8.7.18

Monsanto và Bayer bắt đầu quá trình sáp nhập. Đây là lý do tại sao bạn nên quan tâm.


MONSANTO VÀ BAYER BẮT ĐẦU QUÁ TRÌNH SÁP NHẬP. ĐÂY LÀ LÝ DO TẠI SAO BẠN NÊN QUAN TÂM.
“Cùng nhau, họ sẽ gây ảnh hưởng đến các thị trường trên toàn thế giới trên một quy mô mà chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây.
Arthur Neslen
Ảnh: OLIVER BERG VIA GETTY IMAGES
Một người phản đối đốt một tờ rơi trong một cuộc biểu tình ở Bonn, Đức, chống lại thương vụ sáp nhập giữa công ty hạt giống Monsanto và công ty dược phẩm Bayer.
Trong tháng này [tháng 5/2018], Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dự kiến phê duyệt thương vụ sáp nhập hai tập đoàn khổng lồ công ty hạt giống Monsanto có trụ sở tại St. Louis và tập đoàn hóa học cây trồng Bayer và hậu quả gây ra có thể rất lớn.
Hợp đồng trị giá 66 tỷ US$, đã được Liên minh châu Âu thông qua, sẽ tạo ra một tập đoàn độc quyền thuốc trừ sâu và hạt giống lớn nhất thế giới. Với thương vụ sáp nhập này, 61% lượng sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu toàn cầu sẽ nằm trong tay của chỉ ba siêu tập đoàn hai siêu tập đoàn kia là DowDuPont mới sáp nhập, và ChemChina, đã thâu tóm công ty thuốc trừ sâu và hạt giống Syngenta vào năm ngoái.
Đó có phải là vấn đề không?
Tùy vào việc bạn hỏi ai. Monsanto và Bayer đang quảng bá sự hợp nhất của họ như là một cách để phát triển công nghệ và đổi mới cần thiết để nuôi một thế giới mà dân số trong hai thập kỷ tới có nhiều khả năng tăng lên 10 tỷ người. Đối với những người chỉ trích – các nhà hoạt động môi trường và nhiều người nông dân đó là một bước đáng sợ hướng tới một thị trường gần độc quyền trong ngành nông nghiệp, cho phép các tập đoàn khổng lồ tiếp cập dữ liệu của người nông dân một cách chưa từng có tiền lệ, vắt kiệt các nông dân nhỏ, và trong tương lai có khả năng làm tăng giá lương thực cho người tiêu dùng.
Monsanto đã là một “ông kẹ đối với các nhà hoạt động môi trường, do các hạt giống biến đổi gen của họ – mà những ai phản đối nói rằng thúc đẩy sự độc canh – bẫy người nông dân vào một chu trình phụ thuộc cũng như một sự lệ thuộc ngày càng lớn vào hóa chất cùng với lịch sử sản xuất các hóa chất gây tranh cãi của họ, như chất độc màu da cam và chất diệt cỏ dại glyphosate.
Nhiều nhà bảo vệ môi trường lo sợ việc sáp nhập sẽ tiếp diễn xu hướng tập trung quyền lực khổng lồ vào trong tay của chỉ một số ít các tập đoàn khổng lồ đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.
Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta sẽ chứng kiến​​ sự biến mất của toàn bộ tính đa dạng sinh học từ các trang trại của chúng ta, sự biến mất của các nông dân nhỏ, và sự cáo chung của nguồn lương thực thực và quyền tự do lương thực, theo lời cảnh báo trước đây của Vandana Shiva, nhà vận động kỳ cựu [phản đối sự lệ thuộc vào] hạt giống.
Ảnh: GUSTAU NACARINO / REUTERS
Các chiến dịch phản đối sự lệ thuộc vào hạt giống và thúc đẩy tính đa dạng sinh học của Vandana Shiva.
Evgeniy Kozarenko, Giám đốc điều hành của công ty Nagritech, xử lý hạt giống hữu cơ có trụ sở tại Dublin, cũng cảm thấy lo lắng. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vừa phê duyệt việc tạo ra một con quái vật”, ông nói với HuffPost. Cùng nhau, hai công ty này sẽ gây ảnh hưởng đến ý kiến ​​của người nông dân và các thị trường trên toàn thế giới trên một quy mô mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Chúng ta không có ngân sách để tiếp thị các phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ của chúng ta. Các nhà sản xuất hữu cơ khác cũng sẽ không có khả năng cạnh tranh.”
Những nỗi lo sợ này còn được khuếch đại bởi một mối lo ngày càng lớn hơn rằng công việc canh tác đang ở ngưỡng của một cuộc cách mạng kỹ thuật số, có thể cho phép các doanh nghiệp ngành nông nghiệp tiến hành việc kiểm soát chưa từng có tiền lệ đối với người nông dân. Tổ chức Friends of the Earth Europe [Bạn bè của Trái đất ở châu Âu] và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã cáo buộc Liên minh châu Âu cho phép tạo ra một Facebook of farming [Facebook của công việc canh tác]. Các công ty sẽ có thể tiếp cận các nguồn dữ liệu của người nông dân để bán hạt giống và thuốc trừ sâu cho họ.
Không khó để tưởng tượng một mẫu quảng cáo về một người nông dân đang đọ sức với thiệt hại về cỏ dại hoặc côn trùng xuất hiện trong vòng vài giây trên điện thoại thông minh trong khi người ấy đang thu hoạch vụ mùa của mình, Hiệp hội Nông dân bang Missouri cho biết.
Bản thân Monsanto đã bóng gió rằng dữ liệu là lý do then chốt để tìm đến sự sáp nhập với Bayer. Không có điều gì xấu xa, Giám đốc điều hành Monsanto Hugh Grant đã nói với tạp chí Fortune. Chúng ta cần phải thông minh hơn về mặt xã hội để biết cách canh tác.
Công ty hạt giống đã đầu tư mạnh vào nền kinh tế kỹ thuật số, đã trả gần 1 tỷ US$ vào năm 2013 để mua công ty Climate Corp., một công ty cung cấp dữ liệu thời tiết và dự báo thời tiết cho nông dân. Công nghệ được báo cáo là đã được sử dụng trên hơn một phần ba tổng diện tích đất nông nghiệp của Hoa Kỳ trong năm 2014.
Nền tảng dữ liệu từ trang trại đến bàn ăn [farm-to-fork]” của Monsanto, Climate Fieldview, mà công ty quảng cáo như là động cơ thúc đẩy tăng trưởng then chốt năm 2018, sử dụng những chiếc máy kéo được trang bị các thiết bị cảm biến và GPS, các thuật toán và các máy bay không người lái để theo dõi các điều kiện của đồng ruộng và tư vấn cho người nông dân trong thời gian thực.
Mute Schimpf
Mute Schimpf, nữ phát ngôn viên của tổ chức Friends of the Earth Europe cho biết: Thương vụ sáp nhập sẽ tạo ra nền tảng lớn nhất thuộc loại hình này và mang lại cho Bayer-Monsanto một lợi thế tiên phong tương tự như Facebook, trong phương thức tác động đến các đối thủ cạnh tranh. Nền tảng mới cho phép tập đoàn Bayer-Monsanto kiểm soát cách thức, địa điểm, thời gian và đối tượng sản xuất ra lương thực. Giống như các thuật toán của Facebook quyết định việc chúng ta thấy được những nguồn tin nào, Baysanto sẽ quyết định người nông dân sẽ sử dụng loại thuốc trừ sâu nào và gieo trồng loại hạt giống nào.”
Tổ chức Friends of the Earth [Bạn bè của Trái Đất] là một trong hơn 70 tổ chức hoạt động môi trường đã ký một lá thư gửi cho Ủy ban châu Âu cho rằng Bayer-Monsanto sẽ trở thành tác nhân lớn nhất trong lĩnh vực các nền tảng dữ liệu và thu thập dữ liệu, làm cho người nông dân đối mặt với những rủi ro và vấn đề tương tự như những rủi ro và vấn đề của các nền tảng dữ liệu hiện hành như Google, Amazon và Facebook.”
Tuy nhiên, Monsanto cho biết người nông dân chính là người sẽ hưởng lợi từ thương vụ này. Hơn bao giờ hết, người nông dân cần tiếp cận những công cụ hỗ trợ cho các quyết định của họ để tối đa hóa lợi tức trên từng mẫu đất, theo lời của Brian Carroll, một phát ngôn viên của công ty. Ông nói thêm rằng dạng dữ liệu này sẽ giúp người nông dân canh tác một cách bền vững hơn và quản lý được các rủi ro của họ.
Các quan chức khác của Monsanto, nói với điều kiện giấu tên vì những giới hạn của công ty trong việc thảo luận vấn đề này, đã nói với HuffPost rằng người nông dân là một lũ người khá hoài nghi” và sẽ từ chối bất kỳ nền tảng nào mà họ thấy mang tính quá tư lợi.
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục. Năm ngoái [2017] đã có hơn 1 triệu người kiến ​​nghị với ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, Margrethe Vestager, ngăn chặn hợp đồng sáp nhập, mà các cuộc thăm dò cho thấy là cực kì không hợp lòng dân.
Ảnh: ERIC VIDAL / REUTERS
Các nhà hoạt động môi trường từ tổ chức Friends of the Earth Europe [Bạn bè của Trái đất ở Châu Âu] diễn một cuộc kết hôn ở địa ngục để phản đối vụ sáp nhập Monsanto-Bayer bên ngoài trụ sở của Ủy ban châu Âu tại Paris.
Tại Hoa Kỳ, các nhóm đại diện cho nông dân và các tổ chức bảo vệ môi trường đã viết thư cho Bộ Tư pháp dự báo những tác động tiêu cực lên vấn đề cạnh tranh, lên người nông dân và người tiêu dùng. Họ lập luận rằng sự kết hợp của các doanh nghiệp hạt giống và kỹ thuật số sẽ cho phép các tập đoàn khổng lồ tạo ra các nền tảng độc quyền và đóng cửa lại đối với sự cạnh tranh”.
Các quan chức Monsanto tỏ ra nghi ngờ đối với sự cần thiết của các luật mới. Một quan chức công ty cho biết: Chúng tôi lo rằng các quy định sẽ dẫn đến tình trạng hoang tưởng. Nếu cuộc tranh luận kết thúc theo hướng người nông dân lo sợ về việc chia sẻ dữ liệu của mình, thì điều đó sẽ làm suy yếu một cơ hội to lớn để, cuối cùng, có thể có những thực hành canh tác bền vững hơn.
Thế nhưng, vẫn còn cơ hội cho việc phân biệt giá cả và sử dụng các nền tảng dữ liệu để bán hạt giống, thuốc trừ sâu và phân bón tất cả những điều đó, cho đến nay, vẫn chưa được điều tiết.
Hiệp hội Nông dân bang Missouri cho biết họ đang đàm phán với các đại diện của ngành nông nghiệp về việc ai là người sở hữu các dữ liệu được thu thập bởi các ứng dụng kỹ thuật số, như Climate Fieldview.
Spencer Tuma
Hai mối quan tâm chính của chúng tôi là: Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá cả sản phẩm, và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tính sẵn có của sản phẩm, Spencer Tuma, giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý của Hiệp hội, đã nói với HuffPost như trên. Bà nói thêm rằng hiệp hội lo ngại về những tác động tiềm tàng lên người nông dân, các chủ trang trại và cuối cùng là người tiêu dùng dưới hình thức giá lương thực tăng cao hơn.
Chúng tôi cho rằng Quốc hội phải có trách nhiệm xem xét lại một số luật hiện hành về việc liệu các kiểu sáp nhập đó có khả năng được thông qua hay không”, bà Tuma đã nói.

Quốc hội có quyền xem xét lại hoặc viết lại các luật sáp nhập hiện hành. Tháng 7 [năm 2017], đã có 19 thượng nghị sĩ bày tỏ sự quan ngại của họ về vụ sáp nhập cho Vụ chống độc quyền của Bộ Tư pháp, vì thế quốc hội không thể có hành động bác bỏ [việc xem xét lại hoặc viết lại các luật sáp nhập hiện hành].
Tuy vậy, Carroll rất lạc quan. Việc Bayer thâu tóm Monsanto đã trải qua một quá trình xem xét lâu dài và không khoan nhượng theo quy định bởi các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề cạnh tranh, ông nói.
Các nhà hoạt động môi trường của Hoa Kỳ đang yêu cầu Monsanto bán đi Climate Fieldview như là một điều kiện của thỏa thuận. Điều đó làm cho số phận của dữ liệu nông nghiệp của thế giới về việc ai sở hữu nó, và sử dụng nó như thế nào chưa được giải quyết.
Để biết thêm nội dung và là một phần của cộng đồng This New World [Thế giới mới này]”, hãy theo dõi trang Facebook của chúng tôi.
Trang This New World” của HuffPost được tài trợ bởi tổ chức Các đối tác vì một nền kinh tế mới và Quỹ Kendeda. Tất cả nội dung đều được biên tập một cách độc lập, không có sự gây ảnh hưởng hoặc ý kiến từ các tổ chức tài trợ. Nếu có ý kiến hoặc lời khuyên cho loạt bài xã luận, hãy gửi email tới thisnewworld@huffpost.com.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF