19.9.22

Giới thiệu sách hay: Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973

Giới thiệu sách hay

KINH TẾ NHẬT BẢN - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THẦN KỲ 1955-1973[*]

Hà Dương Tường

Trong một bài viết mang nhan đề “4.000 ngày thay đổi Việt Nam” trên báo Tuổi Trẻ ngày 26.1.2020, tác giả Trần Văn Thọ đã cho đóng khung ở cuối bài nhận xét này:

Trong thời cận đại, những nước thành công trong việc rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước hầu như đều trải qua một giai đoạn tăng trưởng cao (trên dưới 10%) trong một thời gian dài. Điển hình là Nhật Bản 18 năm (1955 - 1973), Hàn Quốc 13 năm (1982 - 1995) và Trung Quốc gần 30 năm (1983 - 2011). Việt Nam chưa bao giờ có một giai đoạn phát triển cao như vậy.

Cuốn sách Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 tập trung trình bày điển hình thứ nhất, “để cung cấp một tham khảo cho những bàn luận về mục tiêu năm 2045 của Việt Nam” (Lời nói đầu sách), “bàn luận” mà tác giả đã phác hoạ vài nét trong bài viết nói trên, đặt mục tiêu là “làm thay đổi Việt Nam, thay đổi diện mạo Việt Nam trên trường quốc tế và thay đổi hẳn cuộc sống của người Việt Nam cả chất và lượng” trong 4.000 ngày, từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2030, một mục tiêu theo ông là có thể thực hiện được, nếu có chiến lược, chính sách đúng đắn, kèm theo là những cải cách cần thiết. Vì “nếu có khát vọng trở thành đất nước giàu mạnh để thực hiện các cải cách cần thiết và các chính sách thích hợp” thì, theo ông, thập niên 2020 sẽ là giai đoạn tăng trưởng cao của Việt Nam, “kết quả có thể lớn hơn dự tưởng” khi các nguồn lực trong và ngoài nước được giải phóng, được tận dụng.

Ikeda Hayato (1899-1965)
Yoshida Shigeru (1878-1967)

Có thể nói, hai chữ “nếu” trên đây (mà người viết bài này nhấn mạnh) là nội dung chủ yếu của phần II cuốn sách, nơi tác giả nêu ra những yếu tố chủ quan quan trọng nhất làm nên những kỳ tích phát triển của nước Nhật trong giai đoạn được nghiên cứu và mô tả trong phần I. Đó là những yếu tố mà tác giả gọi chung là “năng lực xã hội”, bao gồm những tố chất của lãnh đạo chính trị (khát vọng xây dựng đất nước, có tầm nhìn đại cuộc và năng lực quy tụ nhân tài...), của các trí thức, quan chức (có năng lực và thanh liêm), doanh nhân (mưu tìm lợi nhuận không phải là mưu tìm đặc lợi!), , mỗi người trong vị trí của mình đem hết sở trường hợp tác với nhau để xây dựng nên những thể chế của một “nhà nước kiến tạo phát triển”. Hàng chục bức chân dung (rải rác trong cả hai phần I và II) của những nhân vật nổi bật nhất của Nhật Bản thời hậu chiến, từ Thủ tướng Yoshida Shigeru, người hình thành thể chế hậu chiến Nhật Bản, Thủ tướng Ikeda Hayato, người đã biết vận dụng trí tuệ xuất sắc của kinh tế gia Shimomura vào các ý tưởng chiến lược của mình để “thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai”, cho đến Ibuka Masaru và Morita Akio, những nhà sáng lập công ty Sony, hay Toyota Eiji, “ông tổ trung hưng” của công ty xe hơi nổi tiếng... soi sáng cả hai khái niệm “năng lực xã hội” và “nhà nước kiến tạo phát triển” ấy. Nội dung của hai khái niệm này được tác giả trình bày rất rõ ràng, sáng tỏ trong Chương Tổng luận đặt ở đầu sách, trước phần I.

Cuốn sách kết thúc với hai phụ chương ngắn của phần III, về hai giai đoạn tiếp theo, giai đoạn củng cố vị trí cường quốc kinh tế của Nhật (1973-1989), rồi 30 năm trì trệ (từ thập niên 1990 tới nay). Phụ chương 2 “phân tích sơ bộ và đưa ra một vài giả thuyết” về 30 năm trì trệ này.

Không phải ngẫu nhiên mà chương 5, chương cuối của phần I, tóm tắt các “kỳ tích phát triển” này, mang nhan đề gần giống như bài báo đã dẫn: “6.000 ngày làm thay đổi nước Nhật”. Hiển nhiên, tình cảm và suy tư của tác giả về Việt Nam quê hương ông nằm sau mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng dẫn dắt ông trong nghiên cứu về những kỳ tích mơ ước ấy. Dễ hiểu tại sao cuốn sách rất được người đọc đánh giá cao, phát hành tháng 5 thì tháng 6 đã bán hết[1] và đang chuẩn bị tái bản. Và nó cũng rất xứng đáng được Giải Sách Hay 2022 (hạng mục Sách Kinh tế), đồng thời với cuốn Việt Nam hôm nay và ngày mai mà ông là đồng chủ biên cùng với TS Nguyễn Xuân Xanh.

Chúc mừng tác giả về thành quả đáng ghi nhận này và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Diễn Đàn cũng xin cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại dưới đây bản Mục lục cuốn sách và Chương Tổng luận.

Hà Dương Tường

Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973

Mục lục

Lời nói đầu

Phương châm viết tên người Nhật và biểu thị một số tiếng Nhật

Một số từ tiếng Nhật dùng nhiều trong sách

Danh mục Biểu và Hình

 

Chương tổng luận

Nhật Bản theo kịp Tây phương: Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội

 

Phần I Kỳ tích phát triển hậu chiến Nhật Bản

Chương 1 Chính trị, kinh tế Nhật Bản những ngày sau Thế chiến II

Chương 2 Đêm trước của một thời đại: Nhật Bản giữa thập niên 1950

Chương 3 Mở cửa, hội nhập và chính sách công nghiệp

Chương 4 Tích lũy tư bản và năng lực chuyển hoán

Chương 5 6000 ngày làm thay đổi nước Nhật

Phần II Năng lực xã hội và kỳ tích phát triển

Chương 6 Năng lực xã hội và lãnh đạo chính trị

Chương 7 Quan chức nhà nước: anh hùng trong thời đại phát triển

Chương 8 Tinh thần doanh nghiệp và kỳ tích phát triển

Chương 9 Giáo dục, đào tạo và chất lượng lao động

Chương 10 Du nhập, cải tiến công nghệ và năng lực xã hội

Phụ lục chương 10 Đường sắt cao tốc (Shinkansen): Thành tựu công nghệ Nhật Bản

Phần III Phụ chương: Kinh tế Nhật Bản sau giai đoạn phát triển thần kỳ

Phụ chương 1 Giai đoạn củng cố vị trí cường quốc: 1974-1989

Phụ chương 2 Tại sao kinh tế Nhật Bản suy thoái từ thập niên 1990?

 

Tư liệu tham khảo

Mục tra chữ

 

Chương tổng luận

Nhật Bản theo kịp Tây phương:

Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội

 

Nhật Bản là một điển hình thành công của một nước đi sau theo kịp các nước tiên tiến trong quá trình phát triển. Quá trình khởi đầu từ thời Minh Trị duy tân nhưng do những hạn chế của thời đại (về thông tin, về các phương tiện và thời gian để hấp thu những tiến bộ của thế giới văn minh, v.v.) và vì phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Nhật phải đợi đến thập niên 1970 mới đạt mục tiêu quốc gia đó. Vươn lên từ một đất nước bị tàn phá trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ trong vòng 10 năm Nhật hồi phục lại mức phát triển cao tiền chiến và tiếp theo là giai đoạn phát triển ngoạn mục 18 năm (1955-1973) đã làm thay đổi hn đời sống của người dân và vị trí của Nhật trên vũ đài quốc tế. Giai đoạn 18 năm đó được xem là thời đại phát triển thần kỳ vì vừa đạt tốc độ tăng trưởng rất cao (trung bình 10%/năm) và liên tục kéo dài gần 20 năm, vừa thực hiện phân phối thu nhập rất công bằng nhờ thực hiện toàn dụng lao động, cơ hội bình đẳng và các chính sách về thuế. Giai đoạn phát triển đó làm cho Nhật tiến kịp các nước tiên tiến Tây phương và đưa Nhật lên địa vị cường quốc công nghiệp.

Yếu tố nào mang lại hiện tượng phát triển thần kỳ đó? Theo tôi hai thuật ngữ, hai từ khóa để phân tích sự thành công của Nhật là nhà nước định hướng phát triển hoặc nhà nước kiến tạo phát triển (development state) và năng lực xã hội (social capability). Yếu tố thứ nhất đặc biệt quan trọng vì ngoài vai trò hoạch định, tổ chức, thực hiện chiến lược, chính sách phát triển còn có ảnh hưởng đến tính chất của yếu tố thứ hai trong đó có việc xây dựng cơ chế để tăng năng lực xã hội.

 

Thế nào là một nhà nước kiến tạo phát triển?

Phát triển là quá trình tích lũy tư bản, sáng tạo hoặc áp dụng công nghệ và sử dụng các nguồn lực như lao động, đất đai, qua việc tăng năng suất các nguồn lực này, để liên tục tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân. Trên bình diện quốc tế, từ vị trí của một nước đi sau, phát triển là quá trình thay đổi cơ cấu phân công quốc tế, chuyển dịch lợi thế so sánh từ thấp lên cao, làm thay đổi vị trí của đất nước trên vũ đài thế giới. Trong quá trình đó, củng cố nội lực song song với sử dụng ngoại lực (như công nghệ, tư bản, học tập kinh nghiệm quản lý, xây dựng thể chế) có hiệu quả nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước.

Yếu tố quan trọng nhất quy định sự thành công hay thất bại, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng phát triển là thể chế.

Chalmers Johnson (1931-2010)

Trước hết nói về sự khác nhau của các thể chế chính. Thể chế, ở đây chủ yếu là thể chế kinh tế, là tính chất của quan hệ giữa nhà nước (state) và thị trường (market). Khi vai trò của thị trường không được chấp nhận, chỉ có nhà nước phân bổ nguồn lực, quyết định tất cả các hoạt động kinh tế, thông qua doanh nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, thì đó là thể chế kế hoạch hóa tập trung, điển hình là Liên xô trước đây hay Việt Nam trước đổi mới. Ngược lại là thể chế kinh tế thị trường thuần túy, được vận hành hoàn toàn theo nguyên lý thị trường, cạnh tranh tự do giữa các doanh nghiệp tư nhân và thị trường quyết định cung cầu, giá cả. Theo lý luận thì trường hợp thứ hai nầy là thể chế kinh tế tại các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng trên thực tế, từ khi kinh tế học của Keynes xuất hiện giữa thập niên 1930, vai trò của nhà nước ngày càng quan trọng, nhất là trong việc ổn định vĩ mô, tăng việc làm, giảm lạm phát, v.v.. Giữa các nước tư bản th chế kinh tế cũng không hoàn toàn giống nhau, nhất là giữa những nước có trình độ phát triển khác nhau, tuy cùng theo chủ nghĩa tư bản nhưng vai trò của nhà nước cũng khác. Trong cuốn sách xuất bản đầu thập niên 1980, MITI and the Japanese Miracle (Bộ Công Thương và Kỳ tích Nhật Bản), giáo sư Chalmers Johnson cho rằng nhà nước ở Nhật khác với Mỹ. Mỹ là nhà nước theo quy ước hay quy chế (regulatory state), có vai trò giám sát, hạn chế hoạt động của doanh nghiệp tư nhân (bằng luật lệ, pháp lệnh) để không đi xa các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Còn thể chế ở Nhật Bản là nhà nước phát triển (development state) hay nhà nước phát triển tư bản chủ nghĩa (capitalist development state), trong đó nhà nước đặt mục tiêu phát triển đất nước thành ưu tiên hàng đầu, tạo các cơ chế để cùng với doanh nghiệp bàn bạc về nội dung, đường hướng phát triển và đưa ra các chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển (Johnson 1982).

Quan hệ giữa nhà nước và thị trường cũng được bàn nhiều trong kinh tế học phát triển. Sau Thế chiến thứ II, vấn đề của các nước mới giành được độc lập là phát triển kinh tế. Với những điều kiện ban đầu không thuận lợi và thị trường chưa hình thành, nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo. Các chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, bảo hộ nền công nghiệp còn non trẻ, v.v.. ra đời trong bối cảnh đó. Nói chung, những nước đi sau trong quá trình công nghiệp hóa cũng nhấn mạnh vai trò của nhà nước, đặc biệt phản ánh rõ nhất trên chính sách công nghiệp (industrial policy). Từ đầu thập niên 1980 vai trò của thị trường, nhất là cạnh tranh trên thị trường thế giới được chú ý khi các nước công nghiệp mới xuất hiện mà đặc tính là công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu. Chủ trương này hòa nhập với tư tưởng tự do cạnh tranh, nới lỏng qui chế (deregulations), tư nhân hóa doanh nghiệp, v.v. ở Anh, Mỹ và Nhật trong thập niên 1980. Đỉnh cao của trào lưu tự do trong kinh tế, trong ngoại thương được gói ghém trong thuật ngữ Đồng thuận Washington (Washington Consensus), ra đời năm 1989.

Đầu thập niên 1990, bản báo cáo nổi tiếng Kỳ tích Đông Á (East Asian Miracle) của Ngân hàng Thế giới (World Bank 1993) đưa ra một chủ trương chiết trung về quan hệ giữa nhà nước và thị trường sau khi phân tích sự thành công của các nước Đông Á. Ở đây vai trò của nhà nước được đánh giá trở lại nhưng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi can thiệp vào thị trường với sự thân thiện (market-friendly intervention).

Mariana Mazzucato (1968-)

Từ cuối thập niên 1990, thể chế WTO và sự xuất hiện ngày càng nhiều những hiệp định thương mại tự do (FTA) làm hạn chế vai trò của nhà nước ở các nước đi sau trong quá trình công nghiệp hóa. Trong tình hình đó nhà nước tại nhiều quốc gia cũng không đóng vai trò tích cực trong việc đẩy mạnh việc khởi tạo hay nuôi dưỡng, yểm trợ các ngành công nghiệp. Nhưng đây là một suy nghĩ hay thái độ không đúng đắn. Những nước lớn trên thế giới gần đây cũng phát huy vai trò tích cực của nhà nước để kinh tế mạnh hơn. Ngay cả tại Mỹ, một nước điển hình tư bản chủ nghĩa, trong mấy thập niên qua nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong đổi mới sáng tạo làm cơ sở cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mariana Mazzucato (2015) đã dùng khái niệm nhà nước khởi tạo hay nhà nước khởi nghiệp (entrepreneurial state) để phân tích hiện tượng đó.

Nhưng nhà nước kiến tạo phát triển tại một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp hay trung bình chắc chắn phức tạp hơn, khó thành công hơn trường hợp của một nước đã phát triển đến giai đoạn cao như Mỹ. Dưới đây trước hết ta sẽ bàn sâu hơn vào nội dung cụ thể và điều kiện thành công của một nhà nước kiến tạo phát triển trong trường hợp của một nước đi sau trong quá trình rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước. Sau đó, từ những phân tích trong các chương của cuốn sách này ta rút ra các đặc tính, các kinh nghiệm thành công của Nhật Bản.

Friedrich List (1789-1846)

Nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước theo chủ nghĩa phát triển là nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu. Một nước còn ở trình độ phát triển thấp hay trung bình thì mục tiêu phát triển thông thường là công nghiệp hóa, là đưa đất nước trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Mặt khác, việc phát triển đất nước phải được đặt trong tương quan với thế giới bên ngoài. Sau thế chiến thứ hai các nước đi sau không còn lo về nguy cơ bị thực dân hóa nhưng không phát triển thì bị lệ thuộc kinh tế, từ lệ thuộc kinh tế sẽ chuyển sang lệ thuộc về chính trị. Lãnh đạo của nhà nước kiến tạo phát triển do đó phải có tinh thần dân tộc, có khí khái, hoài bão, quyết làm cho đất nước giàu mạnh để sánh vai với các nước tiên tiến. Trong một thế giới mà trật tự đã được các nước tiến tiến xác lập và bất lợi đối với các nước chưa phát triển, lãnh đạo của nước đi sau phải đủ trí tuệ và bản lãnh tìm ra chiến lược phù hợp với lợi ích của đất nước mình. Vào giữa thế kỷ 19, trật tự thế giới lúc đó do Anh chủ đạo với lý thuyết tự do mậu dịch. Nhưng Đức, một nước đi sau, không chấp nhận thể chế tự do mậu dịch vì như vậy sẽ không thể nào công nghiệp hóa trước hàng công nghiệp nhập ào ạt từ Anh. Người đưa ra lý luận để bảo vệ lập trường của Đức là Friedrich List. Theo List (1841), sức mạnh của một nước không tùy thuộc vào của cải, tài sản hiện có mà tùy vào năng lực tạo ra tài sản, của cải mới, và để có năng lực đó phải tích lũy tư bản và đào tạo lao động lành nghề; năng lực đó cần thời gian mới có, khi chưa có được phải bảo hộ, đây là bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ; chính sách mậu dịch (tự do hay bảo hộ) của một nước tùy theo trình độ, giai đoạn phát triển của nước đó, không thể giống nhau ở mọi nước. Thời Minh Trị, các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng có cùng chủ trương như List ở Đức mấy chục năm trước đó, nhưng Nhật gặp khó khăn hơn vì phải thực hiện Hiệp ước bất bình đẳng do chính quyền trước (Edo) ký với Mỹ và một số nước Tây Âu, trong đó Nhật không được bảo hộ mậu dịch bằng thuế quan. Các lãnh đạo thời Minh Trị đã nỗ lực vừa xây dựng đất nước vừa thương lượng với các nước Tây phương để chấm dứt hiệp ước bất lợi đó (kết quả là năm 1899 Nhật tranh thủ được một phần và đến năm 1911 thì hồi phục hoàn toàn chủ quyền quan thuế).

Với trật tự, thể chế kinh tế thế giới từ sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã chọn lựa một chiến lược vừa hội nhập vừa củng cố năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như sẽ thấy dưới đây, nhưng vẫn có điểm chung với Đức và Nhật thế kỷ 19 là đề cao tinh thần dân tộc và lấy lợi ích đất nước làm ưu tiên hàng đầu.

Alexander Gerschenkron (1904-1978)
Alice Amsden (1943-2012)

Một nội dung quan trọng khác liên quan nhà nước kiến tạo phát triển trong quan hệ đối ngoại là phát huy tinh thần học tập từ những nước tiên tiến. Gerschenkron (1962) có đưa ra khái niệm “lợi thế của nước đi sau” (the advantage of backwardness) để phân tích hiện tượng các nước đi sau có thể rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước trong một thời gian ngắn. Các nước đi trước đã mất nhiều năm nghiên cứu, khám phá công nghệ, thử nghiệm các chính sách, các phương thức quản lý, các chiến lược phát triển. Các nước đi sau có thể học tập thành quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển từ các nước đi trước nên có thể thực hiện thành quả phát triển trong 30-40 năm thay vì 100 năm hay lâu hơn ở các nước tiên tiến. Từ thế kỷ 19 những nước thành công trong công nghiệp hóa đều bắt đầu một quá trình học tập từ các nước tiên tiến. Nói theo thuật ngữ của Alice Amsden (1989) khi phân tích kinh nghiệm của Hàn Quốc thì các nước thành công trong phát triển là nhờ thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở của học tập (industrialization on the basis of learning). Sự quan trọng của học tập trong chiến lược công nghiệp hóa để theo kịp các nước đi trước ngày càng được được quan tâm cả trong giới học thuật và giới lãnh đạo ở nhiều nước. Gần đây, Arkebe Oqubay, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Ethiopia, và Ohno Kenichi, giáo sư kinh tế phát triển Đại học GRIPS (Tokyo), vừa biên tập và xuất bản cuốn sách quan trọng Các nước đã học tập như thế nào? (Oqubay and Ohno 2019). Với sự tham gia của gần 20 nhà nghiên cứu, cuốn sách phân tích vấn đề học tập ở 3 cấp (nhà nước, ngành sản xuất và doanh nghiệp) và rút ra các điều kiện để một nước đi sau học tập thành công.

Cho đến nay, có lẽ Nhật Bản thời Minh Trị là trường hợp điển hình nhất của một nhà nước kiến tạo phát triển đã thực hiện một chương trình học tập từ các nước tiên tiến Tây phương với quy mô và chất lượng chưa từng thấy ở các nước khác. Đó là Phái đoàn Iwakura do chính quyền Minh Trị tổ chức đi học hỏi trực tiếp văn minh Tây phương rất nhiều ngày, qua nhiều nước, khảo sát rất cặn kẻ và bao gồm rất nhiều lãnh vực, sau khi về nước đã viết lại các bản báo cáo nhiều tập, áp dụng rộng rãi trong việc xây dựng đất nước. Đặc biệt đoàn đi học tập nầy vừa đông (46 người) vừa gồm rất nhiều nhân vật cấp lãnh đạo cao nhất như Ito Hirobumi (sau trở thành người soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên và trở thành thủ tướng đầu tiên), Okubo Toshimichi, người lập ra chiến lược phú quốc cường binh để thực hiện mục tiêu “theo kịp và vượt Tây phương”. Thời gian đi khảo sát kéo dài tới gần 2 năm từ cuối năm 1871 đến tháng 9 năm 1873. Sau khi trở về nước, kết quả học tập ở Âu Mỹ được soạn thành bộ tư liệu Thực ký về chuyến quan sát Âu Mỹ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Đây là bộ tư liệu đồ sộ, gồm tới 100 tập, riêng kết quả học tập ở Mỹ và Anh, mỗi nước soạn thành 20 tập, Đức 10 tập, Pháp 9 tập, v.v.. Việc học tập của Nhật Bản thời đó còn được thực hiện qua việc phiên dịch rất nhiều sách về luật pháp, kinh tế, khoa học. Tôi đã có dịp viết về nỗ lực phi thường của Nhật trong dịch thuật này (Trần V Thọ, 2008). Các lãnh đạo thời Minh Trị, với sứ mệnh canh tân để phát triển đất nước, đã học tập tiếp thu tích cực văn minh, văn hóa Tây phương. Tinh thần nầy được kế tục sau thế chiến thứ hai và góp phần làm nên giai đoạn phát triển thần kỳ như sẽ thấy dưới đây.

Trên đây là những nội dung cơ bản của một nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng từ các nội dung đó làm sao xây dựng các cơ chế, pháp luật, chiến lược, chính sách cụ thể và nghệ thuật thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển là cả một vấn đề lớn, quyết định sự thành bại của nhà nước phát triển. Có thể gọi đó là các thể chế (institutions) cụ thể cần xây dựng và vận hành để đạt mục tiêu phát triển đất nước. Trong việc xây dựng và vận hành các thể chế này phải giải quyết một loạt nhiều vấn đề phức tạp, trong đó nhiều chiến lược, chính sách sẽ thay đổi theo những thay đổi, đôi khi đột biến, của môi trường quốc tế. Dưới đây qua phân tích trường hợp của Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần kỳ ta sẽ thấy được nội dung cụ thể của các thể chế đó.

 

Nhà nước kiến tạo phát triển Nhật Bản

trong giai đoạn phát triển thần kỳ

 

Hai chủ thể chính của nhà nước là lãnh đạo chính trị và quan chức, và động lực trực tiếp để kinh tế phát triển là doanh nghiệp và lao động. Đặc biệt quan trọng là doanh nghiệp tức chủ thể đầu tư, tích lũy tư bản, cách tân công nghệ, nghiên cứu thị trường và sử dụng lao động. Một thành phần nữa của xã hội là trí thức, có vai trò đóng góp trí tuệ vào việc hình thành chiến lược, chính sách hoặc phản biện chính sách, và phát hiện vấn đề, đề khởi phương pháp giải quyết vấn đề liên quan hướng đi tương lai để các thành phần khác, kể cả người trách nhiệm trong bộ máy nhà nước và doanh nghiệp tham khảo. Một nhà nước kiến tạo phát triển phải có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tích cực đầu tư, cách tân công nghệ, có cơ chế thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, có cơ chế để trí thức phản biện và góp trí tuệ vào việc hình thành chiến lược, chính sách. Một trách nhiệm quan trọng nữa của nhà nước là giáo dục, đào tạo để tăng chất lượng lao động. Những nội dung nầy đã được thực hiện như thế nào trong thời đại phát triển thần kỳ của Nhật Bản? Dưới đây ta tóm tắt một số điểm quan trọng đã được phân tích trong sách này.

Arisawa Hiromi (1896-1988)

Thứ nhất, tinh thần trách nhiệm, nhãn quan bén nhạy của lãnh đạo chính trị đối với lợi ích của dân tộc và ước vọng dân chúng đã cổ vũ toàn dân hướng vào mục tiêu do nhà nước đưa ra. Sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, đất nước bị Mỹ chiếm đóng, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, lạm phát phi mã, số người thất nghiệp tăng đột biến do quân đội giải ngũ. Giành lại độc lập chính trị và phục hưng hậu chiến là hai mục tiêu đặt ra hàng đầu. Với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, nhất là của thủ tướng Yoshida Shigeru, với sự tham gia tích cực của trí thức và doanh nghiệp, chỉ trong 10 năm Nhật đã thành công trong phục hưng hậu chiến. Tuy có sự hỗ trợ của Mỹ và tác động tích cực của Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) nhưng nội lực của Nhật quan trọng hơn. Trong giai đoạn nầy, cùng với lãnh đạo chính trị và quan chức, trí thức và doanh nghiệp cũng đóng vai trò lớn. Thời đó, cả trí thức mác-xit (như giáo sư kinh tế Arisawa Hiromi của Đại học Tokyo) và các trí thức khác (như tiến sĩ Tsuru Shigeto trở về từ Đại học Harvard) đều được trọng dụng và đều có vai trò quan trọng trong việc hoạch chiến lược hồi phục kinh tế. Về doanh nghiệp, đáng kể nhất là Sony và Honda, những công ty tiêu biểu ngày nay, đã ra đời trong giai đoạn phục hưng hậu chiến, và đều khởi đầu bằng hoài bão xây dựng đất nước. Trong buổi lễ sáng lập công ty Sony năm 1946, Ibuka Masaru đã nói “ta phải đem công nghệ đóng góp vào việc phục hưng tổ quốc chúng ta”. Honda Soichiro, người sáng lập Honda năm 1948, thì chủ trương doanh nghiệp nầy là của chung, ra đời vì mục đích chung, phục vụ cho xã hội, cho đất nước.

Nakayama Ichiro (1898-1980)

Sau 10 năm phục hưng hậu chiến, Nhật bước vào giai đoạn mới. Lúc này xuất hiện nhà chính trị kiệt xuất Ikeda Hayato. Ông có nhãn quan nhìn thấu khát vọng của người dân là phải thay đổi cuộc sống và thực hiện giấc mơ theo kịp Tây phương của cha ông từ thời Minh Trị. Nhiều người kể rằng từ khi làm Bộ trưởng Tài chánh ông thích và thường nói đến 4 chữ “kinh quốc vi dân” (vì dân mà trị nước), đó là lý tưởng làm cho dân giàu nước mạnh. Ông tự tin là người Nhật có tiềm năng thực hiện được giấc mơ theo kịp Tây phương. Nhưng bắt đầu từ đâu, thực hiện như thế nào? Lúc này ông cần đến trí thức, đến chuyên gia. Trong lúc suy nghĩ, tìm đọc sách vở, ông bắt gặp bài viết của giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro về sự cần thiết và khả năng bội tăng tiền lương của lao động trong 10 năm tới. Nhờ đó Ikeda thai nghén kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân. Nhưng để vũ trang lý luận cho ý tưởng nầy ông đã nhờ đến nhà kinh tế Shimomura Osamu. Vào thời đó, các trí thức, các nhà kinh tế bàn luận sôi nổi về tiềm năng của kinh tế Nhật trong giai đoạn tới, và ý kiến của Shimomura là có sức thuyết phục nhất và hứa hẹn tương lai tươi sáng của Nhật. Shimomura cho rằng tỉ lệ tiết kiệm của Nhật khá cao, tình hình quốc tế thuận lợi để Nhật có thể du nhập công nghệ dễ dàng từ Âu Mỹ và các doanh nghiệp đang hăng hái tìm cơ hội đầu tư, do đó chỉ cần có chiến lược, chính sách đúng đn, có cơ chế thích hợp thì kinh tế có thể tăng trưởng rất cao trong thời gian dài. Nhà chính trị yêu nước Ikeda kết hợp với trí tuệ của các trí thức Nakayama, Shimomura đã khai sinh ra kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân, cốt lõi của giai đoạn phát triển thần kỳ. Ikeda và kế hoạch bội tăng thu nhập nầy đã thổi vào xã hội một luồng không khí phấn chấn, đặc biệt doanh nghiệp lạc quan về tương lai, tích cực du nhập công nghệ, xây dựng nhà máy mới hoặc thay đổi thiết bị cũ, làm nên hiện tượng mà sách trắng kinh tế năm 1960 gọi là “đầu tư kêu gọi đầu tư”.

Thứ hai, từ cuối thập niên 1950 Nhật đứng trước cơ hội và thách thức của hội nhập vào thị trường thế giới, và nhà nước đã kết hợp với trí tuệ của trí thức để đưa ra chiến lược hội nhập từng bước đồng thời khẩn trương củng cố nội lực, cuối cùng đã thành công ngoạn mục. Thời ấy gia nhập GATT (tiền thân WTO) và OECD là đón nhận cơ hội thâm nhập thị trường thế giới, nhưng đồng thời thách thức trước hàng hóa và tư bản nước ngoài tràn vào thị trường Nhật trong lúc kinh tế còn non yếu, doanh nghiệp còn nhỏ là một thách thức lớn. Nhà nước, trí thức và doanh nghiệp bàn luận sôi nổi. Cuối cùng Nhật đã quyết định hội nhập nhưng từng bước, kéo dài nhiều năm mới thực hiện toàn bộ cam kết với thế giới. Họ cho thấy nỗ lực phi thường trong việc nghiên cứu lộ trình hội nhập, thương lượng, thuyết phục các nước chấp nhận vị trí (còn yếu kém) và đề xuất của Nhật. Quan trọng không kém là nỗ lực tăng cạnh tranh quốc tế với tốc độ nhanh hơn lộ trình cam kết thực hiện mở cửa. Kết quả là sức cạnh tranh của hàng công nghiệp tăng nhanh hơn dự tưởng và Nhật đã thực hiện lộ trình hội nhập sớm hơn cả cái mốc đã cam kết phải thực hiện. Cho đến nay chưa thấy nước nào có được thành tích hội nhập kỳ diệu như vậy. Thành tích nầy là kết quả của những yếu tố khác đề cập dưới đây liên quan đến nhà nước kiến tạo phát triển.

Thứ ba, tập thể quan chức tài năng, thanh liêm, mang trong mình sứ mệnh cao cả đã vạch ra chiến lược, chính sách đúng đắn và quản lý, thực hiện có hiệu quả. Những quan chức tài năng của Bộ kế hoạch kinh tế như Okita Saburo, Miyazaki Isamu là những người phụ trách triển khai Kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân của thủ tướng Ikeda. Quan chức Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo và thực thi các kế hoạch phát triển công nghiệp, phát huy tinh thần dân tộc trong quá trình Nhật cạnh tranh với các nước đi trước, đã để lại dấu ấn cả trong văn chương Nhật Bản. Hai quan chức Sahashi Shigeru và Miyake Yukio của Bộ Công Thương trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn Shiroyama Saburo xây dựng nhân vật chính trong tiểu thuyết Mùa hè của các quan chức (Shiroyama 1980). Trong bài viết “Hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển” tôi cũng đề cập nhiều đến tinh thần yêu nước và nỗ lực phi thường của các quan chức Bộ Công Thương Nhật (Trần V Thọ 2010). Thời đất nước còn khó khăn, ngân sách và ngoại tệ hạn hẹp, lãnh đạo và quan chức rất tiết kiệm của công. Ikeda Hayato, nhà chính trị kiệt xuất đã nói ở trên, từng là quan chức và lãnh đạo Bộ Tài chánh, lúc còn làm Bộ trưởng dẫn đầu đoàn công du gồm nhiều quan chức của bộ sang Mỹ vào năm 1958. Đoàn đã thuê khách sạn 3 sao và hai người (kể cả bộ trưởng) ở chung phòng.

Ngoài tinh thần dân tộc, yếu tố văn hóa nói chung của người Nhật trong thời đại phát triển để theo kịp phương Tây, chế độ thi tuyển và cơ chế đãi ngộ cũng làm cho Nhật có một đội ngũ quan chức tài năng và thanh liêm. Vượt qua mấy cửa ải khó khăn mới được tuyển vào các bộ trong chính phủ, thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ và văn hóa, quan chức luôn cảm thấy lòng tự hào với sứ mệnh tham gia hoạch định chiến lược, chính sách để đất nước phát triển. Dĩ nhiên chế độ đãi ngộ cũng làm quan chức không bận tâm về cuộc sống của mình và gia đình để có thể chuyên tâm lo việc nước. Luật lệ, cơ chế đầy đủ và minh bạch nên nếu có tham nhũng hay biển thủ công quỹ thì số tiền cũng rất nhỏ, nhiều lắm chỉ bằng một năm lương của quan chức. Do đó nếu có quan chức tha hóa, họ cũng không dám phạm tội vì nếu bị lộ thì phải chịu một chế tài quá nặng.

Thứ tư, công nghiệp hóa là cốt lõi của quá trình phát triển, nhà nước kiến tạo phát triển của Nhật thể hiện rõ nhất ở việc xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp và đã thành công. Việc xây dựng chiến lược nuôi dưỡng và phát triển công nghiệp được chuẩn bị chu đáo, dựa theo lộ trình cam kết hội nhập và kèm theo các công cụ chính sách cụ thể để thực hiện. Tất cả các chính sách cho các ngành công nghiệp chủ đạo đều có hạn định về thời gian, và sau thời gian đó nền công nghiệp phải cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Chẳng hạn xem trường hợp ngành ô-tô. Theo lộ trình cam kết mở và hội nhập nói ở điểm thứ hai, ngành ô-tô được bảo hộ bằng quan thuế đến năm 1965. Trong thời gian 10 năm kể từ giữa thập niên 1950, Nhật đã khẩn trương lập chính sách nuôi dưỡng, củng cố sức cạnh tranh bằng Luật lâm thời chấn hưng ngành cơ khí (tháng 6/1956) để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô-tô, trong đó chỉ định 17 ngành linh kiện ô-tô cấp I được ưu tiên nuôi dưỡng bằng vốn ưu đãi đặc biệt từ Ngân hàng phát triển của nhà nước, và linh kiện ô-tô cấp II thì được hỗ trợ tín dụng từ Quỹ cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với doanh nghiệp lớn, nhà nước giúp đỡ bằng các chính sách thuế khóa và cho vay ưu đãi từ Ngân hàng phát triển để thay đổi thiết bị hoặc xây dựng nhà máy mới, ưu tiên được dùng ngoại tệ để nhập khẩu công nghệ, v.v.. Được bảo hộ và nuôi dưỡng có thời hạn nên doanh nghiệp đã nỗ lực để có thể tự lập và cạnh tranh sau thời gian đó. Với các chính sách của nhà nước và với phản ứng tích cực của doanh nghiệp tư nhân, ngành ô-tô đã phát triển ngoạn mục. Chỉ trong vòng 7 năm, từ 1956 đến 1963, sản lượng ô-tô đã tăng 10 lần (từ 100.000 tăng lên 1 triệu chiếc). Cuối thập niên 1950 sản lượng ô-tô của Nhật chỉ bằng 1/20 Mỹ và 1/7 Tây Đức, và Pháp, Anh, Ý cũng bỏ xa Nhật, nhưng đến năm 1979 Nhật đã trở thành nước sản xuất ô-tô nhiều nhất thế giới.

Thứ năm, nhà nước kiến tạo phát triển Nhật Bản trong nền kinh tế thị trường mà doanh nghiệp tư nhân là chủ đạo đã xây dựng được một cơ chế về sự quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp. Có hai công cụ chính. Một là Hội đồng tư vấn hay Hội đồng thẩm nghị (shingikai). Đây là cơ quan chính phủ lập ra với sự tham gia của đại biểu các tầng lớp dân chúng, gồm doanh nghiệp, trí thức, nhà báo, cựu quan chức, v.v. để họp bàn và đưa đề án về chính sách đến chính phủ. Có shingikai của thủ tướng (như Hội đồng tư vấn kinh tế) và shingikai của các bộ trưởng. Ngoài shingikai còn có một hình thức với qui mô nhỏ hơn gọi là kondankai (hội trao đổi ý kiến) cũng qui tụ các thành phần như shingikai nhưng bàn các vấn đề có phạm vi hẹp hơn. Chiến lược, chính sách cơ cấu công nghiệp hình thành từ shingikai về Cơ cấu công nghiệp; và các chính sách phát triển công nghiệp hình thành từ các shingikai hoặc kondankai chuyên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn hội họp bàn thảo riêng với từng ngành công nghiệp trước khi quyết định các chính sách quan trọng. Chính sách bảo hộ và nuôi dưỡng công nghiệp ô-tô nói ở điểm thứ tư hình thành do kết quả các buổi thảo luận giữa quan chức Bộ Công Thương và lãnh đạo doanh nghiệp ngành ô-tô.

Hai là chính phủ dùng hình thức “chỉ đạo hành chánh” (administrative guidance) để can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp khi cần thiết với mục đích bảo vệ lợi ích đất nước hoặc tăng sức cạnh tranh của một ngành công nghiệp. Mỗi doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ và cạnh tranh nhau đôi khi ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, hoặc khó đạt hiệu suất của toàn ngành công nghiệp và của từng doanh nghiệp. Có thể kể ra vài ví dụ điển hình. Vào cuối thập niên 1950, Toray và Teijin, hai công ty tơ sợ tổng hợp cạnh tranh nhau tại thị trường quốc nội, cùng một lúc đi mua công nghệ polyester của công ty Anh ICI. Bộ Công Thương lo sợ hai công ty Nhật cùng cạnh tranh mua một nguồn công nghệ sẽ đưa đến kết quả là mua giá đắt, bất lợi cho Nhật nên đã dàn xếp để hai công ty cùng đi thương lượng. Kết quả là công nghệ được nhập khẩu với giá thấp và hai công ty cùng sử dụng. Một ví dụ khác là trong quá trình chuẩn bị mở cửa hội nhập, Bộ Công Thương nhận thấy cần phải có một vài công ty thép lớn và mạnh mới có thể cạnh tranh với thép Âu Mỹ, nên năm 1968 đã dàn xếp khuyên hai công ty Yawata và Fuji hợp nhất thành công ty Nippon Steel (ra đời năm 1971). Ô-tô là ngành có tính quy mô kinh tế rất cao, quy mô sản xuất càng lớn thì giá thành càng thấp. Nhận thấy có hơn 10 công ty cạnh tranh trong thị trường còn nhỏ, Bộ Công Thương đã “chỉ đạo” các công ty kết hợp thành 3 nhóm để vừa điều chỉnh phân công đầu tư trong nội bộ mỗi nhóm nhằm đạt tính quy mô kinh tế vừa duy trì cạnh tranh giữa các nhóm.

Việc can thiệp, chỉ đạo hành chánh dĩ nhiên có chọn lựa, được cân nhắc kỹ và thường có tính thuyết phục chứ không ép buộc. Nhà nước là nơi tập trung thông tin, phân tích tình huống có chất lượng nhờ đội ngũ quan chức có năng lực, và nhờ kết tập trí tuệ của dân chúng qua hình thức shingikai kondankai. Do đó những chỉ đạo hành chánh thường có sức thuyết phục. Mặt khác, chính phủ cũng dùng cơ chế ưu đãi về tài chánh và thuế để khuyến khích doanh nghiệp hành động theo hướng được gợi ý chỉ đạo. Trường hợp 3 nhóm doanh nghiệp ô-tô nói trên được vay vốn ưu đãi để thay đổi thiết bị theo hướng phân công trong nội bộ mỗi nhóm.

Quá trình quyết định chính sách qua hình thức shingikai tăng tính công khai, minh bạch. Thêm vào đó, với phẩm chất của quan chức nói ở trên, ta thấy ở Nhật rất ít xảy ra hiện tượng doanh nghiệp hay các nhóm lợi ích tiếp cận với quan chức để mưu tìm lợi ích bất chính (rent-seeking).

Thứ sáu, nhà nước từ rất sớm đã thấy rõ sự quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nên đã có cơ chế thúc đẩy phát triển. Năm 1954, có tới 44% lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế tạo có số công nhân viên dưới 30 người. Trong các ngành dịch vụ thì con số đó lên tới 74%. Biết được ba cái yếu cơ bản của SMEs là không đủ nguồn lực để tự lập, khó tiếp cận với vốn vay để đầu tư và không có khả năng thu thập phân tích thông tin về thị trường, về công nghệ, nhà nước đã lập ra các định chế giúp SMEs giải quyết 3 vấn đề đó. Luật Tổ chức doanh nghiệp nhỏ (ban hành năm 1952) hợp thức hóa và thúc đẩy SMEs liên kết, hợp tác với nhau; Quỹ tín dụng trung tiểu xí nghiệp (1953) và Quỹ bảo hiểm tín dụng cho SMEs (1958) và chính sách của Ngân hàng phát triển giúp SMEs vay vốn dễ dàng. Về khó khăn thứ ba, Tổng cục Trung tiểu xí nghiệp trong Bộ Công Thương thường xuyên thu thập thông tin về thị trường, công nghệ trong và ngoài nước, phân tích hướng đi của kinh tế và các vấn đề SMEs đang trực diện, và công bố rộng rãi các kết quả phân tích. Trong các sách trắng phát hành hằng năm của chính phủ (như sẽ nói ở điểm thứ tám dưới đây), Sách trắng về SMEs được đọc nhiều nhất trong suốt thời gian dài. Chính sách, cơ chế được thực thi nghiêm túc, hầu như không thấy SMEs than phiền về thủ tục hành chánh. Xem cơ cấu nguồn cung cấp vốn cho SMEs năm 1957 ta ngạc nhiên thấy cả những doanh nghiệp siêu nhỏ (công nhân viên dưới 10 người), có tới 75% vốn vay của họ là từ ngân hàng (nhà nước và tư nhân), vốn phi chính thức (tự có hoặc vay mượn từ gia đình, bè bạn) chỉ có 25%!

Thứ bảy, Nhật Bản tiếp nối tinh thần học tập nước ngoài, không cần triển khai quy mô như thời Minh Trị canh tân đất nước, nhưng vẫn phát huy lợi thế của nước đi sau qua tích cực du nhập công nghệ và qua các kênh học tập, tham khảo việc quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp. Từ năm 1955 đến 1973, số vụ nhập công nghệ tăng 13 lần, số tiền chi cho hợp đồng công nghệ nước ngoài tăng 35 lần. Chính sách của nhà nước là định hướng thúc đẩy du nhập công nghệ vào những lĩnh vực có lợi thế so sánh động (lợi thế tiềm năng, sẽ được hiện thực hóa trong tương lai dưới một số điều kiện về chiến lược, chính sách). Bộ Công Thương dựa trên lợi thế so sánh động để định hướng các công nghệ cần du nhập. Song song với việc du nhập công nghệ từ nước ngoài, Nhật Bản tích cực đầu tư vào nghiên cứu và triển khai (R & D). Trong hoạt động R & D, chính phủ đóng vai trò nghiên cứu cơ bản, doanh nghiệp chủ yếu nghiên cứu ứng dụng. Việc du nhập công nghệ có chọn lựa là cốt lõi của hiện tượng đầu tư nhộn nhịp, thay đổi thiết bị và xây dựng cơ sở sản xuất mới, đưa đến năng suất cao, cung cấp nhiều sản phẩm mới trên thị trường trong nước và thế giới, những yếu tố đưa đến giai đoạn phát triển thần kỳ.

Matsushita Konosuke (1894-1989)

Việc học tập nước ngoài còn được thực hiện qua việc gửi quan chức đi du học (thường là hai năm) để tiếp thu kiến thức mới về quản lý xã hội, quản lý nhà nước và bồi dưỡng khả năng phân tích tình hình thế giới. Doanh nghiệp lớn cũng gửi nhân viên đi du học và lãnh đạo doanh nghiệp cũng thường đi tham quan nước ngoài để khảo sát việc cải tiến chất lượng. Matsushita Konosuke, người sáng lập công ty điện tử gia dụng mà bây giờ có tên là Panasonic, và là người được gọi là hai chuyến đi khảo sát Mỹ và Tây Âu năm 1951 đã mở ra một giai đoạn mới trong phát triển của công ty. Chuyến đi đầu tiên sang Mỹ dự định một tháng nhưng đã kéo dài 3 tháng, tiếp cận với văn minh điện/điện tử, thấy được thị trường và công nghệ của ngành công nghiệp sẽ làm thay đổi Nhật Bản.

Thứ tám, trừ những thông tin thuộc cơ mật quốc gia, nhà nước Nhật Bản tích cực quảng bá thông tin đến doanh nghiệp và dân chúng. Các bộ trong chính phủ hằng năm phân tích tình hình lãnh vực mình phụ trách, soạn thành sách trắng (white paper), hoặc soạn các bản báo cáo kết quả thảo luận trong Hội đồng tư vấn (shingikai) hay Hội trao đổi ý kiến (kondankai) thuộc bộ mình, các báo cáo kết quả nghiên cứu những vn đề đột xuất, hoặc soạn các tư liệu liên quan chính sách mới, v.v.. Các tư liệu nầy để ở thư viện các bộ, ai cũng có thể đến xem hoặc mua, và tập trung bày bán ở các trung tâm dịch vụ phẩm vật phát hành của chính phủ. Riêng các sách trắng có số lượng độc giả đông được bày bán trong các nhà sách lớn và các đại học. Tiếp cận dễ dàng đến các thông tin phong phú của chính phủ giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thì giờ và phí tổn.

Thứ chín, nối tiếp chủ trương từ thời Minh Trị là muốn theo kịp Tây phương trước hết phải rút ngắn khoảng cách về giáo dục, đào tạo, nhưng tiến từng bước vững chắc theo sát nhu cầu công nghiệp hóa. Cơ cấu giáo dục là hình tháp, từ tiểu học lên đại học và sau đại học, phải được củng cố vững chắc từ dưới lên. Khi bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ, thực hiện triệt để phổ cập giáo dục cơ bản và cưỡng bách 9 năm (tiểu học và trung học cơ sở), trong đó mọi người trong độ tuổi đều được học miễn phí hoàn toàn. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh phổ cập các bậc học cao hơn. Chẳng hạn tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cấp II vào đại học tăng từ 10% năm 1955 lên 38% năm 1975. Một số đặc trưng đáng chú ý khác là Nhật chú trọng đào tạo nghề, đào tạo kỹ sư trung cấp song song với tăng cường bậc đại học. Ở Cấp III, ngoài chương trình trung học phổ thông còn chú trọng đào tạo chuyên khoa Cấp III với số học sinh lên tới 2/3 học sinh phổ thông. Ngoài ra còn có chương trình cao đẳng chuyên nghiệp (kosen) gồm 3 năm cấp III và 2 năm tiếp theo, và đại học đoản kỳ 2 năm (một năm học văn hóa, một năm chuyên môn). Với chuyên khoa cấp III 3 năm, kosen 5 năm, và đại học đoản kỳ 2 năm sau Cấp III, học sinh khi ra trường trở thành lực lượng lao động đông đảo và chất lượng cao, cung cấp kịp thời cho công nghiệp hóa.

Một điểm quan trọng nữa là Bộ văn hóa Giáo dục luôn theo sát chiến lược công nghiệp hóa để điều chỉnh số sinh viên các khoa ở đại học. Vào năm 1955, năm bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ, Bộ Văn hóa Giáo dục bắt đầu lo là Nhật sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực là kỹ sư (engineers) và chuyên viên nghiên cứu khoa học tự nhiên (scientists). Họ ước tính vào năm 1962 nhu cầu nguồn nhân lực nầy sẽ lên tới 27.500 nhưng vào thời điểm 1957 chỉ có độ 19.500 người. Tháng 11/1957 Bộ đưa ra kế hoạch tăng thêm 8.000 kỹ sư trong vòng 5 năm, nhưng với tinh thần khẩn trương thực hiện chỉ 3 năm sau (1960) đã đạt được mục tiêu. Sau đó, trong thập niên 1960, chính phủ cho thành lập nhiều khoa về công nghệ, kỹ thuật trong các đại học, hoặc mở rộng, tăng thêm sinh viên các khoa đã có trong lĩnh vực ấy.

Thứ mười, những đặc trưng của nhà nước kiến tạo và phát triển của Nhật như toàn dụng lao động, chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình đẳng trong tiếp cận thông tin, triệt để thực hiện giáo dục cơ sở, cưỡng bách, v.v. tất yếu mang lại sự công bằng xã hội và sự phân phối thu nhập nhìn chung là bình đẳng. Nhiều nghiên cứu cho thấy hệ số Gini (chỉ mức độ bình đẳng trong thu nhập) có khuynh hướng giảm, và phần chia của lao động (labor share) trong tổng thu nhập quốc dân có khuynh hướng tăng trong suốt giai đoạn phát triển thần kỳ. Cải cách thuế theo hướng tăng thuế lũy tiến, thuế thừa kế tài sản cũng làm cho phân phối thu nhập bình đẳng. Về tuổi thọ trung bình không có sự khác biệt giữa các giai tầng xã hội cũng là biểu hiện của sự bình đẳng.

 

Năng lực xã hội và tinh thần dân tộc

Theo tôi, cùng với nhà nước kiến tạo phát triển, năng lực xã hội (social capability) cũng là từ khóa giải thích thành công của Nhật. Hai khái niệm này có liên quan mật thiết với nhau. Năng lực xã hội là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo, tầm nhìn đại cuộc và năng lực quy tụ nhân tài, khả năng hình thành sự đồng thuận (consensus) cao của toàn dân, nhất là ý thức trách nhiệm cao trong việc tạo cơ chế, điều kiện để khơi dậy các tiềm năng của đất nước, trong đó có phương châm trọng dụng nhân tài. Tố chất cần thiết của quan chức là năng lực quản lý hành chánh, tinh thần trách nhiệm, tác phong đạo đức của người công bộc, chí công vô tư. Tố chất của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) và ý thức trách nhiệm xã hội. Trong tinh thần doanh nghiệp có tinh thần mạo hiểm, nỗ lực khám phá thị trường mới, nguyên liệu mới, công nghệ và phương thức quản lý mới.

Nhưng trong trường hợp Nhật Bản, không phải chỉ có các tố chất đó. Tôi nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng. Đặc biệt trong thời đại Minh Trị và thời kỳ phục hưng và phát triển hậu chiến, những tố chất đó biểu hiện mạnh mẽ nhất.

Tố chất đòi hỏi ở trí thức là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, quan tâm cao độ vào các vấn đề hiện thực của kinh tế, xã hội, văn hóa và nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp góp phần cải thiện xã hội và làm cho kinh tế phát triển. Tố chất cần thiết của giới lao động là trình độ giáo dục ngày càng cao, kỹ năng, năng lực chuyên môn ngày càng được bồi dưỡng và sự hăng say làm việc với tinh thần trách nhiệm.

Từ những phân tích ở phần trước ta đã thấy các tố chất của chính trị gia, quan chức và doanh nghiệp Nhật Bản, và đã thấy trí thức đóng vai trò vào việc hình thành chiến lược, chính sách cũng như trình độ giáo dục, tính chuyên nghiệp của lao động qua việc phân tích chế độ giáo dục đào tạo. Ở đây cần nhấn mạnh thêm mấy điểm sau.

Thứ nhất, Nhật Bản đã có các cơ thế để các thành phần trong xã hội gắn kết thành một khối, tạo thành năng lực xã hội vững mạnh. Trí thức được tự do phát biểu ý tưởng về con đường phát triển đất nước và lãnh đạo chính trị thường xuyên quan tâm đến những ý tưởng đó. Ikeda Hayato nếu không quan tâm đến trí thức thì không phát hiện được ý kiến của giáo sư Nakayama Ichiro trên báo và sẽ không thai nghén được kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân. Chế độ lập các hội đồng tư vấn, thẩm nghị (shingikai) hoặc hội trao đổi ý kiến (kondankai) là kênh quy tụ trí tuệ của trí thức, doanh nhân, và các tầng lớp khác trong xã hội, thúc đẩy mọi người tham gia vào việc nước.

Thứ hai, vốn con người, xã hội học tập, trọng tri thức là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững, tăng năng lực xã hội. Vấn đề nầy ai cũng dễ nhận biết nhưng không phải nước nào cũng thực hiện được. Ngoài chế độ giáo dục chính quy như đã đề cập, Nhật Bản tích cực dịch sách nước ngoài, nhanh chóng và nghiêm túc. Sách khoa học, sách giáo dưỡng (liberal arts), sách về các vấn đề thời sự, v.v. được in khổ nhỏ, giá rẻ dễ phổ cập đến đại chúng. Các nhật báo điểm các sách hay trong số phát hành cuối tuần giúp độc giả có các thông tin về sách quan trọng vừa phát hành. Ngoài ra quan chức tham quan nước ngoài về đều viết báo cáo chia sẻ kiến văn với mọi người liên quan trong cơ quan. Nhân viên trong doanh nghiệp đi tham quan nước ngoài cũng làm như vậy đối với công ty mình. Nhưng xã hội không chạy theo bằng cấp, quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp của Nhật hầu như không ai có bằng tiến sĩ, nếu có là do ngẫu nhiên và ngoại lệ. Đào tạo tiến sĩ chỉ để nghiên cứu và dạy đại học.

Thứ ba, đạo đức, lòng tự trọng, tính hướng thượng được chú trọng trong giáo dục và được bồi dưỡng qua sách vở, qua các gương sáng của lãnh đạo các giới. Một số tờ báo lớn và nhà xuất bản thường biên tập, phát hành hồi ký về con đường học tập, cuộc đời hoạt động của những người thành công trong các giới, trong đó nghệ thuật đối nhân xử thế, năng lực giải quyết các tình huống khó khăn, v.v. đươc truyền lại cho giới trẻ. Văn hóa, xã hội Nhật không tương thích với hiện tượng “lương khủng”, người thắng được tất cả (the winner takes all). Những nhà kinh doanh lỗi lạc, những hiệu trưởng tài ba có công làm cho công ty hay đại học phát triển vượt bậc nhưng họ chỉ nhận mức lương và tiền thưởng định kỳ vừa phải. Thay vào đó được tổ chức và xã hội tôn vinh.

Thứ tư, năng lực xã hội được củng cố khi mọi cơ hội đều bình đẳng. Mọi người đều có kỳ vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu họ nỗ lực học tập, nỗ lực nâng cao kỹ năng, năng lực chuyên môn. Thành phần xã hội không cố định, không có hiện tượng “con vua thì lại làm vua”, mà ai cũng có cơ hội tiến thân, sự lưu động xã hội (social mobility) càng cao năng lực xã hội càng lớn. Rất nhiều người xuất thân từ gia đình nông dân, công nhân nhưng đã vươn lên vị trí lãnh đạo các giới.

Nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội đã làm nên thời đại phát triển thần kỳ, đưa đưa nước Nhật lên ngang hàng với các nước tiên tiến Âu Mỹ./.

Nguồn: Giới thiệu sách hay: Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973, DienDan.Org, 19/09/2022




Chú thích:

[1] Nhưng cũng phải nói là, theo số liệu in ở trang cuối, sách chỉ được in 1.000 cuốn trong lần xuất bản đầu tiên. So với dân số gần 100 triệu, và với con số hàng triệu bản của những cuốn sách nghiên cứu của Nhật từ thời Minh Trị tìm đường canh tân đất nước, khi dân số chỉ khoảng 30 triệu, con đường hiện đại hoá đất nước có vẻ còn xa ngái...



[*] Tác giả: Trần Văn Thọ, NXB Đà Nẵng 2021, 306 trang kể cả XVI trang mở đầu, 11 trang tài liệu tham khảo và 10 trang dành cho hai Thư mục tra cứu (danh từ chung và riêng).

Print Friendly and PDF