3.12.21

Sáu con số cần thiết để hiểu Hiệp ước khí hậu Glasgow

SÁU CON SỐ CẦN THIẾT ĐỂ HIỂU HIỆP ƯỚC KHÍ HẬU GLASGOW

Tác giả: Jocelyn Timperley

Tuần trước, gần 200 quốc gia đã nhất trí thực hiện các bước quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Dưới đây là những gì bạn cần biết.

Ảnh: DANIEL LEAL/WPA POOL/GETTY IMAGES

Sự náo động đã lắng xuống tại Glasgow và các nhà ngoại giao đã bay trở về các khu vực tương ứng của họ trên thế giới. COP26, hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc được chờ đợi từ lâu ở Scotland, đã kết thúc vào thứ Bảy với việc tất cả các quốc gia đồng ý với Hiệp ước Khí hậu Glasgow.

Bất chấp sự thúc đẩy mạnh mẽ vào phút cuối của Ấn Độ và Trung Quốc đã làm giảm nhẹ ngôn từ về than đá từ “xóa bỏ dần” than đá chưa ngưng khai thác thành “giảm dần”, gần 200 quốc gia đã ký vào thỏa thuận. Nhưng đây không phải là kết quả duy nhất của hội nghị kéo dài hai tuần, chứng kiến một loạt các cam kết mới ở cấp quốc gia và các cam kết chung cũng như các thỏa thuận về các phần còn lại của “sách quy tắc” Paris, quy định cách thức hoạt động của Thỏa thuận Paris 2015 trong thực tế. Dưới đây là sáu con số quan trọng nhất cần ghi nhớ.

2022

Boris Johnson, trong vai trò chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh tại Vương quốc Anh, đã biến việc “giữ cho 1,5oC tồn tại” trở thành một dấu ấn của COP26, ngay cả nếu ông có giải thích chính xác việc làm này có ý nghĩa gì trong một thế giới hiện đang hướng tới 2,4oC, hoặc thậm chí 2,7oC, thì điều này cũng là hơi khó hiểu.

Ngay từ đầu hội nghị COP26, các nước đã bắt đầu thảo luận về ý tưởng quay lại bàn đàm phán vào năm 2022 với những cam kết tốt hơn — sự đồng thuận về việc “giữ cho 1,5oC tồn tại” là một trong những kết quả chính của các cuộc đàm phán. Văn bản cuối cùng cho biết vào cuối năm 2022 các quốc gia nên “xem xét lại và củng cố các mục tiêu năm 2030” như là một điều cần thiết để phù hợp với mục tiêu nhiệt độ của Thỏa thuận Paris.

Milagros De Camps, Thứ trưởng Môi trường của Cộng hòa Dominica, thành viên của Liên minh các Đảo quốc nhỏ (AOSIS), cho biết tại phiên họp toàn thể bế mạc của COP26 vào Thứ bảy: “Mặc dù đây chưa phải là một văn bản hoàn hảo, nhưng chúng tôi đã thực hiện những bước quan trọng trong nỗ lực giữ cho 1,5oC tồn tại.”

Tuy nhiên, một số quốc gia đã tuyên bố rằng việc quay trở lại bàn họp vào năm tới không áp dụng cho họ, bao gồm cả các nước phát thải lớn như ÚcHoa Kỳ. Vì vậy, chúng ta có thể mong đợi sẽ có rất nhiều sự thúc đẩy từ các nhà hoạt động trong 12 tháng tới để biến điều này thành hiện thực.

2 triệu bảng Anh (2,7 triệu đô la Mỹ) cho tổn thất và thiệt hại do khí hậu

Một bước đột phá đáng chú ý tại COP26 là việc Scotland cam kết tài trợ 2 triệu bảng Anh (2,7 triệu đô la Mỹ) cho các quốc gia dễ bị tổn thương vì tổn thất và thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra. Trước đây, chưa có quốc gia phát triển nào cung cấp số tiền nhiều như vậy, vì vậy mặc dù số tiền này là nhỏ so với số tiền thực tế được cung cấp, nhưng về mặt chính trị, số tiền này lại có ý nghĩa quan trọng.

Tổn thất và thiệt hại đề cập đến những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra mà không còn cách nào thích ứng một cách đơn giản, chẳng hạn như di cư do khí hậu vì hạn hán hoặc lãnh thổ hải đảo bị mất do mực nước biển dâng. Thỏa thuận Paris thừa nhận đó là một vấn đề, nhưng các nước giàu đã cực kỳ do dự trong việc cung cấp bất kỳ loại tài chính nào cho vấn đề này, kể cả tại COP26.

Nicola Sturgeon (1970-)

Vì vậy, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nhận xét vào tuần trước rằng “các nước công nghiệp phát triển giàu có đã gây ra biến đổi khí hậu... có trách nhiệm đứng ra gánh vác, nhìn nhận và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, nhận xét này là một bước đột phá bất ngờ. Việc bà sử dụng các từ “bồi thường thiệt hại” và “nợ” trong ngữ cảnh này cũng rất có ý nghĩa, xét đến sự phản kháng rất lớn từ nhiều nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong việc sử dụng ngôn từ này.

40 tỷ đô la Mỹ

Trở lại năm 2009, các nước phát triển đã cam kết cung cấp tài chính khí hậu 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước đang phát triển trước năm 2020 để giúp họ chuyển sang các nền kinh tế xanh hơn, cũng như đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu, được gọi là sự thích ứng.

Thỏa thuận Paris hứa hẹn sự “cân bằng” về tài trợ khí hậu cho công tác giảm thiểu và thích ứng, nhưng vào năm 2019, khoảng 50 tỷ đô la Mỹ được chi cho công tác giảm thiểu so với chỉ có 20 tỷ đô la Mỹ dành cho công tác thích ứng. Cam kết ban đầu 100 tỷ đô la vào năm 2020 chắc chắn cũng đã bị bỏ qua, đó là một nguồn gốc gây căng thẳng lớn tại các cuộc đàm phán năm nay.

Vì vậy, một điều khoản trong Hiệp ước Glasgow cam kết các nước phát triển sẽ “tăng ít nhất là gấp đôi” việc cung cấp tập thể tài chính khí hậu trước năm 2025 cho công tác thích ứng của các nước đang phát triển đã được nhiều người hoan nghênh. Marlene Achoki, một nhà vận động cho công bằng khí hậu tại CARE International, nói rằng lời hứa này là “một bước đi tốt”.

Bà nói: “Nếu chênh lệch thiếu hụt tài chính vốn dĩ đã rất lớn ở công tác thích ứng tiếp tục trở nên lớn hơn, kết cục mọi người sẽ bị bỏ lại phía sau.” Bà nói thêm: “Tài chính của công tác thích ứng phải được xúc tiến và có thể tiếp cận được với những người cần nó ngay lập tức.” Điều đó có nghĩa là tăng quỹ, loại bỏ các rào cản hành chính và hỗ trợ những người sống trong nghèo đói tiếp cận với các nguồn lực và quá trình ra quyết định.

Khung thời gian 5 năm

Trong khi các báo giựt tựa lớn tập trung vào các cuộc tranh cãi lớn mang tính chính trị đối với ngôn từ của Hiệp ước Khí hậu Glasgow, cũng đã có các cuộc tranh cãi không kém quan trọng về các chi tiết kỹ thuật diễn ra trong các phòng đàm phán nhỏ hơn của COP26.

Trong số này có các thảo luận về việc nên đặt ra thời hạn xa ra sao cho các cam kết về khí hậu. Cuộc thảo luận tập trung vào việc liệu các quốc gia có nên sắp xếp đồng bộ tất cả các thời hạn của các cam kết về khí hậu trong tương lai hay nên được tự do lựa chọn các cam kết này khi họ thực hiện. Ví dụ, các cam kết về khí hậu đặt ra vào năm 2025 và thực hiện vào năm 2030 có thời hạn chót là năm 2035, được gọi là khung thời gian 5 năm, hay các quốc gia nên thoải mái để đặt thời hạn chót là năm 2040?

Điều này có vẻ như là một sự phân biệt về sắc thái, nhưng nó có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn về lâu dài. Ông Li[*] nói: “Thời gian cam kết 5 năm sẽ làm cho cơ chế vận hành Thỏa thuận Paris năng động hơn. Nói một cách đơn giản, nó cung cấp nhiều không gian hơn để công tác ngoại giao phát huy vai trò của mình”.

Quyết định Glasgow đã lựa chọn phương án tham vọng hơn với các thời hạn chặt chẽ hơn. Ông Li lưu ý rằng văn bản chỉ “khuyến khích” thay vì ràng buộc các quốc gia phải thực hiện, nhưng lập luận rằng các quốc gia sẽ “thực sự cần phải có những quốc gia ngoại lệ” không làm theo đúng thời hạn.

Điều 6

Các cuộc thảo luận về cách thiết lập các quy tắc cho thị trường carbon quốc tế, thị trường này là một cơ chế sẽ cho phép các quốc gia và công ty trao đổi với nhau các tín chỉ giảm phát thải, thị trường này đã trở thành cái gai trong các cuộc đàm phán về khí hậu trong bốn năm nay. Thường được đề cập đến bằng số thứ tự của điều khoản mà họ đưa ra trong Thỏa thuận Paris — Điều 6 — vấn đề lẽ ra đã được kết thúc vào năm 2018 nhưng đã bị cản trở bởi lo ngại rằng những sơ hở lớn có thể làm suy yếu toàn bộ cơ chế của Thỏa thuận Paris.

Ví dụ, các quy tắc cho thị trường carbon phải tránh việc tính trùng lặp hai lần, Pedro Barata, Giám đốc khí hậu cấp cao tại Quỹ Phòng vệ Môi trường, cho biết. “Về cơ bản đó là, nếu tôi đang sử dụng một tín chỉ mà tôi đã mua từ bạn, thì sau đó bạn không thể yêu cầu tín chỉ đó cho chính mình. [Nếu không thì] bạn thực sự làm cho những gì có vẻ như các mục tiêu rất tham vọng bắt đầu đi xuống về tham vọng.”

Nghe có vẻ khá đơn giản để tránh được, nhưng thực tế không phải vậy, vì lý do này và nhiều lý do khác mà các cuộc đàm phán cứ tiếp tục trôi qua. Tuy nhiên, tại COP26, các quy tắc cuối cùng đã được giải quyết theo một cách đủ mạnh để tránh việc tính trùng lặp hai lần. Nhược điểm là các quy tắc cho phép một số tín chỉ thị trường carbon cũ từ thời kỳ Nghị định thư Kyoto 23 năm trước được sử dụng trong hệ thống mới và tiếp tục yêu cầu các tín chỉ cho các dự án tương tự này cho đến năm 2025.

Các quy tắc cũng không bao gồm ngôn từ về nhân quyền mà nhiều nhóm bản địa và xã hội dân sự đang thúc đẩy. Jade Begay, giám đốc chiến dịch công bằng khí hậu của NDN Collective, một tổ chức vận động và biện hộ do người bản địa đứng đầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết: “Điều khoản này thúc đẩy cơ chế thị trường carbon và sẽ mở ra cơ hội cho các tập đoàn và chính phủ chiếm đất.”

2070

Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Glasgow, Ấn Độ đã đưa ra một thông báo lớn. Nhà gây ô nhiễm lớn thứ ba trên thế giới đặt ra kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. Nhiều thông tin chi tiết vẫn sẽ còn tiếp theo, trong đó có, và là rất quan trọng, việc là điều này bao gồm tất cả các khí nhà kính hay chỉ có khí CO2 không thôi. Nhưng cùng với việc Trung Quốc cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và Hoa Kỳ đặt mục tiêu làm điều đó vào năm 2050, điều này có nghĩa là ba nước phát thải khí nhà kính lớn nhất hiện đã hứa hẹn sẽ giảm thiểu và cuối cùng là chấm dứt lượng khí thải của họ.

Tuần đầu tiên của các cuộc đàm phán COP26 trên thực tế đã bị choáng ngợp bởi một loạt các cam kết khí hậu và liên minh khác. Có quá nhiều thứ để liệt kê, nhưng những điểm nổi bật bao gồm 1,7 tỷ đô la vào năm 2025 để hỗ trợ người dân bản địa nâng cao quyền đất đai của họ, cam kết của khoảng 100 quốc gia giảm phát thải khí mê-tan xuống 30% vào năm 2030, cam kết rộng rãi loại bỏ than đá, lời hứa từ 100 quốc gia bao gồm Brazil chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và cam kết từ 20 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Canada, ngừng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài.

Jocelyn Timperley

Vẫn còn phải xem chính xác cách thức các quốc gia sẽ kết hợp tất cả cam kết mới và những con số lớn này vào cam kết về khí hậu quốc gia của họ — một vấn đề khác cần theo dõi trong các bản cập nhật năm 2022. Đã có nhiều điều đáng thất vọng trong COP26 và rõ ràng là nó chưa đạt như mong đợi, nhưng những cam kết mới và việc hoàn thành nhiều phần khó khăn nhất của các cuộc đàm phán cuối cùng có thể đã đẩy thế giới vào một giai đoạn mới về việc hành động vì khí hậu. Giờ đây, đã đến lúc các chính phủ phải trở về nhà và cuối cùng thu hẹp khoảng cách giữa nơi nguy hiểm mà họ đang hướng tới và nơi họ đã hứa sẽ đến.

Vài nét về tác giả

Jocelyn Timperley là một nhà báo tự do chuyên viết về khí hậu ở San José, Costa Rica.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn: 6 Essential Numbers to Understand the Glasgow Climate Pact“, The Conversation, 18.11.2021.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Ông Li Shuo thuộc Tổ chức Greenpeace Trung Quốc.

Print Friendly and PDF