18.9.15

Sự mù lòa của các nhà kinh tế



Robert Boyer (1943)

Sự mù lòa của các nhà kinh tế

Kinh tế học là một “khoa học cứng” hay là một khoa học xã hội vận dụng cả chính trị học, xã hội học và lịch sử học? Cuộc tranh luận đến hồi quyết liệt giữa các nhà kinh tế chính thống và phi chính thống. Các nhà kinh tế phi chính thống bị Jean Tirole xem gần như là những kẻ “ngu dân” vô cùng quan ngại trước sự độc quyền của các nhà “tân cổ điển” trong giáo dục và nghiên cứu. Robert Boyer, cựu sinh viên trường Bách Khoa và nhà sáng lập trường phái điều tiết trả lời phỏng vấn của Mariane. Những suy tưởng loại bỏ các thói quen xưa cũ và mang tính đổi mới.
Mariane: Ông có thể tóm tắt nhanh cuộc xung đột đang chia rẽ các nhà kinh tế trong đại học Pháp?
Hàng trăm giảng viên và nhà nghiên cứu mong muốn mở ra một ban mới bổ sung cho ban “Các khoa học kinh tế” (Sciences économiques) hiện nay. Định chế “Các thể chế, kinh tế học, các lãnh thổ và xã hội” (Institutions, économie, territoires et société) sẽ sử dụng những công cụ của sử học, nhân học, và xã hội học để tìm hiểu thế giới. Ở phía đối lập, các nhà kinh tế chính thống sử dụng mọi phương tiện họ có trong tay để bảo tồn một kinh tế học chủ yếu mang tính toán học.
Là một trong những nhà kinh tế mong muốn sự ra đời của ban này, ông biện minh thế nào cho yêu sách trên?
Để gán một ý nghĩa cho sự dấn thân này, phải đánh một đường vòng lịch sử. Tôi bắt đầu học kinh tế vào thời kì mà bộ môn này được giảng dạy trong các phân khoa luật. Cho đến cuối những năm 1950, sinh viên nào lựa chọn học ngành này nhận được một sự đào tạo kép, và rồi dần dần có một sự trượt dài. Khi trọng tâm của khoa học này dịch chuyển từ Anh sang Hoa Kì thì kinh tế học, vốn là một nhánh của các khoa học xã hội, đã biến thành một bộ môn độc lập có khả năng lượng hóa, toán học hóa và hình thức hóa.
Giải thích thế nào sự phát triển này?
Lí do đầu tiên là khá đơn giản để hiểu. Bộ môn kinh tế - như tất cả các khoa học xã hội khác – tìm cách tự trang bị một tính chính đáng khoa học. Bằng toán học và các mô hình hình thức hóa, bộ môn này đã bắt chước các khoa học cứng. Chính vì thế mà toán học đã trở thành thiết yếu trong khoa học này, với hình ảnh totem là những nhà xây dựng mô hình. “Khoa học kinh tế” ra đời trong những năm 1930 với hội Kinh trắc học và tạp chí Econometrica, và sau thế chiến đã băng qua Đại tây dương. Lúc đầu, “khoa học” này đã có nhiều thành quả. Trong những năm 1960, các lí thuyết gia của cân bằng chung còn nghĩ rằng có thể đặt lí thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith[*] thành phương trình. Cuối cùng, họ đã thất bại, nhưng những nhà kinh tế sử dụng xã hội học và sử học bị tràn ngập và không thể kháng cự.
Bức tường Berlin
Lợi thế khác của các mô hình trên là chúng cho phép làm những dự báo và tư vấn cho bậc quân vương, hai cách tiếp cận này gắn với nhau. Các nhà kinh tế chính thống tin rằng họ có thể giải thích những hệ quả trên việc làm của việc gia tăng cạnh tranh trong thị trường viễn thông. Họ dự báo số người thất nghiệp, các đợt giảm giá, gia tăng của lưu lượng truyền thông. Các con số này trấn an các chính khách và không ai quan tâm nhiều đến tính thực tế của những cơ chế được chọn. Thế mà những mô hình của các nhà chính thống là vô cùng quy giản và quy thế giới vào tất cả những tương tác giữa các cá thể về vô số thị trường. Hành tinh nóng lên chăng? Các nhà chính thống tức thì có giải pháp: tổ chức thị trường CO2 để các kĩ nghệ gia có thể trao đổi các quyền phát thải khí của mình. Không có đủ thận để ghép! Cũng tương tự như thế, rất đơn giản, lập thêm một thị trường cơ quan nội tạng. Các chính khách chỉ còn việc tiến hành các cuộc cải cách để cho thế giới này của lí thuyết hiện lên và hoạt động. Bí quyết của họ không bao giờ thay đổi. Họ cũng giống như người cựu sinh viên nữ cho rằng với thị trường chứng khoán thì Einstein đã chuyển thành người đổi mới và doanh nhân phát triển thị trường pin quang điện.
Kinh tế học chính thống có những đề nghị đơn giản. Nếu bạn theo những khuyến cáo này thì sẽ không còn vấn đề nữa. Mặc kệ cho giải pháp là không khả thi về mặt xã hội. Nhà chính thống sẽ nói đó là một vấn đề kinh tế chính trị!
Trong một trường như thế, Keynes có thể tìm được một chỗ đứng chăng?
Không. Không những Keynes mà cả Hayek sẽ không có chỗ đứng. Chính vì thế mà việc thành lập ban mới này là cần thiết, cho dù ngày nay việc chuyên môn hóa cực độ khiến cho việc nổi lên những nhân vật như hai vị vừa nêu tên là một điều đáng ngờ.
Ông đề nghị những gì?
André Orléan (1950-)
Hội kinh tế học chính trị Pháp mong muốn phát triển một bộ môn kinh tế mô tả xã hội như nó hiện tồn chứ không phải là như trong ước mơ của các lí thuyết gia kinh tế. Lịch sử để lại cho chúng ta một thế giới không hoàn hảo, không tối ưu. Điều quan trọng là hiểu thế giới này và xây dựng lí thuyết về nó. Vào cuối những năm 1970, những người chủ trương trường phái điều tiết đã bắt đầu đặt những cột mốc, nhưng con đường còn dài, nhất là khi thiếu phương tiện. Chúng tôi đã tiến lên nhưng còn cần nhiều thời gian nữa. Lấy ví dụ của tiền tệ. André Orléan và Michel Aglietta bảo vệ ý cho rằng tiền tệ là một thể chế chủ yếu có tính chính trị. Tiền tệ không sinh ra từ việc ý thức những bất tiện của hàng đổi hàng mà từ quyết định của bậc quân vương; và điều này làm thay đổi tất cả. Trên điểm này, ví dụ của sự thống nhất nước Đức là điển hình. Năm 1990, sau sự sụp đổ của Bức tường (Berlin – ND), nước Đức phải thống nhất. Khi tính đến những khác biệt về năng suất giữa Đông Đức và Tây Đức, các nhà kinh tế đề nghị tạo ra hai đồng tiền, một đồng yếu hơn cho các Länder phía Đông và một đồng khác cho Cộng hòa liên bang Đức (cũ). Và sẽ phải điều chỉnh hai đồng tiền này theo nhịp độ của sự hợp nhất kinh tế. Helmut Kohl đã quyết định khác hẳn. Đồng DM duy nhất phải gắn chặt sự thống nhất. Liền tức thì, các nhà chính thống lên án sai lầm kinh tế của vị thủ tướng: “Ông ấy không hiểu gì cả và nên đến dự các khóa học kinh tế của tôi …” Thế mà tai họa được các nhà kinh tế dự báo đã không xảy ra; bằng quyết tâm chính trị và nhờ những chuyển nhượng to lớn, Kohl đã thành công trong việc tạo ra một nước Đức hùng mạnh mà ta biết ngày nay.
Michel Aglietta (1938-)
Do đó chúng tôi muốn khắc phục sự mù lòa của lí thuyết đương đại, vốn chỉ có hai cấp độ phân tích: kinh tế học vi mô, mà để nói đơn giản, quan tâm đến hành vi của những cá thể và kinh tế học vĩ mô giải thích những tương tác giữa các đại lượng kinh tế tổng gộp. Kinh tế học vi mô phải là cơ sở của kinh tế học vĩ mô. Một sự mù lòa nằm ở cội nguồn của sự bất lực của các nhà kinh tế vĩ mô trong việc dự kiến cuộc khủng hoảng nổ ra từ năm 2008.
Ông trả lời sao cho các đối thủ của mình khi họ khẳng định rằng đây là một cuộc tranh cãi trong nội bộ giới hàn lâm Pháp?
Bằng một nụ cười. Từ hai mươi năm nay, ở Hoa Kì, xã hội học kinh tế là bộ môn đang gặp vận trong các đại học lớn. Tương tự như thế cho thuyết thể chế và lịch sử kinh tế, tất cả những mảng mà thuyết chính thống nặng tính toán học đã quên đi, thậm chí là bôi nhọ. Nhiều lí thuyết gia nay quay lại và đào sâu lịch sử các cuộc khủng hoảng tài chính hay lịch sử các bất bình đẳng và qua đó gặp gỡ công chúng rộng rãi.
Đương nhiên khỏi cần nhấn mạnh là, kể từ 2008, sự phát triển của những cách tiếp cận phi chính thống đã lớn mạnh bên kia bờ Đại tây dương. Phải chăng là một nghịch lí khi các nhà kinh tế từ chối việc thành lập ban “Kinh tế và Xã hội” chọn một mô hình hàn lâm đã thất bại vào năm 2008 làm điểm quy chiếu?
Helmut Kohl (1930-)
Nhưng các nhà chính thống không đần đến thế, họ cũng nhận thấy rằng các mô hình của họ không chạy tốt. Phải chăng có những lí do khác cho sự thành công của họ?
Bạn có lí. Tôi tin chắc là họ biết rằng những mô hình của họ không xác đáng, một số còn khẳng định điều đó trong nhóm nhỏ. Chẳng hạn, tôi từng nghe một nhà kinh tế được xem là quan trọng thừa nhận: “Càng làm kinh tế, tôi càng ít hiểu thế giới”.
Sinh viên cũng nhận ra điều này. Trong những năm 1990, đã có một cuộc điều tra được tiến hành trong các khoa kinh tế của những trường đại học nổi tiếng nhất như Harvard, Yale, Berkeley. Người ta hỏi sinh viên biện minh cho việc chọn ngành học này. Hơn 70% sinh viên cho lí do là vì uy tín của tấm bằng. Việc toán học hóa không được đánh giá cao vì những phẩm chất phát hiện (nghệ thuật sáng tạo, phát minh) và khoa học mà vì phẩm chất sàng lọc tài năng của nó và vì đó là một tiêu chí khách quan. Đại học Pháp cũng làm như thế. Trong những năm đầu, trong phân khoa kinh tế, người ta học toán và, tiếc thay, đó là điều kiện cho việc tiếp tục theo đuổi chương trình học.
Bertrand Rothé phỏng vấn
Nguyễn Đôn Phước dịch




[*] Lí thuyết bàn tay vô hình: trong lĩnh vực xã hội-kinh tế, “bàn tay vô hình” là một thành ngữ (của Adam Smith) gợi lên ý cho rằng những hành động chỉ được hướng dẫn duy nhất bởi lợi ích cá nhân của mỗi người có thể góp phần làm nên của cải và phúc lợi cho cộng đồng.

Print Friendly and PDF