10.6.21

Hệ thống tín dụng xã hội. Cách Trung Quốc đánh giá, khen thưởng và trừng phạt người dân


HỆ THỐNG TÍN DỤNG XÃ HỘI. CÁCH TRUNG QUỐC ĐÁNH GIÁ, KHEN THƯỞNG VÀ TRỪNG PHẠT NGƯỜI DÂN

Emmanuel Dubois de Prisque
Nhà nghiên cứu cộng tác viên ở viện Thomas More[i], đồng tác giả của La Chine e(s)t le monde [Trung Quốc v(l)à thế giới] (NXB Odile Jacob, 2019).
Emmanuel Dubois de Prisque

“Hệ thống tín dụng xã hội” của Trung quốc gồm việc đánh giá, thưởng và trừng phạt các công dân tùy vào cách xử sự của họ. Dự án này, thành hình vào lúc mà Bắc Kinh chuẩn bị cho sự gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), lúc bấy giờ lấy cảm hứng từ các hệ thống của Phương Tây đánh giá khả năng vay và hoàn trả của các công ty và các hộ. Nhưng nó đã có một sự chuyển hướng quan trọng trong mười năm vừa rồi dưới tác động của ý thức hệ đặc thù của Trung Quốc hiện đại. Nay thì Bắc Kinh khẳng định là “nước dẫn đầu thế giới” trong lãnh vực “tín dụng xã hội” và đề nghị phổ biến những thực tiễn này ở nước ngoài, đặc biệt trong khuôn khổ của dự án Các con đường tơ lựa mới. Cần phải cấp bách hiểu biết về những gì mà “hệ thống tín dụng xã hội” nói về văn hóa chính trị của Trung Quốc.
“Hệ thống tín dụng xã hội” (社会信用体系 HTTDXH), dự án của chính phủ Trung quốc nhắm tới việc đánh giá và chấm điểm các công dân cũng như các tổ chức (công và tư) gây sự lo lắng và sự nghi vấn ở Phương Tây. Dưới ngòi bút của các nhà nghiên cứu và các nhà bình luận, tính từ “orwellien”[ii] được sử dụng rất nhiều, cũng như sự quy chiếu về tập truyền hình Mỹ Black Mirror[iii], làm như những gì đang xảy ra đã được các tiểu thuyết và các phim truyền hình viễn tưởng của Phương Tây lĩnh hội (nắm bắt) - đó cũng có thể là một cách để ép điều không biết trên về điều đã biết, kéo thực tế sang phía hư cấu và biểu hiện sự lo sợ mà vẫn tự trấn an. Tuy nhiên, và đây là một điều mà ai cũng biết, dự án này nằm trong một bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị đặc thù của Trung Quốc. Mặc dù Trung quốc bị công nghệ kỹ thuật số mê hoặc mà vẫn phản bội nó, không thể hiểu được sáng kiến này nếu không quan tâm đến lịch sử dài hạn và đến bản chất của phương thức lãnh đạo đế chế và cộng sản của đất nước này. Chỉ sự vạch rõ hậu cảnh văn hóa và lịch sử này mới làm cho dự án được hiểu rõ.
George Orwell (1903-1950)

Đặt dự án này trong lịch sử và văn hóa của Trung Quốc không nhắm tới việc tương đối hóa những phê phán đối với nó. Ngược lại, nó cho phép đo lường khoảng cách giữa các dự án văn minh của Phương Tây và của Trung Quốc, một khoảng cách sẽ vẫn còn quan trọng khi mà Phương Tây, đặc biệt là Châu Âu, không từ bỏ những gì mình là, chẳng hạn khi chạy theo sự quyến rũ mà các viễn tưởng do những công nghệ để kiểm soát và thao túng người dân đôi khi tạo ra nơi các thành phần ưu tú của họ, vào lúc mà nền dân chủ đại nghị đang khủng hoảng.
Tuy nhiên, đo lường khoảng cách này càng dễ khi mà HTTDXH của Trung Quốc đã phát triển trước hết dưới tác động của sự tương tác giữa Mỹ và Trung quốc vào thời điểm mà Trung Quốc đang đàm phán với cộng đồng quốc tế những điều khoản cho việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới. Được quan niệm lúc ban đầu như là một dự án với một tầm giới hạn nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các vụ giao dịch tài chánh giữa Trung Quốc và nước ngoài, rồi sau đó ở trong nước, HTTDXH đã có một chiều kích khác dưới tác động của tính đặc thù của chế độ cộng sản Trung Quốc, và đã biến đổi thành một dự án xây dựng xã hội đồ sộ và sáng tạo.
Nếu còn hơi sớm để biết chế độ Trung Quốc sẽ có được những phương tiện để áp dụng một cách có hiệu quả những biện pháp mà chế độ tính triển khai, thì trong chủ tâm và trong những biểu hiện đầu tiên của HTTDXH, đặc biệt ở cấp độ địa phương, cho phép ta hiểu được ngay từ bây giờ vài khía cạnh mà phương thức lãnh đạo của Trung Quốc có thể có, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở nước ngoài, khi mà Bắc Kinh sẽ chiếm “vị trí trung tâm trên sân khấu thế giới”, như họ có tham vọng.
Một hệ thống nhắm tới việc làm cho xã hội Trung Quốc “văn minh hơn” và “hài hòa hơn”
Chính phủ Trung Quốc giới thiệu HTTDXH như là một phương tiện để gia tăng mức độ thanh liêm đạo đức của công dân nhằm làm cho các giao dịch kinh tế và tài chính được dễ dàng và trơn tru hơn. Theo Bắc Kinh, việc thiết lập một hệ thống như vậy sẽ là một yếu tố quan trọng trong sự thành hình một xã hội “văn minh hơn” và “hài hòa hơn”. Trong một bối cảnh mà mức độ “tin cậy” giữa các tác nhân kinh tế trong xã hội Trung Quốc được chính quyền đánh giá là quá thấp, chính phủ muốn được trang bị với những công cụ khả dĩ có thể tái lập sự tin cậy này. Dự án này nằm trong bối cảnh mà tổng bí thư và chủ tịch nước Tập Cận Bình muốn tái lập những thực tiễn khổng giáo “đức hạnh” ngay trong xã hội Trung Quốc.
Theo những tài liệu chính thức của Quốc Vụ Viện (chính phủ), HTTDXH sẽ được thực hiện trên toàn quốc trong năm 2020. Lúc đó sẽ là lúc để đánh giá toàn thể các công dân cũng như các pháp nhân (công ty, kể cả những tổ chức công) để phân biệt những người đáng được tín nhiệm và những người không đáng được tín nhiệm. Như thế, theo tờ báo chính thức Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) ngày 13 tháng 6 năm 2019, trích dẫn những “nhà phân tích”, HTTDXH sẽ giúp xây dựng “một xã hội lương thiện và có trật tự làm cho cuộc sống của những người lương thiện được dễ dàng hơn trong khi những người bị mất uy tín sẽ gặp nhiều khó khăn trong mọi lãnh vực”[1].
Hiện tại, những chi tiết thực tế của dự án vẫn chưa được biết một cách toàn diện vì chính quyền vẫn tiếp tục nghiên cứu nhiều phương án. Có vẻ như là chính phủ đã chậm trễ so với kỳ hạn đã được ấn định. Mặc dù tính chất “tiên phong” và công nghệ cao của dự án được nêu bật, thường được ghi nhận trong viễn tưởng của sự phát triển của trí thông minh nhân tạo mà Trung Quốc đã xác định như là một trong những ưu tiên của mình, có vẻ như là vài khía cạnh của dự án, chẳng hạn như việc thu thập và tích hợp các dữ liệu cần thiết cho việc thực hiện sự đánh giá cá nhân tổng quát các công dân Trung Quốc, hiện nay vẫn ở mức độ công nghệ thấp, được các nhân viên thuộc các cơ quan chính quyền địa phương thực hiện mà không có sự trợ giúp đặc biệt của các phần mềm.
Trước tiên là những sáng kiến địa phương
Trong mấy tháng vừa rồi, chính phủ Trung Quốc, trong khi vẫn tiếp tục đưa ra những chỉ thị tổng quát (đặc biệt mới đây về sự cần thiết xây dựng những thủ tục để “khôi phục (uy tín)” những công dân “không đáng được tín nhiệm”), có vẻ như là hướng tới một giải pháp dành một phạm vi hành động rộng lớn cho các địa phương. Ủy Ban Quốc Gia Cải Cách và Phát Triển (UBQGCCPT), một trong những định chế chính của chính phủ, và là tổ chức lãnh trách nhiệm điều phối dự án[2], đã tuyên bố vào tháng giêng năm 2019 sẽ để cho các địa phương phát triển dự án ở cấp độ của họ: “chúng tôi khuyến khích chính quyền địa phương xác định những phương pháp của chính họ, và chúng tôi không có ý định thống nhất các phương pháp theo những chuẩn quốc gia. Các chính quyền địa phương là những người biết rõ nhất những gì phù hợp với họ”[3]. HTTDXH của Trung Quốc có lẽ sẽ có những hình thức khác nhau tùy vào thành phố hay tỉnh của Trung Quốc. Chắc hẳn là đã có những nhận xét rất thực dụng đã tác động đến quyết định này (chi phí, sự hiểu biết địa bàn) nhưng, khi hiện nay vẫn dành sự khởi xướng cho các địa phương, chính phủ Trung Quốc có lẽ cũng nhắm tới việc tháo kíp nổ của những sự phê phán của Phương Tây, theo đó Bắc Kinh, hiện thân của một “Anh Cả” của phương Đông, muốn áp đặt một sự kiểm soát toàn trị trên xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có những đặc tính chung toát ra từ tất cả những sáng kiến này. Ngoài ra, chính trong sự tự phát của những sáng kiến địa phương ít bị kiểm soát hơn và ít bận lòng với việc đưa ra một hình ảnh tốt đẹp của Trung Quốc, mà đặc tính của xã hội cộng sản Trung quốc được thể hiện một cách thật sự ngây thơ.
Như vậy dự án cuối cùng của chính phủ phải dựa trên những dự án hoa tiêu (pilote) được thực hiện ở cấp độ địa phương, thậm chí đơn giản cố gắng liên kết chúng một cách lõng lẽo đủ để làm cho chúng gắn bó với nhau ở cấp độ trung ương. Để dự đoán hình thức mà HTTDXH sẽ có thì nên quan sát những gì được thực thi ở địa phương. Hiện nay có những dự án hoa tiêu ở bốn mươi ba thành phố đang thử nghiệm chế độ này cho đến năm 2020. Những hệ thống này mang những tên khác nhau tùy vào địa điểm, nhưng thường mang chất thơ: “tín dụng xã hội của bông mận” ở Tô Châu, “tín dụng xã hội hoa nhài” ở Hạ Môn[4].
Từ mấy năm nay đã có những hệ thống chấm điểm công dân ở vài thành phố: hệ thống của Vinh Thành ở tỉnh Sơn Đông có lẽ là hệ thống đạt nhiều thành quả nhất hiện nay. Nó xác định sáu loại công dân có thể có, tùy vào số điểm mà mỗi người có được:
·         AAA (trên 1050 điểm): công dân gương mẫu
·         AA (từ 1030 đến 1049 điểm): công dân tốt
·         A (từ 960 đến 1029 điểm): công dân lương thiện
·         B (từ 850 đến 959 điểm): công dân tương đối lương thiện
·         C (từ 600 đến 849 điểm): mức độ cảnh cáo
·         D (dưới 549 điểm): công dân bất lương
Tất cả các công dân ngay lúc khởi đầu đều có một số vốn 1000 điểm (điều này có nghĩa là chính quyền xem mọi công dân thoạt đầu như là “lương thiện”), vốn có thể tăng nhờ vào những hành động tốt của mình và bị giảm đi nếu họ có hành động xấu. Sau đó họ có thể bị xét như là công dân tốt hay xấu tùy vào số điểm họ đạt được. Những người bị xếp vào danh sách đen sẽ bị trực tiếp đưa vào loại C hay D[5].
Những thành phố Trung Quốc lớn nhất, vốn thường vạch ra định hướng ở Trung Quốc, dần dần tự trang bị cho mình HTTDXH đặc biệt của mình. Ở Thượng Hải, người dân có thể nhập số nhận dạng hành chánh của bản thân vào một ứng dụng được gọi là Honest Shanghai/Thượng Hải lương thiện để có được sự ước lượng của tín dụng xã hội của họ dựa trên cương vị nghề nghiệp của họ, sự chi trả các khoản bảo hiểm và thuế má của họ, lý lịch tư pháp của họ, v.v..
Thành phố Bắc Kinh dự kiến xây dựng hệ thống chấm điểm riêng của mình và những “danh sách đen” ngay từ cuối năm 2020. Như vậy, theo một tuyên bố chính thức của chính quyền Bắc Kinh, “trước năm 2020, một dự án về “số điểm tín dụng cá nhân” sẽ được triển khai, bao gồm toàn bộ dân số cư trú, vốn sẽ xúc tiến mạnh mẽ việc áp dụng phổ cập các thông tin về tín dụng xã hội trong các lãnh vực như sự gia nhập vào thị trường, các dịch vụ công cộng, các chuyến đi, sự thành lập công ty và sự tìm kiếm việc làm. Dự án này sẽ cung cấp một thủ tục về sự khoan dung đối với các sai phạm, phương thức xử lý nhanh, các biện pháp để làm cho quy trình được dễ dàng hơn (trong việc xử lý các thủ tục hành chánh) cho những người đáng tin, cũng như những biện pháp mang tính khuyến khích trong khuôn khổ của dự án hoa tiêu “Tín dụng dễ dàng +”. Nó cũng sẽ cải tiến hệ thống danh sách đen về tín dụng bằng cách phổ biến một cách thường kỳ những thông tin về các công ty và các cá nhân không đáng tin, bằng cách thiết lập một cấu trúc tổng quát giúp trừng phạt những người không đáng tin, và “khi mà sự không đáng tin trong một lãnh vực kéo theo những sự hạn chế trong tất cả các lãnh vực, sẽ khiến cho những người không đáng tin không tiến lên được dù chỉ một bước”, nhằm làm cho những người không đáng tin và vi phạm luật lệ và các điều quy định sẽ bị trừng phạt một cách nặng nề”[6].
Quyền, phần thưởng và hình phạt cho mọi người
Điểm mà mỗi người đạt được như vậy được cấu thành bởi một số quyền, phần thưởng và hình phạt có thể thay đổi tùy theo nơi. Ngoài những hình phạt gắn với những thiếu sót trong việc chi trả, còn có thể bị mất điểm khi không chịu trả tiền cho một chỗ đỗ xe, không thường thăm viếng cha mẹ già cả, ăn trong metro, nếu những lời xin lỗi về những vi phạm hay trọng tội được đưa ra bị đánh giá là không thành thật, khi bị cho là đã gian lận trong khuôn khổ của những trò chơi trên mạng, khi là thành viên của một “tà giáo” (mọi tôn giáo không được chính quyền cộng sản và vô thần công nhận), khi phổ biến những “tin đồn” trên Internet (tức là tất cả những gì mà chính quyền coi là như vậy), v.v.. Ngược lại, các công dân có khả năng kiếm điểm khi mà chính quyền coi họ có một sự “tác động tích cực” đối với những người thân cận, khi họ hiến tặng máu, khi họ ca tụng chính phủ trên các mạng xã hội, khi họ chăm sóc những người già cả, v.v..
Những hệ quả của những số điểm xấu hay tốt là rất khác nhau. Một số điểm tốt mang lại sự ghi nhận trong những “danh sách đỏ” của những công dân tốt có thể giúp có được những tín dụng ở ngân hàng một cách dễ dàng hơn, và cả những sự giảm giá trên vài hóa đơn, quyền ưu tiên cho vài việc làm công, chỗ cho con ở các trường nổi tiếng hay tránh được việc phải chờ để được điều trị ở bệnh viện. Một số điểm thấp dẫn đến việc bị ghi nhận trong những “danh sách đen” của những công dân xấu có thể dẫn đến việc không thể có được tín dụng của các ngân hàng, không thể hưởng được vài dịch vụ xã hội, khả năng tiếp cận việc làm và các cơ quan công quyền bị giới hạn. Cũng không thể mua được những sản phẩm sang trọng (vé hạng thương gia trên các chuyến bay và những chi tiêu bị đánh giá là xa hoa). Đôi khi, một thông điệp báo động sẽ được chuyển đến những người nào muốn điện thoại cho những công dân (hay những pháp nhân) nằm trong các danh sách đen để ngăn cản họ liên lạc với những người này.
Quyết định giảm số điểm được xác định trên cơ sở những thông tin có được qua tất cả những phương tiện mà chính quyền có được: lời tố giác, kiểm soát bằng truyền hình, quyết định của tòa án, mạng xã hội (Wechat, một ứng dụng đa năng có mặt khắp nơi ở Trung Quốc), thông tin thâu thập được thông qua các công ty vận tải, các công ty tín dụng, các ngân hàng, các hệ thống chi trả phi vật chất có mặt khắp nơi ở Trung Quốc (Alipay của công ty Alibaba), v.v.. Hiện nay, tại vài thành phố như Hàng Châu, một mối liên hệ được thiết lập giữa hệ thống chấm điểm về tín dụng của những khách hàng của Alibaba thông qua Alipay và hệ thống chấm điểm về tín dụng của thành phố, mặc dù Alibaba vẫn tiếp tục phủ nhận khả năng này. Đặc biệt, sự kiểm soát bằng truyền hình có mặt rộng khắp và rất có hiệu quả ở Trung Quốc, không chỉ ở các thành phố, mà cả ở các vùng nông thôn nơi mà nó hỗ trợ các lực lượng cảnh sát một cách có hiệu quả. Một dự án mang tên “ánh sáng của tuyết” sẽ được hoàn thành vào năm 2020 và nhắm tới việc phủ đầy lên mọi làng xã Trung Quốc những máy quay phim để đạt tới “một màng phủ lên toàn diện về mặt địa dư và thời gian và một sự kiểm soát tác chiến toàn diện”[7].
Một hệ thống cũng đánh giá các công ty
Những hệ thống đánh giá và chấm điểm này phát triển ở cấp độ địa phương được củng cố với một tập hợp đánh giá các lãnh vực vốn nhắm trước hết đến các công ty: “đối với các công ty và các nhà lãnh đạo hoạt động trong lãnh vực xuất-nhập khẩu, xây dựng, giao thông […], thống kê, tư vấn […], tổ chức đám cưới, hiện có những danh sách đặc biệt được xây dựng”[8]. Hiện nay có 51 danh sách đen về các lĩnh vực[9].
UBQGCCPT và Ngân Hàng Trung Ương đã cùng nhau tạo ra một cổng thông tin internet mang tên Tín Dụng Trung Quốc cho xuất bản mỗi tháng danh sách đen về những pháp nhân và thể nhân bị đánh giá là không đáng tin mà hiện nay chủ yếu nhắm tới những người đã hút thuốc trên tàu hỏa hay mang những sản phẩm bị cấm lên máy bay. Đến cuối tháng ba 2019, có 13,49 triệu người bị đánh giá là “không đáng tin” và bị xếp trong những danh sách đen. 20,47 triệu đơn đặt mua vé máy bay và 5,71 triệu đơn đặt mua vé trên các xe lửa tốc độ nhanh đã bị bác bỏ vì lý do “bất lương”[10]. Danh sách này được cập nhật hàng tháng.
Vấn đề của sự “khôi phục uy tín” của những người đã bị các chính quyền hành chánh tố giác cũng được đặt ra. Tháng 5 năm 2019, UBQGCCPT, với mong muốn bảo vệ quyền lợi của những người đã bị bêu xấu ảo, đã cho công bố một thông báo nhắm tới việc tạo điều kiện dễ dàng cho các thủ tục khôi phục uy tín cho những người đã bị các chính quyền địa phương bêu xấu một cách công khai. Những người bị chính quyền bêu xấu vì “bất lương” có thể “khôi phục uy tín của họ” sau một thời gian bị đăng ký trên danh sách đen của những cổng thông tin chính thức về tín dụng của Trung Quốc. Sau khi thời kỳ bị bêu xấu ảo chấm dứt, họ phải theo một “lớp huấn luyện đặc biệt nhằm khôi phục uy tín cá nhân” của họ. Sau đó, sau khi cung cấp những yếu tố trong một bản báo cáo chứng minh cho thiện ý của họ và đưa ra những lời xin lỗi, họ có thể thấy mức độ tin cậy của họ được khôi phục[11].
Ngày nay, UBQGCCPT tự hào về những tiến bộ về đạo đức công và sự bảo vệ quyền lợi của các nhân viên do HTTDXH tạo ra. Theo họ, sự thực hiện hệ thống đã có hệ quả là giảm bớt rất nhiều số lương còn thiếu cho các người lao động nhập cư, thường bị bóc lột trong ngành xây dựng. Hệ thống những sự trừng phạt và khen thưởng được chính phủ cho là đã mang đến nhiều hiệu quả. Ngoài ra, HTTDXH hình như là đã nhận được một sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Trung Quốc[12].
Một sản phẩm xuất khẩu tương lai của nền “văn hóa thể chế của Trung Quốc”
Sau cùng sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng dự án này sẽ ngừng lại ở biên giới của Trung Quốc. Những người nước ngoài cư trú ở Trung Quốc và những công ty hiện diện trên lãnh thổ tất nhiên là có liên quan đến hệ thống này. Vả lại, thật là chính đáng khi nghĩ rằng toàn bộ các pháp nhân và thể nhân tương tác với nền kinh tế hay xã hội Trung Quốc, ngay cả ở bên ngoài Trung Quốc, một ngày nào đó cũng sẽ liên quan đến dự án này.
Thật vậy, một trong những lý thuyết gia chính của chương trình, Lin Junye, đã tuyên bố vào năm 2016 rằng Trung Quốc sẽ trở thành “người lãnh đạo thế giới” trong việc xác định những chuẩn mực đánh giá tín dụng ở cấp quốc gia và khu vực và nên kiếm cách “xuất khẩu mô hình tín dụng xã hội trong khuôn khổ của dự án về những con đường tơ lụa mới”, điều sẽ đóng góp vào việc “xuất khẩu nền văn hóa thể chế của Trung Quốc”[13].
Nguồn gốc, bối cảnh và chiều kích lịch sử và văn hóa
Cách mà HTTDXH đã hình thành từ đầu những năm 2000 biểu lộ phương thức cai trị của Trung Quốc: từ một dự án kỹ thuật nhắm tới việc cải tiến sự hiểu biết mà các tác nhân kinh tế có về thị trường tín dụng, cái được gọi là HTTDXH dần dần trở thành một dự án của các chính quyền trung ương và địa phương nhắm tới việc đo lường và nâng cao mức độ đức hạnh của các công dân. Thật vậy, ban đầu HTTDXH trước hết nhắm tới việc làm cho các giao dịch thương mại và tài chánh được trơn tru hơn. Phù hợp với các lý thuyết kinh tế tự do, mục đích là giảm bớt sự không đối xứng về mặt thông tin giữa các tác nhân kinh tế và làm thế nào để mọi người đều biết là mình quan hệ với ai khi lần đầu tiên tiếp xúc với một đối tác thương mại có thể. Dần dần, đặc ứng cộng sản Trung Quốc đã biến dự án này thành một cái gì hoàn toàn khác.
Một công cụ của sự hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc
Chu Dung Cơ (1928-)
Vào cuối những năm 1990, Trung Quốc đàm phán không khoan nhượng sự gia nhập vào Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO). Trung Quốc phải thực hiện một loạt cải cách nhắm tới việc tự biến đổi thành một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và làm cho nền kinh tế Trung Quốc tương hợp với thị trường quốc tế và quy chế thành viên của WTO. Mặc dù cuộc tàn sát quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra trước đó cách vài năm, Mỹ và đằng sau là các nước Châu Âu, đã đánh cược về một tiến trình tự do hóa của Trung Quốc, hay ít nhất cũng là một sự ổn định chính trị trong một tư thế không thù địch với Phương Tây, nhờ vào sự phát triển của một nền kinh tế tương thuộc với các nền kinh tế của Phương Tây. Do yêu cầu của những công ty Mỹ, Washington đã thúc Bắc Kinh phát triển một hệ thống giúp cho các công ty nước ngoài hiểu biết hơn về các công ty Trung Quốc. Dưới sự thôi thúc của Chu Dung Cơ, một thủ tướng vừa là một nhà cải cách vừa là một người độc đoán, đã có nhiều phái đoàn chuyên gia được tổ chức đi nước ngoài, ở Mỹ và Châu Âu, để học hỏi về những hệ thống đánh giá tín dụng hiện hành ở Phương Tây.
Giang Trạch Dân (1926-)
Vào năm 2002, lần đầu tiên, một lãnh đạo cao cấp đã sử dụng thuật ngữ “hệ thống tín dụng xã hội”. Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng Bí Thư của Đảng và Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, trong một bài diễn văn đọc trước Đại hội thứ 16 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã thông báo rằng “Trung Quốc phải chỉnh sửa và chuẩn hóa sự tổ chức nền kinh tế thị trường và thiết lập một hệ thống tín dụng xã hội phù hợp với một nền kinh tế thị trường hiện đại”. Và như vậy, Trung Quốc quyết định xây dựng hệ thống riêng của mình với “những đặc tính Trung Quốc”[14].
Làm tốt hơn Phương Tây: cho điểm với “những đặc tính Trung Quốc”
Bắt đầu từ năm 2008 và sự khởi động của cơn khủng hoảng về tín dụng dưới chuẩn (subprimes), Mỹ (vẫn còn ám ảnh Trung quốc) đã trở thành một phản kiểu mẫu: nay cần phải xây dựng một hệ thống có hiệu quả hơn, giúp đánh giá một cách trọn vẹn nguy cơ gắn với những người mà hệ thống tài chánh nghĩ là có thể đáng tin. Bắc Kinh cho rằng các ngân hàng Mỹ, vì phạm vi giới hạn của các đánh giá được dùng trong khuôn khổ Mỹ, đã không đánh giá một cách đúng đắn nguy cơ gắn với những số tiền cho vay cho một số người đáng lẽ phải bị coi như là không đáng tin. Hơn nữa, trong khi hệ thống Mỹ thỏa mãn với việc đánh giá nguy cơ gắn với các hộ gia đình và các công ty, thì hệ thống Trung Quốc có tham vọng hành động ở cấp độ của sự tín nhiệm dành cho mỗi người bằng cách gia tăng mức độ đạo đức của công dân Trung Quốc. Bắt đầu từ những năm 2000, những “đặc tính Trung Quốc” càng ngày càng đậm nét cùng với việc Trung Quốc càng tự tin và cho rằng hệ thống Phương Tây đang bị lôi cuốn vào một cơn khủng hoảng mà họ có thể khó hồi phục. Về điểm này, năm 2008 là một bước ngoặt. Mặc dù nhận định này ít khi được chính quyền Trung quốc phát biểu một cách thẳng thắn, rõ ràng là sự phân tích của Bắc Kinh xem rằng cơn khủng hoảng tài chánh của Mỹ năm 2008 đã củng cố họ trong ý tưởng rằng nền văn minh Trung Quốc có nhiều nguồn lực có thể giúp họ làm tốt hơn Phương Tây. Thật vậy, cơn khủng hoảng năm 2008 xuất phát từ việc các hệ thống đánh giá ở Mỹ về khả năng hoàn trả quá hạn chế. Những hệ thống này đã không thể dự đoán nhiều hộ gia đình không thể thanh toán để trả nợ và sự quản lý tai hại của cơn khủng hoảng từ phía nhiều công ty tín dụng.
Như vậy, từ một hệ thống thuần kinh tế, trung tính về mặt đạo đức, với hệ thống Trung Quốc chúng ta đã chuyển sang một hệ thống không ngần ngại sáp nhập kinh tế và đạo đức và biến sự đánh giá đạo đức thành một sự đánh giá con người. Cần phải thấy rằng, trên quan điểm của Trung Quốc, hoàn toàn không có bất cứ giải pháp liên tục nào giữa kinh tế và đạo đức. Trong khi ở Phương Tây, mối liên hệ giữa uy tín đạo đức và tín dụng tài chánh là hoàn toàn không có (không phải vì ta trả nợ cho các khoản tín dụng mà ở Phương Tây ta được xem như là một con người tốt), thì ở Trung Quốc, mối liên hệ này được dần dần xác định như là “đặc tính Trung Quốc” được hiểu như là nguồn gốc của một bước đột phá mang tính vừa kinh tế vừa đạo đức trong việc thiết lập một “hệ thống tín dụng xã hội” thật sự hiệu quả. Ở đây, hoàn toàn không có mâu thuẫn nào giữa hiệu quả kinh tế và mức độ đạo đức, mà ngược lại lại có một sự tương đương hoàn toàn: hiệu quả kinh tế sẽ được củng cố bởi sự gia tăng mức độ đạo đức của xã hội nhờ vào hành động của chính phủ Trung Quốc.
Một sự tổng hợp Khổng giáo và trường phái Pháp Gia
“Hệ thống tín dụng xã hội” thành hình trong một bối cảnh thuần kinh tế. Nhưng, từ một công cụ thực dụng nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho những giao dịch kinh tế, nó đã trở thành một công cụ cai trị toàn diện được ghi nhận trong lịch sử dài về sự kiểm soát xã hội của Trung Quốc. Trong ý muốn “khai hóa” xã hội Trung Quốc và gia tăng mức độ đức độ của công dân, nó nằm trong truyền thống của Khổng Giáo. Nhưng trong ý muốn đặt sự phân phát các phần thưởng và trừng phạt ngay ở trung tâm của sự cai trị ở Trung quốc, nó nằm trong truyền thống của trường phái Pháp Gia. Thật vậy, hai truyền thống này mà những nhà Hán học đôi khi đối lập chúng với nhau, đã trở thành đối tượng của một sự tổng hợp trong thực tiễn quyền lực ở Trung Quốc và bổ sung cho nhau một cách hài hòa.
Thường bị lãng quên để dành ưu thế cho Khổng Giáo, trường phái Pháp Gia là một trường phái tư tưởng đã có một ảnh hưởng sâu sắc trên lịch sử chính trị của Trung Quốc. Những nhà Pháp Gia mà những người nổi bật nhất là Thương Ưởng (khoảng 390-338 trước Công Nguyên) và Hàn Phi (mất năm 233 trước Công Nguyên) có một đặc tính chung là những nhà tư tưởng vừa có ảnh hưởng lớn vừa bị phê phán mạnh mẽ, đặc biệt bởi các nhà tư tưởng của Khổng Giáo. Trong khi các nhà Pháp Gia xem sự trừng phạt và khen thưởng là nền tảng của phép cai trị của nhà vua, các nhà tư tưởng Khổng Giáo nhấn mạnh đến nghi lễ và giáo dục, nền tảng của đức độ và cách cư xử đúng đắn của công dân. Nhưng những nhà Pháp gia, thông qua Hàn Phi, và cả Lý Tư, quân sự của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các thể chế được hoàng đế xây dựng vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Quyền lực đó đã hủy diệt thành phần quý tộc và những quyền lực địa phương, để áp đặt vào chỗ của họ một Nhà Nước siêu mạnh và toàn trị vốn sẽ biến sự kiểm soát lẫn nhau giữa các công dân, sự trừng phạt hình sự và nhân vật hoàng đế đầy quyền lực thành nền tảng của một chế độ đã không tồn tại lâu dài, theo lịch sử chính thống của Trung Quốc chính vì sự tàn ác của nó, trong khi nhà Hán vốn nối tiếp nó sẽ kéo dài trong bốn thế kỷ, dựa trên những thể chế bắt nguồn từ những văn bản của Khổng Giáo mà Tần Thủy Hoàng đã muốn hoàn toàn thiêu hủy.
Anne Cheng (1955-)

Tuy vậy, một sự phân biệt hoàn toàn các nhà tư tưởng Pháp Gia với các nhà tư tưởng Khổng Giáo không phù hợp với thực tại của lịch sử chính trị Trung quốc. Thầy của Hàn Phi, Tuân Tử, là một trong những nhà tư tưởng chính của Khổng Giáo, và vài nhà tư tưởng lớn của lịch sử Trung Quốc, chẳng hạn như Đổng Trọng Thư (thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, triều đại nhà Hán) sẽ thực hiện “một tổng hợp giữa quyền lực cưỡng bức của luật lệ như các nhà Pháp Gia đã quan niệm và nghĩa vụ mang tính đạo đức được các nghi lễ Khổng Giáo thiết lập”[15] hay Vương An Thạch, một nhà cải cách vào thế kỷ thứ mười sáu, thừa tướng dưới triều đại Tống, đều chịu ảnh hưởng của trường phái Pháp Gia. Ngoài ra, nhà Hán học Mark Lewis cho thấy rằng sự đối lập được gán cho những nhà tư tưởng Khổng Giáo theo chủ nghĩa nghi thức với những nhà Pháp Gia gắn bó với luật pháp là sai lầm: văn hóa chính trị dựa trên sự trừng phạt và sự khen thưởng, được cho là xuất phát từ tư tưởng Pháp Gia, thực chất là thuộc chủ nghĩa nghi thức và có nguồn gốc nơi những lễ hiến sinh (tế thần) thời nhà Chu, và trước đó trong cái nền tảng tế thần của nhà Thương[16].
Mark Edward Lewis (1954-)

Vương An Thạch, đôi khi được Tập Cận Bình trích dẫn[17], sẽ để lại dấu ấn trên thời đại của ông với những cuộc cải cách quan trọng, đặc biệt khi củng cố vai trò cấu trúc của bảo giáp (baojia), được thừa kế từ trường phái Pháp Gia cổ đại, những tổ chức kiểm soát và giám sát lẫn nhau của người dân qua sự tập hợp những đơn vị bao gồm từ mười đến một trăm hộ, mỗi đơn vị do một người chịu trách nhiệm. Cùng lúc, vào thế kỷ thứ mười một, có những cấu trúc khá tương tự, những “hương ước”, Xiangyue, những hiệp hội xây dựng đạo đức mà mục tiêu là giúp đỡ và “chỉnh huấn lẫn nhau về những lỗi của bản thân”[18].

Sự giám sát lẫn nhau trong khuôn khổ của những baojia rất tàn bạo vì quy tắc chiếm ưu thế là trách nhiệm tập thể: trong trường hợp mà một lỗi xảy ra (một sự vắng mặt vô cớ chẳng hạn), nó phải được báo cáo lại cho chính quyền và lúc đó toàn bộ nhóm có khả năng sẽ bị trừng phạt. Các baojia cũng được sử dụng, và điều này là điều mà chúng ta quan tâm ở đây, như là một hệ thống bảo lãnh cho nhau giữa các thành viên. Mỗi thành viên bị xem như là phải chịu trách nhiệm về những hành động của những thành viên khác của baojia[19]. Từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ hai mươi, baojia đã xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, dưới nhiều hình thức. Ta còn tìm thấy nó ngay vào thời kỳ quốc gia. Vào cùng thời điểm, chính quyền thực dân Nhật đã thiết lập ở Trung quốc “thẻ công dân tốt” để chỉ rằng người có thẻ đó không phải là một kẻ cướp hay một kẻ chống đối chính trị, trong khi Trung Quốc bị lôi cuốn vào những biến loạn sâu sắc. Sự tồn tại trong suốt lịch sử Trung Quốc của cấu trúc này, một cách để chính quyền ủy quyền cho người dân sự giám sát của chính mình, là rất ấn tượng.
Sự hóa thân của tham vọng cổ đại về sự “kiểm soát xã hội” của Trung Quốc
Khi lên nắm chính quyền, Đảng Cộng Sản Trung Quốc có tham vọng tạo nên một “nước Trung Quốc mới” sẽ xóa bỏ toàn bộ quá khứ. Tuy nhiên, ngay vào cuối năm 1954, Đảng đã sáng lập những “ủy ban khu phố” làm ta nhớ đến những baojia của đế chế. Những ủy ban khu phố này có một vai trò quan trọng để thông tin, kiểm soát, ngăn ngừa các tội ác và tố giác những “phần tử xấu” trong xã hội Trung Quốc. Đa số những ủy ban này sẽ biến thành những “ủy ban cách mạng” dưới thời Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), trước khi lấy lại tên gọi cũ. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1970, Trung Quốc mở ra về phương diện kinh tế và cuộc di dân từ nông thôn tăng nhanh một cách khủng khiếp. Vào thế kỷ thứ 21, đa số dân số sẽ sống ở thành thị, và tuy có chế độ hộ khẩu, một chế độ hành chánh buộc người dân gắn liền với một tỉnh hay một thành phố, chính quyền càng ngày càng khó có thể dựa trên các ủy ban khu phố để biết và kiểm soát dân chúng. Ngoài ra, sự phát triển của những sáng kiến tư nhân đã tái định hình tổ chức xã hội. Những Danwei cổ (đơn vị hành chánh hay sản xuất mà mọi công dân Trung Quốc phải gắn bó) càng mất đi tầm quan trọng của nó để nhường chỗ cho những công ty tư nhân trong đó ảnh hưởng của Đảng và những tổ chức của nó ít quan trọng hơn. Vào cuối những năm 1990, thời kỳ tăng trưởng cao, khu vực tư nhân bùng nổ. Vào lúc đang nghĩ đến việc thiết lập HTTDXH, Đảng (tạm thời) càng ít sức thu hút hơn và số đảng viên giảm so với số dân. Trong bối cảnh đó, HTTDXH được xem như là một đáp án để bù lại cho những sự thiếu sót của hệ thống kiểm soát dân chúng truyền thống mà nó bổ sung hơn là thay thế.
Ở Trung Quốc, những năm cuối của thập niên 1990 và những năm 2000 là thời kỳ của sự tăng trưởng cao và sự bùng nổ của trào lưu di dân từ nông thôn. Tốc độ nhanh của sự hình thành những cơ nghiệp đã làm cho những sự phân biệt xã hội được thừa kế từ ý thức hệ cộng sản bị rối loạn. Xã hội đã mất đi những quy chiếu của mình và chính quyền cũng đang mất quyền lực của mình để nhường chỗ cho một giai cấp tư sản đang ngày càng có quyền lực. Tuy nhiên, những kẻ giàu mới thường bị nghi ngờ (đôi khi một cách chính đáng) đã xây dựng những gia tài với những phương tiện bất hợp pháp, đã gây ra lòng ganh tị và sự oán giận trong hàng ngũ của những đảng viên thời đầu, những quân nhân và những thành phần xã hội đã ít lợi dụng được sự giàu có lên của đất nước. Trong cái tưởng tượng của Đảng, một khoảng cách không thể nào được chấp nhận đã xuất hiện giữa những đảng viên gương mẫu đôi khi nghèo nhưng lương thiện, và người chủ công ty không có lương tâm trở thành giàu có nhờ vào những quan hệ với người nước ngoài. Chính trong bối cảnh này mà chính quyền đã tung ra dự án chống tham nhũng của mình và dự án HTTDXH đã được định hình như hiện nay. Đối với Đảng cần phải lấy lại thế chủ động, kiềm chế được các công ty tư và đạt đến một sự tương hợp của sự thành công về mặt tài chánh và sự thành công xã hội. Với HTTDXH và các công cụ kiểm soát xã hội khác (đấu tranh chống tham nhũng, khóa học tập tư tưởng, kiểm soát dân chúng bằng những phương tiện công nghệ, v.v.), không phải là thị trường quy định vị thế xã hội và uy thế của con người mà chính là chính quyền. Ngoài Đảng ra, không thể có bất cứ cấp nào có thể chính đáng hóa vị thế của người dân. Sự chấm điểm và sự đánh giá người dân đưa ra một cấu trúc xã hội dựa trên đức độ của mỗi người được phân biệt trên mức độ thanh liêm của họ. Đó có thể được xem như là một cách để tạo lại một sự phân biệt xã hội trong một xã hội đang biến đổi nhanh chóng, trong đó mọi sự phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, tính bất lương và đức độ đều bị rối loạn. Với hệ thống tín dụng xã hội của mình, Đảng cố gắng khôi phục những giai cấp xã hội của thời trước, thậm chí các đẳng cấp, nhưng trên một cơ sở khách quan, thậm chí là khoa học.
Thật vậy, sự tồn tại của một sự đánh giá hành chánh về đức tính của từng công dân giúp khách quan hóa “thanh danh” của mỗi người như nó được đánh giá bởi những đơn vị gần gũi với địa bàn nhất: danwei, ủy ban khu phố, chi bộ đảng. Tham vọng đạt tới sự khách quan hóa lại càng có hiệu quả hơn nữa khi nó có vẻ dựa trên công nghệ (kiểm soát bằng truyền hình, big data, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội). Không phải HTTDXH đã được áp đặt thành công mặc dù bản chất lạnh lùng và phi nhân của công nghệ mà chính nhờ bản chất đó: như vậy hệ thống được xem như là “khách quan”, thoát khỏi những cảm xúc thường làm cho sự đánh giá mà con người có về con người, thậm chí về thần thánh, bị nhiễm.
Những gì mà HTTDXH tiết lộ về nền văn hóa chính trị Trung Quốc
HTTDXH nằm trong bối cảnh của sự trở lại mạnh mẽ của những chủ đề của Khổng Giáo trong diễn ngôn chính trị của Đảng. Ngay từ đầu những năm 2000, chính quyền đã muốn biến trung Quốc thành “một nước được cai trị bằng đức độ” (dĩ đức trị quốc). Cụm từ này được chính Tập Cận Bình sử dụng khi muốn “cổ vũ những đức tính truyền thống của Trung Quốc và nâng cao trình độ đạo đức của dân chúng” đặc biệt vào việc các đảng viên trở thành một tấm gương cho quần chúng[20]. Nhưng, ngoài tính gương mẫu trong cách cư xử của mình, các công chức và đảng viên còn có thể tác động đến xã hội bằng cách khác. Từ có nghĩa là “đức” còn có nghĩa là “uy quyền”, một uy quyền xuất phát trước hết từ những “thánh” hay từ những người giữ một chức vụ thiêng liêng. Đối với Khổng Tử, đức tính có sự lan tỏa này là một trong những thuộc tính của (đức) vua. Chính nhờ vào cái vầng phát ra từ con người của mình mà (đức) vua có khả năng tạo nên sự hòa hợp trong xã hội.
Quyền lực của Trung Quốc, nguồn gốc duy nhất của sự “hòa hợp” và của “văn minh”
Với danh nghĩa này, Tập Cận Bình trở lại với những thực tiễn của Đế Chế Trung Quốc, chẳng hạn như cái gông, một hình phạt theo kiểu Trung Quốc rất thường được sử dụng tước đây. Trong khi ở Phương Tây, sự công khai của các hình phạt đã dần dần mất tính hợp pháp (vụ xử tử công khai cuối cùng đã diễn ra ở Pháp năm 1939 và đã gây nên sự công phẫn), sự phi chính đáng hóa này đã không xảy ra ở Trung Quốc. Những vụ xét xử thường được quay phim và những buổi truyền hình về những vụ thú tội của những thủ phạm cũng thường xảy ra. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, những vụ xử tử công khai, thường là những vụ hành hình bằng treo cổ, là vô số. Và ngay vào cuối năm 2017, ở Quảng Đông, đã có hàng ngàn người chứng kiến vụ xét tử hình một chục tên buôn lậu ma túy trong một sân vận động[21]. Có thể có đến 90% vụ tử hình có trên thế giới hàng năm xảy ra ở Trung Quốc. Theo các tổ chức phi chính phủ chuyên, Trung Quốc hành hình hàng ngàn người mỗi năm (Trung Quốc không công bố bất cứ con số nào về việc này). Hình phạt hình sự nằm ở trung tâm của phương thức cai trị của Trung Quốc và HTTDXH muốn là một hình thức tinh vi, vì tính công nghệ cao của nó (mặc dù có những khía cạnh còn rất thô sơ), của nền văn hóa hình sự của Trung Quốc. Vượt quá lợi ích của nó đối với nền kinh tế, HTTDXH còn là biểu hiện của lòng tin của chính phủ Trung Quốc vào khả năng của chính quyền lực của mình để thông báo cho xã hội và lan tỏa (truyền đi) cái “đức” đang còn thiếu. Như vậy, HTTDXH, bằng cách dựa vào thế lực ở cấp cao nhất của Nhà Nước, nhắm tới việc kiểm soát và khai hóa xã hội và loại bỏ tất cả những gì có thể làm cho sự hòa hợp bị rối loạn. Việc chính quyền đánh giá đúng đắn các công dân sẽ tham gia vào việc thiết lập sự hòa hợp ít nhất qua bốn cách: khi phân phát những khen thưởng và áp đặt những hình phạt, HTTDXH khuyến khích mọi người phải cư xử tốt; nó củng cố sự tán thành chế độ của những người nằm trong những “danh sách đỏ” được chính quyền coi trọng vì những hành động tốt của mình; nó còn chính đáng hóa chính (đức) vua khi ban cho ông địa vị không thể nào bị xâm phạm của người quan tòa tối cao, quan tòa của tất cả các quan tòa; khi thiết lập những “danh sách đen” về những công dân không đáng tin cậy, nó khởi động cho cơ chế của vật tế thần.
Tiến tới một sự tương đương giữa đức tính đạo đức và thành công xã hội
Cần phải đo lường tất cả những gì chia rẽ Phương Tây với dự án này. Dự án này bắt nguồn từ một quan niệm về cuộc sống chung cho rằng quyền lực chính trị là không gian của một sự đánh giá dứt khoát về những con người. Trong một bối cảnh Do Thái Cơ Đốc, chỉ có Thượng Đế mới thăm dò được thâm tâm của con người, và sự tồn tại của một đẳng cấp tinh thần làm cho các sự đánh giá của giới thế tục bị tương đối hoá. Nếu thật là vinh quang khi trở thành giàu, thì đối với người giàu có, vẫn khó có thể lên Thiên Đường hơn là đối với con lạc đà đi xuyên lỗ kim. Tất nhiên, với sự gạt bỏ truyền thống Do thái Cơ đốc của chúng ta, vẫn có khả năng thấy khoảng cách giữa sự đánh giá của giới thế tục và lời phán quyết của Thượng Đế biến mất đi. Đối với những người thắng cuộc trong cuộc chơi xã hội, thật hấp dẫn khi thấy chiến thắng của họ được chính phủ xác nhận qua danh hiệu công dân tốt.
Adam Smith (1723-1790)
Tuy nhiên, tính hiện đại chính trị của Phương Tây đã làm cho một hình thức của sự “trung tính về mặt đạo đức” trong hành động chính trị trở thành thiêng liêng. Sự việc này làm cho định nghĩa thực chất của cái lợi ích chung nhường chỗ cho một tìm kiếm sự sung túc và những phương thức tốt nhất có thể có về cuộc sống chung giữa những công dân không nhất thiết chia sẽ một quan niệm chung về cái tốt. Vào thế kỷ thứ mười tám, người sáng lập ra kinh tế chính trị học Adam Smith đã dự kiến một xã hội trong đó mỗi người khi theo đuổi lợi ích riêng của mình rốt cuộc, dù không nghĩ đến điều này, sẽ phục vụ cho lợi ích chung. Do đó ở Phương Tây đã có một sự phân biệt rõ ràng giữa kinh tế và đạo đức. Điều đó hoàn toàn không xảy ra ở Trung Quốc: với HTTDXH, Trung Quốc làm cho ranh giới giữa kinh tế và đạo đức bị lu mờ. Chỉ quyền lực mới phân biệt được cái tốt và cái xấu một cách triệt để và cuối cùng và khiến cho sự đánh giá của con người về con người là phán quyết tối hậu, không thể có bất cứ sự kháng án nào. Ngoài ra chính quyền sẽ dần dần thiết lập một sự tương đương giữa đức tính đạo đức và thành công xã hội: nếu những người nằm trong những danh sách đen không thể mua được vé máy bay hạng thương gia, điều này có nghĩa là những người chiếm những hàng ghế đầu trong các máy bay là những người vừa giàu có vừa đức độ trong khi những người buộc phải bằng lòng với hạng bình thường (tiết kiệm) là những người vừa nghèo vừa không đáng tin cậy.
Bàn tay vô hình của “hệ thống tín dụng xã hội”
Việc dự án được ghi nhận nằm một truyền thống nghi lễ lâu năm, mang tính chất vừa chính trị vừa tôn giáo, được biểu hiện ngay cả trong những từ ngữ được dùng để mô tả nó. Một nhà nghiên cứu chính thức còn khẳng định rằng sự đánh giá uy tín của các cá nhân sẽ như là “bàn tay vô hình” sẽ đưa các công dân vào khuôn phép (kỷ luật) và bảo đảm cho sự hòa hợp của xã hội[22]. Như vậy, “bàn tay vô hình” của Nhà Nước Trung Quốc sẽ thừa kế cho “bàn tay vô hình” của thị trường tạo ra trật tự cho xã hội theo các nhà tư tưởng anglo saxon. Một nhà nghiên cứu khác còn tuyên bố một cách rõ ràng hơn nữa HTTDXH sẽ là ông vua trong thời đại các dữ liệu lớn[23]. Ngoài ra hệ thống còn tham gia vào việc trấn áp các tà đạo (邪教, Xiejiao). Thí dụ như tại thành phố Vinh Thành đã được nêu trên đây, có những điểm thưởng được trao cho những người nào tố cáo cho chính quyền những phần tử thành viên của những tổ chức tôn giáo không được chính quyền công nhận, cũng như cho những người nào tài trợ một cách đáng kể cho những dự án của Đảng. Còn đối với những người tham gia vào những hoạt động của những tà giáo (邪教, Xiejiao), ngay lập tức họ sẽ bị giáng xuống hạng “báo động C” (chỉ trên hạng báo động D, hạng thấp nhất của những kẻ phạm tội ác), hạng của những người chẳng hạn từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự[24].
Một quyền lực phi đạo đức, thể chế gìn giữ cho nền đạo đức
HTTDXH còn biểu lộ sự khác biệt về mặt văn minh giữa Trung Quốc và các nước Phương Tây theo một cách khác nữa. Hệ thống khen thưởng và trừng phát của nó bao hàm một sự đạo đức hóa nền kinh tế có thể đặt ra những vấn đề rất cụ thể. Chẳng hạn, chất lượng của sản xuất được gắn kết với đạo đức của những tác nhân theo một cách nào đó: nếu các vị thuốc được sản xuất ở Trung Quốc bị cho là tồi, nếu các sản phẩm của khu vực thực phẩm nông nghiêp không tôn trọng những chuẩn mực vệ sinh, đó không hẳn là một vấn đề liên hệ đến sự tổ chức các cấu trúc kinh tế mà là một vấn đề xã hội gắn với mức độ đạo đức của những tác nhân kinh tế. Ngược lại, những “công ty tốt” có thể được xem như là đã tuân thủ những chuẩn mực và những quy tắc mà không cần đến sự kiểm soát các cách làm việc của họ một cách thường xuyên. Ngoài ra còn phải nhận thấy rằng, khi được áp dụng cho cả các cá nhân và các công ty, hệ thống này còn góp phần vào việc phi nhân hóa các cá nhân vốn sẽ trở thành, dưới cặp mắt của Nhà Nước, của những công dân khác và của những công ty, những sản phẩm được chứng thực là hợp lệ, có được những tính chất khiến cho chúng có thể hay không có thể được đưa ra thị trường.
Nói chung, HTTDXH biến quyền lực thành quan tòa về tính đạo đức của mỗi người trong khi chính quyền Trung Quốc, trong tham vọng trấn áp mọi sự ly khai, trong khả năng bóp méo thực tại lịch sử hay bóp ngạt mọi xã hội dân sự, trong quyết tâm sử dụng bạo lực để bảo vệ quyền lợi của nó khi cần thiết, là một quyền lực có thể được xem như là phi đạo đức, dưới nhiều khía cạnh.
Kết luận. Phương Tây soi mình qua hệ thống tín dụng xã hội
Thật là nguy hiểm và dối trá nếu bằng lòng với việc coi HTTDXH như là phản mô hình tuyết đối sẽ giúp các xã hội Phương Tây tự phụ ngắm mình trong tấm gương của những thực tiễn đức hạnh của họ trong lãnh vực của sự tôn trọng quyền con người. Một thái độ như vậy sẽ gây nhiều thiệt hại vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất mà HTTDXH có thể có là nó có hiệu quả. Và tất cả những gì có hiệu quả trong một thế giới bị chi phối bởi hệ chuẩn kỹ thuật khoa học sau cùng cũng sẽ được xem xét. Nếu còn quá sớm để rút ra một bản tổng kết của hệ thống này chỉ mới khởi động, guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc đã tự hào về sự giảm bớt số trường hợp của tiền lương chưa được thanh toán, chẳng hạn trong lãnh vực xây dựng, và người ta có thể đọc được ngay trong báo chí Phương Tây những giai thoại theo đó, ví dụ,  HTTDXH đã có những hệ quả tốt cho sự sạch sẽ của những thành phố. Ngay hiện nay, ở Vinh Thành ta có thể thấy những chiếc xe hơi ngừng lại để nhường chỗ cho các người đi bộ, một điều tương đối mới lạ ở Trung Quốc[25].
Vả lại, những xã hội của chúng ta cũng phải đối phó với sự tăng trưởng của những điều bất lịch sự và sự giảm bớt của niềm tin lẫn nhau giữa các công dân. Sự xuất hiện của những gia đình chỉ có cha hay mẹ, sự biến mất tính chính đáng của uy quyền của người cha và nói chung sự phi chính đáng hóa của di sản Do thái Cơ đốc là những khía cạnh khác nhau của cùng một hiện tượng: sự biến mất đi của uy quyền của gia đình và văn hóa làm cho mọi sự ép buộc trên cá nhân trở thành không thể chấp nhận được. Nhưng “thời điểm của sự phi quy tắc”[26] không thể kéo dài được. Uy quyền có lẽ đã bị Nhà Nước chuyên quyền thay thế vốn muốn cung cấp cho các công dân một sự giáo dục mà họ đã ít nhận được hay nhận được một cách không tốt trong khuôn khổ gia đình. Nhưng khi được chuyển từ gia đình sang Nhà Nước, giáo dục thay đổi về bản chất và đối tượng: các công dân chưa hẳn là những đứa con nít và Nhà nước cũng chưa hẳn bậc cha và ngay cả mẹ nữa. Người ta không giáo dục trong bối cảnh thương yêu của gia đình như người ta cải tạo trong khuôn khổ phi nhân cách của cộng đồng chính trị.
Như vậy thì làm sao có thể gạt bỏ giả thuyết theo đó có thể có một yêu cầu xã hội cho việc thiết lập một HTTDXH “theo kiểu Phương Tây” xuất hiện, nhắm vào việc “cải tạo” các công dân trong bối cảnh của sự tăng trưởng của những sự bất lịch sự? “Khi mà trong gia đình không có người cha, thì cần phải đặt cảnh sát trong các trường học”[27].
Ngày nay, mô hình của Châu Âu bị lung lay trên hai mặt: một mặt chính Châu Âu, với tư cách là một mô hình đã, từ nhiều năm, biến mất khỏi các sơ đồ tinh thần ngay ở Châu Âu và ở những nơi khác, do sự phân tách thành những không gian nhỏ, và mặt khác chính ý tưởng về một mô hình cha mẹ nặng giới tính, trong đó cha và mẹ khác nhau và bổ sung cho nhau tuy là ngang nhau, một mô hình đặc thù của Châu Âu Do thái Cơ đốc, bị mất tính chính đáng do sự năng động nội tại của chính các xã hội Châu Âu. Trong bối cảnh đó việc uy quyền bị chủ nghĩa chuyên quyền thay thế, và sự xuất hiện những mô hình thay thế, hiện nay là anglo saxon và trong tương lại có thể là của Trung Quốc, chỉ còn bị ngăn trở bởi những tiếng nói ngoài lề và ly khai của những người “phản động”, bị mất uy tín chính ngay từ lúc đầu vì họ tiêu biểu cho những điều mà đương nhiên ta phải chống lại.
Việc đặt HTTDXH trong bối cảnh của nền văn minh Trung Quốc sẽ góp phần tương đối hóa những lo lắng về sự phố biến mô hình này ở Châu Âu mà di sản Do thái Cơ đốc có vẻ như là một sự bảo vệ chống lại những thực tiễn như trên. Tuy nhiên, với sự suy yếu của ảnh hưởng của di sản này, phải thấy rằng Phương Tây nay thấy xuất hiện những thực tiễn chủ yếu là anglo saxon, chẳng hạn như cách “nêu tên và bêu xấu” (“name and shame”), một thứ gông ảo bao gồm việc làm cho những người “học trò xấu” trong một khía cạnh nào đó của chính sách của chính phủ phải chịu sự trừng phạt của quần chúng. Ở Pháp, đó đặc biệt là vấn đề về sự “bình đẳng” có mặt khắp nơi khiến cho chính phủ phải xét đến khả năng ứng dụng những thực tiễn này. Năm 2017, thứ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng nam-nữ đã đe dọa công bố một danh sách của những công ty “học trò xấu về sự bình đẳng nam-nữ” trong trường hợp mà những cán bộ của những công ty này không chấp nhận tham gia một buổi học tập nửa ngày dành cho việc tạo ý thức đối những vấn đề này, một sự đe dọa đã được thi hành đối với hai công ty tỏ vẻ khó chịu với viễn tưởng bị các sở của bộ máy của thứ trưởng cải tạo. Vào tháng 3 năm 2019, bộ Tư Pháp, tuy phủ nhận là không áp dụng cách “nêu tên và bêu xấu”, đã cung cấp cho báo chí tên một số công ty Nhà nước, mà một số chi nhánh không chịu áp dụng luật lệ trong lãnh vực này. Cũng thế, năm 2018 chính phủ đã đe dọa công bố danh sách một số công ty gian lận thuế, và năm 2019 danh sách của những công ty ăn uống chểnh mảng với việc phân loại rác.
Trong vài khía cạnh (sự ham thích kiểu gông và cải tạo, cảm tưởng của chính quyền nắm được chân lý về mặt đạo đức), những thực tiễn này giống với những thực tiễn của Trung Quốc. Tham vọng của quyền lực để xác định điều gì là chân lý và điều gì không phải là chân lý (luật về “những tin rắc” ở Pháp và ở nhiều nước Phương Tây khác hay chịu sự chi phối của Phương Tây), có thể còn biểu hiện bước đầu của một tiến trình Trung Quốc Hóa của những tâm thế của các chính phủ ở Phương Tây[28]. Tuy nhiên cũng cần phải ghi nhận những sự khác biệt: hiện nay, thực tiễn “nêu tên và bêu xấu” ở Pháp chỉ liên quan đến những công ty chứ không liên quan đến những cá nhân và gây ra nhiều sự phê phán của các trí thức, trên báo chí và trong xã hội dân sự. Nhưng với sự tăng lên của sức mạnh có tính quy phạm ở Trung Quốc, không thể loại bỏ việc những thực tiễn này sẽ dần dần lan tỏa ở những nước ngoài Trung Quốc. Điều này còn rất có thể xảy ra, như phong trào “Hãy tố cáo con heo” ở Pháp chứng minh, không phải chỉ có Trung Quốc và các nước anglo saxon mới dễ bị thâm nhập bởi điều mà Philippe Murray (quá cố) đã gọi một cách rất thú vị “sự khát khao (thèm muốn) về hình sự”[29].
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Le système de crédit social. Comment la Chine évalue, récompense et punit sa population”, Institut Thomas Moore, Juillet 2019, Note 36




Chú thích:

[i] Viện Thomas More là một viện nghiên cứu chiến lược (think tank) tự do-bảo thủ và độc lập, có trụ sở ở Bruxelles và Paris. Viện Thomas More vừa là phòng thí nghiệm cho những đáp án sáng tạo, một trung tâm giám định và một không gian lan tỏa các tư tưởng. Được tổ chức dưới hình thức mạng, viện tập hợp và tổ chức làm việc chung cho các chính khách, các chủ công ty, các chuyên gia và các người đại diện cho xã hội dân sự.

[ii] Tính từ orwellien mô tả một tình huống, một tư tưởng hay một thực trạng xã hội mà George Orwell (1903-1950) - nhà văn, nhà báo, triết gia người Anh - xác định như là chứa đựng khả năng hủy diệt hạnh phúc trong một xã hội tự do và cởi mở, đặc biệt trong cuốn sách viễn tưởng nổi tiếng của ông, 1984, trong đó ông mô tả và tố cáo ý đồ của Nhà Nước toàn trị để kiểm soát con người một cách toàn diện (ND).

[iii] Black Mirror (Tấm gương đen) là một serie truyền hình Mỹ mô tả những tác động tai hại của công nghệ trên cuộc sống của con người luôn luôn bị kiểm soát khắp mọi nơi, mọi lúc (ND).

[1] Trong cùng một mạch, thành phố Tú Thiên, tỉnh Giang Tô, một trong những thành phố hoa tiêu của dự án, phô bày một khẩu hiệu khẳng định rằng “những người đáng tin có thể đi một cách thảnh thơi dưới bầu trời, những người không đáng tin không thể bước được một bước”. Xem Simon Leplatre, “En Chine, des citoyens sous surveillance (Ở Trung Quốc, những công dân bị đặt dưới sự giám sát)”, Le Monde, 15 tháng sáu 2018.

[2] Cũng như trong tất cả các lãnh vực ở Trung Quốc, những dự án của Nhà Nước hưởng được một sự bảo trợ kép, sự bảo trợ của chính phủ do Lý Khắc Cường lãnh đạo và của Đảng. Trong nội bộ Đảng, dự án được chính Tập Cận Bình trực tiếp giám sát trong khuôn khổ của “Nhóm lãnh đạo thu hẹp để đào sâu các cuộc cải cách”, một trong những cơ quan có thẩm quyền quyết định ở Trung Quốc hiện nay.

[3] Wang Yanfei, “China to step up work on national social credit system (Trung Quốc đẩy mạnh hệ thống tín dụng xã hội)”, China Daily, 29 tháng Giêng 2019.

[4] René Raphael và Ling Xi, “Bon et mauvais Chinois. Quand l’État organise la notation de ses citoyens (Người Trung Quốc tốt và xấu. Khi Nhà Nước tổ chức chấm điểm công dân)”, Le Monde Diplomatique, trg. 4-5, tháng Giêng 2019.

[5] Biện pháp để chấm điểm và đánh giá tín dụng xã hội ở thành phố Roncheng”, trang Internet của thành phố Roncheng, 14 tháng Hai 2019.

[6] China Law Translate (Bản dịch luật lệ của Trung Quốc, “Beijing Municipal Action Plan for Further Optimizing the Business Environment (Kế hoạch của thành phố Bắc Kinh nhằm tối ưu hóa Môi Trường Kinh Doanh (2018-2020))”, 19 tháng 11 2018.

[7] David Bandurski, ““Project Dazzling Snow”: How China’s total surveillance experiment will cover the country (“Kế hoạch làm cho tuyết sáng chói”: Thử nghiệm về sự giám sát toàn diện sẽ bao phủ lên toàn quốc như thế nào”), Hong Kong Free Press, 12 tháng 8 2018.

[8] René Raphael và Ling Xi, sách đã dẫn.

[9] Yusho Cho và Nikki Sun, “China expands reach of trustworthiness system (Trung Quốc bành trướng phạm vi hoạt động của hệ thống đáng tin)”, Asia Nikkei Review, 3 tháng 3 2019.

[10] Liu Caiyu, “Social credit system to restore morality (Hệ thống tín dụng xã hội để khôi phục lại đạo đức)”, Global Times, 13 tháng năm 2019.

[11] Ủy Ban Quốc gia về Cải Cách và Phát Triển, “Ý kiến về sự cải tiến những cơ chế khôi phục tín dụng của trang “Tín dụng Trung Quốc” cũng như về những cổng thông tin địa phương về các trừng phạt hành chánh (Cơ quan quốc gia về cải cách và phát triển [2019], số 527”, 30 tháng tư 2019.

[12] Genia Kotska, “China’s social credit systems and public opinion: Explaining high levels of approval (Các hệ thống tín dụng xã hội và công luận: giải thích mức độ tán thành cao)”, 23 tháng bảy 2018.

[13] Lin Junyue “Nhìn lại mươi lăm năm xây dựng hệ thống tín dụng xã hội ỏ Trung Quốc”, 9 tháng 9 2016. Đôi khi được giới thiệu như là “người sáng lập hệ thống tín dụng xã hội”. Lin Junyue là phát ngôn viên không chính thức của chính phủ Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến tín dụng xã hội. Với tư cách này, ông thường được báo chí nước ngoài phỏng vấn về những vấn đề này.

[14] Lin Junyue, “Nhìn lại mười lăm năm xây dựng hệ thống tín dụng xã hội ỏ Trung Quốc”, sách đã dẫn. Xem thêm Martin Li, “A pioneer of China’s credit system (Người tiên phong của hệ thống tín dụng của Trung Quốc)”, Shenzen Daily, 14 tháng 9 2012.

[15] Anne Cheng, Histoire de la pensée chinoise (Lịch sử tư tưởng Trung Quốc), Paris, Le Seuil, 1997, trg. 293.

[16] Mark Edward Lewis, “Ritual Origins of the Warring States (Những nguồn gốc nghi lễ của những Nước chiến quốc (Royaumes Combattants), Bulletin de l’École francaise d’Extrême-Orient, năm 1997, số 84, trg, 73-98. Xem thêm Roderick Campbell, Violence, Kinship and the Early Chinese State, The Shang and their World (Bạo lực, Chủng tộc và những quốc gia đầu tiên của Trung Quốc, Nhà Thương và thế giới của họ), Cambridge, Cambridge University Press, 2018.

[17] “Khi các luật lệ của thế giới tốt, trật tự ngự trị trên thế giới, khi các luật lệ của một nước tốt, trật tự ngự trị trong nước đó”. Về sự trường tồn của cấu trúc hiến sinh (theo nghĩa của René Girard) của chính trị ở Trung quốc, chúng tôi đề nghị tham khảo “Des Choses cachées depuis la fondation du Tianxia (Những việc bị giấu giếm từ sự sáng lập Tianxia)” của Emmanuel Dubois de Prisque, Monde Chinois, số 49, 2017, trg. 34-42.

[18] Anne Cheng, sách đã dẫn, trg. 492. Tuy đó không phải là trọng tâm của câu chuyện của bà, trong một ghi chú, Anne Cheng đã xích cấu trúc này lại gần với những cấu trúc được Cộng sản thiết lập vào thế kỷ XX: “Ai có chút ít kiến thức về tổ chức của xã hội ở Trung Quốc cộng sản sẽ thấy được nhiều sự giống nhau!”

[19] Johanna Waley-Cohen, “Collective Responsibility in Qing criminal law (Trách nhiệm tập thể trong bộ luật hình sự thời nhà Tần)”, trong Karen G. Turner, James V. Feinerman, R. Kent Guy, The Limits of the Rule of Law In China (Những giới hạn của những quy tắc của luật lệ ở Trung Quốc), Washington, University of Washington Press, 2000, trg. 114.

[20] Tập Cận Bình, “The Rule of Law and the Rule of Virtue (Những quy tắc của luật và những quy tắc của đức độ)”, diễn văn ngày 9 tháng 12 2016, trong Chính phủ của Trung Quốc, Foreign Language Press, Tập 2, 2017, trg. 146.

[21] Benjamin Haas, “Thousands in China watch as 10 people sentenced to death in sport stadium (Hàng ngàn người ở Trung Quốc chứng kiến vụ xử tử mười người trong sân vận động)”, The Guardian, 18 tháng 12 2017.

[22] Dai Mucai “Tiếp tục cai trị bằng luật pháp và cai trị bằng đức độ”, Nhân Dân Nhật Báo, 14 tháng 2 2017.

[23] Francois Godement, Angela Stanzel, Marcin Przychodniak, Katja Drinhausen, Adam Knight, Elsa B Kania, “The China dream goes digital: Technology in the age of Xi (Trung Quốc chuyển giấc mơ sang kỹ thuật số: công nghệ thời Tập Cận Bình)”, China Analysis, 25 tháng 10 2018, trg. 7.

[24] Theo trang mạng của thành phố Roncheng.

[25] René Raphaël & Ling Xi, sách đã dẫn.

[26] Elizabeth Monfort, Michèle Fontanon-Missenard, Christian Flavigny et Chantal Delsol, PMA, filiation, transmission: quels sont les besoins de l’enfant? (Sinh đẻ với sự trợ giúp của y học, quan hệ máu mũ, sự truyền lại: đâu là những nhu cầu của trẻ thơ?) Viện Thomas More, nhận xét 34, tháng 6 2019, trg. 25.

[27] Sách đã dẫn

[28] Về quan niệm của chính quyền Trung Quốc về chân lý (độc quyền của chính quyền và chủ yếu được quan niệm trên bình diện hiệu năng), đề nghị xem Emmanuel Dubois de Prisque và Sophie Boisseau du Rocher, La Chine e(s)t le monde. Essais sur la sino-mondialisation (Trung Quốc v(l)à thế giới. Tiểu luận về sự toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc), NXB Odile Jacob, 2019, chương IV, “Chân lý, với những đặc tính của Trung Quốc”.

[29] “L’Envie du pénal”, Rejet de greffe, Exorcismes spirituels I (“Sự khát khao hình sự”, Phần vất đi của phòng lục sự, Phù phép trừ tà ma I) Les Belles Lettres, 1997.

Print Friendly and PDF