Jean Tirole (1953-) |
Đạo đức và thị trường
Quan điểm của Jean Tirole, chủ tịch
Trường Kinh tế Toulouse và giải Nobel Kinh tế năm 2014.
Các giới hạn đạo đức của thị trường ...
Trong con mắt các nhà kinh tế học,
thị trường là một cơ chế phân bổ nguồn lực mạnh mẽ. Nó cũng bảo vệ công dân
chống các cuộc vận động ở hành lang nghị viện và quyền tùy ý quyết định, vốn có
mặt trong các nền kinh tế kế hoạch hóa, nơi mà các cơ chế phân bổ nguồn lực
mang tính tập trung hơn. Vì những lý do trên, nó đóng vai trò trung tâm trong
đời sống kinh tế. Nhưng việc hưởng lợi các ưu điểm của thị trường thường đòi
hỏi phải xa rời tự do kinh doanh. Trong thực tế, các nhà kinh tế học đã dành
nhiều nghiên cứu để nhận diện các khuyết tật của thị trường và cách thức điều
chỉnh chúng bằng các chính sách công: luật cạnh tranh, sự điều tiết của các cơ
quan ngành và cơ quan giám sát, đánh thuế các ngoại ứng môi trường hoặc các ngoại
ứng tắc nghẽn, chính sách tiền tệ và bình ổn tài chính, cơ chế cung ứng các sản
phẩm được bảo hộ như giáo dục và y tế, phân phối lại, v.v.
Các chuyên gia trong các ngành khoa
học xã hội khác (các nhà triết học, nhà tâm lý học, nhà xã hội học, luật sư và
nhà khoa học chính trị ...), một phần lớn xã hội dân sự, và hầu hết các tôn
giáo đều có một tầm nhìn khác nhau về thị trường. Trong khi thừa nhận ưu điểm
của thị trường, họ thường đổ lỗi các nhà kinh tế học do chưa xem xét đúng mức các
vấn đề đạo đức, và nhu cầu thiết lập một ranh giới rõ ràng giữa các lãnh vực thị
trường và phi thị trường.
Một dấu hiệu của cảm nhận này là sự
thành công toàn cầu của cuốn sách "Ce que l'argent ne saurait acheter: Les limites morales
du marché (Tiền không mua được gì: Các giới hạn đạo đức của thị trường)"
của Michael Sandel, giáo sư triết học tại Đại học Harvard. Xin trích dẫn một số
ví dụ, Michael Sandel lập luận rằng một loạt những sản phẩm và dịch vụ, chẳng
hạn như việc nuôi con nuôi, đẻ thuê, tình dục, ma túy, nghĩa vụ quân sự, quyền bầu
cử, vấn đề ô nhiễm hay cấy ghép các bộ phận của cơ thể, không nên để cho thị
trường tầm thường hóa. Cũng như vấn đề tình bạn, nhập học vào các trường đại
học lớn hay giải thưởng Nobel không được mua bán, hay không nên cấp bằng sáng
chế cho gen hay rộng hơn là sinh thể.
... hay những khuyết tật của thị trường?
Michael Sandel (1953 -) |
Một số các ví dụ trên phản ánh một
sự thiếu hiểu biết rất nhiều công trình của các nhà kinh tế học từ mười năm nay
và đôi khi còn lâu hơn nữa, ở châu Âu và ở Hoa Kỳ. Những nghiên cứu mang tính
lý thuyết và thực nghiệm (trên thực địa, trong phòng thí nghiệm hay trong kinh
tế học thần kinh) bao quát những chủ đề cũng đa dạng như chủ đề luân lí và đạo
đức, chuẩn mực xã hội, bản sắc, sự tin tưởng, hay những hiện tượng lấn thế do
những biện pháp động viên tạo ra.
Ví dụ, ý tưởng cho rằng người ta có
thể mua một tình bạn chân thật, một xuất học tại một trường đại học hay một
giải thưởng Nobel vi phạm các lý thuyết cơ bản về sự bất đối xứng thông tin:
những "sản phẩm" ấy sẽ mất
đi giá trị nếu chúng có thể được mua bán! Một thị trường con nuôi mà "người bán" (các bậc cha mẹ sinh
học, các cơ quan tiếp nhận con nuôi) và "người mua" (các bậc cha mẹ nuôi) trao đổi trẻ cho nhau, không
tính đến một bên thứ ba rất có liên quan: bản thân đứa trẻ. Vấn đề ma túy,
ngoài các vấn đề bạo lực và y tế công cộng liên quan đến các chất ma túy cứng,
đặt ra vấn đề thiếu ý thức kỷ luật tự giác và nghiện ngập, mà những cá nhân có
liên quan là những nạn nhân đầu tiên. Một đất nước mà quyền đầu phiếu được giao
dịch theo giá thị trường sẽ không dẫn đến những chính sách mà chúng ta đồng
tình ở "đằng sau bức màn thiếu hiểu
biết", nghĩa là trước khi biết được vị trí của mình trong xã hội. Đối
với vấn đề ô nhiễm, kinh nghiệm cho thấy khuyến nghị thường xuyên nhất của các
nhà kinh tế học - một mức giá duy nhất đối với chủ thể gây ô nhiễm - đã làm
giảm đáng kể chi phí của các chính sách về môi trường, và qua đó củng cố đáng
kể các chính sách này. Do đó, trong tất cả các ví dụ trên, chúng ta ở trong
lĩnh vực các khuyết tật của thị trường, những điểm mà các nhà kinh tế học luôn
đặt lên hàng đầu.
Roland Bénabou |
Một hạn chế khác của thị trường là
trong một số trường hợp các biện pháp động viên được tạo ra có thể mang tính
phản tác dụng. Roland Bénabou (của Đại học Princeton)
và tôi đã giả định rằng một hành vi thân thiện với xã hội có thể
được thúc đẩy bởi ba động cơ: một sự hào phóng thực sự, một động lực (ví dụ như
tiền tệ) để hành xử như thế, và một quyết tâm thể hiện, có nghĩa là đưa ra một
hình ảnh tốt về bản thân, hoặc đối với chính mình hoặc đối với người khác. Quyết
tâm thể hiện đó có thể được mô hình hóa nhờ lý thuyết "suy luận" (hay "quy kết" trong tâm lý học). Quyết
tâm đó càng quan trọng khi ứng xử đó mang tính công cộng (đặc biệt trước những
người mà mình tranh thủ sự quý mến) và mang tính đáng ghi nhớ. Nghiên cứu mang
tính lý thuyết này đã chỉ ra rằng ví dụ khi quyết tâm thể hiện đó quan trọng,
thì động viên bằng tiền bạc có thể phản tác dụng. Trong trường hợp chi trả cho
một hành động thân thiện với xã hội khác (ví dụ như hành động hiến máu), các cá
nhân lo sợ rằng sự đóng góp của mình được diễn giải như là một dấu hiệu hám của
hơn là một hành động rộng lượng, và vì thế tín hiệu gửi đi cho những người khác
bị yếu đi. Trái với một nguyên tắc cơ bản của kinh tế học, một phần thưởng bằng
tiền có thể làm giảm việc thể hiện một hành vi thân thiện với xã hội có liên
quan. Từ đó có nhiều cuộc nghiên cứu thực nghiệm đã được tiến hành và giả
thuyết này đã được kiểm chứng.
Roland Bénabou và tôi cũng
đã nghiên cứu các thông điệp được nhắn gửi qua các chính sách công liên quan
đến các chuẩn mực xã hội, còn hiệu lực hay được các thành viên khác của xã hội đánh
giá là đáng để được xác lập. Đôi khi việc sử dụng các biện pháp khuyến khích
báo hiệu sự thiếu nhiệt tình của công dân vì lợi ích chung và qua đó có thể gây
tổn hại đến chuẩn mực hành vi ứng xử của công dân và bộc lộ tính phản tác dụng
của việc sử dụng này. Trong chừng mực mà tất cả chúng ta muốn giữ ảo tưởng cho
rằng xã hội mà chúng ta đang sống mang tính đạo đức, thì điều này cũng làm sáng
tỏ sự phản kháng rộng rãi đối với thông điệp của các nhà kinh tế học, thường chuyển
tải những thông tin thực nghiệm xấu. Ý tưởng này cũng lý giải vì sao các xã
hội hiện đại, muốn chỉ ra các giá trị của mình, đều từ bỏ án tử hình hay những
hình phạt tàn nhẫn, ngay cả khi có sự đồng tình của người có liên quan để được
thay thế bằng các hình phạt thông thường.
Lãnh vực phi thị trường
Việc nhận diện bản chất những khuyết tật của thị trường, đối với tôi, có
vẻ như hiệu quả hơn cho việc quan niệm các chính sách công hơn là một sự phẫn
nộ đơn thuần. Ví dụ, người ta nên đi đến cùng sự vật và làm việc trên thực địa
để hiểu rõ hơn. Hãy lấy một lĩnh vực mà cuộc tranh luận thiếu chiều sâu và đòi
hỏi phải suy nghĩ nhiều hơn: vấn đề hiến nội tạng. Từ lâu, ví dụ, nhà kinh tế
học Gary Becker đã lưu ý rằng
lệnh cấm bán thận đã hạn chế quyền hiến tạng (chủ yếu dành cho gia đình hay cho
người thân thích), làm chết hàng ngàn người (chỉ riêng ở Hoa Kỳ) mỗi năm vì
không có người hiến tạng, và rằng những người gièm pha thị trường nội tạng
không nên khoe khoang về đạo đức.
Mặc cho lập luận có cơ sở trên, tất cả chúng ta cảm thấy một cái gì đó
khó chịu đối với thị trường hiến tạng. Nhưng cần nên hiểu lý do vì sao. Liệu có
phải vì lo sợ rằng những người hiến tạng không được thông báo đầy đủ về các hệ
quả của hành động của họ (trong trường hợp này, có một biện pháp đơn giản: buộc
người hiến tạng phải lắng nghe thông tin khách quan)? Bởi vì việc bán các bộ
phận cơ thể người, khi vạch trần việc là có những cá nhân sẵn sàng để mất một
quả thận vì một vài trăm euro, sẽ bộc lộ những bất bình đẳng mà chúng ta muốn
quên đi? Hay bởi vì chúng ta muốn bảo vệ con người chống lại sự ưa thích hiện
tại quá mạnh của họ (thích có được ngay một số tiền đổi lấy những hệ quả tiêu
cực về lâu về dài)?
Nora Szech |
Thái độ của chúng ta đối với thị trường cũng có thể xuất phát từ việc
chúng ta từ chối so sánh tiền bạc với một số mục tiêu khác. Ví dụ, việc đưa ra
những cân nhắc về tài chính đặc biệt vấp phải quan niệm của chúng ta về tính
chất thiêng liêng của mạng sống con người. Cuộc sống, như chúng ta biết, "là vô giá". Việc làm rõ những đánh
đổi gắn với sức khỏe (phân bổ ngân sách viện phí hay lựa chọn bảo đảm sự an
toàn) làm dấy lên những tranh cãi quan trọng. Những điều cấm kỵ về cái sống và
cái chết, một phần của "cái vô ước", có những hệ quả, như một sự gia
tăng các trường hợp tử vong do định kiến của chúng ta trong việc lựa chọn bệnh
viện hay phân bổ ngân sách nghiên cứu y học. Hay, để nêu một trường hợp ít cực
đoan hơn, hai nhà khoa học người Mỹ đã chỉ ra rằng ngay cả thị trường Mỹ, một
cách tiên nghiệm là rất cạnh tranh, của ngành tang lễ, thu được những lợi nhuận
gần như độc quyền, vì lý do người ta miễn cưỡng nói đến chuyện tiền bạc khi có
một người thân qua đời. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều ngầm gán một giá trị cho
cuộc sống, giá trị của bệnh nhân trong trường hợp đánh đổi khi lựa chọn các trang
thiết bị cho bệnh viện, hay giá trị của con em chúng ta khi lựa chọn mua ô tô
hay đi du lịch. Nhưng chúng ta không bao giờ thừa nhận những đánh đổi trên, làm
cho chúng ta cũng bất an không kém gì Sophie khi phải quyết định đứa con nào trong
hai đứa được sống dưới sự đe dọa là cả hai đứa sẽ bị giết bằng khí độc nếu cô
từ chối lựa chọn.
Sức mạnh tinh thần của đạo đức
Armin Falk (1968-) |
Liệu có phải những kinh tởm trên, những cấm kỵ trên bị gây ra bởi nỗi lo
mất phẩm giá đi kèm, ngay cả khi chỉ có ngắm nghía những lựa chọn như trên? Hay
bởi nỗi sợ rằng xã hội trượt vào một con dốc?
Để tiến triển, cần phải nhận diện một cách sâu sắc sức mạnh của đạo đức
và hành vi ứng xử. Qua đó, người ta có thể hiểu rõ hơn cách thức nhiều định chế
khác nhau, thị trường hay hệ thống được quản lý chặt hơn, tác động như thế nào
đến các giá trị và hành vi của chúng ta. Một nghiên cứu gần đây của Armin Falk
(Bonn) và Nora Szech (Karlsruhe) được công bố trên tạp chí Science (Khoa học) cho thấy là sự phân chia trách
nhiệm làm xói mòn các giá trị đạo đức. Sự xói mòn này cũng tác động đến các thị
trường, nhưng đã tồn tại với thế mạnh tương tự ngay khi một quyết định liên
quan đến một người khác, cho phép tạo ra một sự (có vẻ như) chia sẻ trách
nhiệm. Sự tồn tại của những "lời bào
chữa" ("tôi được yêu cầu
làm", "sẽ có người khác làm
nếu tôi không làm", "tôi
không biết", "mọi người đều
làm như vậy", v.v.) đã cho phép, trong tất cả các tổ chức, gạt sang
một bên những ngại ngùng không nói ra đối với các hành vi ít đạo đức.
Jonathan Haidt (1963-) |
Việc xác định các chính sách kinh tế không thể tự bằng lòng với sự phân
đôi võ đoán giữa lãnh vực phi thị trường và lĩnh vực thị trường và tự giam mình
trong những giới hạn của vị thế đạo đức. Theo ghi nhận của Jonathan Haidt nhà
tâm lý học và giáo sư đạo đức học, đạo đức phổ biến không chỉ đề cập đến các
ngoại ứng, mà còn quy chiếu về những hành vi không có nạn nhân rõ ràng. Thế mà
cách đây chưa đến nửa thế kỷ, đa số ý kiến đều lên án các hành vi
tình dục giữa hai
người cùng giới tính, hay (ở Hoa Kỳ) giữa hai người không cùng sắc tộc, hay
liên quan đến một người phụ nữ (chứ không phải là liên quan đến một người đàn
ông) chưa lập gia đình. Trong một lĩnh vực mang tính kinh tế nhiều hơn, quyền
phát thải mua bán được gợi lên một sự kinh tởm phổ biến cách đây hai mươi năm,
trước khi nó trở nên bình thường một khi được một bộ phận dân chúng hiểu rằng
nó thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ sinh thái. Cảm xúc ghê tởm của chúng ta là không
đáng tin cậy để được xem như là một nguồn cảm hứng mang tính đạo đức. Sự tiến
bộ của nền văn minh đòi hỏi phải tra vấn những cảm xúc trên và ưu tiên cho sự
suy tưởng trong việc quan niệm các chính sách công.
Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn cơ sở của những lo ngại đối với việc hàng
hóa hóa một số lĩnh vực cũng như những cơ sở của đạo đức. Đó là những gì mà
cộng đồng các nhà nghiên cứu, bao gồm Roland Bénabou, Armin Falk và cá nhân
tôi, sẽ tiếp tục tìm hiểu trong những năm tới.
Jean
Tirole
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “L’éthique et le marché”,
Les Échos, 7.12.2014
------
Những bài có liên quan
trên PTKT:
- Sự mù lòa của các nhà kinh tế