17.9.19

Nhà nước Trung Quốc đã biết khai thác sự toàn cầu hóa như thế nào?


Chính sách công nghiệp ở trung tâm một chiến lược quyền lực
NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC ĐÃ BIẾT KHAI THÁC SỰ TOÀN CẦU HÓA NHƯ THẾ NÀO?
Tại Diễn đàn Davos vào tháng giêng [năm 2017], cũng như tại cuộc gặp Donald Trump vào tháng 11 [năm 2017], Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh bóng bài phát biểu của ông về những ưu điểm của thương mại tự do, khi người đồng nhiệm của ông có vẻ đã bảo vệ “nước Mỹ trên hết” và chủ nghĩa bảo hộ. Bắc Kinh đã nắm lấy sự toàn cầu hóa để tìm lại vị trí của họ trên thế giới mà không bị hòa tan nhờ vào vị thế Nhà nước phát triển.
Philip S. Golub
Li Baoxun. – Không tên, 2013

Galerie Dock Sud, Sète
Kết thúc một thời gian dài bị lu mờ vào thế kỷ XIX – do sự kết hợp các áp lực thuộc địa bên ngoài (châu Âu rồi Nhật Bản) cùng với sự xáo trộn nội bộ (nạn đói, thiên tai, các cuộc nổi dậy) –, rồi đến một khoảng thời gian gần như tự cung tự cấp dưới thời Mao Trạch Đông từ năm 1949 đến năm 1976, Trung Quốc chiếm lại vị trí trung tâm trong nền kinh tế thế giới. Thực vậy, Trung Quốc đang quay trở lại, nếu nhìn từ một viễn cảnh lịch sử lâu dài, vị trí tương ứng với trọng lượng dân số học của họ vào thế kỷ XVIII, trước khi có sự phân kỳ lớn giữa “Đông-Tây” và “Bắc-Nam”. Sự trỗi dậy trở lại của Trung Quốc có những hệ quả chính trị và chiến lược sâu sắc, được minh chứng bởi những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông, khả năng quân sự ngày càng tăng, sự hình thành một con đường hàng hải và các hành lang đường bộ toàn cầu, hoặc vai trò của họ trong việc thành lập những định chế phát triển và quản trị kinh tế tự chủ mới, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) hoặc Ngân hàng Phát triển Mới (NDB)[1]. Nói chung, Trung Quốc đang nằm ở trung tâm của hiện tượng tái cân bằng của hành tinh, một hiện tượng làm thay đổi trật tự của thế giới.
Sự biến đổi này đặt ra câu hỏi về tính độc lập tương đối của Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hoá. Do quy mô và những hiệu ứng của nó, sự biến đổi này đang xô đổ một trong những định đề chính yếu của thập kỷ qua, theo đó quá trình xuyên quốc gia hóa các dòng chảy kinh tế, kết hợp với sự rút ngắn thời gian và không gian phát sinh từ cuộc cách mạng truyền thông, sẽ áp đảo Nhà nước, tước bỏ chủ quyền thật sự của nó và tước đi khả năng can thiệp của Nhà nước. Luận điểm này đã trải qua nhiều biến thể. Trong phiên bản tự do, chúng ta đã đi từ Nhà nước dân tộc hiện đại và hệ thống liên nhà nước được thành lập bởi các Hiệp ước Westphalia, vào năm 1648, đến một cấu hình hậu quốc tế hay hậu hiện đại được đặc trưng bởi sự thay đổi quyền lực theo hướng những tác nhân tư nhân và những định chế của “quản trị toàn cầu[2]. Trong các phiên bản tân Mác-xian, việc kiến tạo trở lại một không gian tích lũy tư bản ở hành tinh sau năm 1991 sẽ đặt Nhà nước, một phần hoặc toàn bộ tuỳ theo các cách giải thích, dưới sự chi phối của những lô-gic của chế độ tư bản tự trị được hiện thân bởi một chòm sao các tác nhân tư nhân xuyên quốc gia. Đối với một số tác giả, từ nay các tác nhân tư nhân xuyên quốc gia này sẽ hình thành một tầng lớp lãnh đạo xuyên quốc gia chia sẻ các thế giới quan hội tụ và lợi ích chung, vượt ngoài những phụ thuộc văn hóa hoặc bản sắc quốc gia[3]. Kết quả là sẽ có một sự cấu hình lại Nhà nước, trở thành một tác nhân bình thường của quá trình quốc tế hóa tư bản, tức là sự kiến tạo những cấu trúc phụ thuộc mới, kìm hãm quyền tự trị của Nhà nước.

Từ chủ nghĩa toàn trị đến chủ nghĩa chuyên quyền duy lý

Thế nhưng kinh nghiệm của Trung Quốc đã đi theo một hướng khác. Toàn cầu hóa vào cuối thế kỷ XX đã hiển nhiên tạo ra những áp lực có tính hệ thống, tác động đến đến tất cả các xã hội và tất cả các Nhà nước. Một số Nhà nước trong số đó đã bị áp đảo và chứng kiến quỹ đạo phát triển bị sự hình thành một thị trường thế giới do các lô-gic của sự mở rộng tư bản chủ nghĩa cấu thành, chi phối. Nhiều nước thuộc vùng “Nam toàn cầu” giữ lại một vị thế thứ yếu trong sự phân công lao động quốc tế mới. Những nước có nguồn nguyên liệu thô (đặc biệt là vùng cận Sahara châu Phi) hoặc những nước cung cấp nguồn lao động (Philippines, Mexico, Bangladesh...), đều bị đóng khung trong những hoạt động có giá trị gia tăng thấp như ngành dệt (Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ...) hoặc lắp ráp các sản phẩm điện hoặc điện tử, mà những thành tố có giá trị gia tăng cao hơn được sản xuất tại các nút khác của dây chuyền sản xuất xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, các hiệu ứng của sự hội nhập vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu mới diễn ra không đồng đều: quá trình xuyên quốc gia hoá nền sản xuất và các dòng chảy đã tạo ra một địa lý phát triển khác biệt, trong đó một số Nhà nước hưởng lợi một cách tuyệt đối và tương đối quan trọng, trong khi một số Nhà nước khác thì vẫn bị khóa chặt ở tình trạng kém phát triển hoặc không phát triển. Nguyên nhân của sự khác biệt này xuất phát từ việc triển khai tư bản trong không gian thế giới được thực hiện qua trung gian các cộng đồng chính trị và các hệ thống thể chế riêng biệt, được hình thành trong lịch sử. Quá trình quốc tế hóa đã làm cho các sự phụ thuộc và các điểm dễ tổn thương của những nước có năng lực tổ chức nhà nước yếu kém thêm đậm nét, nhưng nó cũng góp phần tạo ra sự tự chủ quốc tế tương đối và tăng thêm sức mạnh của một vài Nhà nước phát triển, những nhà nước có khả năng và biết khai thác thị trường toàn cầu và hướng các dòng chảy xuyên quốc gia vào các mục đích phát triển nội sinh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, và trong một chừng mực thấp hơn nhưng thành công là Malaysia).
Đặc biệt, đây là trường hợp của Trung Quốc. Quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc kể từ những năm 1980 càng có ý nghĩa hơn khi mà họ đã phải đối mặt vào cuối những năm 1970 với một cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế và xã hội. Lúc bấy giờ dường như ít có khả năng là, chỉ trong vòng vài thập kỷ, Trung Quốc có thể trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, và thậm chí còn hơn thế nữa là ở vị thế có thể điều chỉnh và làm cho môi trường quốc tế thích nghi với chương trình của họ, thay vì đơn giản phải tự thích ứng với môi trường quốc tế. Ngược lại, điều có nhiều khả năng xảy ra hơn là Trung Quốc đang đi tới một sự sụp đổ có hệ thống, tương tự như điều đã làm cho Liên Xô sụp đổ vào cuối những năm 1980 tiếp sau một thời gian dài suy giảm kinh tế và khủng hoảng về tính chính danh, những điều đã làm rung chuyển đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trái với Đảng Cộng sản Liên Xô, đã cố gắng quá trễ để làm cho nền kinh tế và xã hội tiến triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc biết cách tránh cho nền kinh tế và Nhà nước bị sụp đổ, bằng cách quản lý hiệu quả quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa toàn trị sang một “chủ nghĩa chuyên quyền duy lý[4]”, và từ một nền kinh tế chỉ huy tự cung tự cấp thành một nền kinh tế định hướng thị trường, hội nhập dần dần vào các thị trường khu vực và sau đó là các thị trường toàn cầu.
Lãnh đạo thời hậu-Mao Trạch Đông theo đuổi một chương trình hiện đại hóa dân tộc chủ nghĩa. Nguồn gốc của nhu cầu phải có một quốc gia hùng cường, giàu có và vững mạnh bắt nguồn từ phong trào “tự cường” vào cuối thế kỷ XIX, được một bộ phận giới tinh hoa phát động, theo hình ảnh cải cách của vua Minh Trị ở Nhật Bản sau năm 1868, muốn hiện đại hóa Trung Quốc từ thượng tầng để kiềm chế chủ nghĩa đế quốc nước ngoài[5]. Khi đi tìm một con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản phương Tây và hệ thống kế hoạch hóa theo kiểu mệnh lệnh của thời Mao-it, chính quyền hướng ánh mắt về phía đông hơn là về phía tây, về những mô hình lãnh đạo có khả năng tạo ra một động lực tăng trưởng và thoát khỏi nền kinh tế chỉ huy trong khi vẫn duy trì được sức mạnh và quyền uy của Nhà nước và của đảng. Việc chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản có quản lý bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm của các Nhà nước phát triển tư bản chủ nghĩa trong khu vực, những nhà nước đã phát triển thịnh vượng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đã trải nghiệm một sự dịch chuyển tăng trưởng kinh tế phi thường. Đặng Tiểu Bình đến thăm Nhật Bản và Singapore vào năm 1978, và các nhà hoạch định Trung Quốc đã chọn và thích ứng với các cách tiếp cận và kinh nghiệm của Nhật Bản “được cảm nhận một cách rộng rãi, như là gần gũi hơn và tương thích hơn với bối cảnh của Trung Quốc[6]” so với quỹ đạo [phát triển] của phương Tây. Sự thành công của hệ thống Nhật Bản trong việc quản lý hành chính và kế hoạch hoá định hướng, được các nước công nghiệp hóa mới Đông Á sao chép và bản địa hóa vào những năm 1960 và 1970 (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore), đã làm cho cấu hình thể chế của Nhật Bản hấp dẫn đối với những nhà lãnh đạo chính trị được đào tạo theo một truyền thống lâu đời của chủ nghĩa nhà nước (cộng sản cũng như tiền cộng sản).
Sự hấp dẫn của mô hình Nhật Bản
Vào thời đó, cảm nhận này đã được các nhà kinh tế và nhà hoạch định kế hoạch Nhật Bản củng cố thêm. Trong quá trình trao đổi chuyên sâu với các đối tác đồng cấp Trung Quốc vào những năm 1980, người Nhật Bản đã nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa Nhà nước điều tiết tự do tân cổ điển, kiểu Anh hoặc Mỹ, với Nhà nước phát triển Nhật Bản, được coi không phải như là “một nước tư bản hợp thức, mà đúng hơn là [giống như] một kiểu mô hình kinh tế chính trị khác biệt, trong đó việc chính phủ định hướng các thị trường đóng vai trò không thể thiếu[7]”.
Chalmers Johnson (1931-2010)

Sự phân biệt này nằm ở trọng tâm các công trình đổi mới của Chalmers Johnson vào đầu những năm 1980[8]. Đối với ông, và đối với các nhà nghiên cứu khác cùng thời chẳng hạn như Peter Evans hay Alice Amsden, tính duy lý quan liêu của Nhà nước phát triển tư bản chủ nghĩa châu Á được phân biệt rõ với lý thuyết và thực hành tân cổ điển, dựa trên việc các tác nhân cá thể tối đa hóa lợi ích của họ, hơn là với lý thuyết và thực hành cứng nhắc và không thích hợp của hệ thống chỉ huy cộng sản. Nhà nước phát triển Châu Á được mô tả như là một nhà hoạch định duy lý, mà bàn tay hữu hình có ảnh hưởng không loại bỏ các thị trường, nhưng đặt ra những mục tiêu lớn, bằng cách thành lập hoặc tạo điều kiện cho các ngành kinh tế chiến lược, thông qua việc triển khai các khung thể chế và các công cụ can thiệp phù hợp với nhiều chuỗi công nghiệp hóa khác nhau. Nhà kinh tế học người Pháp Robert Boyer nhấn mạnh rằng chủ nghĩa kinh tế chỉ huy của Pháp sau năm 1945 có những đặc điểm tương tự. Ông lưu ý rằng “sự đóng góp có tính quyết định nhất cho sự năng động của công nghiệp nằm ở vai trò quyết định của Nhà nước trong việc tái thiết các cơ sở hạ tầng, kích hoạt sản xuất đại trà thông qua việc quốc hữu hóa, qua việc kiểm soát tín dụng trong khu vực quốc hữu hóa như Ngân hàng (trung ương) Pháp, và cuối cùng là qua việc cấu thành một hệ thống an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ, bởi vì nó bao phủ lương hưu, y tế, giáo dục, nhà ở[9]”.
Ho-fung Hung
Robert Boyer (1943-)
Đối với chính quyền Trung Quốc, những vấn đề trọng tâm là tự do hóa và thành lập các thị trường mà không đánh mất quyền kiểm soát chính trị, và mở cửa nền kinh tế ra thế giới mà không đánh mất quyền tự trị, hầu tránh việc hình thành những quan hệ phụ thuộc điển hình trong các quan hệ bất đối xứng Bắc-Nam. Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, từ việc tuyên bố cải cách (1978) đến cuộc khủng hoảng và sự đàn áp ở Thiên An Môn (1989), chính sách mở cửa được đánh dấu bằng chủ nghĩa tiệm tiến, đặc biệt là việc thành lập vào năm 1979 các đặc khu kinh tế (SEZ) thí điểm ở các tỉnh miền duyên hải vốn theo truyền thống là những vùng được quốc tế hóa ở mức cao nhất của Trung Quốc. Trong những năm 1980, các đặc khu kinh tế đã thu hút nguồn đầu tư quốc tế tư nhân châu Á, ban đầu là cộng đồng người Hoa ở nước ngoài rồi đến người Nhật, với một sự tăng tốc từ năm 1984-1985. Nguồn đầu tư trực tiếp từ Hồng Kông, Macao, Đài Loan và Singapore tập trung vào những ngành công nghiệp thâm dụng lao động và có hàm lượng công nghệ thấp (dệt may, đồ chơi, v.v.), nhưng đã khơi mào cho một cơ năng tăng trưởng ở địa phương ngày càng mạnh hơn. Nguồn đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực chế biến, một nửa trong các liên doanh sản xuất cho hoặc nhiều hơn cho thị trường Trung Quốc lẫn cho các thị trường khu vực, đóng vai trò quan trọng kể từ năm 1985, từ 4,5% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Đông Á lên 44,7% một thập kỷ sau đó. “Dòng đầu tư từ Nhật Bản và từ các ‘con hổ châu Á’ trong lĩnh vực sản xuất chế biến hướng đến xuất khẩu, theo lời của Ho-fung Hung, đã dẫn đến việc miền Nam Trung Quốc hội nhập vào trật tự kinh tế khu vực” do Nhật Bản dẫn đầu[10].

Vào những năm 1990 diễn ra một sự tiến hóa đáng chú ý. Sau một thời gian tạm dừng ba năm do những cuộc đấu tranh chính trị ở thượng tầng tiếp sau sự kiện Thiên An Môn, bộ phận thống trị của đảng cầm quyền xung quanh Đặng Tiểu Bình đã tăng tốc và làm sâu sắc hơn việc tái cấu trúc theo hướng tự do hoá nền kinh tế trong nước và quốc tế hóa nó ở cấp toàn cầu hơn là khu vực. Sự lựa chọn này bị ảnh hưởng bởi sự đảo chiều đương thời trong các quan hệ quốc tế – sự sụp đổ của Liên Xô, chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 và sự chao đảo rồi đình trệ lâu dài của nền kinh tế Nhật Bản –, một sự đảo chiều xác nhận vai trò hàng đầu của Hoa Kỳ. Đứng trước tình hình hoàn toàn mới này, theo Đặng Tiểu Bình, sự lựa chọn là “kiên quyết giữ vững công cuộc xây dựng kinh tế và tiếp tục trên đường hướng này, trừ khi có một cuộc xâm lược nước ngoài ở quy mô lớn. Chúng ta không bao giờ được chệch hướng chú ý khỏi nhiệm vụ trọng tâm này[11]”. Hệ quả địa chính trị của sự hội nhập vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu là việc cần có một sự tiến hóa hòa bình trong các quan hệ với Hoa Kỳ. Ví dụ, năm 1992, Trung Quốc đã ký một nghị định thư với Hoa Kỳ, chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về thuế quan, bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ. Trong cách nhìn của Mỹ, việc nước Cộng hòa Nhân dân gia nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ mở ra một thị trường đầu tư mới mẻ và rộng lớn, đồng thời tạo ra cơ hội để định dạng quỹ đạo kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Cấu hình quốc tế mới đặt ra cho Trung Quốc một thế lưỡng nan chung cho tất cả các Nhà nước phương Nam: làm thế nào leo lên bậc thang phát triển khi hội nhập vào một thị trường thế giới được tổ chức bởi các doanh nghiệp xuyên quốc gia, và khi các kỷ luật và chế độ thể chế được quyết định bởi những Nhà nước thống trị trong lịch sử? Một trong những động cơ chủ yếu của sự mở cửa là để tiếp thu và sở hữu công nghệ. Năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố, “Công nghệ, khoa học và thậm chí quản trị sản xuất tiên tiến, cũng là một dạng khoa học, đều hữu ích trong bất kỳ xã hội hay quốc gia nào. Chúng ta có ý định tiếp thu các kỹ năng công nghệ, khoa học và quản trị để phục vụ cho nền sản xuất xã hội chủ nghĩa của chúng ta[12].”
Tuy nhiên, để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt hơn so với những điều kiện được áp dụng đối với các nước gia nhập khác. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc Đài Loan được tự do lựa chọn các chính sách mệnh lệnh để bảo vệ thị trường quốc gia của họ, và thậm chí còn được Hoa Kỳ hỗ trợ về điều đó trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh, thì thị trường Trung Quốc phải mở cửa – có điều kiện – cho các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc là trong các doanh nghiệp liên doanh hoặc là trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu hoàn toàn của các công ty nước ngoài. Từ 2,2 tỷ US$ trung bình mỗi năm từ năm 1984 đến năm 1989, các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên 30,8 tỷ US$ trung bình hàng năm từ năm 1992 đến năm 2000, và rồi lên 170 tỷ US$ từ năm 2000 đến năm 2013.
Một dự án dài hơn cả một thế kỷ
Trong những năm 1990, những kết quả về mặt làm chủ công nghệ và phân phối giá trị không thuyết phục. Do việc chia nhỏ quy trình sản xuất – quan niệm, cung cấp nguyên liệu thô, sản xuất linh kiện, lắp ráp giai đoạn cuối cùng, tiếp thị và bán lẻ – và do phần chủ yếu của giá trị vào tay những doanh nghiệp nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ, nên thu hoạch quốc gia về mặt chất lượng là tương đối thấp. Đã có nhiều tiếng nói hoài nghi sau đó lưu ý rằng Nhà nước đã không thành công trong chương trình hiện đại hóa. Trong lời phê phán mạnh mẽ và có hệ thống về sự lựa chọn các mô hình lãnh đạo thời hậu-Mao Trạch Đông, Jianyong Yue đặc biệt cho rằng “sự tương tác giữa ‘chủ nghĩa xã hội’ thị trường của Trung Quốc và chủ nghĩa tư bản thế giới đã tạo ra một quá trình tự củng cố mạnh mẽ, đặt để và khóa chặt Trung Quốc trong một con đường phát triển được đặc trưng bởi một nền công nghiệp hóa không có tiến bộ công nghệ[13]”.
Cuộc tranh luận này vẫn mang tính thời sự trong một số lĩnh vực, nhưng đã có một xu hướng điều chỉnh trong 15 năm qua, với việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo (2003-2013) triển khai một chính sách công nghiệp quốc gia đầy tham vọng, các chương trình được thực hiện trong nhiều năm và trong nhiều lĩnh vực và một “nỗ lực to lớn trong việc định hướng và phối hợp toàn diện quá trình hiện đại hóa công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc[14]”. Với việc thành lập một mạng lưới quan trọng các định chế nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu và triển khai trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 0,5% vào năm 1995 lên 1,98% vào năm 2012, một tỷ lệ tương ứng với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Từ nay, Trung Quốc đứng thứ tư, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, về số lượng các bằng sáng chế được đăng ký. Nếu “Trung Quốc chưa tiếp cận được mức tương đương với những nước sản xuất lớn về khoa học trong nghiên cứu khoa học cơ bản”, theo Quỹ khoa học quốc gia của Hoa Kỳ, thì chúng ta chỉ có thể ghi nhận rằng “tốc độ trỗi dậy chưa từng có của đất nước này như một tác nhân lớn” về khoa học và công nghệ[15]. Năm 2012, trong một bài báo có tựa đề “Nhà nước đang chiếm ưu thế”, tờ tuần san The Economist của Anh hối tiếc rằng “sự rút lui của Nhà nước” được quan sát thấy trong những năm 1990 đã chậm lại và thậm chí được đảo ngược trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, viễn thông, đóng tàu và kể cả đường sắt cao tốc, xuất phát từ “sự tập trung hóa trở lại và sự kích hoạt trở lại các chính sách công nghiệp và công nghệ[16].
Gary Gereffi (1948-)
Trên thực tế, Trung Quốc đang leo cao trên các bậc thang giá trị: tỷ phần giá trị gia tăng tại chỗ đang tăng lên đều đặn. Năm 2014, Gary Gereffi, một trong các chuyên gia giỏi nhất về chuỗi giá trị toàn cầu và quá trình xuyên quốc gia hóa nền sản xuất, đã lưu ý rằng “sự gia tăng tiềm tàng các trung tâm thay thế quyền lực kinh tế và chính trị” và “hồi kết của đồng thuận Washington” (tự do hóa, tư nhân hóa, phi điều tiết hóa) tượng trưng cho một sự thay đổi có tính hệ thống. Quá trình “củng cố về mặt địa lý và tập trung mới về mặt giá trị” đang làm thay đổi sự cân bằng giữa các công ty xuyên quốc gia và một số Nhà nước lớn đang trỗi dậy: “Các cực tăng trưởng năng động nhất của nền kinh tế thế giới được cấu thành từ một số ngày càng nhiều những cường quốc đang nổi lên, các cường quốc này kết hợp các thị trường quốc gia tương đối quan trọng, một lực lượng lao động có tay nghề cao, các nhà sản xuất có năng lực và một sự thúc đẩy theo hướng đổi mới tại chỗ.” Các nước này không chỉ tiến triển trong chuỗi giá trị, mà còn chuyển dịch từ một nền công nghiệp hóa dựa trên nhu cầu bên ngoài sang các cách tiếp cận tập trung vào những thị trường trong nước và khu vực[17]. Để đa dạng hóa các nguồn tài trợ cho thương mại và từng bước trở nên tự trị so với đồng đô la, Trung Quốc, trong một vài năm qua, đã tiến đến việc quốc tế hóa đồng tiền của họ, đồng nhân dân tệ[18].
Philip S. Golub

Nhờ một Nhà nước phát triển mạnh, thừa kế một truyền thống lâu đời của mô hình kiến tạo quan liêu, Trung Quốc đang thực hiện dự án hiện đại hóa dài hơn cả trăm năm. Trái với những nước dễ bị tổn thương hơn, trong đó quyền lực công bị giới hạn trong vai trò “tác nhân điều chỉnh nền kinh tế quốc dân theo yêu cầu của nền kinh tế thế giới[19]”, Nhà nước Trung Quốc, với tất cả những bước thăng trầm, và với việc phải trả giáo cao cho các chi phí về xã hội và môi trường, đã biết cách tích hợp nền kinh tế của họ trong khi vẫn đảm bảo quyền tự trị của mình. Là một điều rất khó sao chép, nhưng kinh nghiệm này dù sao cũng cung cấp một trường suy tưởng quan trọng về mối quan hệ giữa Nhà nước và toàn cầu hóa.
Philip S. Golub
Giáo sư tại Đại học Mỹ ở Paris, tác giả cuốn East Asia’s Reemergence [Đông Á trỗi dậy trở lại], Polity Press, Cambridge, 2016.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Comment l’État chinois a su exploiter la mondialisation, Monde Diplomatique, 12/2017.




Chú thích:

[1] Đọc “China rewrites the global rules [Trung Quốc viết lại các quy tắc toàn cầu]”, Le Monde diplomatique, ấn bản tiếng Anh, tháng 2/2016.

[2] Cf. ví dụ Thomas Risse (dưới sự hướng dẫn của), Governance Without a State? Policies and Politics in Areas of Limited Statehood [Quản trị không Nhà nước? Chính sách và chính trị trong cương vị một nước có giới hạn], Columbia University Press, New York, 2011.

[3] Cf. Saskia Sassen, “A savage sorting of winners and losers: Contemporary versions of primitive accumulation [Một nhóm người chiến thắng và kẻ thua cuộc hoang dã: Các phiên bản đương thời về sự tích lũy nguyên thủy]”, Globalizations [Toàn cầu hoá], tập7, số 1, Abingdon, 2010; Michael Hardt và Antonio Negri, Empire [Đế quốc], Exils, Paris, 2000; Jerry Harris và William Robinson, “Towards a global ruling class? Globalization and the transnational capitalist class [Hướng tới một tầng lớp thống trị toàn cầu? Toàn cầu hóa và tầng lớp tư bản chủ nghĩa xuyên quốc gia]”, Science and Society [Khoa học và Xã hội], tập 64, số 1, New York, 2000.

[4] Theo lời của Peter Nolan trong Transforming China: Globalization, Transition and Development [Chuyển đổi Trung Quốc: Toàn cầu hóa, chuyển tiếp và phát triển], Anthem Press, London, 2004.

[5] Philip Kuhn, Les Origines de l’État chinois moderne [Nguồn gốc của Nhà nước Trung Quốc hiện đại], Các ấn bản của EHESS, Paris, 1999.

[6] Sebastian Heilmann và Lea Shih, “The rise of industrial policy in China, 1978-2012 [Sự nổi lên của chính sách công nghiệp ở Trung Quốc, 1978-2012]”, Harvard-Yenching Institute Working Paper Series, 2013.

[7] Ibid.

[8] Chalmers Johnson, MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy [MITI và phép mầu Nhật Bản: Sự tăng trưởng của chính sách công nghiệp], Stanford University Press, 1982.

[9] Robert Boyer, “Heurs et malheurs de l’industrie française: 1945-1995. Essor et crise d’une variante étatique du modèle fordiste [Vận may và vận rủi của ngành công nghiệp Pháp: 1945-1995. Động lực và khủng hoảng của một biến thể nhà nước từ mô hình Fordist]”, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và ứng dụng (Cepremap), Paris, 1998.

[10] Ho-fung Hung (dưới sự hướng dẫn của), China and the Transformation of Global Capitalism [Trung Quốc và sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu], The Johns Hopkins University Press, Baltimore, 2009.

[11] Được trích dẫn bởi Suisheng Zhao, “Deng Xiaoping’s southern tour: Elite politics in post-Tiananmen China [Hành trình phía Nam của Đặng Tiểu Bình: Chính trị ưu tú ở Trung quốc thời hậu Thiên An Môn]”, Asian Survey [Khảo sát châu Á], tập 33, số 8, Berkeley, tháng 8/1993.

[12] Được trích dẫn bởi Yasheng Huang, “The role of foreign-invested enterprises in the Chinese economy: An institutional foundation approach [Vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Trung Quốc: Một cách tiếp cận nền tảng về thể chế]”, trong Shuxun Chen và Charles Wolf Jr (dưới sự hướng dẫn của), China, the United States, and the Global Economy [Trung Quốc, Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu], Rand Corporation, Santa Monica, 2001.

[13] Jianyong Yue, “Dilemma of national development in globalization: The politics behind China’s accession to the WTO [Thế lưỡng nan của sự phát triển quốc gia trong toàn cầu hóa: Chính trị đằng sau việc Trung Quốc gia nhập WTO],” Luận án tiến sĩ, Trường Kinh tế London, 2011.

[14] Heilmann và Shih, op. cit.

[15] National Science Foundation, “Asia’s rising science and technology strength: Comparative indicators for Asia, the European Union, and the United States [Sự trỗi dậy của châu Á về khoa học và công nghệ: Các chỉ số so sánh đối với châu Á, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ]”, Arlington, tháng 5/2007.

[16] The state advances [Những tiến bộ của Nhà nước]”, The Economist, London, 6/10/2012.

[17] Gary Gereffi, “Global value chains in a post-Washington consensus world [Chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới thời hậu đồng thuận Washington]”, Review of International Political Economy, tập 21, số 1, Abingdon, 2014.

[18] Xem “China rewrites the global rules [Trung Quốc viết lại các quy tắc toàn cầu]”, op. cit.

[19] Gregory Chin, “Between ‘outside-in’ and ‘inside-out’: The internationalization of the Chinese state [Giữa ‘từ ngoài-vào’ và ‘từ trong-ra’: Quốc tế hóa Nhà nước Trung Quốc]”, trong David Zweig và Chen Zhimin (dưới sự hướng dẫn của), China’s Reforms and International Political Economy [Các chính sách cải cách của Trung Quốc và nền kinh tế chính trị quốc tế], Routledge, New York, 2007.

Print Friendly and PDF