 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nhẹ ở phía nam tỉnh Quảng Châu, đa số người được khảo sát dự định tiến hành việc tự động hóa, một thiểu số người được khảo sát (6% trong trong ngành may mặc và 12% trong trong ngành giày dép) cho rằng phải rời bỏ vùng duyên hải này và, trong số những người này, một nửa người được khảo sát có kế hoạch di dời nhà xưởng ra nước ngoài. Động thái di dời nhà xưởng này chắc chắn sẽ tăng lên sau khi Donald Trump công bố mức tăng 25% thuế quan lên 300 tỷ US$ hàng nhập khẩu, bao gồm hầu hết các sản phẩm được Wall Mart phân phối.
VIỆT NAM LÀ NƯỚC THU HÚT các nhà ĐẦU TƯ NHIỀU NHẤT
Việt Nam là nước thu hút nhiều nhất các doanh nghiệp đang rút khỏi Trung Quốc. Sự gia tăng các vụ di dời nhà xưởng này giải thích sự gia tăng gấp bốn lần giá trị xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2010 đến 2018. Ngày nay, kim ngạch xuất khẩu này chiếm hơn 110% GDP.
Động thái di dời nhà xưởng này đã bắt đầu từ những năm 2000, khi căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo đã thuyết phục các doanh nghiệp Nhật Bản vận dụng một chiến lược mà Nomura gọi là “Trung Quốc cộng một. Nói một cách cụ thể, đầu tư vào Trung Quốc và vào một nước khác để không đặt tất cả trứng vào một giỏ. Rất nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam, và đôi lúc họ chọn xây dựng nhà xưởng tại miền Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Người Hàn Quốc đã làm theo người Nhật. Năm 2019, đã có hơn 7.000 doanh nghiệp của Hàn Quốc sử dụng 700.000 nhân công người Việt Nam. Chi phí tiền lương, trung bình 3800 US$ một năm, thấp hơn gấp ba lần so với ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp này cung cấp khoảng một phần ba các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp đó, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Tại Việt Nam, gã khổng lồ Hàn Quốc lắp ráp một nửa trong số 300 triệu chiếc điện thoại Galaxy được bán trên toàn thế giới, và đã thu hút các nhà thầu phụ của họ. Tương tự, LG đang tiến hành đóng cửa nhà máy ở Pyeongtaek và mở rộng nhà máy ở Hải Phòng, nơi họ lắp ráp 11 triệu chiếc điện thoại thông minh. Kể từ năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu (tính theo biến kì lẫn biến điểm) tại Việt Nam hơn cả Nhật Bản, và vượt xa Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2019, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã tăng gấp năm lần và đã vượt mặt Hàn Quốc về số lượng dòng vốn FDI.
Phân tích các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam cho thấy những sản phẩm bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế quan được công bố đã tăng 34%, tức ba lần nhanh hơn so với các sản phẩm thuộc các chủng loại khác. Hệ quả: mức thặng dư của Việt Nam so với Hoa Kỳ đã phình to và từ nay đặt ra một rủi ro cho Hà Nội.
TRONG TẦM NGẮM CỦA BỘ tài chính MỸ
Kể từ những năm 1990, Bộ Tài chính Mỹ công bố, sáu tháng một lần, một báo cáo về chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ. Đó là việc xác định liệu các nước này có đang thao túng tỷ giá hối đoái của mình để tăng cường khả năng cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của họ tại thị trường Mỹ hay không. Tài liệu phân tích những nước có mức thặng dư thương mại ít nhất bằng 20 tỷ US$ tại Hoa Kỳ. Đặc biệt, họ theo dõi những nước có cán cân thanh toán hiện hành vượt quá 3% GDP của nước đó và đồng tiền của nước đó không tăng giá so với đồng US$. Đối với những nước này, Bộ Tài chính Mỹ đo lường mức độ can thiệp của các ngân hàng trung ương trong việc mua đồng US$ để tránh làm đồng nội tệ tăng giá so với đồng US$. Nếu số tiền tích lũy được trong năm từ sự can thiệp nói trên của các ngân hàng trung ương của nước đó vượt quá 2% GDP nước đó, thì Bộ Tài chính Mỹ suy ra rằng nước đó có khả năng thao túng tiền tệ. Cuối cùng, nếu bản báo cáo đi đến kết luận này, thì cơ quan hành pháp Mỹ được phép thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại đối với nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ.
Trung Quốc, từ lâu, đã là mục tiêu chính trong các bản báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của tổng thống Obama, Bộ Tài chính Mỹ chưa bao giờ kết luận Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ. Bất chấp những cáo buộc của ứng cử viên Donald Trump, chưa có báo cáo nào được công bố, kể từ khi Trump đắc cử tổng thống, kết luận rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ, kể cả bản báo cáo vào tháng 5 vừa qua. Thế nhưng, đồng tiền Trung Quốc đã giảm 10% so với đồng US$ vào năm 2018, xóa đi tác động của biện pháp tăng thuế quan. Có một xu hướng vẫn tiếp diễn trong năm nay, đến mức ngưỡng 7 nhân dân tệ ăn 1 US$ có thể bị vượt qua.
Bản báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính đã tích hợp nhiều nước châu Á mới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam. Khi ghi nhận sự gia tăng mức thặng dư cán cân thanh toán hiện hành của Việt Nam, vượt quá 5 điểm phần trăm GDP trong năm 2018, bản báo cáo lưu ý rằng mặc cho chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt theo luật định (de jure) vào năm 2016, tỉ giá của đồng Việt Nam so với đồng US$ đã thay đổi rất ít do Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối để kiềm chế sự tăng giá của đồng Việt Nam.
Nếu Việt Nam lọt vào tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ Hoa Kỳ, thì điều đó đã không kích hoạt sự giận dữ của Donald Trump. Trái lại! Trên một dòng tweet, tổng thống đã nhận xét: “Nhiều doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam hoặc các nước khác. Đó là lý do vì sao Trung Quốc mong muốn có một thỏa thuận.” Tuy nhiên, nếu sự kỳ vọng của Tổng thống Mỹ không được đáp ứng tại cuộc họp của G20 ở Osaka vào ngày 28-29 Tháng 6 sắp tới, thì ông chủ Nhà Trắng có thể thay đổi suy nghĩ về Việt Nam!
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa]” và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF