11.9.19

Cộng hòa Séc, cửa ngõ để Trung Quốc thâm nhập châu Âu


CỘNG HÒA SÉC, CỬA NGÕ ĐỂ TRUNG QUỐC THÂM NHẬP CHÂU ÂU?
Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman cụng ly với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trên sân thượng của Tu viện Strahov bên bờ sông Vltava ở Praha vào ngày 30 tháng 3 năm 2016. (Nguồn: SBS)
Truất ngôi nước láng giềng nổi tiếng khó bãi miễn của Séc là Đức, Trung Quốc đã trở thành thị trường hàng đầu của dòng xe ô-tô Skoda, lá cờ đầu ngành công nghiệp ô-tô Séc và là động cơ của nền kinh tế xuất khẩu của Séc. Ngày nay, Vương quốc Trung Hoa chiếm gần 30% doanh số và một phần tư sản lượng thế giới của nhà sản xuất có tính tiêu biểu của Séc, một thành viên của tập đoàn Volkswagen kể từ năm 1991. Một số người nói rằng đó là cả một biểu tượng, với các mối quan hệ tuyệt vời giữa Trung Quốc và Cộng hòa Séc. Đúng vậy, tất cả là một biểu tượng – có thể nói thêm rằng – không liên quan gì lớn với dự án Con đường tơ lụa mới” và thậm chí đã hình thành trước cả sự nhích lại gần nhau giữa Praha và Bắc Kinh. Thay vì là một biểu tượng, liệu đây có phải là một việc lỗi thời không?
SỰ THAY ĐỔI THÂN TRUNG QUỐC trong chính sách NGOẠI GIAO cỦA SÉC
Đạt Lai Lạt Ma (1935-)
Vaclav Havel (1936-2011)
Người Séc chưa bao giờ là những người ủng hộ nhiệt tình cho một liên minh với Trung Quốc. Cho đến đầu những năm 2000, Praha là một trong những thủ đô phản đối mạnh nhất cho một sự nhích lại gần với người khổng lồ châu Á. Trong những năm 1990, chính sách đối ngoại của [cựu tổng thống Séc] Vaclav Havel dựa trên hai cột trụ: sự “quay trở lại với phương Tây” – Phương Đông, cận Đông hay cực Đông, không mấy quan trọng – và sự bảo vệ các nguyên tắc nhân văn và nhân quyền quý báu đối với nhà cựu bất đồng chính kiến. Từ việc ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma đến việc mời gọi các nhà bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Cộng hòa Séc rơi xuống ở mức thấp nhất.
Petr Necas (1964-)
Vaclav Klaus (1941-)
Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào đầu những năm 2000. Vaclav Klaus, tổng thống đắc cử, đã cố hâm nóng lại mối quan hệ với người khổng lồ châu Á. Nhiều cơ quan chính phủ đã có xu hướng mở rộng các mối quan hệ ngày càng tốt hơn đối với Bắc Kinh. Điều này đặc biệt được thể hiện rõ qua trường hợp của [cựu thủ tướng Séc] Petr Necas (2010-2013), người đã vội vã chế giễu “chủ nghĩa Đạt Lai Lạt Ma” của các nhà lãnh đạo Séc trong quá khứ và ca ngợi các cơ hội kinh tế khi nhích lại gần với Trung Quốc.
MỘT TUẦN TRĂNG MẬT DƯỚI HIỆN THÂN CỦA TỔNG THỐNG ZEMAN
Sau đó, mọi thứ đã tăng tốc với việc bầu Milos Zeman làm tổng thống vào năm 2013. Chính Zeman, vào năm 1996, là người mà các chính trị gia liếc mắt đưa tình với Bắc Kinh để “sẵn sàng phẫu thuật thẩm mỹ nhằm có mắt một mí”. Mười bảy năm sau, sự xoay trục của tổng thống trùng với sự kiện Tập Cận Bình chính thức ra mắt sáng kiến Con đường tơ lụa mới (BRI). Dự án khổng lồ mà Cộng hòa Séc tán thành vào năm 2015, vả lại là thành viên của sáng kiến ​​16 + 1” nối kết Trung Quốc với phần phân nửa phía đông của lục địa châu Âu. Khi đó, thông qua tiếng nói của tổng thống Séc, nước này trở thành một trong những nước ở châu Âu bảo vệ nhiệt tình nhất một sự nhích lại gần với nền kinh tế thứ hai của thế giới.
Daniel Herman (1963-)
Năm 2015, Milos Zeman là nguyên thủ quốc gia châu Âu duy nhất tham gia cuộc diễu binh được tổ chức ở Bắc Kinh để kỷ niệm năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, một nền tảng lý tưởng để hứa hẹn làm cho vùng đất Bohemia và Moravia trở thành “cửa ngõ để Trung Quốc thâm nhập châu Âu”. Động thái này, vả lại bị các nước khác ở lục địa già bêu xấu, được đền đáp bằng chuyến thăm thật rầm rộ và long trọng của Tập Cận Bình đến Praha vào tháng 3 năm 2016. Những hứa hẹn đầu tư kết hợp với một sự im lặng chói tai về nhân quyền làm nên một tuần trăng mật được hai nước phối hợp một cách cẩn thận.
Nhưng Milos Zeman chỉ là cái cây che mắt khu rừng. Phần lớn tầng lớp chính trị Séc khuyến khích sự nhích lại gần với Bắc Kinh, hay đơn giản giữ im lặng về vấn đề này. Mọi sự chệch đường dù nhỏ nhất đều bị đàn áp một cách mạnh mẽ: một minh chứng cho điều này là ​​việc Daniel Herman, Bộ trưởng Văn hóa của Séc, đã công khai từ chối tiếp kiến Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2016 sau khi đã đồng ý trước đó.
MỘT CHIẾN LƯỢC GÂY ẢNH HƯỞNG CHÍNH TRỊ không RÕ RÀNG
Jaroslav Tvrdik (1968-)
Nhưng đối với nhiều nhà quan sát, trung tâm chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc diễn ra ở đằng sau hậu trường. Chiến lược đó dựa vào một nhóm người có ảnh hưởng trong bóng tối, tập hợp xung quanh tổng thống Zeman, và tập đoàn Năng lượng Trung Quốc CEFC. Nhiều người trong số đó đóng một vai trò đặc biệt. Trong số những người đó, có Jaroslav Tvrdik, thành viên có ảnh hưởng của Đảng Dân chủ Xã hội Séc, cựu bộ trưởng, chủ tịch Phòng Hợp tác Séc-Trung Quốc từ năm 2012, cố vấn về Trung Quốc cho cựu Thủ tướng Sobotka và phó chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn CEFC Châu Âu. Những nhân vật có ảnh hưởng khác là: Miloslav Ransdorf, đại biểu Nghị viện châu Âu của Đảng Cộng sản; Jan Kohout, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội và là nhà ngoại giao, cố vấn của Zeman về Trung Quốc năm 2014 và là người sáng lập tổ chức Sáng kiến Con đường tơ lụa mới ở Praha năm 2015; Stefan Fule, cựu phụ tá đắc lực của Tvrdik tại Bộ Quốc phòng, đại sứ tại tổ chức NATO và cựu Ủy viên Châu Âu, thành viên ủy ban tư vấn của tập đoàn CEFC; Marcela Hrda, quan chức cấp cao tại hãng Hàng không Séc dưới thời Tvrdik làm chủ tịch và chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Empresa Media; hay Tomas Buzek, cựu phát ngôn viên của tập đoàn CEFC và sau này là thành viên hội đồng quản trị.
Petr Kellner (1964-)
Tất nhiên, chiến lược gây ảnh hưởng này rất hiệu quả trong nhiều trường hợp – ít nhất là đối với các bên liên quan chính. Ví dụ nổi bật nhất là trường hợp của PPF, tập đoàn kinh tế của Petr Kellner, người giàu nhất nước, có công ty con là Home Credit hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Trung Quốc từ năm 2007. Đặc biệt nhờ vào sự vận động hành lang của Jaroslav Tvrdik, Home Credit được cấp phép hoạt động tại địa phương vào năm 2010, và được cấp phép hoạt động toàn quốc bốn năm sau đó. Được cho là thành công lớn trong giới quyền lực Séc thân Trung Quốc, vụ việc này càng củng cố ý tưởng cho rằng chính sách đối ngoại của Séc ứng biến tùy theo những hứa hẹn đầu tư ít nhiều mang tính thực tế và phụ thuộc vào những hợp đồng béo bở được đàm phán đằng sau hậu trường để làm giàu của những đại gia của nước Séc. Tất cả đều diễn ra thiếu sự minh bạch hoặc tranh luận công khai, trong khi phần lớn các hứa hẹn của Trung Quốc đều vẫn phải chờ.
NHỮNG TRAO ĐỔI KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH dưỚi mỨc MONG ĐỢI
Vài năm sau khi Praha và Bắc Kinh nhích lại gần nhau, nổi lên một cảm giác thất vọng của những người ra quyết định của Séc: cam kết đầu tư về kinh tế của Trung Quốc vẫn nằm khá xa ở dưới mức mong đợi ban đầu. Năm ngoái, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Cộng hòa Séc (chiếm 7,4% thị phần, so với 6,5% vào năm 2010). Kim ngạch thương mại song phương có tăng lên, mặc dù thất thường, và bất lợi cho cán cân thương mại Séc, mà thâm hụt kỷ lục 20 tỷ euro với Trung Quốc là một cái gai thực sự đối với Praha.
Về phần các khoản đầu tư của Trung Quốc, chúng chỉ thực sự tăng kể từ mười năm nay. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài [FDI] của Trung Quốc tập trung vào các vụ sáp nhập và mua lại, ít liên quan đến những mục tiêu được cho là của dự án các Con đường tơ lụa mới, cũng không đóng góp lớn cho mạng lưới kinh tế của Séc. Vào cuối năm 2017, FDI của Trung Quốc chiếm chưa đến 1% khối FDI tại Cộng hòa Séc, trong khi 10 tỷ euros mà Tập Cận Bình hứa hẹn trong chuyến thăm của ông, đa phần vẫn biệt vô âm tín. Và điều này diễn ra, mặc cho các vụ thâu tóm không kiểm soát của tập đoàn CEFC, mũi nhọn trong chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc và là biểu tượng cho những thất bại của họ.
Ye Jianming (1977-)
Năm 2015, tập đoàn CEFC thành lập trụ sở châu Âu tại Praha. Chủ tịch Ye Jianming của tập đoàn trở thành, không hơn không kém, cố vấn của tổng thống Milos Zeman. Theo sau đó là các vụ thâu tóm điên cuồng, từ các câu lạc bộ bóng đá đến các khách sạn hạng sang, từ các nhà máy bia Séc đến các tập đoàn truyền thông, đến các công ty du lịch và các tập đoàn tài chính, hoặc đến hãng hàng không quốc gia. Sự háo tóm của tập đoàn CEFC dường như không có giới hạn, và không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc không chỉ tập trung hoàn toàn vào các thương vụ mua lại nói trên – phần lớn là có thanh thế nhưng không mang lại hiệu quả – nhưng gần như vậy. Thử xem xét lợi ích của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt – đặc biệt thông qua tập đoàn CRRC, mà việc họ tham gia vào tập đoàn vận tải Skoda Transportation mang lại cho họ một nền tảng để triển khai hoạt động tại thị trường châu Âu. Đất nước này cũng có lợi ích trong hệ thống ngân hàng, ngành công nghệ cao, ngành công nghiệp hạt nhân, ngành y tế hoặc nông nghiệp. Nhưng phần lớn những hứa hẹn của Bắc Kinh hầu như không được hiện thực hóa. Và ngay cả khi được thực hiện, người ta cũng thất vọng vì những người ra quyết định của Séc “cảm thấy bị xúc phạm” bởi các điều kiện, được cho là kém có lợi và tương tự như các điều kiện được cấp cho các nước châu Phi, gắn liền với các khoản cho vay của Trung Quốc. Vì vậy, cần gì phải nhìn nơi khác, khi mà các định chế châu Âu, như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, dường như hoàn toàn có thể tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng mà nước này đang cần?
MỘT SỰ LIÊN KẾT LỢI ÍCH ĐÚNG LÚC, NHƯNG không bỀn vỮng
Nếu cảm giác xúc phạm này không phải là chuyện vặt, thì đó là bởi vì nó tượng trưng cho những thất vọng của Cộng hòa Séc. Trên quan điểm của Praha, sự nhích lại gần với Trung Quốc là một cách để giảm bớt sự phụ thuộc về chính trị, thương mại và tài chính với phương Tây, đạt được sự tín nhiệm trên trường quốc tế và mạnh miệng tuyên bố chủ quyền về chiến lược và ngoại giao. Chiến lược này, khá hợp lý đối với một đất nước tầm trung như Cộng hòa Séc, dường như đã quay lại chống họ. Thất vọng vì Trung Quốc, đất nước này cũng cảm thấy bị bẽ mặt và bị coi thường bởi thái độ lên lớp của các đồng minh phương Tây – mà sự phụ thuộc vào nguồn vốn FDI của Trung Quốc được cho là cao hơn nhiều so với các nước thuộc Trung Âu và Đông Âu – cho nên người ta có mọi cơ hội để trách mắng người Séc vì đã nhích lại gần với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Quốc đang cố biến các nước Trung Âu và Đông Âu thành cửa ngõ để lén lút thâm nhập các thị trường phương Tây, đặc biệt là Đức, bằng cách khéo léo ca ngợi sự năng động và độc lập của các nước này khi họ bắt đầu đối lập một cách thường xuyên với Brussels. Trong cách nhìn này, sự cam kết của Trung Quốc đối với Cộng hòa Séc tuân theo một logic mang tính cơ hội thuần túy, khác xa với hình ảnh của tuần trăng mật, theo như gợi ý qua các dòng tít lớn của các tờ báo và các bài phát biểu dài dòng mang tính khoa trương.
Các xu hướng cơ bản nói trên giúp giải thích sự nhích lại gần giữa Trung Quốc và Séc nổi lên từ mười năm qua. Dự án các Con đường tơ lụa mới" xuất hiện như một khẩu hiệu bán hàng, nhưng được ghép một cách hậu nghiệm lên sự hội tụ về lợi ích, không liên quan gì đến thực tế – và sự mong manh – của sự hiện diện của Trung Quốc tại Cộng hòa Séc.
SỰ PHẢN KHÁNG CỦA NGƯỜI SÉC
Andrej Babis (1954-)
Ngoài giới quyền lực, chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc cũng gặp phải khó khăn để bén rễ trong bối cảnh của Séc. Về mặt chính trị, người ta chưa bao giờ thực sự im tiếng chỉ trích định hướng mới thân với Trung Quốc. Một số người còn tố cáo bộ máy “tuyên truyền” của Trung Quốc tìm cách, như đối với ASEAN, chia rẽ Liên minh châu Âu để ngăn chặn những nghị quyết không có lợi cho họ. Đối với một số người khác nữa, họ cho rằng chiến lược của Trung Quốc nhắm đến bón đất cho những nhu cầu khả dĩ trong tương lai”. Dù sao, sự nhích lại gần với Trung Quốc đã làm nảy sinh các cuộc tranh luận, đặc biệt là kể từ khi đảng ANO [theo đường lối dân túy] của Thủ tướng Andrej Babis lên cầm quyền, tỷ phú và người giàu nhất đứng thứ hai của đất nước. Người ta đồn rằng ông có một ký ức cay đắng về những nỗ lực trong quá khứ để kinh doanh ở Trung Quốc.
Trong người dân cũng vậy, rất khó nuốt trôi sự cấy ghép nói trên. Chỉ có một phần tư người Séc có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, so với một phần ba trong toàn bộ các nước thuộc EU. Số lượng giới trẻ học tiếng Trung Quốc giảm đáng kể, tỷ lệ nghịch với sự quan tâm ngày càng tăng học tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn. Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự không quan tâm [học tiếng Trung Quốc] này, hoặc thậm chí từ chối [học tiếng Trung Quốc] của các công dân Séc. Cách hành xử của giới truyền thông, mặc cho một số cách làm tầm thường hóa câu chuyện thân Trung Quốc, là rất phê phán đối với Bắc Kinh. Hơn nữa, sự gia tăng theo cấp số nhân của khách du lịch Trung Quốc – hơn 600.000 người trong năm 2018, đứng thứ tư trong số khách du lịch nước ngoài – đã không thể bù đắp sự mờ nhạt của một cộng đồng Trung Quốc địa phương với 7.000 người. Ngoài ra, còn có một tâm lý bài ngoại ăn sâu mạnh mẽ ở một số bộ phận người dân liên quan đến người dân tộc thiểu số – ngoài trường hợp đặc biệt của cộng đồng người Việt.
LIỆU GIÓ CÓ ĐỔI CHIỀU không?
Việc các hành tinh liên kết với nhau trong quá khứ đang dần nhường chỗ cho việc hội tụ những tình huống không hay. Những nỗ lực thâm nhập của Trung Quốc đã cho thấy những giới hạn của các nỗ lực. Lỗ hổng đầu tiên trong cấu trúc – nhưng không kém phần quan trọng – đã lộ ra vào cuối năm 2017 với vụ bắt giữ tại Trung Quốc Ye Jianming, giám đốc tập đoàn CEFC và cố vấn của Zeman, trong một vụ án “chống tham nhũng”. Sau nhiều lần trì hoãn và đe dọa truy tố, biến câu chuyện thành công Séc-Trung Quốc thành một sự thất bại thực sự về ngoại giao, lời hứa của tập đoàn CITIC trong việc tiếp quản các tài sản của CEFC không thể trấn an giới quyền lực Séc thân Trung Quốc. Ngược lại, nó còn làm sáng tỏ sự mong manh của liên minh song phương, chủ yếu phụ thuộc vào những hành động nhượng bộ mạo hiểm của tổng thống Séc.
Tomas Petricek (1981-)
Điều này không ngăn tổng thống Milos Zeman trung thành với đường lối của mình. Bằng chứng là chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái. Chuyến thăm này, được cho là để tạo ra một động lực mới cho quan hệ hữu nghị Trung-Séc, tuy vậy đã bị “làm mờ” bởi những tuyên bố của tân Bộ trưởng Ngoại giao Séc, Tomas Petricek, người đã đặt lại vấn đề nhân quyền, một cách không đúng lúc. Cùng thời điểm đó, một nhóm nghị sĩ của “Những người bạn của Tây Tạng” đã bày tỏ quan điểm tại Quốc hội Séc theo sáng kiến ​​của Đảng Hải tặc, công khai chỉ trích Trung Quốc và trở thành lực lượng chính trị thứ ba của đất nước kể từ năm 2017.
Không lâu sau đó, nổ ra vụ Huawei. Đầu tiên, cơ quan phản gián của Séc cảnh báo về một sự gia tăng hoạt động gián điệp của Trung Quốc, sau đó cơ quan về an ninh mạng công bố một cảnh báo chống lại việc sử dụng các sản phẩm và công nghệ của gã khổng lồ điện tử Trung Quốc. Trường hợp này đã dẫn đến vô số những biến cố khác tiếp tục làm rung chuyển chính trường Séc. Thủ tướng Andrej Babis đã không còn giữ gìn ý tứ, công khai chỉ trích người khổng lồ Trung Quốc – một yếu tố, mà người ta nói, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ông được mời đến Nhà Trắng. Cũng cần lưu ý rằng Huawei, trước đây, đã ký một bản ghi nhớ [MoU] với tập đoàn PPF trong một hợp tác phát triển mạng 5G. Vụ việc là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi trong giọng điệu chung đối với Trung Quốc, mà ngày nay được coi là một mối đe dọa chứ không phải là một đối tác lựa chọn.
Tom Eisenchteter, đồng tác giả với Jules Eisenchteter, tổng biên tập của Kafkadesk, trang web tin tức về Trung Âu.
Giới thiệu tác giả
Tom Eisenchteter (1989-)
Tom Eisenchteter
Là người Anh gốc Pháp sinh ở Paris năm 1989, Tom Eisenchteter tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Nottingham. Sau khi làm việc tại Phòng Thương mại Pháp-Nam Phi ở Johannesburg, ông làm việc cho Liên Hợp Quốc tại Bangkok, nơi ông sống trong ba năm. chuyên gia về các vấn đề chính trị ở Thái Lan và các vấn đề địa chính trị trong khu vực, ông làm việc cho văn phòng khu vực của Hội Chữ thập đỏ quốc tế tại Kuala Lumpur, nơi ông đặc biệt theo dõi và lấy tin về cơn bão Haiyan ở Philippines và trận động đất ở Nepal. Giờ đây khi trở về Pháp, ông phụ trách thúc đẩy các mối quan hệ Pháp-Á ở Paris.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF