19.7.25

Tập Cận Bình gặp khó khăn, buộc phải chia sẻ quyền lực

TẬP CẬN BÌNH GẶP KHÓ KHĂN, BUỘC PHẢI CHIA SẺ QUYỀN LỰC

Pierre-Antoine Donnet

Tướng Trương Hựu Hiệp, bên trái Chủ tịch Tập Cận Bình, tại cuộc họp các sĩ quan cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân. DR.

Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, có những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình đang bị xói mòn, vả lại các thành viên của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố rằng từ nay trở đi, sự quay trở lại với sự lãnh đạo tập thể trong các cấp lãnh đạo của Đảng sẽ là quy tắc.

-------------------------------------------------

Hàng trăm lần, có lẽ hàng ngàn lần, các nhà quan sát Trung Quốc đã tự hỏi về mức độ quyền lực chính trị mà ông chủ của Trung Quốc Cộng sản nắm giữ. Một số người, ít khéo léo và thiếu thận trọng, từ lâu đã liều lĩnh dự đoán sự sụp đổ sắp xảy ra của ông. Những dự đoán này thường xuyên bị thực tế bác bỏ, bởi Tập Cận Bình vẫn còn đó, dường như nắm quyền kiểm soát chặt chẽ bộ máy chính trị của đất nước mình.

Nhưng trong vài tháng qua đã có những tín hiệu và sự kiện chỉ ra cùng một hướng: đó là sự rút lui có thể nhận thấy được của người vẫn được coi là chủ nhân tuyệt đối của đất nước mình. Trong số những tín hiệu và sự kiện này, có sự vắng mặt liên tục của ông tại các cuộc họp và diễn đàn quốc tế mà ông thường tham dự trước đây, và các cuộc thanh trừng liên tiếp, chưa từng có tiền lệ và ngoạn mục, các tướng lĩnh trong nội bộ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), mà một số được cho là thân cận với Tập Cận Bình.

Sự kiện đầu tiên đã được xác nhận: sự vắng mặt ngày càng nổi bật của nhà lãnh đạo tối cao trên các phương tiện truyền thông chính thức. Cũng chính những nhà quan sát này lưu ý rằng, chẳng có lời nào nhắc đến Tập Cận Bình hay hệ tư tưởng mang tên ông, “Tư tưởng Tập Cận Bình”, được đưa ra trong quá trình đưa tin về các cuộc đàm phán thương mại mấu chốt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Cũng sự vắng mặt nữa trong buổi họp công bố chính sách mới nhằm tăng cường phúc lợi xã hội hoặc trong buổi lễ mà Thủ tướng Lý Cường và những người khác tuyên thệ trung thành với hiến pháp Nhà nước.

Hẳn là nhà lãnh đạo tối cao khó có thể mất vị trí “hạt nhân” (核心) của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XXI, sẽ diễn ra vào cuối năm 2027. Theo Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư chỉ có thể bị bãi nhiệm bởi Hội nghị Trung ương hoặc Đại hội Đảng. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ được xác nhận tại Đại hội Đảng lần thứ XX năm 2022 đều là những người trung thành với Tập Cận Bình. Khả năng họ từ bỏ Tập Cận Bình tại Hội nghị Trung ương lần thứ IV, có thể diễn ra vào mùa thu, hoặc tại các kỳ họp toàn thể tiếp theo, khó có thể xảy ra.

Tập Cận Bình dường như đã đạt đến đỉnh cao quyền lực vào năm 2022

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà Trung Quốc học đáng kính Willy Lâm Hòa Lập (林和立), quyền lực của Tập Cận Bình dường như đã đạt đến đỉnh cao tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm 2022. Chính vào thời điểm này, “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội mang đặc trưng Trung Quốc trong thời đại mới” (习近平新时 代中国特色社会主义思想) đã được thiết lập thành giáo điều Nhà nước, và các đảng viên cam kết “bảo vệ ‘hạt nhân’ lãnh đạo của Đảng” (维护党的领导核心).

Ông lưu ý rằng kể từ đó, Tập Cận Bình đã mất quyền lực trong cả các vấn đề đối ngoại lẫn đối nội. Điều này diễn ra ngay trong khi nhiều quốc gia đã bắt đầu phản đối luận điệu và hành động theo chủ nghĩa biệt lập và gần như đơn phương mà Tổng thống Donald Trump vận dụng kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng vào ngày 20 tháng 1.

Sự chuyển hướng tư tưởng này của Hoa Kỳ lẽ ra phải có lợi cho chủ tịch Trung Quốc vì đây là cơ hội hoàn hảo để ông, khi đối đầu với một nước Mỹ đã trở lại thành một đế quốc, cho thế giới thấy rằng Trung Quốc giờ đây có thể trở thành nhà lãnh đạo của một trật tự thế giới mới dựa trên thương mại tự do và hòa bình trên thế giới.

Trật tự thế giới mới mà Tập Cận Bình mong muốn được cho là do các nguyên tắc Nho giáo chi phối. Chẳng hạn, ông thường gọi hành tinh này là một “đại gia đình” (一个大家庭). Đối với ông, Trung Quốc đương nhiên là thành viên của gia đình này với tư cách là gia trưởng. Ông cũng đã nhắc lại thông điệp này trong chuyến công du vào tháng 4 tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia, cũng như tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần thứ 2 tại Kazakhstan.

Một thực tiễn quyền lực đơn độc nay bị thách thức

Hai sự kiện đã được xác nhận: năm nay trong các cuộc đàm phán thương mại mấu chốt đối với Trung Quốc, Tập Cận Bình đã không thể hiện được sự lãnh đạo mạnh mẽ mà ông đã thường thể hiện trước đây. Do đó, trong các cuộc đàm phán với chính quyền Trump tại Genève vào ngày 11 và 12 tháng 5, và sau đó là tại Londres vào ngày 10 và 11 tháng 6, cả tên Tập Cận Bình lẫn “Tư tưởng Tập Cận Bình” đều không được nhắc đến trong các báo cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc, cũng như của Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, mặc dù ông này là một đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Thực tế là ở cấp quốc gia, các cơ quan truyền thông chính thức ngày càng hiếm khi nhắc đến tên ông. Điều này đúng với Nhân dân Nhật báo, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã và đài truyền hình công cộng CCTV. Đáng chú ý, một bài báo trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo số ra ngày 10 tháng 6 đã thông báo việc công bố một kiến nghị của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc cải thiện đời sống của người dân. Trong số các biện pháp được thảo luận có việc tăng cường hỗ trợ y tế và xã hội. Một lần nữa, không hề có lời ghi nào về các lời khuyên của Tập Cận Bình, cũng như không hề có yêu cầu cán bộ phải tuân thủ “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

Buổi lễ do Quốc Vụ Viện tổ chức vào đầu tháng 6 cũng không hề nhắc đến Tập Cận Bình. Tại sự kiện này, gần 50 quan chức chính phủ trung ương, bao gồm các bộ trưởng và cục trưởng, đã tuyên thệ trung thành với của Hiến Pháp của đất nước. Thủ tướng Lý Cường đã chủ trì buổi lễ và kêu gọi thực hiện các kế hoạch của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một lần nữa, không hề có lời nhắc đến Tập Cận Bình. Bản thân sự kiện này - tôn vinh Hiến Pháp Nhà nước - là một điều bất thường.

Chúng ta hãy nhớ: kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã nỗ lực gạt sang một bên các đơn vị chính phủ trung ương trực thuộc Quốc Vụ Viện và giao phó mọi quyết định về các vấn đề kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại cho các cơ quan Đảng trực tiếp trực thuộc ông. Chủ tịch Trung Quốc hiếm khi nhắc đến Hiến pháp, mặc dù chính quyền Trung Quốc luôn khẳng định rằng đất nước được cai quản bằng Hiến pháp. Tuy nhiên, ông đã đi xa hơn khi sửa đổi Hiến pháp này vào năm 2018 để cho phép ông giữ chức chủ tịch nước trọn đời.

Quân đội và nền kinh tế: Hai vấn đề lớn của Tập Cận Bình

Một nghi vấn khác: Tập Cận Bình rõ ràng đang đối mặt với những vấn đề trong hai lĩnh vực quan trọng: quân đội và tổ hợp công nghiệp-kỹ thuật. Trong PLA, rõ ràng là đang có sự đấu đá nội bộ giữa các tướng lĩnh trung thành với ông và những người đã xa lánh ông để gia nhập phe được xem như là đối lập với ông.

Kể từ đầu năm, ba vị tướng cấp cao được xem là tay chân bộ hạ của ông và là những người mà ông dựa vào để duy trì quyền lực trong bộ máy lãnh đạo quốc phòng đã bị sa thải. Đó là Tướng Hà Vệ Đông (何卫东), Phó Chủ tịch thứ hai của Quân ủy Trung ương; Tướng Miêu Hoa (苗华), Trưởng ban Kiểm tra Nhân sự và Tư tưởng Quân đội; và Tướng Lâm Hướng Dương (林向阳), Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, bao gồm Đài Loan. Cả ba đều đã biến mất khỏi sân khấu công cộng kể từ cuối tháng 2 mà không có lời giải thích.

Mặt khác, trong lĩnh vực công nghệ, một chương trình đầu tư do Nhà nước lãnh đạo và liên quan đến Tập Cận Bình không hoạt động như mong đợi. Kết quả của các chính sách được thực hiện, với vốn đầu tư hàng chục tỷ đô la để thúc đẩy phát triển các công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, xe điện và công nghệ xanh, lại gây thất vọng.

Vào giữa năm 2024, đích thân Chủ tịch Trung Quốc đã bật đèn xanh cho việc thành lập “Quỹ Lớn 3” để đầu tư 45 tỷ đô la vào việc phát triển các công nghệ được lựa chọn, đặc biệt là lĩnh vực vi xử lý. Quỹ này là sự tiếp nối của hai quỹ trước đó, được thành lập lần lượt vào năm 2014 và 2019. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã tìm cách ca ngợi “sự đổi mới của chính sách công nghiệp Trung Quốc”. Nhưng kết quả thì vẫn chưa rõ ràng.

Tháng 5 năm ngoái, Triệu Vệ Quốc (赵伟国), cựu chủ tịch tỷ phú của công ty bán dẫn Thanh Hoa Unigroup, đã bị tuyên án tử hình treo vì tội hối lộ và tham ô. Ông chỉ là nhà lãnh đạo sau cùng của nền công nghiệp Trung Quốc vốn đã nhận được trợ cấp khổng lồ trong thập kỷ qua bị kết án tham nhũng.

Các đối thủ của Tập Cận Bình muốn quay lại chính sách của Đặng Tiểu Bình

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, vẫn là một trong những cái gai chính đối với sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Minh chứng cho sự phụ thuộc này là đầu năm 2025, Trung Quốc đã công bố nhập khẩu hơn 20 tỷ đô la vi xử lý và chất bán dẫn do Phương Tây sản xuất để ứng phó trước với những hạn chế sau này do chính quyền Trump áp đặt.

Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc cũng đang trong tình trạng hỗn loạn, với các nhà sản xuất lớn tham gia vào một cuộc chiến giá cả tàn khốc mà chính quyền dường như bất lực trong việc ngăn chặn. Theo các nguồn tin trong giới công nghiệp Trung Quốc, hơn 400 công ty xe điện đã đóng cửa kể từ năm 2018, tạo ra thêm tình trạng thất nghiệp trong một nền kinh tế vốn đã lảo đảo.

Do đó, theo nhà Trung Quốc học này, “các lãnh đạo chủ chốt của Đảng hiện nay muốn chuyển chính sách sang hướng ‘hữu khuynh’.” “Nói cách khác, họ đang gây áp lực để [Trung Quốc] áp dụng lại chính sách cải cách và mở cửa mà Đặng Tiểu Bình chủ trương”, ông viết trong một bài báo đăng trên một phương tiện truyền thông Mỹ ngày 21 tháng 6.

Theo ông, cuộc tấn công trực diện này nhằm vào các lập trường được các đồng minh của Tập Cận Bình bảo vệ, chủ yếu do Đoàn Thanh niên Cộng sản tiến hành, vốn trước đây do cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Lý Khắc Cường lãnh đạo, người đã chính thức qua đời vì một cơn đau tim trong một tình huống kỳ lạ.

Trong số tất cả những sự kiện trên, “có lẽ có một trong những lý do giải thích sự suy yếu của Tập Cận Bình trong thời gian gần đây”, Willy Lâm Hòa Lập khẳng định thêm, đồng thời, để minh chứng cho lập luận này, lưu ý rằng vào ngày 10 tháng 6, đúng vào lúc các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở đỉnh điểm tại London, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài viết trên trang nhất ca ngợi Nhậm Chính Phi (任正非), nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của tập đoàn điện tử khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Những lợi ích của khu vực tư nhân và của sự cởi mở của Trung Quốc

Trong bài viết này, với tựa đề “Đất nước càng cởi mở, chúng ta càng có thể tiến bộ” (国家越开放,会促使我们更加进步), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cao doanh nhân nổi tiếng nhất đất nước mà không nhắc đến Tập Cận Bình hay “Tư tưởng Tập Cận Bình”, một sự kiện cũng rất bất thường. Lần cuối cùng mà một nhân vật thuộc khu vực tư nhân xuất hiện trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo là Jack Ma, cựu CEO của Tập đoàn Alibaba, vào tháng 8 năm 2015.

Cuối cùng, một diễn biến bất thường khác củng cố quan điểm cho rằng Tập Cận Bình, dù muốn hay không, đang thực hiện một bước lùi trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 21. Tại một “buổi tiệc gia đình” được tổ chức nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko vào ngày 4 tháng 6, bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc bất ngờ có sự hiện diện của phu nhân Bành Lệ Viện, một ca sĩ nổi tiếng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và con gái ông, Tập Minh Trạch, tốt nghiệp Đại học Harvard tại Hoa Kỳ.

Truyền thông Trung Quốc vẫn im lặng về sự kiện bất thường gần như chưa từng có này, trái ngược với truyền thông Belarus, vốn đã trích dẫn lời Phó Thủ tướng Nikolai Snopkov. Điều kỳ lạ là những thông tin từ Belarus này đã bị dẹp bỏ. Điều thú vị là chưa từng có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào, kể cả Mao Trạch Đông, tập họp gia đình mình nhân các cuộc họp ngoại giao quy mô như vậy.

Sự kết thúc của phong cách đơn độc nắm giữ quyền lực của Tập Cận Bình

Tất cả những điều này đã được Tân Hoa Xã xác nhận trên thực tế khi, trong một bản tin nhanh ngày 30 tháng 6, hãng thông tấn này đã đưa tin về quyết định tập thể của ban lãnh đạo Đảng nhằm quay trở về lại nguyên tắc “lãnh đạo tập thể”. Tân Hoa Xã giải thích: “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 30 tháng 6 để nghiên cứu một số quy tắc liên quan đến công việc của các cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương chịu trách nhiệm ra quyết định, thảo luận và phối hợp. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trì cuộc họp này”.

Cũng trong bản tin nhanh này, chắc chắn sẽ đi vào lịch sử Trung Quốc như một bước ngoặt trong chính sách nước này, có ghi nhận rằng hiện nay phải cải thiện chất lượng và hiệu quả của việc ra quyết định. Trong khuôn khổ này, các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng “trong khi thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp của mình, phải tránh can thiệp vào trách nhiệm của người khác hoặc vượt quá giới hạn trách nhiệm của chính mình.

Theo một số nguồn tin xin được ẩn danh của Asialyst, vị thế lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể sớm được giao cho Tướng Trương Hựu Hiệp (张又侠), Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương, mà Chủ tịch hiện tại không ai khác chính là Tập Cận Bình. Tuy nhiên, cũng theo những nguồn tin này, ngay cả khi Tướng Trương Hựu Hiệp nắm quyền, có lẽ ông cũng sẽ không bao giờ là người duy nhất nắm quyền, bởi ông sẽ cùng với các cựu quan chức khác của Đảng và lãnh đạo quân đội đưa ra những quyết định chiến lược ảnh hưởng đến tương lai của Trung Quốc, trái ngược với việc Tập Cận Bình đơn độc nắm quyền, điều hiện đang bị chỉ trích.

Không phải ai cũng đồng tình với giả thuyết về một cuộc chống đối trong nội bộ đảng chống lại tổng bí thư của đảng. Tờ China Wind có trụ sở tại Bắc Kinh, xuất bản một bản tin phân tích hàng tuần, kể từ năm 1996, nổi tiếng về độ tin cậy, chỉ ra rằng như vậy đây không phải là lần đầu tiên Tập Cận Bình “biến mất khỏi đời sống công cộng như thế này […] Gần đây nhất là vào tháng 8 năm 2024, nhà lãnh đạo này đã không xuất hiện trong 18 ngày”, tờ báo này chỉ ra.

“Khi xem xét kỹ hơn, thời khóa biểu của Tập Cận Bình trong thời gian được cho là ‘biến mất’ vào tháng 5 không có gì đặc biệt bất thường. Ông được cho là đã nói chuyện qua điện thoại với một số nguyên thủ quốc gia (Emmanuel Macron vào ngày 21 tháng 5, [Thủ tướng Đức] Friedrich Merz vào ngày 23 tháng 5), trước khi chào đón tổng thống Belarus đến Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6, và sau đó bay đến Kazakhstan vào ngày 16 tháng 6”, tờ China Wind cho biết thêm.

Tổ chức này còn cho rằng “Về việc nhắc đến Tập Cận Bình trong các bài phát biểu chính thức có vẻ đã giảm đi, một số nhà phân tích giải thích rằng điều này có thể đơn giản liên quan đến sự điều chỉnh ngôn từ trong chính sách tuyên truyền của Đảng kể từ Đại hội 20. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, sự chuyển hướng này có thể phản ánh mong muốn cho công chúng thấy một nhà lãnh đạo quan tâm hơn đến việc đưa ra các giải pháp cụ thể cho các vấn đề hiện tại, thay vì tiếp tục duy trì sự sùng bái cá nhân lặp đi lặp lại và nhàm chán đối với vị lãnh đạo tối cao của mình”.

Tập Cận Bình đang đánh mất đi vị thế lãnh đạo tối cao

Nhiều nhà phân tích vẫn giữ một thái độ thận trọng nhất đinh về những căng thẳng lặp đi lặp lại đang tái diễn trong chế độ Trung Quốc. Liên quan đến diễn biến mới nhất này, họ khó có thể giải thích tại sao Tập Cận Bình lại quyết định cho con gái mình tham dự “buổi tiệc gia đình” này. Đối với các nhà phân tích này, trong chính trị, theo truyền thống Trung Quốc là không bao giờ xuất hiện trước công chúng cùng con cái, thì trong trường hợp này có thể được giải thích là dấu hiệu cho thấy một người cha từng là độc đoán đang chuẩn bị cho việc ít nhất nghỉ hưu phần nào.

Cho dù gì đi nữa, Willy Lâm Hòa Lập, một nhà báo, nhà khoa học chính trị người Hồng Kông và là thành viên của Quỹ Jamestown, khẳng định rằng vị trí của người nắm giữ mọi quyền lực khi đồng thời là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, dường như đã mất đi ảnh hưởng trong các cơ quan ra quyết định chính của đất nước, đẩy Trung Quốc vào một giai đoạn bất ổn.

Sự bất ổn này lại càng trầm trọng hơn khi hiện tại vẫn chưa có người kế nhiệm Tập Cận Bình. Những ứng cử viên tiềm năng, dường như được các cựu lãnh đạo Đảng, cũng như các nhà lãnh đạo quân sự và “thế hệ đỏ thứ hai” (红二代) ủng hộ, hoặc bị coi là thiếu tầm vóc cần thiết hoặc không quan tâm đến vị trí này.

Nếu sự bất ổn này tiếp tục, nó chắc chắn sẽ cản trở, nếu không muốn nói là làm tê liệt, chương trình trẻ hóa đất nước, mục tiêu chính trị hàng đầu của Tập Cận Bình. Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực mà nó có thể gây ra đối với đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu những người ủng hộ chính sách cởi mở của Trung Quốc giành được ưu thế, sẽ có hy vọng lớn rằng Trung Quốc sẽ lấy lại sức mạnh kinh tế và xã hội, và trên hết là lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Về tác giả:

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Cựu tổng biên tập của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng mười lăm tác phẩm tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của Châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên này tại Bắc Kinh đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis/Vấn đề lãnh đạo toàn cầu, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB Éditions de l’Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif/ Tây Tạng chết hay sống”, do Gallimard xuất bản. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur/Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại”, xuất bản năm 2021 (l’Aube), ông chủ biên tác phẩm tập thể “Le Dossier chinois/Hồ sơ Trung Hoa” (Cherche Midi) vào cuối năm 2022. Đầu năm 2023, ông xuất bản cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste/Khổng Tử ngày nay, di sản phổ quát” (l’Aube) rồi năm 2024 “Chine, l’empire des illusions/Trung Quốc, đế chế ảo tưởng” (Saint-Simon) và “Japon, l’envol vers la modernité/Nhật Bản, sự bay lên thời hiện đại” (l’Aube). Sắp xuất bản vào tháng 9: Taiwwan, survivre libres/Đài Loan, Tiếp tục sống tự do (NXB Nevicata, Bộ Sưu tập L’âme des peuples).

Người dịch: Phạm Như Hồ

Nguồn:Xi Jinping en difficulté, contrain de partager le pouvoir”, Asialyst, 10.7.2025.

Print Friendly and PDF