16.12.21

Chích ngừa Covid-19 cho trẻ em: những thách thức đạo đức chưa từng có

CHÍCH NGỪA COVID-19 CHO TRẺ EM: NHỮNG THÁCH THỨC ĐẠO ĐỨC CHƯA TỪNG CÓ

Tác giả: Emmanuel Hirsch

Giáo sư về y đức, Đại học Paris-Saclay

Tại Mỹ, việc chích ngừa Covid-19 mới được mở rộng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi (Nhân viên y tế trò chuyện với một bé gái 11 tuổi mà ông sắp chích ngừa. San José, California, ngày 3/11 vừa qua.) Justin Sullivan/ Getty Images/ AFP

Tại Mỹ, người ta vừa quyết định chích ngừa Covid-19 cho trẻ em. Các cơ quan đánh giá khoa học đã nhận định rằng đây là một chiến lược chính đáng và chấp nhận được so với những bất lợi có thể có nếu không chích ngừa. Tuy nhiên, việc dành ưu tiên chích ngừa cho toàn dân của nước này đáng lí phải được đối chiếu với những dữ liệu của báo cáo do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc - UNDP, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Đại học Oxford công bố ngày 15 tháng 9, 2021, chỉ ra rằng chỉ có 3,07% dân số các nước thu nhập thấp hoặc trung bình đã được chích ngừa một liều.

Từ các quan điểm về y tế công cộng, đạo đức và địa chính trị, một sự phân cấp thứ bậc như thế trong bậc thang những khẩn cấp về y tế, vốn không áp đặt cho toàn bộ trẻ em nước Mỹ, tôi thấy dường như nó biểu lộ những nhận định chính trị đáng ngờ so với lợi ích chung, và có tính chất làm suy yếu độ tin cậy của các nghị quyết được tái khẳng định bởi nhóm G20 (Nhóm các nền kinh tế lớn) vào ngày 31 tháng mười nhắm đến mục tiêu chích ngừa cho 40% dân số thế giới từ đây đến cuối năm 2021.

Trong thông báo ngày 9 tháng sáu năm 2021 “Những thách thức đạo đức liên quan đến chích ngừa Covid-19 cho trẻ em và thiếu niên, Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức của Pháp (Comité consultatif national d’éthique - CCNE) nhận định rằng “cho đến nay việc chích ngừa cho trẻ em dưới 12 tuổi có vẻ không chấp nhận được về mặt đạo đức và khoa học, phần lớn vì không có một nghiên cứu nào đánh giá sự an toàn của các vắc-xin chống Covid-19 trong nhóm dân số này.” Những dữ liệu mới đây rút ra từ những thử nghiệm lâm sàng đã thúc đẩy các cơ quan điều tiết Mỹ cấp phép.

Tại Pháp và châu Âu, hiện nay các cơ quan y tế đang tiến hành các cuộc điều tra của chính họ, đến mức Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức CCNE có thể tiến đến xem xét lại nội dung thông báo của họ theo kết luận của các cuộc điều tra, trong một bối cảnh cả nước từ nay sẽ thuận lợi cho chích ngừa: ngày nay, 74,6% người Pháp đã được chích ngừa. Tuy nhiên, căn cứ của sự mở rộng chích ngừa đến trẻ em giờ đây là đối tượng của sự dè dặt, ít ra là vì tỷ lệ trẻ em béo phì làm gia tăng sự phơi nhiễm rủi ro mắc Covid-19 là thấp hơn ở Mỹ.

Một suy nghĩ đạo đức đặc thù

Để đoán trước một tình huống có thể xảy ra về chích ngừa cho trẻ em, cần xem rằng khả năng chấp nhận về mặt đạo đức gây nên nhiều điểm căng thẳng đáng được thảo luận ngay trong khuôn khổ một cuộc thảo luận công khai có chú ý đến những nét đặc thù của phương pháp tiến hành về y tế công cộng này. Chúng không chỉ liên quan đến những xem xét về y sinh và biện minh cho việc nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về những thách thức ràng buộc những trách nhiệm của họ và khiến họ đối mặt với những thế tiến thoái lưỡng nan.

Từ năm 2020, tôi đã cho rằng cần thiết phải đi kèm theo những liều chích vắc-xin đầu tiên tại Pháp bằng những nhận định dựa trên tham khảo tài liệu liên quan đến những thách thức về con người, đạo đức và xã hội đôi khi chưa từng có mà chúng ta phải đối mặt: Có những quy tắc đạo đức nào để tổ chức việc chích ngừa SARS-CoV-2 cho những người già không tự lập được ở các nhà dưỡng lão?”; “Thảo luận: Chích ngừa bắt buộc, một yêu cầu đạo đức và chính trị; “Thảo luận: Chích ngừa, giữa nghĩa vụ dân chủ và bắt buộc hợp pháp.

Giữa sự ưu tiên cho những thách thức cao hơn về y tế công cộng so với các lựa chọn cá nhân, việc đánh giá những rủi ro có thể chấp nhận được trong một chiến lược chích ngừa, những phương thức sắp xếp thứ tự ưu tiên, việc tính đến những hoàn cảnh dễ bị tổn thương về văn hóa-xã hội trên phương diện công bằng, sự khuyến khích chích ngừa thay vì bắt buộc, đồng quản lý và tổ chức các phương tiện, những phương thức thông tin truyền thông, thì sự phân định đạo đức đã có thể can thiệp nhiều hơn để làm rõ những đánh đổi và góp phần vào khả năng chấp nhận chúng mà không phải nhờ đến những mưu chước gây tranh cãi như trong trường hợp thiết lập giấy thông hành y tế.

Hãy quan tâm đến kinh nghiệm mâu thuẫn này để đề cập đến một giai đoạn khác của chiến lược chích ngừa, trong tinh thần trách nhiệm, trong minh bạch và bàn luận phối hợp.

Việc chích ngừa cho một người vị thành niên, mà từ quan điểm luật pháp được đặt dưới quyền của cha mẹ, đòi hỏi những cách tiếp cận thật chi tiết, tôn trọng sự toàn vẹn, lợi ích cá nhân và các quyền của người đó. Các văn bản pháp lý, đạo đức và quy chế hành nghề đưa ra một khuôn khổ có tính chất một mặt là để bảo đảm cho trẻ một sự bảo vệ cần thiết vì tính dễ bị tổn thương của trẻ, và mặt khác là thừa nhận cho trẻ năng lực khẳng định sự tự do lựa chọn bằng cách tính đến sự trưởng thành, nhận định có tính phê phán và ý muốn của trẻ mong được liên kết với những lựa chọn liên quan đến mình.

Cũng như vào tháng 12 năm 2020, thật là đúng lúc khi tính đến những điều kiện đồng ý có ý thức của một người cao tuổi đang sống trong viện dưỡng lão, bằng cách quan tâm đến những lợi ích cá nhân mà người đó hưởng được từ chích ngừa, đồng thời chú ý đến những nghĩa vụ tương trợ và đoàn kết với những người cùng cư trú tại cơ sở, cũng như cần dành một sự quan tâm về đạo đức đối với phát biểu rõ ràng của trẻ về sự đồng ý, vì trẻ có thể bị bắt buộc phải chích ngừa mà không phải là người chủ động quyết định.

Cũng đối với trẻ, cần đánh giá, theo những tiêu chí không thể phản bác, lợi ích cá nhân được mong đợi từ việc chích ngừa, và đồng thời đánh giá tác động có thể xảy ra trên phương diện y tế công cộng trong việc hạn chế sự lan truyền virus.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của trẻ

Về vấn đề này, sẽ là đáng tiếc nếu chỉ quan tâm đến việc thực hiện chính thức việc chích ngừa, trong khi những điều kiện khác có thể tăng giá trị của tiến trình này: nâng cao tinh thần trách nhiệm của trẻ trong một quyết định liên quan đến cá nhân trẻ và trong mối tương quan với người khác, tăng cường nhận thức của sự thuộc về một xã hội và có năng lực đảm nhiệm một hành động mang tính công dân và bác ái. Được tôn trọng với tư cách con người và được thừa nhận là thành phần tham gia vào một quyết định liên quan đến mình là do tính chất của một môi trường nhân ái, quan tâm đến việc thông tin cho trẻ một cách thích hợp và liên kết trẻ vào những đánh đổi có thể tỏ ra tế nhị vì chúng bất trắc. Về phương diện những hệ quả, chúng có thể gây ra những khó khăn trong gia đình, những đánh giá tiêu cực đối với trẻ và cả những phân biệt đối xử trong đời sống xã hội.

Cuối cùng, để đóng góp vào sự năng động của một sự thương thảo và đồng thuận được chờ đợi, tôi đã giữ lại bốn điểm cần quan tâm và tôi thấy dường như đúng lúc để tạo ra những điểm tham chiếu tạo điều kiện cho mỗi người tự xác định mình tốt hơn so với các trách nhiệm bằng cách sử dụng một vài mốc tham chiếu:

1. Lợi ích lâu dài, lợi ích trực tiếp,

2. Quyền của cha mẹ,

3. Sự tự chủ, thừa nhận ý kiến của trẻ,

4. Sự tán đồng nếu không có khả năng đồng ý có ý thức.

Một người trưởng thành, trái với trẻ em, hưởng lợi từ một kinh nghiệm, một khả năng phân tích và hiểu biết thực tại, ngoài những trường hợp đặc thù mất khả năng nhận thức, thì những kinh nghiệm và khả năng ấy phải giúp cho người trưởng thành thiết lập một sự lựa chọn tự chủ, có đầy đủ thông tin và được hỗ trợ bởi những lập luận trái ngược nhau.

Tuy nhiên, ta không thể hủy bỏ quyền của trẻ em được tham gia vào việc soạn thảo phối hợp cùng nhau về một quyết định mà trẻ phải xem là chấp nhận được theo những tiêu chí của chính trẻ về đánh giá các thách thức và theo những khả năng tham gia của trẻ.

Như vậy, trong khuôn khổ các cách thực hành chăm sóc và của nghiên cứu y sinh học, ngày nay sẽ bị cho là không tôn trọng, không phù hợp và không thể chấp nhận được nếu không triển khai một sự hợp tác về điều trị với trẻ, cùng thảo luận phối hợp với cha mẹ của trẻ. Một cách thực hành tốt là, bằng cách dành ra thời gian cần thiết, cung ứng cho trẻ những yếu tố giải thích, mong muốn trẻ tán đồng nếu không có được sự đồng ý có ý thức, tôn trọng sự không đồng ý hay ngập ngừng của trẻ, đồng thời chú ý rằng những lợi ích căn bản của trẻ không bị tổn hại.

Đánh giá chuyên môn này có thể ích lợi cho việc thiết lập các quy tắc thích hợp với sự hòa nhập của trẻ vào chiến lược chích ngừa Covid-19, như đã là trường hợp cho phép trẻ áp dụng những biện pháp ngăn chặn, phòng chống (dịch bệnh Covid-19).

1. Lợi ích lâu dài, lợi ích trực tiếp của trẻ

Trong thông báo ngày 9 tháng sáu 2021, Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức CCNE đề ra như một nguyên tắc là “điều kiện đầu tiên cho phép mở ra việc chích ngừa cho trẻ em và thiếu niên sẽ là lợi ích cá nhân trực tiếp”. Đó là một tiêu chí có tính quyết định đã được nêu lại trong nhiều văn bản khác nhau, bao gồm cả những văn bản liên quan đến nghiên cứu y sinh mà nó là một điều kiện của khả năng chấp nhận.

“Trong tất cả các quyết định liên quan đến trẻ em, dù đó là của các tổ chức bảo trợ xã hội công cộng hay tư nhân, các tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, lợi ích cao nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.”

(Điều 3 của Công ước về quyền trẻ em, 20 tháng 11, 1989)

Nghị định số 2012-855 ngày 5 tháng bảy 2021 đưa công bố về Công ước bảo vệ quyền con người và nhân phẩm trong việc ứng dụng sinh học và y học (Công ước Oviedo, ngày 4 tháng 4 năm 1997) dành điều 6 của công ước cho việc “bảo vệ những người không có năng lực đồng ý có ý thức”: Tùy thuộc vào các điều 17 và 20, một sự can thiệp chỉ được thực hiện đối với một người không có năng lực đồng ý có ý thức vì lợi ích trực tiếp của người đó.”

Chích ngừa có mục đích bảo vệ con người và góp phần vào miễn dịch tập thể. Do đó, tiến trình thực hiện cho các cá nhân được thiết lập trong một khuôn khổ cam kết mang tính hỗ tương và đoàn kết. Trong trường hợp này, có phải ta có thể cho rằng “lợi ích trực tiếp” của con người phải thắng thế, nếu thấy rằng người đó có thể là vectơ lan truyền virus và với tư cách cá nhân, có thể có một tác động hạn chế đối với tình trạng sức khỏe của họ?

Lợi ích lâu dài của trẻ em còn là có khả năng phát triển trong một xã hội mà những hậu quả của đại dịch không gây trở ngại, để trẻ có thể thụ hưởng những điều kiện sinh sống thuận lợi nhất cho sự phát triển của trẻ. Từ đó, “lợi ích trực tiếp” của trẻ cũng có thể được xem là xuất phát từ “lợi ích gián tiếp” mà trẻ hưởng được từ sự giảm thiểu dịch bệnh đối với đời sống xã hội, và nhất là từ khả năng duy trì các mối quan hệ, các hoạt động và việc học của trẻ.

2. Quyền của cha mẹ

Trách nhiệm của cha mẹ là hướng đến bảo tồn các lợi ích lâu dài của trẻ và đem đến cho trẻ sự bảo vệ cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, đó không phải là việc thực hiện một quyền tuỳ tiện, vô điều kiện. Các bậc cha mẹ phải tỏ ra bao dung, tôn trọng, ân cần và thận trọng, chú ý đến mối quan tâm thừa nhận ở trẻ một khả năng tác động đến những lựa chọn của trẻ trong đời sống. Như thế trẻ được tôn trọng trong những giá trị của trẻ, và những ưa thích của trẻ được tính đến trong những quyết định liên quan đến trẻ.

“Quyền của cha mẹ là một tập hợp các quyền và nghĩa vụ với mục đích là lợi ích lâu dài của trẻ. Quyền đó thuộc về cha mẹ cho tới khi trẻ thành niên hay sống tự lập để bảo vệ trẻ trong sự an toàn, sức khỏe và đạo đức của trẻ, để bảo đảm việc học tập và giúp trẻ phát triển, trong sự tôn trọng cần có đối với nhân cách của trẻ. Cha mẹ liên kết trẻ vào những quyết định liên quan đến trẻ, tùy theo tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ.”

(Điều 371-1 Luật dân sự)

Một câu hỏi quan trọng đáng được nêu ra về vấn đề chích ngừa cho trẻ em, là quyền của trẻ được tiếp cận điều trị.

Sẽ như thế nào nếu cha mẹ chống lại việc chích ngừa được chỉ định, trên cơ sở một ý kiến cá nhân, và trong trường hợp này là gây thiệt hại cho lợi ích của trẻ? Bộ Đoàn kết và Y tế Pháp (Ministère des Solidarités et de la Santé) chủ trương sử dụng một phần quyết định pháp lý dành cho các bác sĩ trong trường hợp “từ chối chăm sóc bởi những người nắm quyền cha mẹ mà gây nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân vị thành niên”: Khi sức khỏe hay sự toàn vẹn thân thể của người vị thành niên có nguy cơ bị tổn hại nặng nề bởi sự từ chối của người đại diện hợp pháp hay do không thể thu nhận được sự đồng ý có ý thức của đương sự, thì bác sĩ sẽ áp dụng sự chăm sóc cần thiết.” (Luật Y tế công cộng (Pháp), điều L.1111-4)

Bác sĩ, “phục vụ cá nhân và y tế công cộng” (Luật Y tế công cộng, điều R.4127-2), lúc đó có thể can thiệp với tư cách bên thứ ba được cầu viện: Trong những giới hạn được ấn định bởi pháp luật và do những dữ liệu mà khoa học đã đạt được, bác sĩ được tự do quyết định hướng điều trị mà bác sĩ cho rằng thích hợp nhất cho trường hợp cụ thể.” (Luật Y tế công cộng, điều R.4127-8)

Những nền tảng y học của sự chích ngừa được xem xét liên quan đến lợi ích trực tiếp của trẻ em phải tạo thành những mốc cần tham chiếu. Quyền của cha mẹ đối với một một người thứ ba trong tình huống dễ bị tổn thương và lệ thuộc do tuổi tác, có thể chịu những thiệt hại vì một quyết định tỏ ra trái với “lợi ích trực tiếp” của trẻ, do đó trong một số trường hợp, quyền đó phụ thuộc vào việc trẻ có chấp nhận hay không.

Văn bản của Bộ Đoàn kết và Y tế công cộng đã được đề cập ở trên chỉ ra rằng ý kiến của trẻ vị thành niên cũng được thu thập một khi trẻ có khả năng diễn đạt ý muốn của mình và tham gia vào quyết định y tế liên quan đến trẻ”. Quan điểm này cho phép dẫn đến nội dung sau.

3. Sự tự chủ, thừa nhận ý kiến của trẻ

Thừa nhận quyền của cha mẹ đi đôi với sự thừa nhận một thẩm quyền với chi tiết rõ ràng của trẻ được có ý kiến đối với những quyết định liên quan đến năng lực tự chủ của trẻ và do đó làm nổi bật điều gì là quan trọng đối với trẻ. Thật thú vị khi hiểu rằng đó là một sự thừa nhận có tính chính trị các quyền căn bản của trẻ, là điều được xác nhận bởi hai văn bản quốc tế đặc biệt minh chứng cho những tiến triển quan trọng của địa vị xã hội của trẻ em. Cần tính đến điều đó, đồng thời chú ý theo dõi không để trẻ phải đối mặt mà không được giúp đỡ trước những tình thế khó xử mà trẻ không có khả năng đối phó một mình.

“Các quốc gia kí kết bảo đảm cho trẻ khả năng hiểu rõ quyền tự do phát biểu ý kiến của mình về mọi vấn đề mà trẻ quan tâm, các ý kiến của trẻ cần được coi trọng một cách thích đáng tương ứng với tuổi tác và mức độ trưởng thành của trẻ.”

(Điều 12- Công ước về quyển trẻ em)

“Trẻ em có quyền được bảo vệ và được chăm sóc cần thiết cho an sinh của trẻ. Trẻ có thể tự do phát biểu ý kiến của mình. Ý kiến này được xem xét đối với những vấn đề liên quan đến trẻ, tùy thuộc vào tuổi tác và sự trưởng thành của trẻ.”

(Điều 24 – Hiến chương các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu, ngày 7 tháng 12, 2000)

Liên quan đến sự hòa nhập vào một nghiên cứu về y sinh, sự đồng ý hợp pháp của cha mẹ phải được bổ sung bằng sự đồng ý được trẻ nói ra. Sự tham gia của trẻ là điều kiện quyết định mối liên hệ tinh thần được thiết lập giữa trẻ và đội ngũ y khoa xem trẻ là đối tác của một quyết định được nêu rõ. Trong Quy định (Liên minh châu Âu) số 536/2014 của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng ngày 16 tháng tư 2014 liên quan đến những thử nghiệm lâm sàng các dược phẩm sử dụng cho người, điều 32 cho rằng “ngoài sự đồng ý có ý thức của người đại diện được chỉ định một cách hợp pháp, một trẻ vị thành niên có khả năng hình thành cho mình một ý kiến và đánh giá những thông tin mà trẻ được cung cấp thì chính trẻ phải cho ý kiến đồng tình tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng.”

Phát biu ý kiến trong viễn cảnh có thể có một cuộc chích ngừa xuất phát từ một tiến trình tạo trách nhiệm cho trẻ và giúp trẻ đạt đến một địa vị không thể phản bác được. Có thể các bậc cha mẹ sẽ khám phá ra lợi ích, đối với họ, của một quyết định được chia sẻ với con của họ trong một bối cảnh còn tranh cãi khoa học dẫn tới những lập trường công khai mâu thuẫn nhau, có khi gây hoang mang.

Như vậy, tiếp cận những thách thức của việc chích ngừa Covid-19 không thể giới hạn vào những đặc điểm y sinh và vệ sinh. Đó cũng là một sự cam kết mang một ý nghĩa chính trị, một hành động mang tính công dân mà trẻ có thể đảm nhiệm một khi người ta tạo điều kiện cho trẻ nhận ra ảnh hưởng của hành động ấy.

4. Sự tán đồng vì không có năng lực đồng ý có ý thức

Thừa nhận quan điểm của trẻ và tính đến ý muốn của trẻ trong khuôn khổ một cuộc thảo luận rõ ràng để tiến tới đồng thuận, tôn trọng bản thân trẻ và điều trẻ cảm nhận, điều đó không tương đương với việc tạo cho trẻ một năng lực đồng ý có ý thức hợp pháp. Tuy nhiên, ta đã nhận ra rằng mối liên kết tinh thần giữa trẻ và những người can thiệp vì những lợi ích của trẻ cần đến những cách thực hành có chú ý đến khả năng phán đoán của trẻ. Một ngày nào đó những diễn tiến về mặt luật pháp sẽ công nhận những diễn tiến được xác định bởi việc đánh giá sự trưởng thành và tinh thần phê phán của trẻ mà trong nhiều trường hợp không có mối liên hệ trực tiếp với tuổi tác của trẻ.

Ngoài ra, đôi khi ta có gợi lên khái niệm “tuổi thành niên về y tế, tất nhiên là cần xác định rõ, nhưng nó tỏ ra thích đáng vì đó là nhận thức về những trải nghiệm được nêu ra bởi những trẻ mắc phải bệnh mãn tính hay gần từ trần. Thay vì trao cho trẻ đảm nhiệm một quyền hành vốn tế nhị, đối với trẻ cũng như cha mẹ trẻ, điều quan trọng là chú ý đến “ý kiến của trẻ vị thành niên” và ưu tiên cho phát biểu của trẻ để lưu ý đến nó, ít ra là để hiểu rõ hơn điều mà trẻ chờ đợi hay hy vọng từ chúng ta, điều mà trẻ sẵn sàng hay không sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng.

Nghị định số 2012-855 ngày 5 tháng bảy 2012 (Công ước Oviedo) xác định rõ “khi theo luật pháp, một trẻ vị thành niên không có năng lực đồng ý có ý thức với một can thiệp, thì can thiệp này không thể được thực hiện nếu không có sự cho phép của người đại diện cho trẻ, của một thẩm quyền hay của một người, một tổ chức được luật pháp chỉ định. Ý kiến của trẻ vị thành niên được xem xét như một nhân tố ngày càng có tính quyết định, tùy theo tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ.”

“Lợi ích của trẻ phải là ưu tiên của dịch vụ chăm sóc y tế. Nhằm đạt mục đích này, cần bảo đảm những nguyên tắc sau: […] đạt được sự đồng ý có ý thức của bệnh nhi hay của người đại diện hợp pháp trước khi bắt đầu mọi chẩn đoán, điều trị, phục hồi hay thủ tục nghiên cứu về trẻ. Trong phần lớn các trường hợp, ta sẽ tìm cách đạt được sự đồng ý của một hay của cả cha mẹ, hay người đỡ đầu, nhưng đôi khi đó là một thành viên của gia đình mở rộng, mặc dù trước khi tìm cách đạt sự đồng ý, cần chú ý đến mong muốn của trẻ nếu trẻ có khả năng cho biết. Cũng cần chú ý đến ý kiến của trẻ không có năng lực hợp pháp, nhưng có thể phát biểu quan điểm của mình.”

(Phần 3, Tuyên bố Ottawa về sức khỏe trẻ em, do Hiệp Hội Y khoa thế giới công bố vào tháng mười 2020).

Trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh, luật pháp quy định rằng lập trường của các trẻ vị thành niên từ chối hòa nhập vào một nghiên cứu lâm sàng là có tính quyết định: Ta tìm kiếm sự tán thành của cá nhân trẻ nhằm tham gia vào nghiên cứu y sinh. Dù thế nào, không thể bỏ qua sự từ chối hay hủy bỏ sự chấp nhận của trẻ.” (Luật y tế công cộng, điều L.1122-2)

Nếu không có năng lực đồng ý có ý thức, chính năng lực tán đồng sẽ có ưu thế, vì sự tán đồng là “hành động theo đó một người biểu lộ sự tán thành, sự ủng hộ của mình đối với một ý tưởng, một đề nghị do người khác đề ra.” Như vậy, sự tán thành của trẻ tạo nên một thách thức một khi trẻ bày tỏ sự tự nguyện chấp nhận, có ý thức và tin tưởng vào điều được đề nghị cho trẻ. Điều 29 của Tuyên bố Helsinki là văn bản đạo đức sinh học đầu tiên công nhận khái niệm tán đồng (assentiment).

Trong các “Nguyên tắc đạo đức có thể áp dụng cho nghiên cứu y học có bao gồm con người” (“Principes éthiques applicables à la recherche médicale impliquant des êtres humains”), Hiệp Hội Y khoa thế giới đã nhận định rằng ý kiến của trẻ vị thành niên (hay của người thành niên bị mất năng lc phán đoán) là đáng được tôn trọng: Khi một người được cho là không có khả năng đưa ra một sự đồng ý có ý thức lại có thể tán đồng sự tham gia của mình vào cuộc nghiên cứu, bác sĩ phải yêu cầu sự tán đồng này được bổ sung vào sự đồng ý của người đại diên hợp pháp. Sự từ chối của người có tiềm năng dính líu vào cuộc nghiên cứu phải được tôn trọng.”

Phải có sự trung thực và tính chặt chẽ trong tiến trình thương thảo về sự tán đồng, cũng ngang hàng với tiến trình thương thảo sự đồng ý có ý thức.

Những bấp bênh và căng thẳng của việc đảm nhận trách nhiệm cho người khác

Hội đồng Quốc gia bác sĩ đoàn (Conseil national de l’ordre des médecins -CNOM -) đã phổ biến vào ngày 25 tháng tư 2019 một tài liệu khuyến nghị: Bệnh nhân vị thành niên”. Suy nghĩ này tổng hợp những nội dung được đề nghị trong bài viết của tôi.

Liên quan đến chích ngừa nhằm mục đích phòng bệnh, hạn chế sự lây lan Covid-19 và bảo tồn năng lực của hệ thống y tế của chúng ta, Hội đồng Quốc gia bác sĩ đoàn CNOM đưa ra một sự phân biệt giữa hành động y tế “thông thường” và những hành động khác không phải thông thường.

“Trong lĩnh vực y khoa, một sự phân biệt tinh tế hơn cho phép nói rằng: chắc chắn thuộc về loại những hành động “thông thường” là những chăm sóc bắt buộc (chích ngừa bắt buộc), thông thường (vết thương nhẹ, nhiễm trùng nhẹ…), thường gặp ở trẻ em (điều trị các bệnh trẻ em thông thường) hay ở một trẻ nào đó nói riêng (tiếp tục điều trị hay chăm sóc một bệnh (sốt) hồi quy, vì “thông thường” không đồng nghĩa với (bệnh) nhẹ).

Không thể xem như những hành động “thông thường”: quyết định cho trẻ được điều trị cần nằm bệnh viện lâu dài, dùng đến một cách điều trị nặng (bao gồm cả trong lĩnh vực tâm lý trị liệu) hay bao hàm những tác dụng phụ quan trọng, những can thiệp có gây mê tổng quát, quyết định ngưng chăm sóc hay lui về điều trị giảm nhẹ.”

(“Bệnh nhân vị thành niên”, CNOM)

Tôi cho rằng cần chú ý đến những lý lẽ và điều kiện cho phép đánh giá việc chích ngừa Covid-19 cho trẻ là hành động “thông thường” như đã được khuyến khích ở Mỹ. Hơn nữa, các chiến lược chích ngừa lại phù hợp với những quy tắc phòng vệ có thể đồng hóa với những quy tắc hiện hành trong khuôn khổ một thử nghiệm y sinh bao gồm cả những người không bị bệnh và bị phơi nhiễm virus bằng nhiều cách khác nhau. Như vậy không có gì là không quan trọng khi muốn đồng hóa việc chích ngừa này với một cách thực hành thông thường.

Mong muốn “dứt điểm” với đại dịch là vừa mãnh liệt vừa dễ hiểu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu những tiêu chí minh chứng cho việc mở rộng chích ngừa cho trẻ em theo những nhận định, chỉ báo, thậm chí những sự khẩn cấp, không thể bác bỏ, có sức thuyết phục và chấp nhận được.

Ở đây, chúng ta chạm đến một trong những khía cạnh nhạy cảm và phức tạp nhất của quá trình ra quyết định, một khi nó làm chúng ta đối mặt với những bấp bênh và căng thẳng của một trách nhiệm được đảm nhiệm cho người khác với năng lực phân định tỏ ra có phần hạn chế, điều này làm cho người đó trở nên lệ thuộc vào một lựa chọn có ảnh hưởng đến tình trạng hiện tại và tương lai của họ. Điều đó có thể giải thích sự thận trọng, thậm chí là kìm nén của các cơ quan của Pháp được giao cho thẩm quyền chuyên môn khoa học, họ phải có sự quan tâm đặc biệt trong việc thiết lập phương án chích ngừa mới này.

Ta nhận thấy điều này qua các văn bản được nêu ra trong bài viết này, chủ nghĩa hình thức về những quy tắc quan tâm đến lợi ích trực tiếp của trẻ và bảo vệ nó khỏi mọi rủi ro không có cơ sở hay quá đáng, phải được bổ sung bằng một cách tiếp cận tùy hoàn cảnh, từng trường hợp một, với tính chất đề phòng cho chúng ta tránh khỏi những trở ngại hay chệch hướng có thể xảy ra do những cách thực hành đã được hệ thống hóa, bao gồm cả những viện dẫn về “lợi ích cao nhất” (của trẻ).

Emmanuel Hirsch (1953-)

Lẽ ra có thể khôn ngoan hơn, trong những hoàn cảnh hiện tại, là tạo ra một sự thương thảo nghiêm chỉnh, một mặt với các bậc cha mẹ và mặt khác là với trẻ, nhằm dự đoán, phát hiện những thách thức và căng thẳng mà các cơ quan công cộng phải tính đến trong việc tổ chức chiến lược chích ngừa cho trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19.

Chúng ta nhận thấy ngay từ bây giờ tình huống khả dĩ này làm xuất hiện những chia rẽ, lưỡng lự, lo lắng và nghi ngờ, nhưng những điều đó đã mờ nhạt dần trong những tuần vừa qua, về mặt chính trị và xã hội, khi đã được đồng ý cho rằng đó là những tuần của của thời gian “trở lại điều bình thường”.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Vaccination de l’enfant contre le Covid19: des enjeux éthiques inédits”, The Conversation, 7.11.2021.

Print Friendly and PDF