2.7.22

Về mặt khoa học, tiềm lực trí tuệ cao (HPI) không tồn tại

VỀ MẶT KHOA HỌC, TIỀM LỰC TRÍ TUỆ CAO (HPI) KHÔNG TỒN TẠI

Tác giả: Philippe Mouillot[*]

Thuật ngữ “tiềm lực” chỉ bao hàm một xác suất diễn biến có thể liên quan – hoặc không liên quan – đến trí tuệ và tài năng. PxhereCC BY-SA

Chưa bao giờ ta nghe nói đến khái niệm “tiềm lực trí tuệ cao”, hay HPI (haut potentiel intellectuel - tiếng Anh: HIP - High intellectual potential - ND) nhiều đến thế. Loạt phóng sự truyền hình lấy tên từ đó, dàn dựng câu chuyện một phụ nữ trẻ nguồn gốc tầm thường được cảnh sát tuyển dụng với tư cách là nhà tư vấn để giải quyết các vụ viêc, và mùa thứ hai được phát trên đài TF1 đã ghi nhận một số lượng lớn khán giả. Về phần mình, báo chí bắt đầu quan tâm đến thị trường các chẩn đoán tiềm lực trí tuệ cao đang nở rộ, với giá lên đến 700 euro, đồng thời đặt câu hỏi về những trò lừa bịp có thể có trong lĩnh vực này. Thật vậy, thắc mắc này tỏ ra càng chính đáng khi khái niệm HPI không dựa trên bất kỳ một thực tại nào được chứng minh một cách khoa học.

Louis L. Thurstone (1887-1955)
Howard Gardner (1943-)

Làm sao định nghĩa được các HPI mà không vay mượn, thậm chí xâm lấn các khái niệm về năng khiếu bẩm sinh (từ tiếng Anh gift, quà tặng/tài năng, đã biến thành gifted, năng khiếu), về trí tuệ hay còn là tiềm lực đang rất thịnh hành hiện nay? Tuy nhiên, nghiên cứu trí tuệ và nhiều loại trí thông minh là không mới; nhà tâm lý học Mỹ Louis Leon Thurstone đã nghiên cứu vấn đề này từ năm 1927. Sau khi đã cho một nhóm hơn 200 sinh viên làm trắc nghiệm, ông đã chứng minh rằng thực ra trí thông minh được cấu thành bởi bảy nhân tố khác biệt nhau: (1) tốc độ tri giác, (2) năng lực tính toán (3) diễn đạt, nói năng trôi chảy, (4) hiểu lời nói, (5) khả năng nắm bắt không gian, (6) trí nhớ và (7) khả năng lý luận. Ông gọi đó là những năng lực tinh thần sơ đẳng. Và năm 1983, một nhà tâm lý học Mỹ khác là Howard Gardner xác nhận ý nghĩa phức hợp này. Từ đó, ta không còn nói đến tính duy nhất của trí thông minh nữa mà là những trí thông minh đa dạng.

Quảng cáo loạt phim truyền hình HPI đã góp phần đại chúng hóa khái niệm này (TF1, tháng tư 2022).

Một chỉ số thông minh, hay QI (Quotient intellectuel; tiếng Anh: IQ – intelligence quotient – ND), là đo lường được. Theo nghĩa của tổ chức Mensa[1], chỉ số này được đánh giá dựa trên khoảng cách đối với mức trung bình hay dựa trên sự thuộc về một thiểu số thống kê về thành công qua các bài trắc nghiệm. Phương pháp WAIS[2] giúp thực hiện việc đo lường tâm lý, nói cách khác là tính một chỉ số thông minh: vào năm 1939, bằng cách tạo ra thang đo của riêng mình về trí thông minh, tham vọng của nhà tâm lý Mỹ David Wechsler là cạnh tranh với trắc nghiệm Stanford-Binet vốn là công cụ tham chiếu lúc đó. Như vậy chỉ số thông minh QI là kết quả của một loạt kiểm tra có liên quan đến lời nói, số, không gian hay còn là chuyển động giúp đạt đến một tỷ số xác định vị trí của một cá nhân trong những nhóm xã hội. Vượt cao hơn một vài trị số trung bình, cá nhân này được xem như có một “chỉ số trí tuệ cao” (HQI - Haut quotient intellectuel).

HPI (tiềm lực trí tuệ cao), một xác suất

Từ đó người ta nói về tài năng một cách dễ dàng, thế nhưng, tài năng khác với HQI (chỉ số trí tuệ cao). Trong trường hợp của tài năng, người ta thấy rõ sự hiện diện của những năng lực đặc biệt nơi một cá nhân, những năng lực hoàn toàn nổi bật và nhận dạng được nhưng chúng không nhất thiết là hệ quả của sự hiện diện của một trí thông minh không điển hình. Thật vậy, trái với năng lực, tài năng tương ứng với sự xuất sắc của cá nhân biểu thị trong một lĩnh vực rõ ràng vào một thời điểm nhất định. Nhưng ngược lại với QI, người ta không đo lường tài năng. Theo nghĩa này, phần lớn những người có chỉ số trí tuệ cao thường có tài năng xét về phương diện hiệu suất của họ, đáng chú ý là về mặt các phẩm chất năng động, nhưng các cá nhân tài năng không nhất thiết có chỉ số trí tuệ cao vì thành tích của họ vừa được giới hạn trong một lĩnh vực vừa thay đổi theo thời gian.

Cécile Dejoux (1966-)
Maurice Thévenet (1953-)

Vả lại, đối với các nhà nghiên cứu như Cécile Dejoux và Maurice Thévenet, khái niệm tài năng có thể đưa đến việc kết hợp những khái niệm không tương thích với nhau một cách tự nhiên trong quản trị nguồn nhân lực. Số lượng các biến số được huy động bởi tâm lý học nhận thức, xã hội học và các khoa học quản trị để đạt đến một sự đồng thuận chắc chắn không giúp ích gì cho việc làm sáng tỏ các vị trí công việc, điều này làm cho việc định nghĩa tài năng khó mà ổn định và không làm sáng tỏ những thắc mắc về lý do tồn tại của nó trong quản trị.

Bây giờ hãy bàn đến vấn đề tiềm lực và người anh em họ đầy tham vọng của nó, HPI (tiềm lực trí tuệ cao). Sở dĩ khái niệm tiềm lực trí tuệ cao còn phức tạp để định nghĩa hơn cả khái niệm tài năng, chính là vì hai lý do. Lý do thứ nhất nằm ở chỗ các tài liệu, thông tin không đồng ý với nhau về nội dung ý nghĩa dứt khoát của khái niệm. Và lý do thứ hai đơn giản là hệ quả của chính định nghĩa của từ tiềm lực: đó là một xác suất.

Như vậy, tiềm lực tạo thành một sự hứa hẹn; nhưng không chỉ có thế. Và sở dĩ việc giới hạn ý nghĩa của nó trở nên phức tạp chính vì nó chỉ chuyển từ tình trạng xác suất sang thực tại tùy theo các kết quả mà ta thường khó xác định đâu là đòn bẩy chính. Thật vậy, xác suất mà tiềm lực thể hiện có thể bám sâu vào nhiều nguồn. Tất nhiên, một cá nhân có tài năng, thậm chí có chỉ số trí tuệ cao (HQI) chắc chắn sẽ có nhiều cơ may phát triển về mặt nghề nghiệp. Tiềm lực của người đó sẽ tương đối “cao”. Nhưng một người có ý chí và chăm chỉ làm việc cũng có nhiều cơ may thành công, cũng như những người, nam hoặc nữ, được hưởng lợi từ những mạng lưới ảnh hưởng quan trọng hay có gia đình thừa kế các đế chế công nghiệp.

Như vậy, tiềm lực là một viễn tượng có tính chất tình huống hơn là thuộc về cá nhân. Nếu chỉ số trí tuệ cao là đương nhiên có tiềm lực cao, nếu người đó gặp trở ngại vì sự nổi trội của mình, nếu họ tự cô lập và buồn chán (bore-out), hay bắt đầu có những thắc mắc mang tính hiện sinh (brown-out), thì tiềm lực của họ sẽ thấp hơn nhiều một người có chỉ số thông minh ở mức trung bình nhưng hạnh phúc và tự tin, có động lực và chăm chỉ làm việc.

Trong một bài nghiên cứu công bố năm 2018, chúng tôi đã nghiên cứu chi tiết hơn tập hợp nhiều màu sắc của trí thông minh, và đặc biệt đề nghị phân biệt giữa tài năng, tiềm lực trí tuệ cao và chỉ số trí tuệ cao, ba khái niệm thường thay thế cho nhau, đáng chú ý là trong các doanh nghiệp, mặc dù tồn tại những khác biệt rõ nét.

Làm thế nào để dò tìm và phát hiện các tiềm lực trí tuệ cao trong doanh nhiệp? Phỏng vấn Philippe Mouillot và Dominique Drillon trên đài Xerfi (tháng 6/2019)

Để tóm tắt, chỉ số trí tuệ cao nhất thiết phải là có tài năng và có tiềm lực trí tuệ cao nhưng điều đó không nhất thiết làm cho người đó hạnh phúc và làm cho họ thành công về nghề nghiệp, và tài năng thì chắc chắn là thông minh nhưng không nhất thiết có chỉ số trí tuệ cao và/hay có tiềm lực trí tuệ cao. Tiềm lực trí tuệ cao chỉ là một xác suất diễn biến có thể có liên quan – hay không liên quan – với trí thông minh và tài năng.

Thật tế nhị khi cùng một lúc lựa chon phân biệt các ứng viên cho một vị trí từ những yếu tố này, điều mà chúng tôi đã thảo luận vào năm 2017 trong một công bố khoa học. Mặc dù có những nhận định này, vẫn còn hai câu hỏi treo lơ lửng: một chỉ số trí tuệ cao có phải là một bằng chứng thực sự của trí thông minh không và tại sao ngày nay ba chữ HPI (tiềm lực trí tuệ cao) lại được ưu tiên?

Tránh một sự đo lường chính xác

Về câu hỏi thứ nhất, câu trả lời là không. Thật vậy, một lần nữa chỉ số thông minh (QI) là một thước đo mà người ta lượng hóa theo một thang đo đương nhiên được xây dựng theo chiều dọc, do đó mới có sự cao hơn, từ đó có chữ “H” (“haut”. “high” nghĩa là “cao” - ND). Vì khi ta nói “cao” thì yêu cầu phải có cái “thấp”, tương tự như khi nói “quá xuất chúng” (hay “rất có năng khiếu”) có nghĩa là trong thực tế có những người “xuất chúng”/có năng khiếu và những người “không có năng khiếu”, điều này có thể gây tổn thương.

Nhưng trí thông minh thì rất đa dạng, có nhiều loại và nhất là rất phức tạp. Một người có chỉ số trí tuệ cao có thể “thiếu thông minh” ở nơi mà một người với năng lực tinh thần thuộc loại trung bình có thể tìm thấy những câu trả lời rất sắc sảo đơn giản là nhờ vào sự hiểu biết thông thường. Ngoài ra, cho dù trí tuệ được tỏ rõ, điều đó không có nghĩa là nó được huy động đúng lúc, vì những lý do cao cả hoặc không kèm theo lòng kiêu ngạo. Như công bố của chúng tôi sắp tới đây minh thị, giá trị của trí tuệ tiến đến gần gũi với minh triết, sự đồng cảm, cảm xúc, hay còn là trực giác khiến cho khái niệm về trí tuệ càng ngày càng tối nghĩa.

Như vậy, chỉ số trí tuệ cao không phải là bằng chứng của trí thông minh tuyệt đối; chắc hẳn rằng đó là một bằng chứng lượng hóa được về sự tồn tại của một trí thông minh đa dạng giúp tiến nhanh và tiến xa hơn, nhưng không nhất thiết là tốt hơn. Và vì trí thông minh là bẩm sinh – ta không trở nên thông minh hơn hay ngu xuẩn hơn –, cho nên làm tăng giá trị một đức tính vốn không phải là kết quả của một nỗ lực hay của một công việc là một giới hạn xã hội khó vượt qua. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến cho mặc dù người ta luôn luôn xem xét trí thông minh trong những giai đoạn tuyển dụng nghề nghiệp, thì nghịch lý là người ta đã không bao giờ dám đo lường nó trước khi tuyển dụng.

Philippe Mouillot; “HQI, giữa u sầu và lý tưởng” (TedX Poitiers, octobre 2020).

Về thuật ngữ “tài năng”, nó thật là khôn khéo vì nó cho phép nâng cao giá trị của trí tuệ và công việc mà không làm cho cái này thống lĩnh cái kia. Hãy thử tưởng tượng một người đầu bếp có những dụng cụ thích hợp và những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời nhưng không được huấn luyện để sử dụng toàn bộ dụng cụ thì không thể thực hiện những công thức chế biến xuất sắc được. Mặc dù tính bẩm sinh giúp đạt được nhanh hơn và tinh tế hơn những năng lực cần thiết, vẫn cần làm việc để làm chủ chúng, tài năng giúp cho mỗi người tự thấy mình có một ít tài năng nhất thiết được che giấu ở một nơi nào đó dù cho đôi khi nó được che giấu rất kỹ. Nhưng tài năng dần dần được phổ biến, rất nhiều tổ chức và định chế chọn “phát hiện các tài năng”, “phát huy tài năng”, thậm chí là “xây dựng” hay “cung ứng các tài năng”.

Đứng trước hai “lựa chon tồi tệ” là tài năng và HQI, khái niệm tiềm lực có vẻ như một giải pháp thuận lợi để giải quyết vấn đề phân biệt đối xử và hiệu năng. Chọn HPI giúp tránh được việc đo lường chỉ số thông minh QI, giúp nhận dạng tài năng và đặt lại công việc vào trọng tâm của sự cân bằng bảo đảm một sự thành công chắc chắn. Khái niệm “mức cao” làm nổi bật những thành tích của các cá nhân trong mắt của những người nam cũng như nữ một khi sự phân biệt này có ý nghĩa đối với họ, khái niệm “tiềm lực” sẽ nuôi dưỡng xác suất thành công cũng như thất bại và như vậy việc tiếp cận với sự phát triển trở nên công bằng hơn và xác suất “trí tuệ” sẽ nhắc nhở rằng cuộc đời rốt cuộc lại là một sự pha trộn tinh tế giữa bẩm sinh và cái đạt được (thụ đắc). Nhưng dù ta tự đặt mình trong nghĩa của HQI, HPI hay tài năng, ngay cả khi HQI là dữ liệu duy nhất có thể đo lường được một cách khoa học, thì không một yếu tố nào thực sự cho phép đánh giá phẩm chất những người có trí thông minh đặc biệt thực sự hiện hữu, vốn làm cho nguồn nhân lực trở thành tài sản giàu có của con người.

Cuối cùng, dù ta chọn thuật ngữ nào và những nghịch lý về quản trị nó gây ra, điều cốt yếu không phải là nắm giữ các điểm mấu chốt của một trí thông minh đa dạng, của một tiềm lực đầy hứa hẹn hay của một tài năng duy nhất, mà là cần biết điều ta định làm gì với nó một khi ta đã ý thức về vị trí và vai trò của mình trong thế giới này.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “Scientifiquement, le HPI n’existe pas”, The Conversation, 9.6.2022.




Chú thích:

[*] Giảng sư, đủ tư cách hướng dẫn nghiên cứu về khoa học quản trị, Viên Quản trị doanh nghiệp Poitiers (Maître de Conférences HDR en Sciences de Gestion, IAE de Poitiers)

[2] Wais, chữ viết tắt của Weschler Adult Intelligence Scale (Échelle de l'intelligence de Wechsler), là một trắc nghiệm giúp đo lường trí thông minh nơi người trưởng thành (theo https://comprendrelautisme.com/les-tests/la-wais-4/)

Print Friendly and PDF