18.12.21

Phòng chống biến chủng Delta ở trường học, chiến lược tầm soát virus vẫn đang được tiến hành

PHÒNG CHỐNG BIẾN CHỦNG DELTA Ở TRƯỜNG HỌC, CHIẾN LƯỢC TẦM SOÁT VIRUS VẪN ĐANG ĐƯỢC TIẾN HÀNH

Trong khi chiến lược [tầm soát virus] hiện tại ở các trường học đang được tiến hành một cách vất vả để hạn chế sự lây lan của Covid, thì một nghiên cứu của Inserm đã chứng minh cho thấy những khiếm khuyết của chiến lược, kèm theo các số liệu dẫn chứng.

Maxime Birken

Đối mặt với sự gia tăng các ca lây nhiễm, một quy trình tầm soát virus mới được giới thiệu là hiệu quả hơn có thể sẽ ra đời. ẢNH: GODONG VIA GETTY IMAGES

COVID-19 - Trong khi ở Pháp, các vụ lây nhiễm Covid-19 vẫn rất đáng lo ngại mặc dù có giảm nhẹ, thì một nghiên cứu của Inserm vừa làm khổ quy trình tầm soát hiện đang được triển khai ở các trường học. Nghiên cứu mô hình hóa này cũng đi theo hướng của một chiến lược tầm soát khác (đã được nhiều nhà khoa học đề cập) cho các cơ sở giáo dục.

Được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Jean-Michel Blanquer thông qua, phương pháp tầm soát hiện tại khuyến nghị, kể từ ngày 6 tháng 12, sẽ đóng cửa những lớp học nào có từ ba học sinh dương tính với Covid (chứ không còn là một học sinh như trước đây), đồng thời tiến hành xét nghiệm mỗi học sinh sau mỗi ca [dương tính] đầu tiên được phát hiện. Vì thế, cái gọi là quy trình “phản ứng” đó, trước hết, nhằm đảm bảo công tác dạy và học, trong khi vẫn tránh được việc đóng cửa triệt để các lớp học.

Nhưng nghiên cứu được Inserm công bố vào hôm thứ Năm, 9 tháng 12 đã chỉ ra sự thiếu hiệu quả của phương pháp này. Nếu chỉ phản ứng với sự lây lan của coronavirus, thì tác động là tương đối nhỏ: nhờ việc tầm soát virus ở tất cả các học sinh trong một lớp, vài giờ sau khi phát hiện ca [dương tính] đầu tiên, thì chỉ có thể tránh được 10% số ca lây nhiễm, theo nghiên cứu được Vittoria Colizza, giám đốc nghiên cứu tại Inserm, trình bày.

“Chúng tôi đã cập nhật phân tích về các quy trình tầm soát virus ở trường học chống lại #COVID19 để:

- ước tính rủi ro cụ thể cho trường học từ các dữ liệu tầm soát 

- đánh giá quy trình tầm soát trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin hiện tại và tỷ lệ mắc bệnh

- đánh giá công tác tiêm chủng vắc-xin ở trẻ em”

Một quy trình tầm soát khác, theo khuyến nghị của Inserm, là quy trình tiên đoán. Phương pháp này, nói chung nằm ở trọng tâm các khuyến nghị khoa học, cho phép phản ứng từ thượng nguồn và tiến hành xét nghiệm hàng tuần, mỗi tuần một lần, đối với tất cả học sinh. Từ đó, chỉ những học sinh dương tính với virus mới cách ly ở nhà.

Trong quy trình tầm soát được gọi là “lặp lại nhiều lần” này, chúng ta không phải chờ phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên để tiến hành xét nghiệm cho cả lớp. Theo các số liệu mô hình hóa của nghiên cứu, đây là một phương pháp cho phép tránh được một phần ba các ca lây nhiễm, tức là nhiều hơn gấp ba lần so với quy trình hiện tại. Nhưng chưa hết, khi đẩy mạnh quy trình tầm soát này xa hơn nữa, thì sẽ tầm soát được hơn một nửa số ca lây nhiễm khi tiến hành hai xét nghiệm mỗi tuần. Một lợi thế chiến lược thực sự khi biết rằng điều rất phổ biến là các ca lây nhiễm không có triệu chứng ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Một phương pháp ít hiệu quả hơn đối với các ca lây nhiễm vi-rút nặng

Jean-Michel Blanquer (1964-)

Mặc dù hiệu quả khá rõ, nhưng quy trình lặp lại nhiều lần vẫn không nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ. Thật vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã quyết định không tuân theo các khuyến nghị của Hội đồng Khoa học và Hội đồng Định hướng Chiến lược Vắc-xin được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái, đối với các “xét nghiệm có hệ thống và hàng tuần” ở cấp tiểu học. Jean-Michel Blanquer lúc đó đã đề cập đến mục tiêu 600.000 xét nghiệm hàng tuần ở các cơ sở giáo dục, một mục tiêu mà cuối cùng không bao giờ đạt được

Với hai triết lý tầm soát đối đầu với như trên, người ta có cảm giác có vẻ như phương pháp “phản ứng” hiện tại đang thất thế trong việc ngăn chặn sự lưu hành của biến chủng Delta ở các trường học. Nhận định này thậm chí được cơ quan y tế Santé publique France chia sẻ một cách úp mở, khi công bố kết quả đánh giá chiến lược tầm soát phản ứng đối với vi-rút SARS-CoV-2 được triển khai ở các trường học trong hai giai đoạn: từ ngày 11 đến ngày 22 tháng 10 và từ ngày 8 đến ngày 26 tháng 11. Các xét nghiệm quy mô lớn ở các tỉnh, trong nhiều tình huống y tế khác nhau, đều có mục đích là có thể “so sánh giữa tỉnh với tỉnh về hiệu quả của loại thử nghiệm này”, như theo lời của Jean-Michel Blanquer vào tháng 9 năm ngoái.

Nếu không có sự gia tăng đáng kể số ca dương tính được phát hiện trong lần tầm soát đầu tiên và lần thứ hai, trong khi sự lưu hành của vi-rút đã tăng mạnh ở tất cả các nhóm tuổi và trên toàn lãnh thổ các đô thị, thì báo cáo của cơ quan y tế Santé publique France cho thấy “hệ thống tầm soát có vẻ hoạt động hiệu quả trên bình diện chung, nhưng khó thực hiện hơn khi tỷ lệ lây nhiễm tăng cao”.

Vắc-xin trong vai trò thành lũy thực sự duy nhất

Ngoài cuộc tranh luận về một chiến lược tầm soát phù hợp để triển khai ở các trường học nhằm kìm hãm biến chủng Delta, thì vấn đề vắc-xin đối với trẻ từ 5-11 tuổi thì sao? Ở đây một lần nữa, báo cáo của Inserm đã đưa ra một câu trả lời rõ ràng. Trong trường hợp tiêm vắc-xin một cách đại trà cho 20% trẻ em từ 5-11 tuổi, số ca lây nhiễm sẽ giảm 38%, và con số này sẽ tăng gần như gấp đôi nếu 50% trẻ em trong độ tuổi này được tiêm chủng vắc-xin, giảm 75% các ca lây nhiễm dương tính.

Maxime Birken

Những con số làm cho chính phủ suy nghĩ lại vì cho đến nay chỉ mới cho phép tiêm chủng vắc-xin đối với những trẻ em từ 5-11 tuổi dễ bị tổn thương nhất, nhưng đã bắt đầu xem xét mở rộng cho tất cả trẻ em, theo lời của Jean Castex trên đài phát thanh France Bleu vào hôm thứ bảy tuần này, ngày 11 tháng 12. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh đến “sự cần thiết” cho trẻ em dưới 11 tuổi hội đủ điều kiện để tiêm chủng vắc-xin chống Covid, nhằm đối phó với virus Delta cũng như sự lưu hành của biến chủng mới Omicron.

Maxime Birken

Biên tập viên

Nhà báo tin tức tổng hợp tại HuffPost Pháp

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Contre le variant Delta à l'école, la stratégie de dépistage se cherche encore, Huffington Post, ngày13/12/2021.

Print Friendly and PDF