28.9.19

Thời đại khai sáng ở châu Âu (3): Khởi đầu và chấm dứt

Giới thiệu: Không có một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng loài người cho đến hôm nay lại mang tính thời sự, đồng thời gây ra nhiều giải thích khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau như thời đại khai sáng. Nhưng dù với xu hướng nào, cũng không ai nghi ngờ rằng, thế giới hiện đại như chúng ta thấy hôm nay được bắt đầu bằng những thành quả của thời đại khai sáng. Đối với người Việt Nam, trong bối cảnh văn hóa và tư tưởng còn thuộc độc quyền nhà nước và nguồn tin tức về lịch sử văn minh phương Tây còn hạn chế, việc tìm hiểu thời đại khai sáng lại càng thú vị hơn. Cho đến cuối năm 2019, chúng tôi sẽ phổ biến chừng 10 bài về đề tài này. Xin giới thiệu với độc giả bài thứ ba và mong được đón nhận nhiều góp ý, phê bình của độc giả.

THỜI ĐẠI KHAI SÁNG Ở CHÂU ÂU (3):
KHỞI ĐẦU VÀ CHẤM DỨT
Tác giả: Tôn Thất Thông
Trào lưu khai sáng đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến với cao điểm là hai cuộc cách mạng ở Mỹ và Pháp, để chuẩn bị bước sang chủ nghĩa tư bản bắt đầu từ thế kỷ 19 với các định chế chính trị dân chủ xuất hiện trên khắp lục địa. Dần dần, hầu hết tất các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ đều bắt đầu xây dựng thể chế chính trị dựa trên nguyên tắc công pháp và phân quyền. Đó là thành quả lớn lao của trào lưu khai sáng trong thế kỷ 18, làm bàn đạp cho những thay đổi xã hội châu Âu và Bắc Mỹ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn chương, triết học. Bài này sẽ cố gắng tìm hiểu trào lưu khai sáng thực sự bắt đầu ở thời điểm nào và lúc nào là (tạm) chấm dứt.
Trào lưu khai sáng ở châu Âu phát triển rực rỡ nhất trong thời gian ở giữa các cuộc cách mạng dân chủ lớn trên thế giới: “cách mạng vinh quang[1]” tại Anh năm 1688, cách mạng Mỹ năm 1776 và cách mạng Pháp năm 1789. Đó là một thế kỷ huy hoàng, một khung thời gian hội tụ những gương mặt đặc sắc của nền văn minh hiện đại châu Âu. Các tác phẩm triết học và chính trị quan trọng nhất còn ghi lại dấu ấn cho đến hôm nay đều được ra đời trong thế kỷ khai sáng, hoặc một thời gian ngắn trước đó. Định chế chính trị của các nước hiện đại hôm nay đều dựa vào hệ tư tưởng được phát sinh trong thời đại khai sáng. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên mang tính đột phá và đặt nền tảng cho nền khoa học và kỹ thuật hiện đại cũng được khám phá trong thời gian này.


Vài thí dụ: Hai khảo luận về chính quyền của John Locke, xuất bản lần đầu năm 1690, đã tạo cảm hứng cho việc soạn thảo nội dung hiến pháp Hoa Kỳ, Pháp và từ đó lan ra nhiều nước dân chủ khác ngày nay trên thế giới; Tinh thần luật pháp của Montesquieu năm 1748 là sách gối đầu kinh điển của nguyên tắc phân quyền áp dụng trong các nền dân chủ lớn hiện nay; Khế ước xã hội của Jean-Jacques Rousseau xuất hiện năm 1762 như một hiệu lệnh cho cuộc cách mạng Pháp xảy ra 27 năm sau đó; Phồn vinh các quốc gia của Adam Smith năm 1776 là nền tảng của hệ thống kinh tế hiện đại, mang lại phồn vinh cho thế giới phương Tây; Phê phán lý tính thuần túy của Immanuel Kant năm 1781 mở đầu cho nền triết học hiện đại, Bách khoa toàn thư gồm mười bảy tập của Denis Diderot chủ biên với hơn 160 tác giả tiếng tăm đương thời, v.v.. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận một điểm uốn quan trọng trong lịch sử phát triển kỹ thuật ứng dụng là, nguyên lý hoạt động của máy hơi nước khám phá bởi James Watt nhận được bằng sáng chế năm 1769, bắt đầu cho cơn bão cách mạng công nghiệp, chi phối hoạt động của mọi ngành sản xuất trong hai thế kỷ 18 và 19.
Và chắc hẳn cũng không phải tình cờ mà những tài năng lớn nhất của nhân loại trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển lại thành danh trong thế kỷ khai sáng. Trong thời đại đó, chúng ta có thể kể hàng loạt nhạc sư có tài năng vượt không gian, vượt cả thời gian và còn giá trị cao cho đến hôm nay. Vài khuôn mặt tiêu biểu: Antonio Vivaldi (1678-1741), Johann Sebastian Bach (1685-1750), Joseph Haydn (1732-1809), Wolfgang Mozart (1756-1791), Ludwig van Beethoven (1770-1827), Franz Schubert (1797-1828), v.v..

Trào lưu khai sáng tất nhiên không dừng lại ở cuối thế kỷ 18, mà còn tồn tại và phát triển trong những thế kỷ tiếp theo, không những cho riêng châu Âu mà dần dần lan tỏa ra các lục địa khác. Tuy nhiên, trào lưu khai sáng kể từ thế kỷ 19 mang nội dung mới. Diện mạo châu Âu trong thế kỷ 19 và 20 đã đổi khác, cấu trúc xã hội đã thay đổi sâu sắc; khoa học và kỹ thuật đã phát triển lên một mức độ cao hơn; cuộc cách mạng công nghiệp không những đã xuất hiện mà còn phát triển vũ bão đến mức độ khó lường mà con người chưa bao giờ chứng kiến trước đó; các tư tưởng tiên phong và tiến bộ được sản sinh trong thế kỷ 18 đã trở thành hiện thực và từng bước được hoàn thiện trong thế kỷ tiếp theo trên khắp mọi miền ở lục địa châu Âu; các tính chất cần thiết của một con người khai sáng đã trở thành giá trị tương đối phổ quát, được xã hội và học đường thừa nhận và bảo vệ.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, tư tưởng khai sáng kể từ thế kỷ 19 về sau tất nhiên mang một sắc thái mới, có một nội dung mới nhằm lý giải các hiện tượng trong xã hội đương thời, đồng thời đưa ra những tiền đề mới để đón đầu giải quyết các vấn nạn có thể xảy ra. Nói cách khác, ngưỡng cửa 1800 có thể xem là thời điểm kết thúc của trào lưu khai sáng theo phong cách cũ, hay ít ra, có thể xem đó là một giả thuyết có cơ sở để làm mốc lịch sử cho việc khảo cứu tiếp theo.
Đi ngược về phía trước, việc định vị điểm khởi đầu của thời đại khai sáng tương đối phức tạp hơn và khó đạt đến một kết luận thống nhất. Một số sử gia lấy cuộc cách mạng vinh quang tại Anh năm 1688 là điểm khởi đầu. Nhiều sử gia khác thì lấy năm 1650 như một điểm uốn lịch sử để định vị sự bắt đầu của thời đại khai sáng. Hai thời điểm nói trên đều hợp lý, nếu chúng ta chú trọng đến các yếu tố ảnh hưởng lên sự thay đổi thể chế chính trị tại châu Âu. Nhưng trên quan điểm khoa học, văn hóa và tư tưởng, chúng ta có thể truy tìm nguồn gốc sâu xa hơn.
Nếu trào lưu khai sáng phát triển rực rỡ kể từ cuộc cách mạng Anh năm 1688, thì biến cố lịch sử đó cũng không đến một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của cuộc vận động dân chủ tại Anh bắt đầu từ năm 1649, khi nhà quân chủ chuyên chế Charles I bị hành hình, quyền lực vương triều được trao vào tay nghị viện và chế độ cộng hòa bắt đầu xuất hiện trên vương quốc Anh, cũng là sự xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Nhưng từ đâu mà ý thức dân chủ cộng hòa có thể bộc phát và có sức mạnh làm sụp đổ hệ thống quyền lực đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước trên vương quốc Anh? Câu trả lời thật đơn giản: Trước đó, ý thức của giới tinh hoa đương thời đã thay đổi sâu sắc, kết hợp với ý chí hành động không lay chuyển để nắm lấy vận mệnh của chính mình. Họ bất tuân quyền lực thế tục để đòi hỏi quyền tự quyết cho bản thân. Họ từ chối thần quyền với giáo điều khe khắt và lừa bịp để chọn cho mình con đường tư duy độc lập. Họ từ chối mặc khải thần thánh, mê tín huyễn hoặc để tự đi tìm qui luật phát triển của thiên nhiên. Những thành tố đó đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 17 với một khuôn mặt nổi bật, Francis Bacon (1561-1626), người đã khai sinh nền triết học tự nhiên (natural philosophy) và thuyết kinh nghiệm luận (empirism) của thời hiện đại, được áp dụng rộng rãi cho việc nghiên cứu khoa học tự nhiên sau này.
Có hợp lý hay không khi chọn thời gian thành danh của Francis Bacon làm mốc khởi đầu của thời đại khai sáng? Trình độ văn minh của một xã hội không thể được đo lường đơn thuần từ của cải vật chất hoặc mức độ phồn vinh nói chung mà xã hội đó đạt được, nhưng nhất thiết phải được đánh giá bằng tinh thần sẵn sàng của các thành viên trong nỗ lực tìm tòi nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ mới hòng làm cho đời sống con người được tốt đẹp hơn – những tiến bộ về mặt tư tưởng cũng như trong khoa học và kỹ thuật.
Francis Bacon đã tự đặt ra mục đích cho những hoạt động tinh thần của mình là khơi dậy tính sẵn sàng nghiên cứu, chấp nhận và sử dụng các tiến bộ mới. Trong cuộc chuyển hóa từ trật tự nông nghiệp phong kiến sang trật tự công nghiệp tiền tư bản, Francis Bacon có lẽ là triết gia đầu tiên nhận thức được tầm vóc lớn lao của cuộc chuyển hóa đó. Gần 70 năm sau, vị tổ phụ của lý thuyết kinh tế thị trường, Adam Smith quan sát cẩn thận hơn và tóm tắt tầm quan trọng của bước chuyển tiếp giữa hai hình thái xã hội đó, ông “đề cập đến một cuộc chuyển hóa mang tính cách mạng, nói chính xác hơn là một cuộc đại cách mạng. […] Và thực sự chưa bao giờ trong lịch sử, đời sống con người lại được thay đổi tận gốc trong một thời gian ngắn, như trong bước chuyển tiếp từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp[2]”.
Cũng không có gì để nghi ngờ rằng, Francis Bacon là triết gia đầu tiên nhận thức một cách sâu sắc rằng, xã hội này tất yếu sẽ cần đến sự phát triển một nền triết học và luân lý biết hướng đến các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong tương lai[3], vừa có mục đích lý giải và quảng bá chúng, vừa biết đặt ra những tiền đề cần thiết để giải quyết những vấn nạn do chúng gây ra.
Ngoài ra, khi nói về khai sáng thì chúng ta cũng không thể bỏ quên René Descartes (1596-1650), trẻ hơn Francis Bacon một thế hệ, là “ông tổ đích thực của tư tưởng hiện đại, người đã đề ra yêu cầu: nhờ vào sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật, con người phải và có thể trở thành chủ nhân và chủ sở hữu của thiên nhiên[4]”. Descartes, cùng với Isaac Newton sau đó, đã có công đưa nền triết học tự nhiên đến một khúc quanh mới: Các luận điểm trong triết học tự nhiên có thể được kiểm chứng bằng các kết quả của nghiên cứu khoa học, kể cả việc sử dụng công cụ toán học và vật lý để soi sáng thêm.
Cặp bài trùng Bacon-Descartes này chính là hai vị tổ phụ của phương pháp nghiên cứu khoa học còn được sử dụng cho đến hôm nay. Bacon dùng phương pháp qui nạp[5] để tìm chân lý, Descartes thì xuất phát từ những tiền đề xem ra có vẻ hiển nhiên, diễn dịch chúng để xây dựng hệ thống lý luận. Cả hai ông đều đúng và sai. Đúng vì cả hai phương pháp đều có giá trị thực tiễn trong nghiên cứu khoa học. Sai vì không phải chỉ có một trong hai phương pháp – diễn dịch hoặc qui nạp – mới đưa đến kết luận đúng đắn. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học ngày hôm nay phải dựa vào cả hai phương pháp chứ không riêng một phương pháp nào mới có thể đưa đến kết quả.
So sánh phương pháp tư duy của Bacon và Descartes với các học giả trong thời gian trước đó, thiết tưởng cũng là điều hợp lý khi xem thời gian ở ngưỡng cửa 1600 là bước chuyển tiếp giữa hai phong thái học giả khác nhau, đánh dấu bước ngoặt mới trong tiến trình phát triển tư tưởng của châu Âu, về mặt nhận thức luận cũng như phương pháp luận.
Ngoài bước ngoặt quan trọng về phương pháp luận, thế kỷ 17 cũng đánh dấu một sự biến chuyển sâu sắc trong nhận thức con người về vũ trụ, và gắn liền với nó là sự nghi ngờ những điều được ghi chép trong Thánh kinh và giáo lý Kitô, làm giảm sút niềm tin về sự đúng đắn của triết lý thần học. Nhờ thế, hệ tư tưởng châu Âu bước vào một thời đại mới với nhiều tư duy và sáng kiến lấy con người làm trung tâm, những người biết độc lập suy luận thay vì tin tưởng, phụ thuộc vào mặc khải thần thánh và giáo lý Kitô.
Kể từ thế kỷ thứ tư trước CN, Aristotle diễn tả vũ trụ là một hệ thống bao gồm nhiều hành tinh quay quanh quả đất trên quĩ đạo hình tròn của chúng với trục quay là trung tâm địa cầu. Giả thuyết này được Claudius Ptolemy (100-160 sau CN) khai triển thêm, hệ thống hóa và diễn giải trong tác phẩm của ông[6], sau đó đã trở thành sách kinh điển của ngành thiên văn học suốt hơn 1500 năm. Vũ trụ quan này phù hợp với những quan sát thường nhật và phù hợp với Thánh kinh, nên các học giả của Giáo hội Kitô, kể từ thế kỷ thứ tư sau CN, tiếp nhận và cương quyết bảo vệ vũ trụ quan địa tâm (geocentric), vốn dĩ đã trở thành tư tưởng cốt lõi của triết lý thần học.
Lúc ấy, người ta quả quyết rằng, trái đất là trung tâm của vũ trụ, trong đó vị trí của con người, vốn dĩ do Đấng Sáng Tạo sinh ra, được xác định rõ ràng. Bên ngoài quả đất là Trời, là Thiên Đường, là thế giới của Thượng Đế và thánh thần, nơi mà sau khi chết, con người có thể đạt đến cuộc sống vĩnh cửu đầy hạnh phúc nếu trong lúc còn sống, họ hội đủ những tiêu chí được định ra bởi giáo lý thần học. Hệ tư tưởng này chi phối châu Âu suốt một thời gian dài cho đến thế kỷ 16, tuyệt đối không có một luồng tư tưởng thứ hai nào khả dĩ có sức thuyết phục cao để cạnh tranh và phản bác lại được. Vì thế, học giả châu Âu không có một tiêu chí nào khác để so sánh, ngoại trừ những truyền thống phổ biến trong xã hội họ đang sống, hoặc cùng lắm là trở về với thế giới cổ đại, mà tự nó là biểu tượng đã có tính khuôn mẫu[7].
Mãi cho đến đầu thế kỷ 16, Nicolaus Copernicus người Ba Lan bắt đầu đưa ra những quan sát mới về sự chuyển động các hành tinh lấy mặt trời làm trung tâm. Vũ trụ quan nhật tâm này (heliocentric) được chính thức công bố trong tác phẩm kinh điển của Copernicus vào năm 1543, và được chấp nhận ngày càng rộng rãi trong giới nghiên cứu khoa học nói riêng và giới học giả nói chung. Người ta gọi biến cố này là cuộc cách mạng Copernicus trong ngành thiên văn học. Sau đó, Johannes Kepler tính toán một cách chính xác sự chuyển động các hành tinh bằng mô hình toán học. Theo Kepler, quĩ đạo chuyển động của quả đất chung quanh mặt trời không phải là hình tròn, mà có dạng bầu dục (ellipse). Song song, Galileo Galilei kiểm chứng bằng những quan sát và đo đạc qua kính viễn vọng do chính ông sáng chế[8]. Cuối cùng, Isaac Newton phát hiện lực ly tâm và củng cố thuyết nhật tâm bằng các định luật vật lý.
Bốn vị học giả hàng đầu này – Copernicus, Kepler, Galilei và Newton – đã làm cuộc cách mạng Copernicus trở nên hấp dẫn và đáng tin cậy hơn. Vì lý thuyết của ông giờ đây đã được kiểm chứng bằng quan sát thực tế cũng như qua phương pháp toán học và vật lý, nên nó được chấp nhận càng ngày càng rộng rãi trong giới học giả.
Trong bối cảnh thế kỷ 17, thuyết nhật tâm có giá trị cao hơn một tư tưởng cách mạng trong khoa học. Một mặt, nó đối lập với thuyết địa tâm sai lạc vốn đã ăn sâu bám rễ tại châu Âu trong suốt gần hai ngàn năm. Mặt khác quan trọng hơn, nó đặt ra nhiều câu hỏi căn cơ liên quan đến Thánh Kinh, đến giáo lý thần học, đến chủ nghĩa kinh viện, đến nền triết học được quảng bá trong các tu viện và trường đại học. Sự hoài nghi này làm cho niềm tin vào các giá trị truyền thống giảm sút. Trong lúc sự chống đối của Giáo hội và các học giả thần học bảo thủ ngày càng mạnh, thì xung đột nội tâm của học giả theo xu hướng hiện đại ngày càng gay gắt hơn. Quá trình cọ xát tư tưởng này tất yếu đã làm cho niềm tin vào triết lý thần học và các định chế tôn giáo giảm sút nặng nề. Từ đó, xu hướng ly khai về mặt tư tưởng đã bắt đầu xuất hiện. Nếu không có sự cương quyết thoát ly khỏi sự gò bó tư tưởng trong thế kỷ 17, thì các nhà tư tưởng hàng đầu của thế kỷ 18 cũng chưa chắc đã có những phát kiến độc đáo như chúng ta thấy trong trào lưu khai sáng.
Trong suốt thế kỷ 17, truyền thống cổ điển ngày càng bị xói mòn bởi những tri thức mới thu lượm được và bởi phương cách con người nhìn vào các kinh nghiệm làm cho họ trước hết nghi ngờ, và dần dần tiến đến niềm lạc quan chưa từng có tiền lệ về việc nhận thức bản chất con người và năng lực điều khiển môi trường xã hội chung quanh trở về phục vụ cho bản thân họ[9]. Cuộc cách mạng Copernicus có sức mạnh như thanh trường kiếm bén nhọn trong cuộc thánh chiến của khoa học chống lại mê tín và mù quáng.
Nói tóm lại, nếu cần phải định vị thời gian, chúng ta có thể xem như thời đại khai sáng kéo dài hai thế kỷ 17 và 18, bắt đầu ở ngưỡng cửa 1600 với hai thập niên thành danh của Francis Bacon trong triết học hiện đại và sau đó, René Descartes trong nghiên cứu khoa học. Thời gian này cũng xuất hiện những tác phẩm mang tính đột phá trong lĩnh vực khoa học và triết học, chi phối hướng đi của các nghiên cứu trong nhiều thế kỷ về sau. Thí dụ, Johannes Kepler xuất bản “Năm tác phẩm về sự hài hòa trong vũ trụ” năm 1619 (Harmonices Mundi Libri V); Galileo Galilei xuất bản “Đối thoại về hai hệ thống vũ trụ” năm 1632 (Dialogo), tác phẩm đã làm cho ông bị giáo hội kết án chung thân năm 1633, sau được giảm xuống còn quản thúc tại gia cho đến lúc chết[10]; René Descartes xuất bản “Diễn giải về phương pháp” năm 1637 (Discours de la méthode); Isaac Newton cho ra đời tác phẩm “Nguyên lý toán học trong triết học tự nhiên” năm 1687 (Philosophiae Naturalis Principia Mathematica).
Thế kỷ 17 có thể xem như thời gian cày xới ươm mầm, phát triển và thu thập sức mạnh mà rầm rộ nhất là hậu bán thế kỷ với sự xuất hiện của nhiều tạp chí định kỳ thuộc đủ mọi ngành, và nhất là đa số chúng được xuất bản bằng tiếng địa phương với giá rẻ nhờ kỹ thuật in ấn hàng loạt, cho nên mọi giới trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng. Đây cũng là thế kỷ thành danh của những khuôn mặt lớn như Pierre Bayle, Thomas Hobbes, Gottfried Wilhelm Leibniz, John Locke, Isaac Newton, Blaise Pascal, Samuel von Pufendorf, Baruch de Spinoza v.v..
Dưới tác động về tư tưởng của những học giả sáng giá, đến khoảng thời gian hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 17, người ta ghi nhận nhiều thay đổi tâm lý được xem như là gốc rễ của sự chuyển hóa xã hội. Lúc đó, sự đối đầu xuất hiện khá rõ rệt giữa một bên là phái “hiện đại” chấp nhận tiến bộ và hãnh diện vì những phát kiến mới trong khoa học tự nhiên, bên kia là những người vẫn trung thành với các thành quả của văn minh cổ đại[11] hoặc những phán quyết huyễn hoặc của triết lý thần học.


Khắp nơi người ta phản bác lại truyền thống. Họ hết sức nghi ngờ các phép lạ, thần kỳ, tiên tri, ảo thuật vốn dĩ khá phổ biến trong xã hội trước đó. Trào lưu khai sáng thực sự thăng hoa về mặt tư tưởng trong thế kỷ 18 với cao điểm là lúc Immanuel Kant cho ra đời tác phẩm Phê phán Lý tính Thuần túy[12] năm 1781, mở đầu cho nền triết học hiện đại, gần như đồng thời với tác phẩm Phồn vinh các quốc gia[13] của Adam Smith xuất bản năm 1776, mở đầu cho ngành kinh tế chính trị học theo trường phái kinh tế thị trường tự do, đặt nền móng cho sự tăng trưởng phồn vinh phương Tây đến tận hôm nay.
Với cuộc cách mạng Pháp, một mặt là kết quả huy hoàng của cuộc vận động khai sáng và đẩy lùi chế độ quân chủ chuyên chế, mặt khác là điểm khởi đầu của chế độ khủng bố do Maximilien de Robespierre và nhóm Jacobin gây ra trong xã hội Pháp, sau đó là cuộc trường chinh đầy tham vọng suốt hai thập niên của Napoleon, nhiều nghi vấn được đặt ra về tính chính danh và đạo đức, làm cho trào lưu khai sáng phải “tạm” thoái lui để nhường chỗ cho triết học duy thức và trào lưu lãng mạn kể từ thế kỷ 19.
Tất nhiên, tinh thần khai sáng vẫn tiếp tục tồn tại trong thế kỷ 19 và tác động lên tiến trình phát triển xã hội, nhưng nó xuất hiện dưới một phong thái khác, với hệ tư tưởng triết học mới mẻ hơn và trào lưu văn hóa hiện đại hơn. Trong thế kỷ 19, thuật ngữ “thời đại của lý tính”, vốn dĩ là biểu tượng của thế kỷ 18, không dễ dàng được công chúng tiếp tục chấp nhận; những “con người khai sáng” cũng không còn dễ dàng được tôn vinh. Những người thuộc xu hướng lãng mạn gọi họ là những người vô hồn vô cảm. Giới bảo thủ thì nhìn họ như là những người quá khích. Ngược lại, bản thân những người cực đoan thì nhìn những phát ngôn viên hàng đầu của trào lưu khai sáng, như Voltaire chẳng hạn, thực chất là những người thuộc giới tinh hoa quá ư lịch thiệp, chỉ biết đàm đạo trong phòng trà hơn là tham gia hoạt động thực tiễn. Mãi đến hậu bán thế kỷ 20, khi quan hệ phức tạp giữa tư tưởng và hành động được hiểu một cách sâu sắc, lúc ấy người ta mới tôn vinh những khác biệt tinh tế giữa các thành tố của trào lưu khai sáng[14].
Để tóm tắt, chúng ta có thể nói rằng, trào lưu khai sáng đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến với cao điểm là hai cuộc cách mạng ở Mỹ và Pháp, để chuẩn bị bước sang chủ nghĩa tư bản bắt đầu từ thế kỷ 19 với các định chế chính trị dân chủ xuất hiện trên khắp lục địa. Trong lúc mọi nơi trên thế giới còn sống dưới chế độ phong kiến, hoặc có nơi còn giữ hình thái xã hội bộ lạc, thì hầu hết tất các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu xây dựng thể chế chính trị dựa trên nguyên tắc công pháp và phân quyền với hiến pháp qui định nhiệm vụ bảo vệ các quyền tự do căn bản cho mọi công dân. Đó là thành quả lớn lao của trào lưu khai sáng trong thế kỷ 18, làm bàn đạp cho những thay đổi xã hội châu Âu và Bắc Mỹ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn chương, triết học.
Nhưng nói cho cùng, các thành quả của thế kỷ 18 cũng chỉ là bước tiến tất yếu của quá trình vận động khai sáng bắt đầu từ thế kỷ 17, được xem như là gốc rễ, và cũng là xung lực cho những thành tựu về sau. Nhưng điều gì đã làm cho thế kỷ 17 quan trọng đến thế? Câu trả lời thật rõ ràng: Là con người! Là tư duy tự do và ý chí hành động của lớp trí thức mới mà chúng ta chưa bao giờ tìm thấy trong lịch sử châu Âu suốt 2.000 năm trước đó. Có lẽ cũng là điều cần thiết, nếu chúng ta ngừng lại đôi chút để phân tích nguyên nhân nào mà lịch sử có thể tạo nên những con người đặc biệt của thế kỷ 17, để họ trở thành động lực cho trào lưu khai sáng phát triển rực rỡ.
Trong hai bài sắp đến, chúng ta sẽ khảo sát vài biến cố đặc biệt để độc giả tìm cách trả lời câu hỏi nêu trên.
(Còn tiếp)
Tác giả: Tôn Thất Thông
Độc giả có quyền trích dẫn hoặc đăng lại không giới hạn, nhưng cần ghi rõ tác giả, nguồn và giữ nguyên nội dung.
Đón xem bài tiếp theo:
Thời đại khai sáng ở châu Âu (4): Những yếu tố tạo nên con người thế kỷ 17.
1.    Bahr, Ehrhard sưu tập: Was ist Aufklärung? Thesen und Definition (Khai sáng là gì? Luận thuyết và định nghĩa). ISBN 315-009714-2.
2.    Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012.
3.    Fischer, Ernst Peter: Aristoteles, Einstein & Co. (Aristotle, Einstein và những người khác). ISBN 3-492-03778-X.
4.    Hampson, Norman: The Enlightenment – An evaluation of its assumptions, attitudes and values (Khai sáng – Đánh giá những giả thuyết, quan điểm và giá trị). ISBN 0-14-013745-9.
5.    Höffe, Otfried: Klassiker der Philosophie I (Những nhà kinh điển của triết học, Tập I). ISBN 3-406-08048-0.
6.    Im Hof, Ulrich: Das Europa der Aufklärung (Châu Âu trong thời đại khai sáng). ISBN 3-406-37091-8.
7.    Mann, Golo & Nitschke, August: Weltgeschichte Band VII – Von der Reformation zur Revolution (Lịch sử thế giới bộ VII - Từ cải cách tôn giáo tới cách mạng). ISBN 3-549-05017-8.
8.    Martus, Steffen: Aufklärung – Das deutsche 18. Jahrhundert (Khai sáng – Nước Đức trong thế kỷ 18). ISBN 978-3-499-62767-5.
9.    Pleticha, Heinrich chủ biên: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und 18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). Bertelsmanns Weltgeschicht – Band 8. ISBN 3-577-15008-4.
10.         Porter, Roy: Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The Enlightenment). ISBN 3-8031-2192-2.
11.         Schneiders, Werner chủ biên: Lexikon der Aufklärung (Từ điển tường giải về khai sáng). ISBN 3-406-39920-7.
12.         Ziegler, Walther: Smith in 60 Minuten (Smith trong vòng 60 phút). ISBN 978-3-7347-8157-5. (Bản dịch của Tôn Thất Thông sẽ xuất bản cuối năm 2019).




Ghi chú:

[1] Glorious Revolution, cũng có lúc được gọi là Bloodless Revolution (cách mạng không đổ máu).

[2] W. Ziegler (3), trang 18.

[3] O. Höffe và Wolfgang Krohn, trang 262.

[4] Bùi Văn Nam Sơn, trang 433-434.

[5] Qui nạp (inductive logic) là phương pháp lý luận căn cứ trước hết từ sự quan sát và dữ liệu thu thập được, để từ đó rút ra một nguyên lý phổ quát có giá trị chung nhất.

[6] Mathematices syntaxeos biblia XIII.

[7] N. Hampson, trang 20.

[8] Nguyên tắc của kính viễn vọng được khám phá đầu tiên năm 1608 bởi người thợ kính Hà Lan, Hans Lipperhey, nhưng nó chưa có ứng dụng nào cụ thể trong khoa học và đời sống. Galileo Galilei có công hoàn thiện lý thuyết và sáng chế ra kính viễn vọng đầu tiên năm 1610, được gọi là kính viễn vọng Galilei.

[9] N. Hampson, trang 23.

[10] Mãi 250 năm sau, năm 1979, Hàn lâm viện Khoa học Giáo hoàng Rome mới nhận nhiệm vụ nghiên cứu các dữ kiện liên quan đến bản án. Học viện mất 13 năm để hoàn tất và trình kết quả vào ngày 31.10.1992. Ba ngày sau, Giáo hoàng John Paul II hủy bản án và phục hồi danh dự cho Galileo Galilei.

[11] G. Mann & Fritz Schalk, trang 479.

[12] Kritik der reinen Vernunft, 1781. Đến năm 1827, tác phẩm này bị Giáo hội Kitô La Mã đưa vào “Danh mục sách cấm lưu hành” (Index Librorum Prohibitorum, hay gọi tắt là Chỉ mục La Mã, Index Romanus).

[13] Adam Smith “An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations”, thường gọi tắt là “Wealth of Nations”, xuất bản lần đầu năm 1776.

[14] R. Porter (2), trang 10.

Print Friendly and PDF