26.12.21

Vắc-xin COVID định hình năm 2021 như thế nào qua tám biểu đồ có tác động mạnh

VẮC-XIN COVID ĐỊNH HÌNH NĂM 2021 NHƯ THẾ NÀO QUA TÁM BIỂU ĐỒ CÓ TÁC ĐỘNG MẠNH

Việc tiêm chủng phi thường cho hơn bốn tỷ người và không có cơ hội được tiêm chủng đối với nhiều người khác, đã là những trường hợp có tác động mạnh trong năm nay - trong khi sự xuất hiện của Omicron khiến mọi thứ phức tạp hơn.

Một nhóm tiêm chủng lưu động đang làm việc trong một buổi thăm nhà dân ở một vùng xa xôi của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Chris McGrath/Getty

Các tác giả: Smriti MallapatyEwen CallawayMax KozlovHeidi LedfordJohn Pickrell & Richard Van Noorden

Một năm trước, các đợt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 chỉ mới bắt đầu. Hiện nay, hơn 4,4 tỷ người - khoảng 56% dân số thế giới - đã được tiêm một hoặc nhiều liều vắc-xin. Việc tiêm chủng cho rất nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, ngay sau sự phát triển nhanh chóng vô song của vắc-xin, đã cứu sống rất nhiều người và là một thắng lợi cho khoa học và nghiên cứu.

Đáng buồn thay, vắc-xin đã không được chia sẻ hoặc sử dụng một cách công bằng trên toàn thế giới, thậm chí, đôi khi, cũng không công bằng trong nội bộ các quốc gia. Nhưng sự triển khai phi thường của nhiều vắc-xin COVID-19 - hoặc việc thiếu vắc-xin - đã là động lực chính định hình chính trị, khoa học và trải nghiệm hàng ngày của con người vào năm 2021. Trong câu chuyện được dẫn dắt bằng hình ảnh này, Tạp chí Nature hướng dẫn bạn vào những thành công, những thất bại và tác động của vắc-xin COVID-19 vào năm 2021.

Chiến thắng trong cuộc đua vắc-xin

Hơn tám tỷ liều, chủ yếu là tám loại vắc-xin dẫn đầu, hiện nay đã được sử dụng trên khắp thế giới, phần lớn vào năm 2021 (xem biểu đồ ‘Cuộc chạy đua tiêm chủng’). Bà Gagandeep Kang, nhà virus học tại Đại học Y khoa Christian ở Vellore, Ấn Độ, cho biết: “Chỉ cần tạo ra nhiều vắc-xin như vậy đã là thành công nổi bật rồi.”

Nguồn: Dữ liệu của Airfinity

Soumya Swaminathan (1959-)

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ cho biết: “Các loại vắc-xin đã và đang có tác động rất lớn trong việc tránh tử vong và giúp các nền kinh tế của đất nước trở lại bình thường. Ở các quốc gia có mức độ tiêm chủng cao, các ca bị nhiễm không đi đôi với tử vong, do đó ngay cả khi có những đợt lây nhiễm mới, số tử vong vẫn ở mức thấp.”

Cũng đáng chú ý là tốc độ phát triển của vắc-xin (xem biểu đồ ‘Sáng kiến vắc-xin’). Không có loại vắc-xin nào trong lịch sử được phát triển nhanh như vậy, nhưng 23 loại vắc-xin khác nhau chống lại SARS-CoV-2 đã được phê chuẩn sử dụng trên khắp thế giới - và hàng trăm loại vắc-xin khác đang được phát triển.

Nguồn: Our World in Data; Nature analysis

Người ta ước tính rằng sự phát triển và triển khai nhanh chóng đáng kinh ngạc này đã cứu sống ít nhất 750.000 mạng người chỉ riêng ở Hoa Kỳ và Châu Âu - và có thể còn nhiều hơn nữa trên toàn cầu, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa sẵn sàng cam kết một con số. Một nghiên cứu từ WHO và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu ở Solna, Thụy Điển, được công bố vào tháng trước[1] ước tính rằng 470.000 ca tử vong đã được ngăn chặn trên 33 quốc gia Châu Âu chỉ riêng những người từ 60 tuổi trở lên. Một nghiên cứu mô hình khác, vẫn chưa được đồng nghiệp thẩm định, từ các nhà dịch tễ học tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, ước tính rằng 279.000 sinh mạng đã được cứu vào cuối tháng 6 nhờ đợt tiêm chủng ở Hoa Kỳ.

Những được và chưa được khi tiêm vắc-xin

Nhưng bất chấp sự thành công đáng kinh ngạc của vắc-xin, đó là một câu chuyện về những điều được và chưa được và việc triển khai tốt ngoại trừ sự thiếu công bằng. Bà Kang nói: “Chúng ta đã rất đoàn kết và rất chia rẽ. Rất đoàn kết về khoa học, rất chia rẽ trong việc tiếp cận.”

Nguồn: Our World in Data

Tại các quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Chile và Cuba, hơn 200 liều đã được tiêm trên 100 người - nhưng ở cuối thang đo ngược lại, ở những nơi như Tanzania, Afghanistan và Papua New Guinea, có chưa tới 20/100 người đã được tiêm ít nhất một liều (xem biểu đồ ‘Số liều tiêm chủng toàn cầu’).

Swaminathan cho biết: “Sự bất công về vắc-xin đã và đang là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của đại dịch”, bà lưu ý rằng hiện nay tồn tại hai thế giới song song. Ở một số vùng, các ca nhiễm bệnh đã không đi đôi với tử vong và cuộc sống đang được bình thường hóa trở lại. Nhưng ở những nơi khác, có “nỗi sợ hãi trong việc mở cửa, trường học vẫn đóng cửa, không thể thực hiện kế hoạch dài hạn và sự gia tăng của việc lây nhiễm sẽ sớm dẫn đến tử vong cao hơn”.

Trung bình, ở các nước có thu nhập cao, 83% dân số đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một mũi, nhưng ở các nước thu nhập thấp, con số này giảm xuống còn 21%. Những con số này “không bao giờ ngừng gây kinh ngạc”, ông Andrew Azman, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, đồng tác giả của một phân tích về sự bất công trong số liều tiêm chủng, đã công bố như trên trong một bản thảo bài báo khoa học chưa được đồng nghiệp thẩm định[2] vào hồi tháng 10.

Gagandeep Kang (1962-)

Người ta mong đợi rằng các quốc gia nghèo hơn sẽ nhận được nguồn cung tăng lên khi nhu cầu bắt đầu giảm ở các quốc gia giàu, nhưng đa số các quốc gia giàu hiện đang thực hiện tiêm liều tăng cường. Điều này, kết hợp với thực tế là nhiều quốc gia đang dự trữ liều lượng, có thể góp phần vào việc những quốc gia thực sự cần vắc-xin thiếu khả năng tiếp cận, bà Kang nói.

Sự chênh lệch không chỉ tồn tại giữa các quốc gia mà còn tồn tại trong nội bộ các quốc gia. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp hơn ở những khu vực có nhiều người có thu nhập thấp hoặc cha mẹ đơn thân hoặc người khuyết tật[3]. Các nghiên cứu khác cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng theo chủng tộc hoặc dân tộc[4].

Tính miễn dịch đang giảm dần và các biến thể

Năm 2021 là năm của vắc-xin COVID-19, nhưng cũng là năm của các biến thể. Các nhà nghiên cứu đã xác định được bộ ba ‘các biến thể cần quan tâm’ của SARS-CoV-2 vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, hiện được gọi là Alpha, Beta và Gamma. Ba biến thể này dường như lây lan nhanh hơn các dòng di truyền virus lưu hành trước đó và các nhà khoa học lo ngại rằng những biến thể này cũng có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và dịch tễ học trong thế giới thực đã xác nhận rằng vắc-xin vẫn có hiệu quả cao đối với ba loại virus phổ biến nhất, biến thể Alpha, đã được xác định ở Vương quốc Anh. Nhưng biến thể Beta và Gamma - lần đầu tiên được phát hiện lần lượt ở Nam Phi và Brazil - có liên quan đến việc giảm hiệu quả của một số vắc-xin, đặc biệt là những vắc-xin dựa trên vector virus, chẳng hạn vắc-xin Oxford–AstraZeneca, hoặc dựa trên virus bất hoạt, chẳng hạn những loại vắc-xin được phát triển ở Trung Quốc và Ấn Độ (xem biểu đồ ‘Các biến thể và vắc-xin’).

Nguồn: Airfinity

Biến thể Delta, được chỉ định là một biến thể cần quan tâm vào tháng 5, hiện đang chịu trách nhiệm về hầu hết các lây nhiễm mới trên toàn cầu và đã thách thức hơn đối với vắc-xin. Các quốc gia như Israel, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã bắt đầu chiến dịch sớm hiện nay đang nhận thấy các dấu hiệu vắc-xin mất tác dụng theo thời gian (xem biểu đồ ‘Tính miễn dịch đang giảm dần’).

Ông Laith Jamal Abu-Raddad, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine – Qatar ở Doha, cho rằng bất chấp những thách thức này, vắc-xin vẫn đang làm tốt công việc bảo vệ chống lại các dạng nghiêm trọng nhất của COVID-19. “Hiện chúng tôi có rất nhiều dữ liệu và chúng tôi thấy một dạng thức rất rõ ràng rằng vắc-xin đang hoạt động rất tốt trong việc chống lại mức độ nghiêm trọng.”

Nguồn: Airfinity

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang chạy đua để xác định làm thế nào các loại vắc-xin khác nhau sẽ chống lại Omicron đang lây lan nhanh chóng, được chỉ định là một biến thể đáng quan tâm vào cuối tháng 11. Một nghiên cứu sơ bộ từ Vương quốc Anh cho thấy rằng hai liều vắc-xin chỉ bảo vệ yếu ớt chống lại việc bị nhiễm Omicron (liều tăng cường thứ ba đã khôi phục hiệu quả vắc-xin lên trên 70%). Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng vắc-xin sẽ tiếp tục ngăn ngừa bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra - nhưng ở mức độ nào thì vẫn chưa rõ ràng.

Vắc-xin mới sắp ra mắt

Trong khi chưa đến một nửa dân số thế giới vẫn đang chờ liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên, các nhà nghiên cứu đang phát triển hơn 300 phương án mới. Trong số này, gần 200 vẫn đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật chứ không phải trên người, nhưng 40 phương án đang trong các thử nghiệm lâm sàng quốc tế lớn (xem biểu đồ “Đang khai triển”).

Nguồn: GAVI

Một số loại vắc-xin thế hệ tiếp theo này có thể có những ưu điểm chính so với những loại vắc-xin hiện có. Ví dụ, vắc-xin protein sử dụng protein SARS-CoV-2 để kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại virus, đồng thời hứa hẹn sẽ dễ sản xuất và vận chuyển hơn so với một số loại vắc-xin hiện có.

Nicholas Jackson

Ông Nicholas Jackson, người đứng đầu các chương trình và công nghệ sáng tạo tại Liên minh Sáng kiến Chuẩn bị sẵn sàng chống đại dịch (CEPI) ở Oslo, đồng lãnh đạo của COVAX, cho biết là đặc biệt, hai loại vắc-xin protein được sản xuất bởi Novavax, ở Gaithersburg, Maryland và Clover Biopharmaceuticals ở Thành Đô (Chengdu), Trung Quốc, sẽ đóng vai trò then chốt để đạt được mục tiêu của sáng kiến ​​Tiếp cn toàn cu v vắc-xin COVID-19 (COVAX) là phân phi hai t liu cho các quc gia có thu nhp thp vào năm tới.

Các loại vắc-xin COVID-19 sắp ra mắt khác đang được bào chế để có thể uống hoặc hít qua mũi, chẳng hạn như vắc-xin đường mũi đang được phát triển bởi CanSino và AstraZeneca. Vì những vắc-xin này sẽ được đưa trực tiếp vào các mô mà SARS-CoV-2 xâm nhập đầu tiên khi nó xâm nhập vào cơ thể, người ta hi vọng rằng vắc-xin uống hoặc hít vào mũi có thể hoạt động tốt để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Các vắc-xin này cũng sẽ yêu cầu số lượng ít hơn đối với nhân viên chăm sóc sức khỏe được đào tạo để thực hiện tiêm chủng.

Một số vắc-xin COVID-19 đang được khai triển để đối phó với các biến thể SARS-CoV-2 cụ thể - chẳng hạn Omicron - hoặc thậm chí nhiều loại virus corona. Ông Jackson cho biết ba bệnh gây ra bởi virus corona mới đã xuất hiện trong vòng chưa đầy 20 năm - hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) vào năm 2002, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) vào năm 2012 và COVID-19 vào cuối năm 2019. Ông nói: “Một loại vắc-xin có khả năng bảo vệ rộng rãi chống virus corona có thể cách mạng hóa đáp trả của chúng ta đối với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong tương lai.”

Tiêm chủng cho trẻ em

Cách thức đại dịch bùng phát từ bây giờ trở đi có thể không chỉ do các biến thể mới, mà còn do cách thức tiêm vắc-xin nhanh chóng cho một phần lớn dân số toàn cầu chưa được tiêm chủng – đó là trẻ em.

Trong năm 2021, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao đã gây ra sự gia tăng mạnh mẽ các ca bệnh nhi trên toàn thế giới. Andrew Pavia, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm nhi tại Đại học Y tế Utah ở Thành phố Salt Lake, cho biết mặc dù chỉ có một tỷ lệ tương đối nhỏ trẻ em mắc bệnh nặng, nhưng điều đó vẫn dẫn đến một số lượng lớn các trường hợp nghiêm trọng trên toàn cầu. Ông nói rằng việc tiêm phòng rộng rãi cho trẻ em sẽ hạn chế các ca bệnh nặng ở lứa tuổi đó và giúp kiểm soát sự lây lan của virus.

Tại Hoa Kỳ - nơi trẻ em chiếm số lượng lớn nhất các trường hợp mắc COVID-19 ở mọi lứa tuổi kể từ cuối tháng 10 - Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt vắc-xin Pfizer – BioNTech trên toàn quốc cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi vào đầu tháng 11. Kể từ đó, hơn năm triệu trẻ em ở đó đã được tiêm một liều - và các nghiên cứu mô hình hóa vào tháng 9 đã xem xét tác động của cả hai trường hợp trong một kịch bản, tại nơi không có biến thể mới và tại nơi có biến thể mới, cho thấy rằng lợi ích có thể là đáng kể - đặc biệt là bây giờ, khi chúng ta đối mặt với các tác động của Omicron (xem biểu đồ ‘Hiệu ứng đối với trẻ em’). Cũng những nhà nghiên cứu đó hiện đang bắt đầu mô hình hóa các tác động có thể có của Omicron đối với số ca bệnh ở Hoa Kỳ.

Nguồn: COVID-19 Scenario Modelling Hub

Ở những nơi khác, việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ cũng dần được giữ vững. Ví dụ, các cơ quan quản lý ở Canada, Israel và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, tất cả đều tạm thời phê duyệt vắc-xin Pfizer cho trẻ em vào cuối tháng 11, tiếp theo là Úc vào đầu tháng 12. Colombia, Chile, Argentina và Venezuela hiện đều đang cung cấp vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc cho trẻ em.

Số bài nghiên cứu về vắc-xin tăng vọt

Việc phát triển và triển khai vắc-xin COVID-19 đã cho thấy một nỗ lực nghiên cứu phi thường trong năm qua. Theo tính toán của Tạp chí Nature, ít nhất 15.000 bài báo về vắc-xin đề cập đến COVID-19 hoặc SARS-CoV-2 đã được công bố từ đầu năm ngoái, với hơn 11.000 bài báo trong số đó trong năm 2021 (xem biểu đồ ‘Bùng nổ kiến thức’). Những bài này chiếm hơn 47% tổng số bài báo về vắc-xin được công bố vào năm 2021 - và khiến đây trở thành năm phá kỷ lục về các ấn phẩm liên quan đến vắc-xin.

Nguồn: Data from PubMed; Nature analysis

Các nhà nghiên cứu cho biết lợi ích của nghiên cứu đó không chỉ là COVID-19, mà còn đối với vắc-xin nói chung. Ông Azman nói: “Nhân loại cùng nhau phát triển và triển khai vắc-xin đã mở ra rất nhiều cánh cửa cho vắc-xin và hiểu được chúng là gì, cách vắc-xin hoạt động và tại sao chúng ta có thể muốn sử dụng vắc-xin trong tương lai.”

Vắc-xin sẽ tiếp tục cứu sống và giúp một số người trong cuộc trở lại một cuộc sống có vẻ bình thường và tiếp thêm năng lượng cho các nhà nghiên cứu. Nhưng mức độ thế giới ngăn chặn đại dịch vào năm 2022 và hơn thế nữa sẽ phụ thuộc vào việc thế giới cung cấp khả năng tiếp cận nhanh chóng ra sao ở các quốc gia có thu nhập thấp, sử dụng liều tiêm tăng cường ở những nhóm dân có khả năng miễn dịch suy yếu và tiêm chủng cho trẻ em - cũng như vào bản chất và mức độ của các biến thể mới, chẳng hạn như Omicron.

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-03686-x

Vài dòng về các tác giả

Smriti Mallapaty, Phóng viên cao cấp, Sydney

Smriti gia nhập Tạp chí Nature vào năm 2020 và bao gồm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trước đây, bà từng là biên tập viên của Nature Index và cũng đã từng là nhà báo tự do đưa tin về khoa học và môi trường có trụ sở tại Kathmandu, Nepal. Bà có bằng thạc sĩ khoa học về công nghệ môi trường tại Đại học Imperial College London.

Ewen Callaway, Phóng viên cao cấp, Châu Âu

Ewen gia nhập Tạp chí Nature vào tháng 8 năm 2010, sau 2 năm làm việc tại New Scientist với tư cách là phóng viên y sinh có trụ sở tại Boston. Ông đã theo học chương trình viết khoa học tại Đại học California, Santa Cruz và lấy bằng thạc sĩ về vi sinh vật học tại Đại học Washington.

e.callaway#nature.com*

Max Kozlov là một nhà báo khoa học đến từ Boston. Mặc dù ông đã học về ngành khoa học thần kinh nhận thức, nhưng nay ông thích viết về bộ não hơn là nghiên cứu bộ não. Ông có tác phẩm đã xuất hiện trên The Atlantic, Nature, Quanta Magazine, Science, The Scientist, St. Louis Post-Dispatch, Behavioral ScientistThe Public’s Radio.

Heidi Ledford, Phóng viên cao cấp, London

Heidi viết về sinh học và y học, và có bằng tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley. Bà đã viết cho The Oregonian, biên tập cho Tạp chí Khoa học Berkeley, và làm việc tự do cho một số ấn phẩm khác.

h.ledford#us.nature.com*

John Pickrell, Chánh Văn phòng Cục Châu Á - Thái Bình Dương, Sydney

John gia nhập Tạp chí Nature vào đầu năm 2021. Ông là tác giả của ba cuốn sách khoa học nổi tiếng và đã từng làm phóng viên hoặc biên tập viên cho các tạp chí bao gồm New Scientist, Science, Science News, Australian GeographicCosmos. Ông theo học ngành sinh học tại Đại học Imperial và có bằng Thạc sĩ khoa học về phân loại học và đa dạng sinh học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Luân Đôn.

Richard Van Noorden, Biên tập viên tính năng, London

Richard gia nhập Tạp chí Nature vào tháng 1 năm 2009 với tư cách là một phóng viên và sau đó là một phóng viên cao cấp về công bố hóa học, vật liệu, năng lượng và khoa học, và chuyển sang vị trí hiện tại vào năm 2015. Trước đó, ông là phóng viên và biên tập viên tại Chemistry World. Ông có bằng thạc sĩ khoa học tự nhiên tại Đại học Cambridge.

r.vannoorden#nature.com*

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:How Covid vaccines shaped 2021 in eight powerful charts, Nature, 16.12.2021

----

Bài có liên quan:




TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Meslé, M. M. I. et al. Euro Surveill. 26, pii=2101021 (2021). Article | Google Scholar 

[3] Barry, V., et al. Morbidity and Mortality Weekly Report (MMWR) 70, 818–824 (2021). PubMed | Article | Google Scholar 

Print Friendly and PDF