12.7.18

Kinh tế học đã sống sót qua cuộc khủng hoảng kinh tế như thế nào


KINH TẾ HỌC ĐÃ SỐNG SÓT QUA CUỘC KHỦNG HOẢNG KINH TẾ NHƯ THẾ NÀO
Robert Skidelsky
Cuộc Đại Khủng hoảng vào những năm 1930 đã tạo ra Kinh tế học keynesian, hiện tượng lạm phát đình đốn vào những năm 1970 đánh dấu sự lên ngôi của học thuyết trọng tiền của Friedman, thế nhưng cuộc Đại Suy thoái [năm 2008 - ND] lại không nhận được phản ứng nào giống như thế từ các nhà kinh tế học. Tại sao?
Luân Đôn - Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman nhận thấy rằng hầu như không có sự thay đổi nào trong cuộc tranh luận về nguyên nhân và hệ quả của cuộc khủng hoảng suốt thập kỷ qua, ông đã có một bài tiểu luận thú vị nhân dịp kỷ niệm 10 năm kể từ ngày diễn ra cuộc Đại Suy thoái. Trong khi cuộc Đại Khủng hoảng vào những năm 1930 tạo ra Kinh tế học keynesian, hiện tượng lạm phát đình đốn vào những năm 1970 đánh dấu sự lên ngôi của học thuyết trọng tiền Friedman, thì cuộc Đại Suy thoái [năm 2008 - ND] lại không đem đến một sự thay đổi nào tương tự như thế trong học thuật.
Điều này khiến những sinh viên trẻ ngành kinh tế học vô cùng chán nản, họ đã kỳ vọng vào những phản ứng thích hợp của các nhà kinh tế học. Nhưng tại sao điều này lại không xảy ra?
Câu trả lời của Krugman vô cùng khéo léo, đó là: châm ngôn có câu, kinh tế học vĩ mô cũ “đủ tốt cho công việc của chính phủ”. Nó đã ngăn chặn được những cuộc Đại Khủng hoảng khác xảy ra. Vì thế các sinh viên nên ngừng mơ mộng và tiếp tục nghe giảng.
Milton Friedman (1912-2006)
Robert Lucas (1937-)
Một thập kỷ trước, có hai trường phái kinh tế học vĩ mô cạnh tranh nhau: Trường phái Tân Cổ điển - hay còn gọi là trường phái “nước ngọt” (“freshwater”), bắt nguồn từ Milton FriedmanRobert Lucas, có trụ sở chính tại Đại học Chicago, và Trường phái keynesian mới - hay còn gọi là trường phái “nước mặn” (“saltwater”), bắt nguồn từ John Maynard Keynes, có trụ sở tại Đại học MIT và Harvard.
Trường phái freshwater tin rằng thâm hụt ngân sách luôn là tình trạng tồi tệ, trong khi đó phe saltwater tin rằng thâm hụt có lợi khi nền kinh tế trì trệ. Krugman là người theo trường phái keynesian mới, và bài tiểu luận của ông chỉ ra rằng cuộc Đại Suy thoái là minh chứng cho tính đúng đắn của các mô hình keynesian mới.
Tuy nhiên, có một vài vấn đề nghiêm trọng với câu chuyện của Krugman. Thứ nhất, với câu hỏi nổi tiếng của Nữ hoàng Elizabeth II: “Tại sao không ai nhận thấy rằng nó [cuộc khủng hoảng - ND] đang đến?”, Krugman đã vui vẻ trả lời rằng các nhà keynesian mới đang hướng đến một phương pháp khác. Phương pháp của họ không sai về lý thuyết, nhưng sai về cách “thu thập dữ liệu”. Họ đã “bỏ qua” những thay đổi quan trọng về mặt thể chế trong hệ thống tài chính. Tuy điều này thật đáng tiếc, song nó không đặt ra “vấn đề sâu sắc nào về mặt khái niệm”, tức là nó không buộc họ xem xét lại lý thuyết của mình.
John M. Keynes (1883-1946)
Đối mặt với chính cuộc khủng hoảng, các nhà keynesian mới đã vượt qua được những thách thức. Họ sử dụng lại những mô hình về giá cả cứng nhắc từ những năm 1950 và 1960, những mô hình này chỉ ra 3 điều. Thứ nhất, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng sẽ không làm tăng mức lãi suất đang xấp xỉ bằng không. Thứ hai, thậm chí tăng đáng kể cơ số tiền tệ sẽ không dẫn đến lạm phát tăng cao, hay làm tăng tương ứng các đại lượng tổng gộp tiền tệ khác. Và thứ ba, từ những thay đổi trong chi tiêu và thuế khoá của chính phủ, số nhân của thu nhập quốc gia sẽ dương, và gần như chắc chắn lớn hơn một.
Những mệnh đề này biện minh cho thâm hụt ngân sách sau sự sụp đổ vào năm 2008. Các chính sách dựa trên đó đã được thực thi và hoạt động “tốt một cách bất ngờ”. Sự thành công của chính sách keynesian mới tạo ra một hiệu ứng trớ trêu là cho phép “những thành viên giáo điều nhất trong ngành của chúng ta [trường phái Cổ điển mới từ Chicago] phớt lờ những sự kiện quan trọng theo cách mà trong những thời kỳ trước họ sẽ không làm vậy”. Vì vậy không có trường phái - đúng hơn là giáo phái - nào phải đối mặt với thử thách tư duy lại những nguyên lý đầu tiên.
Lịch sử thần tình trước và sau cuộc khủng hoảng kinh tế để lại nhiều câu hỏi then chốt chưa có lời giải đáp. Thứ nhất, nếu kinh tế học keynesian mới là “đủ tốt”, tại sao những nhà kinh tế học keynesian mới đã không cảnh báo về sự sụp đổ năm 2007-2008? Quan trọng hơn cả, trên lí thuyết họ đã không loại trừ khả năng về một trận sụp đổ như thế mà.
Paul Krugman (1953-)
Krugman thừa nhận một lỗ hổng trong việc “thu thập những dấu hiệu”. Nhưng sự lựa chọn các dấu hiệu do lý thuyết dẫn dắt. Theo quan điểm của tôi, các nhà kinh tế học keynesian mới đã phớt lờ sự không ổn định đang hình thành trong hệ thống ngân hàng, bởi vì những mô hình của họ nói rằng các thể chế tài chính có thể định giá rủi ro một cách đúng đắn. Vì vậy có một “vấn đề sâu sắc về nhận thức” liên quan đến phân tích của trường phái keynesian mới: sự thất bại của nó trong việc giải thích vì sao các ngân hàng có thể “định giá quá thấp các rủi ro trên toàn thế giới”, như Alan Greenspan đã diễn tả.
Thứ hai, Krugman không thể giải thích tại sao các chính sách keynesian đã được chứng minh là đúng trong giai đoạn 2008-2009 lại nhanh chóng bị đảo ngược và thay thế bằng sự thắt chặt tài khóa. Tại sao các nhà lập chính sách không trung thành với những mô hình tẻ nhạt với giá cố định của họ cho đến khi chúng hoàn thành công việc? Tại sao lại ruồng bỏ chúng vào năm 2009, khi nền kinh tế phương Tây vẫn đang ở dưới mức trước khủng hoảng 4-5%?
Câu trả lời mà tôi có thể đưa ra là khi tư tưởng Keynes được sử dụng lại một cách chớp nhoáng trong 6 tháng năm 2008 - 2009, đó là vì lý do chính trị, chứ không phải lý do học thuật. Bởi vì các mô hình keynesian mới không đưa ra được một cơ sở đầy đủ để duy trì những chính sách keynesian một khi nền kinh tế vượt qua tình trạng nguy kịch, do vậy chúng lại nhanh chóng bị từ bỏ.
Krugman dần thừa nhận điều này, ông viết, những nhà keynes mới “bắt đầu bằng việc lấy hành vi lý tính và cân bằng thị trường làm điểm xuất phát và quy chiếu, và cố gắng tái tạo những hoạt động bất thường của nền kinh tế bằng cách điều chỉnh điểm trên ở các góc cạnh”. Sự điều chỉnh này giúp các mô hình keynesian mới sản sinh ra những hiệu ứng thực tế tạm thời từ những cú sốc danh nghĩa, và từ đó biện minh cho sự can thiệp khá triệt để trong những trường hợp khẩn cấp. Nhưng không điều chỉnh nào có thể tạo ra một tình huống đủ mạnh để biện minh cho việc duy trì chính sách can thiệp.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Robert Skidelsky (1939-)
Vấn đề đối với các nhà kinh tế học vĩ mô keynesian mới là họ không chấp nhận tính bất trắc triệt để trong các mô hình của mình, rời bỏ chúng mà không có bất kỳ một lý thuyết nào cho biết phải làm gì khi tình thế không nguy kịch để tránh những tình huống xấu. Việc họ tập trung vào lương danh nghĩa và tính cứng nhắc của giá cả hàm ý rằng có thể đạt được cân bằng ổn định nếu không có những yếu tố này. Họ coi yếu tố tài chính là trung lập, không phải là cơ bản (hay “viên giám sát” của chủ nghĩa tư bản, theo lời của Joseph Schumpeter).
Với việc không công nhận tính bất trắc này, kinh tế học nước mặn” chắc chắn sụp đổ trước phe nước ngọt” đối lập. “Sự điều chỉnh” của kinh tế học keynesian mới sẽ tạo ra không gian chính trị giới hạn cho sự can thiệp, nhưng gần như không đủ để làm tốt công việc. Vì vậy lập luận của Krugman, mặc dù có tính khiêu khích nhưng chắc chắn không thuyết phục. Kinh tế học vĩ mô vẫn cần có một ý tưởng vĩ đại mới.
Nguyễn Mai Hạ dịch
Nguồn: “How Economics Survived the Economic Crisis”, Project Syndicate, Jan 18, 2018
Print Friendly and PDF