25.5.15

Bất bình đẳng và internet


Bradford DeLong (1960-)

Bất bình đẳng và internet

Về J. Bradford DeLong
J. Bradford DeLong là giáo sư kinh tế học của trường Đại Học California ở Berkeley và là chuyên gia nghiên cứu cộng tác với National Bureau of Economic Research (NBER – Phòng Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia). Ông từng là Phó Trợ Lý cho Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Hoa Kỳ trong suốt nhiệm kỳ của Tổng Thống Clinton, vị trí mà công việc của ông có liên quan mật thiết đến ngân khố và đàm phán thương mại. Vai trò của ông trong việc thiết kế chương trình giải cứu Mexico thoát khỏi cuộc khủng hoảng đồng peso diễn ra suốt năm 1994 đã đặt ông vào vị trí tiên phong trong công cuộc chuyển đổi Châu Mỹ La Tinh thành khu vực của những nền kinh tế mở, và đã củng cố thêm vị trí của ông với vai trò tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế.

Bất bình đẳng và internet

BERKELEY – Kết luận cho rằng Hoa Kỳ đã ngày càng trở nên vô cùng bất bình đẳng trong 35 năm qua là không còn nghi ngờ gì nữa. Từ năm 1979, mô thức đã rất rõ ràng: nếu lúc bấy giờ bạn đã giàu, thì nay bạn càng trở nên giàu hơn. Và nếu bạn từng nghèo túng, có khả năng là bạn vẫn tiếp tục nghèo mãi.
Tuy nhiên, thời kì đó cũng chính là kỷ nguyên mà tiến bộ công nghệ diễn ra như vũ bão. Nước Mỹ đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, sự trỗi dậy của thời đại thông tin có thể cũng có tính chất trọng yếu như những cuộc cách mạng trước đây, khiến xã hội thay da đổi thịt bằng phát minh hơi nước, sắt, vải và máy công cụ, và sau đó là động cơ đốt, điện và thép.
Ngày nay, gần như mọi cư dân của một quốc gia phát triển – và chẳng bao lâu nữa hầu hết phần còn lại của thế giới – có thể dễ dàng đủ khả năng sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh, thông qua đó có được phương cách rẻ tiền truy cập đến tri thức nhân loại và thế giới giải trí toàn cầu, điều mà một thế hệ trước đây chỉ có người giàu mới tiếp cận được. Liệu rằng các phương pháp đo lường tình trạng bất bình đẳng và thu nhập truyền thống đã đánh giá thấp đáng kể lợi ích của cuộc cách mạng thông tin?
Theo kinh tế học truyền thống, thoạt nhiên, câu trả lời dường như là không. Việc tính toán tăng trưởng kinh tế có thể hiện sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng đã tính đến chi tiêu cho viễn thông, xử lý thông tin và giải trí trên các phương tiện nghe nhìn. Trừ khi lợi ích từ những hàng hóa – dịch vụ của thời đại thông tin vượt xa chi phí chúng ta bỏ ra, sự thịnh vượng mà chúng tạo ra đều đã được tính tới.
Tuy nhiên, có phải trường hợp “trừ khi” là thực sự xa vời? Khi chúng ta đầu tư cho sự thịnh vượng của mình, chúng ta không chỉ tiêu tiền mua hàng hóa và dịch vụ; mà chúng ta còn dành phần thời gian rảnh rỗi của bản thân để sử dụng những sản phẩm đó một cách hợp lý. Một chiếc vé xem phim không mang lại cho bạn nhiều lợi ích nếu bạn bỏ về trước giờ chiếu. Thời gian, giống như tiền bạc, là một nguồn lực khan hiếm; và, bởi lẽ hàng hóa và dịch vụ có liên quan đến thông tin đòi hỏi chúng ta tập trung chú ý, chúng thuộc loại tiêu tốn nhiều thời gian. Kể từ khi Homer hát bài Iliad quanh ngọn lửa trại sau khi màn đêm buông xuống, chúng ta đã sẵn lòng chi đậm cho những câu chuyện, chương trình giải trí và thông tin.
Thời đại công nghệ thông tin trao cho chúng ta cơ hội đầu tư thời gian của mình vào những việc mà trước đây chỉ có giới quyền lực mới có khả năng thực hiện. Vào thế kỷ thứ 17, nếu bạn muốn xem Macbeth trong nhà của mình, bạn phải là vua James Stuart, thuê riêng William Shakespeare cùng đoàn hát của ông ta, và có một rạp hát đúng kích cỡ trong hoàng cung của mình.
Tính trung bình, chúng ta dành ra khoảng 2 giờ mỗi ngày sử dụng các thiết bị nghe nhìn. Giả sử các cơ hội có được trong vòng một phút lướt internet băng thông rộng tối thiểu có thể giúp nhân đôi độ thỏa dụng – sự thỏa mãn – mà chúng ta có được trong khoảng thời gian đó. Điều này tương đương với việc có thêm 2 giờ rảnh rỗi mỗi ngày, cộng thêm vào trung bình khoảng 10 giờ chúng ta thức và không làm việc. Nói theo kiểu kinh tế học, đó là mức gia tăng thêm 0.6% mỗi năm trong mức sống tính từ năm 1990, một mức tăng lớn hơn nhiều so với mức 0.2% mỗi năm được tính theo các phương pháp truyền thống.
Do đó, vấn đề đặt ra biến thành câu hỏi liệu rằng điện thoại thông minh, thiết bị đọc sách số, máy tính bảng và máy vi tính của chúng ta có thực sự mang lại cho chúng ta độ thỏa dụng tăng thêm không? Liệu rằng chúng ta có đánh giá cao những gì chúng ra có được từ Netflix, YouTube, Facebook, và thư viện điện tử trên mạng của nhân loại hơn so với những gì mà chúng ta học, nghe, xem và bàn tán trước đây thông qua các phương tiện truyền thống không? Liệu rằng xem truyền hình theo yêu cầu có thích thú hơn xem phim ở rạp không? Liệu rằng những dòng cập nhật trên Twitter có giúp khai trí nhiều hơn so với một chuyến đi đến thư viện gần nhà không? Liệu rằng những người bạn trên Facebook có đáng quý hơn những người bạn ngoài đời hay không?
Bất luận câu trả lời cho những vấn đề nêu trên là gì, có một mốt mới thậm chí còn to lớn hơn. Chúng ta không tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong môi trường chân không. Một phần sự thỏa mãn mà chúng ta có được từ chúng sinh ra từ cảm giác về vị thế của chúng ta được nâng lên so với vị thế của những người đồng đẳng. Thời đại thông tin không chỉ mang lại cho chúng ta nhiều lựa chọn giải trí mới; nó còn mở ra cho chúng ta những viễn cảnh mới nhìn vào lối sống của những người láng giềng của mình – và điều mà chúng ta để ý thấy là họ ngày càng trở nên rất, rất giàu có.
Nếu như tôi phải đoán liều, tôi sẽ nói rằng, xét trên phương diện xã hội, lợi ích mà chúng ta có được từ công nghệ của thời đại thông tin đã bị triệt tiêu bởi sự đố kỵ và lòng oán thù tích tụ từ thực tế sinh sống trong một thế giới thậm chí còn bất bình đẳng hơn.
J. Bradford DeLong
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: “Inequalityand the Internet”, Project Syndicate, Nov 25, 2014.
Print Friendly and PDF