3.9.22

Kinh tế học trước thách thức của các giá trị đạo đức

KINH TẾ HỌC TRƯỚC THÁCH THỨC CỦA CÁC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC

David Thesmar[*]

Tóm tắt

  • Tầm quan trọng và tính đa dạng của các giá trị đạo đức là một thách thức đối với kinh tế học, bởi vì chúng rất khó duy lý hóa.
  • Khi ta sáp nhập đạo đức vào các mô hình kinh tế, ta thường có xu hướng dành ưu tiên cho việc “hai bên cùng có lợi” tưởng tượng. Tuy nhiên, việc bảo vệ các giá trị của chúng ta có thể phải trả giá đắt, và phải thừa nhận rằng chúng đi ngược lại với hiệu quả kinh tế.
  • Thực tại của các giá trị đạo đức cũng xung đột với hệ thống giá trị của các nhà kinh tế học, theo đó thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người tối đa hóa niềm vui và giảm thiểu nỗi đau của họ.
  • Kinh tế học do đó nên quan tâm đến việc suy nghĩ tốt hơn về sự đối đầu giữa hiệu quả và giá trị, và lấy cảm hứng từ các tác giả nhìn thế giới một cách khác.

Trong lịch sử khoa học kinh tế, đã có lúc, được Gary Becker (giải Nobel năm 1992) thể hiện, ta chứng kiến ​​các nhà kinh tế học đầu tư vào các lĩnh vực mới (gia đình, tội phạm, thành phố) để mang đến các phương pháp và giải pháp của họ. Công việc của ông dường như được ghi nhận trong một trào lưu ngược chiều trong đó kinh tế học lấy cảm hứng từ các ngành khác.

Gary Becker (1930-2014)
Adam Smith (1723-1790)

Truyền thống liên ngành đã có từ thời Adam Smith, người vừa là nhà triết học vừa là nhà kinh tế học. Một phần của khoa học kinh tế luôn quan tâm đến mối liên hệ với xã hội học và triết học. Trong hai mươi năm qua, nhất là tâm lý học đã nuôi dưỡng ngành của chúng tôi, với sự thịnh hành của kinh tế học hành vi cố gắng thực hiện các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu hành vi dường như “phi lý” của các tác nhân. Nghiên cứu của chúng tôi là một phần của truyền thống liên ngành mà Gary Becker thuộc về, nhưng chúng tôi đã chuyển sang một câu hỏi mà hơn cả một lời hứa về một sự phong phú chéo, là một thách thức đối với ngành của chúng tôi: tầm quan trọng của các giá trị đạo đức và trên hết là tính đa dạng của chúng trong dân chúng.

Jonathan Haidt (1963-)

Tại sao đây là một thách thức? Bởi vì sự đa dạng này không thể được rút gọn thành “những sở thích vị tha”, mà các nhà kinh tế học dựa vào. Khi chúng ta quan tâm đến các giá trị đa dạng, chúng ta gặp phải những hiện tượng khó duy lý hóa hơn nhiều. Ví dụ, mọi người coi trọng tự do vì giá trị riêng của nó, nhưng không nhất thiết phải sử dụng nó. Hoặc họ có một lòng vị tha đa chiều, có lợi cho nhóm, cho cộng đồng. Thậm chí, theo nhà tâm lý học Jonathan Haidt, cho sự thuần khiết. Ngoài ra còn có sự khác biệt về văn hóa hoặc dân tộc. Ví dụ, trong các lựa chọn để điều tiết giao thông ở trung tâm thành phố được đề nghị, người Pháp chống đối việc thu phí hơn người Mỹ và người Đức, những người ủng hộ việc giảm số lượng những chổ (dành cho xe hơi). Đằng sau những ưu tiên này, là những giá trị.

Phân tích kinh tế học gặp khó khăn trong việc phải tính đến sự đa dạng của những giá trị này, ngay cả khi các nhà kinh tế học biết rằng không phải chỉ tính hiệu quả mới được coi trọng. Họ hiểu rằng nhân loại không được tạo nên từ những người biết tính toán hợp lý và còn có một hình thức của lòng vị tha. Nhưng trong truyền thống công lợi của Jeremy Bentham, họ quan niệm lòng vị tha này ở dạng trừu tượng và phổ quát. Nói cách khác, bản thân các nhà kinh tế học có một hệ thống giá trị đặc biệt, mà họ có xu hướng phóng chiếu vào phần còn lại của dân chúng. Tuy nhiên, những sự khác biệt là rất rõ rệt.

Điều chúng tôi quan tâm là các giá trị chống lại cả sự phóng chiếu và khái quát hoá vào trong các sở thích tập thể. Nói tóm lại, đó là những giá trị không thể bị quy giản hay bị hấp thụ bởi ngành của chúng tôi. Ví dụ, khi được hỏi về sự lựa chọn giữa thuế carbon và các tiêu chuẩn môi trường đối với các nhà sản xuất ô tô, 92% nhà kinh tế học ủng hộ thuế carbon, so với chỉ 22% người Mỹ. Rõ ràng ở đây có sự mâu thuẫn giữa hai hình thái công lý.

Tuy nhiên, tựa sách của ông, Le Prix de nos valeurs (Cái giá của các giá trị của chúng ta), gợi ý một điểm hội tụ: để giải quyết những xích mích, chúng ta luôn có thể thỏa thuận về một mức giá. Phải chăng đây là cách tiếp cận truyền thống của kinh tế học, quy mọi thứ vào thị trường?

Đúng hơn tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận ở cấp độ “trung dung”, ngay cả khi giá của các giá trị của chúng ta tiềm tàng có thể là vô hạn (không thể có thỏa hiệp). Ngày nay, chúng ta có xu hướng dành ưu tiên cho việc “hai bên cùng có lợi” tưởng tượng, đặc biệt là trong các cuộc tranh luận chính trị, nơi các đề xuất liên quan đến các giá trị được cho là có thể kết hợp một cách dễ dàng: ví dụ như chuyển đổi năng lượng, được thúc đẩy bởi mối quan tâm của các thế hệ tương lai, sẽ tạo ra tăng trưởng. Hoặc: công ty có trách nhiệm làm hài lòng cả người tiêu dùng, nhà đầu tư và nhân viên của họ, vì vậy nó sẽ phát đạt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc bảo vệ các giá trị của chúng ta có thể phải trả giá đắt, và thay vì tự nhủ rằng mọi thứ sẽ tốt trong một thế giới tốt đẹp nhất, chúng ta phải thừa nhận rằng các giá trị sẽ xung đột với nền kinh tế. Thế tiến thoái lưỡng nan do cuộc xâm lược Ukraine đặt ra thể hiện rõ điều này: chúng ta có sẵn sàng hạ nhiệt hệ thống sưỡi ấm để ngăn chặn chiến tranh không? Và nhất là ở mức độ nào?

Như vậy, sự căng thẳng này, tự nó, không có thiên hướng tự giải quyết?

Jeremy Bentham (1748-1832)

Không phải theo nghĩa là mọi thứ cuối cùng sẽ suôn s. Chúng tôi đã đề cập đến kinh tế học hành vi ở trên. Lĩnh vực này khảo sát ý tưởng rằng mọi người không tối đa sự sung túc vật chất của họ, rằng họ rất thường mắc lỗi (họ ngoại suy các xu hướng trong quá khứ quá nhiều, thiếu kỷ luật tự giác, v.v.). Nhưng từ đó, kinh tế học hành vi suy ra rằng mọi người cần được dạy cách để tối ưu hóa cuộc sống của họ tốt hơn, hoặc thậm chí buộc họ phải làm như vậy! Nhưng tham vọng này là một quan điểm triết học rất đáng tranh cãi. Nó thúc đẩy lối sống hoan lạc được nhà kinh tế học Jeremy Bentham khuyến khích vào thế kỷ 19 với triết lý “thực dụng” của ông: thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người tối đa hóa thú vui và giảm thiểu nỗi đau của họ.

Đó chính là hệ thống các giá trị mà nhiều nhà kinh tế học áp đặt lên các phân tích của họ. Nhưng không có gì chỉ rằng đây là hệ thống giá trị của những người dân. Một mâu thuẫn đặc biệt rõ ràng liên quan đến tự do: các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do, theo nghĩa tự do là một công cụ để đạt được hiệu quả kinh tế.

Đúng hơn tôi nghĩ rằng đây là một cách tiếp cận ở cấp trung dung, ngay cả khi giá của các giá trị của chúng ta tiềm tàng có thể là vô hạn.

Con người không chỉ nghĩ đến hiệu quả và họ sẵn sàng trả giá cho việc này. Vậy nên, chúng tôi đã nghiên cứu tình huống sau: để hỗ trợ một nhà sản xuất địa phương và duy trì 1.000 việc làm, người ta đề xuất mua xe điện với chi phí cao hơn, bằng cách tăng giá thuê bao. Ba nhóm, phải chịu những mức tăng giá khác nhau, được yêu cầu xếp hạng dự án (từ 0 đối với hoàn toàn không đồng ý đến 10 đối với hoàn toàn đồng ý). Điểm trung bình là 7,4 đối với nhóm đối tượng bị tăng 5%, 6,6 đối với nhóm đối tượng bị tăng 10% và 6,1 đối với nhóm đối tượng bị tăng 50%. Giá trị của tình đoàn kết thậm chí còn kháng cự lại một sự gia tăng giá đáng kể.

Trong thế giới của các nhà kinh tế học, thị trường với những cá nhân tự do của nó có thể được thay thế bằng một máy tính có khả năng phân bổ các nguồn lực. Ngược lại, trong cuộc sống thực, giá trị của sự tự do rất mạnh mẽ, nhưng nó cũng là sự tự do đưa ra những lựa chọn “xấu/sai”. Và đó là một quyền tự do tự nó, không gắn kết với bất kỳ ý tưởng nào về tính hiệu quả. Một cách ngắn gọn, đó là một giá trị đạo đức.

Sự trở về lại này mang tính phê phán đối với ngành của ông và đối với các tiền đề triết học của nó dẫn ông đến sự khám phá những tầm nhìn hoàn toàn xa lạ với truyền thống của chủ nghĩa cá nhân gắn liền với kinh tế học. Ví dụ, ông đề cập đến cha đẻ của xã hội học, Émile Durkheim.

Émile Durkheim (1858-1917)

Durkheim nhấn mạnh đến cuộc đời trống rỗng trong đó các cá nhân bị xã hội công nghiệp nhấn chìm, bởi vì nó thúc đẩy việc tối đa hóa các lợi ích cá nhân khiến cho nhóm bị thiệt thòi. Durkheim cho rằng chủ nghĩa cá nhân thực dụng là một “địa ngục xã hội học”: nó làm cho trái tim bị lạnh đi và gây ra sự tuyệt vọng. Đối với các nhà kinh tế học như chúng tôi, đây là một suy nghĩ rất dị giáo (không chính thống), nhưng chiếu sáng. Nó giúp chúng tôi xác định những gì chống lại các phương pháp của chúng tôi. Và những giá trị đạo đức được đặt lên hàng đầu trong thế giới quan của Durkheim chính là những giá trị ít được ngành chúng tôi lưu tâm nhất. Chúng giúp chúng tôi xây dựng chương trình nghiên cứu của mình.

Nhưng thách thức trung tâm vẫn là làm giàu tư duy kinh tế. Bao gồm cả trong các khía cạnh kỹ thuật và chuyên biệt nhất của nó. Chuyên ngành học thuật của tôi là kinh tế học tài chính. Người ta nói nhiều đến đầu tư có trách nhiệm, kinh doanh có trách nhiệm với xã hội. Tất nhiên, các nhà đầu tư trước hết được thúc đẩy bởi lợi nhuận, năng suất, nhưng những mối quan tâm về xã hội hoặc môi trường ngày càng trở nên quan trọng, đến độ chúng sẽ làm xói mòn logic thuần túy của lợi nhuận. Đó là một chủ đề hấp dẫn.

David Thesmar (1972-)

Tư duy kinh tế sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc xem xét cuộc đối đầu này giữa hiệu quả và các giá trị. Điều này sẽ cho phép nó cung cấp thông tin tốt hơn cho các cuộc tranh luận chính trị. Chúng tôi xuất phát từ nguyên lý là phải hỏi mọi người xem họ nghĩ gì, một cách nghiêm túc, để bộc lộ những căng thẳng và làm xuất hiện những mâu thuẫn. Nhưng nếu mọi người sẵn sàng trả một giá đắt để giảm thiểu ô nhiễm, để làm chủ cộng đồng của họ (thông qua sự phân cấp) hoặc để không còn cần hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thì tại sao không? Điều cần thiết là phải cung cấp thông tin cho vài cuộc tranh luận bằng cách tính đến các sở thích đạo đức của con người và bằng cách xác định ý nghĩa của điều này về mặt kinh tế.

Bài phỏng vấn của Richard Robert

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La science économique au défi des valeurs morales“, Polytechnique Insight, 4.5.2022.




Chú thích:

[*] Giáo sư kinh tế học tài chính. Trường Quản lí Sloan (MIT)

Print Friendly and PDF