3.10.16

Giả dối, những giả dối đáng nguyền rủa và những thống kê về tăng trưởng ở châu Âu



GIẢ DỐI, NHỮNG GIẢ DỐI ĐÁNG NGUYỀN RỦA VÀ NHỮNG THỐNG KÊ VỀ TĂNG TRƯỞNG Ở CHÂU ÂU 
Yanis Varoufakis
ATHENS – “Hy Lạp cuối cùng đã trở lại với với tăng trưởng kinh tế.” Đó đã từng là kịch bản chính thức của Liên minh châu Âu vào cuối năm 2014. Than ôi, những cử tri Hy Lạp, không bị ấn tượng bởi niềm vui này, đã lật đổ chính phủ đương nhiệm và, vào tháng Một 2015, bầu lên một nội các mới trong đó tôi từng là bộ trưởng tài chính.
Tuần vừa rồi, những báo cáo ăn mừng tương tự phát ra từ Brussels báo trước về “sự trở lại tăng trưởng” ở Cộng hòa Síp, và tương phản với mẫu tin “tốt đẹp” này là “sự trở lại suy thoái kinh tế” của Hy Lạp. Thông điệp bắt nguồn từ “cỗ xe ba ngựa” của những người cho vay cứu trợ ở châu Âu - Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Quỹ Tiền tệ thế giới – rất to và rõ ràng: “Hãy làm như chúng tôi nói, giống như Síp đã làm, và bạn sẽ hồi phục. Chống cự lại những chính sách của chúng tôi, bằng cách bầu lên những người kiểu như Varoufakis, và bạn sẽ lãnh những hậu quả của suy thoái trầm trọng hơn.”
Đây là một câu chuyện có sức thuyết phục. Ngoại trừ là nó được xây dựng trên sự lừa gạt không thành thật. Hy Lạp đã không phục hồi trong năm 2014, và thu nhập quốc dân của Síp cũng chưa phục hồi luôn. Những khẳng định ngược lại của Liên minh châu Âu dựa trên sự chú trọng không phù hợp đến thu nhập quốc dân “thật”, một thước đo tất dẫn đến sự nhầm lẫn trong những thời kỳ giá cả đang giảm.
Nếu được hỏi bạn có sống tốt hơn hiện nay so với một năm trước, bạn sẽ trả lời chắc nịch là có nếu thu nhập bằng tiền của bạn (nghĩa là, giá trị thu nhập này bằng đồng đô la, bảng, euro hoặc đồng yên) đã tăng trong 12 tháng trước đó. Trong thời kỳ lạm phát của ngày xưa, bạn có thể cũng kèm theo phản ứng với sự phàn nàn (hợp lý) là tăng chi phí sinh sống đã làm xói mòn thu nhập tăng thêm.
Để giải thích cho khoảng cách giữa thu nhập bằng tiền của bạn và khả năng của bạn để mua hàng hóa với nó, các nhà kinh tế đã tập trung vào chỉ số sức mua bằng cách điều chỉnh thu nhập bằng tiền của bạn với các mức giá trung bình.
Tổng thu nhập của một quốc gia cũng được tính theo cách tương tự như vậy. Các nhà kinh tế bắt đầu bằng cách tính tổng những nguồn thu nhập bằng tiền của mọi người dân để có được Tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa – hay là, cho đơn giản dễ hiểu, tổng thu nhập bằng tiền của quốc gia (N). Sau đó họ điều chỉnh N cho những thay đổi ở các mức giá trung bình (P) bằng cách chia N cho P. Tỷ lệ này là thu nhập “thực tế” của quốc gia (R = N/P).
Trong các thời kỳ lạm phát, mục đích của việc tính toán số liệu cho thu nhập quốc gia thực tế, R, đã níu giữ chúng ta lại trước khi trở nên vui mừng quá đỗi bởi những bản báo cáo rằng thu nhập danh nghĩa đã tăng lên đáng kể. Ví dụ, tại một thời điểm khi các mức giá trung bình đang tăng lên, cỡ 8%, thì một mức tăng 9% của thu nhập danh nghĩa có nghĩa là tỷ lệ tăng trưởng thực tế của khả năng chúng ta mua hàng hóa chỉ có 1% thôi.
Vậy, rõ ràng là, trong các thời kỳ lạm phát, con số thu nhập quốc gia thực tế, R, đã là căn cứ để nhìn vào trước khi hân hoan rằng nền kinh tế đang tăng trưởng. Chỉ khi R tăng mạnh thì chúng ta mới có lý do xác đáng để tin rằng hoạt động kinh tế đang gia tăng.
Nhưng trong các thời kỳ giảm phát (khi các mức giá giảm), giống như những gì gặp phải ở Hy Lạp và Síp ngày nay, R có thể đánh lừa ta một cách trầm trọng. Hãy xem xét các mô tả giả thuyết của một nền kinh tế giảm phát trong bảng dưới đây.
Từ Năm 1 đến Năm 2, thu nhập danh nghĩa của quốc gia (N) co lại 2% (từ 100 xuống 98), trong khi chỉ số giá trung bình giảm 1% (từ 100 xuống 99). Trong năm tiếp theo (Năm 3), suy thoái kinh tế trầm trọng hơn, với một mức giảm sâu 2.04% của thu nhập danh nghĩa (từ 98 xuống 96) và một sự sụt giảm thậm chí lớn hơn của giá cả với giảm phát chạm mức 6.06%.
Đây là một bức tranh của một nền kinh tế trượt dài từ suy thoái đến một cái gì đó gợi nhớ đến tình trạng suy sụp: thu nhập giảm và thậm chí giá cả trượt nhanh hơn. Nhưng nhìn vào hàng cuối: thu nhập quốc gia “thực tế” dường như đã tăng đáng kể trong Năm 3, tăng lên một cách khỏe khoắn với tỷ lệ 4.28%.
Nhưng nó là một ảo ảnh – một ảo giác do sụt giảm của các mức giá tạo nên. Hiểu đơn giản, trong những nền kinh tế giảm phát, nơi người dân và nhà nước chịu các khoản nợ đáng kể, sự tăng lên của thu nhập danh nghĩa (trái ngược với thu nhập thực tế) là cái cớ duy nhất để ăn mừng.
Người ta có thể đáp lại rằng sự gia tăng thu nhập quốc gia thực tế, R, luôn luôn là tin tốt, ngay cả khi thu nhập danh nghĩa đang giảm. Vì nếu các mức giá (P) đang giảm nhanh hơn so với thu nhập danh nghĩa (N), chắc chắn điều này có nghĩa rằng chúng ta có thể đủ khả năng để mua thêm một ít (hàng hóa). Đây không phải là một điều tốt à?
Chắc chắn là đúng vậy – nhưng chỉ trong trường hợp không có trở ngại thông thường: nợ nần. Khi người dân và các chính phủ chìm ngập trong nợ nần, và miễn là còn trả lãi suất thực dương trên số nợ đó, sự sụt giảm thu nhập danh nghĩa là một công thức cho sự mất thanh toán tập thể.
Yanis Varoufakis (1961-)
Đây là những gì đang diễn ra ở Hy Lạp năm 2014. Khi R đã tăng 0.8% nhưng P đã giảm 2.6%. Nó cũng là những gì diễn ra ở Síp trong quý cuối cùng năm 2015, với R tăng 0.4% vào tháng Một 2016 nhưng P giảm 0.75%. Thật vậy, nhiều nước trong phạm vi châu Âu bị bắt ngập trong vũng bùn giảm phát, với các khoản thu nhập danh nghĩa đang giảm, nợ nần thì tăng vọt (tính theo tỉ lệ của của thu nhập danh nghĩa), và các ngân hàng đang chết đuối với những khoản nợ xấu ngăn cản họ cho những doanh nghiệp thậm chí có lợi nhuận vay tiền.
Trong nhiều năm qua đến bây giờ, các nhà lãnh đạo chính sách châu Âu đã bị tê liệt. Họ đã đầu tư quá nhiều vốn chính trị vào các chính sách thất bại nhằm cố gắng đảo ngược tình hình. Nhưng không ai bị gạt bởi những ảo thuật thống kê: tập trung vào dữ liệu thu nhập quốc gia thực tế trong thời kỳ giảm phát chỉ là một nỗ lực để đóng gói lại sự suy thoái kinh tế thành một câu chuyện thành công lớn.
Tác giả: Yanis Varoufakis, nguyên là một bộ trưởng tài chính của Hy Lạp, nay là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Athens.
Nguyễn Vũ Hoàng dịch
Nguồn: “Lies, Damn Lies, and European Growth Statistics”, Project Syndicate, Mar. 15 2016
Print Friendly and PDF