25.9.19

Những người ăn mày mới của châu Âu


NHỮNG NGƯỜI ĂN MÀY MỚI CỦA CHÂU ÂU
Gần đây, vợ tôi và tôi đi bộ dọc con phố mua sắm thời trang Avenue Montaigne, nằm giữa quản trường Place de l’Alma và Champs Elysées ở một trong những quận giàu nhất của Paris. Dạo quanh các cửa hàng thanh lịch của Chanel, Givenchy, Jimmy Choo, Luis Vuitton, Prada, Valentino và YSL, chúng tôi thấy một phụ nữ và một đứa trẻ nửa nằm nửa ngửa trên vỉa hè trong bộ quần áo rách nát, kêu gọi người qua đường bố thí tiền. Mặc dù đó là một cảnh tượng đặc biệt kinh khủng trong khung cảnh phồn vinh này, nhưng đó không phải là một điều dị thường trong kết cấu đô thị của Paris. Trên thực tế, những biểu hiện nghèo khổ và túng thiếu như vậy đã trở thành điểm đặc trưng quen thuộc đáng buồn ở hầu hết các thành phố của Tây Âu trong thời gian gần đây.
Thật vậy, từ chiến lược bành trướng về hướng đông của Liên minh châu Âu (EU) trong thập kỷ trước và nguyên tắc tự do đi lại của người dân trong EU, hàng ngàn người ngủ lề đường, chủ yếu là những người thuộc sắc tộc Roma từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ Bulgaria và Romania, đã tập kết đến các đường phố, các công viên và các sân thể thao của 15 nước thuộc EU.
Trái với mục đích tự do đi lại, hầu hết những người đó đều đến đây không phải để làm việc hoặc học tập, mà là để ăn xin theo những cách thấp hèn nhất. Pháp có lẽ là nước khét tiếng nhất về nạn trẻ em ăn xin ở Tây Âu, nhưng ngay cả ở những xã hội thân thiện với trẻ em như Scandinavia, chúng ta cũng thấy những trẻ nhỏ từ 13 tuổi trở xuống bị những người lớn trong gia đình bắt đi ăn xin. Những người ăn xin khác phô bày cho thấy, hoặc, thường xuyên hơn, giả vờ cho thấy, sự tàn tật của mình để gợi lòng trắc ẩn. Ví dụ, tạp chí tiếng Đức Der Spiegel đã bắt gặp một người ăn xin, ở Hamburg, học cách trở thành một người ăn xin giỏi khi lần đầu đến nước Đức. […] Bắt đầu bài học, anh ấy được bảo mặc vào hai chiếc áo len cũ và được đưa cho một cái nạng màu xanh để có thể tập đi với chiếc nạng đó. Anh ta đánh chân trái xa hơn chân phải, khiến hông anh bị oằn xuống khi đi chệnh choạng trên bãi cỏ.” Điều đáng buồn là chứng co cơ giả đó có thể được nhìn thấy ở Barcelona, ​​Rome, và gần như ở bất kỳ thành phố Tây Âu nào khác.
Điều quan trọng là phải hiểu rằng hành vi này không phải là kết quả của sự phân biệt thị trường lao động ở Tây Âu. Thay vào đó, đối với một số người, nạn ăn xin chính là đỉnh điểm của chính sách di cư. Như chúng ta có thể thấy trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Migration Studies [Những nghiên cứu về di cư]: “Ở nhiều cộng đồng nông thôn Roma, sự di cư xuyên quốc gia để ăn xin và lao động đường phố đã trở thành một thông lệ được thể chế hóa, tạo thành xương sống của nền kinh tế địa phương.”[1] Hay như một phụ nữ Rumani ăn xin ở West End, London đã giải thích với tờ Daily Mail: “Tôi không ăn xin ở nước nhà. Nhưng tôi cần tiền. Chúng tôi có một ngôi nhà rất nhỏ và các con tôi và ba đứa cháu đều sống chung với chúng tôi. Tôi không đủ khả năng nuôi chúng. Vì vậy, tôi phải ăn xin ở đây.” Nghiên cứu thực địa ở cộng đồng Cortorari Roma ở Italia thậm chí còn cho rằng khái niệm đi nước ngoài, đối với một số người, gắn với nạn ăn xin.[2]
Đối với một số người khác, thường bao gồm giới trẻ nhỏ, người già và người bệnh tâm thần,[3] nạn ăn xin còn là hậu quả của tình trạng bị ép buộc và gian dối. Trong trường hợp cụ thể mà tờ Der Spiegel mô tả, một gia đình người Rumani đã dụ dỗ những người ở làng của họ đến Hamburg dưới chiêu bài đi tìm một cuộc sống tốt hơn ở Đức và sau đó buộc họ phải ăn xin.
Những ví dụ tương tự về nạn buôn người và ép buộc đi ăn xin là rất nhiều. Ở Na Uy, một cuộc điều tra do đài truyền hình nhà nước tiến hành cách đây hai năm đã vạch trần một đường dây buôn người Rumani có 140 người ở thành phố Bergen, khi mà những người cầm đầu đường dây đó thường đăng lên mạng những bức ảnh về đồ kim hoàn và xe hơi sang trọng cho thấy khả năng hoạt động của họ (kể cả việc biến nạn ăn xin như là một mặt trận của hoạt động mại dâm) trên các phương tiện truyền thông xã hội. Gần đây hơn, bảy công dân Bulgaria đã bị truy tố ở miền nam Thụy Điển vì điều hành một mạng lưới có hơn 30 người ăn xin, những người bị ngược đãi và bị bỏ đói khi không “hoàn thành nhiệm vụ” một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, người ta vẫn không chắc về mức độ bị ép buộc của hiện tượng ăn xin. Theo một chương trong báo cáo khoa học về nạn ăn xin trong Routledge Handbook of Human Trafficking [Cẩm nang của Routledge về nạn buôn người] (2018), “không có một phân tích tổng quát nào đối với tất cả các tình huống ăn xin” – và, cuối cùng, cần xem xét đến nhiều khía cạnh đáng phê phán hơn.
George L. Kelling (1935-2019)
James Q. Wilson (1931-2012)
Trước hết, là tình trạng phân rã xã hội mà sự hiện diện liên tục của những người ăn xin tạo ra. Theo quan sát của nhà khoa học chính trị James Q. Wilson, người cùng với nhà tội phạm học George Kelling đã nghĩ ra lý thuyết “cửa sổ bị vỡ” cho rằng tình trạng rối loạn nhìn thấy được ở nơi công cộng gây ra một sự suy giảm nguồn vốn xã hội và làm gia tăng hành vi tội phạm, trong cuốn Thinking about Crime [Suy nghĩ về tội phạm] (1985), thì “nạn ăn xin không kiểm soát được, trên thực tế, là cửa sổ bị vỡ đầu tiên”. Hơn nữa, việc không ngừng phơi bày sự gian dối trong nạn ăn xin, chẳng hạn như giả vờ khuyết tật hoặc những khó khăn cá nhân khác, là điều gây hại đối với niềm tin xã hội và ngược lại.
Thứ hai, nhưng không kém phần quan trọng, việc người ăn xin làm xấu đi hình ảnh của bản thân mình và nguy cơ từ việc nhìn thấy, hàng ngày, cảnh tượng những người [ăn xin] quỳ rạp và những người ngủ ngoài đường sẽ làm cho một số bộ phận dân cư tách biệt về mặt tâm lý đối với phần còn lại của xã hội, trong tâm trí của người dân thường, và dạy con cái chúng ta rằng nhân phẩm của người nghèo đơn giản là ít quan trọng. Người ta ước tính có khoảng 70 phần trăm người ăn xin ở Oslo ngủ ngoài đường.[4] Các nạn nhân của nạn buôn người đến Tây Âu cũng báo cáo việc họ phải sống trong những chiếc xe buýt hư không còn sử dụng, những ngôi nhà bỏ hoang, và những nơi trú ẩn tạm thời khác, trong tình trạng thiếu lò sưởi ấm điện và thiếu nước sinh hoạt.
Tuy nhiên mặc cho thực tế ăn xin liên quan đến những mối nguy xã hội và những điều kiện xuống cấp nói trên, hầu như tất cả các nhà nước Tây Âu, ngoại trừ, nổi bật nhất là Đan Mạch, đã ngần ngại áp đặt hoặc tăng cường việc thực thi lệnh cấm trên quy mô toàn quốc đối với nạn ăn xin, như là một sự đáp trả đối với dòng người lang thang nước ngoài. Năm 2018, Tòa án Tối cao Thụy Điển đã công nhận lệnh cấm của các thành phố địa phương, nhưng ngay cả biện pháp đó cũng gây tranh cãi dữ dội, và cho đến nay chỉ có một số ít thành phố nông thôn tuyên bố rằng họ sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi trong các quy định pháp luật. Đa số giới chính trị ở các thành phố lớn nhất nước tiếp tục trì hoãn cuộc tranh luận công khai, theo đó một lệnh cấm tiềm năng nạn ăn xin được mô tả sai như là một “sự cấm đoán nghèo khó” và ngăn cản nguồn thu nhập hợp pháp của một nhóm người có ít phương tiện kiếm sống.
Myron Magnet (1944-)

Trong khi những lời lẽ hoa mỹ như vậy, được nhiều nhà báo, giới trí thức và, đáng kinh ngạc, nhân viên của các tổ chức nhân quyền sử dụng, nghe có vẻ hấp dẫn, thì trong thực tế, đó là một ví dụ về thuyết khuyển nho giả dạng lòng trắc ẩn, như chúng ta có thể thấy được từ một cuốn sách sâu sắc của nhà tư tưởng xã hội Myron Magnet, The Dream and the Nightmare: The Sixties’ Legacy to the Underclass [Giấc mơ và cơn ác mộng: Di sản của những năm sáu mươi đối với giới bần cùng] (1993).
Magnet đã đưa ra cái nhìn sâu sắc đáng chú ý về sự rối tung và nghèo đói xã hội của những năm 1980 và 1990 ở các thành phố Mỹ, trùng hợp một cách kỳ lạ với những năm bùng nổ của chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. Giống như ở Tây Âu ngày nay, người ta có thể thấy rõ sự tương phản ngay trong cùng một thành phố:
Ví dụ, ở thành phố New York, ngay dưới cửa sổ của những căn hộ chật chội trị giá năm triệu US$, hiện ra lù lù trên Đại lộ Fifth Avenue lấp lánh, thì người vô gia cư, một người và đôi khi hai người, nằm ngủ trên một băng ghế công viên, mặt mày phờ phạc, thường bị bệnh, nằm rúc vào nhau trong mớ giẻ rách đã biến màu xám cùng với quần áo dơ bẩn. […] Như đối với các công viên đô thị và các nhà ga xe lửa, từng nói lên niềm tự hào và sự thịnh vượng của đô thị một thời, thì giờ đây chúng thường như thế nào – bị vẽ nguệch ngoạc trên tường, phá hoại, bốc mùi hôi thối của rác thải con người – hay bị những người ăn xin tồi tàn chiếm dụng?
Theo nhận định của Magnet, hệ quả của những điều nói trên và những căn bệnh xã hội khác, chẳng hạn như tình trạng tan vỡ gia đình trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi và sự nổi lên của một tầng lớp đô thị bần cùng phi lao động, không phải là do thiếu cơ hội kinh tế vốn đang lan rộng vào thời điểm đó. Thay vào đó, chúng là di sản của nền văn hóa đối lập trong những năm 1960. Nói một cách cụ thể, Magnet đã chỉ ra nét đặc biệt của nền văn hóa hippie về quyền tự do cá nhân không có giới hạn, về sự loại bỏ các chuẩn mực và đức hạnh của tầng lớp tư sản văn minh, và sự tôn vinh tâm lý nạn nhân của thời đại. Được một giới tinh hoa những người lèo lái dư luận truyền lại, các giá trị mới này “đã hủy bỏ sự tôn trọng những hành vi và thái độ, từng thúc đẩy mọi người đi lên nấc thang kinh tế” và khuyến khích những ai đã ở bên lề xã hội dẫn dắt cuộc sống tai họa ở các thành phố của quốc gia.
Trong một ví dụ điển hình, Magnet đã cho thấy tình trạng vô gia cư lan rộng trong số các bệnh nhân tâm thần có thể được truy nguyên đến phong trào chống tâm bệnh học của những năm 1960 và 1970 và đến những tác phẩm có ảnh hưởng của các tác giả như Thomas Szasz, Erving Goffman, Ken Kesey và R.D. Laing. Theo Magnet, các tác giả này bảo lưu việc cho rằng những người mắc bệnh tâm thần là một dạng tù nhân chính trị của một cấu trúc xã hội bất công, và rằng họ “chỉ sống theo một nhịp khác và cần được tự do đi trên đường phố,” và điều đó đã mở đường cho việc phi thể chế hóa toàn bộ những người mắc bệnh tâm thần ở Hoa Kỳ. Khi nhiều người trong số họ đi đến tình trạng vô gia cư và cô đơn, gây nguy hại cho bản thân và đôi khi cho người khác, thì các nhà hoạt động tự do dân sự “đã dập tắt mọi khả năng còn sót lại cho rằng các bệnh viện nhà nước và các trung tâm y tế tâm thần cộng đồng có thể giải quyết được bệnh lý của đại đa số những người bị bệnh tâm thần nghiêm trọng” bằng cách diễn giải lại tình trạng vô gia cư của họ như là một tình trạng giải phóng.
Như tôi đã gợi ý, có một điều gì đó tương tự với những gì mà Magnet đã mô tả đang xuất hiện ở Tây Âu ngày nay. Ở đây cũng vậy, một diễn ngôn của giới tinh hoa đã bỏ qua hành vi phá hoại và diễn giải lại cuộc sống giật gấu vá vai bị gièm pha như là một lựa chọn lối sống thay thế, cuối cùng không khuyến khích các chính phủ thực thi những biện pháp cần thiết để duy trì phẩm giá con người và làm giảm bớt các chi phí xã hội từ nạn xin ăn, chẳng hạn như ban hành một lệnh cấm toàn quốc. Ý định là sự dung thứ và làm điều tốt, nhưng kết quả là người nghèo và người ở bên lề xã hội vẫn giậm chân tại chỗ ở dưới đáy xã hội. Vô tình, một diễn ngôn như vậy thường mang tính vô nhân đạo. Ví dụ, hãy thử xem những trích dẫn sau đây, cho thấy chức năng của người ăn xin là cung cấp bài học đạo đức cho một xã hội tự mãn, giàu có.
Trong một tiểu luận dài về hiện tượng ăn xin đăng trên tờ báo tiếng Thụy Điển Svenska Dagbladet, nhà báo Helene Gustafsson đã nhắc lại bài thơ của Charles Baudelaire, “The Eyes of the Poor [Đôi mắt của người nghèo],” ghi lại sự biến đổi của Paris vào giữa những năm 1800, và viết:
Ở Stockholm vào những năm 2000, bài thơ của Baudelaire có tính thời sự một cách đáng sợ. Không còn ranh giới với các khu vực nghèo, ở trung tâm thành phố, đã từng bị thổi bay. Thay vào đó, đã phơi bày những điều kiện bất bình đẳng giữa Đông và Tây, Bắc và Nam, và những ánh mắt van nài, đòi hỏi, hoặc trống rỗng, một lần nữa, nhắc nhở chúng ta về những đặc quyền của mình, và sự phồn vinh của mình, sự vô nghĩa của những bận tâm của chúng ta.
Trên báo Guardian [Người bảo vệ], nhà chuyên luận Dawn Foster đã viết:
Đi ngang qua một người ăn xin gây ra cảm giác khó chịuvà điều đó đúng. Hành động đối mặt và thừa nhận sự đau khổ và khó khăn của con người ở phạm vi này tự nó cần phải in sâu vào một xã hội có sự phân chia hiển nhiên về thu nhập và tiện nghi.
Johan Wennström (1987-)
Theo cách tương tự, Thomas Steinfeld, cựu biên tập viên trang văn hóa của tờ báo tiếng Đức Süddeutsche Zeitung, đã viết trong một bài báo đăng trên tờ SvenskaDagbladet, không nên cấm nạn ăn xin, một phần bởi vì việc đụng chạm đến người ăn xin khiến chúng ta phải thừa nhận “lớp sơn mỏng che đậy nền văn minh.” Tuy nhiên, chỉ có một xã hội bối rối về mặt đạo đức mới không hiểu rằng nạn ăn xin không dành cho bất kỳ ai, nhất là đối với người ăn xin mà chúng ta đã phớt lờ cảnh ngộ khốn khổ của họ trong khi cứ tưởng rằng mình có “đầu óc phóng khoáng”.
Johan Wennström có bằng tiến sĩ về khoa học chính trị. Ông nghiên cứu về giáo dục và các lĩnh vực chính sách xã hội khác tại Viện nghiên cứu kinh tế công nghiệp (IFN) ở Stockholm. 
Ảnh chụp trên đại lộ Avenue des Champs-Élysées ở Paris của tác giả Andy Ngo.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Europe’s New Beggars, Quillette, April 10, 2019.




Tài liệu tham khảo

[1] Friberg, J.H. (2018). Poverty, networks, resistance: The economic sociology of Roma migration for begging. Migration Studies. https://doi.org/10.1093/migration/mny038

[2] Tesăr, C. (2015). “Begging—between charity and profession: Reflections on Romanian Roma’s begging activities in Italy,” in Tauber E., Zinn D. (eds) The public value of anthropology: Engaging critical social issues through ethnography, pp. 83–111. Bolzano: University Press

[3] National Agency against Trafficking in Persons. (2013). Trafficking in persons for begging—Romania study. https://ec.europa.eu/anti-trafficking/sites/antitrafficking/files/trafficking_in_persons_for_begging_-_romania_study_0.pdf

[4] Friberg, J.H., and G. Tyldum. (2019). Migration for begging from Romania to Norway. A human trafficking perspective. Tidsskrift for samfunnsforskning, 60(1): 30–49.

Print Friendly and PDF