CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRUNG QUỐC SẼ RỜI KHỎI BẢNG XẾP HẠNG QUỐC TẾ?
Tác giả: Alessia Lefébure[*]
Lễ tốt nghiệp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, ngày 23 tháng 6 năm 2021. AFP |
Ngày 9/5, ba trường đại học Trung Quốc tuyên bố ý định “rút tên khỏi các bảng xếp hạng quốc tế”. Thông báo, được các cơ quan báo chí quốc gia chính thức đưa ra, liên quan đến Đại học Nhân dân (Renmin) ở Bắc Kinh cũng như các trường đại học Nam Kinh và Lan Châu, nằm ở các tỉnh Giang Tô, phía đông đất nước, và ở tỉnh Cam Túc, ở phía tây bắc, nơi giao nhau của cao nguyên Tây Tạng và Mông Cổ.
Nếu ba trường đại học này được công nhận ở Trung Quốc dựa trên quy mô và lịch sử của chúng, tên của chúng ít được biết đến ở bên ngoài biên giới quốc gia, vì chúng không thuộc “các trường đại học đẳng cấp thế giới”, những cơ sở đẳng cấp thế giới này được đánh giá hàng năm bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế khác nhau.
Các thông báo của các trường đại học này là một phản ứng tức thì cho bài phát biểu của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong chuyến thăm Đại học Nhân dân. Vào ngày 25 tháng 4, ông này đã phát biểu một cách kịch liệt về sự cần thiết của Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế của các trường đại học của họ để biến chúng thành những tham chiếu trên thế giới nhưng “với những nét đặc trưng của Trung Quốc”. Vào dịp này, Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng rằng sự xuất sắc về mặt hàn lâm quốc tế không thể đạt được nếu đi theo các nước khác hoặc áp dụng các mô hình hoặc tiêu chuẩn nước ngoài.
Chiến tranh các tiêu chuẩn
Bài phát biểu của chủ tịch, sau đó là ba tuyên bố từ bỏ hệ thống xếp hạng quốc tế, chưa có bất kỳ hệ quả trực tiếp nào đến chính sách của các cơ sở khác, nhưng nó đặt câu hỏi về tầm nhìn của Đảng Cộng sản Trung Quốc về giáo dục đại học và nghiên cứu trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
Hẳn là tuyên bố này trên hết có ý nghĩa chính trị và biểu tượng, vì người ta không quyết định “rút khỏi” một sự xếp hạng cũng như người ta không quyết định gia nhập nó. Cái tốt nhất mà trường đại học có thể làm là ngừng cung cấp dữ liệu cho các cơ quan xếp hạng vẫn tiếp tục đánh giá chúng trong trường hợp này dựa trên các nguồn dữ liệu khác như các cơ sở dữ liệu thư mục, các cơ sở dữ liệu bằng sáng chế, danh sách các giải Nobel, các công cụ tìm kiếm, các khảo sát công khai.
Cơ bản hơn, đẩy các trường đại học rút khỏi các bảng xếp hạng quốc tế có vẻ là một quyết định phi lý trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Tuy từng vắng bóng về mặt lịch sử trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu, nhưng vào năm 2022, Trung Quốc có 10 trường đại học nằm trong top 200 của bảng xếp hạng Times Higher Education, trong đó Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh được xếp ở vị trí thứ 16. Bảy trường đại học ở Trung Quốc đại lục nằm trong top 150 của bảng xếp hạng QS.
Đây là sự trỗi dậy gần đây và vượt bậc mà chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ nhằm thu hút nhân tài và đầu tư cần thiết cho nghiên cứu khoa học trong nền kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc chặt chẽ vào đổi mới và R&D.
Ngày càng nhiều, các bảng thành tích đại học được các tổ chức cũng như sinh viên háo hức chờ đợi. Emily Ranquist/Pexels, CC BY |
Đọc thêm: Xếp hạng đại học: những thách thức địa chính trị đang bị xem nhẹ?
Những thành tích này có được không chỉ nhờ những cải cách về quản trị và phương thức tài trợ của các trường đại học mà còn bởi một cuộc chiến tranh thật sự về các tiêu chuẩn từ lâu nay đã là của American Ivy League hay Oxbridge. Vào đầu những năm 2000, dựa trên nghiên cứu của một nhóm từ Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc đã thiết kế phương pháp và các chỉ báo của mình về sự xuất sắc, hiện được giao cho một cơ sở điều hành tư nhân, Bảng xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới/Academic Ranking of World Universities (AWRU). Do đó, cái gọi là xếp hạng “Thượng Hải”, từ năm 2003 đã làm đảo lộn các cân bằng truyền thống trong thị trường thế giới rộng lớn của các đại học danh tiếng.
Yêu sách về quyền tự chủ
Ngày nay, việc Tập Cận Bình tự nâng mình thành người công kích sự thống trị của các tiêu chuẩn phương Tây có cái gì đó mỉa mai vì chính Trung Quốc đã áp đặt các tiêu chí thịnh hành trên quy mô toàn cầu.
Mang tính định lượng hơn và ít tập trung hơn vào danh tiếng và uy tín, những tiêu chí này đã cho phép một số trường đại học Trung Quốc trong hai mươi năm hợp tác ngang hàng với các trường đại học tốt nhất trên thế giới, tăng cường trao đổi học thuật, tuyển dụng các nhà khoa học Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài, và trên hết là không bị đánh giá trên các chiều kích mà chúng không kiểm soát hoặc trên các chiều kích mà chúng còn yếu kém, chẳng hạn như quyền tự do học thuật.
Đọc thêm: Thảo luận: Xếp hạng Thượng Hải: một bảng vinh danh không sáng giá lắm!
Như vậy, việc tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến lược phát triển giáo dục đại học và ngoại giao khoa học của Trung Quốc với các cường quốc phương Tây.
Thông điệp của Tập Cận Bình rất rõ ràng: ngày nay, sự phát triển về học thuật và khoa học của Trung Quốc ngày càng ít phụ thuộc vào việc chuyển giao kiến thức từ nước ngoài. Là cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc ít cần phương Tây như một nguồn gốc về tính chính đáng vì giai đoạn phát triển kinh tế và khoa học của họ đã đủ để tự khẳng định về sự xuất sắc của các trường đại học của mình. Như vậy, thời điểm cần thiết để tác động đến tiêu chí của các nước khác đã qua. Đất nước đang tiến bộ trong chiến lược của mình và chuyển sang một mức độ cao hơn.
Với lời kêu gọi bác bỏ các mô hình và tiêu chuẩn nước ngoài này, Tập Cận Bình không chỉ nhằm vào các nước phương Tây, mà còn nhằm vào phần còn lại của thế giới. Được ghi nhận trong sự liên tục của chính sách đối ngoại trong mười năm qua, Chủ tịch Trung Quốc tái khẳng định sự chống đối của ông đối với sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt khi đó là phương Tây.
Để đọc thêm: Trích dịch: “Quan chức thời 2.0. Một bộ máy quan liêu của Trung Quốc được đào tạo theo phong cách Mỹ”
Vả lại, bằng cách sử dụng cụm từ “với các nét đặc trưng của Trung Quốc”, ông đã lặp lại một thói quen của các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình thiết lập chính sách mở cửa kinh tế vào những năm 1980 để lấy cảm hứng từ các ví dụ nước ngoài mà không cần phải biện minh cho bất kỳ sự không nhất quán nào có thể xảy ra và trên hết là không cho phép bất kỳ mô hình cụ thể nào tự coi mình như là mô hình Trung Quốc. Nghịch lý thay, trong bốn mươi năm qua, công thức có vẻ như đóng cửa này lại là một phương tiện hữu hiệu để Trung Quốc có thể vay mượn từ nước ngoài một cách hoàn toàn tự do.
Vào ngày 28 tháng 6 năm 2021, lễ kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ tại Sân vận động Olympic ở Bắc Kinh. Noel Celis/AFP |
Đọc thêm: Le centenaire du Parti communiste chinois: la puissance et le chaos (Kỷ niệm một trăm năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc: quyền lực và sự hỗn loạn)
Do đó, hơn cả một diễn ngôn theo chủ nghĩa biệt lập, lời kêu gọi các trường đại học tạo ra một hệ thống tri thức và kiến thức độc lập là một yêu sách đòi quyền tự chủ đối với các nước phương Tây, chủ yếu là Hoa Kỳ. Nhất quán với các nguyên tắc chỉ đạo việc thiết lập “Con đường Tơ lụa Mới” và việc tăng cường đầu tư vào lục địa châu Phi, Trung Quốc tiếp tục hướng tới các nước khác, cố gắng đưa ngày càng nhiều nước hơn vào trật tự chống Mỹ mà Trung Quốc chủ trương, để đưa chúng vào một “câu lạc bộ bạn bè” để sử dụng thuật ngữ của nhà khoa học chính trị Alice Ekman.
Quyền lãnh đạo thế giới mới mà Tập Cận Bình đang cố gắng thiết lập như một sự thay thế cho quyền của Mỹ bảo vệ một hệ thống các giá trị khác với hệ thống các chế độ dân chủ nhưng vẫn muốn trở nên hiện đại và hiệu quả về mặt kết quả, đặc biệt về khoa học và giáo dục.
Về tác động tiềm tàng của những tuyên bố này, vẫn còn quá sớm để được khẳng định. Hiện tại, ba trường đại học sốt sắng tuyên bố, sau bài phát biểu của chủ tịch, muốn quay lưng với bảng xếp hạng không nằm trong số những đại học dẫn đầu và có ít quan hệ với các trường đại học Bắc Mỹ.
Dự đoán trước sự không chắc chắn
Tuy nhiên, một diễn ngôn như vậy có thể báo trước những chính sách mới dẫn đến nhiều hạn chế hơn đối với sự di chuyển trong học thuật, hoặc thậm chí là những hạn chế thực sự, còn quyết liệt hơn những chính sách hiện tại, làm thiệt hại đến các hoạt động của các nhà nghiên cứu và sinh viên, do đó gợi lại những bước khởi đầu của cuộc cách mạng văn hóa, vào giữa những năm 1960.
Những hạn chế này càng được biện minh dễ dàng hơn trong mắt dư luận Trung Quốc và thậm chí quốc tế, khi mà bối cảnh y tế của dịch Covid-19 đã khiến chính phủ hạn chế đáng kể từ nhiều tuần nay việc di chuyển quốc tế từ trong ra và từ ngoài vào: hạn chế việc cấp hộ chiếu mới cho công dân Trung Quốc, hủy bỏ hầu hết các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc, tạm thời tịch thu hộ chiếu ở một số tỉnh.
Các biện pháp tình thế này là tiếng vọng của một loạt các cải cách vốn, trong những năm gần đây, đã làm giảm tầm quan trọng của việc dạy ngoại ngữ ở giáo dục trung học và trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cho đến khi chính phủ quyết định không mở các kỳ thi cho cuộc trắc nghiệm quốc tế “advanced placement” trong năm nay vốn được các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông Trung Quốc sử dụng để tiếp cận các trường đại học Mỹ.
Khủng hoảng y tế đang ảnh hưởng đến sự tỏa sáng quốc tế của các trường đại học Trung Quốc, không còn nghi ngờ gì nữa. Nản lòng trước những hạn chế về các quyền tự do cơ bản và trước các điều kiện giám sát và cách ly hà khắc, các ứng cử viên nước ngoài đang chuyển hướng sang các điểm đến khác. Không ai biết liệu Trung Quốc có thể duy trì vị trí thứ tám trong danh sách các quốc gia tiếp nhận sự dịch chuyển quốc tế đến nước sở tại hay không, sau khi đã trải qua dòng chảy không ngừng gia tăng kể từ đầu những năm 2000 (dữ liệu của Campus France 2018).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 4 tháng 3 năm 2021. Leo Ramirez/AFP |
Đọc thêm: “Quelle démocratie?” (3 / 3): La démocratisation de la Chine, un espoir à oublier? (“Dân chủ nào? (3/3): Dân chủ hóa Trung Quốc, một hy vọng nên bị lãng quên?)
Như vậy, cái gọi là “sự rút khỏi” bảng xếp hạng là một cách để lường trước những bất ổn đang bao trùm lên tiềm năng của các trường đại học lớn của Trung Quốc trong việc tiếp tục cải thiện thứ hạng của họ trong những năm tới. Đã đạt được một uy tín toàn cầu nhất định thông qua sự gia tăng nhanh chóng trong các bảng xếp hạng quốc tế, các trường đại học này mặt khác có thể thấy ít lợi ích trong việc khựng lại mà không thể vươn lên hàng đầu.
Tuy nhiên, việc có thể công bố những hạn chế vĩnh viễn đối với quyền tự do đi lại của sinh viên và nhà nghiên cứu, cũng như việc thực hiện chính sách biệt lập thực sự trong các vấn đề học thuật, sẽ là một trò chơi nguy hiểm. Bằng cách chỉ ra trong bài phát biểu của mình tại Đại học Nhân dân rằng các trường đại học Trung Quốc sẽ phải “kế thừa gen đỏ” và “đi theo đảng”, Tập Cận Bình dường như muốn kết nối lại với thực tiễn của những năm cách mạng văn hóa (1966-76). Vào thời điểm đó, việc tuyển chọn và đề bạt giới tinh hoa dựa trên hết trên lòng trung thành chính trị: một người phải được xác định là “hồng” để phục vụ Đảng thực hiện hoài bão phát triển đất nước. “Chuyên môn”, tức là năng lực, là không đủ.
Rebecca E. Karl |
Alessia Lefébure |
Những thách thức của thế kỷ 21 là khác và Tập Cận Bình biết rằng sự phát triển và ảnh hưởng địa chính trị của đất nước ông về cơ bản dựa trên năng lực đào tạo, tiến bộ khoa học và cũng như trên tiềm năng sáng tạo.
Trong tương lai gần, chúng ta có thể chứng kiến cả những hạn chế về khả năng di chuyển trong học thuật và sự phát triển không ngừng của ảnh hưởng trí tuệ và khoa học Trung Quốc trên khắp thế giới, ứng nghiệm lời tiên tri mà nhà sử học Mỹ Rebecca E. Karl đã viết vào năm 2020 rằng “Thời đại của Tập Cận Bình được báo hiệu như là thời đại vừa mang tính chất tự biệt lập khủng khiếp nhất vừa là thời đại hướng ngoại mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc”.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Les universités chinoises vont-elles quitter les classements internationaux?“, The Conversation, 21.5.2022.
----
Bài có liên quan:
Chú thích: [*]
Nhà xã hội học, Phó giám đốc, Giám đốc nghiên cứu Trường Y tế Cộng đồng Cao cấp (EHESP/École des hautes études en santé publique)