3.9.19

Ếch Pepe, chú ếch chính trị thách thức Bắc Kinh + Hồng Kông: các phóng viên nước ngoài và âm mưu chống Trung Quốc


ẾCH PEPE, CHÚ ẾCH CHÍNH TRỊ THÁCH THỨC BẮC KINH
Ra đời từ trí tưởng tượng của một họa sĩ vào những năm 2000, động vật lưỡng cư này được dùng như là ngọn cờ đấu tranh cho nhiều mục đích chính trị, theo tường thuật của trang web Polygon.
Từ lâu, bị phe cực hữu Mỹ chuyển hướng, Chú ếch Pepe [Pepe the Frog] từ nay tượng trưng cho một trong những biểu tượng của người biểu tình ở Hồng Kông.
© LILLIAN SUWANRUMPHA / AFP
Đó là câu chuyện về một chú ếch thoát ra khỏi một sai lầm lớn. Câu chuyện xuất phát từ một tập truyện tranh. Chú ếch Pepe, nhân vật với dáng vóc một thiếu niên của tập truyện hí hoạ Boy's Club, được Matt Furie sáng tác vào năm 2006, đã từng rời khỏi lĩnh vực văn hóa để hiện thân thành một biểu tượng chính trị, trong khoảng một thập kỷ. Cho đến khi trở thành một biểu tượng phản kháng Bắc Kinh trong việc huy động người Hồng Kông vào những tháng gần đây, theo lời giải thích của trang mạng trò chơi Polygon.
Một biểu tượng của phe cực hữu Mỹ
Thế mà, Chú ếch Pepe đã xuất phát rất tệ. Ngay từ năm 2008, tranh minh họa đó dời lên mạng Internet, đặc biệt trên trang web 4chan, một diễn đàn nặc danh bằng tiếng Anh. Tranh vẽ trở thành một biểu tượng văn hoá lây lan qua việc bắt chước nhau [meme] và một biểu tượng phân biệt chủng tộc của những kẻ “vì một phái hữu khác” (alt-right), xuất phát từ phe cực hữu Mỹ, mà đỉnh cao là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ngay năm sau, người sáng tác ra Pepe đáp trả lại: vào tháng 5 năm 2017, bằng vài nét vẽ bút chì, ông quyết định khai tử thành quả sáng tạo của mình một cách nghệ thuật. 
Nhưng Chú ếch Pepe còn lâu mới từ bỏ cõi đời và tái sinh lại, đặc biệt, ở Hồng Kông. Năm 2019, khi hàng trăm ngàn người biểu tình diễu hành qua các đường phố của Hồng Kông chống lại sự chi phối ngày càng tăng của Bắc Kinh trên cựu thuộc địa của Anh, người ta thấy Chú ếch Pepe xuất hiện trên các bức tường của siêu đô thị, hoặc trên các giao diện thư tín trực tuyến nơi phong trào được tổ chức. T New York Times cho rằng người biểu tình “biết ít” đến quá khứ quái ác của Chú ếch Pepe, có thể là do chú nổi tiếng trong thế giới trò chơi video mà người Hồng Kông bất khuất đã chấp nhận.
Trên thực tế, loài lưỡng cư này đã thay đổi: từ nay nó phô diễn chiếc mũ màu vàng, được người biểu tình mến chuộng. Người ta thậm chí còn nhìn thấy nó, vào hôm Chủ nhật, ngày 25 tháng 8, ở ngay chính trung tâm của Trung Quốc, tại một trong những giải trò chơi video quan trọng nhất trên thế giới. Vào ngày hôm đó, tại Thượng Hải, đang diễn ra vòng chung kết cuộc thi International Dota 2 và nhà bình luận người Croatia Dominik Stipic, hay còn gọi là “Lacoste”, đã chọn một vật cài áo có hình Chú ếch Pepe. “Việc chọn chiếc cài áo đó là một cử chỉ cấp tiến, cho dù cử chỉ đó có cân nhắc hay không”, trang mạng Polygon đã viết như vậy. Điều này cũng gợi lại số phận của một nhân vật dễ mến khác, đã trở nên nổi tiếng về mặt chính trị: Winnie the Pooh [Chú gấu Pooh]. Kể từ năm 2013, Chú gấu Pooh thường được so sánh với Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, điều đã khiến cho bộ phim bom tấn của Disney Jean-Christophe and Winnie [Jean-Christophe và Winnie ] bị cấm chiếu tại các rạp chiếu phim trong nước khi nó ra mắt vào năm 2018.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
~~000~~

HỒNG KÔNG: CÁC PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI VÀ ÂM MƯU CHỐNG TRUNG QUỐC
Hàng ngàn nhà báo Hồng Kông tuần hành đến trụ sở cảnh sát ở Wan Chai vào ngày 14 tháng 7 năm 2019, chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đối với các phóng viên ở tuyến đầu của các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở thuộc địa cũ của Anh. (Nguồn: SCMP)
Hốt hoảng vì các cuộc biểu tình dai dẳng ở Hồng Kông, Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát các phương tiện truyền thông quốc tế có trụ sở tại Trung Quốc, một cách tuyệt vọng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong tuần này, đã triệu tập các phóng viên nước ngoài để đưa cho họ một lá thư và các tài liệu dưới hình thức một mệnh lệnh: từ nay họ phải tường thuật “sự thật” về phong trào chống lại dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc. Một “sự thật” đen tối hơn những gì từng được kể lại trên các phương tiện truyền thông phương Tây, theo Bắc Kinh: những người biểu tình, còn lâu mới ôn hòa, đã phá hoại nghiêm trọng nhà nước pháp quyền và trật tự xã hộiNghiêm trọng hơn, người biểu tình đã bị bàn tay hắc ámcủa phương Tây thao túng, đặc biệt là Hoa Kỳ. Một lời hùng biện mà ai cũng biết và đầy tính đe dọa, nhằm tìm cách đưa vào khuôn phép, hơn là để thuyết phục.
Albert Camus (1913-1960)
Nhận định trên luôn có tính điển hình. Đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục sử dụng một lý luận hoàn toàn xa lạ với cách suy nghĩ của các nhà báo phương Tây. Các nhà báo phương Tây không thể bị “thuyết phục” khi được truyền lệnh “hợp tác” với một chế độ bài xích chính khái niệm báo chí phê phán. Một khái niệm mà, mặc cho những chệch hướng không thể phủ nhận, tự thân không có nghĩa là một sự bôi bác (China bashing hay đả kích Trung Quốc) được làm bằng những bài báo chống lại Bắc Kinh một cách có hệ thống. Báo chí phê phán, đó là tự do báo chí. Albert Camus đã đưa ra một định nghĩa bốn phần về khái niệm đó trong một tuyên ngôn đáng lí được công bố trên tờ báo của ông, Le Soir Républicain,vào ngày 25 tháng 11 năm 1939, nhưng đã bị chính phủ Pháp kiểm duyệt. Tác giả của cuốn L'étranger [Người xa lạ] nhấn mạnh đến sự sáng suốt, sự từ chối, sự mỉa mai và sự kiên địnhbốn phương tiệntheo ông, cần thiết để bảo vệ quyền tự do báo chí.
Hãy thử áp dụng các nguyên tắc nói trên vào chủ đề của chúng ta. Trong bức thư gửi tới các phóng viên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đính kèm một loạt những bài viết được trích dẫn từ các phương tiện truyền thông chính thức như các tờ Global Times [Thời báo Hoàn cầu] hay China Daily [Trung Quốc Nhật báo], mà tất cả đều phụ thuộc chính phủ Trung Quốc. Như vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các nhà báo từ bỏ tính nghiêm ngặt không thể tách biệt với nghề nghiệp của họ: sự kiểm tra chéo nhiều nguồn tin khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc họ thoái thác tính sáng suốt của mình.
Bức thư được gửi vào ngày 20 tháng 8 năm 2019, Hua Chunying, giám đốc Cục thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gởi cho các phóng viên nước ngoài đóng tại Trung Quốc. (nh: DR)
Khi Hua Chunying, giám đốc Cục Thông tin, trình bày trong bức thư của mình thuyết âm mưu của Mỹ đằng sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, thì các bằng chứng được đưa ra là gì? Theo bài báo của tờ China Daily được đính kèm trong báo cáo cùng với bức thư này, có một loạt những sự kiện hiển nhiênBắt đầu với cuộc họp của Julie Eadeh, nữ cố vấn chính trị của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông, với ba trong số các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình ở Hồng Kông, Martin Lee, Anson Chan và Joshua Wong, vào ngày 6 tháng 8. Trước đó, cũng các nhân vật này, Martin Lee và Anson Chan, cũng giống như Jimmy Lai, chủ sở hữu tờ báo Hồng Kông ủng hộ dân chủ Apple Daily, đã gặp Phó tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo, ở Washington trong năm nay.
Khỏi cần tìm nữa, tờ báo rất chính thức Ta Kung Pao [Đại Công báo] đã viết, cuộc cách mạng màu đang diễn ra tại Hồng Kông. Ở đây cũng thế, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà báo nước ngoài từ bỏ sự sáng suốt của họ. Bởi vì bằng chứng đâu? Liệu các cuộc họp chính thức có đang bảo chứng cho các cuộc họp bí mật khác, chẳng hạn như cuộc họp được tổ chức vào tháng 9 năm 2018 với giới quân sự Venezuela muốn lật đổ tổng thống Nicolas Maduro của họ hay không? Cuối cùng, Washington đã quyết định không ủng hộ một cuộc đảo chính ở Caracas. Hiện tại thì không có điều gì tương tự xảy ra ở Hồng Kông.
“BÀN TAY HẮC ÁM” CỦA WASHINGTON
Hiển nhiên hơn và thậm chí có tính quyết định hơn, theo tờ China Daily, việc một số tổ chức phi chính phủ Hồng Kông tài trợ cho các cuộc biểu tình làm rung chuyển thuộc địa cũ của Anh. Các tổ chức này nhận tiền từ Quỹ quốc gia hỗ trợ nền dân chủ (NED, National Endowment for Democracy). Suy nghĩ sao đây? Đây không phải là nơi viết lại lịch sử phức tạp của quỹ tài trợ phi lợi nhuận tư nhân này, được thành lập dưới thời chính quyền Ronald Reagan vào năm 1983 và được Bộ Tài chính Hoa Kỳ cung cấp tài chính rất nhiều. Việc làm sáng tỏ các mối liên kết giữa quỹ NED và CIA đòi hỏi một cuộc nghiên cứu sâu rộng. Những luận điểm được Nga và Trung Quốc đưa ra cho rằng quỹ này không khác gì là một bình phong của cơ quan tình báo Mỹ, không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Người ta từng cho rằng quỹ NED dường như đã thay thế CIA trong việc tài trợ cho các hoạt động bí mật bằng các tổ chức phi chính phủ nhằm ủng hộ các lực lượng dân chủ ở nước ngoài, như tổ chức Solidarnösc [Công đoàn Đoàn kết] ở Ba Lan, hoặc gần đây hơn là ở Ukraine.
Liên quan đến Hồng Kông, lập luận này được Bắc Kinh kích động không phải là điều gì mới. Chính quyền Trung Quốc đã cáo buộc quỹ NED là bàn tay hắc ám đứng đằng sau phong trào ô dù năm 2014. Vào thời điểm đó, tổ chức này của Mỹ đã không phủ nhận các chương trình tài trợ của mình, từng tồn tại trong hai mươi năm qua ở Hồng Kông. Tổ chức này đã tự bảo vệ bằng cách lập luận rằng các khoản trợ cấp cho các tổ chức phi chính phủ địa phương được dùng để tổ chức các cuộc hội thảo đào tạo về quyền công dân hoặc về việc bảo vệ nhân quyền, và không thể được đánh đồng với những mưu toan nổi dậy chống lại chính quyền hiện hữu
Năm năm sau, người ta vẫn không cung cấp được những bằng chứng không thể chối cãi về việc chuẩn bị, tổ chức và tài trợ trực tiếp cho các cuộc biểu tình đang diễn ra. Trớ trêu thay, chính quyền Trump, trong ngân sách năm 2019, đã lên kế hoạch cắt giảm mạnh các khoản tài trợ cho quỹ NED, và hủy bỏ các mối quan hệ của quỹ NED với hai tổ chức phụ là Viện Dân chủ Quốc gia (NDI, National Democratic Institute) và Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI, International Republican Institute). Thật khó để chứng minh rằng cựu trùm bất động sản [Donald Trump] và chính phủ của ông nhiệt tình ủng hộ phong trào chống lại dự luật dẫn độ hiện nay. 
Cũng không có gì chắc chắn là các dòng tweet của tổng thống Mỹ hỗ trợ cho lập luận của Bắc Kinh. Ông chủ Nhà Trắng đã bắt đầu đồng nhất người biểu tình với những người bạo loạn (“rioters”), thuật ngữ được chính Trung Quốc sử dụng và theo luật pháp Hồng Kông có thể xử nặng những người bị cảnh sát bắt giữ trong các cuộc tụ tập. Tiếp đó, vị tỷ phú [Donald Trump] đã hiểu được tất cả lợi thế mà ông có thể rút ra từ các sự kiện ở Hồng Kông trong cuộc chiến tranh thương mại với Tập Cận Bình, khi đưa ra điều kiện cho việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc là việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách nhân bản. Ở đây không có điều kiện nào ủng hộ Nhà nước pháp quyền hoặc quyền phổ thông đầu phiếu, hai trong số những yêu sách của người biểu tình Hồng Kông.
Là chuyên gia hay không về lịch sử chính trị của Trung Quốc trong thế kỷ XX, các phóng viên nước ngoài không thể không biết đến từ vựng về các lực lượng chống đối Trung QuốcMột tự điển giản yếu thường xuyên thịnh hành kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 1949, từ cuộc Cách mạng Văn hóa đến vụ Thiên An Môn, đến nỗi sợ hãi về sự lây lan đến Bắc Kinh của các cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc lúc đó tưởng rằng có thể bắt giam đại sứ Hoa Kỳ Jon Huntsman, bị buộc tội chỉ đạo từ xa “Cuộc cách mạng hoa nhài” ở Trung Quốc qua một lần xuất hiện trước một cửa hàng McDonald ở Bắc Kinh, ngày [dự kiến] tổ chức một cuộc tập hợp nhỏ cho một cuộc biểu tình chưa bao giờ diễn ra.
MỘT “TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI” CẦN PHẢI “ĐẢM NHẬN
Camus đã viết vào năm 1939, ngoài sự sáng suốt, nhà báo vẫn có tự do nếu thể hiện được khả năng từ chối. Vị nữ giám đốc Cục thông tin Trung Quốc yêu cầu các phóng viên ở Bắc Kinh và các phương tiện truyền thông mà họ là người đại diện “đảm nhận trách nhiệm xã hội được yêu cầu viết những bài tường thuật trung lập, khách quan, vô tư và toàn diện, sao cho việc phản ánh các sự kiện có thể giúp những người biểu tình không rõ sự thật trở lại con đường đúng đắn, và giúp những người bị sai lầm nghiêm trọng tự mình có được một đánh giá hợp lý và công bằng”. Mệnh lệnh có tính đạo đức này tương ứng chính xác với các hướng dẫn của chính quyền trung ương đối với các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Mệnh lệnh phản ánh một quan niệm về báo chí như là cánh tay trung thành của công tác tuyên truyền của chính phủ.
Hoàn toàn không ngây thơ, mệnh lệnh của Bắc Kinh có mục đích đe dọa nhiều hơn là mục đích đạo đức. Đằng sau công việc biên tập và hình thành bộ hồ sơ báo chí này là một lời cảnh báo: hãy chú ý đến những gì bạn viết, hãy chú ý đến thị thực [visa] của bạn. Tiếc thay đây là một sự hăm dọa nhằm tạo áp lực mà ai cũng biết: ngày càng có nhiều phóng viên đã phải trả giá trong mười năm qua và năm 2018 là năm đặc biệt khắc nghiệt về hành vi quấy rối và trục xuất được ngụy trang dưới hình thức không được gia hạn thị thực. Liệu các phương tiện truyền thông nước ngoài cuối cùng có bỏ qua các chủ đề quá nhạy cảm ở Trung Quốc hay không? Đây rõ ràng là điều mà Bắc Kinh mong muốn.
Camus khẳng định rằng sự từ chối cần phải được hậu thuẫn bởi sự kiên định. Chắc chắn là một nước độc tài mà không có bất kỳ nhà báo độc lập nước ngoài nào là một thảm họa: đó là để cho một chế độ độc đảng hành động một cách lặng lẽ, ngăn chặn sự trỗi dậy của một nền báo chí quốc gia như là một quyền lực dân chủ đối trọng, và một mình đứng trên pháp luật. Nhưng nếu các phóng viên nước ngoài đồng ý im lặng khi được yêu cầu, thì họ sẽ ngừng thực thi vai trò của mình. Việc bị trục xuất là một chấn thương đối với phóng viên và là một thiệt thòi cho việc tiếp cận thông tin. Nhưng dù sao thì sự kiên định trong việc bảo vệ nghề nghiệp cũng là điều cần thiết. Liệu việc bị trục xuất có tốt hơn là phục vụ sự dối trá hay không? Đây là một câu hỏi ám ảnh tất cả chúng ta.
Giới thiệu tác giả
Joris Zylberman

Joris Zylberman là Giám đốc xuất bản và Tổng biên tập của Asialyst. Là cựu phóng viên ở Bắc Kinh và Thượng Hải cho các đài RFI và France 24, đồng sáng lập công ty sản xuất phim Actuasia, ông đã viết, chỉ đạo và sản xuất các bài phóng sự về Trung Quốc trong 9 năm. Ông là đồng tác giả cuốn Nouveaux Communistes chinois [Những người cộng sản Trung Quốc mới] (Armand Colin, 2012) và là nhà đồng đạo diễn bộ phim tài liệu “La Chine et nous: 50 ans de passion [Trung Quốc và chúng ta: 50 năm đam mê]” (France 3, 2013).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF