6.12.18

Khí hậu: Châu Á xác định tương lai của chúng ta


KHÍ HẬU: CHÂU Á XÁC ĐỊNH TƯƠNG LAI CỦA CHÚNG TA
Đường bị ngập lụt ở Manila vào ngày 14 tháng 9 năm 2018, vì cơn bão Mangkhut. (NguồnNew York Times)
Các báo cáo báo động đang dầy lên: hiện tượng thời tiết nóng lên đang tăng tốc. Chính trong bối cảnh đen tối này mà COP 24 được tổ chức tại thành phố Katowice của Ba Lan, vào chủ nhật này, ngày 2 tháng 12 [năm 2018]. Những cam kết được đưa ra vào năm 2015 tại COP 21 nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình lên 1,5 hoặc 2 độ rõ ràng là chưa đủ. Thế nhưng, mục tiêu trung tâm của những năm tới là phải đảo ngược đường cong gia tăng phát thải khí. Châu Á nằm ở trung tâm của thách thức này: châu Á chiếm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu hiện nay và 2/3 lượng gia tăng phát thải CO2 trong năm 2017, một tỷ lệ có thể được duy trì trong thập niên tới. Người Á Châu – đặc biệt là Trung Quốc – đã tiến hành những đầu tư to lớn vào các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, nhưng các đầu tư hiện tại của họ chưa đủ sức để đảo ngược xu hướng. Đặc biệt châu Á cũng là một lục địa hứng chịu nhiều hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu, những hậu quả có thể đặt lại vấn đề những triển vọng tăng trưởng kinh tế mà cho đến nay vẫn rất vững chắc.
CÁC ĐỊNH CHẾ QUỐC TẾ LÊN TIẾNG BÁO ĐỘNG
Năm 2017 là một năm tồi tệ cho cuộc chiến chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Kết luận chung cuộc trong báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về “khoảng cách phát thải” giữa các mục tiêu và kết quả. Thật vậy, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đã tăng 1,1% so với năm trước và lượng phát thải CO2 đã tăng 1,2%, phá vỡ giai đoạn tương đối ổn định từ năm 2014 đến năm 2016. Nguyên nhân chính của sự chệch hướng này: sự thúc đẩy việc tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, kể cả than đá, mặc cho sự tăng trưởng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo UNEP, cần phải giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2030, nếu muốn giới hạn nhiệt độ nóng lên ở mức 2 độ và giảm 55% nếu muốn giới hạn nhiệt độ nóng lên ở mức 1,5 độ. Liên quan đến những cam kết đã đưa ra tại COP 21 của các nước G20, theo báo cáo, đa số các nước không tuân thủ một quỹ đạo đúng theo các mục tiêu đã được ấn định. Cần phải tăng gấp ba lần mức độ các cam kết này để đạt được mức giảm 25% lượng phát thải khí được coi là cần thiết từ nay đến năm 2030. Nói chung, rõ ràng chúng ta không có một khởi đầu tốt.
SỨC NẶNG CỦA CHÂU Á VỪA mang tính QUYẾT ĐỊNH VỪA ngày càng TĂNG
Trong năm 2016, theo tổ chức Global Carbon Atlas, châu Á chỉ chiếm hơn 47% một chút lượng phát thải CO2 toàn cầu, vượt xa Châu Mỹ (21%), Châu Âu (15%) và tất nhiên Châu Phi (4%). Điều này cũng đúng đối với toàn bộ lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới: trong năm 2014, châu Á chỉ chiếm hơn 45% một chút tổng lượng phát thải khí nhà kính. Bên trong lục địa châu Á, Trung Quốc đặc biệt có sức nặng lớn nhất. Một mình Trung Quốc đã tạo ra 26% lượng phát thải khí toàn cầu, vượt xa Ấn Độ (5,2%), ASEAN (4,5%) hoặc Nhật Bản (3%).
Lượng phát thải CO2 theo lục địa, năm 2016
(Nguồn: Global Carbon Atlas)
Thử đi từ ảnh chụp lấy ngay đến phim. Theo thời gian, sức nặng của châu Á đang tăng một cách đều đặn. Giới hạn ở mức 16% của lượng phát thải toàn cầu CO2 vào năm 1970, phần các nước châu Á đạt 26% vào năm 1990, 31% vào năm 2000 và 43% vào năm 2010. Hẳn là dân số của lục địa này đã tăng gấp đôi từ năm 1970 đến năm 2014, nhưng vẫn gần như không đổi so với dân số thế giới. Sự bùng nổ phát thải chủ yếu là do sự bắt kịp kinh tế to lớn được tiến hành trong khu vực từ 50 năm qua, một sự bắt kịp dựa trên ngành công nghiệp, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu hàng hóa, kèm theo một sự tiêu thụ năng lượng vượt quá nhu cầu.
Tất nhiên là đối với Ấn Độ và Indonesia lượng phát thải bình quân đầu người của các nước châu Á vẫn thấp hơn rất nhiều so với lượng phát thải bình quân của thế giới. Nhưng ở các nước phát triển của khu vực, cũng như ở Trung Quốc hay Malaysia, các lượng phát thải đó đã cao hơn lượng phát thải bình quân của thế giới, còn Thái Lan gần với lượng phát thải bình quân của thế giới (và của Pháp).
Diễn biến lượng phát thải bình quân đầu người, 1970-2014
(Nguồn: Ngân hàng Thế giới)
Chúng ta giải thích thế nào về kết quả toàn cầu tồi tệ này trong năm 2017? Hai phần ba lượng phát thải đó là do sự thúc đẩy mức tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Nếu châu Á không thành công trong việc đảo ngược xu hướng trong thập niên tới, thì thế giới không có cơ may nào để làm điều đó mà không có sự tham gia của họ.
COP 21NHỮNG CAM KẾT không CÔNG BẰNG VÀ CHƯA ĐỦ CỦA CHÂU Á
Không một nước châu Á nào muốn theo Hoa Kỳ hoặc Úc trong chiến lược né tránh vấn đề biến đổi khí hậu. Tất cả các nước đã phê chuẩn các thỏa thuận Paris và có các cam kết ở cấp quốc gia.
Trung Quốc, nước phát thải hàng đầu của hành tinh, cũng là quốc gia châu Á duy ý chí nhất. Các cam kết của họ trong khuôn khổ COP21 bao trùm một phạm vi rộng lớn và đưa vào một loạt các cam kết định lượng tương đối đầy tham vọng. Trung Quốc là quốc gia đang phát triển duy nhất ở châu Á có đưa ra thời hạn cho một đỉnh điểm phát thải (2030). Tuy nhiên, các cam kết định lượng của Trung Quốc là theo giá trị tương đối và, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, lượng phát thải của Trung Quốc vào năm 2030 vẫn cao hơn 17% so với năm 2015, ngay cả khi nước này tôn trọng tất cả các cam kết của mình. Để có một ý tưởng về tình hình, chỉ riêng lượng gia tăng phát thải CO2 của Trung Quốc trong năm 2017 tương đương với toàn bộ lượng phát thải của Pháp.
Về phần Ấn Độ, họ có các cam kết ở mức khiêm tốn hơn so với Trung Quốc. Ấn Độ không đưa ra một thời hạn nào để xác định đỉnh điểm phát thải và chỉ giới hạn xem xét mức giảm từ 20 đến 25% lượng phát thải so với các xu hướng được quan sát trong năm 2005. Đối với UNEP, những cam kết này sẽ không ngăn Ấn Độ gia tăng lượng phát thải toàn cầu, lên tới 68% từ nay đến năm 2030.
Quỹ đạo của ASEAN cũng không khá gì hơn. Với mức gia tăng 120%, Đông Nam Á đã chứng kiến một sự gia tăng lượng phát thải CO2 rất nhanh trong hai thập niên qua. Trong số các nguyên nhân có nạn phá rừng đại trà ở Indonesia, Malaysia, Miến Điện hoặc Thái Lan. Thách thức của Indonesia đặc biệt quan trọng: trong khi nước này có một trong ba khu rừng nguyên sinh lớn trên thế giới (cùng với Brazil và Congo-Kinshasa), nạn phá rừng vẫn tiếp diễn bất chấp những hứa hẹn của chính phủ. Những cam kết của nhiều nước khác nhau của ASEAN ở mức khiêm tốn và việc thu thập các kết quả phân tích là rất khó: hành động của Indonesia không được định lượng, theo phàn nàn trong báo cáo của Liên hợp quốc, do thiếu hụt các dữ liệu về tình trạng của rừng. Dù sao đi nữa, việc Indonesia tuân thủ các cam kết của mình sẽ dẫn đến một sự gia tăng 15% lượng phát thải so với năm 2015.
Các nước phát triển châu Á không phải là một mô hình hiệu quả trong việc thay đổi chiến lược khí hậu của họ. Hàn Quốc có lẽ là một trong những quốc gia trên thế giới, cùng với Trung Quốc, có lượng phát thải, được nhân lên mười một lần, đã gia tăng nhanh nhất kể từ năm 1970. Nhưng mặc cho quy chế là nước phát triển, Nhà nước Hàn Quốc đã đưa ra những cam kết ở mức thấp cho năm 2030: các cam kết này vẫn được xác định theo giá trị tương đối so với các xu hướng trước đó, một điều không đảm bảo sự đảo ngược của quỹ đạo.
Còn đối với Nhật Bản, họ đã bị trừng phạt bởi vụ tai nạn hạt nhân ở Fukushima. Tokyo đã phải xem lại việc hạ thấp các tham vọng của mình liên quan đến việc giảm bớt lượng phát thải. Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của nước này đã dẫn đến việc sử dụng một lượng khí đốt khổng lồ. Tuy là một bên ký kết Nghị định thư Kyoto, nước này đã chứng kiến lượng phát thải của mình tăng 10% trong giai đoạn 1990-2015. Tuy nhiên, các dự báo hiện tại có phần lạc quan hơn. Nhật Bản có thể tuân thủ các cam kết giảm lượng phát thải của mình, theo giá trị tuyệt đối, ở mức 26% so với năm 2013. Cho đến nay, mức giảm lượng phát thải toàn cầu, đã thực hiện kể từ năm 1990, sẽ đạt mức 18%. Một con số để so sánh với mức 40% mà Liên minh châu Âu đã cam kết.
Tổng cộng, những cam kết của các nước châu Á không đảm bảo bất kỳ sự đảo ngược xu hướng nào. Phải nói rằng sự nhạy cảm của công luận vẫn ở hàng thứ yếu so với các mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, có hai nhân tố có thể làm thay đổi tình hình: Châu Á đang hứng chịu nhiều hơn bao giờ hết những hiệu ứng của sự biến đổi khí hậu; các nước trong khu vực đang thành công trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đang xuất hiện những mô hình kinh tế mới.
MỘT LỤC ĐỊA HỨNG CHỊU NHIỀU RỦI RO VỀ KHÍ HẬU
Danh mục các rủi ro về khí hậu mà các nước châu Á phải hứng chịu là khá dài. Thử kể một vài ví dụ. Theo chỉ số Giám sát rủi ro khí hậu toàn cầu [Watch Global Climate Risks] của Đức, 6 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 10 năm qua thuộc về châu Á (Miến Điện, Philippines, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan). Đối với Ngân hàng Thế giới, sự dâng cao mực nước biển ở Đông Á và Đông Nam Á sẽ tác động đến, tùy theo độ dâng cao của mực nước biển (từ 1 đến 3 mét), khoảng từ 37 đến 90 triệu người, đặc biệt là ở Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Nam Á thậm chí còn bị tác động nhiều hơn, đặc biệt là Bangladesh và Ấn Độ. Nhiều đô thị châu Á là những thành phố ven biển, như Bombay, Manila, Jakarta, Thượng Hải, Bangkok hoặc Singapore. Một số đô thị, như thủ đô của Indonesia, đã ở dưới mực nước biển.
Còn việc nhiệt độ tăng lên sẽ đặc biệt tác động đến Nam Á. Từ nay đến năm 2050, một phần ba dân số Ấn Độ có thể phải hứng chịu những nhiệt độ khắc nghiệt – trên 35° trong vòng ít nhất ba tháng. Việc nhiệt độ tăng lên ​​sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng ở những tỷ lệ đáng kể, đặc biệt là vùng tiểu lục địa của Ấn Độ (theo tỷ lệ từ 8 đến 10%, tùy thuộc vào loại hạt giống). Vấn đề tự lực lương thực đang trở thành vấn đề nóng bỏng trong một khu vực mà mức tăng trưởng dân số, trong khối các nước châu Á, sẽ vẫn là quan trọng nhất.
Một dạng rủi ro khí hậu tàn khốc khác: các đợt bão đổ bộ vào bờ biển châu Á với cường độ ngày càng tăng, đặc biệt là ở Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc hoặc Indonesia. Nhận thức về những rủi ro này đang tăng cao trong công luận. Nhận thức này có thể dẫn đến những cách phân xử mới về mặt chính trị, có nhiều quyết tâm hơn.
CÁC NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VÀ CÁC MÔ HÌNH MỚI
Hãy kết thúc bằng một ghi nhận lạc quan hơn. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã có những tiến bộ thần kỳ ở Ấn Độ và Trung Quốc. Đất nước của Tập Cận Bình, từ lâu, là nhà vô địch về năng lượng gió trên thế giới, ít nhất là về công suất lắp đặt, với 35% tổng công suất trên thế giới. Nhà nước Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình đầu tư mạnh mẽ, với tham vọng đạt gần 500 Gigawatt công suất vào năm 2030. Những thành tựu về năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng ở mức tương đương, với một công suất lắp đặt là 130GW vào cuối năm 2017, cao hơn công suất của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức cộng lại. Ấn Độ đứng xa ở phía sau, nhưng có một chương trình phát triển rất tham vọng về nguồn năng lượng mặt trời. Mục tiêu của Ấn Độ: đạt 100GW công suất từ ​​năm 2022. Hệ quả khích lệ: giá theo kWH của các hồ sơ dự thầu về nguồn năng lượng mặt trời ở Ấn Độ đã trở nên thấp hơn so với giá các hồ sơ dự thầu về than đá.
Công suất lắp đặt về năng lượng mặt trời, theo từng nước, năm 2017
(Nguồn: Báo cáo tình hình năng lượng tái tạo toàn cầu, năm 2018)
Một bước đột phá khác hướng tới các mô hình tiêu thụ mới: xe điện. Với gần một nửa sản lượng thế giới, Trung Quốc muốn kiến lập mình là nước dẫn đầu tuyệt đối của ngành xe điện. Một ví dụ: Bắc Kinh sẽ trang bị 10.000 xe buýt điện vào năm 2020, tức 60% tổng lượng xe buýt. Những con số so sánh làm đau lòng: đến cùng thời điểm đó, Paris sẽ nhắm chỉ có 1.000 chiếc xe buýt chạy bằng điện.
Châu Á cho ta những lý do để hy vọng. Thử lấy ví dụ của Trung Quốc: nhờ sự tăng tốc đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và nhờ những nỗ lực liên tục để gia tăng hiệu quả năng lượng, đỉnh điểm phát thải của họ có thể diễn ra trước năm 2030 – từ năm 2020 đến năm 2025 trong các dự báo lạc quan nhất. Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia cũng có thể làm tốt hơn so với những cam kết của họ theo thỏa thuận Paris. Một sự hợp tác chặt chẽ với châu Á để cụ thể hóa những tiến bộ mới là điều mang tính sống còn đối với châu Âu và đối với thế giới. Vì thế, điều cấp bách là phải đặt lại vấn đề. Ở Pháp, viện trợ phát triển của chính phủ dành cho khí hậu ở châu Á, trong năm 2017, ở mức dưới 20% các chương trình về khí hậu của Cơ quan Phát triển của Pháp. Liệu điều đó có ngang tầm với các thách thức hay không?
Giới thiệu tác giả
Hubert Testard

Hubert Testard là một chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm ở các đại sứ quán của Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và tại Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã đồng thời tham gia vào việc soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Hubert Testard đang giảng dạy, từ bốn năm nay, tại trường cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc đại học Sciences Po về phân tích tương lai của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu Châu Á, những luật chơi mới]”, nhà xuất bản Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, nhà xuất bản Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp đại học Ena và Sciences Po.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Climat: l’Asie détermine notre avenir, Asialyst, 01/12/2018.
Print Friendly and PDF