27.10.16

Châu Á: sự mất cân bằng giới tính

Châu Á: sự mất cân bằng giới tính

Một bà mẹ Trung Quốc và con trai tại khu vực vui chơi dành cho trẻ em tại một salon ô-tô của Bắc Kinh, ngày 26 tháng 6, 2015. (Ảnh: Wei yao/Imaginechina/via AFP)
Trong tác phẩm Le premier siècle après Béatrice (Thế Kỷ Đầu Tiên Sau Béatrice), xuất bản năm 1992, Amin Maalouf kể chuyện về một thế giới mà ngày càng nhiều bậc cha mẹ sử dụng một chất thúc đẩy việc sinh con trai. Trong suốt cuốn sách, tác giả kể chuyện điều tra về sự mất cân bằng diễn ra trong nhiều xã hội ở phương Nam và phương Bắc, các vụ bắt cóc phụ nữ và sự gia tăng bạo lực dẫn đến sự hủy hoại của nhân loại. Hai năm trước khi cuốn sách hư cấu này được xuất bản, Amartya Sen đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Trong một bài báo đăng trên tờ New York Review of Books đã từng có một tác động rất lớn, người đoạt giải Nobel tương lai đã nói về việc thiếu hụt 100 triệu phụ nữ ở phương Nam.
Tại Ấn Độ, của hồi môn đào sâu thêm khoảng cách
Amin Maalouf (1949-)

Về đất nước Ấn Độ, Amartya Sen lưu ý rằng vào năm 1990, cứ 86 người phụ nữ thì có 100 người đàn ông tại các bang phía Bắc và 103 người phụ nữ so với 100 người đàn ông tại bang Kerala. Song 60 năm trước, cuộc điều tra dân số cho thấy tỷ lệ bé gái dưới 4 tuổi nhiều hơn một chút so với bé trai. Kể từ năm 1950, cuộc điều tra dân số cho thấy một tỷ lệ giảm dần giữa bé gái và bé trai dưới 4 tuổi, và cuộc điều tra dân số mới nhất đã xác nhận sự tồn tại một sự mất cân bằng giới tính khi sinh, với 110 bé trai trên 100 bé gái. Sự mất cân bằng này đang trở nên trầm trọng mặc cho lệnh cấm phá thai có lựa chọn được áp dụng tại tất cả các bang của Ấn Độ, ngoại trừ các bang tại phía Nam (Tamil Nadu, Kerala và Karnataka). Hiện tượng trọng nam khinh nữ xuất hiện tại các vùng nông thôn, nơi mà các bậc cha mẹ muốn có con trai để phụ giúp việc đồng áng sau này, hiện tượng này đã lan rộng đến các tầng lớp trung lưu thành thị.
Amartya Sen (1933-)
Tại các bang phía Bắc, Haryana, Punjab, Delhi, Himachal Pradesh, Gujarat và Chandigarh, theo thống kê dân số có 900 ca sinh bé gái trên 100 bé trai, 865 ở Delhi và tỷ lệ thấp nhất (845) đã được ghi nhận tại một quận ở phía Tây Nam thủ đô. Tỷ lệ này không giống nhau tại các vùng nông thôn và tại các thành phố, và khoảng cách (giữa nam và nữ) không phải là điều mà người ta có thể mong đợi từ việc cải tiến chương trình xóa nạn mù chữ. Chương trình này không đạt được kết quả trong việc tái cân bằng giới tính khi sinh. Ngược lại đằng khác, các bà mẹ có trình độ học vấn thường ngại có con gái nhiều hơn những phụ nữ ít học, và thậm chí nhiều hộ gia đình giàu có có thể sử dụng phương pháp siêu âm để phát hiện giới tính của con mình. Sự ưu đãi này còn được nhấn mạnh thêm bởi chế độ của hồi môn khắt khe hơn tại các bang phía Bắc. Các bậc cha mẹ lo sợ việc có con gái vì phải trả của hồi môn. Đó là ý nghĩa của một quảng cáo (ngày nay đã bị cấm) ca ngợi những lợi ích của phương pháp siêu âm: "Chi ra 5 USD cho ngày hôm nay, hơn là phải chi ra 1000 lần hơn trong 20 năm sau." Khoảng cách giữa tỷ lệ sinh trai và gái cũng thay đổi với tôn giáo của các bậc cha mẹ. Tỷ lệ này thấp hơn đối với người Hindu (925) so với người Hồi giáo (950); tỷ lệ thấp nhất đặc trưng cho cộng đồng người Sikh (786) và Jain, và cao nhất trong giới người Kitô giáo (964).
Tại Trung Quốc, chính sách một con và sự ưu ái đối với bé trai
Tại Trung Quốc, cho đến đầu những năm 1980, tỷ lệ sinh giữa bé trai và bé gái phù hợp với những gì được ghi nhận tại Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tỷ lệ này đã tiến triển với chính sách hạn chế sinh đẻ, diễn ra trước khi có chính sách một con vào năm 1979. Kể từ đó, cuộc điều tra dân số cho thấy một sự mất cân bằng ngày càng tăng. Chính quyền đã tăng cường các nỗ lực đấu tranh chống lại việc lựa chọn giới tính đang được thực hiện rộng rãi và các tỉnh đã triển khai những biện pháp động viên để sinh nữ. Các nỗ lực trên không đủ sức thuyết phục và các lệnh cấm đã bị bỏ qua. Theo thống kê điều tra dân số mới nhất, khoản cách khi sinh giữa bé trai và bé gái là 10%. Sự mất cân bằng này đã có hậu quả ngay từ bây giờ đối với các cuộc hôn nhân. Tại nông thôn, gần một trên bốn người đàn ông ít học sống độc thân. Wei và Zhang (2009) cho thấy sự mất cân bằng này khuyến khích các bậc cha mẹ càng tiết kiệm nhiều hơn để chuẩn bị con trai của họ với một thị trường hôn nhân ngày càng cạnh tranh hơn. Theo các tác giả, sự gia tăng mạnh mẽ tiền tiết kiệm của các hộ gia đình trùng hợp với sự phát hiện về một sự mất cân bằng đáng kể về giới tính khi sinh.
Sự tiến triển của tỷ lệ giới tính tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)
Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh đẻ giảm từng diễn ra trong những năm 1980 và 1990 đã không tạo ra một sự gia tăng tỷ lệ sinh con trai như trường hợp tại Trung Quốc. Sự xuất hiện của các thiết bị siêu âm đã làm thay đổi cuộc chơi. Xuất hiện trong báo cáo điều tra dân số năm 2000, sự mất cân bằng giới tính đã trở nên trầm trọng vào năm 2010. Theo Bộ Y tế Việt Nam, đã có 106 trường hợp sinh bé trai so với 100 bé gái vào năm 2000, và 114 so với 100 bé gái vào năm 2014. Năm sau, chính phủ đã phát động một chiến dịch chống phân biệt đối xử về giới. Sự tiến triển của cấu trúc theo tuổi thay đổi cho thấy khoảng cách giữa bé trai/bé gái dưới 4 tuổi tại Việt Nam gần với khoảng cách được ghi nhận tại Ấn Độ. Nếu cứ tiếp tục, việc các phụ nữ trẻ Việt Nam theo chồng tới Trung Quốc và Hàn Quốc có thể làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng này.
Đến năm 2040, khoảng cách giữa nam giới và phụ nữ từ 20 đến 45 tuổi sẽ vào khoảng 30 triệu người tại Ấn Độ và Trung Quốc. Điều may mắn là những trường hợp trước đó của Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy sự tiến triển này có thể đảo ngược được.
Một tiến triển có thể đảo ngược được
Tại Nhật Bản, các cuộc điều tra dân số năm 1899 và 1908 đã cho thấy một tỷ lệ thiếu hụt phụ nữ và vào năm 1940 đã không xuất hiện trở lại kể từ đó. Tại Hàn Quốc, vào những năm 1980 và 1990, trong khi tỷ lệ sinh giảm nhanh và tỷ lệ các gia đình nhỏ tăng mạnh, việc chuộng sinh con trai đã dẫn đến một khoảng cách đáng kể với 115 bé trai trên 100 bé gái vào năm 1994. Kể từ đó, khoảng cách này đã dần dần bị triệt tiêu trước khi trở lại mức bình thường vào năm 2007. Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai các biện pháp cưỡng bức– cấm các bác sĩ tiết lộ giới tính của thai nhi trong thời gian sáu tháng đầu mang thai – và các biện pháp phòng ngừa – mở rộng trách nhiệm cho con gái trong việc thờ cúng tổ tiên. Sự tiến bộ trong chương trình giáo dục cho các trẻ gái vào đại học nhiều hơn các trẻ trai, cũng góp phần làm giảm sự mất cân bằng. Cộng với tỷ lệ lão hóa – Hàn Quốc, cùng với Việt Nam, là quốc gia có tốc độ lão hóa nhanh nhất ở châu Á – các bậc cha mẹ người Hàn Quốc đã hiểu được rằng con gái có nhiều khả năng chăm sóc cho họ sau này! Sự mất cân bằng giới tính không còn là một vấn đề tại đất nước này, trong khi nó vẫn tồn tại ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Jean-Raphaël Chaponnière

Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là chủ tịch của Asia Centre (Trung tâm châu Á) và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché – Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Asie: le déséquilibre des genres, AsiaLyst, 29/09/2016
Print Friendly and PDF