9.9.19

Các nước đang phát triển và việc sáng tạo các khái niệm

Alain Desrosières (1940-2013)

CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN VÀ VIỆC SÁNG TẠO CÁC KHÁI NIỆM[1]

Alain Desrosières
Việc quan niệm và triển khai các hệ thống thống kê trong các nước đang phát triển thường là nơi diễn ra những nghiên cứu và cách tân phương pháp luận độc đáo. Điều này được giải thích bằng nhiều cách. Xuất phát từ những cấu trúc hành chính và xã hội một cách tiên nghiệm là ít được thiết chế, “cứng nhắc” (nếu không phải là cố định) hơn so với các nước phát triển trước, nên đã có thể hình dung sớm, “ở thượng nguồn”, những tổ chức thuận lợi cho các cuộc điều tra và đăng kí cần thiết cho việc sản xuất thống kê. Mặt khác, việc gặp những hệ thống xã hội, chính trị, gia đình và kinh tế vô cùng khác với các hệ thống ở châu Âu và Bắc Mĩ khiến cho việc đối chiếu với những kiến thức khác nhau về các khoa học nhân văn và xã hội, không chỉ trong dân số học và kinh tế học, mà còn cả trong nhân học, sử học, xã hội học và khoa học chính trị, trở nên cần thiết. Trái lại, trong các nước phương Bắc, việc phân chia và chuyên môn hoá lao động đã đưa công việc của các nhà thống kê vào nề nếp bằng cách bao bọc công việc này trong những phương pháp chuẩn ít khi bị tra vấn. Như vậy, các nước đang phát triển, trong nhiều trường hợp, đã trở thành mảnh đất cho nhiều thử nghiệm khó hình dung được ở những nước khác, và đôi lúc là địa điểm của sự sáng tạo thật sự, của những đổi mới độc đáo.
Không trình bày một cách tổng quát một vấn đề rộng lớn đến thế, dưới đây ba ví dụ, bắt nguồn từ những bối cảnh lịch sử và chính trị vô cùng khác nhau, sẽ được đề cập: sự hình thành của một hệ thống tài khoản kế toán độc đáo, xuất phát từ “kế hoạch kế toán OCAM” (nay trở thành hệ thống tài khoản kế toán Syscoa ở Tây châu Phi), việc thiết lập những cuộc điều tra dân số và xã hội ở châu Phi (dự án AMIRA) và cuối cùng, sự phổ biến gần đây của những thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trong các nước đang phát triển. Ba trường hợp này có điểm chung là nằm ở thượng nguồn của chuỗi sản xuất và những sử dụng thống kê, nghĩa là ở thời điểm thiết kế và triển khai việc thu thập thông tin ở cội nguồn của những thống kê này. Công đoạn này thường không được các cuộc tranh luận về những “chỉ báo mới” biết đến, ví dụ như trong các cuộc thảo luận đã dẫn đến báo cáo của Uỷ ban về việc đo lường thành tích kinh tế và tiến bộ xã hội (được biết đến hơn dưới tên gọi “báo cáo Stiglitz”). Các cuộc thảo luận, do các nhà kinh tế hơn là các nhà thống kê chủ trì, thường nhắm vào việc “chọn các chỉ báo” hơn là vào các nguồn và phương pháp lượng hoá các chỉ báo, nghĩa là biểu hiện chúng bằng các con số chứ không bằng các câu chữ nữa. Như vậy, việc lượng hoá hiện ra như một thời điểm phụ thuộc vào thời điểm chọn các “thước đo chỉ báo”, trong lúc kinh nghiệm của các chuyên gia nghiên cứu sự phát triển cho thấy là công đoạn này có những hệ quả quan trọng đến ý nghĩa mà ta có thể gán cho các chỉ báo này (Porter, 1994; Gollac, 1997; Charbitt và Petit, 2011). Điều này lại càng đúng hơn với các nước mà những quy ước và phân loại chưa được thiết chế hoá và thành thông lệ bằng các nước đã phát triển từ lâu.
Từ hệ thống tài khoản kế toán của OCAM đến hệ thống Syscoa: sự thích nghi với diễn tiến của những bối cảnh kinh tế và chính trị
Thống kê kinh tế (đặc biệt là hệ thống tài khoản quốc gia) phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống kế toán được các doanh nghiệp sử dụng (hay không), ít ra là trong “khu vực chính thức” có các hệ thống này. Có thể phân biệt hai thời kì: một thời kì thử nghiệm một kế hoạch hoá được tổ chức theo một cách ít nhiều có tính xã hội chủ nghĩa (các năm 1960 đến 1980), rồi đến thời kì của những cuộc gọi là “điều chỉnh cơ cấu”, khi nền kinh tế được tổ chức lại theo mô hình tân tự do (kể từ những năm 1980). Trong châu Phi cận Sahara, hai dự án kế hoạch kế toán lần lượt ra đời, phần nào có nối kết nhau, nhưng cũng phản ảnh đúng, do những quan tâm của chúng, hai thời kì này: kế hoạch kế toán OCAM, rồi hệ thống Syscoa (Pintaux, 2002). Trong cả hai trường hợp, các nhà thiết kế các dự án này có được mức độ tự do lớn hơn các đồng nghiệp của họ trong những nước ở phương Bắc.
Đối với hệ thống kế toán của OCAM (được quan niệm trong những năm 1960 và được các nước thuộc Tổ chức châu Phi chung và Madagascar) áp dụng, một trong những mục tiêu là cho phép chuyển dễ dàng sang các phân loại của hệ thống tài khoản quốc gia (lấy cảm hứng từ hệ thống của Pháp), cần thiết để điều khiển các chính sách kinh tế vĩ mô, được lên kế hoạch và có tính keynesian vốn thịnh hành lúc bấy giờ. Ví dụ, việc quan tâm xác lập một nối kết giữa kế toán doanh nghiệp và hệ thống tài khoản quốc gia dẫn đến việc làm hiện lên khái niệm giá trị gia tăng và đề xuất xây dựng một bảng tài trợ, hài hoà với bảng hoạt động tài chính của hệ thống tài khoản quốc gia. Như vậy, kế hoạch OCAM có thể thử nghiệm những hình thức kế toán và những chu trình lưu chuyển thông tin còn khó, thậm chí là không thể, thiết lập vào cùng thời điểm trong những nước phát triển hơn.
Hệ thống kế toán Syscoa ở Tây châu Phi được các nước thành viên của Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) áp dụng kể từ năm 1998. Mặc dù lấy lại một số thành tựu của kế hoạch OCAM, hệ thống này hướng nhiều hơn đến việc tính đến những chuẩn anglo-saxon mới IFRS. Như vậy, Patrick Pintaux nhấn mạnh tính sáng tạo của cách tiếp cận này: “Kinh nghiệm của kế hoạch Syscoa là đáng chú ý về mặt khái niệm, vì nó chỉ ra bằng cách nào một mô hình kế toán dựa trên một danh mục kế toán có thể kết hợp mục đích thống kê riêng của hệ thống tài khoản quốc gia của mọi hệ thống kế toán “theo kiểu Pháp” và ảnh hưởng anglo-saxon thông qua các chuẩn IFRS (IASC cũ). Điều này cho thấy ảnh hưởng của hệ thống kế toán Pháp trong các nước nói tiếng Pháp và, mặt khác, sự phát triển của một sự chuẩn hoá kế toán sáng tạo và độc đáo trong các nước này” (Pintaux, 2002).
Ở đây cũng thế, việc đổi sang những định hướng kế toán mới của thông tin kế toán, do sự mở rộng của toàn cầu hoá tân tự do, có lẽ diễn ra dễ dàng hơn là trong những nước khác, độc lập với những đánh giá tương phản nhau có thể có về những thay đổi sâu rộng của triết lí kinh tế. Như vậy, bên cạnh những viễn cảnh kinh tế vĩ mô nay có thêm những mục đích kinh tế vi mô hơn, phản ảnh tầm quan trọng đang lên của các nhà đầu tư và các cổ đông, tại nơi mà những đối tượng nhận và sử dụng các hệ thống kế toán trước đây là những nhà lập kế hoạch và có trách nhiệm chính trị: “Trên phương diện kinh tế vi mô, [hệ thống kế toán Syscoa] cung cấp cho các doanh nghiệp những phương tiện để sản xuất một thông tin kinh tế và tài chính xác đáng, có ích vừa cho các nhà quản lí để ra quyết định chiến lược vừa cho các đối tác khác của doanh nghiệp” (Pintaux, 2002).
Một cách tiếp cận liên ngành sáng tạo: mạng AMIRA hay làm thế nào để khái quát hoá?
Nhưng những điều trên chỉ liên quan đến khu vực chính thức, vốn chỉ là một phần nhỏ của nền kinh tế của các nước châu Phi. Đối với việc lượng hoá khu vực phi chính thức, có những vấn đề được đặt ra do bản chất hoàn toàn khác của chúng. “Có thể định nghĩa khu vực này như toàn bộ những tổ chức có quy mô nhỏ, không có (hoặc ít) người làm thuê, với số vốn ứng trước nhỏ bé, tuy nhiên vẫn có sự lưu thông tiền tệ và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ tốn kém. Những quy tắc thống trị không có những đặc tính của chế độ làm thuê nhưng có tính tập quán, thứ bậc, gia trưởng” (Hugon, 2001, dẫn theo Pintaux (2002)[2].
Pierre Bourdieu (1930-2002)

Một thí nghiệm tiên phong về sự hợp tác giữa các nhà thống kê và các nhà xã hội học, trong nước Algérie còn dưới chế độ thuộc địa và đang trong tình trạng chiến tranh vào đầu những năm 1960, là sự cộng tác của Pierre Bourdieu với ba nhà thống kê thuộc Viện nghiên cứu thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) Alain Darbel, Claude Seibel và Jean-Paul Rivet. Chính để mô tả điều chưa được gọi là nền kinh tế phi chính thức mà họ đã so sánh và đối chiếu những cuộc phỏng vấn dân tộc học với các cuộc điều tra chọn mẫu. Họ là những người đầu tiên đặt vấn đề sự nối khớp tinh tế giữa những kiến thức được xây dựng theo những phương thức vô cùng khác nhau, do những nhà nghiên cứu có những văn hoá xa nhau nhất có thể, một người đến từ triết học và nhân học và ba người kia từ thống kê toán học (Bourdieu, Darbel, Seibel, Rivet, 1963). Kết quả được ghi lại trong tác phẩm Travail et travailleurs en Algérie [Lao động và người lao động ở Algérie] đã là mô hình cho những sự cộng tác cùng loại sau này, như các sự cộng tác được tiến hành trong mạng lưới liên ngành AMIRA (Amélioration des méthodes d’investigation en milieu rural africain – Cải tiến các phương pháp điều tra trong môi trường nông thôn ở châu Phi).
Mạng lưới này, hoạt động tích cực ở châu Phi cận Sahara, đã tiến hành nhiều công trình quan trọng trong các năm 1970 và 1980 (Couty, 1983 a và b; Charmes, 2006). Sự độc đáo của các công trình này là đặt gần nhau, một mặt, những nhà thống kê, dân số học, kinh tế học và, mặt khác những nhà nghiên cứu thuộc những bộ môn ít có tính định lượng hơn – nhân học, địa lí học, xã hội học, khoa học chính trị – với những mục tiêu vừa có tính lí thuyết vừa có tính thực tiễn, theo những phương thức gần như không thể hình dung được trong các nước phát triển lâu đời. Trong các nước này, những phương pháp thống kê đã được thông tục hoá và, ngay từ lúc khởi đầu được thiết kế chúng đã hài hoà với các cơ cấu xã hội. Các nhà nghiên cứu có liên quan ở các nước này chủ yếu là những người sử dụng dữ liệu nhưng ít can thiệp vào việc sản xuất ra dữ liệu. Trái lại, trường hợp của mạng lưới ARIMA là hoàn toàn khác. Đây là một thí nghiệm rất độc đáo, phong phú cho cả các nhà thống kê lẫn các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn có liên quan.
Jacques Charmes
Năm 2006, Jacques Charmes, một trong những thành viên tham gia, tóm tắt những gì thí nghiệm đã mang lại đồng thời chỉ ra một cách hậu nghiệm những giới hạn của nó: “Các công trình của ARIMA theo một logic đa ngành và vận dụng những kiến thức nhân học để thích nghi vào bối cảnh châu Phi các khái niệm đo lường thống kê được trui rèn trong các nước phương Bắc. Kết quả là có những cuộc điều tra về khu vực phi chính thức và việc thiết kế các cuộc điều tra hộ gia đình. Những tiến bộ đạt được trong việc đo nghèo khó và phương pháp luận các cuộc điều tra đều mang nợ ARIMA. Nhưng nhóm với tầm nhìn báo hiệu này không đề cập đến một số diễn tiến gần đây, đặc biệt là các chỉ số tổng hợp (chỉ số phát triển con người, HDI), các cuộc điều tra thời khoá biểu và những câu hỏi đạo đức mới trong nghiên cứu phát triển, tức là sự đồng ý cần thiết của các dân số đối với các công trình mà họ là đối tượng và việc trả lại cho họ các công trình này” (Charmes, 2006).
Trọng tâm các quan tâm của ARIMA là nối khớp các kiến thức lượng hoá, thường được các nhà kinh tế học và dân số học vận dụng, với những kiến thức được xây dựng bằng những phương pháp khác, đặc biệt là các chuyên luận do các nhà nhân học và địa lí học thực hiện (Couty, 1983 a và b). Thế mà vấn đề các chuyên luận này đặt ra là việc khái quát hoá chúng: có thể nào ngoại suy những bài học của một chuyên luận về một làng hay một đô thị cho cả một đất nước? Trên quan điểm này, sự khác biệt giữa định lượng và định tính, trái với những gì ta có thể nghĩ, không thuần tuý có tính nhận thức và khoa học luận, nhưng còn có những nguồn gốc thể chế và chính trị. Các nước phát triển từ lâu có những cơ cấu hành chính đã được chuẩn hoá, thống nhất trên cả một lãnh thổ[3]. Việc thiết lập các hình thức thể chế này thường đã lâu đời và bị quên lãng. Thế mà chính các “quy ước tương đương” này xác định nội dung và kiểu thông tin sẵn có. Những nhà nghiên cứu châu Âu đều ít nhiều bị các cơ cấu này ràng buộc. Ngay cả những cuộc điều tra ad hoc cũng không giải quyết hoàn toàn vấn đề này vì các cấu trúc tâm trí và nhận thức của những người trả lời phỏng vấn bị các phân loại của Nhà nước định hình.
Ngược lại trong rất nhiều nước đang phát triển, sự thông tục hoá này còn chưa thành phổ biến. Ví dụ, điều này khiến việc xây dựng hệ thống tài khoản quốc gia theo chuẩn của Liên hiệp quốc hay Quỹ tiền tệ quốc tế càng khó. Nhưng nó cũng kích thích các nhà thống kê và nghiên cứu mở lại các hộp đen trong những nước khác từng bị đóng kín từ lâu. Chính điều này khiến cho công việc của mạng lưới ARIMA sống động và bổ ích đến thế. Một khi các quy ước tương đương chưa ăn sâu vào trong bối cảnh xã hội và hành chính, thì những khả năng khái quát hoá là có vấn đề. Thật vậy, sự khái quát hoá đòi hỏi phải có giả thiết ngầm là “tính đại diện” của (các) chuyên luận sẵn có. Thế mà ngay chính đánh giá về tính đại diện là kết quả của những quy ước tương đương cấu thành lăng kính qua đó lãnh thổ hay xã hội được nhìn nhận. Nếu tất cả những thực thể mô tả trong các chuyên luận được tư duy là có tính đặc thù thì không thể hình dung bất kì sự khái quát hoá nào.
Véronique Petit
Yves Charbit
Trên điểm này, suy tư của Yves Charbit và Véronique Petit (2001) về dân số học là bổ ích. Họ tự hỏi vì sao dân số học tự cắt mình ra khỏi nhân học và xã hội học? Là những chuyên gia nghiên cứu châu Phi cận Sahara, họ vấp phải sự phức tạp của cấu trúc gia đình của các nước này. Thế mà dân số học được giảng dạy ở châu Âu hay ở Mĩ đã được quan niệm cho những xã hội trong đó không những cơ cấu gia đình là khác mà còn được ghi chép trong những đăng kí hành chính chuẩn hoá và thông tục hoá từ nhiều thế kỉ nay[4]. Vì lí do này, các nhà nghiên cứu trên thấy có nhu cầu mở dân số học ra các bộ môn phi định lượng của các khoa học nhân văn như nhân học và xã hội học. Như thế, các vấn đề do “thước đo” các xã hội đang phát triển đặt ra tỏ ra là những lĩnh vực màu mỡ cho việc canh tân và suy tư mới về các khoa học xã hội định lượng, đặc biệt nhân việc xây dựng các danh mục, bảng câu hỏi và quy ước mã hoá dẫn đến một thông tin thống kê.
Thử nghiệm các cuộc thí nghiệm
Ronald Fisher (1890-1962)
Vấn đề khái quát hoá cũng đặt ra cho một kĩ thuật nổi tiếng hiện nay: những thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được J-Pal (Abdul Latif Jameel-Poverty Action), một mạng lưới những nhà nghiên cứu hoạt động chính tại châu Phi và Ấn Độ, khuyến khích. Tổ chức này hệ thống hoá ý tưởng theo đó những vấn đề của nghèo khó trong các nước thuộc phương Bắc thuộc phạm vi của những thử nghiệm ở quy mô nhỏ, với những hành động rất đơn giản, hơn là thuộc phạm vi của những dự án chính trị tổng quát. Phương pháp lấy cảm hứng từ những thử nghiệm ngẫu nhiên được Ronald Fisher tiến hành ngay từ những năm 1920 trong nông nghiệp, rồi tiếp đến trong y học và dược học trong những năm 1930. Phương pháp này được biết dưới các tên tiếng Anh: evidence based medicine (EBM), rồi evidence based policy (EBP). Nó được sử dụng tại Hoa Kì trong những năm 1960 để đánh giá hiệu ứng của một số chính sách công. Sau đó nó là đối tượng của nhiều phê phán khiến nó tạm thời bị quên lãng (Monnier, 1987).
Abhijit Banerjee (1961-)
Esther Duflo (1972-)
Rồi vào những năm 2000, các nhà kinh tế xuất thân từ Ngân hàng thế giới, Abhijit Banerjee và Esther Duflo làm cho nó hồi sinh bằng cách từ nay áp dụng nó cho các chính sách chống nghèo khó trong các nước đang phát triển như Kenya, Bangladesh, Ấn Độ (Banerjee và Duflo, 2009; Bardet và Cusso, 2012). Tách ra khỏi các chính sách kinh tế vĩ mô hay có hệ thống, kĩ thuật này nhằm đánh giá hiệu ứng của những hành động cụ thể và đơn giản, bằng cách so sánh các hiệu ứng này trên hai mẫu được chọn ngẫu nhiên, do đó có thuật ngữ ngẫu nhiên hoá. Một mẫu là đối tượng áp dụng của biện pháp [xoá đói giảm nghèo - ND] còn đối tượng kia thì không, thường là trên một địa bàn được xác định rõ. Kĩ thuật này gặt hái thành công lớn và được các phương tiện truyền thông đại chúng quảng bá. Mặt khác, nó cũng là đối tượng của những cuộc tranh luận như là một tiếng vọng của những cuộc tranh luận từng hoạt náo mạng ARIMA ba mươi năm trước đây (Labrousse, 2012).
Các thử nghiệm trên do những nhà kinh tế, kinh trắc và thống kê tiến hành, không có sự can dự của những nhà nghiên cứu thuộc các ngành nhân văn khác, theo một cách tiếp cận gần với cách tiếp cận của các kĩ sư. Vấn đề khái quát hoá (hay “hợp thức hoá bên ngoài”) thường được nêu lên trong các cuộc tranh luận về các thử nghiệm này. Làm thế nào đảm bảo là những kết quả quan sát được trong những hoàn cảnh và địa điểm đặc biệt sẽ được lặp lại trên phạm vi cả nước? Và làm thế nào đánh giá những hiệu ứng hệ thống có thể, kết quả của những tương tác phức tạp mà các thử nghiệm ngẫu nhiên nhằm vào những quan hệ giữa một hành động và một biến mục tiêu không thể nắm bắt? Các thử nghiệm rất sáng tạo này, huy động nhiều phương tiện và tinh lực, có thể cung cấp cơ hội cho sự hợp tác giữa các chuyên gia của nhiều bộ môn. Điều có ý nghĩa là các kĩ thuật này đã đi một đường vòng qua các nước của thế giới thứ ba, sau những thử nghiệm chưa đủ để kết luận được tiến hành tại Hoa Kì trong những năm 1960 và 1970. Banerjee và Duflo đã thử nghiệm và phổ biến đại trà các thử nghiệm ngẫu nhiên trong các nước phương Nam trước khi chúng được sử dụng lại trong các nước phương Bắc, ví dụ ở Pháp để đánh giá các biện pháp hỗ trợ tìm lại việc làm [sau khi bị thất nghiệp - ND] (Gomel và Serverin, 2011).
Một trong những vấn đề các thử nghiệm ngẫu nhiên đặt ra, đặc biệt là cho các nước của thế giới thứ ba, có tính đạo đức. Làm thế nào biện minh cho việc những người thuộc mẫu được chọn được thụ hưởng một chính sách còn những người khác thì không, cho dù nhân danh “vì sự tiến bộ của tri thức”, và làm thế nào có thể nhân rộng chính sách nếu thử nghiệm chứng tỏ là thành công? Các vấn đề này đã được bàn luận nhiều trong trường hợp của những thử nghiệm ngẫu nhiên các liệu pháp trong y tế công cộng và dịch tễ học (Marks, 1999; Dodier và Barbor, 2000; Hirsch E. và Hirsch F., 2005). Trong các trường hợp này, những quy tắc nghiêm ngặt đã được đề xuất. Những thử nghiệm ngẫu nhiên về những biện pháp chính sách công, mới được tiến hành gần đây hơn những thử nghiệm trong y học, chưa đưa đến một suy tư sâu sắc bằng. Suy tư này phải được kết hợp với các đối tượng dân chúng có liên quan, trong chừng mực mà dường như hiện nay các thử nghiệm nay thuộc về một logic kĩ sư hơn là một tầm nhìn về sự tham gia tích cực và có trách nhiệm dân chúng vào việc giải quyết các vấn đề của mình.
Tiến đến một xã hội học lịch sử của việc sản xuất và những cách sử dụng các chỉ báo thống kê trong các nước đang phát triển
Michel Callon (1945-)
Ý tưởng theo đó những nước đang phát triển có thể là một không gian thuận lợi cho sự đổi mới hơn những nước đã phát triển từ lâu có thể được đào sâu bằng cách vận dụng lí thuyết đổi mới được Michel Callon (1986) trình bày trong bài viết nổi tiếng về các con sò điệp Saint-Jacques trong vịnh Saint-Brieuc. Bằng những cơ chế nào những đổi mới có thể thành công? Những người đổi mới cầu viện những liên minh nào để đảm bảo sự thành công? Ba trường hợp trên tất nhiên là rất khác nhau. Hệ thống kế toán OCAM do những nhà thống kê kinh tế trẻ gần với hệ thống tài khoản quốc gia Pháp khởi xướng và chính hệ thống tài khoản quốc gia này cho họ một tính chính đáng mạnh. Bản thân nhóm ARIMA hợp thành một mạng có mặt trong các cơ quan lẫn trung tâm nghiên cứu công cộng, cho phép lưu hành và diễn giải lại những biểu trưng và phương pháp mà, ở những định chế khác, vẫn nằm trong những thế giới tách biệt. Cuối cùng, việc J-PAL sử dụng thành công các thử nghiệm ngẫu nhiên là một success story vận dụng đủ kiểu nguồn lực khoa học và xã hội là một minh hoạ tốt cho lí thuyết đổi mới của Callon.
Ba trường hợp đổi mới được trình bày ở trên liên quan đến việc sản xuất dữ liệu thống kê hơn là việc sử dụng chúng. Nhưng những người ủng hộ các dữ liệu này, để đảm bảo việc phổ biến chúng, cũng biết nêu bật việc sử dụng chúng nhằm lôi kéo sự chú ý của những tác nhân rất khác nhau. Trong thời kì gần đây, khoa học chính trị cũng quan tâm đến các công cụ trong các cấu trúc cai trị. Cách các dữ liệu được huy động trong những hình thái điều hành chính quyền vô cùng khác nhau và như vậy phác thảo một xã hội học lịch sử về sự lượng hoá đã được nghiên cứu (Porter, 1994; Desrosières, 2008). Thường theo sau hệ thống tài khoản quốc gia, có tính tổng hợp và hệ thống, còn có thêm những danh sách chỉ báo thống kê, ít nhiều được nối kết với nhau, được xác định từ những mục tiêu chính trị. Vai trò của các chỉ báo này, ví dụ trong việc điều hành và theo dõi các chính sách xoá đói giảm nghèo, đã được các chuyên gia nghiên cứu các nước đang phát triển mô tả (Samuel, 2009). Cách nhìn này khá khác với quan điểm của các nhà nghiên cứu trong mạng ARIMA, vốn chủ yếu hướng đến việc xây dựng các dữ liệu. Trên điểm này, tính chất ít cứng nhắc của các thể chế chính trị trong các nước phương Nam cũng như tính phức tạp về mặt nhân học của các xã hội rất khác với các xã hội ở phương Bắc khiến cho việc sản xuất và sử dụng thống kê trở thành những lĩnh vực đổi mới và thử nghiệm là điều cần thiết và khả thi.
Tài liệu tham khảo:
Banerjee A. và Duflo F., 2009, “L’approche expérimentale en économie du développement”, Revue d’économie politique, n0 119, p. 691-726
Charbit Y. và Petit V., 2001, “Towards a comprehensive demography. Rethingking the resarch agenda on change and response”, Population and Development Review, vol.37, n0 2, p. 219-239.
Charmes J., 2006, “L’héritage d’ARIMA”, Stateco, n0 119, p.81-85.
Couty P., 1982a, Qualificatif et quantitatif, Document Orstom-IRD.

Couty P., 1982b, Le chiffre, la carte et la parole, Document Orstom-IRD.
Desrosieres A., 1993, La politique des grands nombres. Histoire de la raison statistique, La Découverte, Paris [bản dịch tiếng Việt: Chính sách các số lớn. Lịch sử lí tính thống kê, NXB Tri thức, Hà Nội, 2015].
Desrosieres A., 2008, Pour une sociologie historique de la quantification, Presses des Mines, Paris.
Dodier N. và Barbot J., 2000, “Le temps des tensions épistémiques. Le développement des essais thérapeutiques dans le cadre du sida”, Revue franVaise de sociologie, vol. 41, n0 1, p. 79-118.
Gollac M (1997), “Des chiffres insensés? Pourquoi et comment on donne un sens aux données statistiques”, Revue franVaise de sociologie, vol. 37, n0 1, p. 5-36.
Gomel B. và Serverin E. (2011), “Évaluer l’expérimentation sociale”, Documents de travail du Centre d’étude de l’emploi, n0 143.
Hirsch E. và Hirsch F. (dir.), 2005, Éthique de la recherche et des soins dans les pays en développement, Espace Éthique/Vuibert, Paris.
Hugon P. (2001), Économie de l’Afrique, La Découverte, coll. Repères, Paris.
Lascoumes P. và Le Galès P. (dir.), 2004, Gouverner par les instruments, Presses de Sciences Po, Paris.
Marks H., 1999, La médecine des preuves. Histoire et anthropologie des sciences cliniques (1900-1990), Les empêcheurs de penser en rond, Le Plessis-Robinson.
Monnier E., 1987, Évaluations de l’action des pouvoirs publics. De l’action au bilan, Economica, Paris.
Porter T., 1994, “Making Things Quantitative”, in Porter M. (dir.), Accounting and Science, Cambridge University Press, Cambridge, p. 36-56.
Samuel B. (2009), “Le cadre stratégique de lutte contre la pauvreté et les trajectoires de la planification au Burkina-Faso”, Sociétés politiques comparées. Revue européenne d’analyse des sociétés politiques, n0 16.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Pays en développement et innovations conceptuelles”, Prouver et gouverner. Une analyse politique des statistiques publiques, La Découverte, Paris, 2014, trang 111-121.




Chú thích:

[1] Chương này đã được công bố dưới tựa đề “La mesure du développement: un domaine propice à l’innovation méthodologique” [Thước đo sự phát triển: một lĩnh vực thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp luận], trong tạp chí Revue tiers monde, n0213, janvier-mars 2013, p.23-32.

[2] Để gợi ý tỉ phần tương đối nhỏ của khu vực chính thức, Pintaux nêu trường hợp của nước Bénin (trích dẫn một tác giả khác): “Trên một dân số 7 triệu người, dưới 100.000 người làm việc trong khu vực chính thức”. Cách so sánh tổng dân số với người lao động có việc làm chỉ trong khu vực chính thức để ước lượng tỉ trọng của khu vực này có vẻ là sai trái theo quan điểm của thống kê của các nước phương Bắc. Nhưng cách này thể hiện rõ sự khó khăn trong việc xác định “dân số làm việc” (điều đòi hỏi là chế độ làm thuê đã được thiết lập) trong khu vực phi chính thức. Chỉ riêng điểm này tóm tắt những vấn đề của việc lượng hoá các xã hội châu Phi bằng những chuẩn của các nước phát triển, những nước mà chế độ làm thuê là phổ biến.

[3] Thầy tu Sieyès nhân nói đến sự nghiệp của cuộc cách mạng Pháp, nói đến sự thống nhất các cơ cấu hành chính và các thủ tục đo lường. Đây là điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc xây dựng hệ thống thống kê của một đất nước. Hộ tịch, thủ tục đăng kí chuẩn hoá và đầy đủ dân số ra đời, lập gia đình và tử vong là ví dụ được biết đến nhất (Desrosières, 1993).

[4] Sự thật là diễn tiến gần đây (số hôn nhân giảm và số li dị tăng, sinh con ngoài hôn thú, các gia đình gọi là “cấu tạo lại”) khiến cho điều này không còn rõ ràng nữa. Và làm cho từ nay các nhà dân số học châu Âu cũng hướng sang nhân học.

Print Friendly and PDF