19.10.16

Một cuộc phỏng vấn với Avner Offer & Gabriel Söderberg, các tác giả của tác phẩm The Nobel Factor


Nhân tố Nobel

Một cuộc phỏng vấn với Avner Offer & Gabriel Söderberg, các tác giả của tác phẩm The Nobel Factor
(Nhân tố Nobel: Giải thưởng về Kinh tế học, Dân chủ Xã hội, và Bước ngoặt Thị trường)
1. Lập luận cốt lõi của cuốn sách này là gì?
Kể từ những năm 1970, kinh tế học hàn lâm và thuyết dân chủ xã hội đã tranh cãi về cách thức xã hội cần phải được quản lý. Thách thức là những thời kỳ của vòng đời, khi con người có rất ít quyền lực thị trường, những sự kiện ngẫu nhiên của chức năng làm mẹ, vấn đề giáo dục, ốm đau, khuyết tật, thất nghiệp, và tuổi già. Kinh tế học cho rằng điều tốt nhất là nên mua sự an sinh trên các thị trường tài chính, qua các phương tiện tiết kiệm, vay tiền và bảo hiểm. Điều này được hỗ trợ bởi cái được giả định là quyền lực khoa học, được biểu trưng bởi giải thưởng Nobel về Kinh tế học. Đó cũng là mục tiêu của doanh nghiệp và nền tài chính trong việc tìm kiếm lợi nhuận từ các dòng thu nhập của mọi người. Thuyết dân chủ xã hội xử lí sự phụ thuộc bằng cách chuyển nhượng từ nhà sản xuất đến người phụ thuộc, cung cấp các dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế, lương hưu, cơ sở hạ tầng vật chất và văn hóa, và tổng hợp các rủi ro của cá nhân bằng các công cụ đánh thuế và chuyển nhượng. Chúng ta đặt nghi vấn về những tuyên bố của kinh tế học liên quan đến tính khách quan và lý trí vượt trội.
2. Tại sao Giải thưởng về Kinh tế học quan trọng?
Avner Offer (1944-)
Gabriel Söderberg
Những người được trao giải thưởng Nobel là hình mẫu chất lượng cao của kinh tế học. Giải thưởng có một hào quang làm cho kinh tế học trở nên đáng tin cậy đối với công chúng rộng rãi, vì các chính sách thường không thân thiện cho lợi ích của công chúng. Nó phát sinh từ cuộc xung đột lâu dài giữa lợi ích của những người giàu có trong môi trường giá cả ổn định, và lợi ích của mọi người khác trong việc cải thiện các vấn đề xã hội và vật chất. Giữa các cuộc chiến tranh, xung đột này tập trung vào các ngân hàng trung ương, và trở thành một cái phanh kìm hãm thuyết dân chủ xã hội. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã xung đột nhiều lần với chính phủ dân chủ xã hội về việc cung cấp tài chính cho phúc lợi nhà nước, và tranh thủ thành lập được giải thưởng như là một sự nhượng bộ. Sau đó, các nhà kinh tế Thụy Điển bảo thủ đã tóm lấy giải thưởng, và sử dụng nó như là một biểu tượng uy tín để duy trì sự phản đối đối với thuyết dân chủ xã hội. Câu chuyện này cho thấy mức độ hoạt động của các ý tưởng và lập luận thông qua hoạt động xã hội và chính trị, và cách thức mà uy tín khoa học đã được huy động vì các mục đích chính trị.
3. Cuốn sách này được viết cho ai?
Cuốn sách đã mở rộng sự hiểu biết về sự phát triển kinh tế và xã hội với nhiều phát hiện mới mẻ và phong phú cho các sinh viên và học giả về kinh tế học, khoa học xã hội và lịch sử. Lượng độc giả này bao gồm hai phần ba các nhà kinh tế bám lấy các giá trị dân chủ xã hội, không chấp nhận sự nhồi sọ trong giới của họ. Các nhà hoạch định chính sách trong chính phủ, doanh nghiệp, tài chính, và các tổ chức tự nguyện có thể thấy rằng các khái niệm mà họ dựa vào chưa có cơ sở vững chắc lắm. Lập luận được viết để thu hút bất cứ độc giả nào quan tâm đến các vấn đề thời sự, chính sách kinh tế, và tương lai của xã hội, trên toàn thế giới.
4. Sau cuộc khủng hoảng tài chính đã có nhiều cuốn sách mới phê phán kinh tế học dòng chính. Cuốn sách này khác biệt như thế nào?
Một phản bác của các nhà kinh tế là việc các nhà phê bình đã không cung cấp được một giải pháp thay thế. Nhưng kinh tế học, trong thực tế, không mang tính bá chủ: chính sách công bị chi phối bởi một hệ thống dân chủ xã hội phổ biến, thực dụng và hiệu quả, một hệ thống phân bổ khoảng 30 phần trăm GDP tại hầu hết các nước tiên tiến (thấp hơn ở Hoa Kỳ do sự tồn tại của một hệ thống chăm sóc y tế tư nhân). "Nó hoạt động hiệu quả trong thực tế, nhưng liệu nó có hiệu quả về mặt lý thuyết không?" là thách thức của kinh tế học. Kinh tế học tưởng tượng ra một thế giới của những con người tư lợi, duy lý, mà các lựa chọn được phóng đại đến một trạng thái cân bằng tốt lành, như bởi một bàn tay vô hình. Nhưng tầm nhìn này mang tính tùy tiện, khó áp dụng, và thậm chí không nhất quán. Kinh tế học đã quay lưng lại với thuyết dân chủ xã hội, và cũng đã không thấy sự lớn dần của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây.
5. Nhiều người Mỹ xem thuyết dân chủ xã hội như một cái gì đó độc quyền của người châu Âu. Tại sao người Mỹ nên quan tâm?
Bernie Sanders (1941-)
Điều này mang tính hão huyền, giống như các thành viên của Đảng Trà đã yêu cầu chính phủ không can thiệp vào chương trình chăm sóc y tế. Hoa Kỳ triển khai một loạt các chương trình dân chủ xã hội trên diện rộng: chế độ học trường công miễn phí cho đến mười tám tuổi, một hệ thống giáo dục đại học công; các dịch vụ chăm sóc y tế cho người nghèo, người lớn tuổi, và cựu quân nhân; trợ cấp thất nghiệp, một số thu nhập và trợ cấp cho người khuyết tật, và một hệ thống lương hưu hợp lý cho người lớn tuổi (an sinh xã hội). Phần lớn các khoản chi tiêu khác (về tài chính và các khoản trợ cấp khác, đặc biệt là lãi suất thế chấp bù đắp cho thuế) mang tính lũy thoái và sai lệch. Người Mỹ đang quan tâm đến các chi phí của hệ thống chăm sóc y tế kém cỏi và đắt tiền của họ. Nợ về giáo dục là một cuộc khủng hoảng trong quá trình thực hiện. Các chương trình trợ cấp lương hưu của tư nhân đang thất bại. Bernie Sanders, một người tự xưng theo thuyết dân chủ xã hội, đã đưa ra một thách thức lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Các ứng cử viên khác đã tham gia cùng với ông ấy trong việc ủng hộ các chương trình an sinh xã hội và giáo dục đại học miễn phí nhiều hơn nữa; giống như các thành viên của Đảng Trà, những người ủng hộ ông Trump cũng phản ứng với sự yếu kém của nền dân chủ xã hội Mỹ.
6. Nhiều nhà bình luận ở châu Âu đang thảo luận về cuộc khủng hoảng của thuyết dân chủ xã hội về việc thiếu tầm nhìn và sự hỗ trợ đang suy giảm. Ông nghĩ gì về tương lai của thuyết dân chủ xã hội và nó phải làm gì để thích nghi, tồn tại và phát triển trong tương lai?
Những vấn đề của thuyết dân chủ xã hội phát sinh một phần từ sự thành công của nó. Nó phát triển như là một giải pháp giải quyết mọi vấn đề cho những người làm công ăn lương nam, nhưng rất khó để thích nghi với một xã hội đa dạng hơn, có học vấn hơn, và giàu có hơn, và để phục vụ các nền kinh tế có sử dụng lao động nam và nữ theo những tỷ lệ gần như bằng nhau. Thuyết dân chủ xã hội vẫn là nền tảng của sự an sinh cá nhân. Các mục tiêu và phương pháp của nó chưa được những người thực hành, những người ủng hộ nó, và hầu như những ai được hưởng lợi từ nó hiểu đầy đủ. Các chính trị gia thuộc phe trung tả, bị đánh lừa bởi tu từ học của thị trường, đã không phục vụ nó tốt. Các giá trị của sự có qua có lại và sự đoàn kết củng cố cho thuyết dân chủ xã hội: chúng không chỉ hấp dẫn về mặt đạo đức hơn tính tham lam vô độ, mà còn hiệu quả và hữu hiệu hơn. "Bước ngoặt thị trường" bám lấy triển vọng xa hơn thuyết dân chủ xã hội để tiến tới “tổ trứng” riêng tư vì sự an sinh kinh tế. Quyền sở hữu nhà hứa hẹn sự giàu có cho mọi người. Được dẫn dắt bởi sự tiếp cận tín dụng dễ dàng và nợ nần chồng chất, vấn đề trên dường như hoạt động hiệu quả trong một thời gian, nhưng giờ đây đã làm tăng sự bất bình đẳng, loại trừ xã ​​hội và khủng hoảng tài chính. Những người ủng hộ việc các thị trường sẽ tự thân điều tiết đã không dự đoán được một kết quả bấp bênh như vậy.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

*  *  *
Thiên hướng chính trị của giải thưởng Nobel về Kinh tế học
Jeremy Venook
Avner Offer, đồng tác giả của một cuốn sách viết về giải thưởng này, giải thích giải thưởng đã chính đáng hóa suy nghĩ về thị trường tự do theo thời gian như thế nào.
Friedrich Hayek, trái, nhận giải thưởng Nobel về Kinh tế học năm 1974.
Trong khi gần như tất cả các hạng mục của giải thưởng Nobel đã được thiết lập theo ý nguyện của nhà khoa học Thụy Điển Alfred Nobel, thì giải thưởng về kinh tế học, sẽ được công bố vào thứ hai năm nay, ngày 10 tháng 10, đã không ra đời trước hàng thập kỷ sau cái chết của ông. Vào cuối những năm 1960, ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tích cực thúc đẩy nước nhà theo đuổi một cách tiếp cận thị trường thân thiện hơn, và giải thưởng, được thành lập vào năm 1968 để kỷ niệm 300 năm ngày thành lập ngân hàng, đã trở thành một công cụ để hỗ trợ cho chiến dịch này.
Avner Offer, giáo sư về lịch sử kinh tế tại Đại học Oxford, và Gabriel Söderberg, một nhà nghiên cứu về lịch sử kinh tế tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển, tập hợp các tài liệu về lịch sử của giải thưởng trong cuốn sách mới của họ, The Nobel Factor: The Prize in Economics, Social Democracy, and the Market Turn (Nhân tố Nobel: Giải thưởng về Kinh tế học, Dân chủ Xã hội, và Ngã rẽ Thị trường). Khi làm như vậy, các tác giả mô tả hai học thuyết cạnh tranh nhau. Học thuyết thứ nhất, mà họ gọi đơn giản là "kinh tế học", là nghiên cứu về sự tương tác của con người với thị trường tự do, dựa rất nhiều vào lý thuyết trừu tượng, các mô hình toán học, và giả thiết cho rằng con người hành động một cách duy lý vì lợi ích cá nhân. Học thuyết thứ hai, mà họ gọi là "dân chủ xã hội," đề cập đến cách thức mà chính phủ cung cấp dịch vụ cho các công dân của mình và tập trung nhiều hơn vào các quyết định về chính sách công để làm được điều nói trên.
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Theo Offer và Söderberg, giải thưởng Nobel về Kinh tế học ưu đãi học thuyết đầu và loại trừ gần như hoàn toàn học thuyết sau; chỉ có một người duy nhất tập trung chủ yếu vào thuyết dân chủ xã hội được giải (Gunnar Myrdal, vào năm 1974). Mặc dù các nhà kinh tế của cả hai trường phái tự do và bảo thủ đều đã nhận giải thưởng, nhưng giải thưởng vẫn liên tục củng cố tính ưu việt của thị trường tự do.
Tôi đã có dịp nói chuyện với Offer về những xu hướng trên và về những giải và thiếu sót ông cho là đáng chú ý nhất. Cuộc phỏng vấn dưới đây đã được biên tập về độ dài và tính rõ ràng.
_______________________________________
Jeremy Venook: Gần cuối cuốn sách của ông, ông có đặt ra một câu hỏi: Liệu giải thưởng Nobel về Kinh tế học có giống với giải thưởng Nobel về Vật lý hay giải thưởng Nobel về Văn học không? Ông thấy gì về các hệ quả của vấn đề đó?
Avner Offer: Tôi nghĩ hàm ý của câu hỏi này là kinh tế học không hề có bất kỳ kiểu kiến ​​thc nào có được uy tín cao hơn các phương thức diễn ngôn khác. Điều này không có nghĩa là lập luận của kinh tế học không có căn cứ. Trong một thế giới mà tri thức và quan điểm ​​là không hoàn ho, thì kinh tế hc tp trung mt tp những lập luận có một giá trị thuyết phục nhất định, nhưng cũng có nhiều kiểu lập luận khác. Tôi nghĩ trong trường hợp thiếu vắng một sự thống nhất về các mục tiêu của chính sách nên là gì, về những gì chúng ta biết về thế giới thực, và về cách thức để đạt được những mục tiêu này, thì chúng ta nên lắng nghe các nhà kinh tế, nhưng chúng ta không nên dành cho họ bất kỳ sự tôn trọng nào thái quá so với những người khác, những người đưa ra những lập luận có giá trị từ những tiên đề khác.
Trong thực tế, chúng ta đã làm điều đó rất nhiều lần. Chúng ta không cho phép các nhà kinh tế điều hành xã hội chúng ta, mặc dù những gì mà các giới chức ngân hàng trung ương đang làm ngay bây giờ là những điều gần gũi với điều nói trên một cách nguy hiểm. Tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng lắng nghe các nhà kinh tế. Họ là những người thông minh, họ có những lập luận tốt, nhưng họ không có những lập luận có tính quyết định. Trên điểm này, nó giống như văn học hơn là vật lý: Khi các nhà vật lý thống nhất ý kiến, những người không có chuyên môn không có cách nào để phản biện lại họ, không có cách nào để tranh luận. Đó không phải là trường hợp đối với các nhà kinh tế.
Venook: Trong một vài thập kỷ đầu sau khi giải được thành lập, các nhà kinh tế bảo thủ và tự do đều giành được giải thưởng, nhưng vào những năm 1990 đã có một sự chuyển biến trong việc trao giải thưởng Nobel cho những người theo một hệ tư tưởng bảo thủ về mặt kinh tế. Ông có thể cho biết thêm chi tiết một chút về diễn tiến của xu hướng đó?
Offer: Chúng tôi đã cố gắng xác định [người đoạt giải] là thuộc cánh tả hoặc cánh hữu, và những gì đặc trưng cho chính sách này là một sự cân bằng gần như mang tính máy móc: Những người được chọn thuộc trường phái tự do và bảo thủ xen kẽ với nhau. Sau đó, từ năm 1989 đến năm 1997, có một xu hướng không đứt đoạn là những người bảo thủ đoạt giải. Điều này trùng khớp, và có thể không phải là ngẫu nhiên, với một cao trào của cuộc xung đột chính trị tại Thụy Điển. Bản thân chủ tịch ủy ban giải thưởng Nobel đã tham gia sâu vào chính trường Thụy Điển. Ông đã khởi đầu như là một người theo phái dân chủ xã hội, rồi chuyển sang phe bên đối lập, và ông đã lập luận rất mạnh rằng các chính sách dân chủ-xã hội về quyền của người lao động, về nghiệp đoàn, và v.v. là kẻ thù của sự thịnh vượng. Điều này có thể được xem như là một sự can thiệp gián tiếp vào chính trường Thụy Điển.
Venook: Ông chỉ ra rằng Friedrich Hayek là một trong những người bảo thủ sớm nhận được giải thưởng. Tôi thấy điều thú vị là đã có một bước nhảy vọt lớn về số lượng các trích dẫn của Hayek sau khi ông ấy nhận được giải thưởng vào năm 1974. Ông có thể giải thích về hiệu ứng có thể có của bước nhảy vọt đó?
Offer: Điều đầu tiên phải nói là hiện tượng đó rất không bình thường. Chúng tôi đã đếm và vẽ đồ thị, và thậm chí cả mô hình hóa, quỹ đạo các trích dẫn của người đoạt giải thưởng Nobel. Quỹ đạo của các trích dẫn bình thường có hình chiếc chuông, và Giải thưởng Nobel được trao quanh điểm số cao nhất. Đó không phải là trường hợp với Hayek. Kết quả về số lượng các trích dẫn của Hayek rất không tốt, và đứng ở dưới cùng của quỹ đạo, vào thời điểm năm 1974 khi ông nhận giải thưởng, và sau đó giải thưởng đã làm cho số lượng các trích dẫn của ông tăng lên rất lớn. Như một trong những người viết tiểu sử của ông đã ghi, nếu Hayek không nhận được giải thưởng, thì danh tiếng của ông ngày nay vẫn sẽ là một câu hỏi mở. Trong một số khía cạnh, đây là giải có ý nghĩa nhất trong tất cả các giải thưởng [về kinh tế học] bởi vì nó đã cứu Hayek khỏi một tình thế khó khăn cả về mặt cá nhân lẫn danh tiếng và làm cho ông trở nên đáng kính. Và phần còn lại là lịch sử.
"Kinh tế học mang tính lí thuyết sâu sắc nhưng không rõ ràng về mặt thực tế, còn thuyết dân chủ xã hội là điều ngược lại hoàn toàn."
Venook: Đâu là hệ quả của không chỉ việc Hayek nhận được giải thưởng, mà còn là việc các nhà kinh tế ủng hộ thị trường nhận được giải thưởng với một tỷ lệ bất cân xứng?
Offer: Sự khác biệt không lớn lắm giữa các nhà kinh tế cánh hữu và cánh tả bằng sự khác biệt giữa kinh tế học và thuyết dân chủ xã hội. Học thuyết này không được lý thuyết hóa cho thật sâu, nhưng nó được áp dụng trên phạm vi rộng, và tôi khẳng định là được áp dụng rất thành công. Tại hầu hết các nước phát triển, các nguyên lý dân chủ xã hội chi phối việc chính phủ phân bổ khoảng 30% GDP cho các mục đích y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, trợ cấp đối với người lớn tuổi, và mọi thứ thuộc loại đó.
Điều mà kinh tế học khác với thuyết dân chủ xã hội nằm trong một lĩnh vực. Kinh tế học bắt đầu với khái niệm con người tư lợi đồng thời cũng là con người tự túc, luôn có một cái gì đó để bán, và hưởng lợi từ những gì mà họ đã bán. Trong thực tế, con người không tự túc được trong suốt vòng đời của họ: Họ trải qua những thời kỳ dài phụ thuộc khi là trẻ con, khi là sinh viên, khi bị ốm đau, khi bị khuyết tật, khi lớn tuổi. Kinh tế học chuẩn xử lý vấn đề này bằng cách yêu cầu con người phải mua sự an toàn trên các thị trường tài chính – bằng cách tiết kiệm, bằng cách mua bảo hiểm trong trường hợp cần thiết. Hệ thống của thuyết dân chủ xã hội đơn giản để cho các nhà sản xuất hỗ trợ trực tiếp cho những người phụ thuộc thông qua chính phủ bằng thuế lũy tiến.
Lý do mà thuyết dân chủ xã hội vẫn tồn tại bất luận thiếu vắng một nền tảng trí tuệ mạnh mẽ là vì nó hoạt động tốt, và hoạt động còn hiệu quả hơn các thị trường trong lĩnh vực đặc biệt này. Bạn có thể nói rằng kinh tế học nặng tính lí thuyết nhưng đáng hoài nghi về mặt thực tế, còn thuyết dân chủ xã hội là điều hoàn toàn ngược lại. Nó rất thực tế, và có lẽ vì lý do đó mà nó không được lý thuyết hóa nhiều.
Venook: Ông cho rằng giải thưởng Nobel có xu hướng ưu đãi kinh tế học hơn thuyết dân chủ xã hội, một điều đã dẫn đến việc kinh tế học được coi trọng hơn thuyết dân chủ xã hội về ý nghĩa học thuật.
Offer: Đúng. Thuyết dân chủ xã hội là một cái gì đó mà người lao động, các thành viên nghiệp đoàn, có khả năng ủng hộ và nghĩ ra và quản lý, trong khi trong kinh tế học thì chỉ có những người thông minh nhất mới đủ điều kiện hiểu được. Có một mâu thuẫn ở đó: Một mặt, tôi được nói rằng chỉ có một nhà kinh tế thực tế mới có thể thảo luận về điều này. Mặt khác, kinh tế học giả định rằng mỗi cá nhân, mỗi tác nhân kinh tế, được trang bị đầy đủ như các nhà kinh tế, mới đưa ra được quyết định một cách duy lý.
John K. Galbraith (1908-2006)
Rudolf Meidner (1914-2005)
Trong số những người nhận giải thưởng Nobel, chỉ thực sự có một người ủng hộ thẳng thắng thuyết dân chủ xã hội, và đó là Gunnar Myrdal, một người Thụy Điển. Có một người theo thuyết dân chủ xã hội khác khá nổi tiếng vì không được nhận giải, và đó là John Kenneth Galbraith, mà về hầu hết các tiêu chí tôi nghĩ đó là người nên được nhận giải thưởng. Một số khá ít những người nhận giải thưởng Nobel có khuynh hướng hỗ trợ thuyết dân chủ xã hội, dựa vào hệ thống giá trị của họ, chứ không dựa vào học thuyết của họ. Do vậy, họ phải chịu đựng một kiểu bất hòa nhận thức: Nói chung, ngành kinh tế học, như các cuộc điều tra đã cho thấy, mang tính khá tích cực đối với các chuẩn mực dân chủ xã hội. Nhưng bản thân các học thuyết thì không dành nhiều chỗ cho điều đó.
Venook: Ông nhận diện Galbraith và Rudolf Meidner như là hai ví dụ rõ ràng nhất của các nhà tư tưởng dân chủ xã hội nổi tiếng nhưng không được nhận giải thưởng Nobel. Tại sao họ lại bị bỏ qua?
Assar Lindbeck (1930-)

Offer: Đối với Galbraith, thực tế là tôi đã thảo luận vấn đề này với vị chủ tịch lâu đời của giải thưởng, Assar Lindbeck, và ông ấy nói rằng ông coi Galbraith như một nhà văn, một người viết tiểu luận. Tôi đã thực sự xin có ý kiến ngược lại. Có rất nhiều nhà kinh tế phát biểu bằng lời văn, những người không hề sử dụng phương trình, những người không hề sử dụng toán học, nhưng vẫn được trao giải thưởng. Về số lượng các trích dẫn, có rất nhiều nhà kinh tế nhận giải thưởng Nobel được trích dẫn ít hơn nhiều so với Galbraith. Galbraith đã viết ít nhất một tác phẩm kinh điển, The Affluent Society (Xã hội thịnh vượng); đó là một cuốn sách kinh điển không thua gì bất kì kinh điển nào khác, thậm chí cho đến ngày nay. Cá nhân tôi nghĩ ông ấy đơn giản bị phủ quyết.
Thành quả của Meidner còn cao hơn Galbraith về mặt thực hành. Ông đã xây dựng một mô hình được ứng dụng trong thực tế, rất thành công, tại Thụy Điển. Ông cũng là một đối thủ trực tiếp của Lindbeck và nhóm của ông ấy, vì vậy tôi nghĩ không tin rằng phe nhóm đặc biệt này, một nhóm rất nhỏ các nhà kinh tế đã tự nhận lấy trách nhiệm xác định kinh tế học là gì, sẽ trao cho Meidner, mặc dù ông cũng rất xứng đáng.
Elinor Ostrom (1933-2012)
Joan Robinson (1903-1983)
Có một nhà kinh tế thuộc cánh tả khác cũng bị phủ quyết, và đó là Joan Robinson. Chỉ có duy nhất một người phụ nữ đã nhận được giải thưởng Nobel về Kinh tế học, và bà ấy thậm chí không phải là một nhà kinh tế, và đó là Elinor Ostrom. Vâng, có một ứng cử viên xứng đáng vào những năm 1970, và đó là Joan Robinson. Tờ Businessweek nghĩ rằng bà ấy sẽ nhận được giải thưởng, nhưng không, bởi vì theo tôi vào thời điểm đó bà ấy quá nghiêng theo phe cánh tả để nhận được giải thưởng.
Venook: Ngược lại với những người đã bị bỏ qua, ông đã chỉ ra nhiều người đoạt giải từng gây tranh cãi vì chính phẩm chất của họ, đặc biệt là những người đã đóng một vai trò nào đó trong chế độ của Augusto Pinochet ở Chile: Friedrich Hayek, Milton Friedman, Arnold Harberger, và James Buchanan. Ông có thể nói thêm về những tranh cãi đó?
Arnold Harberger (1924-)
Augusto Pinochet (1915-2006)
Offer: Một trong những chức năng của các thuộc địa là làm đất thử nghiệm để cho những ý tưởng quá triệt để để được áp dụng tại mẫu quốc. Tôi nghĩ đế chế Mỹ từ những năm 1960 đã được sử dụng như là một nơi thử nghiệm chủ nghĩa tân tự do. Nước Chile của tổng thống Pinochet là một vấn đề đặc biệt thú vị về khía cạnh đó: Có một nhóm các nhà kinh tế đã được đào tạo tại Đại học Chicago, những người đã có sẵn một kế hoạch cho việc thị trường hóa triệt để nền kinh tế. Không rõ tầm quan trọng của các lời khuyên thiết thực của những nhà kinh tế trình độ Nobel này đối với chính quyền của chế độ như thế nào, nhưng có điều chắc chắn là nó tạo uy tín cho chế độ.
James M. Buchanan (1919-2013)
Milton Friedman (1912-2006)
Vì vậy, trong thực tế, chúng ta có những cuộc xung đột toàn cầu, những vấn đề toàn cầu, được trình diễn trên sân khấu Nobel nhỏ bé này. Trong trường hợp của Friedman, điều này còn được thực hiện dưới hình thức biểu tình. Bên trong hội trường, nơi diễn ra buổi lễ, có một ai đó đưa ra lời phản đối. Như vậy đó, đây là một giao diện mà thực tế của thế giới thực xen vào, hoặc can thiệp, trong quá trình có trật tự của sự công nhận khoa học và nghi thức thánh lễ.
Venook: Nghiên cứu của ông phân tích đến tận năm 2005. Từ đó đến nay, ông có nghĩ là đã có bất kỳ sự thay đổi nào trong xu hướng về cách thức giải thưởng được trao hay không và nó đã được cảm nhận như thế nào, hay ông sẽ nói rằng, nhìn tổng thể, các phương thức vẫn được duy trì cho đến ngày nay?
Offer: Tôi không thấy một thay đổi lớn nào. Những gì tôi nghĩ đã xảy ra là danh tiếng của kinh tế học đã phần nào bị giảm sút. Tôi không nghĩ các nhà kinh tế đã giữ nguyên kịch bản khá tương tự mà họ đã sử dụng để thu hút vào những năm 1970, 1980, 1990, bởi vì phần lớn các học thuyết đã không được triển khai thực hiện tốt.
Điều khác nữa trong cách làm của Ủy ban (Nobel) là thỉnh thoảng trao giải thưởng cho nhiều người có những học thuyết mâu thuẫn với nhau. Tôi nghĩ, đối với ủy ban, điều quan trọng nhất là duy trì tính đáng tin cậy của giải thưởng, và để làm được điều đó, họ phải tiếp xúc với tất cả các cơ sở lý thuyết. Nhưng khi tiếp xúc với tất cả các cơ sở lý thuyết, thì các cơ sở lý thuyết đó lại chứng minh rằng kinh tế học không ăn khớp với nhau như một học thuyết nhất quán từ bên trong.
"Khoảng một nửa các nhà kinh tế đoạt giải thưởng Nobel là những nhà lý thuyết thuần túy, những người thậm chí chưa hề cố gắng đối chiếu lý thuyết với thực tế."
Venook: Ông đã đề cập đến việc kinh tế học đã được coi trọng trong những năm 1970, 1980, và 1990. Ông có cho rằng giải thưởng Nobel thực sự đóng một vai trò nào đó trong việc làm cho kinh tế học trở thành một lĩnh vực có giá trị cao trong khoảng thời gian đó hay không.
Offer: Nếu nhìn vào thời kỳ đó, đầu tiên chúng ta sống trong một thời kỳ lạm phát cao. Các nhà kinh tế thuộc trường phái Chicago đánh dấu lạm phát cao là vấn đề cần giải quyết. Sau đó nó đã được khắc phục, không phải bằng những phương pháp được các nhà kinh tế học thuộc trường phái Chicago đề xuất, trong đó học thuyết trọng tiền của họ đã bị từ bỏ – điểm tích cực của họ, đó là một học thuyết có thể kiểm định được, có thể kiểm sai, và đã bị kiểm sai và bị bỏ rơi – và sau đó chúng ta sống trong hai thập kỷ của cái gọi là Sự điều độ vĩ đại (Great Moderation), trong đó giá bán lẻ ở mức ổn định và thấp, còn giá tài sản thì lúc nào cũng tăng. Kể từ khi có giải thưởng Nobel về Kinh tế học, các nhà kinh tế có thể nói là có công lớn về điều này.
Vấn đề về giải thưởng Nobel là nó truyền đi hai thông điệp. Thông điệp thứ nhất là thông điệp của kiến ​​thc đáng tin cy, ca tính hiu qu. Đó là nhng gì liên quan đến khoa hc. Đó là v tri thức được biện minh. Thông điệp thứ hai là kiến ​​thc này không tiếp cn được, rằng đây là điều bí truyền, đây không phải là một cái gì đó mà bạn và tôi có khả năng hiểu được. Vì vậy, các nhà kinh tế dễ hưởng công đối với những tình huống dễ chữa trị, và tôi nghĩ theo một cách nào đó, giải thưởng và bộ môn kinh tế học đã củng cố lẫn nhau.
Venook: Ông có đề cập đến tính kiểm sai. Ông có thể nói thêm chi tiết một chút là, tương tự như đối với các khoa học khác, có thể kiểm sai kinh tế học hay không?
Offer: Tiêu chí của tôi là khoan dung hơn, thực vậy. Tất cả những gì tôi yêu cầu là học thuyết cần phải được đối chiếu với thực tế. Kinh tế học nói chung chưa thực hiện tốt tiêu chí này. Nếu chỉ nghĩ đến giải thưởng Nobel về kinh tế học, thì khoảng một nửa các nhà kinh tế đoạt giải thưởng Nobel là những nhà lý thuyết thuần túy, những người thậm chí chưa hề cố gắng đối chứng lý thuyết với thực tế. Bây giờ, điều này không thể lẫn với các ngành khoa học khác, khi mà ngay cả các thành quả lý thuyết cũng phải được một số hình thức thực nghiệm xác nhận.
Jeremy Venook là biên tập viên tại The Atlantic.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: The Political Slant of the Nobel Prize in Economics, The Atlantic, Oct 9, 2016.
Print Friendly and PDF