22.5.15

Ba hình thức kháng cự thống kê: Say, Cournot, Walras



Jean Baptiste Say (1767−1832)

Ba hình thức kháng cự thống kê: Say, Cournot, Walras

Nhân dịp tôn vinh công việc mà Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) đã làm từ ba mươi năm nay, chúng tôi muốn suy nghĩ về một hiện tượng đáng kinh ngạc và đầy nghịch lí. Một công cụ toán học mới được rèn dũa vào cuối thế kỉ XVIII, đặc biệt cho những khoa học xã hội đang trong quá trình hình thành -kể cả cái "khoa học về hạnh phúc" lúc bấy giờ là khoa kinh tế chính trị- bị ba nhà kinh tế Pháp nổi tiếng nhất của thế kỉ XIX: Say, Cournot và Walras công khai phản bác hay buộc nó phải chịu phụ thuộc vào những cách tiếp cận khác. Thay vì chiếm lĩnh lấy phương pháp độc đáo và đặc thù này, lúc đó được gọi là khoa học thống kê, các tác giả này lại thích vay mượn những phương tiện điều tra được thiết kế trong những lĩnh vực khác và cho những đối tượng khác.    
Tra hỏi cụ thể những hình thức của sự chống đối lại việc sử dụng những thống kê trong kinh tế học, là soi sáng một điểm lịch sử: đâu là những luận cứ được viện ra? Những biểu trưng nào về nền kinh tế và của tính khoa học đã sinh ra sự từ chối hay ngại ngừng này? Và theo những phương thức nào những trở ngại sẽ được tháo gỡ? Nhưng làm như thế cũng là quan tâm đến những gì, trong những phân tích này, tiếp tục tra hỏi chúng ta: đâu là những vấn đề xác đáng mà việc phê phán những thống kê kinh tế của J. B. Say hay việc Cournot và Walras gạt bỏ rõ ràng môn này ra ngoài lề? Như thế những khó khăn được nêu lên không phải là tầm thường: chúng liên quan đến việc phân cắt hiện thực xã hội, nghĩa là liên quan đến chính ngay vị thế của đối tượng kinh tế và phương pháp mà đối tượng này đòi hỏi. 

I. Thống kê và quan liêu

Say nổi tiếng nhờ định luật tiêu trường[1] chứ không phải nhờ những nhận xét của ông về việc toán học hóa kinh tế học. Thế mà ông cũng đã không né tránh vấn đề này, ít ra là trong cách phát biểu ngây thơ của vấn đề. Bạn của những nhà hệ tư tưởng (Idéologues)[2], ông không thể coi nhẹ những hi vọng lí thuyết do toán học xã hội của Condorcet khơi lên; là một nhà quan sát chăm chú những hình thái nhà nước mới, sinh ra từ cuộc Cách mạng và Đế chế, ông buộc phải tính đến hệ quả này của một nền hành chính tập trung: sự sinh sôi nẩy nở của thông tin thống kê. Do đó ông đã phát  biểu rõ ràng về vấn đề này và vào một thời kì rất tập trung, từ 1826 đến 1828[3]. Đây không phải là một điều ngẫu nhiên: những quan điểm của ông xuất hiện vào lúc mà vấn đề phương pháp có một độ nhạy cảm mới trong kinh tế học[4]. 
Đối với Say thống kê trước hết là một khoa học mô tả -vả lại nên nói đến một kĩ thuật hơn vì nó không thể sản sinh ra tri thức- đối lập với cái khoa học thực nghiệm là khoa kinh tế chính trị. Khoa học này giống với vật lí học hay hóa học: nó nhắm vào việc nêu bật những qui luật tổng quát và thường xuyên, giải thích sự nối kết của những hiện tượng kinh tế và xác định những quan hệ nhân quả[5]. Phải xếp thống kê vào phía thực vật học hay vạn vật học: nó định danhsắp xếp những những hiện tượng xảy ra tại một thời điểm hay một địa điểm nào đó[6]; nó nghiên cứu những tương quan giữa các hiện tượng này theo những phương thức riêng của "số học chính trị", được hiểu một cách rất là thực nghiệm[7]. 
Ta có thể quy trách nhiệm của cách nhìn khá quy giản này cho trạng thái phát  triển của lí thuyết thống kê vào nửa đầu thế kỉ XIX hơn là cho sự "kháng cự" thật sự về mặt học thuyết. Xem xét chăm chú hơn buộc ta phải bác bỏ cách lí giải này. Ngoài việc là thống kê vào thời đó không còn thô thiển đến như thế, vị thế của một khoa học thực nghiệm của bộ môn này bị từ chối trong lúc vị thế này được thừa nhận cho kinh tế học dù cho không loại trừ sự giống nhau về mặt phương pháp của hai bộ môn này. Trong cả hai bộ môn, việc điều tra dựa trên sự quan sát những sự kiện đặc biệt; và kinh nghiệm trong cả hai trường hợp phải được hiểu như sự kiểm tra tính không đổi của các kết quả từ đó ta được phép ngoại suy ra một qui luật. Nhưng trong những điều kiện đó, những lí do nào biện minh cho sự khác biệt về vị thế của những hiểu biết này và sự lệ thuộc của bộ môn này vào bộ môn kia? Vì sao thống kê chỉ đảm bảo một hiểu biết những hiện tượng, mà nếu không biết được những quan hệ nối liền chúng thì chỉ là một "hiểu biết không được tiêu hóa của một nhân viên văn phòng"[8]? Vì sao thống kê không với tới được những quan hệ này, tức là vươn tới một tri thức lí thuyết?
Ở đây có những lí do nội tại, riêng cho bộ môn này -ít ra như được Say hình dung. Mang tính mô tả thì nhiều lắm thống kê chỉ giúp xác định một loạt những trạng thái đồng thời, nhưng phân tán trong không gian, hay xảy ra liên tiếp. Thu thập có trật tự các hiện tượng, thống kê có thể cung cấp những ví dụ khả dĩ soi sáng một số quy luật. Khá hơn nữa, nó mở ra khả năng so sánh một cách có hệ thống những hiện tượng làm chỗ dựa cho những quy luật này, nắm bắt những tác động lẫn nhau và xác nhận một số nguyên lí[9]. Cùng lắm thì một thống kê đầy đủ và được kiểm soát có thể gần như thay thế cho thí nghiệm khoa học, quá tốn kém và nhất là quá nguy hiểm "trong phòng thí nghiệm lớn của xã hội"[10]. Nhưng những tính chất và đóng góp ấy vấp phải những chướng ngại không thể vượt qua được. 
Những rào cản này nằm trước hết ở chính ngay những phương thức thiết kế dữ liệu, những phương thức này giới hạn đáng kể tính chính xác của dữ liệu. Bị giam hãm trong những thời điểm và không gian được giới hạn rõ, thống kê là đơn giản hóa, luôn nằm thụt lùi so với tính phức tạp của đối tượng được nhắm tới. Những sự kiện được ghi nhận tất yếu là cục bộ, tản mạn. Làm thế nào đếm đầy đủ cùng lúc dân số trên toàn lãnh  thổ[11]? Làm thế nào so sánh những kết quả biến đổi tuỳ theo địa điểm và thời kì[12]? Làm thế nào lựa chọn những biến có ý nghĩa để liệt kê, những "tài liệu chủ yếu" cần khai thác[13]?
Thế mà những vấn đề trên, liên quan đến tính chính xác và ích lợi của những dữ liệu lại đi cùng với một nguy cơ: nguy cơ những ảo giác và sai lầm do những lí do kĩ thuật hay do quyết tâm muốn lừa dối. Làm thế nào tránh việc ghi nhận hai lần? Làm thế nào thoát khỏi tính luẩn quẩn của chứng cứ -ước lượng thức ăn gia súc bằng số đầu súc vật, và đàn gia súc bằng số lượng thức ăn gia súc[14]? Làm thế nào chọn người quan sát tốt, công bằng và sáng suốt, và xác định những điều kiện thuận lợi cho việc quan sát? Làm thế nào vượt qua sự nghi ngờ của nhà cầm quyền và của cá nhân hay tính tự cao tự đại của các dân tộc, khuyến khích việc làm sai lệch thông tin và ngay cả từ chối thông tin? Và làm thế nào phát hiện sự ngại khó hay không chuyên tâm của những người đi điều tra? 
Như ta thấy, những vấn đề trên có thể có một cách phát biểu hiện đại hơn và không phải đã được hoàn toàn giải quyết, và thật ra còn lâu mới giải quyết được[15]. Nhưng còn hơn thế nữa: giải pháp cho những khó khăn này -và Say không chút nghi ngờ rằng "thống kê sẽ trở nên chắc chắn hơn khi các dân tộc trở nên văn minh hơn" và lòng tự tôn dân tộc sẽ kích thích việc nhân bội những số liệu[16]- sẽ không tháo gỡ chướng ngại cơ bản có tính lí thuyết. 
Cho dù chúng là hoàn toàn chính xác, các thống kê theo Say cũng sẽ chỉ cung cấp một hình ảnh tĩnh của hiện thực xã hội và kinh tế. "Cho dù ta có được chúng, những dữ liệu chỉ đúng có một lúc thôi"[17]. Có sự lệ thuộc đương nhiên của thống kê vào kinh tế vì chỉ bộ môn sau mới làm rõ được những quy luật chung và bất biến, cho được một ý nghĩa cho những hình ảnh được thống kê cung cấp bằng cách nối khớp những hình ảnh này với nhau: phải có thể gắn thông tin vào việc giải thích thông tin[18]. Nhưng cũng còn có thiếu sót thực tế: những dữ liệu của quá khứ là không được biết rõ và không chắc chắn, và "thống kê của ngày mai, của năm tới hiện nay chưa có"[19]. Hơn nữa lập luận này được đẩy tới cực điểm: Say phủ nhận khả năng có được một luận trình về thống kê, vì luận trình này "không thể nào gồm một quyển sách một mà phải là một loạt quyển sách" cần phải luôn cập nhật - điều này đòi hỏi phải có những ghi chép ngắn, rõ ràng, tập trung vào những việc chủ yếu[20].
Ở đây có sự nối khớp giữa biểu trưng thực nghiệm của Say về thống kê và những định kiến tự do chủ nghĩa của ông. Số lượng thông tin phải súc tích vì ích lợi giới hạn của nó cho nhận thức và vì có xu hướng sinh sôi nảy nở không gì cưỡng được, theo khuôn mẫu của bộ máy quan liêu Nhà nước. Do hai hiện tượng này đồng thời bổ sung cho nhau[21]. Đúng hơn chúng củng cố lẫn nhau, việc tích luỹ dữ liệu biện minh cho việc mở rộng biên chế công chức, ấn phẩm, v.v. gây tốn kém cho người đóng thuế và phục vụ cho sự chi phối ngày càng tăng của Nhà nước. Say viết: "Khi tôi thấy là không có giao dịch đáng ghét nào mà lại không được sự hỗ trợ và xác định của những tính toán số học, tôi có xu hướng tin là chính các số liệu sẽ giết chết các Nhà nước"[22].  
Giới hạn ở điều chợt thoáng qua và gắn liền một cách nguy hiểm với quyền lực của Nhà nước, thống kê theo định nghĩa là không bao giờ hoàn thành. Ngược lại, do có khả năng nắm bắt toàn bộ những hiện tượng mà nó nhắm vào, nên kinh tế chính trị học có thể trở thành một khoa học hoàn chỉnh. Niềm tin này của Say, được sơ lược hóa ở đây, không phải là một điều ngẫu nhiên: nó thể hiện sự chống đối sâu sắc đối với mọi mưu toan toán học hóa kinh tế học, và đặc biệt là đối với những dự án của Condorcet hay, ở một mức độ nhẹ hơn, của Destutt de Tracy. Người ta đã "lạc lối trong kinh tế học mỗi khi muốn dựa vào những phép tính toán học"[23] vì lí do đơn giản là đối tượng của bộ môn này liên quan đến những khả năng, những nhu cầu và quyết tâm của con người, và người ta không thể tìm thấy ở đấy "những dữ liệu đủ chính xác để dùng chúng làm cơ sở cho một con tính"[24]. Như thế Say liệt một phương tiện điều tra mới vào hàng một công cụ bổ sung nhất thời, phụ thuộc vào một hệ tư tưởng xem toán học như là thuần tuý định lượng và có tính thể hiện[25]; và ông đối lập công cụ này với tính không thể nắm bắt của những nhu cầu tâm lí mà một truyền thống bắt nguồn từ Bentham sẽ biến thành phép tính[26].    
Việc Say giam hãm thống kê ở một vị thế thực nghiệm không chỉ được giải thích bởi việc không hiểu biết hay bất tài của tác giả về lĩnh vực này. Chủ yếu điều này là do một biểu trưng về những quá trình kinh tế, và những phương tiện để nắm bắt các quá trình này, một biểu trưng tìm nguồn cảm hứng ở phía sinh lí học và y học theo nghĩa của Cabanis hơn là trong một cơ học những hành vi kinh tế quy chiếu về vật lí học hậu Newton[27]. Đối với Say, đối tượng của kinh tế chính trị học là "cái sinh vật sống động và phức tạp", tức là xã hội, mà chỉ có một sinh lí học xã hội mới trình bày được[28]. Khoa học của cơ thể xã hội, kinh tế học phải nghiên cứu những khí quản, phân tích những nhu cầu của các cơ quan này, và xem xét những phương tiện để thoả mãn chúng.
Hệ thống những tương tự, kết quả của việc sáp lại gần nhau này giữa hai bộ môn có một vai trò quyết định. Hệ thống này cản trở mọi nỗ lực toán học hóa và tất yếu quy thống kê về việc thu thập thông tin. Thống kê không thể nói được gì thiết yếu cả về những cơ quan và thực phẩm của cơ thể xã hội[29]. Như thế ta cũng thấy được tính cố kết của hệ thống. Một biểu trưng hữu cơ về nền kinh tế cho phép suy ra ý tưởng về giá trị-lợi ích, nghĩa là việc thoả mãn các nhu cầu, và những luận điểm chống nhà nước, vì một y học lành mạnh trước hết phải tin tưởng vào sinh lực của xã hội và giảm tối đa những sự can thiệp. Kinh tế học chính trị của Say nằm trong luồng của Cabanis, chứ không nằm trong hướng toán học hóa xã hội được Condorcet phác thảo.

II. Con số và lịch sử

Antoine-Augustin Cournot (1801-1877)
Đối với Cournot sự việc là hoàn toàn khác. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến những quan niệm của Say, và những giả định trước của những quan niệm này, do ảnh hưởng quyết định của chúng trên điều được Schumpeter gọi là trường phái Pháp: trào lưu tự do tự thấy mình trong tác phẩm Traité trong suốt cả thế kỉ XIX và cả sau đó nữa trong một thời gian dài đã ngăn cản việc sử dụng toán học -kể cả thống kê khi thống kê có tham vọng kiến giải lí thuyết. Thế mà sự đối lập này sẽ tạo ra hai nạn nhân nổi tiếng: Cournot và Walras. 
Điều nghịch lí là tác giả của Recherches[30], một tác phẩm bị những nhà tự do cực đoan bỏ quên rồi tiếp đó là phê phán, hình như chia sẻ nhiều mối dè dặt của Say đối với thống kê. Nhưng bối cảnh lịch sử trong đó sự đề kháng này thể hiện là hoàn toàn khác nhau.    
Khác biệt cơ bản là ở chỗ Cournot đánh giá phương tiện điều tra này như một nhà thực tiễn -ông đã viết một tác phẩm quan trọng về chủ đề này[31]- và như một nhà kinh tế cho rằng toán học hóa là một hướng phong phú. Tính khoa học của thống kê không bị đặt thành vấn đề. Nếu nó luôn được xem là có tính xấp xỉ, vả lại đây là điều đặc trưng cho mọi ứng dụng của toán học vào việc nghiên cứu những hiện tượng thực tế, và nếu độ xấp xỉ càng ít thoả đáng khi những vấn đề nhắm đến càng phức tạp thì không vì thế mà ta có thể nghi ngờ lợi ích của thống kê để "thâm nhập sâu nhất có thể vào việc hiểu biết chính bản thân sự vật"[32]. Tất nhiên là một khoa học quan sát, nhưng không vì thế mà thống kê không có một vị thế lí thuyết, giống như cương vị của phép tính xác suất mà thống kê có quan hệ.    
Thật vậy tính tất yếu toán học của hai nhánh tri thức này là kết quả của tính độc lập của những chuỗi nhân quả trong vũ trụ hiện thực: ở đấy nằm sẵn cơ sở khách quan của ngẫu nhiên và tại đấy sinh ra cái không dự đoán được -hay chính xác hơn là những biến cố sinh ra từ sự gặp nhau ngẫu nhiên của những chuỗi này và ở cương vị đó thoát ra ngoài những giải thích của những qui luật bất biến[33]. Thống kê, cũng như xác suất, được dùng để né tránh chướng ngại này.
Thật vậy hai bộ môn này, cho phép biết được, và không chỉ mô tả như Say lầm tưởng, "thể theo nguyên lí bù trừ luôn cuối cùng thể hiện ảnh hưởng của những nguyên nhân đều đặn và thường xuyên". Việc nhân bội những quan sát thuần nhất cho phép tháo gỡ, vượt lên trên những không đều đặn của ngẫu nhiên, những tương quan nhân quả giải thích được những quan sát này. Được áp dụng vào trường của những hiện tượng kinh tế và xã hội, quan niệm này dựa trên hai giả thiết cơ bản: quan niệm giả định "sự kết tụ của con người thành những xã hội chính trị" sao cho trên số đông những cơ chế bù trừ có xu hướng triệt tiêu những khác biệt; và quan niệm này giả định tính lặp lại của những biến cố và những hành vi chính và khả năng phân biệt được chúng[34].
Mục đích nhắm đến, việc tìm ra những quy luật xã hội, viện đến những phương thức riêng của thống kê. Việc xác định những giá trị trung bình và đưa chúng vào những phép tính phức tạp hơn phải phục vụ việc xây dựng một trạng thái giả tạo cho phép biết được, và dự kiến, trạng thái thực tế. Việc nghiên cứu những trung bình làm rõ những biên độ của một biến thiên, đặt cơ sở cho xác suất của một biến cố, gán khả năng toán học của những giá trị mà một số lượng quan sát được có thể có dưới tác động của những nguyên nhân ngẫu nhiên[35]. Quan sát thống kê còn có một chức năng khác: nó khoanh vùng một dữ kiện mặc dù dữ kiện này chịu những dao động của ngẫu nhiên, nêu bật những thay đổi sâu sắc chi phối dữ kiện và chỉ ra những nguyên nhân của những thay đổi này. Do đó thật sự ta có một khoa học, khoa học này "phải có lí thuyết, những quy tắc và nguyên lí của nó", chứ không chỉ đơn giản là một công cụ sưu tập những hiện tượng[36].
Tuy nhiên việc xây dựng những chuỗi thống kê vấp phải những khó khăn lớn. Đó là vì việc này không thể "được tiến hành theo những quy tắc trừu tượng, độc lập với tính chất của các vấn đề"[37]. Theo chúng tôi nhận xét này của Cournot là thiết yếu: nó cho ta thấy một biểu trưng khoa học luận trong đó phương pháp điều tra và đối tượng của nhận thức được cảm nhận là tương tác lẫn nhau; nó cũng giải thích nhận định nghiêm khắc của tác giả đối với việc áp dụng xác suất và thống kê vào việc nghiên cứu những hiện tượng xã hội[38].
Thật vậy những kết quả tồi thu được trước hết là do tính phức tạp của những dữ liệu quan sát: quá nhiều biến, khả năng tăng số biến gần như đến vô tận, sự tương tác của các biến khiến cho việc xây dựng những chuỗi thống kê là đặc biệt khó. Là một nhà xác suất, ở đây Cournot gặp lại vấn đề của Poisson: thế nào là một biến cố đáng chú ý? Làm thế nào định nghĩa một biến -và hơn thế nữa một tương quan- có ý nghĩa? Theo những nguyên lí nào tiến hành được những đơn giản hóa tương tự như những đơn giản hóa trong thiên văn học khi ta giả định những hình cầu thuần nhất? Làm sao vượt qua được tính đặc thù của những hiện tượng xã hội, khi ta không bao giờ lặp lại được cùng một thí nghiệm?[39] Sự bất lực trong việc giải quyết những vấn đề này đã kéo theo "sự phát triển bộc phát" của thông tin thống kê, làm mất uy tín phương pháp và "làm chậm trễ sự xuất hiện của một thời kì đáng mong muốn khi mà những dữ kiện của thực nghiệm được dùng làm cơ sở vững chắc cho tất cả những lí thuyết lấy những phần khác nhau của tổ chức xã hội làm đối tượng"[40]. Trước sự nảy nở của những dữ liệu, Say thấy trước hết sự sinh sôi quá nhanh của bộ máy quan liêu; tuy không phải là không nhạy cảm với lập luận này, Cournot trước hết chú ý đến những tác động tiêu cực của sự nảy nở này đến sự phát triển của nhận thức.
Thế mà tầm quan trọng của không gian và thời gian trong những hiện tượng xã hội, tức tầm quan trọng của lịch sử, chỉ làm đậm nét hơn những khó khăn này. Trong dài hạn, những nguyên nhân ngẫu nhiên nào sẽ tự triệt tiêu? và những nguyên nhân nào sẽ được tích luỹ? Làm thế nào nắm bắt những biến thiên trăm năm do những thay đổi sâu rộng của một trạng thái xã hội mà người quan sát lại là người trong cuộc? Và làm thế nào đo được tác động của những biến cố khó nắm bắt đến như thế? Cuối cùng làm thế nào so sánh những dữ liệu thu được tại những nơi và do đó trong những bối cảnh con người, những "môi trường" không thuần nhất đến thế[41]? Đối với Cournot bề dày của lịch sử là chướng ngại chính cho nỗ lực duy lí; một cách nghịch lí đấy cũng là điều kiện vì nó đảm bảo việc bình thường hóa dần dần các xã hội.
Ngoài những khó khăn trên còn có những khó khăn của những điều kiện và phương tiện quan sát. Những dao động và sự phụ thuộc lẫn nhau của những chuỗi nhân quả trong kinh tế xã hội, cũng như trong khí tượng học, đặt ra một cách gay gắt vấn đề số quan sát phải nên có. Nhưng làm thế nào xác định một cách tiên nghiệm con số này? Làm thế nào so sánh những trung bình được tính theo những lượng thông tin tất yếu là rất khác nhau và với một độ xấp xỉ khác nhau? Và nhất là làm sao kiểm tra những biến thiên của một số lượng được đo, khi thí nghiệm bị loại trừ? Làm sao thu hẹp khoảng cách giữa số lượng tính toán và số lượng quan sát? Làm thế nào khoanh vùng đâu là phần của nhà quan sát? Nên dựa trên những công cụ nào?[42].
Những vấn đề này không tước đi giá trị của thống kê, như Say lầm tưởng; tuy nhiên chúng nhấn mạnh đến lợi ích rất giới hạn của thống kê xã hội. Trong nghĩa này Cournot chia sẻ quan điểm của tác giả Traité: thống kê phải chịu sự lệ thuộc. Không phải là không thể có lựa chọn xác đáng những biến và tương quan; nhưng sự lựa chọn này tuỳ thuộc vào việc xây dựng một lí thuyết kinh tế chặt chẽ. Có thể giảm bớt tính không chắc chắn của các kết quả bằng cách chú ý hơn đến phương pháp luận để đảm bảo sự độc lập tối đa của các chuỗi và chỉ giữ lại những quan sát gần nhau trong không gian và thời gian; nhưng những đòi hỏi khe khắt của Cournot, theo đó "mức độ chính xác của kết quả cuối cùng thường phụ thuộc vào mức độ chính xác của phần tử ít chính xác nhất" buộc phải thừa nhận tầm quan trọng của những đánh giá của nhà quan sát trong thống kê xã hội[43]. Thế mà những quyết định phỏng chừng của nhà thống kê thuộc về một xác suất luận triết học hơn là một xác suất luận toán học: suy cho cùng, những quyết định này tuỳ thuộc vào biểu trưng về đối tượng được phân tích[44].
Như thế ta hiểu hơn việc Cournot từ chối mọi sự phổ quát hóa thống kê trong lĩnh vực những hiện tượng xã hội, và việc ông bác bỏ "con người trung bình" của Quetelet, một con người không thể có được[45]. Đối với tác giả những Recherches phép tính những trung bình không thể là một đích đến nhưng phải được dùng để làm nổi lên một biểu trưng đồ hoạ và để trình bày những công thức sau đấy phải kiến giải và phát triển[46]. Không thể tìm việc toán học hóa những khoa học về xã hội trong việc quy giản những khác biệt, mà ngược lại, phải tìm điều này trong việc thăm dò những trường hợp giới hạn được lí trí thanh lọc nhằm soi sáng những trạng thái thực tế.   
Thế mà Cournot tìm được cảm hứng theo chiều hướng này trong vật lí học của thời đại ông, được ông xem là một khoa học mẫu mực, từ trong đó ông rút ra những điểm tương đồng với một biểu trưng của nền kinh tế do Adam Smith tạc ra. Thống kê và xác suất được viện đến, nhưng trong chừng mực mà những nguyên lí của hai bộ môn này được dùng để phục hồi, dưới sự dứt đoạn bề ngoài của những hiện tượng xã hội, những đặc tính của định luật phổ quát về tính liên tục, được Cournot tin là nguyên nhân của sự thành công của giải tích toán học trong cơ học. Định luật số lớn, nguyên lí bù trừ, phép tính trung bình phải biện minh cho dạng và những đặc tính của đường cầu. Nhưng trong thực tế chính đường cầu mới là phát biểu tạo lập của mô hình kinh tế đầu tiên mà những đặc tính giải tích làm cho công việc thống kê có ý nghĩa và có định hướng bằng cách gán cho những biến phải xem xét. Và chính vì Cournot thừa nhận "tiên đề" tối đa hóa phần được của những tác nhân kinh tế mà ông xây dựng một mô hình tập trung vào việc nghiên cứu những biến thiên của giá cả ở lân cận một điểm, và ông tách biệt biến "số người cạnh tranh" qua đấy trình bày lí thuyết các cực trong cân bằng bộ phận[47]. 
Trong việc toán học hóa này, mà Say không thể tưởng tượng nổi, thống kê không có vai trò động cơ. Bằng cách phong cho Cournot làm nhà tiên phong của thống kê kinh tế, người ta đó không chú ý đến điều này: tác giả của Recherches chưa bao giờ sử dụng thống kê kinh tế[48]. Đấy không phải là do thiếu dữ liệu -vào thời ấy đã có số liệu kinh tế-, nhưng vì tham vọng của ông, nghĩa là cách nhìn của ông về biểu trưng của khoa học cần phải xây dựng và đối tượng của khoa học này, khiến ông tìm giải pháp về phía một kinh tế học duy lí, theo nghĩa của cơ học lí tưởng. Quy luật lợi nhuận được coi như công của máy móc: trong cả hai trường hợp vấn đề là tối đa hóa một hiệu suất[49]. Để làm được việc này đã có một công cụ: giải tích toán, được một thể chế -trường Bách Khoa- đảm bảo thắng lợi. Tại Pháp, việc xây dựng những mô hình kinh tế sẽ là công việc của các nhà kĩ sư. 

III. Logic của tác nhân kinh tế

Léon Walras (1834-1910)
Như vậy cho phép chúng tôi nhắc rất vắn tắt quan điểm của Léon Walras, một quan điểm hoàn toàn nằm trong cách nhìn này và không mấy quan tâm đến thống kê. Là một thí sinh thi vào trường Bách khoa rồi trường Mỏ, ông xuất phát từ -và thừa nhận- những giả định trước tương tự như những giả định của Cournot[50]. Thấm nhuần tư tưởng của Descartes, Newton, Lagrange và của những Recherches[51], ông tự đặt mục tiêu: xây dựng một kinh tế học thuần tuý xứng đáng với cơ học lí tưởng. Điểm so sánh này hoạt động như một thước đo lí thuyết thật sự: kinh tế học phải được nghiên cứu theo phương pháp và những nguyên lí của khoa học của sự rơi của các vật, cân bằng chung[52] giống với sự hấp dẫn của vạn vật, những số lượng tiềm tàng có thể trao đổi được với những vận tốc ảo, v.v.[53] Như thế lí thuyết những trao đổi phải dựa trên phương pháp toán học, tức là một phương pháp duy lí, hơn là dựa trên thực nghiệm[54]. Nói cách khác, kinh tế học có cương vị một khoa học khi nó nhắm đến những quy luật của thị trường và khi là một khoa học suy đoán: ngoài tiên đề chia cắt hiện thực xã hội, nguyên lí này có hệ quả tất yếu là sự phụ thuộc của thống kê.
Ta thấy được rõ ràng điều này trong phê phán đối với Cournot: theo Walras, tác giả này đã sai lầm khi chỉ quan tâm đến cân bằng bộ phận và biện minh cho điểm xuất phát của cân bằng này, tức đường cầu, bằng những nhận định thực nghiệm mà việc kiểm tra lại dựa trên thống kê. Ngược lại, Walras muốn xác định những phương trình của cân bằng chung, nghĩa là hệ thống của tất cả các giá trong cạnh tranh thuần tuý, từ những đường cầu được xây dựng một cách duy lí: những đường này phải được suy ra từ tỉ số giữa lợi ích của một sản phẩm và sự khan hiếm sản phẩm ấy[55]. Một cách chặt chẽ hơn, hệ thống phải dựa trên nguyên lí lợi ích cận biên, nghĩa là trên sự thoả mãn những nhu cầu cuối cùng dưới ràng buộc của khan hiếm. Ở đây phép tính tích phân, và nhất là hình học đại số, được Walras chuộng hơn, ngự trị chứ không phải là thống kê[56]. Điều nghịch lí là những môn đồ của Say trách Walras trên điểm này: nếu kinh tế học là khoa học của những nhu cầu, thì nó gần với những khoa học đạo đức hơn là với những khoa học chính xác và có lẽ có thể viện đến thống kê chứ không thể viện được phép tính[57].
Cuộc tranh luận và không hiểu nhau này trở nên sáng tỏ nếu ta làm rõ sự phân biệt làm ba của Walras giữa kinh tế học chính trị thuần tuý, một bộ môn nhằm xác định những giá lí tưởng trên một thị trường lí tưởng ở đó homo-oeconomicus ứng xử một cách duy lí[58] với kinh tế học chính trị ứng dụng, một bộ môn nhằm nắm bắt cụ thể giá những sản phẩm và dịch vụ góp phần vào sản xuất và viện dẫn đến hành vi của homo-oeconomicus, và với lí thuyết phân phối, một lí thuyết gần giống với những khoa học đạo đức và thuộc về homo ethicus (con người đạo đức)[59]. Nói cách khác, trường kinh tế hợp thành từ ba thành phần của tác nhân xã hội, trước hết và ở hàng đầu là người trao đổi, sau đó là người sản xuất và cuối cùng là cá thể liên quan đến sự phân phối của cải.
Với sự phân chia này, mà ta thấy là khá võ đoán, tương ứng một sự phụ thuộc đương nhiên của những bộ môn khác nhau, đồng thời cũng chỉ định một trình tự điều tra: đi đầu là lí thuyết thuần tuý, tiếp đến là kinh tế học ứng dụng và phải được phát triển sau[60]. Thế mà chính kinh tế học ứng dụng lại viện đến thống kê, đặc biệt là thống kê về giá cả và số lượng hàng hóa tương ứng[61]. Trong những điều kiện này khỏi cần phải nhấn mạnh đến chức năng hỗ trợ đặc trưng cho thống kê: tính duy lí của homo-oeconomicus không thuộc về một phép tính trung bình nhưng thuộc về một tâm lí học về hành vi[62]. Tuy nhiên không phải là điều thứ yếu khi ghi nhận nơi thể hiện mối quan tâm hạn chế đối với thống kê: trong những nghiên cứu kinh tế học ứng dụng, về những vấn đề tiền tệ. Chính xác hơn vai trò thiết yếu của thông tin thống kê là làm nổi bật nhịp độ những dao động của giá cả để có thể xây dựng một lí thuyết duy lí về tiền tệ. Đối lập với Cheysson, Walras bảo vệ tính xác đáng và giá trị của những thống kê kinh tế được hiểu theo cách trên: có thể xây dựng những chuỗi số chặt chẽ, lựa chọn những hàng hóa tiêu biểu để làm việc này là một điều chính đáng, cần thiết phải xác định tầm quan trọng kinh tế của những hàng hóa này bằng những hệ số tiêu dùng và phải tin tưởng vào những kĩ sư làm những phép tính này với một ý thức thật sự về lợi ích công cộng[63].
Nhưng ta chớ có ảo tưởng về sự bảo vệ và ca ngợi thống kê trên đây. Những thống kê này không phải là một bộ phận hợp thành lí thuyết thuần tuý; chúng không có chức năng điều tra, nhưng là chức năng kiểm tra đối với một số lĩnh vực giới hạn. Cũng như đối với Cournot, thống kê được dùng trước hết để gợi ý một biểu trưng bằng đồ thị trong đó tư tưởng khoa học tìm ra chất liệu cho mình. Như thế những chuyển động của giá cả có thể minh hoạ và xác thực một "lí thuyết về cường triều kinh tế", tức là những luồng tiến và những luồng thoái lui: chúng có một ý nghĩa trong việc tìm hiểu những chu kì kinh tế và những vấn đề tiền tệ[64]. Nhưng kinh tế thực tiễn không phải là lí thuyết thuần tuý, và homo-oeconomicus không thể lẫn lộn với homo-aleator (con người ngẫu nhiên) của xác suất. Đó là một tác nhân duy lí và ở cương vị này là một tác nhân tính toán. Logic của biểu trưng này xác định vị thế của mô hình. Và trong mô hình này việc ưu tiên dành cho phép tính tối đa hóa những phần được và tối thiểu hóa chi phí được biện minh.
*
*      *
Điểm chung của những chống đối và dè dặt của Say, Cournot và Walras đối với thống kê là để cho kiểu thiết kế duy lí, và do đó việc lựa chọn những công cụ điều tra, phụ thuộc vào việc xác định những giả thiết kinh tế cơ bản. Thống kê có được một vị thế và một ý nghĩa tuỳ theo những biến được lí thuyết kinh tế chọn như là những biến xác đáng. Thế mà đối với cả ba tác giả này, lí thuyết kinh tế dựa trên một biểu trưng chính xác: đó là biểu trưng của một nền kinh tế thị trường trong đó những quá trình trao đổi được quy định bởi hành vi các tác nhân có động cơ là mong muốn tối đa hóa phần được của họ. Trong cách nhìn này, lí thuyết hình thành giá cả là viên đá tảng và việc vận dụng đến thống kê vẫn là một điều thứ yếu.
Nếu quả có sự hội tụ của ba tác giả trên về vị thế của thống kê trong kinh tế chính trị học thì phải nhấn mạnh đến những lí do khác nhau của đánh giá này. Đối với J. B. Say, công cụ điều tra này không thể sản sinh ra tri thức trong nghĩa đen của từ này: đó là vì, ngoài hiểu biết hời hợt của Say về thống kê, ông bác bỏ khả năng là việc ước lượng những trung bình cũng như mọi hình thức tính toán khác có thể đưa đến tính phức tạp của sự vận động kinh tế được phân tích như một cơ thể sống. Ngược lại, đối với Cournot và Walras, niềm tin cho rằng có những điểm tương đồng giữa vật lí học xã hội và cơ học lí tưởng biện minh cho việc toán học hóa kinh tế học. Nhưng biểu trưng của hai tác giả này về kinh tế học, tập trung vào những cơ chế của trao đổi và hành vi duy lí của các tác nhân, được kết hợp với một ý tưởng nhất định về khoa học, nhìn thấy trong phép tính vi tích và hình học giải tích những công cụ mẫu mực của nghiên cứu, và điều này làm thiệt thòi cho thống kê.
Còn hơn thế nữa: có lẽ Say ít gây trở ngại cho việc sử dụng ngày càng tăng của thống kê bằng Cournot và Walras. Thật vậy những hình ảnh hữu cơ xuyên qua quyển Traité đều chú ý đến nhịp độ và tuổi tác của cơ thể xã hội: việc phân tích những chu kì kinh tế sẽ tìm thấy ở đây một chỗ dựa, và thống kê sẽ giành được một vị thế lí thuyết. Trong những tác phẩm của Cournot và Walras ý tưởng những cơ chế kinh tế, trong đó những trao đổi cạnh tranh giống với một hệ thống những lực ở thế cân bằng, được kết hợp với uy tín của một khoa học đã hình thành và với sức nặng của những định chế đảm bảo việc phổ biến khoa học này -những trường kĩ sư- để nâng giá trị của một kiểu toán học hóa trong đó tất yếu thống kê là thứ yếu, nếu không nói là bị loại trừ trong thực tế.  
Tính phức tạp của những hệ thống tương tự trong đó kinh tế học tự tư duy và cố gắng tạo cho mình một đối tượng và một phương pháp, đồng thời cũng tạo ra kết quả ngược đời sau. Việc đặt gần nhau kinh tế học chính trị và cơ học lí tưởng đẩy thống kê xuống hàng thứ nhì trong lúc trong vật lí học thống kê, với Boltzmann, đạt được vị thế của một bộ môn sản sinh ra tri thức. Và chính sau này tính mẫu mực của những nghiên cứu về các cân bằng thống kê sẽ kích thích các nhà kinh tế đi vay mượn của các nhà vật lí một phương pháp vốn dành cho họ và đã từng bị họ không cần biết đến hoặc coi nhẹ. Những việc chiếm lĩnh lại công cụ này thực ra đòi hỏi hun đúc lại kinh tế học: nó kéo theo việc phân cắt lại đối tượng và trọng tâm quan tâm của khoa học kinh tế.
Sự phát  triển của bộ máy Nhà nước, người tập trung dữ liệu, và vai trò tác nhân kinh tế ngày càng tăng của Nhà nước cũng như sự quan tâm mới đối với những chu kì mà các cuộc khủng hoảng liên tiếp đã nhấn mạnh tầm quan trọng, sẽ đưa đến việc trình bày những khái niệm chưa từng có. Với Keynes, và sự nổi lên của những mối quan tâm có tính cấu trúc vĩ mô mà những công trình của tác giả này là một minh chứng, thống kê đã dứt khoát đạt một vị thế tích cực và ở hàng đầu. Nhưng phụ thuộc vào một quan niệm và một chiến lược của Nhà nước, sự đổi mới này có hoàn toàn thoát khỏi những vấn đề từng được một Say hay một Cournot nêu lên chăng? Và thực chất của một tri thức trực tiếp gắn liền đến thế với việc mở rộng quyền lực là như thế nào? 

Thảo luận

Ông Lecuyer đặt câu hỏi về vị trí của các nhà hệ tư tưởng và nghi ngờ là họ -đặc biệt là Cabanis- lại có những quan điểm hữu cơ như ông Ménard nói. Ông cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Quetelet như một nhà xây dựng những chuỗi thống kê dài (trong thiên văn).
Ông Ménard cho rằng điều quan trọng cần ghi nhận là các nhà hệ tư tưởng tin vào toán học xã hội, cho dù họ chỉ sử dụng nó như một công cụ hỗ trợ và chỉ có một hiểu biết sơ đẳng về toán (Destutt de Tracy định nghĩa xác suất như là "logic của lí lẽ thường tình"). Thái độ này chủ yếu là vì những lí do chính trị: cuộc Cách mạng (Pháp- ND) đã sinh ra một thế giới mới mà toán học xã hội phải cho phép khám phá được những quy luật sâu kín, và từ đó đảm bảo những tiến bộ đều đặn. Nhưng dù sao đi nữa các nhà hệ tư tưởng không mấy vận dụng đến thống kê. Còn thống kê của Quetelet bị Cournot xem là không mấy có ích: chỉ những trường hợp giới hạn mới là lí thú, chứ không phải cái con người không thể có được là con người trung bình.
Ông Desrosières thấy có những âm hưởng hiện đại hiển nhiên trong mối lo ngại về vai trò của Nhà nước và nỗi nghi ngờ đối với sự nở rộ của các số liệu mà Cournot là một nhân chứng. Mặt khác ông muốn biết là ý tưởng về bước chuyển từ cấu trúc vi mô sang cấu trúc vĩ mô dựa trên sự tồn tại của những đều đặn (quy luật ND) thống kê đã có trước thế kỉ XIX chưa. Và trên phương diện này, quan điểm của Marx như thế nào đối với thống kê?
Trong phần trả lời ông Ménard nhấn mạnh rằng chính Cournot là người đã đặt mạnh mẽ nhất vấn đề bước chuyển vi mô-vĩ mô, đặc biệt là khi ông cũng tìm cách mở rộng những nhận định về cân bằng bộ phận ra những vấn đề như những dao động của thu nhập quốc gia hay của ngoại thương. Nhưng ông đã không biết đi xa hơn những nhận định có tính kế toán và mưu toan của ông trong chiều hướng này phải coi như là một thất bại. Có lẽ thất bại này giải thích xu hướng, trong phần cuối đời ông, tách rời công cụ phân tích có ích cho lí thuyết kinh tế vĩ mô thuần tuý và công cụ thống kê, có ích cho việc nghiên cứu cấu trúc vĩ mô (thống kê nhắm vào "hiện thực thay đổi của những tập hợp lớn"). Phải chờ đến giữa hai cuộc thế chiến, với tầm quan trọng mới của vai trò của Nhà nước và việc xây dựng những chính sách kinh tế thật sự thì vị thế của phân tích kinh tế vĩ mô mới thật sự hình thành. Về Marx và thống kê, ông Ménard chỉ muốn nêu hai nhận xét thể hiện cảm tưởng của ông hiện nay, một cảm tưởng có thể không đứng vững được trước một phân tích sát sao hơn. Ông không nghĩ là Marx chia sẻ nỗi mê say đối với thống kê như ông Desrosières đã gợi ý (nếu Marx sử dụng những thống kê có được vào thời của ông, ví dụ như những thống kê của Tooke, thì Marx cảnh giác với những thông tin phụ thuộc vào Nhà nước đến thế (trong một bài đóng góp khác, ông Hoock đã trích dẫn Marx nói về thống kê Phổ như "một mớ hồ lốn"). Mặt khác nếu quả thật là Marx của những năm 1870-1880 đã nghĩ đến việc viết một tác phẩm về toán học gắn với những công trình của mình, thì cũng giống như Walras và Jevons, ông nghĩ đến phép tính vi phân và tích phân hơn. Vấn đề Marx gán chức năng nào cho thống kê vẫn còn là một vấn đề bỏ ngỏ.  
Ông Milleron tự hỏi không biết là việc phân tích những vấn đề kinh tế bằng những khái niệm tổng quát có đưa một cách tự nhiên thống kê đến một vai trò thứ yếu không.
Bà Perrot hỏi không biết là sự chống đối thống kê có đáng được nghiên cứu theo từng nhóm xã hội một không, ví dụ sự kháng cự của các bác sĩ hay của các kĩ sư, hơn là theo từng tác giả một. Mặt khác bà muốn biết rõ hơn về vai trò mà những suy nghĩ của Cournot về máy móc có thể có trên tư tưởng của ông ấy.
Ông Ménard trả lời là có thể nghiên cứu thái độ của những nhóm khác nhau đối với thống kê bằng cách lọc những tạp chí chuyên môn xuất bản vào thời đó (ví dụ, tờ Journal des économistes). Theo ông dường như do những quan hiệm hữu cơ về xã hội, nhóm những nhà kinh tế tự do và tự do cực đoan không muốn nghe nói đến toán học trong kinh tế (họ cô lập Walras); họ ít dè dặt hơn đối với thống kê dù vẫn phát biểu một số dè dặt giống như Say: nguy cơ lan rộng của bộ máy Nhà nước, và sự cần thiết phải có một lí thuyết trước để sử dụng các kết quả thống kê. Đối với nhóm các nhà kĩ sư, và đặc biệt là những kĩ sư xuất thân từ trường Bách khoa nghiên cứu khoa học xã hội theo hướng của Auguste Comte, thì công cụ được ưu tiên là giải tích chứ không phải là thống kê, ít ra là cho đến 1880. Cuối cùng rõ ràng là những nghiên cứu của Cournot về hiệu suất của máy đã trực tiếp dẫn ông đến việc sử dụng một cách toán học hóa đặt trọng tâm vào những vấn đề tối đa hóa.
Bà Girardeau hỏi là những dè dặt của Say-Cournot-Walras có giống nhau đối với tất cả các loại thống kê không: nếu lúc bấy giờ có những thống kê về giá cả thì chúng có được các tác giả này quan tâm đến trong những nghiên cứu của họ về thước đo giá trị không? Ông Ménard thừa nhận là Walras đánh giá rằng những thống kê giá cả là có ích trong kinh tế ứng dụng (vả lại ông ta có biết, và thích, những chuỗi giá cả Thuỵ Sĩ và Italia); nhưng đối với ông kinh tế học thuần tuý là tương tự với cơ học lí tưởng, và trong mọi trường hợp không thể phụ thuộc vào việc quan sát những hiện tượng.
Do ông PROU có hỏi là các nhà kinh tế thế kỉ XIX có biết đến những công trình của Quesnay không nên ông Ménard cho biết là những công trình này ít được sử dụng do trường phái trọng nông đã mất uy tín vì gắn quá chặt với chế độ cũ.
Claude Ménard[65]
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: "Trois formes de résistance aux statistiques: Say, Cournot, Walras” của Claude Ménard trong Pour une histoire de la statistique, tome 1: Contributions, do Jöelle Affichard chủ biên, nhà xuất bản Economica, Paris, 1987, trang 417-429




[1] Xem mục “Say (qui luật)” trong Từ điển phân tích kinh tế, của Bernard Guerrien, nxb Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[2] Tên gọi những nhà triết học theo thuyết duy cảm của cuối thế kỉ XVIII (ND).

[3] Xem “Discours préliminaire” trong Traité d’économie politique, kể từ lần xuất bản thứ 5, 1826; được nhà xuất bản Calman-Lévy in lại 1972; xem thêm “De l’objet et de l’utilité des statistiques”, Revue encyclopédique, 1827; “Notions complémentaires”, chương IV, trong Cours complet d’économie politique, 1828.

[4] Xem luận án của chúng tôi, La formation d’une rationalité économique: A. A. Cournot, sắp xuất bản, Editions Flammarion, automne 1977, chap.2.

[5] Phải làm rõ sự tương tự với vật lí học. Trong “Discours préliminaire” Say phân biệt cơ học duy lí, trừu tượng và hiếm khi phù hợp với kinh nghiệm, với cơ học thực nghiệm, là có ích trong thực tiển. Chính ở đây ông đối lập với Ricardo, quá trừu tượng, quá giống với một nhà bác học bị lí thuyết ám ảnh, nghi ngờ ngay cả khả năng của một số chuyển động nhảy múa. Về vật lí học, Say chỉ ghi nhận những gì cho phép xây cầu và cống ngăn, cho phép làm chủ thiên nhiên. Xem Discours préliminaire, trang 43.

[6] Một cách cụ thể nó được dựng để đếm dân số, ước lượng sản xuất, xác định các ngân sách, giá cả, mức tiêu dùng, và ghi nhận những thay đổi vật lí của đất đai (trồng lại rừng, v.v.).

[7] “De l’objet et de l’utilité des statistiques”, trang 19; Cours complet, tome II, trang 491.

[8] “Discours préliminaire”, trang 12.

[9] “De l’objet … “, trang 9; Traité d’économie politique trang 100, chú thích 1.

[10] Cours complet, tome II, trang 484.

[11] Cours complet, tome I, trang 62. Say cho rằng gần như không thể biết được dân số Pháp với một sai số … thấp hơn … một triệu dân!

[12] “De l’objet … ” trang 12; Cours complet, II, trang 485 và những trang sau,; Traité, trang 100, chú thích 1.

[13] “De l’objet … ” trang 7.

[14] như trên, trang 9-10.

[15] ví dụ xem Morgenstern, Précision et incertitudes des données économiques, Dunod, 1972; phần thứ nhất, chương 2 [nguyên văn tiếng Anh là On the Accuracy of Economic Observations, Princeton University Press, 1963 – ND].

[16] “De l’objet … ” trang 20.

[17] như trên, trang 3, 6, 8-9; cũng như Cours complet, II, trang 482-495.

[18] Cours complet, II, trang 497.

[19] như trên, trang 482.

[20] như trên, trang 495; trang 481.

[21] “De l’objet …” trang 6 và 20.

[22] Traité, “Sur les effets des règlements administratifs”, quyển I, chương 17, trang 203.

[23] “Discours préliminaire”, trang 17, chú thích 1.

[24] như trên, trang 16; và Say cho ví dụ của cầu, trong đó không thể toán học hóa được do tính phức tạp của những phép tính phải tiến hành. Thế nhưng chính từ một biểu trưng khác về cầu mà Cournot sẽ công thức hóa mô hình kinh tế đầu tiên.

[25] Xem Note sur Storch, trang 289.

[26] Ví dụ, xem Jevons, Theory of Political Economy, 1872; và Edgeworth, F. Y., Mathematical Psychics, 1881.

[27] Như thế chúng tôi không chia sẻ quan điểm của G. Tapinos theo đó Say nếu bác bỏ mọi hình thức hóa đại số, lại mở đường cho đại số do việc từ chối cái định lượng và niềm tin của Say vào một khoa học những hiện tượng tổng quát. Xem “Préface” của Traité, 1972, trang X.

[28] “De l’objet … ” trang 7; cũng xem “Discours préliminaire”, trang 37. Quan niệm này càng đậm nét hơn trong những tác phẩm về sau. Giáo trình Cours complet bắt đầu bằng một phần tự phê trong đó Say phủ nhận tính chất quá chật hẹp của những định nghĩa trước đó của ông về kinh tế học.

[29] Note sur Storch, trang 289.

[30] Recherches sur les principes mathématiques de la théorie des richesses (Những nghiên cứu về các nguyên lí toán học của lí thuyết của cải) éd. Hachette, Paris, 1838. Phải phân biệt tác phẩm này với những quyển sách kinh tế sau này của Cournot, trong đó toán học không còn giữ nguyên cùng một vị thế nữa. Xem luận văn của chúng tôi, chương IV.

[31] Exposition de la théorie des chances et des probabilités, (Trình bày lí thuyết cơ may và xác xuất), Paris, 1843; các chương IX và XVI bàn về thống kê.

[32] Exposition, trang 184.

[33] như trên, trang 71. Luận điểm duy thực này đối lập với Laplace và nhất là với Hume, những tác giả gán tính chất được gọi là “sự ngẫu nhiên” này cho những thiếu sót của hiểu biết của chúng ta.

[34] như trên, trang 181-182.

[35] như trên, n0 107 ; xem thêm “Sur la distribution des orbites cométaires dans l’espace”, addition de A. A. C. à Herschell, Traité d’astronomie, 2è éd., 1836, trang 514.

[36] như trên, trang 184 và những trang tiếp đó. Các số 105 và 106 cần được trích đẫn khá dài.

[37] Bổ sung cho Traité d’astronomie, trang 508.

[38] Cho đến nay, người ta chỉ mới áp dụng phép tính cơ may vào những vấn đề về trò chơi, …, và vào những hiện tượng thống kê xã hội mà các nguyên nhân do tính phức tạp của chúng lẩn tránh mọi cuộc điều tra toán học và đối với những nguyên nhân này ta không có những dữ kiện nào khác ngoài những dữ kiện của kinh nghiệm; bổ sung cho Traité d’astronomie, trang 504; Exposition trang 261.

[39] Exposition, n0 113-115

[40] như trên, trang 181

[41] như trên, n0 116 và trang 148; cũng xem lời tựa và chương 1 của Recherches

[42] Exposition, n0 132, 134 và 140.

[43] như trên, trang 251, cũng xem n0 120 và trang 208.

[44] Bổ sung cho Traité d’astronomie, trang 508-509.

[45] Exposition, n0 123.

[46] như trên, n0 121.

[47] Xem mục “Cân bằng bộ phận (cách tiếp cận)” trong Từ điển phân tích kinh tế, của Bernard Guerrien, nxb Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[48] Trong Exposition, Cournot quan tâm đến thống kê dân số và thống kê pháp luật, và phép tính tiền bảo hiểm.

[49] Cournot đã suy nghĩ rất sớm đến những vấn đề “Về thước đo các lực và công của máy móc” (De la mesure des forces et du travail des machines). Đó là tựa của một chương ông thêm vào bản dịch của ông tác phẩm của Kater và Lardner, Éléments de mécanique, 1ere éd., 1834.

[50] Walras luôn khẳng định món nợ phương pháp luận (và triết học) đôi với Cournot trong lúc ông gán những quan niệm kinh tế chính của ông – đặc biệt là ý tưởng về sự khan hiếm – cho ảnh hưởng của người cha của ông là Auguste Walras.

[51] Ông đã đọc và suy nghiệm những tác phẩm này trong năm 1853-54; xem “Tự thuật” trong Jaffé, W., Correspondence of Leon Walras and Related Papers, 1965, vol. I, trang 23.

[52] Xem mục “Cân bằng chung (cách tiếp cận)” trong Từ điển phân tích kinh tế, của Bernard Guerrien, nxb Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[53] Thư của Walras gởi cho Jevons, 23.5.1874; Économie politique pure, éd. 1899, trang 20; Économie politique appliquée, 1898, tiết VII; “Tự thuật”, Jaffé I, trang 23.

[54] Économie politique pure, tiết I, bài thứ ba.

[55] Về sự phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm của Cournot, xem “Những nguyên lí của một lí thuyết toán học về trao đổi” (Principes d’une théorie mathématique de l’échange), Académie des sciences morales et politiques, 1874, trang 100 và những trang sau; xem thêm thư gởi Cournot, 20.3. 1874; thư gửi Cheysson, 24.5.1886. Walras còn nghiêm khắc hơn đối với chủ nghĩa kinh nghiệm của những môn đồ của Say, đặc biệt là đối với Joseph Garnier (xem Correspondence, 1860) và Chesson (thư cho Laundhart, 26.2.1887)

[56] “Principes … “, trang 99-100; Économie politique pure, phụ lục I: lí thuyết hình học của việc xác định giá cả (théorie géométrique de la détermination des prix).

[57] Xem cuộc tranh luận với Levasseur và Wolowski, tiếp theo sau phần trình bày những “Principes”, Académie des sciences morales, 1874, tome 101.

[58] Économie politique pure, Lời nói đầu trang XI và tiết I (“Objet …”), bài thứ ba.

[59] Économie politique appliquée, đoạn “nông nghiệp, công nghiệp, thương mại” và “Phác thảo một học thuyết kinh tế và xã hội”.

[60] “Principes … “, trang 99, Économie politique appliquée, 1898, trang 74.

[61] Économie politique appliquée, 1898, trang 54.

[62] Études d’économie appliquée, tiết I, 1 (La monnaie d’or …, trang 16), trang 54 (“Contributions à l’étude des variations de prix …”).

[63] như trên, tiết I, 3 (“Théorie de la monnaie”, trang 75 và những trang tiếp theo).

[64] như trên, trang 127 và những trang tiếp theo.

[65] giám đốc nghiên cứu đại học Utrecht.

Print Friendly and PDF