18.7.18

Nghĩ gì về tình trạng khao khát đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc?

NGHĨ GÌ VỀ TÌNH TRẠNG KHAO KHÁT ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI CỦA TRUNG QUỐC?
Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall [Vạn lý trường thành], hôm thứ Hai 21/8/2017, đã công bố ý định mua lại thương hiệu Jeep của Mỹ tại công ty Fiat Chrysler. (Ảnh bản quyền: AFP PHOTO / PHILIPPE LOPEZ)
Có vẻ như không có gì có thể làm khô đi nỗi khao khát đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc. Họ không chỉ quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các nước đang phát triển mà từ nay còn nhắm đến các ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ và tài chính ở châu Âu và Hoa Kỳ. Từ năm 2015, Trung Quốc là nước xuất khẩu tư bản ròng. Từ nay, họ là nhà đầu tư lớn thứ hai trên thế giới, đứng sau Mỹ. Cuộc đua tranh giành tài sản nước ngoài này phát sinh phần lớn từ nhu cầu thoát khỏi lực hấp dẫn của lợi nhuận biên ngày càng giảm, trong một thị trường nội địa [Trung Quốc] đang trong giai đoạn giảm tốc.

Việc quốc tế hóa các “nhà quán quân quốc gia”

Danh mục các vụ thâu tóm gần đây của Trung Quốc có vẻ vô tận: nhà sản xuất robot Kuka của Đức, tập đoàn thuốc trừ sâu Syngenta của Thụy Sĩ, nhà sản xuất trò chơi video Supercell của Phần Lan, nhà sản xuất đồ gia dụng General Electric của Mỹ, hãng phim Hollywood Legendary hay câu lạc bộ bóng đá Inter Milan của Italia... Cho dù đằng sau các động thái này luôn có các mục tiêu địa chính trị, thì làn sóng đầu tư này cũng chứng tỏ một sự trưởng thành ngày càng lớn của các nhà quán quân quốc gia, từ nay có khả năng bước vào sân khấu toàn cầu. Người ta có thể thấy làn sóng đầu tư này hoặc trong chiến lược chuyển giao công nghệ (Kuka), hoặc trong mong muốn phát triển các vị thế độc quyền (Syngenta, Pirelli). Còn các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguyên vật liệu thô bổ sung việc neo vào hoạt động toàn cầu hóa qua việc tăng cường khả năng hậu cần phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn dự án thâu tóm công ty Aixtron của Đức, trong lĩnh vực bán dẫn, là một lời nhắc nhở rằng các vụ chuyển giao công nghệ không hề có tính trung lập. Nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc bị thất thế trước các rào cản thâm nhập vào các lĩnh vực đầu tư nhạy cảm.

Ngân hàng Đức đầu tiên dưới lá cờ Trung Quốc

Vào tháng 5 năm 2017, việc tập đoàn HNA (hãng hàng không Hainan, kinh doanh bất động sản và du lịch) mua lại cổ phần của ngân hàng Deutsche Bank là tín hiệu mới nhất của cơn sốt bành trướng này. Với 10% vốn, tập đoàn Trung Quốc từ nay là cổ đông lớn nhất của ngân hàng chính của Đức. Việc đầu tư của HNA diễn ra khi mà Deutsche Bank trải qua một thời kỳ bất ổn, sau những lệnh trừng phạt tài chính nặng nề bởi cơ quan điều tiết của Mỹ, vì sự tham gia tích cực của Deutsche Bank trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn. Thật vậy trong cơn sốt đầu cơ, ngân hàng đã góp phần rất lớn vào cuộc khủng hoảng năm 2008, qua việc điều chỉnh và cho lưu thông trên các thị trường tài chính những sản phẩm mà họ biết rất rõ có mang tính độc hại cao (bao gồm việc cho những người vay không có khả năng trả nợ vay các khoản tiền thế chấp bằng bất động sản).
Phát hiện ra một con mồi dễ ăn và giá rẻ, tập đoàn HNA đã tăng vốn qua mặt một quỹ đầu tư của Qatar. Cuộc đặt cược của tập đoàn Trung Quốc là như sau: Châu Âu sẽ không bao giờ bỏ rơi gả khổng lồ chân đất này, vì lo sợ một hiệu ứng domino sẽ làm thế giới đắm chìm vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Với một bảng cân đối kế toán là 1.600 tỷ euros, bằng một nửa GDP của Đức, định chế này thực sự có một đặc điểm mang tính hệ thống.
Việc nhà sản xuất xe ô-tô Geely thâu tóm ngân hàng Saxo của Đan Mạch gần đây không có quy mô giống như vậy, nhưng cũng không kém phần gây chú ý. Khi nắm vốn lên mức 30%, nhà sản xuất Trung Quốc, vốn đã sở hữu công ty Volvo, nắm quyền kiểm soát một định chế tài chính có giá trị lên đến hơn 1,3 tỷ euros và sở hữu hơn 570 triệu USD tài sản.

Cơ quan điều tiết Trung Quốc lo ngại về khả năng chảy máu tư bản

Trước đây được khuyến khích trong khuôn khổ của một chính sách quốc tế hóa (“Chính sách đầu tư toàn cầu”), từ nay các hoạt động đầu tư xuyên biên giới sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, cơ quan điều tiết tìm cách kiềm chế một tiềm năng chảy máu tư bản, có thể gây thiệt hại đến các nguồn dự trữ ngoại tệ và gây bất ổn cho đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh cũng lo ngại hơn tất cả là một rủi ro có hệ thống trong hoạt động của ngân hàng liên quan đến sự tích lũy các khoản nợ xấu.
Chính phủ Trung Quốc đặc biệt nhắm đến các vụ “siêu thâu tóm” (có giá trị hơn 10 tỷ US$), các đầu tư vào bất động sản, các vụ thâu tóm không tương quan với trọng tâm của ngành nghề, hoặc các đầu tư không cân xứng với vốn sở hữu của doanh nghiệp Trung Quốc với tư cách là tổ chức phát hành. Do đó, các vụ thâu tóm không hợp lý trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn, ngành công nghiệp điện ảnh hoặc các câu lạc bộ thể thao là đối tượng của một sự chú ý đặc biệt.
Đã có nhiều tập đoàn nằm trong tầm nhắm vì sự điên cuồng thâu tóm của họ. Đó là trường hợp của tập đoàn HNA, mà ngoài việc thâu tóm ngân hàng Deutsche Bank, đã có cổ phần trong tập đoàn khách sạn Hilton, trong các dịch vụ sân bay (sân bay Rio và Gategroup), trong việc cho thuê máy bay và thiết bị điện tử (Ingram Micro). Ngoài ra, nằm trong tầm nhắm còn có tập đoàn Wanda và các xưởng phim của Hollywood, tập đoàn Fosun thì sở hữu Club Med, cũng như tập đoàn bảo hiểm AnBang và các dinh thự của nó.
Việc nắm lại quyền kiểm soát này đôi khi biến thành một tiểu thuyết trinh thám, với nhiều nhân vật tên tuổi lớn của khu vực tài chính và bảo hiểm bị điều tra gần đây vì bị cáo buộc tham nhũng hoặc không tuân thủ quy định (xem bài viết của chúng tôi). Vì vậy gần đây, người ta biết được sự từ chức của người sáng lập tập đoàn AnBang, mà không có một thông báo chính thức nào về lý do rút lui của ông ta. Là một nhà tỷ phú ngoại hạng, ông đã thành công trong việc xây dựng một tập đoàn bảo hiểm lớn thứ ba trong nước, với tổng tài sản lên đến 267 tỷ euros. Nhà tài phiệt khổng lồ này đã chứng kiến một sự tăng trưởng khủng khiếp kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2004 trong lĩnh vực bảo hiểm xe ô-tô, với số vốn đăng ký là 500 triệu nhân dân tệ.
Nếu việc nắm lại quyền kiểm soát này phản ánh một mong muốn chỉnh đốn, thì sẽ là điều sai lầm khi hệ thống hóa một cảm giác mờ mịt và hung hăng. Không chỉ là nhân tố rủi ro, cuộc chạy đua trong hoạt động quốc tế hóa này chắc chắn là một cơ hội cho các đối tác kinh doanh sáng tạo. Sự đầu tư gần đây của quỹ Cathay Innovation lên đến 287 triệu euros là một minh họa tốt nhất cho điều đó. Các doanh nhân Trung Quốc, chẳng hạn như người sáng lập nền tảng thương mại điện tử JD.com, và các doanh nghiệp của Pháp như Valeo, ADP, Michelin và Total đang tích cực tham gia vào nền tảng đó. Quỹ đầu tư cũng hưởng lợi từ sự hậu thuẫn của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, cánh tay tài chính của nhà nước Trung Quốc, và của Bpifrance. Mục tiêu là đầu tư và hỗ trợ sự tăng trưởng của các chồi đổi mới trẻ tuổi, ở Pháp và ở Trung Quốc. Phạm vi đầu tư bao gồm các lĩnh vực xe ô-tô tự hành, Fintech [công nghệ tài chính] hoặc trí tuệ nhân tạo.
Bertrand Hartemann
Giới thiệu tác giả
Bertrand Hartemann
Giám đốc Marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là một chuyên gia về quản lý sự đổi mới, Bertrand Hartemann có niềm đam mê về các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ sự đổi mới có tính đoạn tuyệt của kỹ thuật số. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn mười năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF