20.7.18

Bất bình đẳng trên thế giới


Báo cáo về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới năm 2018
BẤT BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC NƯỚC VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG CÁC NƯỚC
Lucas Chancel & Thomas Piketty
LTS: Lần đầu tiên, tháng 12 2017 tại Paris, những nhà kinh tế thuộc nhiều nước đã cùng công bố Bản báo cáo về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới.[*] Góp phần vào công trình nghiên cứu này có Facundo Alvaredo, Lucas Chancel, Thomas Piketty, Emmanuel Saez, Gabriel Zucman (ban chủ biên) và hàng trăm nhà nghiên cứu khác tham gia cơ sở dữ liệu World Inequality Database (WID). Sau đây là cuộc phỏng vấn người khởi xướng cơ sở dữ liệu WID, Thomas Piketty, và tổng chủ biên bản báo cáo năm 2018, Lucas Chancel, - do tuần báo Pháp L’Obs thực hiện vào đầu tháng tư, và do Diễn Đàn chuyển ngữ (nhan đề do chúng tôi đặt). Bổ sung tài liệu này còn có bài phỏng vấn Lucas Chancel trên tạp chí Alternatives Economiques tháng 1. 2018, đã được trang mạng Phân tích kinh tế chuyển ngữ.[**]
Có người gọi họ là băng Piketty, cho dù tác giả của quyển sách bán chạy Tư bản thế kỷ XXI đã nhấn mạnh không muốn cá nhân được đề cao.[***] Bởi đây là một mạng lưới phi hình thức tập hợp hàng trăm nhà nghiên cứu trẻ ở khắp thế giới đang khảo sát dữ liệu về thống kế và về thuế khóa của các nước, nhằm thiết kế những phép đo mới về tình trạng bất bình đẳng. Vì những lý do rõ ràng mang tính hệ tư tưởng, các định chế quốc tế như IMF, OECD hay Ủy ban Liên hiệp châu Âu chưa bao giờ cho tiến hành công việc này. Năm 2011, nhóm nghiên cứu này đã hình thành môt cơ sở dữ liệu có thể tiếp cận tự do trên internet. Tháng 12 2017, họ hoàn thành bản Báo cáo về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới đầu tiên, được nhà xuất bản Seuil phát hành tháng giêng 2018. Sau đây là cuộc nói chuyện - do Pascal Riché ghi lại - với hai tác giả trong tập thể đó: Lucas Chancel (L.C.), tổng chủ biên bản báo cáo 2018, và Thomas Piketty (T.P.) mà quan điểm là cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng từ nay phải trở thành quan tâm hàng đầu của chúng ta.
Số lượng người tỷ phú đô la trên thế giới không ngừng tăng: tạp chí Forbes đã đếm hơn 2208 người. Đây là hậu quả tất nhiên của sự trỗi dậy của các nước phía Nam hay đó là kết quả của một chính sách có chủ ý?
Thomas Piketty (1971-)
Lucas Chancel
L.C. Sự kiện một số nước rời khỏi chủ nghĩa cộng sản khiến cho bất bình đẳng gia tăng, nhưng bất bình đẳng bùng nổ là kết quả chọn lựa của một số chiến lược. Chẳng hạn như chính sách phi điều tiết hóa nền kinh tế vô cùng thô bạo ở Nga, trong vòng chưa đến môt thập niên, đã đưa nước này từ xã hội bình đẳng nhất thế giới trở thành xã hội bất bình đẳng nhất. Cả một mảng tài sản công đã vào tay một ít nhà tài phiệt. Trong khi ở Trung Quốc, diễn tiến xảy ra dần dần từng bước; trong mười năm qua, tình trạng bất bình đẳng có tăng nhưng ít hơn nhiều so với Nga và đang đứng lại. Không có gì là định mệnh cả. Đó là một bài học có thể rút từ bản báo cáo của chúng tôi: Giữa các vùng mà mức thu nhập tương đương, có những chênh lệch rất lớn trong tình trạng bất bình đẳng.
Năm vừa qua, những người sở hữu cổ phiếu trên thế giới đã lãnh hơn 1000 tỷ euro cổ tức, một mức vô địch. Và Pháp là một trong những nước hào phóng nhất đối với họ. Trong khi đó Ngân hàng trung ương châu Âu lo ngại tiền lương hiện nay ở mức thấp không bình thường, mặc dù nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại… Phải chăng có điều gì đó không ổn?
L.C. Tình trạng này cho thấy nhiều điều, trước hết là sự trơ trẽn của những tiếng nói cho rằng thuế khóa đang đè nặng quá đáng lên tầng lớp nhà giàu, tác động bất lợi lên nền kinh tế Pháp và công ăn việc làm. Thật ra, chúng ta đều nhận thấy tầng lớp nắm giữ nhiều tài sản nhất có sức khỏe tuyệt vời, và chiếu cố họ về mặt thuế suất không mang lợi gì đến cho số đông trong xã hội. Trái lại, tăng thuế suất trên cổ tức sẽ hạn chế tăng trưởng của nó, sẽ được thêm vốn đầu tư vào giáo dục - đào tạo và, qua đó, sẽ nâng lên mức lương của người lao động. Thế mà chính phủ đang làm gì? Nó đẩy mạnh hơn xu thế hiện hành bằng cách tăng thuế thu nhập của lao động mạnh hơn so với thuế thu nhập của tư bản. Ấy thế mà từ vài năm nay, chính phủ các nước giàu hay các định chế quốc tế lớn làm như quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bất bình đẳng.
T.P. Trong quan tâm mới này, có một cái gì đó giả tạo. Gần đây, IMF hay Ủy ban Liên hiệp châu Âu còn nói rằng: nếu đánh thuế tài sản thì chỉ nên đánh thuế bất động sản. Họ viện cớ rằng đánh thuế tài sản tài chính khiến cho hoạt động kinh tế nản chí. Làm như bất động sản - trong đó có nhà ở - là vô ích đối với kinh tế! Ở Pháp, Emmanuel Macron đã cho sửa đổi thuế về tài sản theo lô-gich đó. Thử hỏi ai sở hữu tài sản tài chính? Tầng lớp nắm nhiều tài sản nhất trong xã hội.
Bất động sản là phần chủ yếu trong tài sản của giai cấp trung lưu. Phải chăng vấn đề ở đây có tính hệ tư tưởng?
T.P. Đúng vậy. Chính sách thuế khóa trên đây phản ánh một thế giới quan trong đó phải hạn chế tái phân phối.
L.C. Ở những nước có tình trạng bất bình đẳng cực kỳ cao, không có thuế thừa kế. Brasil: 4%; Ấn Độ: 0%; Trung Quốc: 0%; Nga: 0%; Trung Đông: 0%! Đó là điều mà các báo cáo của IMF không hê nêu lên. Họ chỉ khuyến cáo đầu tư vào vốn con người, vào giáo dục… Không sai, nhưng không đầy đủ.
Dường như có hai trường phái đối lập nhau. Một trường phái chủ trương bình đẳng về cơ hội (phái tự do chủ nghĩa) và nhấn mạnh trên đào tạo, giáo dục, không phân biệt đối xử. Và trường phái mà hai ông theo và chủ trương tái phân phối nhằm hạn chế những bất bình đẳng “thực, tức bất bình đẳng về thu nhập và về tài sản…
T.P. Tôi không đồng ý với cách đối lập đó. Bình đẳng thực bao gồm bình đẳng thực về cơ hội. Thường những người chủ trương bình đẳng về cơ hội không phân tích các điều kiện của nó. Chẳng hạn, tình trạng bất bình đẳng về cơ hội rất lớn trong giáo dục ở Mỹ. Và nó có quan hệ trực tiếp với tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa các hộ gia đình. Trong số 10% người Mỹ giàu nhất, 90% con cái vào đại học. Còn trong 10% nghèo nhất, chỉ có 30%. Chưa kể, con em nhà giàu và nhà nghèo không vào cùng trường đại học. Muốn thay đổi tình trạng này, phải xét lại vấn đề tài trợ giáo dục ở Hoa Kỳ. Các trường tiểu học và trung học được tài trợ ở cấp địa phương, và các khu dân cư giàu được hưởng trường tốt hơn. Các trường đại học vô cùng tốn kém. Gia đình của sinh viên Harvard thuộc top 2% có thu nhập cao nhất ở Mỹ.
Cho rằng có thể chấp nhận bất bình đẳng trong xã hội nếu mỗi người có được những cơ hội ngang nhau, nếu sự chuyển dịch vị trí xã hội được dễ dàng, sự tuyển chọn chỉ dựa trên tài năng, là một diễn từ giả đạo đức, không ăn nhập với hiện thực nào cả. Thường đó chỉ là cái khố biện minh cho tình trạng bất bình đẳng, kể cả bất bình đẳng về cơ hội. Cho nên cần phân tích các loại cơ chế về bất bình đẳng bởi chúng rất đa dạng: khả năng tiếp cận giáo dục, lợi suất trên các thị trường tài chính, thừa kế tài sản, vận hành thị trường lao động…
Tỷ phần của nhóm 1% những người thu nhập cao nhất thế giới (màu đỏ) và nhóm 50% người thu nhập thấp nhất thế giới (màu xanh) trong thu nhập toàn cầu, 1980 - 2016[1]
Xem những biểu đồ trong bản báo cáo, bất bình đẳng hình như có tăng chậm lại sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Phải chăng đó chỉ là hiệu ứng của khủng hoảng thị trường chứng khoán?
L.C. Sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và về tài sản, sự gia tăng khối tài sản tư, sự giảm sút khối tài sản công: đó là các xu hướng dài hạn. Cuộc khủng hoảng 2008 chỉ là sự cố hành trình.
T.P. Sau khủng hoảng này, Trung Quốc và các nước mới nổi tiếp tục tăng trưởng, trong lúc các nước giàu như kiệt sức. Do đó, giữa các nước có hiện tượng hội tụ, tức xu hướng bất bình đẳng giảm dần giữa các nước. Tuy nhiên, xu hướng bất bình đẳng tăng dần trong nội bộ mỗi nước mới là xu thế trội hơn. Ở mức độ toàn thế giới, tuy tình trạng nghèo đói có sụt giảm, song tình trạng bất bình đng giữa những con người đã gia tặng mạnh.
L.C. Đối với chúng tôi, quả là điều bất ngờ. Bởi không thể biết trước giữa hai tác lực gắn liền với toàn cầu hóa, cái nào sẽ trội hơn: tác lực giảm bất bình đăng giữa các nước hay tác lực tăng bất bình đẳng trong các nước. Trong thảo luận công cộng, người ta thường đề cao tác lực thứ nhất: nhận xét rằng Trung Quốc đang đuổi kịp các nền kinh tế phát triển, người ta suy ra đó sẽ là trường hợp của cả châu Á, rồi sẽ đến lượt châu Mỹ La tinh, châu Phi… Người ta còn cho rằng quá trình giảm bớt bất bình đẳng trên thế giới sẽ tiếp tục 40 năm nữa trong tương lai.
Trong trường hợp xu hướng hiện nay tiếp diễn, bản báo cáo của chúng tôi cho thấy tác lực nổi trội hơn sẽ là tác lực thứ hai, là hiện tượng phân kỳ, với sự gia tăng bất bình đẳng trong mỗi nước. Từ nhận xét đó, chúng tôi đã khảo sát nhiều kịch bản. Duy chỉ có một kịch bản đưa đến giảm nhẹ bất bình đẳng, kịch bản này giả thiết các nước đều theo con đường châu Âu.
Theo con đường châu Âu, tức là chấp nhận theo một mô hình xã hội tái phân phối?
T.P. Vâng. Bất bình đằng ở châu Âu rõ ràng đã tăng chậm hơn các nơi khác.
L. C. Nếu theo con đường này, bất bình đặng trên thế giới tuy chỉ giảm nhẹ, song khác biệt đối với các tầng lớp nghèo sẽ rất lớn.
T.P. Điểm mấu chốt là vấn đề đói nghèo trên thế giới. Có thể chấp nhận cho thu nhập cao gia tăng nếu nó không gây vấn đề cho cuộc đấu tranh chống nghèo đói. Báo cáo của chúng tôi chứng minh là có khả năng giảm nghèo nhanh hơn nhiều nếu theo con đường châu Âu. Xin nhắc là mức bình quân thu nhập (tính cả tái phân phối) của phân nửa dân số nghèo nhất trên thế giới là 200 euro / tháng. Nếu ngược lại, chúng ta khích động canh tranh thuế khóa giữa các nước - như chính sách của Hoa Kỳ và Pháp hiện nay - bằng cách giảm tính lũy tiến của thuế thu nhập, ta phải chịu trách nhiệm nặng nề đối với các nước khác (Ấn Độ, Brasil, các nước châu Phi…). Bởi chính sách của ta sẽ đẩy các nước này lún sâu hơn vào con đường nguy hiểm đó để giữ thế cạnh tranh về thuế khóa. Lập trường chúng ta phải nhất quán: Ta không thể thề thốt sẽ chống các thiên đường thuế, đồng thời chính ta lại chơi phá giá trong lĩnh vực thuế khóa.
Macron và Trump, cùng chiến tuyến?
T.P. Macron và Trump có hai cách tiếp cận vấn đề khác nhau, tuy nhiên hai cuộc cải cách thuế khóa mà họ đang tiến hành là sao chép của nhau. Trump quyết giảm thuế công ty từ 35% còn 20%; Macron muốn giảm nó dần dần từ 33% xuống 25%. Về thuế thu nhập, cả hai đặt ra chế độ ngoại lệ cho giới chủ doanh nghiệp cá thể ở Mỹ và cho giới chủ chứng khoán ở Pháp, với thuế suất duy nhất 30%. Trump muốn bãi bỏ thuế thừa kế, Macron đã xóa bỏ thuế ISF đối với tài sản cao... Trong cả hai trường hợp, họ chạy trốn vấn đề.
Những nhóm xã hội được Donald Trump và Emmauel Macron ưu đãi thuế chính lại là những nhóm đã giành phần hơn trong tăng trưởng kinh tế của hai, ba thập niên vừa qua. Những cải cách của họ chỉ có thể gây ra, ở các giai cấp bình dân và trung lưu, cảm nhận bị bỏ rơi ngày càng trầm trọng. Và khích động trong xã hội tinh thần bài bác toàn cầu hóa, bài trừ người nhập cư.
Tỷ phần của nhóm 10% những người thu nhập cao nhất trong thu nhập quốc gia hay khu vực, 2016.
Từ trái sang phải: châu Âu - Trung Quốc - Nga - Hoa kỳ và Canada - châu Phi nam Sahara - Brasil - Ấn Độ - Trung Đông
Ai là những “học trò giỏi trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng?
L.C. Nếu so sánh Bắc Mỹ và châu Âu trên giai đoạn 1980-2016, châu Âu là học trò giỏi. Đó là hai vùng và khối có kích cỡ tương đương, có thu nhập ngang nhau và phải đối phó với các cú sốc như nhau (toàn cầu hóa, công nghệ mới...). Song quỹ đạo của hai vùng - khối này đã tách biệt nhau bởi các chọn lựa chính trị khác nhau trong tái phân phối kết quả tăng tưởng kinh tế, trong tiếp cận về giáo dục và y tế. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng vậy. Vào năm 1980, hai nước này có dân số và thu nhập bình quân tương đương, và có nền kinh tế điều tiết bởi nhà nước trong hai trường hợp. Từ đó đến nay, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 800%, kinh tế Ấn Độ 200%. Nhưng khác với Trung Quốc, tình trạng bất bình đẳng đã bùng nổ ở Ấn Độ. Năm 1980, 1% những người Ấn Độ giàu nhất nắm giữ 6% tổng thu nhập, hiện họ giành đến 22%. Ở Trung Quốc, tỉ phần tổng thu nhập do nhóm 1% này giành lấy từ 6,5% chỉ tăng lên 14%.
Tỷ phần của nhóm 1% những người thu nhập cao nhất (màu đỏ) và nhóm 50% người thu nhập thấp nhất (màu xanh) trong thu nhập quốc gia của Hoa Kỳ (bên trên) và Tây Âu (bên dưới), 1980-2016
T.P. Ở Trung Quốc, nhóm 50% người nghèo nhất trong xã hội đã hưởng nhiều hơn từ tăng trưởng kinh tế. Và chính điều này đã khích động sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, bởi người nghèo đã tiếp cận với giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng nhiều hơn ở Ấn Độ. Tất nhiên, kèm theo đó là một chế độ chính trị quá tồi tệ, cho nên khó lòng gọi đó là học trò giỏi. Trung Quốc không thế là mô hình mẫu mực cho châu Á.
Nên ưu tiên vận dụng công cụ nào để giảm bất bình đẳng?
T.P. Giáo dục, thuế khóa, tổ chức thị trường lao động. Giáo dục có vị trí trung tâm và nó phải được tài trợ bằng chế độ thuế có tác dụng hạn chế tính tập trung thu nhập và tài sản ở chóp bu. Việc tổ chức thị trường lao động có tính quyết định đối với sự hình thành tiền lương. Trong bối cảnh công nghiệp hóa suy sụp và công đoàn suy yếu, nhà nước phải can thiệp bằng cơ chế về tiền lương tối thiểu hay những qui định cho phép người lao động có tiếng nói trong quản trị doanh nghiệp. Không có giải pháp mầu nhiệm, và chúng tôi không hề nói rằng: Chỉ cần nhân đôi tiền lương tối thiểu. Ta có thể tăng lương tối thiểu nếu đồng thời ta đầu tư vào đào tào - giáo dục để người lao động có việc làm năng suất cao hơn với thù lao cao hơn. Cũng có thể nâng cao vị trí của đại diện người lao động ở các cấp quản trị doanh nghiệp, như tại Đức hay Thụy Điển. Có khả năng giới hạn thù lao của ban lãnh đạo doanh nghiệp khi mà đại diện người lao động tham gia quyết định thang lương.
Có thể giảm bất bình đẳng mà không can thiệp vào vận hành của thị trường?
T.P. Nghĩ rằng thị trường có thể tự nó vận hành, và chỉ cần đến nhà nước để bù đắp những khó khăn xã hội, là một ý tưởng ngông cuồng. Các thị trường chỉ tồn tại khi có khung pháp lý, có đường sá, có hệ thống giáo dục và y tế, có khối kiến thức tập thể… Cho rằng con người đóng góp vào nền kinh tế chỉ bằng hành vi cá thể - ý tưởng của cá nhân, năng suất biên của cá nhân - là một ý nghĩ hoang tưởng hoàn toàn.
Vì sao quan niệm này về thị trường vẫn tồn tại dai dẳng, trong khi có biết bao công trình nghiên cứu vai trò của vốn con người hay của những định chế điều tiết?
T.P. Đó là vì người ta e sợ những giải pháp thay thế: chế độ bàn luận dân chủ để biểu quyết, qui tắc tập thể xác định mức bất bình đẳng xã hội chấp nhận được. Tôi có thể thông cảm điều đó: bàn luận dân chủ để biểu quyết có thể đưa đến tình trạng hỗn loạn, sự tước đoạt tràn lan… Song giữa niềm tin tôn giáo về thị trường và nỗi sợ tuyệt đối về bàn luận công cộng, có thể có trung đạo. Chúng tôi không chống đối mọi hiện tượng về bất bình đẳng. Một người làm giàu nhờ phát minh, đổi mới phải được hoan nghênh. Nhưng người đó cần sở hữu 100 tỷ đô la, 10 tỷ, 1 tỷ, 100 triệu? Đó là câu hỏi chính đáng. Về mặt kinh tế, có chăng một mức bất bình đẳng tối ưu?
L.C. Vấn đề còn phụ thuộc vào tình trạng phát triển, lực lượng sản xuất, vào trình độ về kiến thức, về khả năng tổ chức… Tuy nhiên, ở phương Tây, tình trạng bất bình đẳng những năm 1960-1980 đã không cản trợ nền kinh tế tăng trưởng, trái lại. Còn tình trạng gia tăng bất bình đẳng từ những năm 1980 không hề có ích gì cho tăng trưởng thu nhập của số đông.
Phỏng vấn do Pascal Riché thực hiện, tạp chí L’Obs, số 2788, 12.4 2018
Bản dịch: Trần Hải Hạc
Nguồn bản dịch: Bất bình đẳng trên thế giới, DienDan.Org




Chú thích của Diễn Đàn:
[*] Rapport sur les inégalités mondiales 2018, nxb Seuil, World Inequality Lab 2018. Có thể đọc trên mạng bản tóm tắt tiếng Pháp; và toàn bộ bản báo cáo tiếng Anh.

[**] Bài phỏng vấn Lucas Chancel trên tạp chí Alternatives Economiques: bản gốcbản tiếng Việt trên Phân tích Kinh tế.

[***] Xem Tư bản thế kỷ XXI, bài giới thiệu và phân tích của Nguyễn Quang trên Diễn Đàn tháng 7 2014.

[1] Cả 4 biểu đồ trong bản dịch này, chúng tôi chụp lại từ Bản tóm tắt tiếng Pháp của Báo cáo, thay cho các biểu đồ tương tự trên l'Obs, không được rõ nét lắm.

Print Friendly and PDF