24.7.22

Vấn đề các ông lớn công nghệ của Trung Quốc: ngay trong một nền kinh tế nhà nước quản lý, các công ty kỹ thuật số vẫn phát triển quá mạnh

VẤN ĐỀ CÁC ÔNG LỚN CÔNG NGHỆ CỦA TRUNG QUỐC: NGAY TRONG MỘT NỀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ, CÁC CÔNG TY KỸ THUẬT SỐ VẪN PHÁT TRIỂN QUÁ MẠNH

Tác giả: Joanne Gray Yi Wang

Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, với các ngành dịch vụ, truyền thông và thương mại chuyển sang hoạt động trực tuyến.

Chính phủ Trung Quốc, nói chung, đã khuyến khích công dân họ chấp nhận các công nghệ kỹ thuật số trong mọi khía cạnh đời sống hàng ngày. Ngày nay, Trung Quốc có khoảng một tỷ người dùng Internet.

Trung Quốc đã nói rõ mục tiêu của họ là trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng và công nghệ kỹ thuật số. Vai trò dẫn đầu về công nghệ kỹ thuật số được coi là yếu tố then chốt đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai, trong nước và trên quốc tế.

Giống như các nước phương Tây, Trung Quốc đã chứng kiến sự trỗi dậy của một nhóm nhỏ nền tảng kỹ thuật số có sức thống trị hoặc các “ông lớn công nghệ” công ty internet. Chúng tôi đã nghiên cứu các nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm điều tiết các công ty này, có thể rút ra những bài học nào cho các quốc gia phương Tây, vốn đang cố gắng quản lý các vấn đề lớn về công nghệ của chính nước họ.

“Bốn ông lớn công nghệ” của Trung Quốc

Các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc là Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi (thường được gọi chung là BATX). Nói một cách rộng hơn, Baidu được xây dựng xoay quanh công cụ tìm kiếm và các dịch vụ liên quan, Alibaba thì chuyên về thương mại điện tử và bán lẻ trực tuyến, Tencent thì tập trung vào công cụ nhắn tin, trò chơi điện tử và truyền thông xã hội, còn Xiaomi thì sản xuất điện thoại và các thiết bị khác.

Giống như các công ty tương đương với họ ở Thung lũng Silicon – Google, Amazon, Facebook và Apple (hay GAFA) – các công ty BATX thống trị các đối thủ cạnh tranh của họ. Điều này phần lớn nhờ vào hiệu ứng mạng khổng lồ và tính kinh tế theo quy mô trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, dựa trên dữ liệu.

Các doanh nghiệp BATX (một lần nữa, giống như GAFA) cũng được biết đến với việc nuốt chửng các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Trong năm 2020, Tencent được báo cáo là đã thực hiện 168 khoản đầu tư và/hoặc mua lại và sáp nhập các công ty trong nước và trên quốc tế. Đối với Alibaba là 44, Baidu là 43 và Xiaomi là 70.

Cuộc đàn áp công nghệ

Trong khoảng 18 tháng qua, các công ty BATX đã bị chính phủ Trung Quốc soi kỹ hơn.

Vào tháng 11 năm 2020, công ty Ant Group, một chi nhánh của Alibaba, đã lên kế hoạch cho một đợt phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) nhưng rồi thật ra bị huỷ bỏ. Ant Group buộc phải tái cấu trúc sau khi các cơ quan điều tiết Trung Quốc “phỏng vấn” người sáng lập công ty.

Người đồng sáng lập Alibaba, Jack Ma, đã kín tiếng kể từ khi chính phủ can thiệp vào các vấn đề của công ty ông vào cuối năm 2020. Chinatopix/AP

Tháng sau, công ty Ali Investment của Alibaba và công ty Literature Group của Tencent đã bị phạt 500.000 nhân dân tệ (khoảng 110.000 đô-la Úc) mỗi công ty, vì các đợt phát hành cổ phiếu có liên quan đến các thương vụ mua lại và thỏa thuận hợp đồng vi phạm tính cạnh tranh.

Cùng lúc đó, Tổng cục Giám sát thị trường của Trung Quốc đã mở một chuyên án chống lại Alibaba vì đã lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của công ty trên thị trường dịch vụ nền tảng bán lẻ trực tuyến.

Vào tháng 3 năm 2021, đã có nhiều khoản phạt khác được đưa ra, trong đó có Tencent và Baidu. Họ bị phạt 500.000 NDT mỗi công ty, vì các thương vụ mua lại và thỏa thuận hợp đồng vi phạm tính cạnh tranh.

Rồi vào tháng 4 năm 2021, giới chức trách Trung Quốc đã tổ chức cuộc gặp với 34 công ty nền tảng, trong đó có Alibaba và Tencent, để phổ biến “các hướng dẫn về quản lý hành chính” đối với các nền tảng internet. Tháng đó, Alibaba cũng bị phạt một khoản tiền khổng lồ là 18,228 tỷ NDT (khoảng 4 tỷ đô-la Úc) và Tencent là 500.000 NĐT, vì các hành vi chống cạnh tranh.

Vào tháng 7 năm 2021, giới chức trách Trung Quốc đã cấm một thương vụ sáp nhập giữa hai công ty, vốn sẽ củng cố thêm vị thế của Tencent trên thị trường trò chơi điện tử.

Các nỗ lực của chính phủ vẫn đang tiếp tục. Đầu tuần này, các cơ quan điều tiết đã áp đặt các khoản phạt mới đối với Alibaba, Tencent và nhiều công ty khác, vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền liên quan đến việc tiết lộ một số giao dịch.

Điều gì đã thúc đẩy giới chức Trung Quốc can thiệp?

Sự phát triển của các gã khổng lồ kỹ thuật số của Trung Quốc cho thấy cách mà thị trường dựa trên dữ liệu vận hành trên cơ sở “người thắng gom tất cả”, trong các nền kinh tế nhà nước quản lý và cả trong nền kinh tế tư bản.

Giờ đây, các công ty BATX nắm giữ sức mạnh kinh tế và xã hội đáng kể ở Trung Quốc. Điều này mâu thuẫn với cam kết về ý thức hệ của Trung Quốc đối với trật tự xã hội do nhà nước quản lý.

Vào tháng 1 năm 2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi áp dụng một cơ chế điều tiết và quản trị mạnh mẽ hơn đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc. Ông nói, mục tiêu là bảo vệ chống lại sự phát triển “không lành mạnh” và ngăn chặn “sự độc quyền của các nền tảng và sự mở rộng vốn một cách vô trật tự”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi áp dụng một cơ chế điều tiết mạnh mẽ hơn của nền kinh tế kỹ thuật số. Mark Schiefelbein/AP

Sẽ không thể có một trật tự xã hội do nhà nước điều phối, khi có một sự tích tụ quá mức quyền lực của tư nhân.

Chương trình nghị sự về chính sách kỹ thuật số của Trung Quốc được thiết kế để đạt được sự tăng trưởng kinh tế vững chắc. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tìm cách duy trì sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với cấu trúc và chức năng của thị trường kỹ thuật số và đối với các tác nhân tham gia thị trường đó, để đảm bảo chúng vận hành theo các giá trị của Trung Quốc và mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chúng ta có thể học được gì từ cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các “ông lớn công nghệ”?

Làm thế nào để có thể điều tiết các nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt để cải thiện sự cạnh tranh và sự giám sát của công chúng? Đây vẫn là một thách thức chưa được giải quyết của chính sách công.

Australia và EU, giống như Trung Quốc, đã thể hiện sự sẵn sàng đáng kể để chấp nhận thách thức này.

Ví dụ, ở châu Âu, nơi các nền tảng của Mỹ chiếm ưu thế, các nhà hoạch định chính sách đang tích cực tìm cách giành lại sự độc lập từ các công ty công nghệ nước ngoài. Họ đang làm điều này bằng cách nâng cao năng lực công nghệ trong chính nước họ và áp đặt các quy tắc về quyền riêng tư, thu thập và quản lý dữ liệu, cũng như tiết chế nội dung phù hợp với các giá trị và chuẩn mực của Châu Âu.

Mặc dù EU và Trung Quốc nhắm tới nhiều mục tiêu rất khác nhau, nhưng cả hai đều sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết các nền tảng kỹ thuật số phù hợp với các giá trị kinh tế, chính trị và xã hội đã công bố của họ.

Điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình ở Hoa Kỳ, vốn cho đến nay không mấy mặn mà với việc hạn chế, một cách có ý nghĩa, hành vi của các công ty công nghệ.

Về lý thuyết, quyền lực chính trị tập trung của Trung Quốc tạo thuận lợi cho nước này có được không gian để thử nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều tiết các nền tảng. Nhưng vẫn còn phải xem liệu giới chức trách Trung Quốc có thể khắc phục thành công hay không xu hướng hình thành các công ty độc quyền trên thị trường kỹ thuật số.

Nếu Trung Quốc thành công, có thể sẽ có những bài học quý giá cho phần còn lại của thế giới. Còn bây giờ chúng ta phải chờ và theo dõi.

Tác giả

Joanne Gray
Yi Wang

Joanne Gray

Giảng viên về Văn hóa Kỹ thuật số tại Trường đại học Sydney, Đại học Sydney

Yi Wang

Nhà nghiên cứu trẻ và Giảng viên có thời hạn về các ngành Công nghiệp sáng tạo, Nền tảng kỹ thuật số và Trao đổi kiến thức, Đại học Sydney

Tuyên bố công khai

Joanne Gray trước đây có nhận tiền tài trợ nghiên cứu từ Meta Platforms Inc., công ty trước đây được gọi là Facebook Inc.

Yi Wang không làm việc, không tham vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không làm gì khác ngoài công việc học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: China’s big tech problem: even in a state-managed economy, digital companies grow too powerful, The Conversation, ngày 13/07/2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF