21.2.25

Giải thể USAID: món quà bằng vàng của Donald Trump cho Tập Cận Bình

GIẢI THỂ USAID: MÓN QUÀ BẰNG VÀNG CỦA DONALD TRUMP CHO TẬP CẬN BÌNH

Pierre-Antoine Donnet

Nguồn: Politico. Chú thích: Người biểu tình bên ngoài trụ sở USAID tại Washington. DR

Bằng cách xóa bỏ toàn bộ chương trình viện trợ phát triển USAID của Hoa Kỳ chỉ bằng một chữ ký, tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ Donald Trump đang tự bắn vào chân mình khi tặng một món quà vàng cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, mở đường cho ông này tái khởi động với chi phí thấp một chiến dịch lớn nhằm quyến rũ các nước nghèo đang gặp khó khăn.

----------------------------------------

USAID, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, được thành lập năm 1961, là cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ chịu trách nhiệm hỗ trợ các nước nghèo và cung cấp viện trợ nhân đạo trên toàn thế giới. Nguồn tài trợ của USAID chiếm hai phần ba viện trợ phát triển công của Hoa Kỳ, vào khoảng 43 tỷ đô la vào năm 2024 được chi trả để hỗ trợ người dân của 120 quốc gia và khu vực như Ukraine, Gaza, Sudan, Afghanistan, Bangladesh và Pakistan. USAID tập trung hoạt động của mình vào viện trợ nhân đạo và chiếm 42% nguồn tài trợ công toàn cầu trong lĩnh vực này.

Việc đóng cửa hàng ngàn chương trình viện trợ trên khắp hành tinh không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng con người mà chắc chắn sẽ giáng một đòn khủng khiếp vào hình ảnh của Hoa Kỳ và quyền lực mềm của nước này, vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi những sự ngông cuồng của Donald Trump kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng vào ngày 20 tháng 1.

“Một ổ rắn độc mác xít”

Cựu giám đốc USAID Samantha Power đã phản ứng trên báo chí Mỹ rằng việc giải thể USAID là “một trong những điều dại dột tồi tệ nhất và tốn kém nhất trong chính sách đối ngoại trong lịch sử Hoa Kỳ”. Tệ hơn nữa, nó sẽ “gây nguy hiểm cho hàng triệu sinh mạng, hàng nghìn việc làm của người Mỹ… và làm tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia cũng như ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới – trong khi đó [những nhà lãnh đạo] cực đoan và độc đoán thì lại vui mừng”, bà nói.

Ngay khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), Elon Musk đã cáo buộc USAID là một “tổ chức tội phạm” và “một ổ rắn độc mác xít ghét nước Mỹ […] phải chết”, đồng thời dự đoán cơ quan này sẽ sớm bị đóng cửa”. Điều đã được thực hiện vào ngày 7 tháng 2.

Truyền thông Anglo-Saxon đầy dẫy những lời chỉ trích gay gắt đối với thông báo này. Một số nhà phân tích có uy tín nhấn mạnh rằng Washington đang chống lại chính phe của mình, có lợi cho Trung Quốc, nước sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để tăng cường chỉ trích sự ích kỷ của Mỹ và nhất là để ghi điểm trên trường quốc tế. “Hoa Kỳ đang nhường bước cho Trung Quốc bằng cách tự gây thương tích cho mình” vì “việc đột ngột ngừng các quỹ phát triển là cơ hội hoàn hảo để Bắc Kinh chiếm lấy khoảng trống được tạo ra và củng cố quyền lực mềm của mình”, nhật báo Anh The Guardian nhấn mạnh ngày 7 tháng 2.

Thông báo của Donald Trump dự kiến sự đình chỉ hoạt động của USAID trong thời kỳ ban đầu là 90 ngày và sau đó sự sáp nhập vào các vụ của Bộ Ngoại giao, cơ quan sẽ quản lý viện trợ nước ngoài theo từng trường hợp cụ thể tùy theo lợi ích của quốc gia. Việc đình chỉ này đã gây ra sự lộn xộn với việc sa thải ngay lập tức nhiều nhân viên và sự hỗn loạn ở một số quốc gia nơi người dân hiện đang phải đối mặt với nạn đói hoặc tử vong do thiếu sự chăm sóc mà từ nay sẽ không được tài trợ.

Một món quà được gửi đến Trung Quốc trên một mâm bạc

Huang Yanzhong, giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Council on Foreign Relations/Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn phi đảng phái của Mỹ chuyên phân tích chính sách đối ngoại và chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ, cho rằng: “Hoa Kỳ đang trao cho Trung Quốc một cơ hội hoàn hảo để mở rộng ảnh hưởng vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc không mấy khả quan”. Tờ báo trích dẫn thêm lời của ông: “Những gì Trump đang làm thực ra là trao cho Trung Quốc cơ hội để suy nghĩ lại và đổi mới các dự án quyền lực mềm của mình và quay trở lại con đường để trở thành nước lãnh đạo toàn cầu”.

Kém xa Hoa Kỳ trong lĩnh vực viện trợ phát triển, Bắc Kinh đã thành lập một cơ quan vào năm 2018, China International Development Cooperation Agency/Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc, có mục tiêu là điều phối các chương trình viện trợ phát triển, chủ yếu bao gồm các khoản đầu tư và cho vay như một phần của chương trình vĩ đại Con đường Tơ lụa Mới (Belt and Road Initiative/BRI). Số tiền viện trợ phát triển vẫn được giữ bí mật nhưng chủ yếu được cụ thế hóa qua các khoảng cho vay. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu toàn cầu William & Mary ước tính rằng Trung Quốc đã cho các nước đang phát triển và mới nổi vay khoảng 1,3 nghìn tỷ đô la từ năm 2000 đến năm 2021, phần lớn là các nước ký kết BRI.

“Lực lượng Hồng vệ binh Kỹ trị” của Chính phủ Liên bang

Lời cáo buộc chống lại quyết định của Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn nhiều đến từ Hoàng Á Sinh (黄亚生), một giáo sư nổi tiếng gốc Hoa và là thành viên của Trường Quốc tế thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)/International School du Massachusetts Institute of Technology (MIT). “Nước Mỹ hiện đang ở trong tình thế nguy hiểm hơn bao giờ hết. Hãy quên đi tăng trưởng kinh tế hay lạm phát; chúng chỉ là thứ yếu. An ninh của nước Mỹ hiện đang bị phá hoại bởi sự kiêu ngạo gây ra cho chính mình ngay trước mắt chúng ta”, ông viết trên X (cựu Twitter).

Đúng là có những vấn đề, những nhược điểm, một chủ nghĩa hình thức không làm hài lòng tất cả mọi người và những lãng phí. Chúng ta nên luôn suy nghĩ về cách cải thiện chính phủ của mình. Nhưng đây chỉ là những lỗi, không phải là những điều cơ bản vốn là giá mà chúng ta phải trả để ngăn máy bay rơi xuống từ bầu trời, ngăn vi-rút lây lan khắp nơi hoặc ngăn hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước của chúng ta”, vị giáo sư rất được kính trọng, cựu sinh viên Harvard này cho biết thêm.

Những gì mà lực lượng Hồng vệ binh kỹ trị này đang làm trong chính phủ liên bang [Hoa Kỳ] là moi ruột các chức năng của chính phủ, những chức năng mà tất cả chúng ta đều coi là hiển nhiên nhưng sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp”, ông nói, sử dụng cái tên mà Mao Trạch Đông đặt cho những người trẻ cuồng tín đã theo ông trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), mà không bao giờ nhắc đến tên Donald Trump hay Elon Musk.

Tom Wang, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ về biến đổi khí hậu People of Asia for Climate Solutions có trụ sở tại Manila, cảnh báo về một sự tường thuật “quá đơn giản” chỉ trình bày về một Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ chỉ sau một đêm. “Vấn đề không chỉ là sự biến mất của tiền bạc mà còn là sự biến mất của kinh nghiệm”, ông giải thích cũng trên tờ nhật báo này. “Tác động lớn nhất [của quyết định của Donald Trump] là sự lo âu. Đột nhiên bạn không thể tiếp tục công việc của mình […] với tư cách là một nhà hoạt động vì khí hậu cho một tổ chức phi chính phủ, điều đó thực sự đáng sợ”, ông nói.

Nhưng đối với George Ingram, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Bền vững của Viện Brookings, một trong những tổ chức nghiên cứu lâu đời nhất của Mỹ chuyên về nghiên cứu khoa học và là cựu giám đốc USAID, thì “Hoa Kỳ và Châu Âu, Canada, Úc, Nhật Bản, chúng tôi thấy họ rất quan tâm đến việc sống trong một thế giới dân chủ và những nền kinh tế tự do”. “Cả Trung Quốc và Nga đều đang cố gắng thúc đẩy một thế giới độc tài. Điều này hoàn toàn trái ngược với lợi ích của chúng ta”, ông nói, được trích dẫn bởi báo The Guardian.

Một sáng kiến trái ngược với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Về phần mình, một cách mỉa mai, tờ Nikkei Asia chỉ ra rằng “việc xóa bỏ USAID” sẽ “đẩy nhanh quá trình rút lui của Mỹ”, một chính sách trái ngược với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) của Trump. Điền Lương, chuyên gia truyền thông và nghiên cứu viên tại một trường đại học Singapore, trong số ngày 7 tháng 2 của tờ báo, giải thích rằng rủi ro khi giải thể USAID là làm suy yếu niềm tin kéo dài hàng thập kỷ của các nước Đông Nam Á vào Hoa Kỳ, đặc biệt là Việt Nam.

Việc Washington đột ngột rút lui đã phá hoại các cam kết mà họ đã đưa ra sau chiến tranh [Việt Nam] trong Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện [mới được ký kết] với Việt Nam. Đây cũng là một tín hiệu rõ ràng cho thấy sự đảm bảo của Hoa Kỳ đang dần mất đi ngay khi Hà Nội vẫn là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á còn ủng hộ đường lối thiên về Washington thay vì Bắc Kinh”, ông viết.

Cuộc khủng hoảng này vượt xa Việt Nam. Trên khắp Châu Á, tiền lệ này làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc hơn: lòng tin vào Hoa Kỳ đang nhanh chóng mất đi. Và đã có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nhanh chóng lấp đầy khoảng trống này”, chuyên gia Việt Nam nói thêm. “Bằng cách rút lại sự ủng hộ của Mỹ, chính quyền [Trump] không chỉ mất đi các đối tác quan trọng; điều này mang đến cho Trung Quốc trên một mâm bạc cơ hội để tăng cường sự hiện diện của mình tại Châu Á”, chuyên gia này nói thêm.

Tạp chí Foreign Affairs xuất bản hai tháng một lần của Mỹ cũng không hề nhẹ nhàng hơn khi chạy tít vào ngày 6 tháng 2: “Chiến lược Trung Quốc của Trump: Bắc Kinh chuẩn bị trục lợi từ sự hỗn loạn”.

Trung Quốc đã chuẩn bị phản công chính sách của Donald Trump

Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái khác của Mỹ chuyên phân tích các vấn đề liên quan đến hòa bình thế giới, giải thích rằng các nhà chiến lược Trung Quốc đã bận rộn từ nhiều tháng nay để chuẩn bị cho đất nước của họ đối đầu với một chính sách của Hoa Kỳ mà họ dự kiến ​​sẽ còn cứng rắn hơn nữa khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Đây là lý do tại sao Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp xoa dịu với các nước láng giềng trong những tháng gần đây, đặc biệt là Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

Nhưng “các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tự tin rằng ngay cả khi nền kinh tế của đất nước họ bị thiệt hại [vì lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ], bốn năm của Trump khó có thể đẩy [Trung Quốc] vào một cuộc khủng hoảng công khai”, ông viết trên tạp chí Mỹ này. “Họ cho rằng nếu Trump thực hiện các chính sách mà ông đã thông báo, chẳng hạn như chính sách về thương mại và sự mở rộng lãnh thổ, ông có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Hoa Kỳ và vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này. Do đó, Bắc Kinh coi nhiệm kỳ thứ hai của Trump là cơ hội tiềm năng để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình xa hơn và nhanh hơn”, ông nhấn mạnh.

Hậu quả trực tiếp đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ

Đối với The Hill, một kênh truyền thông kỹ thuật số của Mỹ có trụ sở tại Washington chuyên về quan hệ quốc tế và chính sách của Hoa Kỳ, USAID là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất phục vụ cho mục đích gây ảnh hưởng của mình trên thế giới và là một công cụ hữu ích để chống lại tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt là chương trình Những Con đường tơ lụa mới.

Bằng cách phá hủy USAID, Hoa Kỳ đang trao cho Bắc Kinh cơ hội mở rộng sự thống trị về kinh tế và chính trị mà không bị kiềm chế”, tờ báo trực tuyến có sức ảnh hưởng lớn trong giới tinh hoa Mỹ này tuyên bố. “Với việc giải thể USAID, khả năng áp đặt sự lan tỏa kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng tốc”. Tờ báo viết thêm: “Các quốc gia cho đến nay vẫn có thể lựa chọn giữa sự phát triển do Mỹ hậu thuẫn và các khoản vay của Trung Quốc thì giờ đây sẽ chỉ còn một lựa chọn duy nhất: Bắc Kinh”. Tờ báo trực tuyến này viết tiếp: “Đây không chỉ là mối quan ngại về chính sách đối ngoại – vấn đề này sẽ có tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ . Khi Trung Quốc càng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các tuyến đường thương mại toàn cầu, họ sẽ có thể củng cố vị thế thống trị về cơ sở hạ tầng của mình trong các cuộc xung đột trong tương lai”.

The Hill giải thích thêm rằng: “Một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, có được những đòn bẩy kinh tế và quân sự đối với hàng chục quốc gia, sẽ khiến Hoa Kỳ khó có thể chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông, Đài Loan và nhiều nơi khác”. “Việc đóng cửa USAID không chỉ là một quyết định về ngân sách: Nó đánh dấu sự thoái lui của Hoa Kỳ khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu”, tờ The Hill lưu ý, bởi vì “viện trợ nước ngoài từ lâu đã là một công cụ cho sự cam kết ngoại giao, cho phép Hoa Kỳ xây dựng liên minh, nhấn mạnh đến thiện ý của mình và thúc đẩy sự ổn định ở những khu vực dễ bị tác động bởi chế độ chuyên chế”.

Báo trực tuyến này kết luận: “Từ nay thông điệp gửi đến thế giới đã rõ ràng: Mỹ đang rút lui và Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy khoảng trống. Quyết định đóng cửa USAID của Trump không chỉ là biện pháp cắt giảm chi phí; đây là sự thay đổi cơ bản trong tư thế của nước Mỹ. Khi không có giải pháp thay thế do Hoa Kỳ dẫn đầu, chính sách ngoại giao cưỡng ép của Bắc Kinh sẽ mở rộng mà không bị cản trở, khiến các quốc gia dễ bị tổn thương rơi vào những bẫy nợ, những sự lấn áp quân sự và ảnh hưởng độc đoán”.

Một dấu hiệu chắc chắn: trong những ngày gần đây, hàng triệu người Trung Quốc dùng Internet đã hoan nghênh bình luận của Elon Musk về USAID và quyết định giải thể tổ chức này của Donald Trump trên mạng xã hội. Ngay cả tờ South China Morning Post, một tờ báo tiếng Anh của Hồng Kông hiện phục tùng Bắc Kinh, cũng không quên chỉ ra trong ấn bản ngày 4 tháng 2 rằng quyết định của Donald Trump “có thể cho phép Trung Quốc lấp đầy khoảng trống nhờ BRI”.

Để hậu thuẫn cho bình luận này, báo trích dẫn lời Giáo sư Christopher Barret của Đại học Cornell tại Hoa Kỳ, người cho biết “Trung Quốc sẽ là bên chiến thắng” trong việc USAID bị đóng cửa vì Trung Quốc đang cố gắng “tiếp cận các nguồn lực quan trọng ở nước ngoài” và đang cố gắng “xây dựng các liên minh không mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ”. “Việc đột ngột cắt giảm các dự án cứu sinh cốt yếu là một cách hay để khơi dậy phản ứng chống Mỹ. “Việc rút lui như vậy của nhà cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới sẽ dẫn đến việc rút lui tương tự của các quốc gia giàu có khác”, giáo sư này nói thêm, cũng được tờ Financial Times trích dẫn trong ấn bản ngày 4 tháng 2.

Thêm vào đó là những tuyên bố gây ấn tượng mạnh, nếu không muốn nói là lố bịch của Donald Trump về ý định biến Dải Gaza thành một khu nghỉ mát ven biển và đuổi hết người dân Palestine khỏi đây, đổi tên Vịnh Mexico thành “Vịnh Hoa Kỳ”, chiếm Groenland và Kênh đào Panama, chưa kể đến việc ông ta rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định Khí hậu Paris.

Báo Financial Times, vào thứ Ba, ngày 11 tháng 2, trong một xã luận của Gideon Rachman có tựa đề “Trump, Putin và Tập: Kỷ nguyên của các đế chế mới” nhận định: “Với việc Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc được lãnh đạo bởi những người có tham vọng bành trướng, hệ thống quốc tế hiện tại sẽ có những diễn tiến đen tối. Thế giới có thể đang chuyển từ kỷ nguyên mà các quốc gia nhỏ có thể tìm kiếm sự bảo vệ theo luật pháp quốc tế sang kỷ nguyên mà, như Thucydide đã nói, kẻ mạnh có thể làm bất cứ điều gì họ muốn và kẻ yếu phải chịu đau khổ như họ phải chịu”.

Michael Cole, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Macdonald-Laurier, một tổ chức nghiên cứu của Canada, và tại Global Taiwan Institute/Viện Đài Loan Toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu khác có trụ sở tại Washington, lấy làm tiếc vào thứ Hai, ngày 10 tháng 2 rằng “Trump, Musk và những tay sai MAGA của họ đã phát động một cuộc chiến tranh tư tưởng chống lại toàn bộ liên minh dân chủ, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hàng nghìn người nam nữ trên khắp thế giới, những người mỗi ngày cống hiến cuộc đời mình để bảo vệ tự do, nhân quyền và sự đàng hoàng”. Nhà địa chính trị này nói thêm: “Cuộc tấn công này hoàn toàn không nhằm mục đích cắt giảm chi phí; nó mang tính ý thức hệ. Ngày nay, những kẻ độc tài trên khắp thế giới đang hoan hỉ. Các bạn, hãy chuẩn bị sẵn sàng: chúng ta sắp bước vào một kỷ nguyên đen tối, khi các chế độ đàn áp sẽ thấy mình được củng cố hơn”.

Thật vậy, trên đây là những sáng kiến, thực sự khó tin nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng, được thực hiện chỉ trong vài tuần kể từ khi Donald Trump nhậm chức, những sáng kiến chắc sẽ làm cho chế độ cộng sản vui mừng, vốn cũng không ngờ tới điều đó. Chế độ cộng sản này chỉ cần chờ đợi thôi, khi những sáng kiến trên có thể sẽ khiến phần lớn thế giới chống lại nước Mỹ. Thay vì tự coi mình là ngọn hải đăng của nền dân chủ toàn cầu, Mỹ ngày càng tạo ra hình ảnh của một đế chế tiền tệ đáng ghét mới với chính sách cốt lõi là luật của kẻ mạnh nhất, tạo điều kiện cho Bắc Kinh khai thác lợi thế lớn nhất có thể.

Về tác giả

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Cựu nhà báo của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng mười lăm tác phẩm dành riêng cho Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của Châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên này tại Bắc Kinh đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis/ Vấn đề lãnh đạo toàn cầu, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB Éditions de l'Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif”, do Gallimard xuất bản. Sau “Chine, le grand prédateur/Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại”, xuất bản năm 2021 (l'Aube), ông đã biên tập tác phẩm tập thể “Le Dossier chinois/Hồ sơ Trung Hoa” (Cherche Midi) vào cuối năm 2022. Đầu năm 2023, ông xuất bản cuốn “Confucius aujourd'hui, un héritage universaliste/Khổng Tử ngày nay, di sản phổ quát” (l'Aube) rồi năm 2024 “Chine, l'empire des illusions/Trung Quốc, đế chế ảo tưởng” (Saint-Simon) và “Japon, l'envol vers la modernité/Nhật Bản, sự bay lên thời hiện đại” (l'Aube).

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Démanteler l’USAID: le cadeau en or de Donald Trump à Xi Jinping”. Asialyst, 14.2.2025.

Print Friendly and PDF