23.9.22

Vì sao Ngân hàng Trung ương Châu Âu muốn số hóa đồng euro

VÌ SAO NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CHÂU ÂU MUỐN SỐ HÓA ĐỒNG EURO

Tác giả: Marc-Olivier Strauss-Kahn

Tổng giám đốc danh dự Ngân hàng Pháp quốc (BDF)

[Bài viết này là tổng hợp một phân tích chuyên sâu được đăng trên variances.eu, tạp chí dành cho hội cựu sinh viên Trường ENSAE Paris. Để đọc bài viết gốc, xin nhấp vào đây.]

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự kiến sẽ công bố, vào giữa năm 2021, một dự án về đồng euro kỹ thuật số, sẽ được hiện thực hóa từ nay trong 5 năm tới. Hoa Kỳ có thể theo sau, nhưng muộn hơn, với đồng “đô la kỹ thuật số” của họ. Dự án Tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã làm tốn rất nhiều giấy mực. Nói một cách dễ hiểu: đồng euro kỹ thuật số này là gì, vì sao nó lại được ECB quan tâm và cách triển khai nó như thế nào?

Tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương (MNBC) là gì?

Xin nhắc lại, duy chỉ các loại tiền vật chất – tiền xu và tiền giấy được gọi là tiền “tín dụng” (tức là được tín nhiệm), do một Nhà nước có chủ quyền phát hành và có mệnh giá hợp pháp trong một nước: các loại tiền đó không thể bị từ chối thanh toán ở nước đó. Cái gọi là “bút tệ” (được hình thành một phần từ tiền gửi ngân hàng) do các ngân hàng tạo ra, bị giám sát và được điều tiết, và có thể được chuyển nhượng qua các phương tiện điện tử. Hai hình thức tiền tệ này tiền tín dụng và bút tệ cùng thực thi ba chức năng của tiền tệ: đơn vị hạch toán, phương tiện thanh toán và dự trữ giá trị (miễn là lạm phát vẫn ở mức thấp).

Tiền MNBC (tiếng Anh là CBDC – Central Bank Digital Currency, nghĩa là “Tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương”) tập hợp những điểm mạnh của hai hình thức tiền tệ nói trên. 1/ Nó tượng trưng cho trái quyền đối với ngân hàng trung ương, an toàn không kém gì tiền giấy (và do đó được tin tưởng nhiều hơn so với một khoản tiền gửi ngân hàng); 2/ Mọi người đều có thể sử dụng, giống như tiền giấy (trong khi hiện tại, chỉ có các ngân hàng mới có tài khoản ở ngân hàng trung ương); 3/ Nhưng nó là tiền điện tử và có thể được sử dụng từ xa (trái với tiền giấy). Do đó, nó nằm ở trung tâm của sơ đồ dưới đây.

Đồng euro kỹ thuật số khác với đồng Diem hoặc Bitcoin như thế nào?

Không nên nhầm lẫn giữa tiền MNBC với “tiền [mã hóa] stablecoin”, những tài sản điện tử do khu vực tư nhân bắt đầu tạo ra, nhưng được chỉ số hóa trên các loại tiền hiện hành. Ví dụ nổi tiếng nhất trong số các loại tiền stablecoin này là đồng Diem, ban đầu được Facebook định danh là đồng Libra vào năm 2019, nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu dự án. Tiền Stablecoin, do những thực thể không được giám sát phát hành, có rủi ro đối với sự ổn định tài chính và tiền tệ (bảo vệ dữ liệu, tiềm ẩn các tổ chức độc quyền toàn cầu, v.v.).

Tiền MNBC cũng khác với tài sản mã hoá (được gọi không chính xác là “tiền mã hoá”), mà giá trị không dựa trên bất kỳ loại tiền tệ hiện hành nào. Ví dụ, giá trị của Bitcoin, tiền mã hoá nổi tiếng nhất, cực kỳ bất ổn vì nó dựa trên sự khan hiếm được công bố (nhiều nhất là 21 triệu đơn vị), đồng thời chi phí sản xuất kinh tế và môi trường của nó ngày càng tăng. Chẳng hạn, một giao dịch bằng tiền Bitcoin hiện tiêu tốn năng lượng cần thiết cho nửa triệu giao dịch bằng thẻ. Điều này cũng hạn chế khả năng mở rộng (quy mô) của nó, rất cần đối với một đồng tiền. Tuy nhiên, tài sản mã hoá là tài sản đầu cơ theo yêu cầu, cần phải được điều tiết[1].

Vì sao phải số hóa đồng tiền?

Một mặt để duy trì sự kiểm soát công đối với việc tạo tiền khi đối mặt với sự cạnh tranh tư nhân. Tiền MNBC cung cấp một sự bổ sung cho tiền giấy, mà việc sử dụng vì mục đích giao dịch giảm (về khối lượng và giá trị) nhưng lượng phát hành lại tăng (lượng tích trữ). Đây là việc đề xuất một tài sản tiền tệ được Nhà nước đảm bảo trong một thế giới số hóa bất định. Đồng tiền là hàng hóa công, và ngân hàng trung ương phải đề xuất một tùy chọn thay thế không rủi ro đối với các tài sản số hóa do các tổ chức tư nhân không được giám sát phát hành. Ngoài ra còn có chiều kích địa chính trị: các đồng tiền kỹ thuật số nước ngoài (công hoặc tư) có nguy cơ gây bất ổn, nếu không muốn nói là lấn át các đồng tiền quốc gia, như trong trường hợp “đô la hóa” của các nền kinh tế đang phát triển.

Mặt khác, tiền kỹ thuật số có thể làm cho các phương tiện thanh toán quốc gia hoặc xuyên biên giới trở nên ít tốn kém hơn và an toàn hơn (với ít rủi ro mất mát và trộm cắp hơn) đặc biệt ở các nước mới nổi, mà còn ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Theo các cuộc điều tra của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đây cũng là một công cụ nhằm tăng cường sự hòa nhập tài chính, đặc biệt ở các khu vực đang phát triển, và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở khắp mọi nơi, điều mà ECB cũng đang tính đến[2].

Làm thế nào để thiết kế tiền kỹ thuật số?

Cho đến khi đồng euro được thật sự số hoá, còn phải tiến hành nhiều lựa chọn khác nhau, đặc biệt về mức độ cộng tác giữa công và tư, về sự cân bằng giữa bảo mật và tuân thủ, và về khuôn khổ pháp lý. Đó là vấn đề tin tưởng vào đồng tiền.

Biểu đồ kim tự tháp của BIS: sở thích của người tiêu dùng (cột trái) tương ứng với nhiều lựa chọn do ngân hàng trung ương đưa ra (cột phải).[3]

ECB hẳn là sẽ chọn yếu tố kiến trúc lai (phần đế màu đỏ của kim tự tháp): họ sẽ không ủy quyền hoàn toàn việc quản lý đồng euro số hóa cho khu vực tư nhân, nhưng cũng sẽ không trực tiếp quản lý nó. Trong báo cáo của ECB vào năm 2020, họ giải thích rằng “các tổ chức tư nhân trung gian có giám sát sẽ là những tổ chức ở vị trí tốt nhất để cung cấp các dịch vụ phụ trợ” và một “mô hình mà ở đó quyền tiếp cận đồng euro kỹ thuật số do khu vực tư nhân làm trung gian sẽ là mô hình được ưa thích hơn.”

ECB cũng phải giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật (mức màu vàng). Cơ sở hạ tầng kỹ thuật có thể là tập trung trên một nền tảng duy nhất hoặc viện đến một sổ cái phân tán thông qua mạng các máy tính phi tập trung, điều này có thể đặt ra vấn đề về khả năng mở rộng quy mô.

Mức màu xanh lá cây đặc biệt tương ứng với sự đánh đổi giữa việc bảo vệ quyền riêng tư, khi ưu tiên lựa chọn một thẻ jeton (“thẻ token”, giống như tiền giấy đối với người nắm giữ nó), và việc tuân thủ quy định; điều này sẽ cần đến một tài khoản để truy vết các giao dịch, đặc biệt để tránh bất kỳ hoạt động rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố nào.

Phần chóp (màu xanh) của kim tự tháp đề cập đến khả năng tương tác, tức là khả năng tiền MNBC làm cầu nối giữa thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ, trong khi vẫn liên kết với các hệ thống thanh toán quốc gia và xuyên biên giới. Do đó, tiền giấy mang tính đặc trưng đối với từng khu vực tiền tệ, nhưng tôn trọng các chuẩn mực toàn cầu cho phép chúng được trao đổi với nhau.

Cuối cùng, và ngoài nhiều khía cạnh kỹ thuật khác nhau (rủi ro điều khiển học, giao dịch ngoại tuyến, v.v.), cũng cần làm rõ các cân nhắc pháp lý. Điều này bao gồm: cơ sở pháp lý cho việc phát hành tiền kỹ thuật số, hàm nghĩa pháp lý của nhiều định dạng tiền khác nhau, và khả năng áp dụng luật của khu vực tiền tệ đối với ngân hàng trung ương với tư cách là nhà phát hành. Không đi sâu vào chi tiết, sự kết hợp các điều khoản trong Hiệp định về Hoạt động của Liên minh Châu Âu và Quy chế của Hệ thống Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cho phép thực hiện điều này, theo Báo cáo năm 2020 của ECB.

Marc-Olivier Strauss-Kahn (1954-)

Những sáng kiến đổi mới đã đánh dấu lịch sử của tiền tệ. Tiền MNBC sẽ là một giai đoạn đẹp khác nữa trong “Du ký các loại tiền tệ”. Nhu cầu đẩy nhanh quá trình đang được tiến hành của các ngân hàng trung ương là điều rõ ràng, đặc biệt trong quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Từ tài sản mã hoá hay stablecoin đến dự án MNBC, như đồng euro kỹ thuật số, có vẻ như bao giờ cũng có thể vận dụng một nguyên tắc chung: “khu vực tư nhân khởi xướng, Nhà nước quy tắc hóa hoặc chiếm hữu”.

Tác giả

Marc-Olivier Strauss-Kahn là Tổng giám đốc danh dự Ngân hàng Pháp quốc (BDF), Thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, giảng viên và thành viên hội đồng quản trị các tổ chức tư nahân hoặc hiệp hội, trong đó có Citéco, bảo tàng đầu tiên về giáo dục kinh tế của Châu Âu. Trong các năm 2001-08 và 2012-17, ông là Kinh tế gia trưởng và thành viên Ủy ban điều hành BDF, đại diện cho Pháp ở các định chế, như G20 hay BIS, OECD và IMF. Ông cũng đã từng làm việc trong ba định chế nói trên, ở FED và IDB. Ông tốt nghiệp Đại học ESSEC, Sciences Po Paris, và các Đại học Sorbonne, Nanterre và Chicago.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Pourquoi la Banque centrale européenne veut numériser l’euro, Polytechnique Insights, ngày 21/05/2021

----

Các bài có liên quan trong các nhãn:

Print Friendly and PDF