PAUL M. SWEEZY, MỘT NGƯỜI MÁC-XÍT TRÊN ĐẤT MỸ
Gilles Dostaler
Paul Sweezy (1910-2004) |
Là nhà lý thuyết nổi tiếng của kinh tế học mác-xít, nhưng phi chính thống, Paul Sweezy phân tích chủ nghĩa tư bản độc quyền và đưa ra một diễn giải mới về giá trị và giá cả.
Paul Sweezy tin rằng tác phẩm của Marx là một đóng góp không thể thiếu cho sự hiểu biết về các nền kinh tế tư bản.
Là người xã hội chủ nghĩa và mác-xít, Paul Sweezy, trong những năm 1940 và 1950, là một nhân vật hiếm trong số các nhà kinh tế học Mỹ. Tuy nhiên, cuốn Theory of Capitalist Development (Lý thuyết phát triển tư bản chủ nghĩa), xuất bản năm 1942 và được dịch ra nhiều thứ tiếng, đã làm cho ông trở thành một trong những nhà lý thuyết nổi tiếng nhất thế giới về kinh tế học mác-xít. Người thầy và bạn của ông, Joseph Schumpeter, cho rằng cuốn sách trên đến nay là dẫn nhập hay nhất vào lý thuyết của Karl Marx. Sweezy, trong một thời gian ngắn, là người có niềm tin vào chủ nghĩa tự do và học thuyết tân cổ điển vào buổi đầu khởi nghiệp. Thậm chí ông còn thực hiện một chuyến đi đến Trường London School of Economics để làm việc cùng với Friedrich Hayek. Chính trong thời gian ấy mà niềm tin của ông bị chao đảo và ông quyết định tập trung vào việc làm cho người ta biết đến chủ nghĩa Mác tại Hoa Kỳ và làm cho nó được tôn trọng trong giới hàn lâm.
Niềm tin đó đã khiến ông phải trả giá đắt
Joseph Schumpeter (1883-1950) |
Leo Huberman (1903-1968) |
Quyết định ấy đã khiến ông phải trả giá đắt. Ông đã phải từ bỏ sự nghiệp giảng dạy đại học khi người ta cho ông biết rằng ông không có cơ may có được một vị trí ổn định, xét đến những quan điểm mới của ông, và mặc cho sự hỗ trợ của Joseph Schumpeter. Di sản mà cha ông để lại, một chủ ngân hàng giàu có, nhưng cũng là người có tư tưởng tự do và là người “tự do” (theo nghĩa của Mỹ, có nghĩa là người thuộc cánh tả), đã giúp ông có điều kiện để thôi việc. Với sự hỗ trợ tài chính của một người thừa kế giàu có khác, nhà phê bình văn học Francis Otto Matthiessen, ông thành lập cùng với người bạn ông Leo Huberman tạp chí Monthly Review, mà sau này, sẽ trở thành cùng với nhà xuất bản liên kết của nó là Monthly Review Press, một trong những vec-tơ chính của tư tưởng xã hội chủ nghĩa tại Hoa Kỳ, trong khi vẫn duy trì được sự độc lập trước bất kỳ đảng phái nào và đường lối chính trị nào.
Trong cuộc săn lùng các phù thủy dưới thời McCarthy (thượng nghị sĩ nổi tiếng như người phát động chiến dịch chống cộng trong thời chiến tranh lạnh - ND), Sweezy bị kết tội vì thái độ coi thường Tòa án và bị bỏ tù một thời gian ngắn vì đã từ chối, vào năm 1954, trả lời các câu hỏi của Viện trưởng viện kiểm sát của New Hampshire về các hoạt động và niềm tin của ông cũng như của các bạn bè ông. Trong một phán quyết quan trọng, Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ thừa nhận ông có lý vào năm 1957.
Trong những năm 1960, phong trào phản đối chống chiến tranh Việt Nam đã góp phần vào sự ra đời của cái được gọi là “cánh tả mới”. Sweezy và tạp chí Monthly Review là những người truyền cảm hứng cho Liên minh vì kinh tế học chính trị cấp tiến (Union for Radical Political Economics), được thành lập vào năm 1968. Trong một chục năm, kinh tế học phi chính thống và cấp tiến đã gặp vận, trước khi bị làn sóng tân tự do gạt ra ngoài lề một lần nữa. Nhưng Sweezy, được xem là niên trưởng của các nhà kinh tế học cấp tiến, chưa bao giờ ngừng chiến đấu, đã viết và lãnh đạo tạp chí cho đến khi qua đời ở tuổi 93. Năm 1999, Hiệp hội vì kinh tế học tiến hóa (Association for Evolutionary Economics), một hội tập hợp các nhà kinh tế học theo thuyết thể chế, đã trao cho ông giải thưởng Veblen-Commons.
Chủ nghĩa tư bản độc quyền
John M. Keynes (1883-1946) |
Thorstein Veblen (1857-1929) |
Sweezy vững tin rằng tác phẩm của Marx là một đóng góp không thể thiếu để hiểu các nền kinh tế tư bản. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ là một người mác-xít chính thống. Ông chịu ảnh hưởng của John Maynard Keynes, người mà ông xem là một nhà kinh tế học tân cổ điển và là một người bảo vệ chủ nghĩa tư bản, cũng như ảnh hưởng của bạn ông Schumpeter, người mà về mặt chính trị không có điểm nào là gần với ông. Ông cũng tích hợp vào tầm nhìn của ông các bài giảng của Thorstein Veblen và của Michal Kalecki, những người mà ông thấy gần gũi hơn. Từ các bài viết của hai tác giả sau, cũng như từ sự quan sát của ông về chủ nghĩa tư bản hiện đại và những nghiên cứu lịch sử, mà ông đã tiến hành, trong luận án tiến sĩ của ông được xuất bản vào năm 1938, ông rút ra niềm tin rằng sự phát triển của độc quyền làm chuyển hóa sâu sắc cấu trúc và sự vận hành của các nền kinh tế tư bản. Trong khi Marx, Engels và các môn đồ đầu tiên của họ thấy trước sự cáo chung sắp đến của một chủ nghĩa tư bản chủ yếu có tính cạnh tranh, thì ngược lại, vào cuối thế kỷ XIX, người ta thấy xuất hiện một giai đoạn mới, giai đoạn của chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Ladislaus Bortkiewicz (1868-1931) |
Paul A. Baran (1909-1964) |
Các cơ chế tham gia vào sự vận hành của giai đoạn mới này rất khác với các cơ chế đã hoạt động trong giai đoạn của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh. Trong cuốn sách xuất bản năm 1942, nhưng đặc biệt là trong cuốn sách mà ông đã cùng với Paul Baran xuất bản vào năm 1966, Sweezy tìm cách làm sáng tỏ những cơ chế ấy, bằng cách tích hợp hai nhánh của tư tưởng mác-xít bị tách rời cho đến bấy giờ: một mặt nghiên cứu về sự tập trung và sự tích tụ tư bản, và mặt khác nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng. Để làm điều này ông dựa vào một diễn giải mới về lý thuyết về giá trị và giá cả của Marx, tích hợp sự hiệu chỉnh mà nhà toán học Ladislaus Bortkiewicz – mà ông đã dịch và xuất bản các công trình vào năm 1949 – đã đề xuất vào hồi đầu thế kỷ[*].
Năm 1942, ông cũng lấy cảm hứng từ Bortkiewicz để đặt lại vấn đề về một giáo điều trung tâm của chủ nghĩa Mác chính thống: quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống. Sweezy đề xuất thay thế khái niệm thặng dư của Marx bằng khái niệm dôi thừa, được định nghĩa như là hiệu của những gì một nền kinh tế sản xuất ra được và những gì làm nên chi phí của nền sản xuất đó. Nhưng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, trong đó một nhóm nhỏ các doanh nghiệp khổng lồ thống trị nền kinh tế và ấn định các mức giá của họ, từ nay dẫn đến, không phải là tỷ suất lợi nhuận giảm xuống, mà là một gia tăng của dôi thừa đến mức nền kinh tế không thể hấp thụ được nữa. Đó là gốc rễ của xu hướng dẫn đến sự đình trệ, đặc trưng của các nền kinh tế hiện đại. Một cuộc tranh luận sôi nổi về xu hướng này, được nuôi dưỡng bởi việc xuất bản cuốn General Theory (Lý thuyết tổng quát) của Keynes, đã đối lập Alvin Hansen, Paul Sweezy và Schumpeter, trong số những người khác, vào những năm 1930. Trong cuốn Capitalism, Socialism and Democracy (Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ), xuất bản cùng năm với cuốn sách của Sweezy, Schumpeter đi đến những kết luận tương tự bằng một con đường khác.
Alvin Hansen (1887-1975) |
Cuốn Monopoly Capital (Chủ nghĩa tư bản độc quyền) của Baran và Sweezy dành một phần lớn cho nghiên cứu cách thức mà dôi thừa được tạo ra, chủ yếu bởi các doanh nghiệp khổng lồ, được hấp thụ. Tiêu dùng và đầu tư của các nhà tư bản là những phương thức đầu tiên và lâu đời nhất về sự hấp thụ dôi thừa, nhưng chúng cũng có những hạn chế rõ ràng. Nỗ lực bán hàng, đặc biệt là chi tiêu quảng cáo, đã tăng lên đáng kể với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nhưng chính những chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là chi tiêu quốc phòng gắn với việc mở rộng chủ nghĩa đế quốc, mới đóng vai trò quan trọng nhất, và làm cho hệ thống này trở nên rất nguy hiểm. Sweezy nói rằng người ta không tích lũy những núi vũ khí mà không sử dụng chúng vào một ngày nào đó. Những xu hướng này gắn với sự tăng trưởng nhanh như chớp của một hệ thống tài chính ngày càng thoát ly sản xuất. Một sự tăng trưởng mà Sweezy đã dành nhiều tác phẩm cuối đời của ông để viết.
Từ chủ nghĩa phong kiến đến chủ nghĩa xã hội
Maurice Dobb (1900-1976) |
Là nhà sử học và nhà xã hội học đồng thời cũng là nhà kinh tế học, Sweezy quan tâm đến sự quá độ từ chủ nghĩa phong kiến đến chủ nghĩa tư bản, cũng như sự quá độ, mà theo ông, phải dẫn đến chủ nghĩa xã hội. Vào đầu những năm 1950, ông gây ra một cuộc tranh luận dai dẳng và ác liệt về sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, khi phê phán các luận điểm của nhà kinh tế học mác-xít người Anh Maurice Dobb, người cho rằng sự tan rã từ trong nội bộ của chủ nghĩa phong kiến lý giải cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Đối với Sweezy, chính thị trường thế giới đã phá hủy từ bên ngoài các xã hội phong kiến.
Trong chủ nghĩa tư bản đương đại, Sweezy cũng lý giải theo cách tương tự, cho rằng những mâu thuẫn chính không tồn tại ở cấp độ quốc gia, mà tồn tại ở cấp độ toàn cầu. Chúng đối lập các nước thống trị với cái đã từng được gọi là ngoại vi hay thế giới thứ ba. Thường là những người cách mạng vào thế kỷ XIX, đa số những người lao động của các nước phát triển đã trở thành những người cải cách vào thế kỷ XX. Trái ngược với những dự đoán của Marx, cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tư bản và tương lai của chủ nghĩa xã hội đã chuyển sang các nước kém phát triển. Từ khi được thành lập vào năm 1949, tạp chí Monthly Review luôn quan tâm đến các phong trào cách mạng trong thế giới các nước kém phát triển, cũng như đến phong trào của các nhóm cực đoan người da đen tại Hoa Kỳ.
Fidel Castro (1926-2016) |
Che Guevara (1928-1967) |
Là khách mời của Fidel Castro và của Che Guevara sau cuộc cách mạng Cuba, Sweezy dự đoán rằng nước này sẽ đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội. Ông cũng được Salvador Allende ở Chile mời dự lễ nhậm chức tổng thống của ông ấy. Ông không ảo tưởng về các chế độ theo kiểu sô-viết. Nhưng ông tin đến cùng rằng chủ nghĩa xã hội là niềm hy vọng duy nhất của nhân loại. Ông cho rằng chủ nghĩa xã hội thị trường chỉ có thể dẫn đến một sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản. Những vấn đề của các nước xã hội chủ nghĩa, theo ông, không phát sinh từ vấn đề kế hoạch hóa, mà từ sự gia tăng của một bộ máy quan liêu để cuối cùng tạo ra một xã hội bóc lột theo kiểu mới. Nói ra thế, nhưng cũng không hơn những người khác, ông đã không đề xuất một cách nào để tránh cái cạm bẫy đó.
Paul Sweezy qua vài năm tháng
1910: sinh tại New York.
1931: cử nhân nghệ thuật tại Đại học Harvard.
1932-1933: học tại trường London School of Economics.
1933: quay trở lại Đại học Harvard, tham dự hội thảo của Joseph Schumpeter, mà ông là trợ lý.
1937: đỗ Tiến sĩ tại Đại học Harvard.
1937-1942: giảng dạy tại Đại học Harvard, nơi ông được phong làm trợ giảng vào năm 1939. Đồng thời làm việc cho nhiều hãng khác nhau của New Deal.
1938: ký tên, với một nhóm các nhà kinh tế học từ các Đại học Harvard và Tufts, vào An Economic Program for American Democracy (Một chương trình kinh tế cho nền dân chủ của Mỹ), một tuyên ngôn keynesian. Xuất bản cuốn Monopoly and Competition in the English Coal Trade, 1550-1850 (Độc quyền và cạnh tranh trong thương mại than của nước Anh, 1550-1850).
1939: “Demand under Conditions of Oligopoly (Cầu trong điều kiện của chế độ độc quyền vài người)”.
1942: The Theory of Capitalist Development (Lý thuyết phát triển tư bản chủ nghĩa). Principles of Marxian Political Economy (Các nguyên lí của kinh tế học chính trị Mác).
1942-1945: trở lại gia nhập quân đội và phục vụ cho Cơ quan tình báo chiến lược (Office of Strategic Service-OSS), đầu tiên tại Hoa Kỳ, sau đó tại Anh, Pháp và Đức.
1948: Socialism (Chủ nghĩa xã hội).
1949: cùng với Leo Huberman, sáng lập tạp chí Monthly Review, một “tạp chí xã hội chủ nghĩa và độc lập”.
1952: sáng lập nhà xuất bản Monthly Review Press. Xuất bản cuốn Karl Marx and the Close of his System (Karl Marx và hồi kết hệ thống của ông).
1953: The Present as History. Essays and Reviews on Capitalism and Socialism (Hiện tại như là lịch sử. Các tiểu luận và bài phê bình về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội).
1960: đồng tác giả với Leo Huberman, Cuba, Anatomy of a Revolution (Cuba, giải phẫu một cuộc cách mạng).
1966: Monopoly Capital. An Essay on the American Economic and Social Order (Chủ nghĩa tư bản độc quyền. Một tiểu luận về trật tự kinh tế và xã hội Mỹ), đồng tác giả với Paul A. Baran.
1969: đồng tác giả với Leo Huberman, Socialism in Cuba (Chủ nghĩa xã hội ở Cuba).
1972: Modern Capitalism and Other Essays (Chủ nghĩa tư bản hiện đại và các tiểu luận khác). Đồng tác giả với Harry Magdoff, The Dynamics of Modern Capitalism (Động thái của chủ nghĩa tư bản hiện đại).
1974-1976: thành viên của Ban điều hành Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
1977: The End of Prosperity: The American Economy in the 1970s (Hồi kết của sự thịnh vượng: Nền kinh tế Mỹ vào những năm 1970), đồng tác giả với Harry Magdoff.
1981: Post-Revolutionary Society (Xã hội thời hậu cách mạng) và Four Lectures on Marxism (Bốn bài giảng về chủ nghĩa Mác). Đồng tác giả với Harry Magdoff, The Deepening Crisis of US Capitalism (Cuộc khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa tư bản Mỹ).
1987: Stagnation and the Financial Explosion (Sự đình trệ và sự bùng nổ tài chính), đồng tác giả với Harry Magdoff.
1988: The Irreversible Crisis (Cuộc khủng hoảng không thể đảo ngược), đồng tác giả với Harry Magdoff.
2004: qua đời ngày 27 tháng 2, do ngưng tim tại nhà riêng của ông tại Larchmont, thuộc bang New York.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Paul M. Sweezy
• Le capitalisme monopoliste: un essai sur la société industrielle américaine, avec Paul A. Baran, François Maspero, 1968.
• Lettres sur quelques problèmes actuels du socialisme, avec Charles Bettelheim, François Maspero, 1970.
• Le socialisme cubain, avec Leo Huberman, François Maspero, 1970.
• Le capitalisme moderne, Le Seuil, 1976.
• Du féodalisme au capitalisme, éditeur, avec Maurice Dobb, François Maspero, 2 vol., 1977.
Những tác phẩm viết về Paul M. Sweezy
• “Happy Birthday, Paul”, Monthly Review, avril 2000.
• Paul Marior Sweezy (1910-2004), par John Bellamy Foster, Monthly Review, mars 2004.
• Paul M. Sweezy, par Michael A. Lebowitz, dans Political Economy in the Twentieth Century, Maxim Berg (dir.), Phillip Allan, 1990.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Paul M. Sweezy, un marxiste en terre américaine” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
[*]
Về vấn đề này, được biết đến dưới tên gọi là “sự chuyển hoá giá trị thành giá cả sản xuất”, xem Valeur et prix: histoire d’un débat (Giá trị và giá cả: lịch sử của một cuộc tranh luận), của Gilles Dostaler, François Maspero, 1978.
Chú thích: