10.7.22

“Vũ khí hủy diệt hàng loạt cuối thế kỷ 20 là dao rựa/mã tấu”, cuộc trò chuyện với Frédéric Encel

“VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT CUỐI THẾ KỶ 20 LÀ DAO RỰA/MÃ TẤU”, CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI FRÉDÉRIC ENCEL

Tác giả: Florian Louis

Florian Louis[*] đã gặp Frédéric Encel, tác giả được giải Livre géopolitique (Sách địa chính trị) cho cuốn Voies de la puissance.

Frédéric Encel, Les Voies de la puissance. Penser la géopolitique au XXIe siècle, Paris, Odile Jacob, 2022, 304 pages, ISBN 9782415001124, URL: https://www.odilejacob.fr


Frédéric Encel (1969-)

 

Cuốn sách mới nhất của ông đề xuất một suy nghĩ về trật tự của thế giới xoay quanh khái niệm quyền lực. Làm thế nào để xác định quyền lực?

Francis Fukuyama (1952-)

Quyền lực trước hết là chủ quyền. Khả năng hành động có chủ quyền, cho dù thông qua sự cưỡng bức hay qua ngoại giao, mà không bị cản trở bởi một cường quốc khác quan trọng hơn. Nói cách khác, quyền lực là một phương tiện, không phải là mục đích tự thân. Ở châu Âu, quyền lực bị coi một cách sai lầm là tiêu cực về thực chất trong nhiều thập kỷ. Nhưng quyền lực, giống như bất cứ thứ gì khác, có thể được sử dụng cho mục đích tích cực và tiêu cực về mặt đạo đức. Đó là hội chứng cây dao: nó có thể được sử dụng theo nhiều cách. Do đó, cần phải thoát ra khỏi điều ngu ngốc này được minh họa bởi Fukuyama và những người khác vào những năm 1990 khi nghĩ rằng lịch sử đã kết thúc, rằng có một người đàn ông cuối cùng và rằng người đàn ông này sẽ không tham chiến bởi vì anh ta sẽ không còn là một nhà ý thức hệ nữa. Đó là một chủ nghĩa hòa giải nguy hiểm chỉ có tác dụng kích thích sự thèm muốn của những người mà quyền lực là phương tiện để áp đặt ý chí của họ, kể cả bằng bạo lực.

Ông không chỉ quan tâm đến sức mạnh của các quốc gia, mà còn quan tâm đến sức mạnh của nhiều tác nhân khác như các tập đoàn, các nhóm chiến đấu hoặc các tôn giáo. Các tác nhân khác nhau này có nắm giữ cùng một loại quyền lực không? Hay quyền lực Nhà nước vẫn là không thể so sánh được?

Pierre Reverdy (1889-1960)

Tôi thích trích dẫn lời nhà thơ Pierre Reverdy theo đó không có tình yêu mà chỉ có bằng chứng của tình yêu. Tương tự đối với quyền lực: không có quyền lực, chỉ có bằng chứng về quyền lực, những tiêu chí, thông số, thể hiện chính xác. Đây chính xác là những gì tôi cố gắng thiết lập trong cuốn sách này. Về câu hỏi bạn nêu ra, tôi đang cố gắng phân cấp theo bản chất của quyền lực. Tôi cố gắng hiểu loại quyền lực nào là đáng kể nhất và hiệu quả nhất, giữa quyền lực của các Quốc gia và quyền lực của các chủ thể khác cũng có thể được thể hiện bởi các tác nhân chính trị như thành phố, vùng hoặc các Quốc gia liên bang, có thể được gọi là “tác nhân nằm dưới Nhà nước/infra-Etats”. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy rằng kể từ ít nhất là Hiệp ước Westphalia năm 1648, Nhà nước thường xuyên đã là, vẫn tồn tại cho đến ngày nay và, tôi tin rằng, sẽ vẫn là tác nhân mạnh mẽ nhất. Bản chất của quyền lực Nhà nước là lớn hơn quyền lực của các chủ thể khác. Một Nhà nước yếu là yếu vì trạng thái yếu của nó chứ không phải vì nó là Nhà nước. Việc coi các Quốc gia là quốc gia yếu kém bằng cách so sánh GDP của chúng và định giá thị trường chứng khoán của GAFA không có ý nghĩa này bởi vì lúc đó chúng ta so sánh những gì không thể so sánh được.

Cuốn sách của ông dành cho “các con đường của quyền lực” và lẽ ra có thể có phụ đề: “quyền lực, bản hướng dẫn sử dụng”. Phải chăng chỉ cần các nhà lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào áp dụng lời khuyên của ông một cách toàn diện là đủ để giành được quyền lực? Quyền lực nằm trong tầm với của tất cả các quốc gia hay một số quốc gia có thiên hướng để chiếm hữu quyền lực hơn những quốc gia khác?

Tất nhiên, tôi không có tham vọng biến cuốn sách của mình thành cuốn sách hướng dẫn cho các nguyên thủ quốc gia. Tôi cố gắng thiết lập những điều kiện cần thiết cho sự chiếm hữu quyền lực nếu thật sự có ý chí muốn thể hiện nó. Trong phần giới thiệu, tôi gợi lên tính hai chiều về âm thanh này giữa “con đường/voie” và “tiếng nói/voix” của quyền lực. Khi chúng ta quyết định ở thượng nguồn giành quyền lực, thì ở hạ nguồn chúng ta triển khai các chiến lược để đạt được nó. Trước khi đi theo con đường của quyền lực, chúng ta bắt đầu bằng việc mạnh mẽ lên tiếng. Ví dụ duy nhất gần đây phản bác điều này là trường hợp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ năm 1920 đến năm 1941: tất cả các thông số quyền lực, cho dù là địa lý - tính chiến lược đảo nổi tiếng này -, nhân khẩu học, xã hội, kỹ thuật, tài chính, năng lượng, nông nghiệp và công nghiệp đều tốt, tuy nhiên người ta đã quyết định không đảm nhận cái quyền lực này. Phải cần và phải có tất cả những gì tôi mô tả trong cuốn sách của mình mới có thể có khả năng nắm quyền lực. Nếu về mặt địa lý hoặc nhân khẩu học không có một cái ngưỡng hoặc một khối lượng tối thiểu cho phép đóng một vai trò của một chủ thể ít nhất ở cấp vùng, nếu không có tiến trình làm nâng giá trị của trí thức, luôn luôn sẽ thiếu một trong những yếu tố cấu thành quyền lực. Do đó, một số tác nhân có nhiều khả năng hơn những tác nhân khác trở thành hiện thân của các cường quốc toàn cầu và tôi cố gắng trình bày các tiêu chí để có thể khẳng định điều này.

Ở đây ông thiết lập một sự phân biệt giữa quyền lực và ý chí quyền lực. Hoa Kỳ thời giữa hai các cuộc thế chiến là một cường quốc tiềm tàng, một quốc gia có đủ phương tiện để trở nên hùng mạnh nhưng lại từ chối thực hiện quyền lực đó. Và ngược lại, có các Quốc gia có thể mơ ước trở nên hùng mạnh nhưng lại không có những phương tiện của tham vọng của họ.

Đúng vậy. Hãy lấy trường hợp nổi tiếng của cái gọi là “quân đội thứ tư trên thế giới” ngồi trên trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, tất nhiên tôi nghĩ đến Iraq của Saddam Hussein, một nhà độc tài lố bịch, người đã một tay bóp chết mọi khả năng trỗi dậy của đất nước mình. Sự cố kết nội bộ suy yếu của Iraq đã không cho phép ông này trở thành hiện thân của cái mà người ta nghĩ vào thời đó ông ta có, đó là quyền lực.

Paul Kennedy (1945-)

Khi chúng ta nói về vấn đề quyền lực trong quan hệ quốc tế, có một số tác phẩm kinh điển được đề cập một cách có hệ thống. Hãy bắt đầu với cuốn của Paul Kennedy về sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc, người đã phát triển một quan niệm theo Spengler về quyền lực được cho là sẽ tăng lên, đạt đến đỉnh cao và nhất thiết phải suy giảm. Chúng ta có thể đối lập với thuyết này rằng về lâu dài, đúng hơn là chúng ta thấy sự liên tục trong các cực quyền lực thường tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, cho dù dưới một cái tên khác (Đế chế Ottoman/Thổ Nhĩ Kỳ; Liên Xô/Nga). Chắc chắn, nhiều cường quốc dường như thể hiện một hình thái chu kỳ của sự tồn tại, và cả một sức bật tuyệt vời. Ông định vị mình như thế nào trong mối quan hệ với luận điểm của Kennedy và rộng hơn đối với câu hỏi về tính bền vững của quyền lực trong dài hạn?

Ferdnand Braudel (1902-1985)

Kennedy đã phát minh ra sự vắng mặt của sự vĩnh cửu! Mọi sinh vật đều được sinh ra, phát triển và suy tàn. Và cũng giống như vậy đối với các thể chế, do đó đối với các quốc gia. Nhưng để đi xa hơn, và tôi đồng ý với bạn về điểm này hơn là với Kennedy, chúng ta có thể nhìn lại thế kỷ vừa qua. Một trong những bản đồ trong cuốn sách của tôi trình bày các cường quốc của 150 năm trước và của ngày nay: chúng ta ngạc nhiên về sự liên tục dựa trên một khối lượng tối thiểu, một sự nâng giá trị của tri thức. Nước Nga thời Sa hoàng, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức sau thời Bismarck và Nhật Bản sau thời Minh Trị, vẫn đứng đầu trong các cường quốc mặc dù có nhiều biến động trong lịch sử của mỗi quốc gia đó. Chỉ có Ấn Độ, vào thời điểm thuộc địa của Anh, là một ngoại lệ. Do đó, có một sự liên tục, nhưng nó cũng không phải là một quy luật tuyệt đối. Nếu chúng ta cố gắng nghĩ về quyền lực theo độ rất dài kiểu Braudel, chúng ta sẽ gãy răng với thời Trung cổ và La Mã.

Một tác giả thứ hai mà người ta nghĩ đến, đặc biệt là ở Pháp, khi nói đến quyền lực, không ai khác chính là Bertrand Badie, người chỉ ra nghịch lý về “sự bất lực của quyền lực” mà ông nghĩ rằng mình có thể chẩn đoán, đặc biệt là từ việc quan sát những khó khăn mà Hoa kỳ, được cho là một siêu cường quốc, gặp phải kể từ những năm 1990 và thường không thể đạt được mục tiêu của mình. Ông có chia s nhận đnh này không?

Bertrand Badie (1950-)

Phần nào. Tôi biết ơn nhà tư tưởng vĩ đại về quan hệ quốc tế, Bertrand Badie đã mở rộng tầm mắt cho chúng ta về sức mạnh đang lên của những tác nhân mới, không nhất thiết mang tính thể chế. Tôi đặc biệt nghĩ đến những “tính liên xã hội/inter-socialité”, để lấy lại tiêu đề của một trong những tác phẩm mới nhất của ông ấy, trong đó ông cho thấy rằng các công luận, và trong nội bộ các công luận này có những người được ông gọi là “các doanh nhân bạo lực”, đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều so với trước đây. Một vai trò được nhân đôi bởi sức mạnh của các phương tiện truyền thông mới và các mạng xã hội. Nói thế, ý tưởng về sự bất lực của quyền lực Nhà nước chỉ thuyết phục được một phần nửa bởi vì sau cùng, vào năm 2020, chính những khẩu súng trường và đặc biệt là các máy bay không người lái của Azerbaijan đã đè bẹp lực lượng Armenia trong khi các kênh chuyển tải dư luận của Armenia, trên thế giới, cả ở Hoa Kỳ và ở châu Âu, mạnh hơn rất nhiều so với các kênh chuyển tải dư luận Azeri. Hãy xem xét ví dụ về sự can thiệp quân sự tàn bạo của Nga vào Ukraine: thực tế là với một sự tự chủ hoàn toàn, Putin đã có thể thực hiện sự can thiệp này, điều này sẽ mang lại những gì nó sẽ mang lại, nhưng không có nguy cơ bị đẩy lùi về mặt quân sự, bất kể phản ứng của dư luận. Sự trỗi dậy của quyền lực của các tác nhân không phải là Quốc gia, đặc biệt là các tác nhân xã hội, chỉ là một biến số giải thích của các quan hệ quốc tế. Một biến số, nhưng không phải là hằng số mà đối với tôi vẫn là sức mạnh quân sự của các Quốc gia.

Một trong những chương của ông dành cho cái mà ông gọi là “ảo tưởng của sức mạnh” được ông giải thích là có thể được thể hiện qua việc đánh giá quá cao lực lượng của mình và đánh giá quá thấp lực lượng của đối thủ. Đọc những dòng này vào thời điểm Nga đang xâm lược Ukraine, một cuộc xâm lược hình như tỏ ra phức tạp hơn Vladimir Putin nghĩ, người ta có khuynh hướng thấy trong cuộc chiến này một ví dụ về những ảo tưởng này của sức mạnh.

Nó thậm chí còn là một ví dụ thuần khiết về mặt hóa học. Về câu hỏi trọng tâm này về ảo tưởng của sức mạnh, tôi thường lấy ví dụ về Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 với những khó khăn lớn mà Israel gặp phải trong những ngày đầu tiên đã chứng tỏ rằng kể từ Chiến tranh Sáu ngày, người Israel đã coi thường mối đe dọa từ Ả Rập. Điều này suýt khiến họ phải trả giá đắt. Tôi cũng thường lấy ví dụ của Armenia; ta đã chứng kiến một sự đánh giá thấp được xác nhận như là một sự thiếu trách nhiệm đối với quyết tâm phục thù và việc hiện đại hóa lực lượng quân sự của Azerbaijan. Đối với Ukraine, rõ ràng, Vladimir Putin đã đánh giá thấp chiều sâu của ý thức dân tộc của Ukraine và do đó sự phản kháng của người dân, bao gồm cả những người nói tiếng Nga. Ông ta coi người Ukraine không phải là những kẻ ngu ngốc, mà là, theo một cách ấu trĩ, những đứa em nhỏ được cho ít nhất là bị động và tốt nhất là hoàn toàn mềm lòng trước sự “trở lại” của người anh cả khi đối mặt với phương Tây suy đồi. Hơn nữa, ông coi người châu Âu và phương Tây nói chung là không có khả năng phản ứng, ngay cả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính. Ông cũng đánh giá thấp sự lúng túng của Trung Quốc, nước luôn kiên quyết bảo vệ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền bất khả xâm phạm của các Quốc gia, và Ukraine là một trong số đó. Về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vì chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Putin ở Ukraine đang đẩy giá thùng dầu thô lên mức sẽ rất nhanh chóng gây áp lực lên sự tăng trưởng vốn đã chậm chạp của nước này.

Ông dành một chương cho các quốc gia, như Nhật Bản và Đức, mà ông nói rằng họ đang tự cấm có sức mạnh toàn cầu cho bản thân. Có phải chúng ta đang chứng kiến, về phía Đức, một sự đảo ngược trên điểm này nhờ vào cuộc khủng hoảng Ukraine? Liệu chúng ta có đang đối mặt với một bước ngoặt có thể chứng kiến ​​Đức gắn lại với quyền lực?

Chúng ta đang chứng kiến ​​khả năng xảy ra một bước ngoặt. Hiện này, Đức chỉ bù đắp cho sự trì hoãn đáng kể bị các thành viên khác của NATO, đứng đầu là Hoa Kỳ, tố cáo từ lâu, những nước đã tôn trọng cam kết dành 2% GDP của họ để chi cho Quốc phòng. Do đó, Berlin trước tiên sẽ phải bù đắp cho khoảng thời gian đã mất. Hơn nữa, liên minh màu đỏ xanh này, tức là theo chủ nghĩa hòa bình trong một Quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình, đã phản ứng dưới ảnh hưởng của cảm xúc và chắc chắn là của cảm giác về mối nguy cơ. Nhưng liệu những khoản đầu tư quân sự này có được ghi nhận như là một phần của sự mong muốn phát triển quyền lực? Không có gì là chắc chắn cả. Hiện tại, chúng ta dường như đang hướng tới một sự bắt kịp đơn giản và không có gì chỉ ra rằng Hiến pháp sẽ được sa đổi, như ở Nhật Bản, để ủng hộ một sự phóng đại quyền lực. Cuối cùng, Đức mua (trang bị quân sự) của Mỹ, có nghĩa là Berlin vẫn tự đặt ở bên ngoài của một tư tưởng chiến lược của châu Âu, trước sự không hài lòng lớn của Paris.

Như vậy, có phải Đức vẫn còn lâu mới có thể tuyên bố bắt kịp Vương quốc Anh và Pháp với cương vị của một cường quốc châu Âu? Ở châu Âu, Pháp có bị buộc phải đơn độc trong tham vọng trở thành một quyền lực toàn cầu không?

Trong Liên minh châu Âu, việc Pháp phải tiếp tục thể hiện cương vị của một cường quốc toàn cầu không được các Quốc gia Thành viên khác chia sẻ. Cương vị này đã được chia sẻ bởi Vương quốc Anh nhưng kể từ Brexit, Pháp chỉ còn một mình thôi. Hoặc là Đức đồng ý trả cái giá về ngân sách và ý thức hệ bao gồm việc tái đầu tư vào chiến lược và do đó phải đảm nhận việc sử dụng vũ lực sát thương và hàng loạt, ngắn gọn là chiến tranh, hoặc đây không phải là trường hợp và do đó, khả năng duy nhất của sự trỗi dậy của một quyền lực châu Âu là cặp đôi ngày nay dường như không hợp lý sau Brexit và vụ AUKUS (Liên minh giữa Australia, United Kingdom và United States - ND): một liên minh giữa London và Paris, hai cường quốc thực sự duy nhất trên lục địa châu Âu. Tôi đặt hy vọng vào giả thuyết này trên cơ sở quy trình Lancaster House, sự hợp tác này hoặc thậm chí là tập hợp quân đội Pháp và Anh, hoạt động rất hiệu quả ngày nay.

Ngày nay chúng ta có thể nói về một cường quốc châu Âu và Liên minh châu Âu như là một cường quốc không?

Không, Liên minh châu Âu là một cường quốc không hoàn hảo từ chối trở thành cường quốc toàn cầu, hơi giống Hoa Kỳ từ năm 1920 đến năm 1941. Putin biết rõ điều này nên ông đã mạnh dạn quyết định xâm lược Ukraine mà không sợ bất cứ điều gì từ một châu Âu chỉ có củ cà rốt nhưng không có cây gậy. Châu Âu cần phải có cây gậy.

Nhiều người dự đoán rằng thế kỷ 21 sẽ chứng kiến ​​Trung Quốc vươn lên hàng cường quốc thế giới mạnh nhất. Ông có cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi và điều này có nhất thiết phải dẫn đến một cuộc đụng độ mang tính Thucydide với Hoa Kỳ như Graham Allison lo ngại không?

Graham Allison (1940-)

Luận điểm của Graham Allison có vẻ quá bi quan đối với tôi. Thứ nhất bởi vì chúng ta đã thấy trong lịch sử, đặc biệt là vào thế kỷ 19, một cường quốc hàng đầu - trong trường hợp này là Vương quốc Anh - cuối cùng đã từ bỏ tiến hành chiến tranh chống lại một cường quốc đang bắt đầu thách thức nghiêm trọng - Hoa Kỳ. London đã đối phó với vận rủi một cách thực dụng với lòng nhân hậu, hiểu rằng tốt hơn là liên minh với Washington hơn là tìm cách chống lại nó, và lịch sử đã chứng minh điều đó đúng. Vì vậy, đối đầu là không phải là không thể tránh khỏi trong tình huống như thế này. Hơn nữa, Graham Allison còn không chú ý đến việc là cả Sparta và Athens đều không có vũ khí nguyên tử, không giống như Bắc Kinh và Washington; tuy rằng, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa phải đối phó với các chế độ tận thế! Về cơ bản, chúng ta đang có các chế độ thực dụng mà lựa chọn ngày tận thế không có trên bàn. Từ quan điểm này, chắc hẳn ta có thể hình dung sự gia tăng căng thẳng hoặc thậm chí sự leo thang quân sự, nhưng chỉ mang tính quy ước. Tôi muốn lấy bằng chứng về điều này từ những gì đã xảy ra hai năm trước đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc: đã có những cuộc đụng độ rất gay gắt giữa các quân đội ở Kashmir, nhưng không có nổ súng để tránh dẫn tới sự leo thang nguyên tử.

Do đó, tôi quay lại câu hỏi đầu tiên trong hai câu hỏi của bạn, tôi không tin vào khả năng tất yếu của việc Trung Quốc vươn lên vị trí cường quốc hàng đầu thế giới. Dựa trên tiêu chí nào để một ngày nào đó chúng ta có thể đăng quang Trung Quốc? Tôi cũng lưu ý rằng Tập Cận Bình không bao giờ đề cập đến các tiêu chí đã nêu để có thể khẳng định rằng, vào năm 2049, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc đầu tiên trên thế giới như ông ấy mong muốn. Nếu đây chỉ là các tiêu chí kinh tế và tài chính, thì hầu như không có nghi ngờ gì về việc này. Nhưng tôi là một trong những người cho rằng sức mạnh kinh tế và tài chính, cuối cùng, trong trường hợp có sự cạnh tranh tuyệt đối, không có tính quyết định nếu Trung Quốc không có những thứ cần thiết để áp đặt ý chí của mình lên nước kia về phương diện quyền lực cứng. Tuy nhiên, Mỹ, nước kia lại có những gì cần thiết, cả về mặt địa lý và kỹ thuật, để duy trì ưu thế lớn trong nhiều thập kỷ. Chúng ta đếm số lượng tàu Trung Quốc đưa ra biển mỗi quý, nhưng giá trị của những người chỉ huy các tàu này là gì? Và chính những con tàu? Chúng ta biết gì về quyền lực của Trung Quốc và chính quyền lực của Trung Quốc biết gì về nó? Dù sao thì Trung Quốc, kể từ ít nhất là vào cuối thời Chiến quốc, chưa bao giờ ưu tiên sử dụng bạo lực quân sự để đạt mục đích của mình. Tất nhiên, có một chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc ngày càng hung hăng, nhưng họ ngần ngại sử dụng bạo lực quân sự khi tất cả các đòn bẩy khác chưa được kích hoạt.

Liệu Ấn Độ có thể là đối thủ của Trung Quốc trong cuộc đua giành quyền lực này?

Ấn Độ có thể là một lực cản cũng như nhiều quốc gia khác trong môi trường chiến lược của Trung Quốc đã là. Một trong những lãng quên lớn của các nhà quan sát về sự kình địch Trung-Mỹ là địa lý: Trung Quốc không có bà tiên tốt đã từng nhìn vào cái nôi của Mỹ và cung cấp cho Mỹ tính chất đảo chiến lược. Trung Quốc có một bờ biển “đầy dẫy” các khu vực đảo và quần đảo không thuộc về họ, có thể dễ dàng theo dõi hoặc thậm chí chặn các tàu của họ và phần lớn những đảo và quần đảo này thuộc về các đồng minh của Hoa Kỳ. Trên bộ, Trung Quốc được bao quanh bởi Ấn Độ, một cường quốc hạt nhân thù địch, Nga, một đối tác nhưng không phải là đồng minh, Triều Tiên, một đồng minh chỉ có một tài sản duy nhất: quả bom.

Chúng ta hãy kết thúc với các khu vực mà đặc trưng dường như là khoảng trống quyền lực: Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và thậm chí cả Châu Đại Dương. Liệu chúng buộc là vùng chạm trán của các cường quốc toàn cầu hay thậm chí trong các khu vực này, ta có thể thấy sự trỗi dậy của những cường quốc có tầm cỡ này?

Tôi dành hẳn một chương dài cho châu Phi, nơi thể hiện sự vắng mặt của quyền lực có thể có, vì chịu sự tác động của một số tai họa mang tính cơ cấu: chính sách dựa trên tính tô tức, chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa bộ lạc làm suy yếu Nhà nước-quốc gia và khả năng tạo ra sự gắn kết nội bộ để có thể tạo ra sức mạnh ở bên ngoài, nạn tham nhũng phổ biến liên quan đến hai điểm trước …. Cuối cùng, và lẽ ra tôi nên bắt đầu từ đó, sự vắng mặt của một hình tượng liên châu Phi hoặc ít nhất là khu vực có thể tạo ra các liên minh có khả năng đóng vai trò của một tác nhân mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Không có cơ sở châu Phi nào bên ngoài châu Phi: điều này có vẻ bình thường đối với chúng ta, nhưng không có lý do rõ ràng nào cho điều này!

Mỹ Latinh ở trong một kịch bản hơi khác: chủ nghĩa bè phái ít quan trọng hơn nhiều, nhưng có những vấn đề xã hội rất quan trọng. Châu Phi cận Sahara, Châu Mỹ Latinh và Châu Đại Dương không nằm trong những sự tranh đua chính của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 vốn liên quan đến Châu Âu, Nga, một phần của Trung Đông và ngày càng nhiều ở Đông Á ngày nay. Đây là nơi những người khổng lồ, chứ không phải ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh hay Châu Đại Dương. Điều này đặt chúng ở bên lề của những cuộc đụng độ quyền lực lớn, nhưng điều này không phải lúc nào cũng tốt hơn: chẳng hạn như chưa bao giờ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Phi cận Sahara lại trải qua những thảm họa con người như vậy. Như thể sự vắng mặt của các cơ quan điều hòa/kẻ săn mồi bên ngoài đã cho phép các lãnh chúa chiến tranh thực hiện các hành vi tai hại của họ một cách hoàn toàn tự do. Chúng ta có thật sự nhận ra rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt vào cuối thế kỷ 20 là dao rựa/mã tấu không?

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:« L’arme de destruction massive de la fin du XXe siècle a été la machette », une conversation avec Frédéric Encel”, Le Grand Continent, 18.05.2022.




Chú thích:

[*] Historian – Monitoring of Humanities and Social Sciences Literature / Historien – Veille éditoriale SHS – Work for @education_gouv @Grand_Continent @GEG_org

Print Friendly and PDF