9.10.16

Tìm hiểu nước Đức: Về việc xây dựng khung trật tự cạnh tranh



Tìm hiểu nước Đức:
Về việc xây dựng khung trật tự cạnh tranh
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
Giới thiệu: Kể từ sau thế chiến thứ II nước Đức theo đuổi mô hình Kinh tế Thị trường Xã hội, một mô hình đã đưa nước Đức phát triển từ tình trạng điêu tàn năm 1945 để trở thành một quốc gia có kinh tế mạnh nhất châu Âu. Mô hình kinh tế này đã được thay đổi và bổ sung theo từng thời kỳ, nhưng những chính sách chủ đạo vẫn còn giá trị và còn áp dụng cho đến bây giờ. Mô hình kinh tế này đặt trên nền tảng lý thuyết “Tự do trong Trật tự” (Ordoliberalism) do trường phái Freiburg, đứng đầu là giáo sư Walter Eucken khởi xướng từ thập niên 1930. Lý thuyết này phác họa 7 nguyên tắc có tính chất kiến tạo và 4 nguyên tắc có tính chất điều phối cho một trật tự kinh tế mà họ cho rằng sẽ bền vững lâu dài. Thế nào là khung trật tự kinh tế? Làm thế nào để kiến tạo nó? Làm thế nào để duy trì và bảo vệ nó? Bài viết sau đây chỉ là vài gợi ý ban đầu cho những ai quan tâm nghiên cứu sâu hơn chính sách kinh tế Đức. Qua đó có thể phát hiện nhiều nhân tố khả dĩ áp dụng được cho một nước mới phát triển như Việt Nam.
***
Những người tân tự do Đức đứng trên quan điểm kinh tế chính trị thấy cần phải xác lập một trật tự cạnh tranh hữu hiệu như là phương tiện để ngăn ngừa quyền lực cá nhân cũng như quyền lực nhà nước. Họ cho rằng độc tài, kế hoạch nhà nước trung ương, kiểm soát kinh tế, cũng như độc quyền tư nhân nhờ sự câu kết các tập đoàn, chỉ có thể ngăn chặn được khi nền kinh tế thị trường với tự do cạnh tranh được xác lập. Theo họ, kinh tế thị trường tự do là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ tự do chính trị cho từng cá nhân trong xã hội[1].
Karl Hardach, giáo sư kinh tế đại học Berlin và Berkeley
Trong lúc từ chối hình thái cạnh tranh trong nền kinh tế tự do thả lỏng (laissez-faire) đồng thời cũng từ chối trật tự thiết lập bởi những kế hoạch trung ương áp đặt, trường phái Freiburg muốn xây dựng một trật tự mới, trong đó nền cạnh tranh tuyệt đối cần được xác lập. Chắc chắn đó không phải sự cạnh tranh trong cuộc đấu giữa các thành viên yếu thế và xí nghiệp độc quyền, cũng không phải cạnh tranh giữa những tập đoàn thù địch để giành giật thị phần. Trong chế độ cạnh tranh tuyệt đối và lành mạnh, yếu tố hơn thua không phải là quyền lực áp đảo về kinh tế hoặc chính trị, mà là năng suất thực sự của thành viên kinh tế đó[2]. Thành viên tiêu thụ sẽ tìm đến đơn vị nào cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý, và ngược lại.
Walter Eucken (1891-1950)
Tình trạng cạnh tranh tuyệt đối[3] như vậy khó gặp trong thực tế, hoặc nó chỉ được xác lập trong một thời gian ngắn và từ từ chuyển dịch đến độc quyền tương đối hoặc độc quyền tuyệt đối[4]. Đó là trường hợp đã xảy ra trong chế độ thả lỏng laissez-faire với những hệ lụy lớn lao tưởng chừng đã làm cho chủ nghĩa tư bản sụp đổ. Trường phái Freiburg cho rằng, đi tìm biện pháp để ngăn ngừa và xử lý “sự cố” đó là nhiệm vụ của nhà nước trong việc quản lý kinh tế.
Để làm rõ cơ chế này vận hành thế nào, tưởng cũng nên nhắc đến biện pháp mà các nhà chiến lược kinh tế Đức sử dụng trong chính sách kinh tế hậu chiến: Công cụ để nhà nước xử lý sự cố là khung trật tự kinh tế đã được thỏa thuận giữa các thành viên trong đó bộ phận quan trọng nhất là hệ thống luật pháp và những qui định do cơ quan lập pháp đã ban hành và mọi người đều tuân thủ. Bên cạnh đó nhà nước cũng thành lập những cơ quan trung lập làm vai trò giám sát các hoạt động kinh tế để phát hiện và ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra, nhưng không can thiệp vào các hoạt động của các thành viên kinh tế. Thí dụ ở Đức, để ngăn ngừa xử lý việc thao túng thị trường do các xí nghiệp lớn gây ra, họ lập cơ quan giám sát liên minh[5], cho đến hôm nay vẫn còn đóng vai trò quan trọng. Nếu các biện pháp cảnh cáo các vi phạm hoặc giảng hòa tranh chấp không mang lại kết quả, tòa án sẽ thay mặt luật pháp để xử lý vấn đề.
Trong ngành điều khiển học, chúng ta gọi đó là vòng điều chỉnh tự động. Con đường phản hồi về sự cố trên thị trường thông qua các cơ quan trung lập giám sát là phương tiện để việc điều tiết thị trường vận hành một cách tự động mà nhà nước không cần can thiệp vào hoạt động của các thành viên. Trong vòng điều chỉnh này, chúng ta cũng thấy là nhà nước không cần làm gì nhiều sau khi đã thiết kế được một khung trật tự hữu hiệu.
Để làm rõ hơn chúng ta có thể ngừng lại một lúc để dùng kiểu so sánh ví von mà những người theo trường phái Freiburg rất thường dùng: so sánh hoạt động kinh tế với một trận bóng đá[6].
Hai đội bóng đá với cầu thủ của họ đụng độ nhau trên sân cỏ để đạt mục đích cao nhất, ấy là giành phần thắng sau cùng. Tương tự như thế, trong nền kinh tế thị trường có những cặp thành viên vốn dĩ có quyền lợi khác nhau và thường là xung khắc nhau. Họ đụng độ nhau trên thị trường để giành lợi thế. Các cặp thành viên ấy có thể là tư bản và lao động, nhà sản xuất và giới tiêu thụ, hiệp hội nghề nghiệp và công đoàn v.v.. 
Hai đội bóng thỏa thuận đấu với nhau trong khuôn khổ luật bóng đá đã được cơ quan có trách nhiệm -thí dụ như FIFA- ban hành, điều đó cũng giống các cặp thành viên kinh tế thỏa thuận đấu tranh trong khuôn khổ tôn trọng các qui tắc xã hội.
Trận đấu bóng được đặt dưới quyền giám sát của trọng tài có nhiệm vụ phát hiện, cảnh cáo và xử phạt bên nào vi phạm luật chơi, nhưng người trọng tài không có quyền can thiệp trực tiếp vào trận đấu, thí dụ cầm bóng đặt trước một khung thành để bên kia dễ dàng làm bàn, lại càng không thể đòi một cầu thủ nào đó phải chơi hàng hậu vệ thay vì chạy ở hàng tiền đạo tấn công. Những hoạt động đó là quyền tự quyết bất khả xâm phạm của mỗi thành viên.
Trong nền kinh tế một quốc gia, luật chơi đó là hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động kinh tế, bao gồm cả công luật và dân luật[7] mà các thành viên đã biết và phải tôn trọng. Công luật có thể kể: hiến pháp, tài chính, thuế khóa, xã hội, môi trường, hành chính v.v.. Dân luật có thể kể: luật sở hữu, doanh nghiệp, hợp đồng, lao động, nợ nần, sở hữu trí tuệ v.v.. Trọng tài là vai trò của các cơ quan giám sát thị trường hoạt động độc lập và không có quyền can thiệp vào hoạt động của các thành viên kinh tế. 
Trong khuôn khổ luật chơi đó – chính xác hơn là khuôn khổ luật pháp đã được ban hành - các xí nghiệp riêng lẻ có quyền tự do quyết định sản xuất cái gì, sử dụng công nghệ gì, mua nguyên vật liệu từ đâu và thành phẩm đem bán ra thị trường nào. Người lao động thì không nhất thiết phải bán năng lực của mình cho một cơ quan hoặc xí nghiệp nào nhất định, mà họ có quyền chọn lựa đối tác và nội dung hợp đồng. Thành viên tiêu thụ cũng có quyền chọn lựa món hàng mình ưa thích, mua của ai tại đâu khi chất lượng và giá cả làm họ hài lòng[8].
Trường phái Freiburg đòi hỏi nhà nước phải thiết kế một cách đầy đủ khung trật tự kinh tế, nhưng không thừa nhận bất kỳ hành động can thiệp nào của nhà nước lên quá trình hoạt động kinh tế, cũng không khuyến khích thành phần kinh tế nhà nước trong mọi ngành, khi nơi đó đã có các xí nghiệp tư nhân đang hoạt động có hiệu quả. Điều này không có nghĩa là nhà nước không được quyền sở hữu một hay nhiều đơn vị sản xuất hoặc dịch vụ, mà nếu có thì các đơn vị đó phải chịu sự ràng buộc vào khung trật tự chung, bình đẳng như mọi thành viên khác. Trong thực tế thì sự bình đẳng khó đạt được khi nhà nước đóng hai vai trò cùng một lúc: vừa hoạt động kinh tế như mọi thành viên vừa giám sát và hoà giải tranh chấp giữa các thành viên. Chỉ riêng thực tế sau đây cũng cho chúng ta thấy sự bất bình đẳng: khi một xí nghiệp nhà nước có nguy cơ phá sản, nhà nước sẽ bơm thêm tiền để cứu. Tiền ở đâu? Tất nhiên là từ thuế mà ra. Các xí nghiệp tư nhân làm gì có được ưu đãi đó? Vì vậy trường phái Freiburg khuyến cáo nhà nước nên giành mọi hoạt động kinh tế cho tư nhân trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối quyền tư hữu tư liệu sản xuất. Có như thế “luật chơi“ mới được tôn trọng một cách đầy đủ.
Để bảo vệ tình trạng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, nhà nước cần giới hạn ngặt nghèo các liên minh và tập đoàn độc quyền, tốt hơn hết là cấm đoán chúng hoạt động, cũng như cương quyết ngăn chận mọi hình thức hạn chế cạnh tranh. Các biện pháp chống suy thoái chu kỳ cần thiết kế trên cơ sở các cơ chế tự động để tránh việc ảnh hưởng của nhà nước với những biện pháp bừa bãi[9] [đôi khi chỉ vì do cách xử lý khác nhau của người thừa hành].
Điều gì xảy ra khi cơ quan nhà nước xử lý không đúng tinh thần của khung trật tự, hoặc làm vượt quá giới hạn cho phép, thậm chí lạm quyền? Ở đây nổi bật thêm một điều: Lý thuyết này chỉ có thể hoạt động được trong một quốc gia dân chủ, có quốc hội độc lập không bị chi phối bởi một thế lực nào, có luật pháp nghiêm minh, các cơ cấu tư pháp độc lập và vững mạnh để bảo vệ trật tự xã hội. Mọi thành viên khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm đều có quyền mang nhà nước ra kiện trong các toà án từ địa phương, tiểu bang và liên bang. Trong thực tế cũng đã có hàng ngàn vụ kiện như thế và kháng cáo lên đến tòa án tối cao hoặc tòa án bảo vệ hiến pháp[10].
Những nghiên cứu của trường phái Freiburg chỉ ra rằng, tình trạng lý tưởng để đạt sự cạnh tranh lành mạnh là thị trường đa dạng[11], trong đó nhiều thành viên nhỏ chiếm một tổng thị phần lớn, bên phía cung cấp cũng như bên tiêu thụ. Quyền lực kinh tế được chia đều cho nhiều thành viên khác nhau. Không ai có thể tạo được một quyền lực áp đảo có khả năng khống chế lên các thành viên khác. Về phía thành viên cung cấp, trong thị trường đa dạng này họ phải chú ý đến thành viên cạnh tranh khác khi đưa ra một quyết định nào đó cho hoạt động của họ trên thị trường[12]. Phía tiêu thụ cũng tương tự như thế.
Theo trường phái Freiburg, thị trường đa dạng - cũng có thể gọi là thị trường với chế độ cạnh tranh tuyệt đối - trong một trật tự kinh tế lành mạnh không những có tác dụng nâng cao hiệu suất, mà nó là một hình thái thị trường trong đó giá cả sẽ điều khiển quá trình hoạt động kinh tế[13]. Thiết lập được chế độ cạnh tranh tuyệt đối là tự nó đã trả lời được câu hỏi về điều tiết thị trường. Trong chế độ cạnh tranh tuyệt đối giá cả tự nó điều tiết được quan hệ cung cầu, cho nên các hoạt động khác của từng thành viên riêng lẻ cũng phải tự thích ứng để tồn tại và phát triển.  
Trong thực tế thì thị trường đa dạng là trạng thái khó đạt được một cách tổng thể trong nền kinh tế vĩ mô. Sự phát triển không đồng đều giữa các xí nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng mua bán xí nghiệp, tập trung ngày càng lớn, có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối quyền lực kinh tế trên thị trường. Chính vì thế vai trò của nhà nước là phải thấy trước để thiết kế khung trật tự phù hợp để ngăn ngừa tình trạng tập trung quyền lực kinh tế trong tay một số ít xí nghiệp có khả năng chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường[14].
Cá biệt cũng có thể đạt được thị trường đa dạng trong một số ngành, qua đó chế độ cạnh tranh lành mạnh được hình thành, quyền tự do cho mọi thành viên của nền kinh tế được xác lập. Tất nhiên là tự do của một thành viên không được hạn chế tự do của thành viên khác, hay nói chính xác hơn quyền tự do của các thành viên phải nằm trong khuôn khổ của “luật chơi” đã được thỏa thuận với nhau trong thị trường[15].
Từ trong tình trạng tự do cạnh tranh tuyệt đối của thị trường đa dạng, sự hợp tác ngấm ngầm giữa các thành viên sẽ được hình thành một cách tự nguyện trên cơ sở hoạt động theo nguyên lý cung cầu. Xí nghiệp sản xuất sẽ cung cấp sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao với mức giá hợp lý. Người tiêu thụ sẽ tìm đến nhà cung cấp nào phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của mình. Dưới áp lực của cạnh tranh tuyệt đối, giá cả tự nhiên trên thị trường sẽ đạt mức thấp nhất[16], gần ngang bằng phí tổn sản xuất cộng thêm một ít lợi nhuận vừa phải hợp lý cho nhà cung cấp.
Khi trật tự kinh tế lành mạnh đã được xác lập, câu hỏi lớn đặt ra là “ai làm công việc duy trì bảo vệ trật tự kinh tế?“. Để trả lời câu hỏi này, người ta nghĩ ngay đến nhà nước. Điều đó cũng đúng nhưng chưa đầy đủ. Nhà nước trong mô hình Kinh tế Thị trường Xã hội chỉ có vai trò thiết lập khung trật tự kinh tế nhưng không có quyền lực để can thiệp vào quá trình hoạt động kinh tế. Để hoàn tất nhiệm vụ của mình nhà nước cần thêm những nguồn lực[17] khác hỗ trợ. Ngoài hai nguồn lực quan trọng nhất là nhà nướckhoa học, các lý thuyết gia kinh tế Tây Đức rất coi trọng các nguồn lực khác như nhà thờ với những hoạt động phục vụ cho công bằng xã hội, tổ chức dân sự độc lập với hoạt động phong phú nhiều mặt trong đời sống và cả nguồn lực tư nhân cũng phải được huy động mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ trật tự kinh tế.
(a) Nhà nước: Đây là nguồn lực quan trọng nhất. Trên nền tảng lý thuyết nhà nước của Montesquieu[18], bổ sung thêm bằng tri thức mới về kinh tế học, luật học và xã hội học để phù hợp với đòi hỏi đặc thù của Kinh tế Thị trường Xã hội, các chuyên gia hậu chiến Tây Đức thiết kế nhà nước của họ theo tinh thần mới. Tư tưởng chủ đạo của nó là xây dựng nhà nước pháp quyền với nội dung được xác định rõ rệt: hạn chế quyền lực chính phủ đến mức tối đa trong việc tác động lên các hoạt động kinh tế.
Montesquieu (1689-1775)
Trên bình diện rộng bao trùm mọi lĩnh vực khác thì nhà nước pháp quyền Đức lấy tư tưởng của Montesquieu làm nền tảng: Trước hết về tự do từng người, vai trò nhà nước cần được thiết kế để bảo đảm “không ai bị ép buộc phải làm những gì mà luật pháp không đòi hỏi, và không ai bị cản trở việc thụ hưởng những quyền mà luật pháp đã cho phép[19]”. Tiếp theo là cơ cấu tổ chức nhà nước thế nào để luật pháp được hoạt động có hiệu quả. Tự do con người sẽ không được bảo đảm, nếu không có sự tách rời minh bạch giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp[20]. Ba nhiệm vụ ban hành luật, thi hành luật và xử lý luật phải xuất phát từ ba bộ phận với những con người thừa hành trong đó hoàn toàn độc lập nhau và không chịu ảnh hưởng lẫn nhau.
Mỗi thể chế chính trị có một hình thái nhà nước khác nhau với những quyền lực khác nhau. Trong lúc ở các chế độ độc đảng và kinh tế kế hoạch trung ương, sự can thiệp của nhà nước lên quá trình hoạt động kinh tế gần như vô giới hạn, thì trong các nền dân chủ đại nghị và đa đảng sự can thiệp này được hạn chế một cách đáng kể[21].
Với nhận thức như thế, các kinh tế gia hậu chiến Tây Đức từ chối chế độ toàn trị theo kiểu Quốc xã, cũng như bác bỏ mọi lý thuyết xây dựng kinh tế và xây dựng nhà nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Họ đòi hỏi phải thiết lập trước tiên một chế độ dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập và từ đó thiết kế một nhà nước pháp quyền, trước khi mọi chính sách kinh tế được thành hình. Bộ luật cơ bản (hiến pháp) năm 1949, điều §20 ghi: Cộng hòa Liên bang Đức là một quốc gia liên bang dân chủ và xã hội. Mọi quyền lực nhà nước đều xuất phát từ nhân dân mà ra, được xác lập thông qua các cuộc bầu cử tự do, các cuộc trưng cầu dân ý và được thực thi thông qua các cơ quan lập pháp và tư pháp. Có nghĩa là mọi động tác của nhà nước phải đứng trên nền tảng của các đạo luật đã được ban hành hay nói rõ ràng minh bạch hơn, quyền lực nhà nước bị khống chế bởi luật pháp.
Các nhà kinh tế chính trị cấp tiến Đức sử dụng nguyên tắc phân quyền cổ điển và bổ sung thêm bằng khái niệm nhà nước pháp quyền theo phiên bản Đức, nhất là đặt quyền lực nhà nước dưới luật pháp để bảo đảm chế độ cạnh tranh của kinh tế thị trường hoạt động tốt. Nói một cách khác, hiến pháp ở trên cùng và kế tiếp toàn bộ luật pháp là quyền lực tối thượng điều tiết mọi hoạt động trong xã hội, kể cả hoạt động kinh tế. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, điều gì xảy ra khi cơ quan lập pháp ban hành một bộ luật không phù hợp với tinh thần của hiến pháp? Giải pháp của họ là Tòa án Liên bang Bảo vệ Hiến pháp[22]. Nếu có một phe nào đó đứng ra tranh kiện, thì tòa án này sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng rằng bộ luật đó hợp hiến hay vi hiến và được chấp thuận hay bị hủy bỏ.
(b) Khoa học: Walter Eucken nhận thức rằng con người là nguồn lực chi phối lịch sử nhân loại. Và hành động của con người hoàn toàn phụ thuộc vào những gì họ nghĩ, họ muốn và họ tin tưởng. Thật là sai lầm khi cho rằng phát triển kỹ thuật hay các cơ cấu phục vụ đời sống chính trị và xã hội là có thể làm chủ được lịch sử của thời đại chúng ta[23]. Điều đó có nghĩa là, giá trị tinh thần chứ không phải của cải vật chất sẽ ảnh hưởng bền vững lên mọi mặt của đời sống. Trong tất cả các giai đoạn xây dựng kinh tế - từ giai đoạn thiết kế chính sách, đến giai đoạn giám sát thị trường sang giai đoạn xử lý sai trái và điều chỉnh khung trật tự - tri thức khoa học vừa là chất liệu vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế tiến đến thành công.
Khoa học, nhất là khoa học xã hội[24] có hai nhiệm vụ chính, một mặt nó nghiên cứu thế giới thực bằng những diễn biến lịch sử trong đó. Mặt khác bằng cách xác định mối quan hệ hữu cơ của các thành tố trong thế giới thực, khoa học đưa ra các phán quyết cuối cùng về hình thái trật tự nào có thể giữ gìn cho thế giới công nghiệp hiện tại được phát triển bền vững[25].
Quan sát quá trình hình thành chính sách kinh tế hậu chiến Tây Đức chúng ta dễ dàng nhận thấy vai trò quan trọng của khoa học. Trong giai đoạn thiết kế chính sách, họ cần nhiều chuyên gia với tri thức tổng hợp có nền tảng là lý thuyết kinh tế, lý thuyết về nhà nước và khoa học xã hội. Trong giai đoạn thực hiện chính sách, khoa học gia càng đóng vai trò quan trọng hơn. Họ là những người được trang bị tri thức khoa học để phân tích các hiện tượng xảy ra trên thị trường và có đủ thẩm quyền để đưa ra những biện pháp điều tiết khi cần thiết. Quốc gia nào không có hoặc giới lãnh đạo không biết sử dụng chuyên viên khoa học, quốc gia đó sẽ dần dần rơi vào tình trạng tụt hậu.
Để tạm kết thúc bài này, xin trích dẫn một lập luận cô đọng của giáo sư Walter Eucken về trật tự cạnh tranh[26]: “Trong khung trật tự kinh tế lành mạnh, chế độ cạnh tranh tuyệt đối không những nâng cao năng suất, mà nó còn là một hình thái thị trường trong đó giá cả điều phối quá trình hoạt động kinh tế. Kết quả khảo sát nền kinh tế kế hoạch trung ương chỉ cho ta thấy là sự cạnh tranh cũng được áp dụng ở đó để nâng cao năng suất. Người ta thường tổ chức thi đua giữa các xí nghiệp, khen thưởng các xí nghiệp thành công, tổ chức thi đua giữa công nhân với nhau, khen thưởng những người có năng suất vượt trội. Ở trong các nền kinh tế kế hoạch trung ương, việc thi đua lẫn nhau là biện pháp để tăng năng suất trong lúc việc điều khiển quá trình hoạt động kinh tế thì thuộc về cơ quan kế hoạch trung ương.
Sách cùng tác giả
Trong khung trật tự cạnh tranh lành mạnh thì quá trình hoạt động kinh tế được điều khiển bởi giá cả phát sinh từ chế độ cạnh tranh tuyệt đối và bởi kế hoạch của người mua kẻ bán vốn dĩ họ tự định hướng bằng giá cả thị trường. Điều khiển quá trình hoạt động kinh tế nâng cao năng suất trong một trật tư cạnh tranh lành mạnh, cả hai đều được thực hiện thông qua chế độ cạnh tranh tuyệt đối trên thị trường“.
Tác giả: Tôn Thất Thông
Độc giả nào quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này xin tham khảo thêm ở tác phẩm “Thần kỳ kinh tế Tây Đức giai đoạn 1950-1969. Lịch sử - Lý thuyết – Chính sách“ sẽ do Phương Nam xuất bản cuối năm 2016. Một số thuật ngữ chuyên môn trong bài này có ghi chú tiếng Đức, đôi lúc có tiếng Anh. Tiếng Đức là gốc và chính xác. Nếu dịch sang tiếng Việt hoặc Anh không đúng, xin quí vị lượng thứ và cho biết để hiệu đính lại.
Tài liệu tham khảo
1.   Abelshauser, Werner
Lịch sử kinh tế Đức từ 1945 đến ngày hôm nay.
Deutsche Wirtschaftsgeschichte von 1945 bis zur Gegenwart.
ISBN 978-38-3890-204-3
2.   Böhm, Franz
Tự do và trật tự trong kinh tế thị trường
(Sưu tầm và biên tập bởi Ernst-Joachim Mestmäcker)
Freiheit und Ordnung in der Marktwirtschaft
ISBN 3-7890-0492-8
3.   Erhard, Ludwig
Chính sách kinh tế Đức
Deutsche Wirtschaftspolitik
ISBN 3-430-12546-4
4.   Eucken, Walter
Những luận đề cơ bản về chính sách kinh tế
Grundsätze der Wirtschaftspolitik
ISBN 31-6345-548-4
5.   Friedman, Milton
Chủ nghĩa tư bản và tự do
Capitalism and Freedom
Bản dịch tiếng Đức Kapitalismus und Freiheit bởi Paul C. Martin
ISBN 3-492-23962-5  
6.   Hardach, Karl
Lịch sử kinh tế Đức trong thế kỷ 20
Wirtschaftsgeschichte Deutschlands im 20. Jahrhundert
ISBN 3-525-33380-3
7.   Montesquieu, Baron de
Tinh thần của luật pháp
De l’esprit des loix
Bản dịch tiếng Đức “Vom Geist der Gesetze“ của Kurt Weigand
ISBN 3-15-008953-0
8.   Müller-Armack, Alfred
Điều khiển kinh tế và kinh tế thị trường
Wirtschaftslenkung und Marktwirtschaft
ISBN 39-2459-228-4
9.   Peters, Hans-Rudolf
Chính sách kinh tế
Wirtschaftspolitik
ISBN 3-486-23120-0
10.        Smith, Adam
Phồn vinh các quốc gia - Khảo sát bản chất và nguồn gốc
An Inquiry into the nature and cause of the wealth of nations
ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7




[1] Xem tài liệu [6] trang 168, K. Hardach

[2] Đấy là khái niệm Leistungswettbewerb (cạnh tranh về năng suất), xem tài liệu [4] trang 247, W. Eucken

[3] Chúng ta cũng có thể gọi là “cạnh tranh lành mạnh” để tránh hiểu nhầm

[4] Oligopol hoặc Monopol

[5] Bundeskartellamt

[6] Xin lưu ý rằng so sánh này chỉ đặc thù cho chính sách kinh tế theo trường phái Freiburg, tức là của Tây Đức. Đối với chính sách của Anh hoặc Pháp, so sánh này không phù hợp với thực tế.

[7] Öffentliches Recht (Public law) và Privates Recht (Private law)

[8] Xem tài liệu [4] trang 246, W. Eucken

[9] Xem tài liệu [6] trang 169, K. Hardach

[10] Bundesgerichtshof hoặc Bundesverfassungsgericht

[11] Tạm dịch chữ Polypol

[12] Xem tài liệu [9] trang 204-206, H-R. Peters

[13] Xem tài liệu [4] trang 249, W. Eucken

[14] Xem thêm mục “Hạn chế liên minh độc quyền” trang []

[15] Xem tài liệu [4] trang 246, W. Eucken

[16] Xem tài liệu [10] trang 60, A, Smith

[17] Nguồn lực (Träger – Carrier – Support) có nghĩa là năng lượng, sức mạnh để gánh vác trách nhiệm chứ không phải là quyền lực (Macht – Power)

[18] Độc giả nào muốn nghiên cứu sâu sắc vấn đề này có thể tham khảo tác phẩm quan trọng của Montesquieu: “De l’esprit des loix” (tiếng Anh: The Spirit of the laws - tiếng Đức: Vom Geist der Gesetze)

[19] Xem tài liệu [7] trang 215, Montesquieu, Quyển 11, §4

[20] Xem tài liệu [7] trang 216-230, Montesquieu, Quyển 11, §6

[21] Xem tài liệu [9] trang 30, H-R. Peters

[22] Bundesverfassungsgericht (Federal Constitutional Court - Cour Constitutionnelle Fédérale). Đây là tòa án tối cao của mọi tòa án, nó có trách nhiệm đưa phán quyết về mọi tranh chấp liên quan đến hiến pháp. Trong lĩnh vực dân luật và hình luật thì có Bundesgerichtshof (Federal Supreme Court) là cao nhất.

[23] Xem tài liệu [4] trang 339, W. Eucken

[24] Kinh tế cũng có thể được xếp vào khoa học xã hội, mặc dù vì tầm quan trọng và mức độ phức tạp của nó, kinh tế hiện nay là một môn học độc lập.

[25] Xem tài liệu [4] trang 340, W. Eucken

[26] Xem tài liệu [4] trang 249, W. Eucken

Print Friendly and PDF