27.6.16

Brexit: và bây giờ thì điều gì sẽ xảy ra tiếp?



Brexit: và bây giờ thì điều gì sẽ xảy ra tiếp?
Christian CHAVAGNEUX
Sau thành công của sự kiện Brexit, Thủ tướng David Cameron tuyên bố, vào hôm Thứ Sáu 24 tháng 6, rằng ông sẽ rời khỏi căn nhà số 10 đường Downing Street trong ba tháng tới. ®ERIC TSAHEN/REA
Winston Churchill (1874-1965)
Charles de Gaulle (1890-1970)
Vào tháng 6 năm 1944, Winston Churchill đã tuyên bố với Tướng de Gaulle: "Hãy nhớ điều này! Mỗi khi phải lựa chọn giữa châu Âu và ra khơi, thì chúng tôi phải luôn luôn chọn ra khơi." Qua cuộc trưng cầu dân ý, người Anh đã làm theo lời dự đoán trên. Thực vậy, với 51,9% số phiếu, họ đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU, European Unity).
Những người ủng hộ việc rời khỏi ("leave") Liên minh châu Âu đã hứa một cõi niết bàn cho Vương quốc Anh và những người ủng hộ việc ở lại (“Remain”) đã hứa một thảm họa. Điều xảy ra là không phải cái này cũng chẳng phải cái kia.
Các hiệu ứng tài chính trước mắt
Việc bỏ phiếu ủng hộ Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ ngay lập tức mở ra một thời kỳ bất định cho nền kinh tế Anh đối với các mối quan hệ với châu Âu trong tương lai. Một sự bất định về mặt tài chính, chính trị và thương mại.
Các cá nhân và tổ chức vay tiền của nước Anh sẽ đứng trước viễn cảnh phải trả lãi suất cao hơn
Khi các thị trường chứng khoán mở cửa vào sáng hôm thứ Sáu, đồng bảng Anh bị mất giá mạnh, đạt mức thấp nhất kể từ năm 1985. Nhưng như đã dự kiến trước, Ngân hàng Anh Quốc cho rằng họ đã sẵn sàng "bơm 250 tỷ bảng Anh" để dập tắt cơn sốt trên các thị trường. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể vào cuộc khi cơn bão lặng đi, để đảm bảo sự vận hành của hệ thống ngân hàng. Có nhiều khả năng là những cá nhân và tổ chức vay tiền của nước Anh trên các thị trường tài chính sẽ được yêu cầu trả lãi suất cao hơn, để bù đắp cho sự bất định này. Các doanh nghiệp khác ở châu Âu cũng có thể sẽ phải chịu số phận tương tự trong bầu không khí chung này.
Tình trạng rối ren trước mắt về chính trị và kinh tế
Thêm vào đó là một tình trạng rối ren về mặt chính trị, khó có thể dự đoán được kết quả. Thủ tướng David Cameron cho biết ông sẽ khởi động ngay lập tức Điều khoản 50 của hiệp ước về Liên minh châu Âu liên quan đến việc một quốc gia tiến hành rời khỏi liên minh. Vả lại, ông cũng đã tuyên bố từ chức vào tháng 10 tới.
Các điều kiện rời khỏi EU không rõ ràng
David Cameron (1966-)
Wolfgang Schäuble (1942-)
Tuy nhiên, những người ủng hộ việc rời khỏi EU tuyên bố muốn thông qua ngay các luật hạn chế quyền tự do đi lại của người dân và quyền lực của Tòa án Tư pháp châu Âu đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán về tương lai các quan hệ thương mại và đầu tư với Liên minh, trước khi bắt đầu các thủ tục rời khỏi EU. Điều mà các nước khác của châu Âu đã từ chối, theo lời của Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng Tài chính Đức: "Ở là ở. Đi là đi (In is in. Out is out)." Đủ để khơi dậy những căng thẳng chính trị mạnh mẽ.
Nhiều kiểu quan hệ khả dĩ
Giả sử khía cạnh chính trị này được giải quyết, thì cũng có nhiều khả năng mở ra cho các quan hệ với châu Âu trong tương lai.
Vương quốc Anh có thể hội nhập vào Khu vực Kinh tế châu Âu (EEE). Trong trường hợp này, sẽ không có nhiều thay đổi lớn. Bởi vì khi đó sẽ có quyền tự do chuyển dịch hàng hóa, dịch vụ và tư bản, và các thể chế tài chính ở London có thể tiếp tục được hưởng lợi từ "hộ chiếu châu Âu", có nghĩa là khả năng tiếp thị các sản phẩm tài chính của họ trong toàn bộ khu vực.
Một sự gia nhập vào Khu vực Kinh tế châu Âu sẽ ít làm thay đổi vị thế hiện tại
Tuy nhiên, chi phí qua lại biên giới sẽ cao hơn một chút. Và nếu Vương quốc Anh muốn tiếp tục tham gia vào các chương trình chuyên biệt như Erasmus (trao đổi sinh viên), Galileo (GPS châu Âu – Global Positioning System, hệ thống định vị toàn cầu) hoặc các chương trình khác, thì sẽ phải đóng góp cho ngân sách. Ví dụ, đó là trường hợp của Na Uy phải đóng 135 euro cho mỗi đầu người vào ngân sách của châu Âu, trong khi Thụy Sỹ, nước vừa đạt được một gói các thỏa thuận khu vực với Liên minh, chỉ phải trả có 70 euro cho mỗi đầu người. Hiện nay, Vương quốc Anh trả 150 euro cho mỗi đầu người: cho nên nếu họ phải đến gần với cương vị của Na Uy, thì việc hạ mức đóng góp vào ngân sách cũng sẽ không giúp nước này tiết kiệm được mấy.
Nhưng người Anh có thể tự bằng lòng với một gói các thỏa thuận như Thụy Sĩ, với một liên minh hải quan đơn giản như Thổ Nhĩ Kỳ, với một thỏa thuận thương mại tự do như Canada, hoặc với các quy tắc chung của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trong trường hợp này, ngân sách đóng góp của Vương quốc Anh – bây giờ tương đương với 0,5% GDP của nước này – sẽ được tiết giảm nhiều hơn, nhưng công việc kinh doanh với châu Âu sẽ không diễn ra một cách dễ dàng, và việc này sẽ dẫn đến một sự tháo chạy của các doanh nghiệp và ít vốn đầu tư hơn.
Chỉ riêng có Khu phố tài chính London (City of London) là có thể thoát khỏi tình hình khó khăn, do có được những át chủ bài đáng kể: một hệ thống pháp lý thuận lợi cho các chủ nợ, ngôn ngữ tiếng Anh, một môi trường pháp lý dễ dãi, một trình độ chuyên môn vững mạnh, các cơ sở hạ tầng của thị trường có khả năng xử lý những khối lượng tài chính quan trọng và một mạng lưới các thiên đường thuế. Đó là một trong những lý do vì sao có những nhà tài phiệt ủng hộ sự kiện Brexit, một cách để thoát khỏi sự diễn tiến của châu Âu theo hướng đặt lại vấn đề về các thiên đường thuế.
Dấu hiệu biểu lộ một châu Âu đang hấp hối
Cuộc trưng cầu dân ý lần này là kết quả của những cuộc chiến nội bộ trong lòng cánh hữu của nước Anh giữa một bên là những người theo phái tự do và một bên là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc này trong chiến dịch vận động đã in ảnh một dòng người liên tục những người di dân Syria, cam kết từ chối không để họ nhập cảnh vào Vương quốc Anh. Sự kiện Brexit đã đưa phe cực đoan nhất và phân biệt chủng tộc nhất của tầng lớp chính trị vào vị trí quyền lực. Không còn nghi ngờ gì là sau Brexit các đảng khác cùng xu hướng trong châu Âu sẽ nổi lên mạnh mẽ trong thời gian trước mắt. Ngoài ra, Scotland, nước ủng hộ việc hội nhập với châu Âu, có thể sẽ tiến hành lại một cuộc trưng cầu dân ý khác về tư cách thành viên của mình trong Vương quốc Anh và sẽ đòi ly khai.
Nếu một cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ở các nước khác, thì kết quả có thể mang tính tiêu cực
Cuối cùng, sự kiện Brexit là sự biểu lộ tồi tệ của một châu Âu đang hấp hối, vì sai lầm của các nhà lãnh đạo. Thật không may, điều đáng ngại là nếu cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức tại các nước khác, thì kết quả có thể mang tính tiêu cực.
Châu Âu ngày nay, là một khu vực chủ trương sự khắc khổ triền miên, tuân theo mệnh lệnh của các cuộc vận động hành lang của giới tư nhân – như đã được chứng minh mới đây thôi về sự từ chối cấm những hoá chất gây rối nội tiết dưới áp lực của ngành công nghiệp hóa học –, một sa mạc kỹ thuật số, một khu vực không thực sự cam kết vào quá trình chuyển đổi sinh thái, chấp nhận sự tồn tại của các thiên đường thuế, một chú lùn chính trị, kỹ trị, một khu vực biến Địa Trung Hải thành một ngôi mộ chung.
Các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu không còn đề xuất gì cả để làm cho châu Âu có sức thu hút, quyến rũ và huy động được các nghị lực
Triển khai thực hiện một liên minh ngân hàng, thiết lập một chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của khu vực đồng Euro, đề xuất thành lập một thượng nghị viện châu Âu, v.v., tất cả những đề xuất mang tính kỹ thuật và thể chế nói trên không xác định được một dự án cho châu Âu. Các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu không còn đề xuất gì cả cho chúng ta nhằm làm cho châu Âu có sức thu hút, quyến rũ và huy động được các nghị lực. Rồi họ ngạc nhiên khi phải đối mặt với sự nổi lên của những người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Họ là những người phải chịu trách nhiệm, và thậm chí sự kiện Brexit dường như không đánh dấu một sự thức tỉnh. Liệu Pháp và Đức có tuyên bố một sự nhích lại chặt chẽ hơn về mặt quốc phòng và an ninh hay không? Điều này cũng chưa đủ để xác định một dự án. Chúng ta là thế hệ những người châu Âu vứt đi.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Brexit: et maintenant?, Altereco Plus, 24/06/2016
----
Bài có liên quan:
Print Friendly and PDF