27.2.25

Xã hội học – Sự khách thể hóa – Tính phản tư

SOCIOLOGIE [Xã hội học]

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Được đào tạo về triết học, đã từng nghiên cứu về dân tộc học kể từ những công trình của ông về vùng Kabylie, Pierre Bourdieu đã tự nhận mình là một nhà xã hội học từ cuốn sách đầu tiên của ông, Sociologie de l’Algérie (1958). Tuy nhiên, ông có một tầm nhìn khá phê phán về ngành này, từ những nghiên cứu thực nghiệm đã phát triển ở Pháp kể từ năm 1945 mà đối với ông dường như “mù quáng” về mặt lý thuyết, đến lý thuyết xã hội học “trống rỗng” vĩ đại, được thể hiện bởi Georges Gurvitch. [Esquisse pour une auto-analyse: 46-47]. Thay vì tự đặt mình vào cái trật tự của ngành như nó thể hiện trước mắt mình, Bourdieu xây dựng quan điểm của riêng mình thông qua vô số cuộc khảo sát mà ông (đồng) lãnh đạo tại Trung tâm Xã hội học Châu Âu. Những nghiên cứu này, thường mang tính tập thể, cho phép chúng ta đặt những câu hỏi chính xác về các đối tượng rất đa dạng cũng như về công việc khái niệm hóa và về xã hội học với tư cách là một khoa học.

Từ chối những câu hỏi trừu tượng về tính khoa học, về “logic” hay “phương pháp” của khoa học đã thành hình, Bourdieu – cộng tác với Jean-Claude Passeron và Jean-Claude Chamboredon – đặt ra những câu hỏi về khoa học đang được xây dựng, tức là về thực tiễn điều tra và nghề nghiên cứu. Mở rộng những suy ngẫm của Gaston Bachelard và Georges Canguilhem về khoa học, và của các tác giả như Émile Durkheim, Max Weber hay Claude Lévi-Strauss về các khoa học nhân văn, tác phẩm Le Métier de sociologue (1968) biện hộ cho “sự cảnh giác về mặt nhận thức luận”. Sự cảnh giác về mặt nhận thức luận đòi hỏi sự đoạn tuyệt với những điều hiển nhiên và “những tiền ý niệm” (Durkheim) vốn cấu thành những trở ngại cho kiến ​​thức. Để đoạn tuyệt với lý lẽ thông thường và những ý tưởng bán học thuật, chỉ áp dụng một phương pháp đặc thù hoặc bất kỳ lý thuyết xã hội học nào là chưa đủ. Chúng ta phải có thao tác phê phán xác định nghiên cứu khoa học là: “xây dựng đối tượng”. Các công cụ khác nhau mà các nhà xã hội học có sẵn, vốn tập thể của họ về các khái niệm, kỹ thuật, phương pháp, giúp họ có thể xây dựng các tập hợp có cấu trúc của các sự kiện xã hội như là đối tượng khoa học, tuân thủ sự liên kết chặt chẽ giữa tính mạch lạc về mặt lý thuyết và tính trung thực với thực tại [MS: 94]. 

“Chủ nghĩa duy lý ứng dụng” này phủ nhận xã hội học có một vị thế ngoại lệ trong nhận thức luận, đồng thời nhắc lại rằng ranh giới giữa kiến ​​thức thông thường và kiến ​​thức khoa học trong khoa học xã hội ít rõ ràng hơn là trong khoa học tự nhiên. Chính trong xã hội học nhận thức, đặc biệt là trong xã hội học về xã hội học, mà các nhà xã hội học có thể tìm ra công cụ giúp có thể cung cấp “toàn bộ sức mạnh và hình thức đặc thù” cho các đòi hỏi khoa học [MS: 95]. Câu hỏi xã hội học có phải là một khoa học hay không phải được “thay thế bằng câu hỏi về loại hình tổ chức và hoạt động của thành trì học thuật thuận lợi nhất cho sự xuất hiện và phát triển của loại nghiên cứu được kiểm soát chặt chẽ về mặt thuần túy khoa học” [MS: 103]. Câu hỏi này, không thể được trả lời dưới dạng “tất cả hoặc không có gì”, bao gồm một tập hợp các câu hỏi lý thuyết và thực nghiệm về khoa học xã hội và trường khoa học mà Bourdieu không ngừng đặt ra sau này.

Trong số những trở ngại mà xã hội học phải đối mặt, có sự kiện là xem nó là một “khoa học bí truyền” và khép kín, như tất cả các ngành khoa học đều hướng tới, nhưng nó lại có vẻ là công truyền vì nó đặt ra những vấn đề liên quan đến “mọi người và mọi người đều cảm thấy có quyền có thông tin và thậm chí được phán đoán” [Sur l’État: 279-280]. Quả thực, những khó khăn đặc biệt mà xã hội học gặp phải khi khẳng định tính khoa học của mình phần lớn xuất phát từ thực tế là chúng ta không muốn nó trở thành “một ngành khoa học giống như những ngành khoa học khác”: chúng ta mong đợi ở nó “vừa quá nhiều và vừa quá ít” [Invitation à la sociologie réflexive: 241]. Từ chối sự cám dỗ mang tính tiên tri nhằm đáp lại những kỳ vọng lớn lao, cũng như sự phục tùng của các xã hội học phục vụ, Bourdieu là người kiên quyết bảo vệ quyền tự chủ khoa học. Nhu cầu về quyền tự chủ khoa học đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến các điều kiện xã hội khiến điều đó trở nên khả thi, và đặc biệt khó khăn trong trường hợp các ngành khoa học xã hội. Đụng chạm đến lợi ích sống còn của các mối quan hệ xã hội vốn là thách thức của cuộc đấu tranh, xã hội học phải chịu đủ loại áp lực từ bên ngoài. Những áp lực này càng có sức nặng hơn vì những người bị thống trị trong trường khoa học có xu hướng phục tùng các yêu cầu bên ngoài nhiều nhất, điều mà Bourdieu gọi là “quy luật của chủ nghĩa Jdanov” [Science de la science et réflexivité: 171].

Tiến trình khách thể hóa khoa học, trong trường hợp của khoa học xã hội, đòi hỏi phải có sự kiểm soát mang tính phản tư. Xã hội học về xã hội học không phải là một chuyên ngành trong số những chuyên ngành khác, mà là điều kiện tiên quyết cho thực tiễn xã hội học. Một cách chính xác hơn, “tính phản tư-phản xạ” bao gồm việc nhận thức cả vị trí của xã hội học trong không gian của các bộ môn và cả vị trí của nhà xã hội học. Nằm giữa không gian của các bộ môn văn học và của các bộ môn khoa học, xã hội học là một bộ môn có tính “phân tán” cao [Sociologie générale 1: 428-489]. Theo định nghĩa xã hội của nó cũng như đối với số người mà nó thu hút (dù là giáo sư, nhà nghiên cứu hay sinh viên), xã hội học đưa ra một hình ảnh mơ hồ, thậm chí bị chia xẻ [SSR: 194]. So với các bộ môn cổ điển, hay dân tộc học, nó giống như một “bộ môn để lánh mình/ẩn náu”, [La Reproduction: 122; SSR: 189] hoặc, do “sự mất uy tín về mặt cấu trúc” mà nó phải gánh chịu trong trường trí tuệ, như một “bộ môn bị khinh miệt-ruồng bỏ/discipline-paria” [Esquisse pour une auto-analyse: 52].

Cũng giống như các ngành khoa học khác, xã hội học nhằm mục đích “làm sáng tỏ những cấu trúc bị chôn vùi sâu nhất của các thế giới xã hội khác nhau cấu thành nên vũ trụ xã hội và […] các “cơ chế” có xu hướng đảm bảo sự tái sản sinh hoặc sự biến đổi của chúng” [La Noblesse d’État: 7] . Đối với thế giới xã hội, việc bộc lộ hay vạch trần những mối quan hệ ẩn giấu hàm ý việc đưa ra ánh sáng những điều tiềm ẩn và bị kìm nén, tức không chỉ là đặt cược cho cuộc đấu tranh mà còn là những điều mà các tác nhân xã hội thường không muốn nhận biết (thừa nhận) và hiểu.

Để đối mặt với những khó khăn đặc biệt mà ngành của họ gặp phải, các nhà xã hội học phải thực hiện điều mà Bourdieu gọi là “phân tích xã hội”, tức là huy động những thành quả của khoa học xã hội để hiểu hoặc tái chiếm hữu chính mình. Đó là hành động để “khách thể hóa chủ thể của sự khách thể hóa”, nhằm khách thể hóa và qua đó làm chủ được mối quan hệ chủ quan với đối tượng. Điều này, khi không được kiểm soát, là một trong những yếu tố gây nên những sai lầm mạnh nhất [SSR: 183]. Công việc này quan trọng đến mức chúng ta “tự cấm (đoán) làm xã hội học, và đặc biệt là xã hội học về xã hội học, nếu không thực hiện trước đó hoặc đồng thời việc phân tích xã hội về chính mình” [Questions de sociologie: 79-80].

Với tinh thần tương tự, Bourdieu nói về cách sử dụng xã hội học “lâm sàng”: nhà xã hội học có thể đóng vai trò bà đỡ cho các tác nhân xã hội, bằng cách hỗ trợ quá trình tự phân tích, theo mô hình được triển khai trong dự án dẫn đến tác phẩm La Misère du monde. Ngược lại hoàn toàn với việc áp đặt cách đặt vấn đề, xã hội học khi đó hoạt động giống như phép đỡ đẻ [MM: 917]. Sự can thiệp của nhà xã hội học cũng có thể nhằm mục đích tạo ra một “quá trình phân tích xã hội tập thể”, vốn có thể là điều kiện cho “một sự chuyển hoán tập thể thực sự” [Les Usages sociaux de la science: 59].

Nằm ngay trung tâm của xã hội học “phản tư” hay “lâm sàng”, và của “chính sách thực tế/realpolitik của lý tính” là kiến ​​thức về những yếu tố quyết định tiềm ẩn. Những yếu tố này được đặt ở ba cấp độ: vị trí của nhà nghiên cứu trong thế giới xã hội, cấp độ của lĩnh vực đặc thù mà nhà nghiên cứu thuộc về, và cấp độ của vũ trụ skholè (thời gian an nhàn mà các triết gia dành được để suy ngẫm về thế giới trong triết học Hy Lạp và Latin cỗ - ND) (khoảng cách đối với những sự khẩn cấp của thế giới) vốn là tình trạng của mọi trường thông thái [Méditations pascaliennes: 24]. Đặt vấn đề về các quyền tự do ảo, xã hội học cung cấp các phương tiện để tiếp cận “sự tự do mà kiến ​​thức về các yếu tố xã hội quyết định được chúng ta chinh phục để chống lại các quyết định luận” [Raisons pratiques: 11].

Trong viễn cảnh này, và song song với các dự án nghiên cứu lớn của mình, Bourdieu thường xem xét các khía cạnh đặc biệt của thực tiễn xã hội học, “xã hội học thực dân và sự phi thực dân hóa xã hội học” [QS: 79-85], “cuộc khủng hoảng” của ngành này sau năm 1968 [PB 1988f], những khó khăn trong việc giảng dạy ngành này [ISR: 275-319], lịch sử xã hội của nó [PB 1967d; 1995b], nhiều mối quan hệ của nó với các ngành khác, tiến trình quốc tế hóa của xã hội học và sự hình thành một trường xã hội học toàn cầu [PB 1991f]. Trong văn bản cuối cùng mà ông soạn thảo, Esquisse pour une auto-analyse, Bourdieu đã áp dụng các khái niệm của mình cho bản thân, cho quỹ đạo và những nghiên cứu của mình. Bourdieu đưa ra phương pháp tự phân tích xã hội học như một đóng góp cuối cùng cho “cái nghề cực kỳ khó khăn này, bao gồm việc tổ chức sự trở lại của những điều bị đè nén và việc nói thẳng vào mặt mọi người những điều không ai muốn biết” [EAU: 141].

Johan Heilbron 

Giám đốc nghiên cứu CNRS (CESSP), giáo sư thỉnh giảng Đại học Uppsala

ANTHROPOLOGIE, AUTONOMIE, BACHELARD, CANGUILHEM, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMBOREDON, CHAMP INTELLECTUEL, CHAMP SCIENTIFIQUE, CONSTRUCTION DE L’OBJET, CRITIQUE, DÉTERMINISME, DURKHEIM, ENQUÊTE(S), ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, HISTOIRE SOCIALE DES SCIENCES SOCIALES, INTERNATIONALISATION, LÉVI-STRAUSS, LIBERTÉ, LUTTE(S), MAI 68, MÉTHODE, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), MISÈRE DU MONDE (LA), OBJECTIVATION, PASSERON, RATIONALISME, RÉFLEXIVITÉ, RUPTURE ÉPISTÉMOLOGIQUE, SCIENCE, SCIENCES HUMAINES ET SOCIALES, SOCIOANALYSE, SOCIOLOGIE DE L’ALGÉRIE, SOCIOLOGIE GÉNÉRALE, STRUCTURE(S), TRANSFORMATION(S), WEBER

Thư mục

1958 Sociologie de l’Algérie, Paris, PUF, “Que sais-je”, rééd. 1960, 2001*.

[La Reproduction: 122; SSR: 189]

1980 [QS] Questions de sociologie, Paris, Minuit, rééd. 2002.

1989 [] La Noblesse d’État. Grandes Écoles et esprit de corps, Paris, Minuit.

1993 [MM] La Misère du monde (et al.), Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1998.

1994 [RP] Raisons pratiques. Sur la théorie de l’action, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1996.

1997 [MP] Méditations pascaliennes, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2003.

1997 [US] Les Usages sociaux de la science. Pour une sociologie clinique du champ scientifique: une conférence-débat, Paris, INRA, rééd. Versailles, Éditions Quae, 2018.

2001 [SSR] Science de la science et réflexivité. Cours du Collège de France 2000-2001, Paris, Raisons d’agir.

2004 [EAU] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

2004 [ISR] Invitation à la sociologie réflexive (avec L. Wacquant), Paris, Seuil.

[PB 1967d] “Sociology and philosophy in France since 1945. Death and resurrection of a philosophy without subject” (avec J.-C. Passeron), Social Research, vol. 34, no 1, p. 162-212.

[PB 1988f] “Vive la crise. For heterodoxy in social science, Theory and Society, vol. 17, no 5, p. 773-787.

[PB 1991f] “Epilogue: on the possibility of a field of world sociology”, in P. BOURDIEU et J. COLEMAN (éd.), Social Theory for a changing society, Boulder, Westview Press & Russell Sage Foundation, p. 373-387.

[PB 1995b] “La cause de la science. Comment l’histoire sociale des sciences sociales peut servir le progrès de ces sciences, ARSS, no 106-107, p. 3-10.

* * *

OBJECTIVATION [Sự khách thể hóa]

Chúng ta có thể phân biệt hai cách sử dụng thuật ngữ khách thể hóa ở Pierre Bourdieu. Cách thứ nhất, mang tính nhận thức luận, đề cập đến tập hợp các thao tác mà qua đó các tác nhân, định chế hoặc thực tiễn được xây dựng thành đối tượng của nghiên cứu khoa học (khách thể hóa khoa học). Cách thứ hai chỉ quá trình mà qua đó “cái xã hội” được thiết lập trong tính vật chất của sự vật […] và/hoặc trong logic của các cơ chế” [Sociologie Générale/Xã hội học đại cương 1: 234] (khách thể hóa như một quá trình xã hội). Như vậy, với tư cách này, khái niệm khách thể hóa được ghi nhận trong lịch sử rộng lớn hơn của khái niệm có liên quan, quá trình vật thể hóa (réification), được truyền thống Mác xít cũng như các tác giả như Weber hay Sartre [Chanson, Cukier và Monferrand 2014] chiếm lấy, và cũng có thể mang một ý nghĩa kép, nhận thức luận và xã hội [Vandenberghe 1992].


Chắc có lẽ trong cuốn Le Métier de sociologue, chúng ta tìm thấy cách trình bày mang tính chuyên môn nhất về các chủ đề khác nhau mà Bourdieu liên kết với quá trình khách thể hóa khoa học. Tiến trình này bắt đầu trước hết với việc “xây dựng đối tượng” [MS: 57-85]. Thật vậy, đối với Bourdieu, thế giới xã hội và các thành phần khác nhau của nó không phải là một cứ liệu, có khả năng trở thành đối tượng của một “sự ghi nhận thụ động”, mà ngược lại, luôn được nhận thức và do đó được xây dựng thông qua một quan điểm đặc thù và những phạm trù nhận thức, dù là của nhà xã hội học hay của các tác nhân mà ông ta nghiên cứu [La Distinction: 544-545]. Do đó, ngược lại, những thao tác xây dựng của các tác nhân và những lợi ích xã hội gắn liền với chúng giải thích tại sao nhà xã hội học luôn phải đối mặt với “những vật thể được kiến tạo trước đó” [MS: 59-62]. Đối với Bourdieu, sự khách thể hóa khoa học bước đầu bao gồm việc đoạn tuyệt với lẽ thường, một tư thế theo kiểu Bachelard tương hợp với chủ đề của Durkheim về sự đoạn tuyệt với các tiền ý niệm [MS: 35-37], và đặc biệt phân biệt xã hội học của Bourdieu với những cách tiếp cận mang tính thông diễn hơn. Bourdieu xem các kỹ thuật có thể thúc đẩy sự đoạn tuyệt với cái mà ông gọi là “xã hội học tự phát” như là những “công cụ khách thể hóa”, và trong số đó ông đặc biệt liệt kê, ngoài số liệu thống kê, “phả hệ, sơ đồ, bảng khái quát, kế hoạch, bản đồ” [Le Sens Pratique: 24], cũng như công trình của Durkheim về “định nghĩa tiên quyết về đối tượng” hoặc về việc xây dựng một từ vựng thật sự khoa học [MS: 36], thậm chí chỉ là “văn bản phiên âm đơn giản” [SP: 24]. Bởi vì những tiền ý niệm này gắn liền với lợi ích xã hội, nên cách tiếp cận xã hội học có thể sẽ gặp phải “sự phản kháng đối với sự khách thể hóa”, hoặc vì nó đụng chạm đến niềm tin vào “tính bất khả quy của “chủ thể”” [Méditations pascaliennes: 15], và khi làm như vậy nó “làm tổn thương lòng quá tự mê của người đọc, những người cảm thấy bị khách thể hóa bất chấp ý muốn của bản thân” [MP: 54], hoặc vì chúng ta lẫn lộn “các cách tiếp cận có phương pháp của sự khách thể hóa với các chiến lược tu từ học của bút chiến” [MP: 188] và đối lập “sự phủ nhận” với “sự vạch trần” “các cơ chế cơ bản nhất của trật tự xã hội” [MP: 274]. Những sự phản kháng này càng mạnh mẽ hơn khi sự khách thể hóa liên quan đến các vũ trụ chẳng hạn như các trường sản xuất văn hóa, nơi niềm tin vào tính độc nhất của con người đặc biệt mang tính trung tâm [Les Règles de l’art: 303-308]. Tuy nhiên, việc phân tích không thể chỉ dừng lại ở sự đoạn tuyệt với lý lẽ thông thường và ở “quan niệm mà sự khách thể hóa dẫn đến” trên cơ sở này [MP: 273], nếu không thì có nguy cơ là bị lôi cuốn vào “sự lệch lạc kinh viện” bao gồm việc nhận thức trong các mô hình mà mục đích là “lý giải” các thực tiễn của các tác nhân chính cái “nguyên tắc” của những thực tiễn này [Le Sens Pratique: 24-25]. Do đó, Bourdieu nhấn mạnh rằng phân tích xã hội học phải tự tạo cho mình những phương tiện để vượt qua “thời điểm khách thể hóa” này bằng cách tích hợp “quan điểm của các tác nhân gắn với đối tượng (nghiên cứu)”, bao gồm cả “những sự kháng cự mà sự khách thể hóa khoa học thường khơi dậy” [MP: 272-273]. Điều này thông qua việc đặt lại vấn đề về quan niệm “thực chứng” vốn coi quan niệm khoa học là một quan điểm trung lập bên ngoài đối tượng mà nó đang nghiên cứu, và do đó giả định “việc khách thể hóa quan niệm khách thể hóa” nhằm xác định mối quan hệ với đối tượng (nghiên cứu) và những niềm tin mà nhà xã hội học mang vào cuộc nghiên cứu của mình. Bourdieu gọi hoạt động này là “sự khách thể hóa có tham gia” được ông quan niệm như là cách thứ ba giữa “chủ nghĩa khách quan” và “sự đắm chìm đơn giản trong thực tiễn” [PB 1978d; Langage et pouvoir symbolique: 417-403; PB 2003a; Invitation à la sociologie réflexive: 260-273, 313-319], do đó ông coi sự khách thể hóa có tham gia như là một “mâu thuẫn về mặt thuật ngữ” [SP: 57]. Hoạt động này đòi hỏi phải tự trang bị cho mình một xã hội học về xã hội học và rộng hơn là một xã hội học về các trường sản xuất trí tuệ, điều kiện cần thiết cho kiểu “tự phân tích” mà chính Bourdieu đã từng áp dụng cho chính mình [Esquisse pour une auto-analyse].

Sự khách thể hóa như một quá trình xã hội chỉ định một trong hai phương thức thông qua đó cái xã hội có thể được thiết lập/định chế hóa [SG 1: 234-239; PB 1980c]. Theo Bourdieu, lịch sử và cái xã hội trên thực tế có thể được ghi khắc vào cơ thể thông qua sự hình thành tập tính, nhưng cũng “được [tích lũy] theo thời gian trong đồ vật, máy móc, tòa nhà, tượng đài, sách, lý thuyết, phong tục, luật pháp, v.v.” [PB 1980c: 6]. Việc pháp điển hóa ngôn ngữ của các nhà ngữ pháp [SP: 184-185, n. 18], “cái tên (gọi) như là sự siêu nghiệm vượt lên trên các cá nhân”, ký hiệu thông qua đó “một nhóm bắt đầu tồn tại”, các danh hiệu như bằng cấp hoặc chứng thư tài sản [SG 1: 153-155], văn tự khi nó “[tách rời] các tài nguyên văn hóa khỏi con người” và “cho phép tích lũy văn hóa cho đến nay vẫn được bảo tồn trong trạng thái được sáp nhập” [SP: 214-215], trạng thái của cung văn hóa ở một thời điểm nhất định như một “thị hiếu” được khách quan hóa [Di: 256], nhưng rộng hơn, luật pháp như là “sự khách thể hóa quan điểm thống trị được công nhận là chính đáng” [MP: 269; SP: 228-229] tạo thành một số ví dụ về cái xã hội được vật thể hóa này. Do đó, cái xã hội được vật thể hóa này là khách quan khi nó nằm ngoài cơ thể của các tác nhân [SP: 123-124], nhưng cả ở mức độ nó thể hiện một hình thức thỏa thuận giữa các tác nhân, cho phép nó “tồn tại độc lập với các chủ thể”: “Khi sự khách thể hóa […] là một ấn phẩm, một sự chính thức hóa, một sự giải thích, nó giả định và thể hiện sự đồng tình của các chủ thể và, theo một cách nào đó, tính siêu việt/nghiệm của cái xã hội” [SG 2: 415]. Hiểu theo cách này, sự khách thể hóa có thể ám chỉ đến một quá trình lịch sử rộng lớn hơn. Thật vậy, Bourdieu gợi ý rằng quá trình phân biệt hóa các trường trong lịch sử có xu hướng đi kèm với sự khách thể hóa ngày càng tăng của các vốn gắn liền với chúng, “cả trong trạng thái thực tế, dưới dạng cơ chế […], và trong trạng thái được pháp điển hóa dưới dạng chuẩn mực hay quy tắc rõ ràng” [SG 2: 209]. Sự khách thể hóa ngày càng tăng này làm thay đổi sâu sắc các phương thức thống trị, khiến chúng dựa nhiều hơn vào các quy tắc thành văn hơn là vào sự tác động của các thiên hướng được sáp nhập và các mối quan hệ cá nhân [SG 2: 207-211; và rộng hơn là SP: 209-231]. Việc trật tự xã hội có xu hướng dựa nhiều hơn vào cái được khách thể hóa hơn là vào cái xã hội được sáp nhập, không có nghĩa là hai hình thức thể chế hóa này hoạt động theo những hướng ngược chiều nhau. Ngược lại, Bourdieu nhấn mạnh rằng “mối quan hệ với thế giới xã hội” và sự “cộng tác về mặt bản thể” mà trật tự xã hội thiết lập thường là sản phẩm của sự gặp gỡ giữa một lịch sử được khách thể hóa trong các vị trí, cơ chế hoặc quy tắc, và các thiên hướng phát sinh từ cùng một lịch sử đó hoặc từ một lịch sử tương đồng [PB 1980c: 6-7; RA: 421-425; SG 1: 235-236].

Cuối cùng, sự khách thể hóa khoa học và sự khách thể hóa như là một quá trình xã hội không nên được coi như là hai cách sử dụng hoàn toàn khác biệt của cùng một từ, mà đúng hơn, cách sử dụng thứ nhất phải được coi là một trong những hình thức có thể có của cách sử dụng thứ hai. Chẳng hạn, Bourdieu là người đầu tiên nhấn mạnh rằng công việc của các nhà nhân học đối mặt với “các xã hội tiền tư bản” thường tương tự với công việc của các luật gia cố gắng giải thích các quy tắc làm nền tảng cho thực tiễn, do đó tạo ra hiệu ứng “pháp điển hóa” và “chính thức hóa” có thể so sánh với điều có thể đạt được rộng rãi hơn bằng cách khách thể hóa thông qua văn bản [SG 2: 121]. Các khoa học xã hội cũng tham gia vào các cuộc đấu tranh mang tính biểu tượng liên quan đến việc khách thể hóa các giai cấp xã hội và các biểu tượng về chính mình mà giai cấp có khả năng áp đặt hoặc bị phân định [PB 1977b]. Tuy nhiên, nếu sự khách thể hóa khoa học nổi bật so với các kiểu khách thể hóa khác bởi mục đích của nó và tính phản tư mà nó thể hiện, thì đó là do kiểu kiểm soát xã hội mà nó buộc phải tuân theo do “các nguyên tắc xác minh sự phù hợp với “thực tế” được ghi trong một trường khoa học và cách thức phán đoán của các đồng nghiệp [MP: 163].

Mathieu Hauchecorne

Phó giáo sư khoa học chính trị Đại học Université Paris ở Vincennes-Saint Denis

 image CHANSON V., A. CUKIER et F. MONFERRAND (dir.), 2014, La Réification. Histoire et actualité d’un concept critique, Paris, La Dispute. – VANDENBERGHE F., 1992, “La notion de réification. Réification sociale et chosification méthodologique”, L’Homme et la société, n0 103, p. 81-93.

AGENT(S), BACHELARD, CAPITAL, CATÉGORIE(S), CHAMP, CHAMP(S) DE PRODUCTION CULTURELLE, CHAMP SCIENTIFIQUE, CLASSE(S) SOCIALE(S), CONSTRUCTION DE L’OBJET, CORPS, CROYANCE, DÉNÉGATION, DIFFÉRENCIATION, DISPOSITION(S), DOMINATION, DROIT, DURKHEIM, GOÛT, GROUPE(S), HABITUS, HISTOIRE, ILLUSION SCOLASTIQUE, INCORPORATION, INSTITUTION(S), INTÉRÊT, LANGUE, LECTOR, LUTTE(S), MARXISME, MÉTHODOLOGIE, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), NOMINAL, OBJECTIVISME, OBSERVATION(S), ORDRE SOCIAL, POINT DE VUE, POSITIVISME, PRATIQUE, RÉFLEXIVITÉ, RÉIFICATION, REPRÉSENTATION(S), RUPTURE ÉPISTÉMOLOGIQUE, SARTRE, SCHÈME(S), SOCIOANALYSE, SOCIOLOGIE, STATISTIQUES, SUJET, TITRE(S), WEBER

Thư mục

1968 [MS] Le Métier de sociologue. Préalables épistémologiques (avec J.-C. Chamboredon et J.-C. Passeron), Paris, La Haye, Mouton, éd. corrigée, 1973.

1979 [Di] La Distinction. Critique sociale du jugement, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une introduction, 1982.

1980 [SP] Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989. 

1992 [RA] Les Règles de l’art. Genèse et structure du champ littéraire, Paris, Seuil, rééd. “Points” 1998, 2015*.

1997 [MP] Méditations pascaliennes, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2003.

2001 [LPS] Langage et pouvoir symbolique, présentation de J. B. Thompson, Paris, Seuil.

2004 [EAU] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

2014 [ISR] Invitation à la sociologie réflexive (avec L. Wacquant), Paris, Seuil.

2016 [SG 1] Sociologie générale, vol. 1, éd. établie par P. Champagne et J. Duval, avec la collaboration de F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.

2016 [SG 2] Sociologie générale, vol. 2, éd. établie par P. Champagne et J. Duval, avec la collaboration de F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.

[PB 1977b] “Une classe objet”, ARSS, no 17-18, p. 1-5.

[PB 1978d] “Sur l’objectivation participante. Réponses à quelques objections”, ARSS, no 23, p. 67-69.

[PB 1980c] “Le mort saisit le vif. Les relations entre l’histoire réifiée et l’histoire incorporée”, ARSS, no 32-33, p. 3-14.

[PB 1991f] “Epilogue: on the possibility of a field of world sociology”, in P. BOURDIEU et J. COLEMAN (éd.), Social Theory for a changing society, Boulder, Westview Press & Russell Sage Foundation, p. 373-387.

[PB 2003a] “L’objectivation participante”, ARSS, no 150, p. 43-58.

* * *

RÉFLEXIVITÉ [Tính phản tư]

Thuật ngữ “tính phản tư” chỉ mới xuất hiện gần đây trong từ vựng của các khoa học xã hội. Nó xuất hiện trong những năm 1970 trong các tạp chí học thuật và trở nên phổ biến trong khoa học xã hội vào những năm 1990. Việc nó được các tác giả khác nhau sử dụng khiến cho ý nghĩa của nó rất đa dạng và thường không được định nghĩa một cách rõ ràng. Tính đa âm của thuật ngữ này được Michael Lynch [2000] nhấn mạnh rõ ràng khi ông phân biệt sáu loại “tính phản tư” chính, được chia thành mười bốn loại nhỏ.

Sự hình thành của ý niệm

Tính phản tư, theo nghĩa chung là sự suy tưởng, hay sự quay trở về chính mình, là kết quả của quá trình lịch sử hóa hoàn toàn các nội dung của tư duy buộc phải áp dụng các phạm trù của xã hội học nhận thức cho chính mình và làm sáng tỏ các lý do xã hội của sự xuất hiện của các nội dung ấy. Chúng ta có thể vạch lại hai nguồn gốc. Trong số các triết gia, hiện tượng học của Edmund Husserl phân biệt thái độ “tự nhiên” với thái độ “phản tư”; thái độ đầu tiên thuộc về “cái tất nhiên”, sản phẩm của quá trình xã hội hóa, và thái độ thứ hai tránh xa “sự hiển nhiên” này để đặt câu hỏi và tư duy điều này như là một vấn đề. Cách tiếp cận hiện tượng học này sẽ được phát triển ở cấp độ xã hội học bởi Alfred Schütz và Harold Garfinkel, những tác giả mà Pierre Bourdieu biết rõ. Một truyền thống xã hội học phản tư khác đã hình thành vào đầu thế kỷ 20 nơi các tác giả như Émile Durkheim, Max Scheler và Karl Mannheim.

Ở Durkheim [1985], tính phản tư mang hình thức của một sự lý giải xã hội học về nguồn gốc của các phạm trù tư tưởng, nhằm mục đích lịch sử hóa các tiên nghiệm của Kant. Đối với Scheler [1993], bản thân xã hội học nhận thức là sản phẩm của những điều kiện xã hội đặc thù. Tương tự, Mannheim [1956] khẳng định rằng khả năng ông có được để trình bày toàn bộ quan niệm chung về hệ tư tưởng là do chính những thay đổi xã hội mà ông tham gia chứ không phải do đặc điểm cá nhân hay tâm lý của nhà tư tưởng. Theo ông, xung đột thuận lợi cho tính phản tư: một nhà tư tưởng chỉ quay lưng lại với việc quan sát các đối tượng để đề cập đến các cách suy nghĩ về chúng khi những bất đồng xảy ra thường xuyên hơn là khi có sự nhất trí. Chính những khoảnh khắc khủng hoảng đặt vấn đề về những điều tuyệt đối và các giáo điều và tương đối hóa các quan điểm.

Việc trở về với chính mình mà tính phản tư đòi hỏi có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ. Ở cấp độ cá nhân, nó buộc tác nhân phải đặt câu hỏi về những lý do khiến anh ta suy nghĩ những gì anh ta suy nghĩ và làm những gì anh ta làm. Đổi lại, điều này thúc đẩy anh ta đặt câu hỏi về các thể chế mà anh ta có liên kết và nói rộng ra là về xã hội trong đó anh ta được đào tạo. Về mặt khái niệm, tính phản tư là điều kiện logic để tránh sự tự mâu thuẫn và chủ nghĩa tương đối tự hủy hoại: bất kỳ lý thuyết xã hội nào về sự xuất hiện của các ý tưởng đều phải có khả năng được áp dụng cho chính lý thuyết đó, nếu không thì sẽ bị sự tuần hoàn vòng tròn hủy diệt. Đây chính là ý nghĩa của “chương trình mạnh” về xã hội học khoa học do David Bloor xây dựng [1976]. Thật vậy, trở ngại chính đặt ra cho bất kỳ xã hội học nhận thức và hệ tư tưởng nào, vốn tìm kiếm trong các điều kiện xã hội của cuộc sống những nguyên nhân của sự xuất hiện (hoặc chấp nhận) các ý tưởng và các phạm trù tư tưởng – kể cả của chính nhà tư tưởng – luôn luôn là trở ngại để không bị chìm đắm trong thuyết tương đối xuất phát từ một lập luận logic đơn giản: nếu tất cả các ý tưởng (và phạm trù tư tưởng) đều có nguồn gốc xã hội, thì chúng khác nhau tùy theo xã hội và do đó mang tính ngẫu nhiên và không thể so sánh được giữa chúng. Mọi ý tưởng về sự thật khách quan và phổ quát đều tan biến trong vô số sự thật địa phương chỉ được chấp nhận trong một cộng đồng nhất định.

Tính phản tư theo Bourdieu

Thuật ngữ “tính phản tư” chỉ thực sự xuất hiện trong sự nghiệp của Pierre Bourdieu vào những năm 1990, như một hiệu ứng nảy ra từ việc tiếp nhận tác phẩm của ông trong thế giới học thuật Anh-Mỹ, trong đó thuật ngữ này đã được lưu hành. Việc sử dụng lại thuật ngữ này sau đó cho phép ông làm rõ hơn đặc điểm trung tâm trong sự nghiệp của mình, nhưng lại không được đặt tên cụ thể trước đó ngay cả khi nó (tính phản tư) đã được khái niệm hóa mạnh mẽ theo nghĩa là Bourdieu đã có một thực tiễn phản tư ngay cả trước khi nhãn hiệu này trở thành thời thượng vào cuối những năm 1980. Trước những năm 1990, việc sử dụng rõ ràng thuật ngữ “tính phản tư” khá hiếm khi so sánh với các khái niệm trung tâm trong sự nghiệp của ông (trường, tập tính) và tính chất phản tư trong các tác phẩm của ông được thể hiện đúng hơn ở khái niệm về “sự cảnh giác nhận thức luận”, vốn là trọng tâm trong cuốn Le Métier de sociologue, và về việc sử dụng các công thức gợi ý một cách rõ ràng một hình thức tuần hoàn vòng tròn: “xã hội học về xã hội học”, “huyền thoại về các nhà xã hội học và xã hội học về huyền thoại”, “(cái) tạo ra những người sáng tạo”, v.v.. Thuật ngữ này xuất hiện trước tiên trong bản dịch tiếng Anh của một số tác phẩm của ông. Trong khi cuốn Choses dites, xuất bản năm 1987, không có phụ đề đề cập đến tính phản tư, thuật ngữ “tính phản tư” lại xuất hiện trong bản dịch tiếng Anh, xuất bản năm 1990: In other words: Essays towards a reflexive sociology. Hai năm sau, từ này được chuyển từ phụ đề sang thành tựa đề trong cuốn Invitation to reflexive sociology, nhưng lại trở thành phụ đề trong phiên bản tiếng Pháp đầu tiên có tựa đề Réponses. Pour une anthropologie réflexive Sự lưu hành thuật ngữ “tính phản tư” trong các tác phẩm tiếng Pháp của Bourdieu bắt đầu từ năm 1992 nhưng thuật ngữ này vẫn còn nằm ngoài lề trong các chỉ mục của cuốn sách của ông được xuất bản sau năm 1992. Cuối cùng, thuật ngữ này đã đạt đến đỉnh cao trong quỹ đạo của nó khi xuất hiện ngay trong tựa đề với sự xuất bản năm 2001 cuốn sách cuối cùng của ông được xuất bản khi ông còn sống dành cho xã hội học về khoa học: Science de la science et réflexivité.

Đối với Bourdieu, sự phân tích phản tư phải được tiến hành theo ba thời điểm/giai đoạn. Thời điểm đầu tiên tiếp nối truyền thống từ Mannheim và khách thể hóa các điều kiện xã hội sản xuất ra học giả (nhà xã hội học, nhà sử học, v.v.), do đó nêu bật các thiên hướng giai cấp và giới tính của ông ta cũng như các lợi ích gắn liền với chúng. Sự phê phán phản tư về xã hội học vào cuối những năm 1960 thường bị giới hạn ở giai đoạn này bằng cách nối kết trực tiếp vị trí xã hội của nhà nghiên cứu với những lợi ích nhận thức của ông ta, ngầm dựa vào một lý thuyết phản ánh vốn không thừa nhận bất kỳ sự trung gian nào giữa xã hội và các tác nhân. Bourdieu chống đối sự “đoản mạch” này về tính đặc thù của các trường và nhấn mạnh vào thời điểm thứ hai của sự phân tích phản tư cho phép chúng ta tính đến các không gian của các ngành và các thể chế trong đó các tác nhân luân chuyển. Theo quan điểm này, nhà nghiên cứu không chỉ tồn tại trong không gian xã hội (thời điểm đầu tiên) mà còn tồn tại trong không gian đặc thù của một trường có cấu trúc riêng. Do đó, phân tích phản tư cũng phải khách thể hóa vị trí của nhà nghiên cứu trong không gian tương đối tự trị này, đối với không gian xã hội. Cuối cùng, thời điểm thứ ba của sự phân tích phản tư bao gồm việc khách thể hóa chính cái nhìn học thuật, tư thế kinh viện, vốn có xu hướng nhận thức và khái niệm hóa thế giới với các phạm trù học thuật đặc thù phải được khách thể hóa để tránh phóng chiếu chúng vào đối tượng được nghiên cứu một cách vô thức. Giai đoạn này thường bị thiếu ở những tác giả phân tích thế giới hoặc các công nghệ như một “văn bản”, bởi bản thân họ bị ám ảnh bởi văn bản và nghĩ rằng tất cả các tác nhân xã hội chỉ đọc văn bản mà thôi. Trong Esquisse pour une auto-analyse, Bourdieu cũng sử dụng sơ đồ phân tích này: ông bắt đầu bằng một bản phác thảo cấu trúc của trường triết học vào thời điểm ông bước chân vào trường này, sau đó tái tạo lại một cách khái quát trường xã hội học để rồi quay trở lại quỹ đạo nghề nghiệp và cá nhân của mình.

Sự nguy hiểm của tính phản tư tự ái mộ

Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa rằng sự phân tích phản tư các thực tiễn cấu thành một loại phân tâm học xã hội cho phép nhận thức được giới hạn của chính mình với tư cách là một tác nhân xã hội được định vị, nhưng vẫn có nguy cơ thực sự là chìm vào một hình thức “phản tư tự ái mộ” [PB 1993j], giống như đặc điểm của thời kỳ “bước ngoặt phản tư” của xã hội học về tri thức khoa học vào cuối những năm 1980 [Woolgar 1988]. Đối với những tác giả của thời kỳ này, xã hội học chỉ có thể mang tính phản tư thực sự nếu nó tìm được cách chứng tỏ một cách rõ ràng rằng, cả trong thực tiễn nghiên cứu lẫn trong hình thức viết văn bản là sản phẩm của nó, nhà phân tích-tác giả ý thức được rằng ông đang xây dựng những kết quả này về mặt “xã hội”. Tính phản tư này dẫn đến việc xây dựng “các hình thức văn học mới”, được thiết kế như những công cụ phản tư. Cách tiếp cận này trên thực tế chỉ là sự phát minh lại quy trình tạo khoảng cách được sử dụng trong kịch của Bertolt Brecht. Đối với nhà soạn kịch người Đức, điều quan trọng là khán giả không nên quá đồng hóa với vai diễn của các diễn viên mà quên rằng đó chỉ là sân khấu chứ không phải hiện thực. Quá trình tạo ra khoảng cách này được biết đến rộng rãi, nhưng phải thừa nhận rằng đó cũng là một dạng duy quý tộc (aristocratisme) của trí tuệ, cho phép tạo khoảng cách với khán giả bằng cách cho họ là ngây thơ hơn là trong thực tế. Tương tự như vậy, mọi nỗ lực để bộc lộ bản chất “được kiến tạo” trong các văn bản theo chủ nghĩa kiến ​​tạo đều giả định rằng độc giả là những người ngây thơ, những người nhất thiết phải coi mọi thứ họ đọc như một sự phản ánh đơn giản của hiện thực. Tuy nhiên, ngược lại với Brecht mà khán giả trước tiên không phải là nhà viết kịch, độc giả của các văn bản phản tư chủ yếu là các nhà xã hội học, điều này làm cho lối hành văn này thậm chí lại còn mang tính thông thái rởm hơn nữa. Ngay từ năm 1935, trong nghiên cứu về xã hội học đương đại của Đức, Raymond Aron đã lưu ý, trong kết luận, mối nguy hiểm là tính phản tư (“sự tự phân tích”) thoái hóa thành một sự thoái lui vô tận và làm sao lãng/quay đầu với các nghiên cứu khó khăn và sự tò mò đối với các sự kiện [Aron 1935: 138 ].

Yves Gingras

Giáo sư sử học và xã hội học các khoa học tại UQAM

 image ARON R., 1935, La Sociologie allemande contemporaine, Paris, PUF. – BLOOR D., 1976, Knowledge and social imagery, Chicago, University of Chicago Press. – DURKHEIM É., 1985, Les Formes élémentaires de la vie religieuse, Paris, PUF, “Quadrige” (1912). – LYNCH M., 2000, “Against reflexivity as an academic virtue and source of privileged knowledge”, Theory, Culture & Society, vol. 17, n0 3, p. 26-54. – MANNHEIM K., 1956, Idéologie et utopie, Paris, M. Rivière (1929) – SCHELER M., 1993, Problèmes de sociologie de la connaissance, Paris, PUF. – WOOLGAR S., 1988, Knowledge and reflexivity, London, Sage.

AGENT(S), ANGLETERRE, ARON, AUTONOMIE, CATÉGORIE(S), CHAMP, CHAMP SCIENTIFIQUE, CHOSES DITES, CRITIQUE, DISPOSITION(S), DURKHEIM, ESPACE SOCIAL, ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, ÉTATS-UNIS, GARFINKEL, HABITUS, HISTORICISATION, HUSSERL, ILLUSION SCOLASTIQUE, INTÉRÊT, INVITATION À LA SOCIOLOGIE RÉFLEXIVE, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), NAÏF, OBJECTIVATION, PRATIQUE, RATIONALISME, REFLET, RELATIVISME, SCIENCE DE LA SCIENCE ET RÉFLEXIVITÉ, SCHÜTZ, SOCIOANALYSE, SOCIOLOGIE, STRUCTURE(S), TRAJECTOIRE(S)

Thư mục

2004 [EAU] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir. 

1968 [MS] Le Métier de sociologue. Préalables épistémologiques (avec J.-C. Chamboredon et J.-C. Passeron), Paris, La Haye, Mouton, éd. corrigée, 1973.

1987 [CD] Choses dites, Paris, Minuit.

1992 [R] Réponses. Pour une anthropologie réflexive (avec L. Wacquant), Paris, Seuil.

2001 [SSR] Science de la science et réflexivité. Cours du Collège de France 2000-2001, Paris, Raisons d’agir.

1990 In other words. Essays towards a reflexive sociology, Cambridge, Polity (en anglais).

[PB 1993j] “Narzisstische Reflexivität und wissenschaftliche Reflexivität”, in E. BERG et M. FUCHS (éd.), Kultur, soziale Praxis, Text, Francfort-sur-le-Main, Suhrkamp, p. 365-374.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, Paris, CNRS Éditions, 2000.

Print Friendly and PDF