7.9.22

Một lịch sử bất toàn của nhân loại

MỘT LỊCH SỬ BẤT TOÀN CỦA NHÂN LOẠI

Tác giả: David A. Bell[*]

Dịch từ tiếng Anh: Baptiste Roger-Lacan

The Dawn of Everything [Bình minh của mi thứ], do Nhà xuất bản Les Liens qui libèrent dịch sang tiếng Pháp đã được chào đón như một kiệt tác. Nhưng việc đọc kỹ cách tiếp cận thế kỷ Khai sáng của quyển sách giúp khám phá ra những sai lầm quan trọng.

David Wengrow và David Graeber, Au commencement était... Une nouvelle histoire de l'humanité, [Khởi đầu là… Một lịch sử mới của nhân loại] Paris, Nhà xuất bản Les liens qui libèrent, 2021, 752 trang. ISBN 979-10-209-10

“Và nếu tất cả những gì bạn đã học về lịch sử của nhân loại là sai?”. Đó là nhan đề mà Tờ New York Times đặt cho bài báo giới thiệu sự công bố tác phẩm của David Graeber và David Wengrow, The Dawn of Everything: A New History of Humanity [Bình minh của mọi thứ: Một lịch sử mới của nhân loại]. Dựa trên các nguồn tư liệu khảo cổ học để đề ra một lịch sử mới về cách thức mà các xã hội loài người đã phát triển, quyển sách này không thiếu tham vọng. Nó còn có một tham vọng chính trị mạnh mẽ, gợi ý rằng tầm nhìn lịch sử mới này có thể làm nền tảng cho một hoạt động phù hợp với các nguyên tắc vô chính phủ mà riêng Graeber đã ấp ủ trong cuộc đời của ông. Ngay cả trước khi công bố quyển sách vào tháng này, nó đã được đón nhận nồng nhiệt. Trong tờ báo The Atlantic, William Deresiewicz đã đánh giá Graeber là “thiên tài” và quyển sách là “món quà” mà các tác giả “phá hủy ý tưởng cho rằng con người là những vật dụng thụ động của những sức mạnh vật chất”. Phê bình của tờ báo Guardian đánh giá là “một tác phẩm gây nhiều phấn khích”. Với tạp chí Jacobin, quyển sách đã đáng là “kinh điển”. Kể từ tuần này, quyển sách đứng hàng thứ hai trong danh sách những quyển sách phi hư cấu bán chạy nhất của tờ Times. Graeber đã từ trần năm 2020 ở tuổi 59, là một gương mặt huyền thoại của giới đại học, một nhà nhân học phản kháng đã làm rất nhiều điều để gợi cảm hứng và phát động phong trào Occupy[1].

David Wengrow (1972-)
David Graeber (1961-2020)

Nhưng câu chuyện của họ có đứng vững không? Mặc dù Graeber và Wengrow chủ yếu quan tâm đến những khởi đầu của lịch sử nhân loại, họ bắt đầu bằng cách khảo sát các nhà tư tưởng phương Tây trước đây đã đề cập đến chủ đề này như thế nào, và khi làm như vậy, trước tiên họ hướng đến phong trào Khai sáng của Pháp. Đây lại là lĩnh vực chuyên môn của tôi, và tôi đã tò mò xem họ đã làm như thế nào. Và tôi đã vô cùng sửng sốt. Mặc dù có những lời hứa hẹn, tiếc thay tác phẩm này bị thiệt hại bởi một cách tiếp cận cẩu thả, chứa đầy sai lầm về thời điểm mấu chốt này của lịch sử trí thức hiện đại.

J. J. Rousseau (1712-1778)

Khi thảo luận về kỷ nguyên Khai sáng, không ngạc nhiên là Graeber và Wengrow tập trung vào nhân vật Jean-Jacques Rousseau. Trong Discours sur les origines et les fondements de l’inégalité parmi les hommes [Luận văn về nguồn gốc và cơ sở của bất bình đẳng của loài người] của ông, xuất bản năm 1754 và đã có một tiếng vang vượt bậc, Rousseau đề ra những ước đoán về loài người ở “trạng thái tự nhiên” nguyên thủy và ở những giai đoạn đầu tiên của sự phát triển xã hội. Như Graeber và Wengrow nói, ông xác định rằng “đã có một thời kỳ loài người là bình đẳng – và một điều gì đó đã xảy ra sau đó để thay đổi tình trạng này”. Graeber và Wengrow cho rằng ý tưởng này “gây ngạc nhiên đối với những người đang sống trong một nền quân chủ chuyên chế”. Họ khẳng định rằng ở nước Pháp của thế kỷ XVIII “hầu hết các khía cạnh của sự tương tác giữa con người… đều chịu ảnh hưởng của các hệ thống thứ bậc đã được thiết lập và các nghi thức về tôn kính xã hội.” Thế thì, làm thế nào Rousseau có thể có ý tưởng này, và tại sao nhiều người cùng thời với ông lại được thuyết phục đến thế? Câu trả lời của hai tác giả thật nảy lửa vì họ viết rằng người châu Âu bắt đầu suy ngẫm về bình đẳng như thế chỉ vào lúc họ bị thúc ép phải làm như thế bởi những người Mỹ bản địa. Chương tiếp theo khai triển điều mà họ gọi là “phê phán bản địa” của xã hội châu Âu, và cách mà phê phán này đã mở ra một “cuộc cách mạng về khái niệm” ở phương Tây. Hai ông thêm rằng các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng, với thói quen “xem những người không phải phương Tây là trẻ con”, đã che giấu lịch sử này: “trong số các sử gia về các tư tưởng thống soái, điều đó gần như là một dị giáo”. Nhưng một số nhà nghiên cứu “mà phần lớn trong số họ có nguồn gốc bản địa”, đã bắt đầu bảo vệ lập luận này. Ở đây, Graeber và Wengrow đi theo “vết của họ”.

Mặc dù có những lời hứa hẹn, tiếc thay tác phẩm này bị thiệt hại bởi một cách tiếp cận cẩu thả, chứa đầy sai lầm về thời điểm mấu chốt này của lịch sử trí thức hiện đại.

DAVID A. BELL

Đó là một lời kêu gọi tấn công sôi nổi và đầy thách thức. Đối với tôi, một chuyên gia về phong trào Khai sáng, đó cũng là một lời kêu gọi gây bối rối. Nếu là đúng như vậy, thì nó lật đổ gần như tất cả những gì mà tôi tin đã biết về chính lĩnh vực nghiên cứu của tôi. Nhưng Graeber và Wengrow bảo vệ những lập luận của họ như thế nào? Họ có thực sự biết họ đang nói về điều gì không?

Lịch sử của khái niệm bình đẳng là dài và phức tạp. Trong thế giới phương Tây, bình đẳng có nhiều gốc rễ: đáng chú ý là trong triết học Hy Lạp cổ đại, trong truyền thống La Mã về ý thức công dân cộng hòa, và tất nhiên là cả trong Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo. “Những người cuối cùng sẽ là những người đầu tiên, và những người đầu tiên là những người cuối cùng”. “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay người tự do, không còn đàn ông hay đàn bà; vì tất cả các vị là một trong Thiên Chúa.” “Một con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu đi vào vương quốc của Thượng Đế.” Có thể người Pháp của thế kỷ XVIII không có nhiều kinh nghiệm về bình đẳng trong đời sống hàng ngày của họ, nhưng họ có thể tìm thấy nhiều gợi ý về khái niệm này trong sách giáo khoa cũng như trong Kinh Thánh. Sự khinh thường rõ ràng của Graeber và Wengrow đối với cái nền chung này của lịch sử trí thức thật là đáng báo động.

Tuy nhiên, sự tồn tại của di sản trí thức này không loại trừ khả năng các nhà tư tưởng bản địa đã đưa tư tưởng châu Âu về bình đẳng theo một hướng về cơ bản hoàn toàn mới. Có phải trường hợp này không?

Ngay từ đầu chương, Graeber và Wengrow cung cấp cho độc giả một lý do rất xác đáng làm ta nghi ngờ về sự uyên bác của họ. Jean-Jacques Rousseau đã viết tiểu luận năm 1754 trong khuôn khổ một cuộc thi do Viện Hàn Lâm Dijon tổ chức. Graeber và Wengrow viết rằng những tác giả nộp bài tiểu luận cho cuộc thi này là những người sống một cuộc đời mà tất cả các nhu cầu của họ đều được đáp ứng bởi những người hầu… Rousseau là một trong những người đó: là triết gia trẻ nhiều tham vọng, lúc đó ông tham gia vào một dự án được thiết kế để luồn lách vào triều đình bằng những quan hệ tình dục để có ảnh hưởng ở đó. Có lẽ là khi phân chia các phần bằng nhau của cái bánh trong một bữa ăn tối mà ông tự thấy mình là người gần nhất để làm thí nghiệm về công bằng xã hội”.

Đơn giản là những câu ngắn này chứa đựng một loạt sai lầm khinh khủng. Như mỗi chúng ta đều có thể xác nhận bằng cách lướt qua Wikipedia vài giây, Jean-Jacques Rousseau, trong bất kỳ mọi trường hợp không hề là một thành viên của xã hội thượng lưu Pháp. Là con của một người thợ thủ công vùng Genève, chính ông đã làm việc như một người tôi tớ trong các gia đình quý tộc và đã sống nhiều năm trong nghèo khó thực sự. Năm 1754, ông đã 42 tuổi – chính xác là không còn trẻ nữa. Riêng về câu “luồn lách vào triều đình bằng những quan hệ tình dục để có ảnh hưởng ở đó”, tôi hoàn toàn không biết Graeber và Wengrow muốn nói gì, trong khi hai năm trước đó, Rousseau đã từ chối một trợ cấp thỏa đáng do nhà vua nước Pháp ban cho vì ông muốn giữ sự độc lập về tinh thần. Tất cả những điều đó đều được biết rõ vì chính Rousseau đã kể những chuyện này trong tự truyện có lẽ vẫn là nổi tiếng nhất của mọi thời đại: les Confessions [Những lời bộc bạch]

Đối với tôi, một chuyên gia về phong trào Khai sáng, đó cũng là một lời kêu gọi gây bối rối. Nếu là đúng như vậy, thì nó lật đổ gần như tất cả những gì mà tôi tin đã biết về chính lĩnh vực nghiên cứu của tôi.

DAVID A. BELL

Những loại sai lầm như thế này làm mất lòng tin, đó là điều tối thiểu ta có thể nói. Nhưng tự chúng không phải là những yếu tố quan trọng nhất của Graeber và Wengrow. Tiếc thay, phần còn lại của chương sách cũng cẩu thả và không chính xác.

Christopher Columbus (1451-1506)
M. de Montaigne (1533-1592)

Các tác giả bắt đầu bằng một điểm đúng, nhưng cũng ít gây tranh cãi và ít độc đáo, đó là “các trí thức châu Âu đã đồng ý về ý tưởng tự do tự nhiên” phần lớn vì văn chương về du lịch giúp họ biết về các xã hội ngoài châu Âu, đáng chú ý là những xã hội không được tổ chức chặt chẽ thành các quốc gia lớn. Kể từ thời của Christophe Colomb, những tác phẩm mô tả những cách thực hành tôn giáo, chính trị, xã hội và tình dục của những xã hội này đã làm say mê độc giả châu Âu và đã thu hút họ. Đó là trường hợp các dân tộc sống trong môi trường không có những hệ thống thứ bậc xã hội nặng nề và những hạn chế tinh thần mạnh mẽ vốn là đặc điểm của các quốc gia châu Âu. Trên tất cả, đó là những người không biết đến Ki Tô giáo. Tuy nhiên, dường như họ thường khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn người châu Âu, và hoàn toàn có khả năng trả lời các nhà truyền đạo châu Âu bằng những ngôn từ tinh vi khi các vị này cố thuyết phục họ về những sai lầm của họ. Vào cuối thế kỷ XVI, Michel de Montaigne đã đặc biệt nổi tiếng khi nói rằng, ngay cả khi một số người bản địa châu Mỹ ăn thịt người, thì chính những người châu Âu, qua những cuộc tàn sát tàn bạo và chiến tranh tôn giáo của họ, mới là những kẻ “ăn thịt người” thực sự. Thường không dễ trích ra những gì người bản địa đã thực sự nói về các bản văn châu Âu nói về họ. Tuy nhiên, tiếng nói của họ đã không hoàn toàn bị xóa nhòa hay bị che giấu, mà trái lại. Những tường trình của các nhà truyền giáo - đặc biệt là những tường trình được biết dưới tên “những mối quan hệ của các giáo sĩ Dòng Tên” - đã được viết ra một phần để thông tin cho các nhà truyền giáo tương lai về những điều mà họ có thể gặp trong công tác truyền giáo của họ. Như vậy, một cách tổng quát, các tường trình này cố gắng trình bày lại một cách chính xác những tập quán của người bản địa và những lập luận mà người bản địa có thể nêu ra để đáp trả những toan tính cải đạo sang Ki Tô giáo.

Anthony Pagden (1945-)
Tzvetan Todorov (1939-2017)

Graeber và Wengrow đã dành nhiều trang cho những nội dung này. Tuy nhiên, nghiên cứu của họ chỉ lập lại những điểm mà nhiều nhà nghiên cứu - Anthony Pagden, Tzvetan Todorov, Sankar Muthu, Michèle Duchet, David Allen Harvey và Antoine Lilti, chỉ mới kể đến những vị này thôi - đã nêu ra trước họ. Và nếu họ có lý khi nói rằng những nội dung này đã có một vai trò trong sự hình thành tư tưởng của phong trào Khai sáng, thì nó cũng có lý đối với nhiều sự việc khác: cách mạng khoa học, cuộc tranh cãi giữa Cổ xưa và Hiện đại [la Querelle des Anciens et des Modernes[2]], những tư tưởng tôn giáo triệt để của Spinoza, sự vươn lên của tạp chí định kỳ, những phê phán chế độ quân chủ chuyên chế. Tư tưởng của phong trào Khai sáng về bình đẳng của loài người và về rất nhiều chủ đề khác có nhiều gốc rễ và phức tạp. Để làm nổi bật “phê phán bản địa” là quan trọng hơn những phần còn lại, cần phải xem xét phong trào Khai sáng trong toàn bộ sự phức hợp của nó và cần có thái độ trung dung đối với các yếu tố khác nhau này. Chính xác đó là điều Graeber và Wengrow không làm.

Tư tưởng của phong trào Khai sáng về bình đẳng của loài người và về rất nhiều chủ đề khác có nhiều gốc rễ và phức tạp. Để làm nổi bật “phê phán bản địa” là quan trọng hơn những phần còn lại, cần phải xem xét phong trào Khai sáng trong toàn bộ sự phức hợp của nó và cần có thái độ trung dung đối với các yếu tố khác nhau này.

DAVID A. BELL

L. de B. de Frontenac (1622-1698)
Kandiaronk (khoảng 1649–1701)

Nhưng phần quá đáng nhất của phân tích của họ vượt xa hơn sự lặp lại những điều tầm thường hay một tầm nhìn phiến din về lịch sử. Không những Graeber và Wengrow gán tư tưởng của phong trào Khai sáng về bình đẳng cho “phê phán bản địa” nói chung, mà còn gán cho một “trí thức bản địa” nói riêng. Nhân vật được nói đến tên là Kandiaronk, một gương mặt rất có ảnh hưởng của quốc gia người Mỹ bản địa được biết dưới những cái tên Hurons, Wendats hay Wyandots. Sau khi đất nước họ bị tàn phá bởi người Haudenosaunee (người Iroquois) vào thế kỷ XVII, nhiều người trong số họ đến cư ngụ ở Canada thuộc Pháp. Kandiaronk đã gây ấn tượng mạnh đối với nhiều quan sát viên người Pháp vì tài hùng biện và sự thông thái của ông, ông đã thường gặp gỡ Thống đốc vùng thuộc địa của Pháp ở Bắc Mỹ (Tân Pháp) là bá tước Louis de Buade de Frontenac, và có thể chính ông cũng đã đến Pháp. Trong những năm 1680, hầu như chắc là ông đã gặp một người lính Pháp trẻ có cái tên rất quý tộc là Louis-Armand de Lom d’Arce, hay nam tước Lahontan, ông này đã du lịch rất nhiều đến Bắc Mỹ và đã học các ngôn ngữ của người Mỹ bản địa. Lahontan quay trở lại châu Âu vào đầu những năm 1690, và mười năm sau, ông công bố một loạt các tác phẩm về Bắc Mỹ, trong đó có một tác phẩm được biết đến với nhan đề Dialogues avec un Sauvage – Những cuộc đối thoại với một người hoang dã. Đó là việc tái lập được cho là trung thực những thảo luận giữa chính ông ta và một người Huron mà ông gọi là “Adario”, trong những buổi thảo luận đó người Huron bác bỏ một cách xuất sắc những lập luận của Lahontan về sự thật và tính ưu việt của Ki Tô giáo, và một cách tổng quát hơn, người đó phê phán những tập quán của châu Âu. Có lẽ nhân vật này được xây dựng dựa trên Kandiaronk, ít ra là một phần.

F. P. de la Barre (1648–1723)

Les Dialogues [Những cuộc đối thoại] của Lahontan nằm trong một truyền thống lâu dài của châu Âu mà Anthony Pagden gọi là phê phán hoang dã” [phê bình gay gắt]. Truyền thống này đã có từ lâu ít nhất cũng xưa bằng một tác phẩm chống giáo quyền của Tây Ban Nha vào năm 1519, tác phẩm này nêu ra một thủ lĩnh của người Mỹ bản địa tố cáo những ảo tưởng của xã hội Ki Tô giáo châu Âu. Mặc dù thường được lấy cảm hứng từ những gặp gỡ với những người bản địa và những tác phẩm như Relations des Jésuites [Những mối quan hệ của các giáo sĩ Dòng Tên], những tác phẩm này về cơ bản vẫn là hư cấu. Các phê bình hầu như luôn luôn giả định như vậy đối với tác phẩm Dialogues của Lahontan. Rõ ràng tác phẩm này vay mượn rất nhiều từ Lucien, một nhà văn châm biếm Hy Lạp thời cổ đại. Bài trình bày của Adario về tôn giáo của người Huron giống một cách lạ lùng với thuyết thần giáo tự nhiên của châu Âu đương đại. Phê phán của ông ta về các tập quán hôn nhân của châu Âu được lặp lại trong nhiều tác phẩm của châu Âu lúc đó, đáng chú ý là những tác phẩm của triết gia về tiền nữ quyền[3] [protofeminism] François Poulain de la Barre. Tóm lại, Dialogues là một tác phẩm kinh điển vào đầu thế kỷ Khai sáng, nó pha trộn các quan sát về các xã hội ngoài châu Âu với những lập luận rút ra từ những truyền thống trí thức châu Âu để sản sinh ra một tư tưởng mới và triệt để về xã hội, chính trị và tôn giáo, tất cả được điểm xuyết bởi hình tượng của nhà hiền triết “hoang dã”, người đã nêu ra một cách thú vị lần lượt từng tập quán của châu Âu là có hại và phi lý. Vả lại, đây chỉ là một trong nhiều tác phẩm đã dùng những phương thức tương tự, đáng chú ý là Lettres persanes [Những bức thư Ba Tư] của Montesquieu năm 1721, được yêu thích hơn nhiều, và Lettres d’une Péruvienne [Những bức thư của một phụ nữ Peru] của Françoise de Graffigny năm 1747. Chắc là Lahontan đã ảnh hưởng đến Rousseau và cả những người khác.

Tuy nhiên, Graeber và Wengrow lại nhấn mạnh rằng Dialogues của Lahontan đã có ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ quyển sách nào khác. Và điều quan trọng nhất là: họ đã nhấn mạnh rằng tác phẩm không có chút gì là hư cấu, mà là một sự tái tạo những đối thoại thật giữa Lahontan và Kandiaronk. “Adario” không phải là một nhân vật hư cấu được một người châu Âu tưởng tượng ra để phê phán chính xã hội của mình, “Adario” là một trí thức bản địa thực sự mà những lỡi lẽ mạnh mẽ có lẽ đã làm người châu Âu kinh ngạc bởi sức mạnh của chúng về sự thật, đòi hỏi một sự đánh giá lại một cách cơ bản các khái niệm về bình đẳng của châu Âu. Đó là một tuyên bố táo bạo.

John Steckley (1949-)

Nhưng đâu là chứng cứ của họ? Graeber và Wengrow trích dẫn nhiều nguồn khác nhau trong tập hợp các ghi chú đồ sộ của họ, nhưng không có ghi chú nào thực sự hỗ trợ lập luận của họ. Chẳng hạn như trong một bài báo mà họ trích dẫn, học giả người Canada John Steckley viết khi đề cập đến Dialogues: “Mặc dù một vài ngữ điệu của các câu có mang âm hưởng bản địa và có thể đã được lấy lại từ những diễn ngôn của Kandiaronk, thì tiếng nói phê phán của Adario, với một sự thanh tao trong sáng, đã được diễn đạt với giọng điệu trí thức chán chường của Lahontan. Nó phản ánh cả một mớ kinh nghiệm cay đắng mà nam tước [Lahontan] đã trải qua với xã hội châu Âu trong những lĩnh vực của đời sống không liên quan đến dân bản địa Wyandot ở vùng Michilimakinac [ở Bắc Mỹ- ND].” Đó không hẳn là điều được khẳng định trong The Dawn of Everything.

Dialogues là một tác phẩm cổ điển vào đầu thế kỷ Khai sáng, nó pha trộn các quan sát về các xã hội ngoài châu Âu với những lập luận rút ra từ những truyền thống trí thức châu Âu để sản sinh ra một tư tưởng mới và triệt để về xã hội, chính trị và tôn giáo, tất cả được điểm xuyết bởi hình tượng của nhà hiền triết “hoang dã”, người đã trình bày một cách thú vị tuần tự từng tập quán của châu Âu là có hại và phi lý.

DAVID A. BELL

Barbara Alice Mann (1949-)

Nguồn tư liệu quan trọng nhất mà Graeber và Wengrow dựa vào là một quyển sách có nhan đề là Native American Speakers of the Eastern Woodlands của Barbara Alice Mann, một học giả thuộc dòng dõi Seneca[4]. Graeber và Wengrow không bằng lòng với việc trích dẫn dài dòng tác giả này, mà diễn giải sát sao những lập luận của bà. Mann đồng ý rằng “sự bác bỏ thẳng thừng” Dialogues như là sự ghi chép lại một cách chân thực từ một tiếng nói của người Mỹ bản địa là phản ánh của phân biệt chủng tộc và của “sự cười nhạo của phương Tây”. Bà tán thành rằng, sự thực là một “Lahontan bị lôi cuốn” đã ghi chép chi tiết trong khi ông nói chuyện với Kandiaronk, rồi tập hợp các ghi chép ấy trong Dialogues.

Nhưng bằng chứng chính của Mann là gì? Trong quyển sách của mình, bà trích dẫn một cách long trọng chính Lahontan: Khi tôi ở trong làng với người Mỹ này, tôi đã vui vẻ chăm chú thu thập cẩn thận tất cả các lý lẽ của ông ấy. Ngay sau khi trở về từ hành trình của tôi bên các hồ của Canada, tôi đã đưa những trang viết của tôi cho bá tước de Frontenac xem, ông ấy thích thú khi đọc chúng đến nỗi sau đó ông đã bỏ công giúp tôi làm cho các Dialogues này được trở thành như nó hiện có.” Đó là điều có vẻ không thể bị bác bỏ, ngoại trừ một điểm quan trọng: những lời này có nguồn gốc từ lời tựa của chính Dialogues. Và như bất kỳ người nào đã quen thuộc với hư cấu châu Âu đều biết, không có điều gì thông dụng hơn đối với các tác giả châu Âu thời kỳ đó bằng việc cho rằng một tác phẩm hư cấu là câu chuyện kể trực tiếp đầu tiên về các sự kiện có thực. “Tác giả của tác phẩm Voyages [Các cuộc du hành], ông Lemuel Guilliver, là người bạn thân cũ của tôi…” Jonathan Swift bắt đầu tác phẩm hư cấu nổi tiếng nhất của ông như vậy, nhưng ít độc giả của ông tin rằng có một Lemuel Guilliver thật đã thực sự thăm viếng một đất nước có tên là Lilliput. Họ cũng không tin rằng những tiểu thuyết thành công như Pamela và Clarissa là những thư từ có thật. Sở dĩ những nhà nghiên cứu nghiêm túc không tin tưởng lắm tác phẩm của Mann, không phải vì phân biệt chủng tộc hay vì kiểu “cười nhạo của phương Tây”, mà đơn giản chỉ vì các lập luận của bà ấy không đứng vững.

Sai lầm mà Mann phạm phải – và Graeber và Wengrow lặp lại mà không phê phán – một cách nào đó là có thể hiểu được. Có lẽ rất hấp dẫn khi cho rằng những phê phán của phương Tây về chính phương Tây, được nêu ra bởi những “người bản địa”, là những phê phán bản địa đích thực. Ngôn ngữ thì quen thuộc, và các tác giả biết một cách chính xác sẽ có tiếng vang gì với công chúng của họ. Những phê phán bản địa đích thực, xuất phát từ những tư liệu gốc và những truyền thống xa lạ đối với những người trưởng thành trong những môi trường phương Tây, có vẻ như rất lạ lùng và khó hiểu. Phép phản chứng (reductio ad absurdum) sai lầm này xảy ra khi người ta xem những lời của Pocahontas trong phim cùng tên của Disney là thuộc về Mỹ bản địa đích thực: “Bạn tin rằng toàn bộ Trái Đất thuộc về bạn / Đối với bạn, đó chỉ là một tấm thảm bụi”.

Sai lầm cũng mang tính chính trị sâu sắc - lẽ tất nhiên -. Sai lầm này tương ứng với với điều mà Graeber và Wengrow mô tả trong kết luận của họ như là một trong những mục tiêu chính của quyển sách: “[trình bày] cấu trúc phụ bí ẩn của “khoa học xã hội” của chúng ta và cho thấy rằng, trái với điều mà các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội khẳng định, loài người “luôn luôn có tự do thiết kế những thực tại xã hội hoàn toàn mới”. Họ đã khẳng định rằng nhiều người Mỹ bản địa cùng thời với Kandiaronk còn có tự do đó. Về phần các xã hội phương Tây, họ không có khả năng tự phê phán thực sự. Phải cần có nhà hiền triết Huron để mở mắt cho phương Tây thấy một chính sách thực sự cách mạng là khả dĩ. Graeber và Wengrow muốn từ nay đóng một vai trò tương tự.

David A. Bell (1961-)

Tiếc thay, nếu ta tin vào cách họ bàn đến phong trào Khai sáng, thì họ sẵn sàng lao vào điều gần với lỗi nghề nghiệp một cách nguy hiểm. Tôi không đủ chuyên môn cần thiết để bình luận các lập luận của Graeber và Wengrow về những chủ đề ngoài chủ đề phong trào Khai sáng ở Pháp, nhưng trình độ hiểu biết của họ về chủ đề này không báo hiệu điều gì hay ho cho phần còn lại của quyển sách, đó là điều tối thiểu mà ta có thể nói.

Nguồn: Nguyên văn (bằng tiếng Anh) của bài báo này đã được đăng trong Persuasion ngày 19/11/2021.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Une histoire imparfaite de l’humanité, Le Grand continent, 3.12.2021

----

Bài có liên quan: Thay đổi dòng lịch sử như thế nào




Chú thích:

[1] Phong trào “The Occupy” là một phong trào xã hội-chính trị dân túy quốc tế, biểu thị sự chống đối bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, và sự thiếu ý thức về “dân chủ thực sự” trên thế giới. [Theo Wikipedia – ND].

[2] Cuộc tranh cãi giữa cổ xưa và hiện đại là một cuộc luận chiến phát sinh trong lòng Viện Hàn Lâm Pháp, được thành lập năm 1634 bởi hồng y de Richelieu với mục tiêu là hoàn thiện tiếng Pháp, làm cho nó trở nên “trong sáng, hùng biện và có khả năng luận bàn về nghệ thuật và khoa học” [Theo Wikipedia - ND].

[3] Tiền nữ quyền (Protofeminism) là một khái niệm nói về giai đoạn trước khi có phong trào nữ quyền hiên đại, khi khái niệm nữ quyền chưa được biết. [Theo Wikipedia – ND]

[4] Lucius Annaeus Seneca the Younger (4 BC – 65 AD), thường được biết với tên Seneca, là một triết gia khắc kỷ thời La Mã, chính khách, nhà biên kịch và nhà văn châm biếm trong văn học La Tinh. (Theo Wikipedia - ND).



[*] David A. Bell, giáo sư Sử học tại Đại học Princeton, ông là tác giả của quyển sách “Men on Horseback: The Power of Charisma in the Age of Revolution” (Farra, Strauss và Giroux, 2020) [Những người đàn ông trên lưng ngựa: Sức mạnh của uy tín trong thời đại cách mạng].

Print Friendly and PDF