28.11.20

Thay đổi dòng lịch sử như thế nào

THAY ĐỔI DÒNG LỊCH SỬ NHƯ THẾ NÀO

(ít nhất là phần đã xảy ra rồi)

David Graeber*David Wengrow**

Lời giới thiệu của Le grand Continent cho bản dịch tiếng Pháp:

Năm 2011, việc công bố tác phẩm Debt: The First 5000 Years (Nợ nần: 5000 năm đầu tiên) đã làm cho David Graeber trở thành một trong những nhà nhân học nổi tiếng nhất và được bình luận nhiều nhất cả trong và ngoài giới đại học. Đáng chú ý là trong tác phẩm này, nhà nhân học Mỹ đã đề ra một luận điểm nổi bật và mới mẻ: ông cho rằng trao đổi hiện vật chưa bao giờ là phương tiện trao đổi chính trong các xã hội gọi là sơ khai. Năm 2015, trong tác phẩm The Utopia of Rules: On Technology, Stupidity, and the Secret Joys of Bureaucracy (Điều không tưởng của các qui tắc: Về Công nghệ, sự ngu xuẩn và những niềm vui thầm kín của chế độ quan liêu hành chính), ông đã chú tâm chứng minh rằng, ngược lại với những định kiến trong thời đại chúng ta, sự phát triển và sự cần thiết của chế độ quan liêu hành chính là đậm nét hơn trong các nền kinh tế thị trường so với các xã hội gọi là truyền thống hoặc xã hội chủ nghĩa. Cuối năm ngoái, ông cùng đứng tên với Marshall Sahlins trong tác phẩm On Kings (Về những ông vua): trong lời mở đầu, có bản dịch tiếng Pháp trên Le Grand Continent, hai tác giả kêu gọi hãy giải phóng khỏi câu hỏi nặng nề và đã lỗi thời về “những nguồn gốc của Nhà Nước” để tập trung nghiên cứu trên phương diện lịch sử và nhân học những hình thức khác nhau của vương quyền.

David Wengrow (1972-)

David Graeber (1961-2020)

Trong một bài báo vào tháng ba năm 2018, lần này viết chung với giáo sư khảo cổ học so sánh David Wengrow, tác giả của tác phẩm What Makes Civilization? (Điều gì tạo ra nền văn minh?) có mục đích cung cấp một tổng quan hoàn chỉnh không bị chia cắt về “sự khai sinh của nền văn minh”, Graeber đề nghị xem xét lại thực tại xã hội-chính trị của bất bình đẳng bằng cách rời bỏ vấn đề này, kể cả huyền thoại về những nguồn gốc của nó. Lập lại khẳng định đã được trình bày trong phần mở đầu của On Kings theo đó “không có xã hội bình đẳng của loài người”, bằng cách sử dụng phương pháp phê phán và liên ngành, các tác giả chứng minh rằng không có một bằng chứng khảo cổ hay nhân học nào cho phép khẳng định các xã hội săn bắt - hái lượm là bình đẳng hơn các xã hội của chúng ta. Các tác giả đã tích lũy những ví dụ chứng minh rằng các xã hội qui mô nhỏ của loài người thời tiền sử mang tính phân chia cấp bậc và quân sự hóa hơn hẳn những gợi ý của những tác phẩm bán chạy nhất về vấn đề bất bình đẳng, các sách và công trình phổ biến kiến thức do khoa học xã hội truyền thống” tạo ra. Ngoài ra, hoàn toàn không xem các nhóm săn bắt - hái lượm là những thực thể bất di bất dịch qua thời gian, các tác giả chứng minh rằng mức độ bất bình đẳng của các xã hội loài người luôn thay đổi từ trước đến nay, có khi với một nhịp độ theo mùa.

Tập hợp vững chắc các chứng cứ này cho phép các tác giả phá bỏ một câu chuyện đặc biệt tai hại theo cách nhìn của họ: đó là câu chuyện gắn kết một cách thiết thân của một mặt là tiến bộ và sự phức tạp hóa của các xã hội loài người với mặt khác là sự xuất hiện của bất bình đẳng. Hơn cả việc nêu rõ một câu chuyện như vậy liên quan đến sự tồn tại dai dẳng của một cách nhìn chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh về số phận loài người và của một trường phái Rousseau bị lệch lạc, bài báo này đặt ra một vấn đề căn bản: ngày nay các nhà tư tưởng và các nhà thực hành các khoa học xã hội phục vụ cho mục đích gì? Trái ngược với các đồng nghiệp đang chú tâm tính toán các hệ số Gini của thời đại đồ đá mới, góp phần vào việc biến bất bình đẳng thành một điều tự nhiên và phi chính trị, thành một công cụ của riêng chủ thuyết kỹ trị, Graeber và Wengrow mong muốn đưa trở lại cho các khoa học xã hội một quyền năng giải phóng.

***************************

Điều mà chúng ta có thói quen nói về nguồn gốc của chúng ta là sai và nó lưu truyền mãi mãi ý niệm cho rằng bất bình đẳng xã hội là điều không thể tránh khỏi. Tự vấn về sự tồn tại dai dẳng của huyền thoại “cách mạng nông nghiệp”, David Graeber và David Wengrow khẳng định rằng thực ra còn có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ tổ tiên chúng ta.


Tác phẩm nghệ thuật của Bansky (không biết nhan đề).
Nguồn: Flickr

Khởi đầu là ngôn từ

Từ nhiều thế kỷ nay, chúng ta đã được nghe một câu chuyện đơn giản về những nguồn gốc của bất bình đẳng xã hội. Trong phần lớn lịch sử, loài người sống thành những nhóm nhỏ săn bắt-hái lượm bình đẳng với nhau. Rồi nông nghiệp xuất hiện, kèm theo nó là tư hữu của cải, rồi các thành phố ra đời có nghĩa là sự xuất hiện thực sự của văn minh. Nếu văn minh đã có những khía cạnh tồi tệ (chiến tranh, thuế khóa, tệ quan liêu, chế độ gia trưởng, chế độ nô lệ, v.v.), nhưng nó cũng đem lại văn học chữ viết, khoa học, triết học và hầu hết các thành tựu quan trọng khác của loài người.



Hầu hết mọi người đều biết những nét chính của lịch sử này. Ít nhất là từ thời kỳ Jean-Jacques Rousseau, lịch sử này đã cho ta khái niệm về hình thái tổng quát và hướng đi của lịch sử loài người. Điều này lại càng quan trọng vì câu chuyện này đồng thời xác định cảm nhận của chúng ta về các khả năng chính trị. Phần đông chúng ta cho rằng văn minh, và do đó là bất bình đẳng, là một sự cần thiết đáng buồn. Một số người mơ tưởng trở về với một quá khứ không tưởng, với sự phát hiện một điều tương đương với “chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy” hay trong những trường hợp cực đoan nhất là phá hủy hoàn toàn nền văn minh và trở về với đời sống hái lượm. Tuy nhiên, không có ai đặt lại vấn đề về cấu trúc căn bản của câu chuyện này.

Tuy nhiên, câu chuyện này căn bản là có vấn đề.

Vì nó không đúng.

Francis Fukuyama (1952-)

J. J. Rousseau (1712-1778)

Rất nhiều bằng chứng từ khảo cổ học, nhân học và các ngành khoa học tương tự bắt đầu cho chúng ta một ý tưởng khá rõ ràng về tình trạng thực sự của lịch sử loài người trong 40.000 năm qua. Lịch sử này hầu như không có gì giống câu chuyện mà mọi người chấp nhận. Thực tế là loài người đã không trải qua phần lớn thời gian sống thành những nhóm nhỏ. Nông nghiệp không đánh dấu một cái mốc không đảo ngược được của diễn biến xã hội. Những thành phố đầu tiên đã thường là rất bình đẳng. Mặc dù các nhà nghiên cứu đã đạt được sự đồng thuận của họ về tất cả những vấn đề trên, điều kỳ lạ là họ lại do dự trong việc thông báo những phát hiện của họ cho công chúng, hay cả cho giới đại học trong các ngành khác, và lại càng ít tự vấn về những hậu quả chính trị rộng hơn. Do đó, những nhà tư tưởng lớn khi suy nghĩ về “những câu hỏi lớn” của lịch sử nhân loại, như Jared Diamond, Francis Fukuyama và Ian Morris, tiếp tục xuất phát từ câu hỏi của Rousseau (“Đâu là nguồn gốc của bất bình đẳng xã hội?”) và giả định rằng lịch sử bắt đầu bằng một thứ sụp đổ xa rời sự ngây thơ nguyên thủy.

Chỉ riêng việc đặt vấn đề như vậy tương ứng với một loạt các giả định:

1.           Có tồn tại một điều mang tên “bất bình đẳng”

2.           Đó là một vấn đề

3.           Có một thời gian vấn đề này không tồn tại

Hiển nhiên là từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và những xáo trộn nó gây ra, “vấn đề bất bình đẳng xã hội” đã trở thành trung tâm của thảo luận chính trị. Có vẻ như có một sự đồng thuận rõ ràng trong giới trí thức và chính trị gia: mức độ các bất bình đẳng sẽ gia tăng nhanh vượt khỏi vòng kiểm soát; bằng cách này hay cách khác, hầu hết các vấn đề của thế giới là hậu quả của bất bình đẳng. Một quan điểm như vậy có thể được xem như đặt lại vấn đề các cấu trúc quyền lực toàn cầu. Nhưng hãy nghĩ đến cách thảo luận những vấn đề này của thế hệ trước. Ngược lại với các thuật ngữ như “tư bản” hay “quyền lực của giai cấp”, từ ngữ “bình đẳng” hầu như được xây dựng để dẫn tới những giải pháp nửa vời và thỏa hiệp. Có thể hình dung sự lật đổ chủ nghĩa tư bản hay hủy bỏ quyền lực của nhà nước, nhưng loại trừ bất bình đẳng thì khó hình dung hơn nhiều. Và điều đó có nghĩa là gì, khi mà con người không giống nhau và không một ai thực sự mong muốn họ giống nhau cả?

“Bất bình đẳng” là một cách đặt các vấn đề xã hội phù hợp với những nhà cải cách kỹ trị, với những người giả định ngay từ đầu rằng mọi quan niệm về sự biến đổi xã hội đã ra khỏi lĩnh vực chính trị từ lâu. Cách tiếp cận này cho phép lắp ghép các con số, tranh luận về các hệ số Gini và các ngưỡng của rối loạn chức năng, điều chỉnh các chế độ thuế khóa và cơ chế của Nhà nước-phúc lợi, và cả việc gây sốc cho công chúng với những con số chứng minh cho tình trạng suy thoái (“Quí vị có tưởng tượng được không, 0,1% dân số thế giới kiểm soát hơn 50% của cải!”), mà không hề đụng chạm đến bất kỳ một yếu tố nào đang bị dân chúng phản đối trong khuôn khổ những bố trí xã hội đầy bất công. Ví dụ, một số người có khả năng biến đổi của cải của họ thành quyền lực đối với người khác, hoặc là làm cho những người khác cuối cùng tin rằng các nhu cầu của họ là không quan trọng, rằng sự sống của họ không có giá trị tự thân. Họ làm cho chúng ta tin rằng những tình trạng như vậy là hậu quả không tránh khỏi của bất bình đẳng và bất bình đẳng lại là hậu quả không tránh khỏi của đời sống trong một xã hội đô thị rộng lớn, phức tạp, và tiến bộ về công nghệ. Đây là thông điệp chính trị thực sự được truyền đi từ những gợi ý bất tận về một thời kỳ ngây thơ đã tồn tại trước khi phát minh ra khái niệm bất bình đẳng: nếu chúng ta muốn hoàn toàn loại bỏ những vấn đề như thế thì chúng ta phải bằng cách này hay cách khác loại bỏ 99,9% dân số thế giới và chúng ta lại trở về với những nhóm hái lượm nhỏ. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta không thể hy vọng gì hơn là điều chỉnh kích thước của chiếc giày ống sẽ đè bẹp chúng ta, mãi mãi (giày ống bằng gỗ hoặc bằng sắt là một dụng cụ tra tấn tàn bạo ngày xưa - ND), hoặc một số người trong chúng ta có thể giành được một một khả năng hạn hẹp nào đó giúp họ tạm thời xa lánh con đường này.

Từ nay, khoa học xã hội truyền thống dường như hướng đến mục đích tăng cường tình trạng nản chí này. Hầu như mỗi tháng chúng ta lại đối diện với những ấn phẩm đang cố công phóng chiếu mối ám ảnh hiện tại đối với việc phân phối của cải từ đầu cho đến thời đại Đồ đá, điều này đưa chúng ta đến một cuộc tìm kiếm sai lạc về “các xã hội bình đẳng” được định nghĩa theo cách khiến chúng không thể nào tồn tại ngoài các nhóm nhỏ người hái lượm (mà chúng cũng không thể tồn tại ngay trong trường hợp này). Trong bài báo này, chúng tôi cố gắng làm hai việc. Trước hết, chúng tôi sẽ dành một ít thời gian để khảo sát điều gì đang xảy ra trong lĩnh vực này đối với những người am hiểu vấn đề nhằm phát hiện các luật chơi, đặc biệt là giới đại học hiện nay với vẻ bề ngoài là những người tinh tế nhất đã tái tạo được niềm tin phổ biến vốn đứng vững tại Pháp hay tại Scotland cứ cho là vào năm 1760. Sau đó chúng tôi sẽ cố gắng đặt nền tảng cho một câu chuyện hoàn toàn khác. Đây chủ yếu là một công việc khai phá. Chúng tôi nghiên cứu những câu hỏi quá to lớn và những vấn đề quá quan trọng phải cần nhiều năm nghiên cứu và thảo luận để có thể bắt đầu hiểu đầy đủ mọi vấn đề liên quan. Nhưng chúng tôi nhấn mạnh một điểm. Từ bỏ câu chuyện về sự sụp đổ ra ngoài tình trạng ngây thơ nguyên thủy không có nghĩa là rời xa những giấc mơ về giải phóng loài người, nghĩa là câu chuyện về một xã hội ở đó không ai có thể biến quyền sở hữu của họ thành phương tiện hạ thấp người khác vào thân phận nô lệ, và ở đó không ai nghe nói rằng sự sống và những nhu cầu của họ là không đáng kể. Trái lại là khác. Lịch sử loài người trở nên thú vị hơn nhiều và hàm chứa nhiều thời điểm mang đầy hy vọng rằng chúng ta đã được dẫn dắt để tưởng tượng ra nó một khi chúng ta được giải phóng khỏi những trói buộc của khái niệm và nhận ra điều gì đã thực sự tồn tại.

Các tác giả đương đại nói về nguồn gốc của bất bình đẳng xã hội, hay không ngừng trở về với Jean-Jacques Rousseau

Hãy bắt đầu bằng cách phác họa lí thuyết phổ biến về diễn tiến chung của lịch sử loài người. Nó gần như thế này:

Trong khi tấm màn được vén lên về lịch sử loài người cách đây khoảng 200.000 năm, từ khi người tinh khôn Homo sapiens xuất hiện, người ta tìm thấy loài người chúng ta sống thành từng nhóm nhỏ di động gồm từ 20 đến 40 người. Họ di chuyển để tìm kiếm những vùng đất tốt nhất cho săn bắt và hái lượm, đuổi bắt súc vật, hái lượm hạt dẻ và quả mọng (berries). Khi các nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm hay những căng thẳng xã hội xuất hiện, sự đáp trả của họ là tiếp tục đi tới hay di chuyển đi nơi khác. Đời sống của những con người sơ khai này mà chúng ta cảm nhận như thời thơ ấu của nhân loại có nhiều nguy hiểm nhưng cũng có nhiều khả năng. Có ít của cải vật chất, nhưng thế giới là một nơi còn nguyên vẹn và ân cần niềm nở. Phần lớn dân cư chỉ làm việc vài giờ mỗi ngày và qui mô nhỏ của nhóm cho phép duy trì một tình thân thoải mái, không có những cơ cấu thống trị chính thức. Khi Rousseau viết vào thế kỷ XVIII, ông mệnh danh tình trạng này là “trạng thái tự nhiên, nhưng ngày nay ta ngờ rằng nó bao gồm phần lớn lịch sử cụ thể của loài người. Người ta cũng tưởng rằng đó là thời kỳ duy nhất mà con người đã được sống trong những xã hội bình đẳng đích thực, không có giai cấp, đẳng cấp, lãnh tụ cha truyền con nối hoặc chính quyền tập trung.

Tiếc thay, thực tế sung sướng này cuối cùng phải kết thúc. Theo tài liệu truyền thống về lịch sử thế giới, sự kết thúc xảy ra cách đây 10.000 năm, khi thời kỳ băng hà cuối cùng khép lại.

Vào thời kỳ này, ta thấy các tác nhân là con người theo tưởng tượng của chúng ta phân tán trên các lục địa, bắt đầu thu hoạch mùa màng của chính họ và chăn nuôi gia súc của mình. Dù với bất kỳ lý do cục bộ nào (còn đang tranh luận), hậu quả là to lớn và giống nhau ở mọi nơi. Bám vào lãnh thổ và sở hữu tư nhân đạt một tầm quan trọng chưa từng có: kèm theo là những xung đột lẻ tẻ và chiến tranh. Nông nghiệp sản xuất ra thực phẩm thặng dư tạo điều kiện cho một số người tích lũy của cải và gây uy tín rộng ra ngoài nhóm huyết thống gần gũi. Một số khác lợi dụng việc giải phóng khỏi việc tìm kiếm thức ăn để phát triển những năng lực mới: họ chế tạo vũ khí, dụng cụ, xe cộ và xây thành bảo vệ tinh xảo hơn và tham gia vào chính trị và tôn giáo có tổ chức. Kết quả là, những “nông dân thời Đồ đá mới” nhanh chóng có khả năng đánh giá và kiểm soát những người láng giềng săn bắt-hái lượm, và quyết định loại bỏ hay đồng hóa họ vào một lối sống mới cao hơn, mặc dù là bất bình đẳng hơn.

Lịch sử vẫn tiếp tục, và để làm cho mọi việc phức tạp hơn, nông nghiệp bảo đảm một mức gia tăng tổng quát cho các tầng lớp dân cư. Khi con người di chuyển đến những vùng tập trung dân cư ngày càng lớn, tổ tiên chúng ta lại tiến đến gần bất bình đẳng, một cách vô tình nhưng không đảo ngược được. Cách đây 6.000 năm, các thành phố xuất hiện và cuộc chơi đã hoàn thành. Cùng với thành phố xuất hiện nhu cầu có một chính quyền tập trung. Những tầng lớp mới như viên chức, tu sĩ và binh sĩ-chính khách chiếm giữ những chức vụ thường xuyên để duy trì trật tự và bảo đảm cung cấp thực phẩm và dịch vụ công thường nhật. Phụ nữ ngày xưa nắm giữ những vị trí đặc biệt cao trong quản lý các sự vụ của con người nay bị giam hãm trong các trong các hậu cung. Tù nhân chiến tranh bị biến thành nô lệ. Bất bình đẳng thực sự đã đến và không thể gỡ bỏ nó. Tuy nhiên, những người kể chuyện trấn an rằng không phải tất cả đều xấu trong sự phát triển của văn minh đô thị. Chữ viết được sáng tạo, trước hết là để gìn giữ sổ sách của Nhà nước, nhưng chữ viết đã nhanh chóng tạo thuận lợi cho những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và nghệ thuật. Trả giá bằng sự ngây thơ của chúng ta, chúng ta trở thành những con người hiện đại và từ nay chúng ta chỉ có thể xem xét với lòng trắc ẩn và cả ganh tỵ một vài xã hội “cổ truyền” hay “sơ khai” đã lỡ chuyến tàu.


Chúng tôi đã nói câu chuyện này là nền tảng cho tất cả cuộc thảo luận hiện thời về bất bình đẳng. Ví dụ nếu có một chuyên gia về quan hệ quốc tế hay một nhà tâm lý học lâm sàng mong muốn suy nghĩ về những chủ đề này, chắc chắn họ xem như đương nhiên chấp nhận rằng trong phần lớn lịch sử loài người, chúng ta sống thành từng nhóm nhỏ bình đẳng, hay sự phát triển đô thị cũng có nghĩa là sự phát triển của Nhà nước. Cũng gặp điều tương tự như vậy trong những tác phẩm rất mới nhằm mục đích xem xét tổng quan về thời tiền sử để rút ra những kết luận chính trị liên quan đến đời sống hiện thời. Hãy xem tác phẩm của Francis Fukuyama The Origins of Political Order: From Prehuman Times to the French Revolution (Nguồn gốc của trật tự chính trị: Từ thời trước khi con người xuất hiện đến Cách mạng Pháp):

Trong những giai đoạn đầu, tổ chức chính trị của loài người tương tự như xã hội theo nhóm quan sát được ở loài linh trưởng cao cấp như loài tinh tinh. Có thể xem điều này là hình thức mặc định của tổ chức xã hội… Rousseau đã nhấn mạnh rằng nguồn gốc của bất bình đẳng chính trị nằm ở sự phát triển nông nghiệp, và ông hầu như hoàn toàn có lý về vấn đề này. Thực vậy, trong các xã hội theo nhóm, quyền tư hữu không tồn tại theo bất kỳ cách hiểu nào ngày nay. Giống như các nhóm tinh tinh, những người săn bắt và hái lượm sống trong một vùng lãnh thổ mà họ giám sát và có khi đánh nhau vì lãnh thổ ấy. Nhưng họ ít hăng hái hơn nông dân trong việc xác định ranh giới của mảnh đất và nói: Cái này là của tôi!”. Nếu lãnh thổ của họ bị nhóm khác xâm chiếm, hoặc bị những tên cướp nguy hiểm xâm nhập, các xã hội theo nhóm có thể có cách lựa chọn đơn giản là dời đi nơi khác, vì mật độ dân số rất thấp. Các xã hội theo nhóm có mức độ bình đẳng rất cao… Việc điều khiển được giao cho những cá nhân nhờ vào phẩm chất của họ như sức mạnh, trí thông minh và có uy tín, tin cậy được, nhưng xu hướng là chuyển từ cá nhân này sang cá nhân khác.


Jared Diamond (1937-)

Jared Diamond, trong tác phẩm World Before Yesterday: What Can We Learn from Traditional Societies? (Thế giới trước ngày hôm qua: Chúng ta có thể học được gì từ các xã hội cổ truyền?), đưa ra giả thuyết là những nhóm như vậy (các nhóm tạo nên các xã hội loài người “cách đây 11.000 năm) không bao gồm “nhiều hơn 12 người”, hầu hết có ràng buộc huyết thống với nhau. Họ có một đời sống khắc khổ “săn bắt và hái lượm động vật hoang dã và các loài thảo mộc sinh sống trong vòng một nửa mẫu (hecta) rừng (tại sao nửa mẫu? Ông không bao giờ giải thích). Và theo Diamond, đời sống xã hội của họ thật là giản dị đáng mơ ước. Các quyết định đạt được thông qua “thảo luận mặt đối mặt”. Có ít “tài sản cá nhân” và “không có lãnh đạo chính trị chính thức và không đẩy mạnh chuyên môn hóa kinh tế”. Diamond kết luận rằng đáng tiếc là chỉ có trong các nhóm sơ khai như thế con người mới đạt được một mức độ đáng kể về bình đẳng xã hội.

Theo Diamond và Fukuyama, cũng như theo Rousseau nhiều thế kỷ trước, luôn luôn và ở khắp nơi, chính sự phát minh ra nông nghiệp và gia tăng dân số nhờ phát triển nông nghiệp đã chấm dứt bình đẳng. Nông nghiệp đã kéo theo sự chuyển đổi từ nhóm qua bộ lạc. Tích lũy thặng dư thức ăn đã nuôi nuôi sống dân số gia tăng, điều này đã khiến một số “bộ lạc” trở thành những xã hội có thứ bậc gọi là “địa hạt tù trưởng”. Fukuyama đề ra một hình ảnh hầu như mang tính chất Kinh Thánh về hiện tượng này, như sự ra đi khỏi vườn địa đàng Eden: “Khi các nhóm nhỏ của con người di cư và thích nghi với nhiều môi trường khác nhau, họ bắt đầu thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên đồng thời phát triển các định chế xã hội mới.” Họ đánh nhau vì các nguồn tài nguyên. Giống như những kẻ dậy thì cao lêu nghêu, các xã hội này sẽ đối diện với những rắc rối.

Đã đến lúc phải lớn lên và chỉ định một lãnh đạo thực sự. Trước đó đã lâu, những người chỉ huy đã tự xưng danh vua, thậm chí là hoàng đế. Không có lý do gì để chống lại. Tất cả những điều đó là không thể tránh khỏi một khi con người đã chấp nhận những hình thức tổ chức lớn và phức tạp. Ngay cả khi các thủ lĩnh hành xử sai, bằng cách họ là người đầu tiên giành lấy phần tốt nhất của thặng dư nông nghiệp để đề bạt thuộc hạ và bà con thân thuộc, cho họ hưởng qui chế thường xuyên và thừa kế, sưu tập các sọ và hậu cung những phụ nữ-nô lệ, thậm chí moi tim của kẻ thù với những nhát dao bằng đá vỏ chai, thì không còn đường thối lui. Diamond khẳng định rằng “những nhóm dân số quan trọng không thể vận hành nếu không có thủ lĩnh ra quyết định, không có các cấp quản lý để thực hiện các quyết định này, và không có viên chức để áp dụng các quyết định và luật lệ. Tiếc thay cho các độc giả vô chính phủ của chúng tôi đang mơ về việc hủy bỏ một chính phủ của nhà nước, và đây là lý do vì sao ước mơ của các bạn là phi thực tế: phải tìm được một nhóm nhỏ hay một bộ lạc niềm nở chào đón, không có người lạ, không cần vua, chủ tịch hay viên chức”.

Đó là một kết luận u tối, không những đối với những người vô chính phủ mà cho tất cả những ai đang tự hỏi có hay không một hệ thống vững vàng thay thế cho nguyên trạng. Nhưng điểm nổi bật là mặc dù với giọng điệu tự phụ, những tuyên bố này không dựa trên nền tảng những bằng chứng khoa học. Không có lý do gì để tin rằng những nhóm qui mô nhỏ đặc biệt có xu hướng bình đẳng, hay những nhóm đông hơn bắt buộc phải cần đến vua, chủ tịch hay viên chức. Đó chỉ là những định kiến được khẳng định như là những thực tế.


Joyce Marcus (1948-)

Trong trường hợp của Fukuyama và Diamond, ít nhất ta có thể nói là họ không được đào tạo trong những ngành liên quan đến những nghiên cứu này. Fukuyama có chuyên ngành là khoa học chính trị, và Diamond có luận án tiến sĩ về sinh lý học túi mật. Tuy nhiên, ngay cả các nhà khảo cổ học hay nhân học, khi họ thử tường thuật toàn cảnh, chính họ cũng có một xu hướng kỳ dị là cuối cùng cũng đề nghị một biến đổi nhỏ trên ý tưởng của Rousseau. Trong tác phẩm The Creation of Inequality: How our Prehistoric Ancestors Set the Stage for Monarchy, Slavery, and Empire (Sự sáng tạo bất bình đẳng: Tổ tiên thời tiền sử của chúng ta đã thiết lập chế độ quân chủ, chế độ nô lệ và đế chế như thế nào), Kent Flannery và Joyce Marcus, hai học giả đại học xuất sắc, trình bày trên gần 500 trang những trường hợp điển cứu về dân tộc học và khảo cổ học nhằm giải mã bí ẩn này. Nếu hai tác giả chấp nhận rằng các định chế bao hàm hệ thống thứ bậc hay tình trạng nô lệ cũng được các tiền nhân thời kỳ băng hà biết đến, nhưng hai tác giả nhấn mạnh rằng chủ yếu họ trải nghiệm những điều này trong mối quan hệ với thế giới siêu nhiên (linh hồn tổ tiên, v.v.). Hai tác giả đề nghị hãy xem việc phát minh ra nông nghiệp đã dẫn đến sự xuất hiện của các “thị tộc” hay “dòng họ” đông người hơn và song song đó việc giao tiếp với các linh hồn và người chết đã trở thành con đường đạt đến uy quyền thế tục (nhưng họ không giải thích chính xác như thế nào). Theo Flannery và Marcus, một bước lớn tiếp theo trên con đường tiến đến bất bình đẳng là do khi một vài người trong thị tộc có tài năng hay danh tiếng vượt bậc - những chuyên gia chữa bệnh, những chiến binh và những người có tài năng khác - được chấp thuận chuyển cương vị của họ cho hậu duệ mà không cần xem xét tài năng và năng lực của những người này. Một cách tổng quát, đó là những nền tảng tất yếu đưa đến sự hình thành các đô thị, chế độ quân chủ, chế độ nô lệ và các đế chế. Một khía cạnh đáng ngạc nhiên của quyển sách của Flannery và Marcus là họ nói đến những bằng chứng khảo cổ học chỉ khi đề cập đến thời kỳ hình thành các Nhà nước và đế chế. Trái lại, tất cả các giai đoạn cốt yếu của câu chuyện về “sự sáng tạo ra bất bình đẳng” lại dựa vào những mô tả tương đối mới về những người hái lượm, chăn nuôi và trồng trọt trong những nhóm nhỏ, như người Hadza trong vùng thung lũng phía đông châu Phi hay người Nambikwara sống trong rừng Amazon. Những tường thuật như vậy về các “xã hội truyền thống” được xem như thể là những cửa sổ mở ra thời đại Đồ đá cũ và thời đại Đồ đá mới. Vấn đề là cả người Hadza lẫn người Nambikwara không phải là những hóa thạch đang sống. Từ hàng ngàn năm nay, họ đã tiếp xúc với các Nhà nước và đế chế nông nghiệp, kẻ cướp và thương buôn và những định chế xã hội của họ đã được hình thành do những dân tộc này cố gắng tiến đến gần hoặc tránh xa chúng. Cùng lắm chỉ có khảo cổ học mới có thể cho chúng ta thấy họ đã có điều gì chung với các xã hội thời tiền sử. Kết luận là nếu Flannery và Marcus đề nghị với chúng ta những nhận định lý thú về cách mà các bất bình đẳng có thể xuất hiện trong các xã hội loài người, họ cũng cung cấp ít yếu tố để thuyết phục chúng ta về sự thực của quá trình mà họ mô tả.


Ian Morris (1960-)

Điểm cuối cùng, hãy xem xét quyển sách của Ian Morris Foragers, Farmers, and Fossil Fuels: How Human Values Evolve (Người cắt cỏ, Nông dân, và nhiên liệu hóa thạch: Những giá trị của loài người diễn biến như thế nào). Trong đó Morris theo đuổi một mục tiêu trí thức hơi khác, vì đó là sự đối thoại giữa các phát hiện về khảo cổ, lịch sử cổ đại và nhân học với những công trình của các nhà kinh tế học như những nghiên cứu của Thomas Piketty về những nguyên nhân của các bất bình đẳng hiện nay trên qui mô toàn cầu hay tác phẩm thiên về chính sách của Tony Atkinson Inequality: What can be Done? (Bất bình đẳng: có thể làm gì?). Morris cho chúng ta biết rằng “Thời gian dài” của lịch sử loài người có điều gì đó quan trọng cần nói với chúng ta về những vấn đề này, nhưng chỉ khi chúng ta có thể xây dựng trước tiên một thước đo đồng nhất về bất bình đẳng áp dụng cho toàn bộ hiện tượng này qua thời gian và không gian. Để làm được điều đó, Morris diễn dịch các “giá trị” của những người săn bắt-hái lượm từ thời kỳ băng hà và của nông dân thời đại Đồ đá mới thành những thuật ngữ quen thuộc với các nhà kinh tế học hiện nay, và ông dùng chúng để thiết lập các hệ số Gini và các tỷ lệ bất bình đẳng. Thay vì dùng khái niệm bất công về mặt trí tuệ mà Flannery và Marcus nhấn mạnh, Morris đề nghị với chúng ta một cách nhìn dứt khoát duy vật bằng cách chia lịch sử loài người theo ba yếu tố căn bản nêu trong tựa tác phẩm của ông, tùy theo cách mà con người chuyển sức nóng. Ông gợi ý rằng mỗi xã hội có một mức độ “tối ưu” về bất bình đẳng xã hội - điều mà Pickett và Wilkinson gọi là “ống bọt nước” tổng hợp (máy thủy chuẩn-ND) - tương ứng với phương thức khai thác năng lượng được áp dụng vào thời đó.


Tony Atkinson (1944-)

Trong một bài báo năm 2015 công bố trên New York Times, Morris cung cấp các số liệu cụ thể, thu nhập của người thời sơ khai quy ra đô la (trị giá năm 1990)[1]. Ông cũng giả định rằng những người săn bắt-hái lượm vào thời kỳ băng hà cuối cùng chủ yếu sống thành nhóm nhỏ di động. Kết quả là họ tiêu thụ rất ít, tương đương 1,10 đô la/ngày, theo ước tính của Morris. Do đó, hệ số Gini là khoảng 0,25, nghĩa là trị số tối thiểu mà công cụ đo lường này có thể đạt đến: thật vậy, có rất ít của cải hay tư bản thặng dư cho tầng lớp tinh hoa tương lai chiếm hữu. Theo Morris, các xã hội nông nghiệp, bao gồm từ làng Çatalhöyük của thời kỳ Đồ đá mới cách đây 9.000 năm, nước Trung Hoa của Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan) đến nước Pháp của vua Louis XIV có đông dân hơn và giàu có hơn. Mức tiêu thụ trung bình từ 1,50 đến 2,20 đô la/ngày và có thiên hướng tích lũy của cải thặng dư, nhưng phần đông dân cư làm việc cực nhọc hơn và trong những điều kiện xấu hơn nhiều. Vậy là các xã hội nông nghiệp nghiêng về những mức độ bất bình đẳng cao hơn.

Lẽ ra các xã hội dựa trên năng lượng hóa thạch đã phải thay đổi thực trạng này bằng cách giải phóng chúng ta khỏi công việc tay chân nặng nhọc và đưa chúng ta trở lại với các hệ số Gini phải chăng hơn và gần với hệ số của thời kỳ săn bắt-hái lượm của tổ tiên chúng ta. Có một lúc, những thay đổi này đã ló dạng nhưng vì một lý do kỳ lạ, mà Morris không thể hiểu được hết, xu hướng lại bị đảo ngược và của cải lại tập trung vào tay một tầng lớp tinh hoa rất nhỏ trên thế giới.

Nếu những khúc quanh của lịch sử kinh tế trong 15.000 năm gần đây và ý chí của dân cư có thể được xem là những chỉ dẫn, mức bất bình đẳng về thu nhập “tốt” sau thuế dường như nằm giữa mức 0,25 và 0,35. Mức bất bình đẳng của của cải nằm giữa 0,70 và 0,80. Ngày nay, rất nhiều nước vượt cao hơn những mốc cao của những ước lượng này, điều này khiến ta nghĩ rằng Piketty đã có lý khi dự báo những xáo trộn. Những điều chỉnh quan trọng theo tinh thần kỹ trị có vẻ được đưa lên chương trình nghị sự!

Marshall Sahlins (1930-)

Thomas Piketty (1971-)

Nhưng ta hãy bỏ qua một bên những khuyến nghị của Morris và tập trung vào một con số: thu nhập 1,10 đô la/ ngày của thời kỳ Đồ đá cũ. Chính xác là con số này từ đâu ra? Có lẽ những tính toán gắn với giá trị năng lượng của khẩu phần ăn hàng ngày, nhưng so sánh giá trị này với thu nhập hàng ngày hiện nay đòi hỏi phải tính đến tất cả những thứ mà những người hái lượm thời kỳ Đồ đá cũ đã có được một cách miễn phí trong khi ngày nay chúng ta phải trả: tất cả là miễn phí: an ninh, trung gian hòa giải các xung đột, giáo dục tiểu học, chăm sóc người cao tuổi, y tế, thuốc men, và không quên các chi phí cho giải trí, âm nhạc, kể chuyện và các hoạt động tôn giáo. Ngay cả vấn đề thực phẩm, ta phải xem xét chất lượng của nó: thật vậy, ở đây ta nói về những sản phẩm sinh học 100% và bảo đảm được trồng ngoài trời, tắm gội trong nguồn nước suối thiên nhiên trong sạch nhất. Nhưng hãy xem xét những chi phí đi cắm trại cho những lần cắm trại đầu tiên thời Đồ đá cũ dọc theo sông Dordogne hay sông Vézère, những lớp học vẽ cao cấp buổi tối trên đá hay điêu khắc ngà voi: và những áo choàng bằng lông thú. Có lẽ tất cả những thứ đó có giá cao hơn 1,10 đô la/ngày nhiều vào năm 1990. Không phải khi không mà Marshall Sahlins cho rằng xã hội của những người hái lượm là xã hội phồn thịnh nguyên thủy. Một lối sống như vậy không hề rẻ!


Walter Scheidel (1966-)

Nếu tất cả những điều này có vẻ hơi ngu xuẩn, thì đây là quan điểm của chúng tôi: vì ngày càng giản lược lịch sử thế giới vào các hệ số Gini, nên hậu quả cũng sẽ ngu xuẩn và gây nản lòng. Ít nhất Morris cũng nhận ra có điều gì đó bị lệch trong sự gia tăng nhanh chóng gần đây của bất bình đẳng trên qui mô toàn cầu. Trái lại, nhà sử học Walter Scheidel đã đẩy những nghiên cứu về lịch sử loài người theo kiểu Piketty đến một chung kết đáng buồn. Trong quyển sách của ông năm 2017 The Great Leveler: Violence and the History of Inequality from the Stone Age to the Twenty-First Century (Sự san bằng vĩ đại: Bạo lực và lịch sử của bất bình đẳng từ thời đại Đồ đá đến thế kỷ 21), ông kết luận rằng chúng ta không thể làm được gì chống lại bất bình đẳng. Văn minh luôn luôn đặt quyền hành vào một nhóm tinh hoa rất nhỏ và họ tự giành lấy một phần ngày càng lớn của cái bánh. Chỉ có những thảm họa mới có thể lật đổ được họ: chiến tranh, dịch bệnh, sự tham gia quân đội của dân chúng, sự đau đớn nói chung và cái chết. Những biện pháp nửa vời không bao giờ thành công. Chừng nào ta chưa muốn trở lại sống trong hang động hay chết trong một thảm họa tận diệt hạt nhân (giả định rằng thảm họa này sẽ đưa những người sống sót vào sống trong hang động!), thì đành phải chấp nhận sự tồn tại của Warren Buffett và của Bill Gates.

Scotty MacNeish (1918-2001)

Giải pháp tự do thay thế là gì? Flannery và Marcus, vốn đã rõ ràng thuộc truyền thống Rousseau, kết thúc cuộc điều tra của họ bằng kết luận hữu ích này:

“Ngày trước chúng tôi đã đề cập chủ đề này với Scotty MacNeish, một nhà khảo cổ học đã trải qua bốn mươi năm nghiên cứu những diễn biến xã hội. Chúng tôi tự hỏi làm thế nào để xã hội chúng ta bình đẳng hơn? Sau một cuộc trao đổi ngắn với bạn của ông, Jack Daniels, MacNeish đã trả lời “Hãy để những người săn bắt và hái lượm hành động”?

Có phải chúng ta đã thực sự đâm đầu vào những xiềng xích của chúng ta?


Điều lạ lùng thực sự của những nhắc nhở liên tục về trạng thái tự nhiên ngây thơ theo Rousseau mà chúng ta rơi ra từ đó là Rousseau chưa bao giờ cho rằng nó đã thực sự tồn tại. Đó chỉ là một thí nghiệm về tư tưởng. Trong tác phẩm Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes (Luận về nguồn gốc và nền tảng của bất bình đẳng của loài người), nguồn gốc của phần lớn lịch sử ta được nghe kể và lặp lại, ông viết: l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes (Luận về nguồn gốc và nền tảng của bất bình đẳng của loài người), nguồn gốc của phần lớn lịch sử ta được nghe kể và lập lại, ông viết:

Không nên xem những nghiên cứu có đề cập đến chủ đề này là những chân lý lịch sử, mà chỉ là những lập luận giả định và có điều kiện; thích hợp để làm rõ tính chất của các sự vật hơn là chỉ ra nguồn gốc thực sự.

Judith Shklar (1928-1992)

Tình trạng tự nhiên của Rousseau không bao giờ có mục đích mô tả một giai đoạn của phát triển. Nó cũng không giả định là tương đương với giai đoạn “hoang dã” khởi đầu các sơ đồ theo thuyết tiến hóa của Adam Smith, Ferguson, Millar và muộn hơn của Lewis Henry Morgan. Tất cả các tác giả này đều muốn xác định các mức độ phát triển xã hội và tinh thần tương ứng với các thay đổi lịch sử trong các phương thức sản xuất: hái lượm, chăn nuôi du mục, nông nghiệp, công nghiệp. Trái lại, chính là một ẩn ý so sánh mà Rousseau muốn trình bày. Như chuyên gia nổi tiếng về lý thuyết chính trị Judith Shklar, giáo sư tại Đại học Harvard, nhấn mạnh, thực ra Rousseau chú tâm tìm hiểu điều mà ông cho là nghịch lý căn bản của chính trị loài người: khát khao tự do từ bên trong chúng ta, bằng cách này hay cách khác, có thể luôn luôn dẫn đến “hành trình tự phát đi về các bất bình đẳng” như thế nào. Những lời của chính Rousseau: Tất cả đều đâm đầu vào những xiềng xích của họ với niềm tin bảo đảm tự do của mình; vì với đủ lý trí để cảm nhận những lợi ích của một thể chế chính trị, họ lại không có đủ kinh nghiệm để tiên đoán những mối hiểm nguy”. Tưởng tượng về tình trạng tự nhiên là một cách để minh họa hiện tượng này.

Rousseau không phải là người theo thuyết định mệnh. Ông tin rằng con người có thể gỡ bỏ những điều mà họ đã làm. Quả thật họ có thể tự giải phóng khỏi những xiềng xích trói buộc mình. Chỉ có điều không dễ. Theo Shklar, chính là căng thẳng “giữa khả năng và xác suất xảy ra” (nghĩa là khả năng giải phóng con người, tình huống có thể xảy ra là bị đặt trở lại vào một hình thức nô lệ tự nguyện) là một lực thúc đẩy những bài viết của ông về bất bình đẳng. Điều này có phần trớ trêu khi ta biết rằng sau Cách mạng Pháp nhiều người thuộc phe bảo thủ đã buộc tội cá nhân Rousseau chịu trách nhiệm về việc sử dụng máy chém. Họ kiên quyết khẳng định rằng phong trào Khủng bố trắng trong Cách mạng Pháp đã được sản sinh ra bởi nim tin ngây thơ vào lòng tốt tự nhiên của con người và tin rằng chỉ có những nhà trí thức mới có khả năng hình dung ra một trật tự xã hội bình đẳng hơn, và sau đó được áp đặt bởi “ý chí chung”. Tuy nhiên, ít nhân vật mà ngày nay ta lên án vì sự lãng mạn hay không tưởng của họ lại ngây thơ như vậy. Ví dụ, Karl Marx khẳng định rằng chính khả năng lý luận theo tưởng tượng tạo nên đặc điểm riêng có của con người. Khác với loài ong, con người tưởng tượng ra những ngôi nhà mà họ mong ước được ở trong đó trước khi bắt đầu xây dựng chúng. Tuy nhiên, Marx không tin là xã hội cũng sẽ như vậy. Không ai có thể áp đặt cho xã hội một sơ đồ kiến trúc. Làm như vậy là phạm phải lỗi theo “chủ nghĩa xã hội không tưởng” mà ông chỉ có xem thường. Trái lại, những người cách mạng phải nắm lấy ý tưởng những sức mạnh kiến tạo rộng lớn hơn đã tạo nên hình thù của dòng lịch sử thế giới để có thể khai thác những mâu thuẫn ngầm bên dưới. Ví dụ, do cạnh tranh kinh tế, mỗi chủ nhân nhà máy không trả thù lao tất cả công việc cho nhân công để họ cạnh tranh nhau, nhưng nếu tất cả họ hoàn thành việc này quá tốt, sẽ không còn ai có phương tiện mua được hàng hóa được sản xuất ra. Đó là quyền lực của hai ngàn năm Thánh Kinh: khi nói về diễn tiến của lịch sử loài người, ngay cả những người có óc thực tế triệt để nhất cũng rơi vào một vài tình tiết khác nhau chung quanh Vườn Địa Đàng: Sự sa ngã, theo Sáng Thế Ký, có nguyên nhân là sự tìm tòi tri thức một cách dại dột đồng thời là khả năng cứu thế trong tương lai. Bằng cách hòa nhập tình trạng tự nhiên theo Rousseau và ý tưởng các giai đoạn phát triển kế thừa từ phong trào Khai Minh Scotland, các đảng phái chính trị mác-xít đã nhanh chóng đề ra phiên bản của họ về câu chuyện này. Kết quả là có một công thức để tóm tắt lịch sử thế giới: nó bắt đầu bằng “chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy” bị thay thế bởi sự ra đời của tư hữu nhưng nó sẽ trở lại một ngày nào đó.

Phải thừa nhận rằng những người làm cách mạng, mặc dù tất cả viễn kiến lý tưởng của họ, đã không chứng tỏ được nhiều tưởng tượng, đặc biệt là khi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Mọi người đều kể cùng một câu chuyện. Có lẽ không phải là tình cờ nếu vào đầu thiên niên kỷ này, những phong trào cách mạng quan trọng và tân tiến nhất, như tổ chức Zapatista ở Chiapas (Mexico), hay người Kurde ở Rojava (Syria), cũng là những người gắn bó sâu sắc nhất với quá khứ cổ truyền của họ. Thay vì phải hình dung một tình trạng không tưởng sơ khai, họ có thể dựa vào một câu chuyện hỗn hợp và phức tạp hơn. Quả thực, dường như các giới cách mạng ngày càng thừa nhận rằng tự do, truyền thống và tưởng tượng đang và sẽ mãi mãi quyện vào nhau mà chúng ta không thể hiểu rốt ráo là như thế nào. Đã đến lúc những người khác bắt kịp sự chậm trễ của họ và bắt đầu xây dựng một phiên bản ngoài kinh thánh về lịch sử nhân loại.

Bây giờ có thể thay đổi dòng lịch sử (đã qua) như thế nào

Như thế, nghiên cứu khảo cổ học và nhân học từ thời Rousseau thực sự đã cho ta biết điều gì?

Vâng, trước tiên có lẽ là sai lầm khi bắt đầu bằng câu hỏi về “những nguồn gốc của bất bình đẳng”. Thực ra, trước lúc khởi đầu của thời đại mà ta gọi là Đồ đá cũ muộn, chúng ta không hề có một ý niệm gì về phần lớn đời sống của loài người. Yếu tố chính của các bằng chứng có được gồm những mảnh rời rạc đá mài, xương và vài vật liệu bền khác. Nhiều loài thuộc họ người cùng tồn tại; không hiển nhiên là có thể áp dụng một sự tương đồng dân tộc học nào đó. Các sự việc thu hút được một mối quan tâm nào đó kể từ chính thời kỳ Đồ đá cũ muộn, bắt đầu cách đây 45.000 năm bao gồm giai đoạn tối đa của thời kỳ băng hà và khí hậu trở lạnh (cách đây khảng 20.000 năm), được biết với tên gọi là Cực đại Băng hà cuối cùng. Tiếp theo kỷ băng hà lớn cuối cùng này xuất hiện những điều kiện khí hậu ấm áp hơn và các mảng băng hà lùi dần, cho tới kỷ địa chất Holocen hiện nay. Sau đó là những điều kiện ôn hòa hơn, mở đường cho người tinh khôn Homo sapiens - lúc đó đã cư trú trên phần lớn các lục địa cũ (Cựu Thế giới) - hoàn tất hành trình của họ đến Tân Thế giới, đi đến bờ biển phía nam của châu Mỹ cách đây khoảng 15.000 năm.

Thế nhưng chúng ta thực sự biết gì về thời kỳ này của lịch sử loài người? Phần lớn những dấu hiệu quan trọng của một tổ chức xã hội loài người từ thời Đồ đá cũ đến từ châu Âu, ở đó loài người của chúng ta cư trú cùng người Neanderthal, trước khi loài này bị tuyệt chủng vào khoảng 40.000 năm trước Công nguyên. (Việc tập hợp các dữ liệu về phần lãnh thổ này của thế giới có vẻ phản ánh một sự thiên lệch lịch sử về nghiên cứu khảo cổ học, hơn là một sự bất thường nào đó về chính châu Âu). Vào thời đó, và vào thời kỳ Cực đại Băng hà cuối cùng, những vùng có thể cư trú được của châu Âu thời kỳ băng hà giống như Công viên Serengeti ở Tanzanie hơn bất kỳ môi trường nào của châu Âu hiện đại. Về phía nam của các mảng băng hà, giữa vùng đài nguyên (đồng rêu - tundra) và bờ biển có rừng của Địa Trung Hải, lục địa châu Âu được phân chia giữa những thung lũng dồi dào thú rừng và thảo nguyên mà tùy theo mùa có các đàn hươu, bò rừng và voi ma-mút có lông len di cư đi băng qua. Trong nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu thời tiền sử - mặc dù không có kết quả rõ ràng - nhấn mạnh rằng những nhóm người sống trong các môi trường này không liên quan gì đến những người săn bắt - hái lượm vui vẻ, giản dị và bình đẳng như ta còn thường tưởng tượng đó là những tổ tiên lâu đời của chúng ta.

Felipe Fernández-Armesto (1950-)

Trước tiên không thể bác bỏ sự tồn tại của những ngôi mộ giàu có từ trong lòng đất thời kỳ băng hà. Một vài ngôi mộ như ở Sungir, về phía đông của Moskva, có từ 25.000 năm nay, được biết đến từ vài thập kỷ nay và lại là nổi tiếng. Felipe Fernández-Armesto, người phê bình tác phẩm Creation of Inequality (Sự sáng tạo bất bình đẳng) trên báo Wall Street Journal[2], đã biểu lộ sự ngạc nhiên rất chính đáng của mình vì sự quên lãng các ngôi mộ này: “Mặc dù họ biết rằng nguyên tắc kế thừa có trước nông nghiệp, ông Flannery và bà Marcus đã không thực sự thành công trong việc thoát khỏi ảo tưởng của trường phái Rousseau khi cho rằng nguyên tắc này bắt đầu với lối sống định cư. Từ đó, họ mô tả một thế giới không có quyền thừa kế cho đến khoảng 15.000 năm trước Công nguyên và ý định đó của họ khiến họ không biết đến một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất”. Bởi vì đào bới trong lớp đất đóng băng thường xuyên bên dưới các cơ sở thời Đồ đá cũ ở Sungir có ngôi mộ của một người đàn ông trung niên, và Fernández-Armesto nhấn mạnh, với “những dấu hiệu khủng khiếp không tưởng tượng được: những vòng đeo tay được mài giũa từ ngà voi ma-mút, một vương miện hay chiếc mũ bằng răng chồn, và gần 3000 hạt ngọc ngà voi được mài và điêu khắc tinh vi.” Và cách đó vài mét, trong một ngôi mộ giống hệt “có hai đứa trẻ, tuần tự khoảng 10 và 13 tuổi, được trang sức bằng những lễ vật tương tự - đáng chú ý là trong trường hợp trẻ lớn hơn, có 5000 hạt ngọc cũng tinh vi như của người lớn (mặc dù hơi nhỏ hơn) và một ngọn giáo lớn bằng ngà voi chạm trổ”.

Địa điểm mộ thời Đồ đá cũ ở Sungir, Nga. Nguồn: Wiki Commons

Những phát hiện như thế có vẻ chỉ chiếm rất ít chỗ trong tất cả các sách đã được đề cập đến. Dường như dễ thông cảm hơn khi thu hẹp những phát hiện này dưới dạng chú thích cuối trang nếu Sungir là một phát hiện đơn lẻ. Nhưng đây không phải như vậy. Những ngôi mộ giàu có đó ngày nay đã được xác nhận tồn tại trong những hang đá thời kỳ Đồ đá cũ muộn và những địa điểm lộ thiên tại phần lớn vùng Tây của Lục địa Á-Âu, từ sông Don đến sông Dordogne. Chẳng hạn, trong số đó người ta tìm thấy mộ “Dame de Saint-Germain-la-Rivière”, 16.000 năm tuổi, với đồ trang trí bằng răng của hươu con săn được cách đó 300 km, ở xứ Basque thuộc Tây Ban Nha; và những ngôi mộ vùng bờ biển Ligurie (Tây Bắc nước Ý - ND) - cũng lâu đời như Sungir - đáng chú ý là mộ “Il Principe”, một người đàn ông trẻ mà các phụ tùng bao gồm một vương trượng bằng đá lửa từ nơi khác, những cây gậy bằng gạc hươu wapiti (hươu Canada - ND) và một vương miện được trang trí bằng vỏ ốc đục lỗ và răng hươu. Những phát hiện này đã dấy lên những thách thức thôi thúc phải giải thích. Fernández-Armesto có lý chăng khi ông khẳng định đó là những bằng chứng của “một uy quyền thừa kế”? Những người này có địa vị gì trong đời sống?

Không kém phần gây tò mò là những dấu vết không liên tục nhưng không thể bác bỏ của một nền kiến trúc vĩ đại từ thời kỳ Cực đại Băng hà cuối cùng. Ý tưởng cho rằng ta có thể đo lường “sự vĩ đại” một cách tuyệt đối tất nhiên là quá giản đơn tương tự như ý tưởng lượng hóa mức tiêu dùng của thời kỳ băng hà bằng đô la. Đó là một khái niệm tương đối chỉ có ý nghĩa trong một bậc thang đặc biệt về giá trị và kinh nghiệm đã qua. Thế Pleistocen (thuộc kỷ địa chất Neogen-hay Kỷ Tân Cận - ND) không có các tương đương trực tiếp về qui mô như các kim tự tháp Gizeh hay như Đấu trường La Mã. Nhưng thế Peistocen có những công trình xây dựng mà theo tiêu chuẩn của thời đó chỉ có thể được xem là những công trình công cộng bao hàm một thiết kế tinh xảo và sự phối hợp công việc trên một qui mô đồ sộ. Trong số những công trình đó, có “những nhà của voi ma-mút” gây ấn tượng mạnh, được xây dựng với những tấm da ma-mút được căng kéo ra trên một kết cấu bằng ngà voi ma-mút mà người ta có thể tìm thấy những trường hợp như vậy (cách đây 15.000 năm) dọc theo một lát cắt của rìa băng hà nối Krakow hiện nay chạy dọc cho tới Kiev.

Càng đáng ngạc nhiên hơn là những ngôi đền bằng đá của địa điểm khảo cổ Göbekli Tepe, được khai quật cách đây 20 năm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, vẫn còn là một chủ đ tranh luận khoa học mãnh liệt. Với tuổi chừng 11.000 năm, vào cuối thời kỳ băng hà, những ngôi đền này gồm ít nhất 20 tường rào bằng những khối đá lớn được dựng lên khá cao trên các triền đồng bằng Harran ngày nay là vùng khô hạn. Mỗi tường rào được dựng bằng những cột đá vôi cao hơn 5 mét và nặng gần một tấn (tương tự như tiêu chuẩn của Stonehenge, và có trước nó 6.000 năm). Hầu hết các cột của Göbekli Tepe là những công trình nghệ thuật tuyệt vời, với những tranh phù điêu nổi lên với những con vật nguy hiểm phô bày một cách bạo liệt bộ phận sinh dục đực của chúng. Những con chim săn mồi xuất hiện bên cạnh hình ảnh những đầu người bị cắt. Những bức tranh xác nhận những tài năng điêu khắc đích thực, chắc chắn được mài giũa trên chất liệu gỗ mềm (gỗ một thời có nhiều ở vùng chân núi Taurus) trước khi được ốp vào đá mẹ ở Harran. Thật đáng ngạc nhiên, mặc dù tầm vóc của chúng, mỗi công trình của các cấu trúc to lớn này có một đời sống tương đối ngắn, kết thúc với các lễ hội lớn và việc lấp đầy các bức tường: các ngôi vị vươn lên tận trời chỉ với mục đích là sẽ nhanh chóng bị san bằng. Các diễn viên chính của vở diễn lễ hội thời tiền sử này, xây dựng rồi phá hủy, theo hiểu biết của chúng tôi, là những người săn bắt và hái lượm, chỉ sống nhờ vào các tài nguyên hoang dã.


Địa điểm khai quật Göbekli Tepe.
Nguồn: Flickr

Phải làm gì với những điều trên? Một câu trả lời về mặt học thuật là nên bỏ hoàn toàn ý tưởng về một thời bình đẳng vàng son, và kết luận rằng lợi ích cá nhân và thuần lý, cũng như việc tích lũy uy quyền là những sức mạnh bất di bất dịch đằng sau sự phát triển của các xã hội loài người. Nhưng điều này cũng không đứng vững. Những bằng chứng của bất bình đẳng mang tính thể chế trong những xã hội thời kỳ băng hà, dưới hình thức các ngôi mộ hoặc những công trình xây dựng khổng lồ cũng chỉ là tản mạn. Những ngôi mộ này cách xa nhau nhiều thế kỷ, và thường là hàng trăm cây số. Ngay cả khi chúng ta quy điều đó cho sự phát tán các dấu vết mà ta có được thì dù sao chúng ta cũng tự hỏi tại sao các dấu vết lại phân tán đến độ như vậy: sau cùng, nếu bất kỳ “ông hoàng” nào của thời kỳ băng hà cũng hành xử tương tự như các ông hoàng của thời đại Đồ đồng, ta cũng sẽ tìm thấy thành quách, kho dự trữ, lâu đài - tất cả những khía cạnh thông thường của các quốc gia mới hình thành. Trái lại, trong hàng chục ngàn năm, ta thấy các đền đài và những ngôi mộ tuyệt đẹp, nhưng rất ít những thứ biểu thị sự phát triển của những xã hội có cấp bậc. Cũng có những tác nhân khác còn kỳ lạ hơn nữa là những ngôi mộ có dáng dấp vua chúa nhất lại là của những cá nhân với những bất bình thường về thể xác nổi bật mà ngày nay ta gọi là người khổng lồ, gù lưng hay lùn.

Một nghiên cứu sâu hơn những phát hiện khảo cổ học đem lại một giải pháp cho bài toán này. Nó dựa trên nhịp độ theo mùa của đời sống xã hội thời tiền sử. Phần lớn những địa điểm thời Đồ đá cũ được đề cập cho đến nay được kết hợp với dấu vết của những lần tập hợp hàng năm hay mỗi hai năm, gắn với những đợt di cư của các đàn thú săn - ma-mút có lông len, bò rừng thảo nguyên, tuần lộc (3 trường hợp của Göbekli Tepe), linh dương - cũng như đánh bắt cá và thu hoạch hạt dẻ theo chu kỳ. Vào những lúc thời tiết ít ôn hòa trong năm, ít nhất một phần tổ tiên chúng ta của thời kỳ băng hà chắc chắn là sống thành từng nhóm hái lượm nhỏ. Nhưng có những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy vào những giai đoạn khác, họ tập hợp lại thành đám đông chung quanh những loại “vi đô thị” được phát hiện ở Dolní Věstonice, trong đồng bằng Moravia (Cộng Hòa Séc - ND), ở phía nam của Brno, họ tổ chức lễ hội với các tài nguyên hoang dã dồi dào quá mức, tham gia vào những nghi thức phức tạp, những dự án nghệ thuật đầy tham vọng, đồng thời trao đổi các khoáng vật, vỏ sò biển, lông thú giữa những vùng cách xa nhau đến kinh ngạc. Những nơi tương đương với các địa điểm tập hợp theo mùa này ở Tây Âu có thể là những hang đá trú ẩn lớn trong vùng Périgord của Pháp hay trên bờ biển Cantabria của Tây Ban Nha, với những tranh vẽ và tranh khắc chạm nổi tiếng, tạo thành một phần của những chu kỳ tập hợp và phân tán hàng năm.

Khía cạnh theo mùa này của đời sống xã hội kéo dài rất lâu sau khi “phát minh nông nghiệp” được giả định là thay đổi mọi điều. Những phát hiện mới cho thấy những hoạt động xen kẽ này có lẽ là quan trọng để hiểu những công trình của thời kỳ Đồ đá mới ở đồng bằng Salisbury, chứ không phải chỉ có tính tượng trưng về lịch thời gian.

Stonehenge thật ra chỉ là yếu tố cuối cùng của một loạt dài những cấu trúc nghi lễ, được dựng lên bằng gỗ cũng như bằng đá khi các cá nhân hội tụ về đồng bằng từ những miền xa xôi của các đảo của nước Anh, vào những thời kỳ đặc biệt trong năm. Những khai quật khảo cổ tỉ mỉ đã cho thấy nhiều cấu trúc này - bây giờ có lẽ được cho là những công trình nhằm vinh danh các bậc tiền bối của những triều đại hùng mạnh thời kỳ Đồ đá mới - đã bị tàn phá chỉ vài thế hệ sau khi chúng được xây dựng. Một cách đáng ngạc nhiên hơn nữa, tục lệ xây dựng rồi tàn phá những công trình lớn trùng hợp với một thời kỳ mà các dân cư của nước Anh, vốn đã tiếp nhận kinh tế nông nghiệp thời kỳ Đồ đá mới từ châu Âu lục địa, dường như quay lưng với ít nhất là một trong những khía cạnh cốt yếu của nó, bằng cách rời bỏ trồng trọt ngũ cốc và hướng về thu hoạch hạt dẻ như là nguồn thực phẩm nền tảng - vào khoảng năm 3300 trước Công nguyên. Bằng cách giữ những đàn gia súc, và nhờ chúng mà họ có thể làm lễ hội theo mùa chung quanh Durrington Walls (Nằm trong quần thể di sản Stonehenge, Salisbury, Anh Quốc - ND), những người xây dựng Stonehenge có vẻ như không phải là người hái lượm hay nông dân, mà là một loại ở giữa hai loại người này. Và nếu có một cái gì như một triều đình vua chúa trị vì trong mùa lễ hội, khi họ tập họp đông đảo, thì triều đình này chỉ có thể giải tán trong phần lớn thời gian trong năm, khi cũng những người này lại ra đi phân tán khắp nơi trên đảo.

Marcel Mauss (1872-1950)

Tại sao những thay đổi theo mùa này lại quan trọng đến thế? Vì nó cho biết rằng ngay từ lúc khởi đầu, loài người đã có đầy đủ ý thức thể nghiệm nhiều giải pháp xã hội khác nhau. Các nhà nhân học mô tả kiểu xã hội này là có “diện mạo kép”. Marcel Mauss đã viết vào đầu thế kỷ XX, ông quan sát thấy người Inuit ở vùng Bắc cực, “và nhiều xã hội khác cũng có hai cơ cấu xã hội, một vào mùa hè và một vào mùa đông, và họ có song song hai hệ thống luật lệ và tôn giáo”. Vào những tháng mùa hè, người Inuit phân tán thành từng nhóm nhỏ theo phụ hệ đi tìm cá nước ngọt, tuần lộc, mỗi nhóm dưới quyền của một người đàn ông già độc thân. Quyền sở hữu được khẳng định một cách hung bạo và những trưởng nhóm áp đặt uy quyền, thậm chí độc đoán đối với những người thân của họ. Nhưng vào những tháng dài mùa đông, khi các đàn hải cẩu ùa về bờ biển Bắc cực, một cấu trúc xã hội khác tiếp nối hoàn toàn, trong khi người Inuit tập họp lại để xây dựng những công trình hội họp lớn bằng gỗ, bằng xương cá voi và bằng đá. Ở bên trong, những phẩm chất tốt về bình đẳng, vị tha và đời sống tập thể chiếm ưu thế. Của cải được phân chia, chồng và vợ hoán đổi bạn đời cho nhau, dưới sự bảo trợ của Sedna, nữ thần của hải cẩu.

Một ví dụ khác của những người săn bắt-hái lượm bản địa vùng bờ biển tây bắc Canada, mùa đông - chứ không phải mùa hè - là thời gian xã hội đông cứng lại dưới dạng bất bình đẳng nhất, một cách ly kỳ. Những lâu đài bằng gỗ xuất hiện dọc theo bờ biển vùng British Columbia, với những nhà quí tộc theo thừa kế đứng đầu triều đình trị vì thần dân và nô lệ, đồng thời tổ chức những yến tiệc lớn gọi là potlatch. Tuy nhiên, những triều đình quí tộc này tự tan rã vì lợi ích của công việc đánh cá vào mùa hè, tạo thành những nhóm huyết thống nhỏ, luôn luôn có tôn ti trật tự, nhưng có một cấu trúc hoàn toàn khác và ít hình thức hơn. Trong trường hợp này, các cá nhân lấy tên khác nhau vào mùa hè và mùa đông, trở thành những con người hoàn toàn khác tùy theo thời gian trong năm.

Robert Lowie (1883-1957)

Có lẽ còn đáng ngạc nhiên hơn nữa về vấn đề những lật đổ chính trị là những tập tục theo mùa của những liên đoàn bộ lạc vào thế kỷ XIX trong vùng những đồng bằng lớn của Hoa Kỳ - những người đã từng hay thỉnh thoảng là nông dân đã chấp nhận một cuộc sống chăn nuôi du mục. Vào cuối mùa hè, những nhóm nhỏ rất di động người Cheyenne và Lakota tập hợp lại trong những công trình lớn để chuẩn bị hậu cần cho việc săn trâu. Vào thời gian rất nhạy cảm này trong năm, họ chỉ định một lực lượng cảnh sát thực thi những quyền hành hoàn toàn mang tính đàn áp, đặc biệt là quyền bỏ tù, đánh người hay phạt bất kỳ người nào phản đối, đe dọa tiến trình lễ hội. Tuy nhiên, như nhà nhân học Robert Lowie nhận xét, sự “độc đoán quá rõ ràng” được thực hiện hoàn toàn theo mùa và tạm thời, nhường chỗ cho những hình thức tổ chức “vô chính phủ” hơn một khi mùa săn - và những nghi thức tập thể đi theo - hoàn thành.

Việc nghiên cứu không phải khi nào cũng tiến triển. Thỉnh thoảng, nó còn thụt lùi. Cách đây chừng 100 năm, các nhà nhân học hiểu rằng những người sống chủ yếu bằng các nguồn tài nguyên hoang dã nói chung không bị hạn hẹp vào những “nhóm” nhỏ. Ý tưởng này hoàn toàn là một sản phẩm của những năm 1960, khi người Bochiman vùng Kalahari và người pygmée Mbuti trở thành những hình ảnh rập khuôn có phần cường điệu và ngây ngô của loài người thời sơ khai, đối với khán giả truyền hình cũng như đối với các nhà nghiên cứu. Từ sự việc đó chúng ta đã chứng kiến sự trở lại của những giai đoạn tiến hóa không khác lắm truyền thống của giới khai minh Scotland: chẳng hạn như đó là điều mà Fukuyama dựa vào, khi ông viết rằng các xã hội luôn luôn tiến triển từ các “nhóm nhỏ” thành “bộ lạc và “địa hạt tù trưởng” và cuối cùng là thành kiểu “quốc gia” phức hợp và phân tầng trong đó chúng ta sống ngày hôm nay - được xác định một cách tổng quát bởi độc quyền của họ về “sử dụng bạo lực thể chất một cách chính đáng”. Tuy nhiên, nếu nhân danh logic này, người Cheyenne hay Lakota lẽ ra phải “tiến hóa” từ nhóm nhỏ thẳng lên quốc gia hầu như mỗi tháng 11 trong năm, và “thoái bộ” trở lại khi mùa xuân về. Từ nay, phần lớn các nhà nhân học thừa nhận những phạm trù này vĩnh viễn là không phù hợp; tuy nhiên không có ai đề nghị một ý tưởng thay thế để suy nghĩ về lịch sử thế giới một cách rộng hơn.

Gần như độc lập với nhau, những phát hiện khảo cổ học gợi ra rằng trong những môi trường có tính chất theo mùa rất cao của thời kỳ băng hà cuối cùng, tổ tiên xa xôi của chúng ta đã hành xử rất giống nhau: chuyển đổi giữa những tổ chức xã hội thay thế nhau, tạo điều kiện cho sự lên ngôi của những cấu trúc độc đoán trong một số thời gian trong năm, với điều kiện chúng không thể kéo dài, và bao gồm việc không có một trật tự xã hội đặc biệt nào là cố định và bất biến. Trong cùng một nhóm dân cư, có khi người ta có thể sống trong điều kiện hơi giống một nhóm nhỏ, có khi là một bộ lạc, và có khi là trong một xã hội với nhiều khía cạnh mà ngày nay người ta cho là giống các quốc gia. Một sự linh hoạt về thể chế như vậy có năng lực thoát ra khỏi ranh giới của bất kỳ cấu trúc xã hội nào và năng lực tự vấn, vừa làm vừa phá bỏ những thế giới chính trị chúng ta sống trong đó. Chỉ riêng sự linh hoạt thể chế này đã giải thích những “ông hoàng” và “bà hoàng” thời kỳ băng hà cuối cùng dường như có xuất hiện, trong một sự cô lập tuyệt vời, như những nhân vật của một loại truyện thần tiên hay phim truyền hình lịch sử. Có thể thực sự là như vậy. Nếu họ đã có trị vì lúc nào đó, thì có lẽ như các vua và hoàng hậu Stonehenge, chỉ trong một mùa thôi.

Thời khắc của xem xét lại

Claude Levi-Strauss (1908-2009)

Các tác giả đương đại có xu hướng dùng thời tiền sử như một nền trang trí để giải quyết những vấn đề triết học: con người cơ bản là tốt hay xấu? hợp tác hay cạnh tranh? bình đẳng hay phân chia đẳng cấp? Từ việc đó, họ thiên về viết như thể là trong 95% lịch sử của loài người chúng ta, các xã hội loài người nói chung là như nhau. Nhưng chỉ riêng 40.000 năm thôi cũng đủ tạo một quãng thời gian rất, rất dài. Có vẻ như, một cách cơ bản và những phát hiện xác nhận điều đó, những con người tiên phong khai thác phần lớn hành tinh cũng đã trải nghiệm vố số những sắp xếp xã hội. Như Claude Lévi-Strauss đã nêu ra, những người tinh khôn (Homo sapiens) sơ khai không những có bề ngoài giống như người hiện đại, họ cũng có trí óc tương tự như chúng ta. Quả thực, phần lớn trong số họ có lẽ đã ý thức về tiềm năng của các xã hội hơn những người ngày nay nói chung, khi họ đã chuyển đổi qua lại giữa những hình thức tổ chức xã hội trong năm. Thay vì ù lì trong tình trạng ngây thơ sơ khai cho đến lúc con quỷ bất bình đẳng đến đập cửa, tổ tiên thời tiền sử của chúng ta dường như đã thành công trong việc đều đặn mở ra và đóng lại ổ khóa, đồng thời khoanh lại bất bình đẳng vào những vở kịch về trang phục nghi lễ, xây dựng nên các vị thần và vương quốc như họ đã làm với các đền đài được xây dựng, rồi sau đó nhanh chóng phá hủy chúng một lần nữa.

Nhưng vậy thì câu hỏi thực sự không phải là “đâu là nguồn gốc của bất bình đẳng xã hội?” nhưng, trong khi phần lớn lịch sử của chúng ta đã trải qua những chuyển đổi qua lại giữa những hệ thống chính trị khác nhau thì câu hỏi phải là: làm thế nào chúng ta lại đi đến chỗ bế tắc như vậy?” Tất cả những điều này là rất xa với khái niệm các xã hội thời tiền sử đang đi lệch một cách mù quáng đến những xiềng xích về thể chế đang trói buộc chúng. Ta cũng còn xa với những lời tiên tri sầu thảm của Fukuyama, Diamond, Morris và Scheidel, theo đó mọi hình thức “phức tạp” về tổ chức xã hội nhất định có nghĩa là một số rất ít tinh hoa giành lấy những tài nguyên chính yếu, và bắt đầu chà đạp tất cả những người khác. Phần lớn các khoa học xã hội xem những điều phỏng đoán u tối này là những sự thật hiển nhiên. Nhưng theo chứng cứ, những phỏng đoán này không có cơ sở. Do đó, ta có thể hỏi một cách chừng mực: có những sự thật quý báu nào nữa từ nay cần phủi sạch vị trí lịch sử của chúng?

David L. Clarke (1937-1976)

Sự thật là có một số. Trong những năm 1970, nhà khảo cổ học xuất sắc của Đại học Cambridge David Clarke tiên đoán rằng với việc nghiên cứu hiện thời, hầu như mỗi khía cạnh của tòa lâu đài cũ về sự tiến hóa của loài người, “những giải thích về sự phát triển của người hiện đại, sự thuần dưỡng, luyện kim, đô thị hóa và văn minh - một khi nhìn về viễn cảnh, có vẻ như những cái bẫy về ngữ nghĩa hay những ảo ảnh siêu hình”. Dường như ông có lý. Từ nay, thông tin tuôn xuống như mưa từ khắp nơi trên địa cầu, chúng dựa trên công tác thực địa thực nghiệm tỉ mỉ, những kỹ thuật tiên tiến về phục dựng khí hậu, ghi chép biên niên, và những phân tích khoa học những vật liệu hữu cơ còn lại. Các nhà nghiên cứu xem xét các dữ liệu dân tộc học và lịch sử với một cái nhìn mới. Và hầu hết những nghiên cứu này đã phản bác những chuyện kể quen thuộc về lịch sử thế giới. Tuy nhiên, những phát hiện nổi bật nhất vẫn còn giới hạn trong những công trình của các chuyên gia, và khi đọc ta phải đoán những điều ẩn đằng sau các công bố khoa học. Vậy chúng ta hãy kết luận với những nét lớn của riêng chúng tôi; chỉ là một số ít thôi, để cung cấp một ý nghĩa cho điều mà lịch sử thế giới mới ló dạng bắt đầu hướng đến.

Điều gây xôn xao đầu tiên trong danh sách của chúng tôi liên quan đến nguồn gốc và sự bành trướng của nông nghiệp. Quan điểm cho rằng nông nghiệp đã tạo thành một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong các xã hội loài người không dựa trên một cơ sở vững chắc nào cả. Những vùng của thế giới ở đó thảo mộc và động vật được thuần dưỡng trước tiên, thực sự không có một “bước ngoặt” thấy rõ được từ người hái lượm thời kỳ Đồ đá cũ trở thành nông dân thời kỳ Đồ đá mới. Sự “chuyển tiếp” từ một lối sống chủ yếu dựa vào tài nguyên hoang dã qua một lối sống khác dựa trên sản xuất thực phẩm trải dài trên chừng ba ngàn năm. Trong khi nông nghiệp tạo ra khả năng tập trung của cải bất bình đẳng hơn, trong hầu hết các trường hợp điều này chỉ bắt đầu từ nhiều thiên niên kỷ sau khi nông nghiệp khởi đầu. Giữa hai thời kỳ, những cá nhân sống trong những vùng hẻo lánh như vùng Amazon và vùng Lưỡi liềm Màu mỡ ở Trung Đông đã thử làm nông nghiệp để xem có phù hợp với họ không, một nền “nông nghiệp giải trí” có thể nói như vậy, xen kẽ hàng năm giữa các phương thức sản xuất, cũng như họ chuyển đổi qua lại giữa các cấu trúc xã hội. Ngoài ra, “sự phát tán nông nghiệp” đến những vùng phụ, như châu Âu - thường được mô tả với những thuật ngữ huy hoàng, như khởi đầu của sự suy tàn không tránh khỏi của săn bắt và hái lượm - dường như là một quá trình mỏng manh, có khi thất bại, kéo theo sự sút giảm nghiêm trọng dân số nông nghiệp, nhưng người hái lượm thì không.

Rõ ràng là không có nghĩa khi dùng những thành ngữ như “cuộc cách mạng nông nghiệp” khi ta nói về những tiến trình quá dài và quá phức tạp. Cũng như không có quốc gia nào tương tự như Vườn Địa Đàng, từ đó người nông dân có thể bắt đầu hành trình của mình đi đến bất bình đẳng, lại càng không có nghĩa khi nói về nông nghiệp như là điều làm nảy sinh ra đẳng cấp và tư hữu. Nếu có một điều cần nói thì chính là trong số những dân cư này - dân cư “thời kỳ Đồ đá giữa” - vốn từ chối nông nghiệp trong nhiều thế kỷ khi khí hậu nóng lên vào kỷ Holocen sớm, người ta tìm thấy một sự phân tầng bám rễ sâu dần dần; ít nhất là có các ngôi mộ giàu có, một nghệ thuật chiến tranh tấn công và nghệ thuật xây dựng những công trình vĩ đại kèm theo. Trong ít nhất là một số trường hợp, như ở Trung Đông, những nông dân đầu tiên dường như có ý thức phát triển những hình thức luân phiên trong cộng đồng, để đi cùng lối sống ngày càng tăng cường lao động của họ. Các xã hội thời kỳ Đồ đá giữa này có vẻ bình đẳng hơn hẳn so với xã hội những người săn bắt-hái lượm láng giềng, với sự gia tăng mạnh mẽ của tầm quan trọng về kinh tế và xã hội của phụ nữ, được phản ánh rõ ràng trong nghi lễ và nghệ thuật (hãy so sánh những gương mặt nữ giới ở Jéricho (Palestine) hay ở Çatal Höyük (Thổ Nhĩ Kỳ) với những điêu khắc đậm nét nam tính của Göbekli Tepe).

Một điều gây xôn xao khác: “văn minh” không đến như một khối. Những thành phố đầu tiên trên thế giới không chỉ xuất hiện tại một số ít địa điểm, cùng lúc với những hệ thống chính quyền và hệ thống kiểm soát tập trung. Ở Trung Quốc chẳng hạn, ngày nay ta đã biết rằng vào khoảng 2500 năm trước Công nguyên, những công trình rộng 300 hecta hay hơn đã tồn tại ở hạ lưu sông Hoàng Hà hàng ngàn năm trước khi thành lập vương triều xưa nhất là triều đại Nhà Thương. Ở bờ bên kia Thái Bình Dương, và cùng thời gian, những trung tâm nghi lễ to lớn đáng ngạc nhiên đã được phát hiện trong thung lũng Rio Supe, Peru, đặc biệt là địa điểm Caral: những vết tích bí ẩn còn lại của những quảng trường bị lún chìm và những l đài to rộng, xưa hơn đế chế Inca bốn ngàn năm. Những phát hiện mới này cho thấy ta biết quá ít về sự phân bố và nguồn gốc của những thành phố đầu tiên, và những thành phố này xưa hơn nhiều hệ thống chính quyền độc đoán và tài liệu viết về hành chính được giả định là cần thiết cho việc xây dựng chính quyền ấy. Trong những trung tâm đô thị hóa vững chắc hơn - Vùng Lưỡng Hà, thung lũng Ấn Hà, đồng bằng Mexico - càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các thành phố đầu tiên được cố ý tổ chức theo những qui tắc bình đẳng, các hội đồng thành phố duy trì một sự tự trị đáng kể so với chính quyền trung ương. Trong hai trường hợp đầu tiên, các thành phố với hệ thống hạ tầng kỹ thuật tinh xảo đã nở rộ trong suốt nửa thiên niên kỷ mà không có dấu vết các ngôi mộ và đền đài vua chúa, không có quân đội lớn hay những phương tiện đàn áp khác ở qui mô lớn, cũng không có chỉ báo của sự kiểm soát hành chính trực tiếp trên đời sống của hầu hết công dân.

Dù Jared Diamond nói gì đi nữa, tuyệt đối không có bằng chứng nói rằng những cơ cấu quyền hành theo hình tháp là hậu quả của một tổ chức theo qui mô lớn. Dù Walter Scheidel nói gì đi nữa, đơn giản là sai khi nói rằng không thể thoát khỏi những tầng lớp cai trị một khi chúng đã được thiết lập ngoại trừ có một thảm họa lan rộng trên toàn thể. Ta hãy lấy chỉ một ví dụ được biết đến nhiều: Vào khoảng năm 200 sau Công nguyên, hình như đô thị Teotihuacan trong thung lũng Mexico, với dân số 120.000 người (một trong những đô thị đông dân nhất thế giới thời bấy giờ), đã trải qua một biến đổi sâu sắc, quay lưng lại với những đền thờ-kim tự tháp và việc dùng người làm vật tế thần, và xây dựng lại một hệ thống lớn các biệt thự tiện nghi, hầu như có cùng kích thước. Có lẽ nó tồn tại như vậy trong chừng 400 năm. Ngay cả dưới thời của Cortés, (Hernán Cortés de Monroy y Pizarro Altamirano, (1485 - 1547), người Tây Ban Nha, chinh phục và đánh bại vương quốc Aztec và chiếm phn đất nay là Mexico vào đầu thế kỷ 16 - ND) trung tâm Mexico có bao gồm những thành phố như Tlaxcala, được điều hành bởi một hội đồng được bầu mà các thành viên thỉnh thoảng lại bị cử tri của họ đánh bằng roi, để nhắc họ nhớ ai là người chỉ huy tối cao.



Những yếu tố này được trình bày ở đây để tạo ra một lịch sử thế giới hoàn toàn khác. Trong phần lớn các trường hợp, đơn giản là chúng ta quá mù quáng bởi những định kiến của chúng ta nên không thấy những gì can dự vào. Ví dụ, ngày nay hầu hết mọi người nhấn mạnh điều cho rằng dân chủ có sự tham gia, hay bình đẳng xã hội, có thể vận hành trong một cộng đồng nhỏ hay một nhóm người hành động tích cực, nhưng không có tiềm năng “nhân rộng ra” cho những gì tỷ như thành phố, vùng hay các quốc gia. Nhưng những phát hiện dưới mắt chúng ta, nếu chúng ta chọn nhìn chúng, gợi ra điều ngược lại. Những đô thị bình đẳng, thậm chí những liên minh vùng, là những điều bình thường về mặt lịch sử. Gia đình bình đẳng thì không phải vậy, Một khi bản án lịch sử được ban ra, chúng ta sẽ thấy mất mát đau thương nhất của tự do con người bắt đầu ở qui mô nhỏ - ở mức độ các quan hệ giới, nhóm tuổi và sự lệ thuộc trong gia đình -, nghĩa là kiểu các quan hệ thân thiết nhất đồng thời kèm theo những hình thức sâu đậm nhất của bạo lực mang tính cấu trúc. Nếu chúng ta thực sự muốn hiểu, đối với một số người, một ngày nào đó việc biến sự giàu có thành quyền lực đã được chấp nhận được như thế nào, và đối với một số người khác thì khiến họ tự nói rằng những nhu cầu và sự sống của họ là không đáng kể, chính chỗ đó chúng ta phải nhìn tới. Và cũng chính chỗ đó, chúng ta tiên đoán rằng, dù gay go đến mấy, thì công việc sáng tạo một xã hội tự do sẽ diễn ra.

Mời bạn xem các video sau trong đó các tác giả phát triển một số chủ đề được đề cập trong tiểu luận trên:

1. David Graeber and David Wengrow: Palaeolithic Politics and Why It Still Matters (13 October 2015) (Vimeo)

2. David Graeber and David Wengrow: Teach-Out (7 March 2018) (Facebook)

3. David Graeber and David Wengrow: Slavery and Its Rejection Among Foragers on the Pacific Coast of North America: A Case of Schismogenesis? (22 March 2018) (Collège de France)

các video liên quan đến hai tác giả trên Youtube. 

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Bản dịch tiếng Pháp “Comment changer le cours de l’histoire” của Lucie Rondeau du Noyer, Olivier Lenoir được công bố đầu tiên trên Le grand continent, ngày 14 tháng 6, 2018

Nguyên bản tiếng Anh đăng trên Eurozine, ngày 2.3.2018.

----

Bài có liên quan: David Graeber (1961-2020), tác giả của “Bullshit Jobs” (Những công việc nhảm nhí): nhà nhân học ... nhà nghiên cứu về quản trị?



[1] To Each Age Its Inequality’ by Ian Morris. New York Times, 9 July 2015.

[2] It's Good To Have a King’ by Felipe Fernández-Armesto. Wall Street Journal, 10 May 2012.



* David Rolfe Graeber (12/2/ 1961 - 2/9/ 2020) là nhà nhân học Mỹ, nhà hoạt động theo trường phái vô chính phủ, giáo sư nhân học tại London School of Economics. Ông là tác giả của những quyển sách nổi tiếng: Debt: The First 5000 Years (2011), The Utopia of Rules (2015) and Bullshit Jobs: A Theory (2018).

Ông mất ngày 2/9/2020 tại Venise.

** David Wengrow (25/7/ 1972) là nhà khảo cổ học Anh, giáo sư Khảo cổ học so sánh tại Institute of Archaeology, College London và là tác giả của The Archaeology of Early Egypt (2006), The Origins of Monsters (2014), and What Makes Civilization? The Ancient Near East and the Future of the West (2018).

Print Friendly and PDF