11.10.16

Nobel kinh tế: Oliver Hart và Bengt Holmstörm, hai nhà kinh tế học sát với doanh nghiệp



Nobel kinh tế: Oliver Hart và Bengt Holmstörm, hai nhà kinh tế học sát với doanh nghiệp
Antoine Reverchon
Công bố Giải Nobel kinh tế tại Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển (Stockholm) ngày 10.10, Jonathan Nackstrand/AFP
“Giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel” được trao cho các nhà kinh tế Oliver Hart (Mĩ-Anh) và Bengt Holmstörm (Phần Lan) để thưởng những công trình lí thuyết của họ về hoạt động của doanh nghiệp, được xem như một tập những hợp đồng, rõ ràng hoặc ngầm ẩn, giữa các bên có liên quan (người lao động và người sử dụng lao động, người gọi thầu và người trúng thầu, cộng tác viên và nhà quản lí, cổ đông và lãnh đạo doanh nghiệp, v.v.).
Phần chủ yếu của các công trình này được tiến hành vào cuối những năm 1970 và 1980 nhưng “chúng đã mở đường cho 40 năm nghiên cứu trong kinh tế học vi mô”, theo đánh giá của Thomas-Olivier Leautier, nhà nghiên cứu tại Trường kinh tế Toulouse mà một trong những người hướng dẫn luận án là Holmstörm. Đồng khôi nguyên năm nay là đồng tác giả với Jean Tirole của nhiều công trình và cũng là một trong số ít khách mời danh dự của nhà kinh tế Pháp này nhân lễ trao giải Nobel ở Stockholm vào năm 2014. 
Cả hai đều xuất phát từ các công trình của các nhà kinh tế Mĩ George Akerlof và Joseph Stiglitz trong những năm 1970, làm rõ tính không đối xứng của thông tin mà các tác nhân trong nền kinh tế có được khi giao dịch với nhau. Việc làm rõ điều hiển nhiên này đã kết thúc giáo điều về thông tin “hoàn hảo” mà cho tới lúc bấy giờ được lí thuyết mô tả.
Một mạng những giao dịch
Nhận định trên cũng đúng cho cấp độ doanh nghiệp, như Philippe Askenazy, thuộc trường đại học Paris giải thích. Doanh nghiệp có thể được xem như một mạng những giao dịch, những “hợp đồng” có tính đến thông tin không đối xứng chứ không như là kết quả của một “cân bằng tối ưu” giữa các bên liên quan. Ví dụ, người sử dụng lao động khi tuyển dụng nhân viên không biết người lao động sẽ nỗ lực như thế nào để đảm bảo công việc được giao, cũng như người lao động không biết những phương tiện nào người sử dụng lao động sẽ thật sự trao cho mình để hoàn thành công việc. Tương tự, cả hai đều không thể dự báo những biến cố ngoại sinh có khả năng tác động đến quan hệ hai bên như bệnh tật (của nhân viên) hay khó khăn kinh tế (của doanh nghiệp).
Các “hợp đồng” phản ánh những bất trắc mà hai khôi nguyên, mỗi người mỗi hướng, đã tìm cách mô hình hóa. Như vậy, các công trình của họ có những hệ quả cụ thể trong quản lí nhân sự, và chung hơn về quản lí kinh tế và tài chính, trong mức độ là các mô hình của họ cũng có thể ứng dụng cho nhiều giao dịch của doanh nghiệp (với nhà điều tiết, chính quyền, ngân hàng, bảo hiểm nhà đầu tư, nhà cung ứng, v.v.).   
Chẳng hạn, Holmstörm đã nghiên cứu về thù lao các cổ đông trả cho các lãnh đạo doanh nghiệp; Hart nghiên cứu quan hệ đối tác công-tư, mô hình hóa những tình thế trong đó, ví dụ, sẽ hiệu quả hơn cho cộng đồng khi có hai đơn vị khác nhau để xây dựng rồi quản lí một bệnh viện hay một nhà tù, hoặc ngược lại khi chỉ có cùng một đơn vị duy nhất đảm nhiệm việc này.
Những biện pháp động viên lẫn nhau
Theo Philippe Gagnepaim, giáo sư đại học Paris I và thành viên Trường kinh tế Paris, “các công trình này đã cung cấp những công cụ cho phép khuyến khích các doanh nghiệp bộc lộ năng lực sản xuất thật sự của mình và như vậy giảm thiểu thông tin không đối xứng giữa khu vực công và khu vực tư và do đó để đạt đến một hợp đồng tối ưu cho cả đôi bên”.
Bengt Holmstörm tại Helsinki ngày 2.11.2015. Jussi Nukari/AFP
Đối với Bengt Holmstörm, sinh năm 1949 và kể từ 1994 là giáo sư MIT, một hợp đồng do đó về bản chất có những biện pháp động viên hỗ tương cho hai bên nhằm giới hạn sự bất trắc mà cả hai bên đều gánh chịu. Ví dụ, ông chỉ ra rằng để đảm bảo là người lao động thật sự có những nỗ lực cần thiết thì người sử dụng lao động vận dụng hoặc việc tăng lương hoặc việc thăng chức song hiệu ứng của hai biện pháp này khác nhau tùy theo tình huống. Lấy cảm hứng từ lí thuyết trò chơi để mô hình hóa “hợp đồng tối ưu”, ông chỉ ra rằng hợp đồng này có thể cải thiện, nhờ các biện pháp động viên, hành vi của các tác nhân thì nó cũng không thể hình dung được tất cả các nhân tố ngoại sinh.
Vai trò của sự tin tưởng
Còn Oliver Hart, sinh năm 1948 và giáo sư Harvard, cố gắng mô hình hóa những “hợp đồng không đầy đủ”. Vượt qua quan niệm cổ điển, cũng là cách nhìn của Ronald Coase, nhìn nhận doanh nghiệp như một nút thắt những chi phí giao dịch sản sinh ra cân bằng giữa các bên, Oliver Hart xem doanh nghiệp như là định chế cho phép “cùng nhau kết nối” khi không thể biết trước và hình dung được tất cả các yếu tố và biến cố của những quan hệ giữa các bên. Như vậy ông sẽ nhấn mạnh đến vai trò của sự tin tưởng, quyền uy của bên này trên bên khác hay sự có mặt có thể của một bên thứ ba ảnh hưởng đến bản chất của hợp đồng. Ông cố gắng mô hình hoá những hình thức hợp đồng “vững chắc” nhất và thừa nhận là không thể đưa vào đó toàn bộ những khả thể.
Oliver Hart, tại nhà riêng ở Massachussets, ngày 10.10. Jon Chase/AFP
Đối với cả hai khôi nguyên, các hợp đồng phản ánh thế giới như nó tồn tại chứ không như lí thuyết kinh tế muốn nó phải là. Tất nhiên, là những nhà lí thuyết giỏi, họ đều đề xuất những mô hình đơn giản nhằm tối ưu hóa các hợp đồng.
Jean-Marc Daniel, giáo sư Trường cao đẳng thương mại Paris (ESCP), nhận định là “họ viết những phương trình vô cùng đơn giản, chính xác và vững chắc nhưng biết giữ mình để không đề xuất những trị số chính xác cho các biến được họ làm rõ”. Do đó các mô hình này đã mở đường cho vô số công trình kinh tế học vi mô cho phép đối chiếu mô hình với dữ liệu sẵn có. Ví dụ, Philippe Gagnepain giải thích: “tôi kiểm định các giả thuyết của họ trong lĩnh vực giao thông công cộng, một lĩnh vực mà ta có những cơ sở dữ liệu mênh mông”. 
Nguyễn Đôn Phước dịch
Print Friendly and PDF