26.7.18

Philippe Aghion hiệu chỉnh mức tăng trưởng

PHILIPPE AGHION HIỆU CHỈNH MỨC TĂNG TRƯỞNG

Michel Husson
Nhà kinh tế học, thành viên của Hội đồng Khoa học Attac
Trong một lần tiếp xúc với Alternatives Economiques, Philippe Aghion đã lưu ý rằng “việc tăng tốc công cuộc đổi mới không được phản ánh trong các số liệu về năng suất”. Nhưng ông tỏ ra ít bị thuyết phục bởi giả thiết về sự đình đốn trường kỳ và dồn trách nhiệm về sự không nhất quán này cho “vấn đề đo lường”. Ông tuyên bố đang nghiên cứu chủ đề này và hẹn lại trong một vài tháng nữa. Ông đã giữ lời: Philippe Aghion – và bốn nhà kinh tế học khác (gọi là Aghion và các tác giả khác trong những phần tiếp theo của bài viết này) – vừa công bố một tài liệu về việc đo lường sự “thiếu tăng trưởng” (missing growth).

Vấn đề đo lường

Nguyên lý của phương pháp này khá đơn giản. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tính theo giá trị, được đo một cách đúng đắn, nhưng các chỉ số giá cả lại ước lượng cao tỷ lệ lạm phát do không tính đủ đến những hiệu ứng của sự đổi mới lên chất lượng của sản phẩm. Chính vì thế, khối lượng sản xuất đã bị đánh giá thấp. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, mà công trình này tiến hành nghiên cứu, mức tăng trưởng “thực” sẽ là 2,49% mỗi năm, từ năm 1983 đến năm 2013, thay vì 1,93% như đã được quan trắc. Mức tăng trưởng thiếu là 0,56% mỗi năm. 
Phương pháp này khá đơn giản: do tỷ lệ lạm phát bị ước lượng cao, nên khối lượng sản xuất đã bị đánh giá thấp
Một nghiên cứu khác (chưa công bố) đã được tiến hành ở Pháp và, theo báo Les Echos số ra ngày 23 tháng 6 vừa qua, chứng minh rằng mức tăng trưởng của Pháp từ năm 2006 đến năm 2013 “sẽ tăng lên 0,99% mỗi năm, nếu có tính đến sự tiến bộ công nghệ một cách đúng đắn”, trong khi mức tăng trưởng trung bình hiện tại chỉ 0,42% mỗi năm, theo cách đo của INSEE [Institut national de la statistique et des études économiques – Viện quốc gia về thống kê và nghiên cứu kinh tế, trực thuộc Bộ Tài chính-Kinh tế của Pháp – ND].
Người ta có thể lập luận rằng nếu mức tăng trưởng bị “thiếu” trong giai đoạn này, trước hết đó là do tác động của cuộc khủng hoảng. Nhưng ngay cả khi thừa nhận con số đó, điều đó cũng không thuyết phục. Thực vậy, mức tăng trưởng “thực”, theo cách tính của Aghion và các tác giả khác, không giúp hiệu chỉnh sự suy giảm quan sát được trong tăng trưởng năng suất: mức tăng trưởng có thể lớn hơn, nhưng xu hướng thì vẫn giữ nguyên. Thế nhưng, chính xu hướng đó là thứ hình thành nên giả thuyết đình đốn trường kỳ mà Aghion đã nói là mình không tin. 

Một dự án chính trị

Emmanuel Macron (1977-)
Thách thức được mất không chỉ là thách thức của việc đo lường đúng sự tăng trưởng. Toàn bộ cách tiếp cận của Aghion đều dựa trên logic Schumpeterian, lấy sự sáng tạo và sự hủy diệt sáng tạo làm động cơ của sự tiến bộ kinh tế, những động cơ này có thể bị cản trở bởi các chính sách cứng nhắc mà chúng ta cần phải gỡ bỏ. Aghion là người đề xướng mạnh mẽ những “cải cách cấu trúc” và do đó ông đã ký vào ngày 12 tháng 4 vừa qua, một lời kêu gọi các nhà kinh tế học ủng hộ dự án của Emmanuel Macron, trong đó nói rằng “nếu không có sự linh hoạt trong việc tổ chức lao động, thì các doanh nghiệp không thể sử dụng được những đổi mới công nghệ để nắm bắt những cơ hội tăng trưởng mới”.
Aghion là người đề xướng mạnh mẽ những “cải cách cấu trúc”
Cách mà nhà báo của tờ Echos hiểu theo nghĩa đen kết quả ngoạn mục này (để đưa thành tin sốt dẻo) là một mắt xích trong một chuỗi sản xuất, từ các nghiên cứu học thuật đến những lời tụng ca các cải cách nổi tiếng. Như thế, mong muốn “làm khoa học” của các nhà kinh tế học phải khớp với nhu cầu chính đáng hóa của các chính khách. Các nhà kinh tế học viện dẫn tính khách quan khoa học và bác bỏ mọi phê phán là có thiên lệch ý thức hệ, điều này cho phép các chính khách tự thể hiện mình như là những người thực thi đơn thuần các chân lý được khoa học này tạo ra.
Đó là lý do vì sao cần tiến hành sự phê phán đến tận nguồn. Thứ nhất, bởi vì nghiên cứu của Aghion và các tác giả khác, tương phản với nhiều nghiên cứu cùng một chủ đề đã được tìm hiểu khá , ví dụ nghiên cứu của ba nhà kinh tế học của Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco. Nhưng lý do cốt yếu là nghiên cứu này đặt ra những vấn đề rất nghiêm trọng về phương pháp luận, khi chuyển t mô hình siêu trừu tượng (các phương trình) sang sự “” thực nghiệm, nói cách khác là sự diễn dịch thành những đánh giá bằng con số. Công trình có tính phê phán này được tiến hành trong một bài chi tiết hơn đăng trên trang web A l’encontre mà bạn đọc có thể tham khảo, với những điểm nổi bật nhất được tóm tắt dưới đây.
Một sửa chữa vặt về phương pháp luận
Điểm khởi đầu là một hàm sản xuất, mô tả cách tổng sản phẩm được tạo ra từ các “đầu vào trung gian” (intermediate inputs), các sản phẩm trung gian, mà mỗi thứ đó đều có một “chất lượng” cụ thể. Chất lượng này thay đổi theo sự đổi mới: những doanh nghiệp và những người thâm nhập [thị trường] nào bị lấn át bởi sự tiến bộ công nghệ thì sẽ ra khỏi thị trường. Tỷ lệ đổi mới mang tính bất biến, nhưng từng hình thức đổi mới thì mang tính biến hóa.
Các tác giả nhấn mạnh ngay từ đầu rằng hàm sản xuất này có thể được hiểu như là lợi ích của một “người tiêu dùng tiêu biểu”. Ở đây, có một sự khiên cưỡng kín đáo và không thể biện bạch: người tiêu dùng không tiêu thụ những hàng hóa trung gian! Nhưng chúng ta sẽ thấy rằng điều này là cần thiết cho những phần kế tiếp.
Có hai thông số đóng vai trò then chốt: ước lượng của chúng là điều còn hơn cả đáng ngờ
Thủ tục lập ước lượng dựa trên một nguyên tắc, hoàn toàn có thể chấp nhận, theo đó một doanh nghiệp sáng tạo ít nhất sẽ duy trì được thị phần của mình. Nếu không, điều đó có nghĩa là – bởi vì thị trường có tính cạnh tranh – giá của nó đã tăng nhanh hơn mức trung bình, và đó là dấu hiệu của một sự chậm trễ đổi mới. Như thế, sự thiếu tăng trưởng sẽ được đo bằng sự chênh lệch giữa mức lạm phát thấy được và mức lạm phát “thực”, được suy ra từ diễn tiến thị phần của những doanh nghiệp trường tồn (continuers), tất nhiên là thấp hơn, nhờ vào việc nắm bắt sự đổi mới, vốn có thể giúp họ cung cấp những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Nhưng thủ tục này đòi hỏi phải xác định hai thông số then chốt. 
Thông số thứ nhất là “độ co giãn thay thế” giữa những sản phẩm khác nhau. Nếu độ co giãn đó cao, thì sự thiếu tăng trưởng sẽ ít hoặc không có: nếu thay thế được các quá trình lỗi thời bằng các quá trình có tính sáng tạo một cách nhanh chóng và trên diện rộng, thì diễn tiến giá cả đo được sẽ nhanh chóng hấp thụ sự đổi mới. Thông số thứ hai là thời gian cần thiết để quan trắc các biến thiên thị phần của những doanh nghiệp đổi mới. Toàn bộ bài tập này dựa trên việc gò hai thông số này. Tuy nhiên, những thủ tục được chọn là những thứ sửa chữa vặt.
Người ta thu được những kết quả cơ bản bằng cách chọn ra một độ co dãn quy chiếu về một nghiên cứudựa vào một cơ sở dữ liệu mã vạch thu thập được trong các mạng lưới phân phối ở siêu thị. Ở đây, chúng ta lại thấy sự đánh đồng nực cười giữa sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng được giới thiệu ngay từ đầu. Phương pháp “nội giao” này, khi mà các thông số – được thu thập trong nhiều bối cảnh khác nhau – chạy từ nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, là đặc trưng của tất cả các tài liệu này. Về mặt thời gian được xem xét, là năm năm. Không phải bởi vì đó là kết quả của một nghiên cứu bất kỳ, mà bởi vì nó tương ứng với tính địn kỳ của cuộc khảo sát được sử dụng, Tổng điều tra công nghiệp (CMF, Census of Manufactures)!

Những kết quả mang tính co dãn

Thế nhưng, kết quả là rất nhạy cảm tuỳ theo việc thiết lập các thông số kép này. Nếu điều chỉnh về số không thời gian cần thiết tính bằng năm để cho sự đổi mới lên thị phần có tác động, thì sự thiếu tăng trưởng sẽ được chia cho ba (0,20% thay vì 0,56%) trên toàn bộ thời kì và kết quả là gần như bằng không (0,07%) từ năm 2006 đến năm 2013.
Kết quả là rất nhạy cảm với cấp độ các thông số, dấu hiệu của một sự mong manh lớn lao
Việc thiết lập thông số độ co giãn thay thế cũng dẫn đến những kết quả có mức biến động lớn. Thực vậy, chỉ cần thay đổi nhẹ các thông số cũng đủ làm tăng một nửa sự thiếu tăng trưởng hoặc làm giảm nó đến rất gần con số không!

Mắt xích yếu

Như vậy, trong thế giới của siêu lý thuyết, người ta có thể đưa vào những khái niệm phù du, như xác suất và tỷ lệ xuất hiện của những đổi mới: đó là những chữ cái Hy Lạp. Và để giải quyết vấn đề khổng lồ về “chất lượng” hàng hóa, thì chỉ cần nhân số lượng hàng hóa đó với chất lượng của nó. Việc hình thức hóa này sẽ không có gì đáng trách nếu nó dẫn đến một dạng có khả năng đương đầu với các dữ liệu thực nghiệm.
Một mô hình lý thuyết đẹp, nhưng thực sự là những sửa chữa vặt khi chuyển sang các ước lượng thực nghiệm
Mắt xích yếu của chuỗi sản phẩm trí tuệ này nằm chính trong “bước nhảy nguy hiểm” ấy, chuyển tiếp từ mô hình có tính siêu lý thuyết sang sự định dạng mô hình thực nghiệm. Nói chung, vì không bất cứ giải pháp nào có tính liên tục, nên cần phải viện đến những mẹo hoặc những biến xấp xỉ [proxy] chỉ có một quan hệ xa với mô hình lý thuyết ban đầu. Đây là những gì đã xảy ra với nghiên cứu của Philippe Aghion và các tác giả khác: một mô hình lý thuyết đẹp, nhưng thực sự là những sửa chữa vặt khi chuyển sang các ước lượng thực nghiệm.
Những cái “gần như” và “bất cứ cái gì” về mặt phương pháp luận này hiếm khi bị tố giác. Những tác giả phi chính thống không đối trọng nổi với những tiểu đoàn chính thống lớn, không gian biểu đạt của họ bị gạt ra bên lề và bị lên án bởi những người bảo vệ trật tự hàn lâm. Giữa các nhà kinh tế học, các tạp chí và các trung tâm nghiên cứu, chắc chắn có một sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng điều đó diễn ra trong giới hạn của một sự thông đồng cơ bản, đó là không bao giờ đặt lại vấn đề những yêu sách về tính khoa học. Cuộc bút chiến có thể tập trung vào chất lượng của các kiểm định kinh trắc, nhưng hầu như không bao giờ về tính phù hợp của những mô hình được sử dụng trong thực tế. Sự “mưu phản của những con lừa bác học” vạch ra những biên giới đóng kín của “khoa học kinh tế” mà chúng ta được yêu cầu phải tin.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
NguồnEt Philippe Aghion corrigea la croissanceAlternatives Economiques, 11/07/2017 
Print Friendly and PDF