27.6.16

Những nước nào ở châu Âu phải lo lắng nhất trước kết quả của Brexit


Những nước nào ở châu Âu phải lo lắng nhất trước kết quả của Brexit

Jean-Baptiste Duval
CHÂU ÂU – Bye bye nước Anh. Người Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU, European Union) vào hôm Thứ năm, với 52% số phiếu theo dự đoán, một bước nhảy vào cõi xa lạ, giáng xuống một đòn nghiêm trọng đối với dự án của châu Âu và đối với Thủ tướng David Cameron của họ. Điều đáng ngại là quyết định này của người dân Anh sẽ dẫn đến một số hệ lụy đối với nền kinh tế của EU và của các đối tác chính của London.
Hệ lụy đầu tiên và tức thì của cuộc trưng cầu dân ý này: giá đồng bảng Anh đã sụp đổ hoàn toàn. Trong vòng xoáy của nó, thị trường chứng khoán Tokyo đã giảm 8%, báo trước một "ngày thứ sáu đen tối" trên các thị trường thế giới.
François Hollande (1954-)
Tại Pháp, quan điểm chính thức của chính phủ trước cuộc trưng cầu dân ý đã rõ. Nước Anh nên ở lại châu Âu. "Ở đây vấn đề không phải là tương lai của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu đang bị đe dọa, mà là tương lai của Liên minh châu Âu", Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhấn mạnh như vậy. Đối với ông, "sự ra đi của một quốc gia mà về mặt địa lý, chính trị, lịch sử đã từng nằm trong Liên minh châu Âu, chắc chắn sẽ có những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng."
Dĩ nhiên, Tổng thống François Hollande đã hình dung sẵn trong đầu những rủi ro của sự bất ổn kinh tế gắn với một vụ Brexit (nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu). Liệu sau đó, tình hình có "khá hơn" không? Theo một nghiên cứu của Standard & Poor (S&P), thì ông có thể an tâm về điều ấy. Nước Pháp không phải là nước phải lo lắng nhất về các hệ lụy của Brexit.
Trong nghiên cứu này, S&P đã dự kiến Chỉ số nhạy cảm Brexit (BSI, Brexit Sensitivity Index), đo lường kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của từng nước vào Vương quốc Anh tính theo GDP, các luồng dân di cư theo hai chiều, các khoản nợ về mặt tài chính so với các đối phần tại Vương quốc Anh, và các khoản đầu tư trực tiếp vào Vương quốc Anh.
David Cameron (1966-)
Cuối cùng, S&P ghi nhận 20 nước bị ảnh hưởng nhất từ vụ Brexit. Cách xếp hạng này có lợi thế là đặt các tác động tiềm tàng trong mối tương quan với quy mô của nền kinh tế của từng nước. Vì vậy, chính những nước nhỏ như Ireland, Malta, Luxembourg và Síp là những nước sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên trong trường hợp có cú sốc liên quan đến các giao dịch trao đổi thương mại hoặc luồng di dân. Các mối quan hệ tài chính chặt chẽ của các nước nói trên với ngành ngân hàng Anh có thể là một mối lo rất lớn.
Ở Pháp, chính các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, các khoản đầu tư trực tiếp vào nước Anh) có thể làm cho chúng ta bị phiền toái nhất. Các hoạt động xuất khẩu hoặc các mối liên hệ với thị trường tài chính Anh cuối cùng khá giới hạn, giới hạn hơn nhiều trường hợp của nước Đức.
Xin lưu ý rằng Thụy Sĩ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ dường như cũng bị liên lụy nhiều hơn chúng ta. Điều ngạc nhiên cuối cùng là không phải chỉ có EU lo lắng, bởi Canada cũng leo lên vị trí thứ 16 trong top 20 nước lo lắng nói trên.
Để hiểu chính xác mối quan hệ nhằng nhịt của các nền kinh tế châu Âu với Vương quốc Anh, dưới đây là chi tiết cách tính toán của Chỉ số nhạy cảm Brexit. Chúng ta đặc biệt thấy ở đó là kim ngạch xuất khẩu của chúng ta vào Vương quốc Anh chỉ tương đương với 2% GDP của nước Pháp.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF