Bài đã đăng trên tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 1 (209), 2016, tr. 14-28
Tìm hiểu khái niệm trí thức
Tóm tắt: Trí thức là một từ thông dụng trong đời sống xã hội nhưng thường được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, kể cả trong giới nghiên cứu khoa học xã hội. Bài này điểm lại một cách khái lược những quan niệm đáng chú ý về khái niệm trí thức của một số nhà triết học và xã hội học trên thế giới trong thế kỷ 20, đi từ M. Weber, A. Gramsci, K. Mannheim, J. Schumpeter, T. Parsons, R. Dahrendorf, E. Shils cho tới C.W. Mills, P. Berger, T. Luckmann, J.P. Nettl và P. Bourdieu.
“Trí thức”, người là ai? Người thế nào thì được gọi là trí thức? Trí thức đứng ở vị trí nào trong xã hội, và họ đóng vai trò gì? Trí thức là một từ hết sức thông dụng nhưng cũng thường được hiểu theo những nội hàm hết sức đa dạng và khác biệt nhau trong đời sống xã hội thường nhật cũng như ngay trong giới “trí thức” khoa học xã hội. Nói chung đã có rất nhiều cách định nghĩa cũng như rất nhiều quan niệm khác nhau về giới trí thức.
Mục tiêu bài viết này là tường thuật lại một cách khái lược một số quan niệm lý thuyết về trí thức mà chúng tôi cho là đáng quan tâm nơi một số nhà triết học và xã hội học trên thế giới trong thế kỷ 20. Nội dung bài viết được chúng tôi sắp xếp không phải theo tác giả mà theo một số đặc trưng của giới trí thức trong cấu trúc xã hội.
Trước khi đi vào nội dung chính, thiển nghĩ chúng ta cần phân biệt giữa từ trí thức với từ kẻ sĩ.
Trí thức và kẻ sĩ
Theo Từ điển tiếng Việt, trí thức là “người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình” (Hoàng Phê, 2000, tr. 1034). Từ điển tiếng Anh Oxford cũng đưa ra một định nghĩa có phần tương tự: intellectual (trí thức) là “người có học vấn cao và có những hoạt động mà trong đó họ suy nghĩ nghiêm túc về các sự việc”,[1] còn intelligentsia (giới trí thức) là “những người có học vấn cao trong một nước hay một xã hội và có quan tâm tới văn hóa, chính trị, văn chương, v.v.”[2] (A.S. Hornby, 2000, tr. 676). Tuy nhiên, giới khoa học xã hội trên thế giới, nhất là giới xã hội học, phần lớn đều không đồng ý với những cách định nghĩa như vậy vì cho là quá rộng và không nói lên được đặc trưng của người trí thức – chúng ta sẽ trở lại với chuyện này trong những tiểu mục tiếp theo.
|
Đào Duy Anh (1904-1988) |
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, từ “trí thức” có lẽ chỉ xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20. Trong cuốn Đại nam quấc âm tự vị in năm 1896, chưa có từ “trí thức” mà chỉ có mục từ “tri thức” được hiểu là “hay biết, quen biết”, và “kẻ tri thức” là “kẻ quen biết” (Huình Tịnh Paulus Của, 1896, tr. 480-481). Vào năm 1931, cuốn Việt Nam tự điển cũng chưa có từ “trí thức”, nhưng có từ “tri thức” được định nghĩa là “hiểu biết nhiều: [thí dụ] người tri thức trong xã hội” (Hội Khai trí Tiến đức, 1931, tr. 599-600). Đến năm 1932, từ “trí thức” xuất hiện trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, được hiểu là đồng nghĩa với từ “tri thức”, và ngoài ra còn có thêm mục từ “trí thức giai cấp” được định nghĩa là “những người trong xã hội thuộc về hạng có tri thức, đã từng chịu giáo dục khá cao (classe intellectuelle)” (Đào Duy Anh, 1957, quyển Hạ, tr. 487). Như vậy, chúng ta có thể suy đoán rằng từ “trí thức” nằm trong số rất nhiều danh từ từng được người Nhật dịch sang Hán tự từ các công trình khoa học xã hội Tây phương vào hậu bán thế kỷ 19 trong thời Minh Trị Duy tân, sau đó được các học giả Trung Quốc tiếp thu qua phong trào Tân Thư, rồi cuối cùng du nhập vào Việt Nam thông qua các sĩ phu trong các phong trào Đông Du và Đông kinh Nghĩa thục vào đầu thế kỷ 20 (xem Vĩnh Sính, 1993, tr. 38-69).
Sự xuất hiện của từ “trí thức” ở Việt Nam, theo chúng tôi, không phải chỉ là câu chuyện từ ngữ mà thực ra là một tín hiệu ngôn ngữ học đánh dấu sự ra đời của một tầng lớp xã hội mới chưa hề có trước đó, khác hẳn so với giới kẻ sĩ hay nho sĩ trong xã hội cổ truyền,[3] trong khuôn khổ của một tiến trình chuyển đổi của cấu trúc xã hội sang một dạng manh nha của hình thái xã hội tư sản dưới thời Pháp thuộc. Những đặc điểm của tầng lớp kẻ sĩ hay nho sĩ ở Việt Nam cũng tương tự như ở Trung Quốc thời xưa (literati) mà Max Weber từng phân tích kỹ lưỡng xét như một “giai tầng cầm quyền” (ruling stratum) ở Trung Quốc (H.H. Gerth, C.W. Mills, 1958, tr. 416-444).
|
Lê Quý Đôn (1726-1784) |
Theo Đào Duy Anh, kể từ thời Hậu Lê, khi nhà Lê “lấy khoa cử làm con đường dụng nhân duy nhất, dùng văn chương bát cổ để làm thước đo nhân tài, và lấy sách Tống nho làm chính thư”, thì nho học bắt đầu chiếm địa vị thống trị trong xã hội Việt Nam (Đào Duy Anh, 1951, tr. 237-238). Tuy nhiên, “nho học bấy giờ chỉ khư khư ở trong phạm vi cử nghiệp và nằm ép ở dưới quyền uy của Tống nho”, và “phần nhiều các nhà nho có tiếng ở đời ấy chỉ là những người giỏi từ chương, khéo dùng lời văn bóng bảy mà lập lại những tư tưởng của Chu Trình chứ không có biệt sáng được điều gì cả” (Đào Duy Anh, 1951, tr. 238).
Bàn về giới nho sĩ đời Lê, Lê Quý Đôn từng nhận xét như sau: “Quốc gia khôi phục thừa sau khi nhiễu nhương thì nhà nho vắng vẻ; đến đời Hồng-đức mở rộng khoa mục thì kẻ sĩ xô về hư văn; đời Đoan-khánh trở đi thì sĩ tập suy bại quá lắm” (dẫn lại theo Đào Duy Anh, 1951, tr. 238). Còn vua Minh Mạng thì từng nhận xét về việc học cử nghiệp như sau: “Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Văn chương vốn không có qui củ nhất định, mà nay những người làm văn cử nghiệp chỉ câu nệ hủ sáo, khoe khoang lẫn nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi” (dẫn lại theo Đào Duy Anh, 1951, tr. 238).
|
Edward Shils (1910-1995) |
Ở các nước Tây phương, tiến trình lịch sử hình thành của tầng lớp trí thức đã diễn ra trong những thế kỷ 16-19 theo hai xu hướng chính, đó là xu hướng thế tục hóa và xu hướng phê phán – đây là những hệ quả của quá trình tách biệt của người trí thức ra khỏi giáo hội Thiên Chúa giáo, cũng như ra khỏi cái ô của nhà nước. Chính vì thế, theo Edward Shils, trí thức thường là những người luôn lên tiếng phê phán trật tự xã hội hiện hành, và do vậy thường bị coi là những kẻ muốn làm loạn (dẫn lại theo R. Boudon, F. Bourricaud, 1986, tr. 334-339).
Vấn đề định nghĩa khái niệm trí thức
Một trong những vấn đề khó khăn nhất khi đề cập tới chủ đề trí thức là vấn đề định nghĩa. “Trí thức là một định chế, một tập thể, một vai trò, một loại người, hay là gì?” (J.P. Nettl, 1970, tr. 59)
Theo Joseph A. Schumpeter, định nghĩa trí thức bằng cách đối lập giữa lao động trí óc với lao động chân tay là một định nghĩa quá rộng, còn định nghĩa trí thức là những người “chuyên viết lách” (scribbling set) hoặc những học giả (hommes de lettres) thì lại quá hẹp. Cũng không thể định nghĩa trí thức là bao gồm tất cả những người có bằng đại học; tuy nhiên những người có bằng đại học thì có tiềm năng trở thành người trí thức. Bác sĩ hay luật sư chẳng hạn đều không phải là trí thức theo định nghĩa của Schumpeter, trừ phi họ viết hoặc phát biểu về những chủ đề nằm ngoài lãnh vực chuyên môn của mình (J.A. Schumpeter, 2003, tr. 146). Nói chung, người ta có thể có nhiều cách định nghĩa khác nhau, dựa trên: vai trò, chức năng, đặc trưng của hoạt động, hoặc sứ mệnh.
Tuy nhiên, theo John Peter Nettl, vấn đề định nghĩa trí thức cần phải được đặt “từ bên trong ra bên ngoài, từ một số loại ý tưởng nào đó đến một số loại người diễn đạt ý tưởng nào đó; chỉ lúc này mới có thể thêm vào biến số định chế hóa có liên quan. Như vậy, vấn đề định vị định chế và ý nghĩa của định chế, theo tôi, phụ thuộc chủ yếu vào những loại ý tưởng hơn là những loại người”[4] (J.P. Nettl, 1970, tr. 59). Theo Nettl, có thể phân chia các loại ý tưởng theo hai chiều kích: (a) mối liên hệ giữa những ý tưởng mới với kho kiến thức hiện hành mà chúng muốn tác động vào, và (b) cách thức cũng như những kênh cấu trúc mà thông qua đó các ý tưởng mới được quảng bá (J.P. Nettl, 1970, tr. 67).
Vị trí của trí thức trong cấu trúc xã hội
Trí thức là tầng lớp rất dễ thấy trong xã hội, nhưng rất khó xác định các ranh giới và định nghĩa một cách chính xác, mặt khác cũng rất khó mà định vị được trí thức trong cấu trúc xã hội (R. Boudon, F. Bourricaud, 1986, tr. 334).
|
Peter Berger (1929-) |
|
Thomas Luckmann (1927-2016) |
J.P. Nettl nhấn mạnh rằng phải quan niệm trí thức trước hết là người “không phụ thuộc vào mọi hình thức ràng buộc về mặt định chế”[5] (J.P. Nettl, 1970, tr. 59). Mặt khác, theo Peter Berger và Thomas Luckmann, do trí thức là “một chuyên gia có thứ kiến thức chuyên môn mà không phải ai trong xã hội nói chung cũng đều cần đến”, nên anh ta là “một loại người đứng ở ngoài lề” (P.L. Berger, T. Luckmann, 1971, tr. 143). Quan niệm của Berger và Luckmann về người trí thức xét như là “chuyên gia không ai cần đến” (unwanted expert) cũng rất gần với ý tưởng của Karl Mannheim khi ông nhấn mạnh về tình trạng ở ngoài lề (marginality) của người trí thức. Theo Berger và Luckmann, cần phân biệt rõ rệt giữa người trí thức với “người có kiến thức” (man of knowledge) nói chung (ibid., tr. 229).
|
Alfred Weber (1868-1958) |
|
Karl Mannheim (1893-1947) |
Karl Mannheim (một trong những người sáng lập bộ môn xã hội học về nhận thức) quan niệm rằng giới trí thức là “freischwebende Intelligenz”, một thuật ngữ bắt nguồn từ Alfred Weber và được Berger và Luckmann dịch là “giới trí thức không bị ràng buộc về mặt xã hội” (socially unattached intelligentsia), tức là một loại tầng lớp nằm xen kẽ giữa các tầng lớp xã hội khác, và tương đối độc lập với các lợi ích giai cấp (P.L. Berger, T. Luckmann, 1971, tr. 22).
Theo Ralf Dahrendorf, nếu xã hội chủ yếu bao gồm những người bên trên chuyên ban hành mệnh lệnh và những người bên dưới chuyên thi hành mệnh lệnh, thì trí thức là những người nằm ngoài và hoàn toàn không bị chi phổi bởi cái thang bậc ấy, và không tham gia vào những đặc quyền hay những cuộc tranh chấp giữa các bậc xã hội ấy. Anh ta không đứng bên trên để có thể ra lệnh cho người khác, nhưng anh cũng chẳng thuộc về những kẻ bên dưới vốn buộc phải tuân thủ mệnh lệnh của những kẻ bên trên (R. Dahrendorf, 1970, tr. 54).
Theo Schumpeter, trí thức không tạo nên một giai cấp xã hội theo kiểu như nông dân hay công nhân công nghiệp. Họ xuất thân “từ mọi ngóc ngách của xã hội” và họ trở thành “những kẻ tiên phong cho lợi ích của những giai cấp vốn không phải là giai cấp của họ” (J.A. Schumpeter, 2003, tr. 146).
Về vị trí của giới trí thức trong xã hội, nhận định sau đây của Edward Shils, theo chúng tôi, có lẽ là một ý tưởng thực sự xác đáng: “Hoạt động của các nhà trí thức và vị trí của họ trong xã hội là sản phẩm của một sự thỏa hiệp và một cách sắp xếp kết nối giữa tâm thế của người trí thức với các nhu cầu của xã hội”[6] (E. Shils, 1970, tr. 29). Người nằm giữ kho tri thức của xã hội
|
C. Wright Mills (1916-1962) |
Theo C. Wright Mills, trí thức không phải là một tầng lớp xã hội thuần nhất, mà là một tập hợp tản mác bao gồm nhiều nhóm nhỏ. Trí thức “cần được định nghĩa xét về chức năng của họ và những đặc trưng chủ quan của họ, chứ không phải xét về mặt vị trí xã hội của họ: với tư cách là những người hoạt động chuyên môn về biểu tượng, những người trí thức sản xuất, phân phối và duy trì những hình thái ý thức nhất định. Họ là những người trực tiếp chuyên chở nghệ thuật và tư tưởng” (C.W. Mills, 1974, tr. 142).
Max Weber cũng từng cho rằng trí thức chính là những người nắm giữ và lưu truyền các giá trị văn hóa của một xã hội: họ là những người “được tiền định ở một mức độ đặc thù vào việc quảng bá ‘tư tưởng quốc gia’, cũng giống như những người nắm quyền lực chính trị đưa ra tư tưởng về nhà nước. Về ‘trí thức’, chúng tôi hiểu đây là một nhóm người mà do vị thế cá biệt của mình có thể đặc biệt tiếp cận được một số thành tựu được coi là ‘giá trị văn hóa’, và vì thế chiếm đoạt quyền lãnh đạo đối với một ‘cộng đồng văn hóa’” (H.H. Gerth, C.W. Mills, 1958, tr. 176).
Do đó, vai trò của trí thức hết sức quan trọng: “bằng cách thuyết giáo, giảng dạy và viết lách, người trí thức truyền vào các tầng lớp dân chúng (…) một khả năng nhận thức và một ngôn ngữ tượng hình mà nếu không thì họ không có”, và nhờ vậy giúp cho dân chúng “bước vào một vũ trụ rộng lớn hơn” (E. Shils, 1970, tr. 30). Hơn nữa, “xã hội càng lớn và các nhiệm vụ mà các nhà cầm quyền đảm nhiệm càng phức tạp thì do vậy càng có nhu cầu phải có một bộ phận các nhà trí thức tôn giáo và các nhà trí thức thế tục” (E. Shils, 1970, tr. 29).
Người đặt mối bận tâm văn hóa lên hàng đầu
|
Talcott Parsons (1902-1979) |
Quan niệm của Talcott Parsons về trí thức cũng là một quan niệm đáng quan tâm. Theo Parsons, trước hết, trên bình diện phân tích, cần ý thức tính độc lập (điều này cũng bao hàm tính tương thuộc) giữa hệ thống xã hội với hệ thống văn hóa. “Hệ thống xã hội được tổ chức nhằm đáp ứng các yêu cầu của sự tương giao giữa các đơn vị hành động, kể cả cá nhân và đơn vị tập thể. Còn hệ thống văn hóa thì được tổ chức nhằm hình thành các khuôn mẫu ý nghĩa trong các hệ thống biểu tượng” (T. Parsons, 1970, tr. 3).
Trí thức, theo Parsons, là người “được [mọi người] kỳ vọng là (...) đặt những mối bận tâm văn hóa lên trên những mối bận tâm xã hội khi xác định những điều cam kết mà nhờ đó vai trò và vị trí chủ yếu của anh ta có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp vào những kết quả có giá trị của hoạt động của anh ta.”[7] Xét về mặt này, người trí thức khác biệt căn bản so với một vị giám đốc của một tổ chức, một bậc quân vương, một người chủ xí nghiệp, hay một người gia trưởng. Theo Parsons, “những người có chức trách xã hội thường dễ có khả năng hy sinh những lợi ích văn hóa cho những lợi ích xã hội”[8] (T. Parsons, 1970, tr. 4). Theo chiều hướng ý tưởng trên đây của Parsons, chúng ta có thể hiểu rằng một vị bác sĩ, chẳng hạn, phải luôn luôn coi “những mối bận tâm” y học của mình cao hơn, quan trọng hơn so với “những mối bận tâm” xã hội, như muốn làm vui lòng bệnh nhân, hoặc chỉ biết tuân phục mệnh lệnh của giám đốc bệnh viện chứ không hành xử theo lương tâm y học. Một kỹ sư làm việc trong nhà máy, hay một người thầy giáo làm việc trong nhà trường thì cũng tương tự như thế. Vì có làm như vậy thì những chuyên viên ấy mới bảo đảm được chất lượng công việc chuyên môn của mình.
Trong các xã hội quân chủ ngày xưa, một vị sử quan chẳng hạn có thể thường xuyên gặp phải nan đề sau đây: chép sử theo sự thật mà mình ghi nhận, hay chép theo ý thích hoặc mệnh lệnh của nhà vua? Bởi một lẽ dễ hiểu là nếu không viết theo ý vua thì sẽ dễ bị chém đầu. Trong các xã hội quân chủ thời ấy, tất nhiên chưa có những nền tảng định chế xã hội để có thể hình thành được sự tách biệt mà Parsons nói đến giữa “những mối bận tâm văn hóa” với “những mối bận tâm xã hội” nơi người trí thức trong các xã hội hiện đại.
Giới ưu tú hay tầng lớp trung lưu
Nơi các tác giả theo trường phái mác-xít, theo Pierre Séverac, ý niệm trí thức thường xoay quanh một trong ba cách hiểu như sau: (a) người sáng tạo ra những công trình và những giá trị đạo đức, (b) người chuyên chở các ý tưởng và các huyền thoại, nhưng đồng thời cũng có thể là người phê phán trật tự xã hội, (c) tầng lớp xã hội bao gồm những người lao động không làm việc chân tay, như kỹ sư, kỹ thuật viên, viên chức, nhà nghiên cứu, giáo viên, nghệ sĩ... (P. Séverac, 1985, tr. 602).
|
Antonio Gramsci (1891-1937) |
Tuy nhiên, vẫn theo Séverac, đặc biệt có Antonio Gramsci là người đã cố gắng khái niệm hóa tầng lớp này. Theo Gramsci, “ai cũng là trí thức, nhưng không phải ai trong xã hội cũng đảm nhiệm chức năng trí thức” (A. Gramsci, 1975, tr. 602, dẫn lại theo P. Séverac, 1985, tr. 602). Khái niệm trí thức được Gramsci định nghĩa theo hai chiều kích, chiều dọc và chiều ngang.
Định nghĩa theo chiều dọc: mỗi giai cấp đều có nhóm trí thức của riêng mình, với chức năng đặc thù là tổ chức giai cấp của mình bằng cách giảng dạy và truyền bá ý thức hệ của giai cấp dưới mọi hình thái. Đây chính là những trí thức được gọi là “hữu cơ” (organiques) vì họ vừa đóng vai giới ưu tú (élite) (nghiên cứu, sáng tạo, xây dựng thế giới quan), vừa có chức năng truyền bá tư tưởng ra đại chúng. Tuy nhiên, giới này cũng đồng thời có một sứ mệnh tổng quát hơn, vì ảnh hưởng của họ có thể vượt khỏi tầm giai cấp và lan tỏa đến mọi giai cấp xã hội khác ở tầm vóc quốc gia.
Định nghĩa theo chiều ngang: chính chức năng thống lãnh (hégémonique) và vị thế “hữu cơ” đã khiến cho giới trí thức nằm trên điểm quỹ tích của các giai cấp, và do vậy người ta thường xem họ là tầng lớp trung lưu (classe moyenne). Nhưng đồng thời, theo Gramsci, trí thức luôn tự coi mình như “đại diện cho cả một truyền thống văn hóa, cô đọng và tổng hợp toàn bộ lịch sử của truyền thống văn hóa ấy” (dẫn lại theo P. Séverac, 1985, tr. 602-603).
Vừa là quan sát viên, vừa là kẻ phê phán
Mặc dù trí thức có thể là quan sát viên (onlooker), là người “ngoài cuộc” (outsider) đối với xã hội (J.A. Schumpeter, 2003, tr. 147; C.W. Mills, 1974, tr. 142), mặc dù họ có thể là những người sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, và mặc dù họ có thể nằm trong hoặc nằm ngoài các định chế xã hội đương thời, nhưng “dù thế nào chăng nữa, với tư cách là trí thức, họ là những người sống cho các ý tưởng, chứ không phải sống nhờ dựa vào các ý tưởng”[9] (C.W. Mills, 1974, tr. 142-143).
|
Albert Camus (1913-1960) |
|
Hans Gerth (1908-1978) |
Trí thức là những người tách rời khỏi những giá trị bình dân và những định kiến thông thường, họ gần như luôn luôn “ở trong thế nổi loạn chống lại hệ thống chịu sự thống trị của lợi ích và sự tuân phục”[10] (C.W. Mills, 1974, tr. 143). Dĩ nhiên, theo Albert Camus, trí thức trước hết cũng phải là “một người có đầu óc tự quan sát chính mình” (dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall, 2009, tr. 362). Hans Gerth và Wright Mills từng nhận định rằng trí thức là một trong số những thành phần được/bị coi là “trệch hướng” (deviationist) trong xã hội (H. Gerth, C.W. Mills, 1964, tr. 270). Berger và Luckmann phân tích tình trạng trệch hướng này như sau: “Dù ở trường hợp nào đi nữa, tình trạng ở ngoài lề xã hội của anh ta cũng cho thấy anh ta không chịu hội nhập trên phương diện lý thuyết vào trong lòng vũ trụ [biểu tượng] của xã hội anh ta. Anh ta tỏ ra là một chuyên gia đối đầu trong công việc định nghĩa thực tại. Tương tự như chuyên gia ‘chính thức’, anh ta cũng có một bản thiết kế cho xã hội nói chung. Nhưng trong khi bản thiết kế của chuyên gia ‘chính thức’ luôn luôn phù hợp với các chương trình định chế, và được dùng để chính đáng hóa các chương trình này về mặt lý thuyết, thì bản thiết kế của người trí thức lại tồn tại trong một cõi chân không về mặt định chế, nếu có được khách thể hóa về mặt xã hội thì khá lắm cũng chỉ giới hạn trong một tiểu xã hội bao gồm những người trí thức đồng môn mà thôi. Khả năng sống sót được đến đâu của tiểu xã hội này hiển nhiên là phụ thuộc vào những cấu hình cấu trúc trong xã hội rộng lớn hơn. Có thể khẳng định chắc chắn rằng một mức độ đa nguyên nhất định chính là một điều kiện cần thiết [cho khả năng sống sót ấy]” (P.L. Berger, T. Luckmann, 1971, tr. 143).
Thế nhưng Gerth và Mills cũng nhấn mạnh rằng có những trí thức “trệch hướng” ấy lại “thường đóng những vai trò quan trọng trong những giai đoạn chuyển đổi từ một cấu trúc xã hội này sang một cấu trúc xã hội khác. Họ phê phán những thứ đang tồn tại như thể là những thứ ‘đã chết rồi’, và họ làm điều này nhân danh những tiêu chuẩn chưa thành hiện thực, và có thể ngay cả những tiêu chuẩn ‘không tưởng’, không thể thực hiện được” (H. Gerth, C.W. Mills, 1964, tr. 270-271).
Theo Ralf Dahrendorf, những “câu hỏi gây sốc” (shocking questions) đối với xã hội luôn luôn cần được đặt ra, bởi lẽ “bất cứ vị trí nào mà người ta không thảo luận về vị trí đối lập của nó thì đấy là một vị trí yếu”[11] (R. Dahrendorf, 1970, tr. 55). Do vậy, “việc củng cố những vị trí đã được chấp nhận – vị trí chính trị, đạo đức, sư phạm, tôn giáo hay bất cứ vị trí nào khác – bằng cách chất vấn chúng và nhờ vậy mới tìm ra được nền tảng vững chắc hơn cho chúng, đó là nhiệm vụ xã hội của những anh hề cung đình của xã hội hiện đại, các nhà trí thức” (R. Dahrendorf, 1970, tr. 55). Vị trí nước đôi và tâm thế mắc nợ của kẻ có đặc quyền
|
Pierre Bourdieu (1930-2002) |
Theo Pierre Bourdieu, nếu coi trí thức là kẻ “không bị ràng buộc và cũng chẳng thuộc về ai” (sans attaches ni racines) giống như quan niệm của Karl Mannheim thì đấy thực sự là một “ảo tưởng” hay gần như một thứ “ý thức hệ nghề nghiệp của những người trí thức” (idéologie professionnelle des intellectuels). Theo Bourdieu, “với tư cách là người nắm giữ vốn văn hóa, trí thức là một bộ phận (bị thống trị) của giai cấp thống trị, và nhiều lập trường của họ, trong lãnh vực chính trị chẳng hạn, xuất phát từ vị trí nước đôi của họ [ambiguïté de leur position] – đó là vị trí của những kẻ bị thống trị trong số những kẻ thống trị” (P. Bourdieu, 1984, tr. 70).[12] Trí thức là người vừa có “đặc quyền” nắm giữ vốn văn hóa, vừa có “thẩm quyền” (gần như theo nghĩa pháp lý vì đã được mặc nhiên thừa nhận về mặt xã hội) phát biểu một cách đầy uy quyền về những lãnh vực vượt ra ngoài thẩm quyền chuyên môn của mình, nhất là về lãnh vực chính trị.
Vì thế, theo Bourdieu, một mặt, họ có nguy cơ “tiếm đoạt” thẩm quyền phát biểu ấy để làm ra vẻ mình là kẻ biết mọi lời giải về mọi chuyện. Nhưng mặt khác, cũng chính nhờ cái “đặc quyền” là có những điều kiện để phân tích và hiểu ra ngọn nguồn của sự vận hành của xã hội, nên người trí thức có thể “tự giải phóng mình (ít ra phần nào) và cung cấp cho người khác những phương tiện giải phóng” (ibid., tr. 72).
Theo Bourdieu, “bộ môn xã hội học [về trí thức] đem đến một khả năng là phá vỡ sự mê muội, tố cáo mối quan hệ giữa kẻ chiếm hữu với kẻ bị chiếm hữu”, giải thoát những người tưởng mình là “trí thức tự do” ra khỏi “ảo tưởng mình là kẻ thống trị thời đại” trong khi thực ra mình đang là “kẻ bị thời đại thống trị”. Ông thấy “có cái gì đó tội nghiệp cho sự ngoan ngoãn của những người ‘trí thức tự do’ khi họ xăng xái nộp những bài luận văn của mình về những chủ đề do xu thế đương thời áp đặt” (ibid., tr. 70). Bourdieu cho rằng đặc trưng của trí thức không phải là “biết mình phải nghĩ gì” về tất cả những thứ mà xã hội thời thượng coi là đáng suy nghĩ, nhưng ngược lại, cần “tìm cách khám phá ra tất cả những gì mà lịch sử và lô-gic của trường trí thức [champ intellectuel] đã từng buộc anh ta phải suy nghĩ (...) với ảo tưởng là mình đang được tự do” (ibid., tr. 71).
Với tư cách là một người trí thức, Bourdieu tâm sự rằng đôi lúc ông thấy mình như “một kẻ xa lạ [étranger] giữa thế giới trí thức” khi chứng kiến “những trí thức có quá nhiều câu trả lời trong khi thực ra họ có quá ít câu hỏi”. Và ông bày tỏ cảm giác bất an đối với vị trí “đặc quyền” trí thức của mình như sau: “Tôi chưa bao giờ biện bạch được một cách trọn vẹn rằng mình là một người trí thức, tôi không cảm thấy yên tâm như ‘ở nhà’ [chez moi], tôi có cảm tưởng đang mắc nợ – mắc nợ ai? tôi không biết – về điều mà tôi cảm thấy như một đặc quyền không thể biện bạch được” (ibid., tr. 76). Ông dẫn lời Descartes: “Ai làm tăng trưởng nền khoa học của mình thì cũng làm gia tăng nỗi đau của mình.” Bourdieu cho rằng “khoa học xã hội phá vỡ nhiều điều bịp bợm cũng như nhiều điều ảo tưởng” (ibid., tr. 77).
“Anh-hề-cung-đình”
|
Ralf Dahrendorf (1929-2009) |
Ralf Dahrendorf từng so sánh chức năng của người trí thức trong xã hội hiện đại tương tự như vai trò của “anh hề” (fool hay jester) trong triều đình Âu châu thời xưa vốn thường xuất hiện bên cạnh nhà vua hoặc hoàng hậu để kể chuyện đùa, chuyện vui. Khi nói đến ý tưởng này, Dahrendorf nhắc tới nhân vật Falstaff trong các vở kịch của William Shakespeare[13]; đây là một nhân vật hài hước, chuyên diễu cợt, luôn luôn đi kèm theo một vị hoàng tử (R. Dahrendorf, 1970, tr. 53-54). Theo Dahrendorf, trong bất cứ xã hội nào, luôn luôn có những người “ở bên trên” (those above) chuyên ra lệnh và những người “ở bên dưới” (those below) chuyên làm theo luật lệ mà những kẻ bên trên đã ban hành; ngoài ra, cũng có những người ở giữa, không chỉ ra lệnh mà cũng không chỉ thi hành, chẳng hạn kế toán viên hay cảnh sát viên. Tuy nhiên, ngoài ba hạng người ấy, còn có một loại nữa mà người ta thường bỏ quên. Đó là chính là nhân vật “anh hề” nói trên. Không giống như những người ở bên trên, ở giữa hay ở bên dưới vốn luôn luôn phải đóng đúng vai của mình, anh hề được coi là diễn viên nằm ngoài mọi vai. “Vai của anh ta là không đóng vai nào”: “điều mà mỗi người phải làm” và “cách mà mỗi người phải diễn” chính là những điều mà anh hề không tuân theo (R. Dahrendorf, 1970, tr. 54).
Anh hề đóng vai “lương tâm phê phán của những kẻ cầm quyền” (critical conscience of the rulers) và có quyền tự do làm những điều mà những kẻ bên dưới nếu làm thì sẽ bị trừng phạt. Dahrendorf mô tả đặc điểm của anh hề như sau: “Quyền lực của anh hề nằm nơi sự tự do của anh ta so với hệ thống tôn ti của trật tự xã hội, nghĩa là, anh ta phát ngôn từ bên ngoài cũng như từ bên trong đó. Anh hề thuộc về trật tự xã hội nhưng không buộc phải trung thành với nó; anh ta có thể phát ngôn cả những sự thật nhức nhối về trật tự xã hội ấy mà không phải sợ hãi gì” (R. Dahrendorf, 1970, tr. 54).
Dahrendorf ví vai trò người trí thức trong xã hội hiện đại cũng phần nào tương tự “anh hề” trong cung đình ngày xưa: “Với tư cách là những anh hề cung đình của xã hội hiện đại, mọi trí thức đều có nghĩa vụ phải hoài nghi tất cả những gì hiển nhiên, coi mọi quyền hành đều mang tính tương đối, đặt ra tất cả những câu hỏi mà không ai khác dám nêu lên” (R. Dahrendorf, 1970, tr. 55).
“Anh hề” không phải gánh vác một trách nhiệm nào, và lẽ tất nhiên cũng chẳng có quyền lực gì, nhưng không phải vì thế mà sự thật anh ta nói ra bị kém giá trị hơn. “Một xã hội có dung nạp hay không những anh hề cung đình trí thức chuyên phê phán và chất vấn các định chế của mình, và cách thức mà xã hội khoan dung chấp nhận những người này, đấy chính là thước đo cho sự trưởng thành và sự vững chắc nội tại của xã hội ấy” (R. Dahrendorf, 1970, tr. 56).
Vài tiêu chuẩn xác định người trí thức
|
François Bourricaud (1922-1991) |
|
Raymond Boudon ((1934-2013) |
Tuy khó định nghĩa được khái niệm trí thức, nhưng theo Raymond Boudon và François Bourricaud, dù sao cũng có hai tiêu chuẩn để định vị người trí thức. Tiêu chuẩn thứ nhất là trình độ chuyên môn (qualification): trí thức là người phải có một năng lực tri nhận ở mức độ tối thiểu nào đó, nhưng không phải người nào có bằng cấp cao cũng đều là trí thức. Tiêu chuẩn thứ hai là sứ mệnh (vocation). Nói như Edward Shils, trí thức là người “gần gũi với những giá trị căn bản của xã hội” – điều này làm cho người trí thức có một ý thức và một căn cước tính đặc thù trong xã hội. Ngoài hai tiêu chuẩn trên, Raymond Boudon và François Bourricaud còn nêu thêm đặc trưng thứ ba của người trí thức, đó là tâm thế luôn đi tìm sự thật (R. Boudon, F. Bourricaud, 1986, tr. 334-339).
|
Joseph Schumpeter (1883-1950) |
Còn theo Joseph Schumpeter, người trí thức có ba đặc trưng sau đây. Trước hết, trí thức quả là những người sử dụng ngôn từ viết hoặc nói, nhưng khác với những người viết hoặc nói khác ở chỗ họ không đảm nhiệm một trách nhiệm trực tiếp nào liên quan tới những lãnh vực thực tiễn. Kế đến, nói chung, trí thức là người không có những kiến thức trực tiếp xuất phát từ kinh nghiệm. Đặc trưng thứ ba là thái độ phê phán của người trí thức – vừa do anh ta chỉ là một người quan sát, người “ngoài cuộc”, vừa do sự kiện là cơ may tác động duy nhất của anh ta chỉ là “gây rối” (nuisance) bởi những điều mà anh ta nói ra hoặc viết ra (J.A. Schumpeter, 2003, tr. 147).
Theo Schumpeter, với tư cách là người tự do/không bị ràng buộc (free lance), trí thức chính là người “đỡ đẻ” (midwife) của xã hội (J.A. Schumpeter, 2003, tr. 149).
Schumpeter nhấn mạnh rằng chính hình thái xã hội tư sản là nơi cưu mang cho sự xuất hiện và sự lớn mạnh của tầng lớp trí thức “gây rối” này: “Khác với bất cứ loại hình xã hội nào khác, chủ nghĩa tư bản, do chính lô-gic của nền văn minh của mình, có hệ quả không thể tránh khỏi là tạo ra, giáo dục và trợ cấp cho những người chuyên khuấy động xã hội”[14] (J.A. Schumpeter, 2003, tr. 146). Trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa “vừa không muốn, vừa bất lực trong việc kiểm soát giới trí thức của mình một cách có hiệu quả. Chuyện không muốn ở đây là không muốn sử dụng nhất quán những phương pháp không thích hợp với tâm thức đã hình thành trong quá trình tư bản chủ nghĩa; còn sự bất lực có nghĩa là nó không thể làm như vậy trong lòng khuôn khổ những định chế đã hình thành trong quá trình tư bản chủ nghĩa, vì nếu làm như vậy thì nó sẽ tuân theo những qui tắc phi tư sản”[15] (J.A. Schumpeter, 2003, tr. 151). Giới trí thức trong các xã hội đương đại
Nhìn chung, tính chất ngày càng đa dạng và chuyên môn hóa của giới trí thức trong thế kỷ 20 khiến cho giới này không tạo nên một cộng đồng trong đó mọi người gắn bó với nhau bởi một ý thức tương hợp chung, bởi cùng những qui tắc và những biểu tượng nhận diện chung; nhưng dù vậy, họ vẫn có thể hình thành những tiểu cộng đồng (E. Shils, 1970, tr. 40).
Trong xã hội hiện đại, trí thức không tạo thành một tầng lớp rõ rệt. Mặc dù đời sống trí thức của xã hội tiếp tục sinh sôi nảy nở phong phú, nhưng người trí thức không còn là người thực hiện một vai trò đặc thù trong xã hội, mà chỉ là một người được coi là có một thứ nhân cách đặc thù nào đó (J. Scott, G. Marshall, 2009, tr. 362).
Ở châu Âu ngày xưa, đời sống trí thức nảy sinh từ hai điều kiện chủ yếu: sự độc lập tương đối của người trí thức đối với các tầng lớp và các định chế xã hội, và vị trí duy nhất mà họ chiếm giữ trong những xã hội mà đa số dân chúng đều thất học. Nhưng sau này, do các quá trình dân chủ hóa, phổ cập học vấn và hình thành các bộ máy hành chánh, vai trò độc lập của trí thức ngày càng suy giảm. Trí thức trong các xã hội hiện đại phần lớn được thu hút vào trong các tổ chức và định chế lớn như đại học và trở thành những người làm công ăn lương cho bộ máy nhà nước. Khi làm việc cho những tổ chức này, vốn là những nơi không cổ súy cho những ý tưởng mới hay những ý tưởng mang tính chất thách thức, những người có bằng cấp trở thành những người theo đuổi sự nghiệp và tìm cách thăng tiến về địa vị hơn là những trí thức theo đúng nghĩa của thuật ngữ này (Russell Jacoby, The Last Intellectuals, 1987, dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall, 2009, tr. 361-362). Quả vậy, từ năm 1951, Wright Mills từng nhận xét rằng trong xã hội Mỹ, kỹ thuật viên (technician) ngày càng thay thế chỗ của người trí thức (C.W. Mills, 1974, tr. 157). Và trước đó, ngay trong thập niên 1930, Gramsci cũng cho rằng chính nhà nước hiện đại đã góp phần làm cho trí thức trở thành một tầng lớp xã hội đặc thù bằng cách nhân rộng các chức năng đào tạo và tổ chức của trí thức thành các viên chức và kỹ thuật viên thuộc đủ mọi loại và đủ mọi trình độ, dẫn đến chỗ ra đời cái mà Gramsci gọi là “trí thức-đại chúng” (intellectuel-masse) (dẫn lại theo P. Séverac, 1985, tr. 603).
|
Richard Hofstadter (1916-1970) |
Ngày nay, người ta có nhiều cách nhìn nhận khác nhau và thậm chí đối nghịch nhau về trí thức. Có người nhận xét rằng trí thức bây giờ không còn được tin cậy về các năng lực của mình trong một xã hội thực dụng và duy vật (Richard Hofstadter, Anti-Intellectualism in American Life, 1962). Có người thì lại coi trí thức là kẻ không có đầu óc thực tế và hay mơ mộng viển vông (Paul Johnson, Intellectuals, 1988, Steve Kimball, Tenured Radicals, 1988). Nhưng cũng có quan điểm khác coi trí thức là tầng lớp sẽ đóng một vai trò hoàn toàn mới trong xã hội hậu hiện đại, trong “xã hội tri thức” (Daniel Bell, The Coming of Post Industrial Society, 1964, Alvin Gouldner, The New Class and the Future of Intellectuals, 1981) (cả bốn nguồn tài liệu vừa nêu đều được chúng tôi dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall, 2009, tr. 361-362).
Dù theo quan điểm nào đi chăng nữa, chúng tôi cho rằng để hiểu được giới trí thức, chúng ta cần lưu tâm tới một ý tưởng quan trọng sau đây của Antonio Gramsci: ông từng cảnh báo sự sai lầm về phương pháp khi đi tìm tiêu chuẩn để xác định trí thức dựa trên những đặc trưng nội tại của lao động trí óc mà họ đảm nhận, chứ không dựa trên hệ thống quan hệ xã hội trong đó diễn ra các hoạt động lao động trí óc. Cũng tương tự như chúng ta không thể định nghĩa một cách đơn giản người thợ hay người công nhân là những người lao động chân tay, mà phải xác định đặc trưng lao động của họ trong những điều kiện và những mối quan hệ xã hội nhất định (A. Gramsci, 1975, tr. 601-602). Do vậy, chúng ta chỉ có thể hiểu được vị trí và vai trò của giới trí thức khi đặt họ vào trong khuôn khổ một cấu trúc xã hội nhất định cũng như một bối cảnh xã hội-lịch sử đặc thù nhất định.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Berger, Peter L., and Thomas Luckmann. 1971. The Social Construction of Reality. A Treatise in the Sociology of Knowledge. Harmondsworth: Penguin Books.
2. Boudon, Raymond, et François Bourricaud. 1986. Dictionnaire critique de la sociologie (2e édition). Paris: Presses Universitaires de France.
3. Bourdieu, Pierre. 1984. Questions de sociologie. Paris: Minuit.
4. Dahrendorf, Ralf. 1970. “The Intellectual and Society. The Social Function of the ‘Fool’ in the Twentieth Century” [1953]. trong P. Rieff (Ed.). On Intellectuals. Theoretical Studies. Case Studies. Garden City, New York: Anchor Books. Doubleday & Company. Inc.. tr. 53-56.
5. Đào Duy Anh. 1951. Việt Nam văn hóa sử cương [1938]. Sài Gòn: Nxb Bốn phương (tái bản).
6. Đào Duy Anh. 1957. Hán Việt từ điển giản yếu (1932). Sài Gòn: Nxb Trường Thi tái bản.
7. Gerth, H.H., and C. Wright Mills (Eds.). 1958. From Max Weber: Essays in Sociology [1946]. Translated, edited and with an introduction by H.H. Gerth and C. Wright Mills. New York: Oxford University Press.
8. Gerth, Hans, and C. Wright Mills. 1964. Character and Social Structure. The Psychology of Social Institutions [1953]. New York: Harcourt. Brace and World. Inc.
9. Gramsci, Antonio. 1975. Gramsci dans le texte. François Ricci et Jean Bramant (Dir.), traduit de l’italien par J. Bramant, G. Moget, A. Monjo, F. Ricci. Paris: Ed. Sociales.
10. Hoàng Phê (chủ biên). 2000. Từ điển tiếng Việt. Hà Nội, Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học.
11. Hornby, A.S. 2000. Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English. Sixth edition. Edited by Sally Wehmeier. New York: Oxford University Press.
12. Hội Khai trí Tiến đức, Ban Văn học. 1931. Việt Nam tự điển. Hà Nội: Imprimerie Trung Bắc Tân văn.
13. Huình Tịnh Paulus Của. 1896. Đại nam quấc âm tự vị. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie, tập II.
14. Labica, Georges, et Gérard Bensussan (Dir.). 1985. Dictionnaire critique du marxisme. Paris: Presses Universitaires de France.
15. Mills, C. Wright. 1974. White Collar. The American Middle Classes [1951]. London: Oxford University Press.
16. Nettl, John Peter. 1970. “Ideas, Intellectuals, and Structures of Dissent”. trong P. Rieff (Ed.). On Intellectuals. Theoretical Studies. Case Studies. Garden City, New York: Anchor Books, Doubleday & Company, Inc. tr. 57-134.
17. Parsons, Talcott. 1970. “‘The Intellectual’: A Social Role Category”. trong P. Rieff (Ed.). On Intellectuals. Theoretical Studies. Case Studies. Garden City, New York: Anchor Books, Doubleday & Company, Inc. tr. 3-26.
18. Rieff, Philip (Ed.). 1970. On Intellectuals. Theoretical Studies. Case Studies. Garden City, New York: Anchor Books, Doubleday & Company, Inc.
19. Schumpeter, Joseph A. 2003. Capitalism, Socialism and Democracy [1943]. with a new introduction by Richard Swedberg. London: Routledge.
20. Scott, John, and Gordon Marshall (Eds.). 2009. A Dictionary of Sociology. 3rd edition revised. Oxford: Oxford University Press.
21. Séverac, Pierre. 1985. “Intellectuels”, trong G. Labica, G. Bensussan (Dir.). Dictionnaire critique du marxisme. Paris: Presses Universitaires de France. tr. 601-604.
22. Shils, Edward. 1970. “The Intellectuals and the Power: Some Perspectives for Comparative Analysis” [1958]. trong P. Rieff (Ed.). On Intellectuals. Theoretical Studies. Case Studies. Garden City, New York: Anchor Books, Doubleday & Company, Inc. tr. 27-52.
23. Vĩnh Sính. 1993. Việt Nam và Nhật Bản trong thế giới Đông Á. TP.HCM: Đại học Sư phạm.
[*] PGS.TS xã hội học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ. Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (mã số KX.02.20/11-15) (chủ nhiệm đề tài: GS.TS Bùi Thế Cường, cơ quan chủ trì, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ).↩
[1] Nguyên văn đoạn này: “a person who is well educated and enjoys activities in which they have to think seriously about things”.↩
[2] Nguyên văn: “the people in a country or a society who are well educated and are interested in culture, politics, literature, etc.”↩
[3] Theo Từ điển tiếng Việt, kẻ sĩ là “trí thức trong xã hội phong kiến” (Hoàng Phê, 2000, tr. 482), nhà nho là “người trí thức theo nho giáo thời phong kiến” (ibid., tr. 720), nho sĩ là “người theo nho giáo, thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến” (ibid., tr. 721), và sĩ phu là “người trí thức có danh tiếng trong xã hội phong kiến” (ibid., tr. 857).↩
[4] Nguyên văn câu này như sau: “[The problem of definition] must be defined from inside out, from certain types of ideas toward certain categories of idea-articulators; only then can the related variable of institutionalization be added. Thus the problem of institutional location and significance depends, it seems to me, primarily on types of ideas rather than types of people.” (những chỗ nhấn mạnh là do J.P. Nettl)↩
[5] Nguyên văn cụm từ này: “free of all forms of institutional attachment”.↩
[6] Nguyên văn đoạn này: “The intellectuals’ activities and their situation in society is the product of a compromise and an articulation of the intellectual disposition and the needs of society”.↩
[7] Nguyên văn đoạn này: the intellectual as a person who is “expected (...) to put cultural considerations above social in defining the commitments by virtue of which his primary role and position are significant as contributions to valued outcome of his action.”↩
[8] Nguyên văn: “those with societal responsibilities are disposed to sacrifice cultural to societal interests”.↩
[9] Nguyên văn đoạn này: “They may be onlookers and outsiders, or overseers and insiders; but however that may be, as intellectuals they are people who live for ideas and not off ideas” (những chỗ nhấn mạnh là do C.W. Mills).↩
[10] Nguyên văn đoạn này: “in a kind of permanent mutiny against the regime of utility and conformity”.↩
[11] Nguyên văn câu này như sau: “each position whose opposite is not discussed is a weak position”.↩
[12] Các ý tưởng của Pierre Bourdieu trong mục này nằm trong một bài trả lời phỏng vấn của ông cho tờ Le Monde chủ nhật, số ra ngày 4-5-1980, do Didier Eribon thực hiện (P. Bourdieu, 1984, tr. 67-78).↩
[13] Đó là vở Henry IV phần 1, vở Henry IV phần 2, và vở The Merry Wives of Windsor.↩
[14] Nguyên văn câu này: “unlike any other type of society, capitalism inevitably and by virtue of the very logic of its civilization creates, educates and subsidizes a vested interest in social unrest”.↩
[15] Nguyên văn đoạn này: “From this follows both the unwillingness and the inability of the capitalist order to control its intellectual sector effectively. The unwillingness in question is unwillingness to use methods consistently that are uncongenial to the mentality shaped by the capitalist process; the inability is the inability to do so within the frame of institutions shaped by the capitalist process and without submitting to non-bourgeois rule.”↩