Christian Chavagneux |
Cách tiếp cận kinh tế phi chính thống đã chết như thế nào ở Đức
Các nhà kinh tế phi chính thống Pháp đang đấu tranh để khỏi chết[*]. Đồng nghiệp Đức của họ không được may mắn như thế: họ đã biến mất khỏi vũ đài. Một phân tích chính xác cho thấy là trào lưu mainstream đã tổ chức những điều kiện thể chế dần dần đẩy họ ra rìa để rồi biến mất.
Nỗi ám ảnh Mĩ
Đối với các nhà nghiên cứu Arne Heise và Sebastien Thieme, thế hệ các nhà kinh tế trẻ thời hậu chiến, chủ yếu được đào tạo tại Hoa Kì, có một mặc cảm tự ti trước sự toán học hóa và hình thức hóa tăng dần của “khoa học” kinh tế Mĩ.
Arne Heise (1960-) |
Cho dù thời kì quốc xã đã góp phần làm cho đại học và các giới chức đại học mất uy tín, chính đa số các nhà kinh tế, bị thúc đẩy bởi nhu cầu được bên ngoài, tức thị trường Mĩ, lẫn bên trong, tức xã hội Đức, thừa nhận đã chọn đi theo hệ ý thống trị ở Hoa Kì.
Như vậy, diễn ngôn của những năm 1950-1960 khẳng định rằng một tư tưởng kinh tế độc đáo là điều thất thế về mặt cạnh tranh so với những chuẩn Mĩ và phải bị loại trừ. Dường như mặc cảm tự ti này cũng thúc đẩy các nhà kinh tế Pháp vào con đường cùng ấy: phải chứng tỏ là ta có thể ở chuẩn mực của Hoa Kì mà không tự hỏi về tính xác đáng của chuẩn này.
10 % nhà phi chính thống
Tuy nhiên, một phần đại học Đức vẫn cởi mở với sự đa nguyên. Phân tích những kiểu cơ sở khác nhau (các đại học xưa truyền thống, các đại học ít truyền thống hơn, các đại học mới, v.v.) phân tích trên cho thấy có một vài đại học là những cơ sở của một tư duy cởi mở hơn, đặc biệt là đại học Breme và HWP ở Hamburg.
Sebastian Thieme |
Gần như không có nhà phi chính thống nào trong hai phần ba các khoa kinh tế và trong một phần ba còn lại có 30% tập trung vào hai đại học này. Trong trường hợp tốt nhất, chưa bao giờ các nhà phi chính thống đạt đến con số 10 % các nhà kinh tế Đức.
Kể từ những năm 1970, mọi việc trở nên tồi tệ. Vào lúc tại Pháp trường phái điều tiết rồi trường phái quy ước ra đời, trào lưu phi chính thống Đức sụp đổ. Các nhà chính thống thay thế các giáo sư già, và hai thành trì đại học suy sụp cùng với suy giảm của dân số.
Gạt ra bên lề các định chế
Các nhà chính thống đã tổ chức việc gạt những nhà kinh tế không suy nghĩ như họ ra ngoài lề các định chế. Vị trí của họ trong DFG, định chế tài trợ các nghiên cứu, bị giới hạn. Đa số các dự án của họ bì từ chối, theo tính toán của các tác giả, tỉ lệ dự án của các nhà phi chính thống được chấp nhận là 17% so với 57% đối với các nhà chính thống.
Đối với các nhà phi chính thống, ngày càng khó để có được ghế ở đại học. Hiếm khi các phó giáo sư có được chức giáo sư.
Trong Hội quốc gia các nhà kinh tế Đức (Verein für Socialpolitik), đa số các nhà phi chính thống bị dồn vào ban lịch sử tư tưởng kinh tế, bị xem là một bộ môn không đáng kể.
Sự di tản chất xám
Trước những diễn tiến tương tự ở Pháp, các nhà kinh tế bảo vệ tính đa nguyên của tư tưởng kinh tế đã quyết định tập hợp nhau và thành lập Hội kinh tế chính trị học Pháp (AFEP) để cố gắng tạo những điều kiện thể chế thuận lợi cho sự tồn vong của ho. Các nhà kinh tế tương đương ở Đức đã chết trước khi nghĩ đến điều này.
Kết quả là một sự di tản chất xám: sang những bộ môn khác (đa số chuyển sang xã hội học và khoa học chính trị), ra nước ngoài và chuyển qua các đại học khoa học ứng dụng. Tất nhiên điều này đã góp phần làm cho kinh tế học thống trị tự khép kín thêm và đuổi khỏi thế giới kinh tế hàn lâm những nhà bảo vệ tính đa nguyên.
Ngày nay, chính phủ Pháp có khả năng tránh cho các nhà kinh tế Pháp bảo vệ sự đa nguyên của các ý tưởng kinh tế để bảo tồn chất lượng của tranh luận dân chủ một kết cục tương tự như thế. Nhưng chính quyền có muốn chăng?
CHRISTIAN CHAVAGNEUX
Để tìm hiểu thêm:
của Arne Heise et Sebastian Thieme, Zentrum fûr Ökonomische und Soziologische Studien, Discussion Paper n°49, avril 2015.
Nguyễn Đôn Phước dịch
[*] Xem bài “Sự đa nguyên của suy tưởng kinh tế là một tất yếu dân chủ”.↩