9.12.18

William Nordhaus, Paul Romer, Giải Nobel Kinh tế năm 2018

WILLIAM NORDHAUS, PAUL ROMER, GIẢI NOBEL KINH TẾ NĂM 2018
Alexandre Delaigue, giáo sư kinh tế tại Lille.
Giải Nobel kinh tế năm 2018 đã được trao cho William Nordhaus và Paul Romer “vì đã tích hợp, theo thứ tự, sự biến đổi khí hậu và sự thay đổi công nghệ vào sự phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn”. Điều đó có nghĩa là gì?
Mô hình kinh tế là gì?
Các nhà kinh tế thường lý luận dựa vào các mô hình. Mô hình, trong kinh tế học cũng như trong tất cả các ngành khoa học khác, là một biểu trưng được giản lược của thực tế để hiểu rõ vấn đề hơn. Mô hình có thể được hiểu như là một bản đồ địa lý: nó trình bày thực tế dưới dạng sơ đồ, bằng cách giản lược một số yếu tố, và mô tả một số yếu tố khác. Bản đồ không phải là thực tế: nó là một biểu trưng, giúp chúng ta hiểu được thực tế và vận động trong thực tế đó. Bản đồ luôn luôn sai, bởi vì nó giản lược thực tế, nhưng không được “sai quá nhiều”.
Vì vậy, nếu tôi chỉ có duy nhất một bản đồ tàu điện ngầm của Paris, thì tôi có thể đi bộ tham quan thành phố: các trạm tàu ​​điện ngầm là các mốc nhận diện. Ngược lại, bản đồ nói trên sẽ không giúp ích gì nếu tôi ở trong tàu điện ngầm của London, ngay cả khi bản đồ đó rất chi tiết và chính xác. Nếu muốn đi bộ tham quan, thì tôi sẽ rất cần một bản đồ với tỷ lệ nhỏ, chỉ rõ địa hình, nhưng nếu tôi muốn lái xe tham quan thì bản đồ đó không giúp ích gì nhiều. Một mô hình phù hợp là mô hình được giản lược khá đủ để có thể dễ sử dụng, để hiểu được thực tế.
Paul Romer và William Nordhaus đã được trao thưởng vì đã thiết kế những mô hình mà đối tượng là vấn đề kinh tế lớn nhất của mọi thời đại.
Vấn đề lớn nhất
Nếu muốn biểu diễn toàn bộ lịch sử kinh tế của nhân loại trong một sơ đồ duy nhất, điều đó rất đơn giản; đây là biểu đồ GDP thế giới (tính theo đơn vị tiền tệ không đổi) trong hai thiên niên kỷ qua (nguồn).
Nhận xét về biểu đồ này rất đơn giản: trong hàng nghìn năm qua, về mặt kinh tế, đã không có bất cứ điều gì xảy ra. Sau đó, kể từ thế kỷ 17-18 nền sản xuất của thế giới đã bùng nổ theo hàm số mũ.
Chúng ta có thể bổ sung thêm hai biểu đồ khác, cho thấy cùng một logic trên. Đó là biểu đồ dân số thế giới (nguồn):
Và biểu đồ phát thải khí nhà kính (nguồn):
Ba biểu đồ trên, rất ấn tượng, tóm lược những vấn đề kinh tế lớn nhất, có tính quyết định lớn nhất đối với hiện tại của chúng ta, và tương lai của chúng ta, có ý nghĩa hơn cả những con số phù du mà các bản tin thời sự cố nhồi nhét. Điều gì đã xảy ra vào thế kỷ 18, đã dẫn đến sự thay đổi lớn lao chưa từng có này? Và tất cả điều này sẽ kéo dài đến bao lâu? Liệu sự tăng trưởng kinh tế có tiếp tục với tốc độ theo hàm số mũ này, theo hướng vô cực không? Hay chúng ta có nên xem xét đến một sự ổn định, với một tỷ lệ GDP toàn cầu cao, không đổi? Hay chúng ta có nên xem xét đến một sự sụp đổ đột nhiên, đưa chúng ta bỗng dưng trở lại xu hướng dài hạn, dưới hiệu ứng của nạn cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự xuống cấp của khí hậu?
Liệu chúng ta có phải là vi khuẩn không?
Thử đưa các biểu đồ trên cho một nhà sinh vật học, mà không nói bất cứ điều gì, và hỏi ông ta đó là cái gì. Ông ta sẽ trả lời ngay rằng ông ta biết các biểu đồ này: đó là sự tiến hóa của một quần thể các vi khuẩn trong một đĩa Petri.
Thử lấy một đĩa Petri, lắp đầy nó với một dung môi dinh dưỡng, và đặt ở giữa dung môi đó một lượng nhỏ vi khuẩn. Số lượng vi khuẩn đó sẽ tăng gấp đôi theo nhịp độ phân chia tế bào, và tăng theo cấp số nhân, theo một đường cong tăng trưởng giống như đường cong GDP và đường cong dân số thế giới. Vi khuẩn sẽ phát triển theo hình tròn, cho đến khi đạt tới các cạnh của đĩa Petri, nuốt lấy thức ăn. Và khi đó, khi đã tiêu thụ hết thức ăn, quần thể các vi khuẩn sẽ sụp đổ một cách đột ngột, thậm chí còn nhanh hơn lúc chúng tăng trưởng.
Trong những năm 1970, khi quan sát những biểu đồ này, các nhà khoa học đã đi đến kết luận như sau: chúng ta là những vi khuẩn trong đĩa Petri. Và họ đã thiết kế các mô hình dự báo dựa trên cơ sở đó.
Dân số con người và mức tiêu dùng của nó đang tăng lên theo nhịp độ hàm số mũ; các nguồn lực của hành tinh là hữu hạn; cần phải dừng lại sự tăng trưởng kinh tế, hạn chế quyết liệt sự tăng trưởng dân số, nếu không muốn có một sự sụp đổ nhanh chóng. Theo cách tiếp cận này, môi trường dinh dưỡng của vi khuẩn là năng lượng, nhiên liệu hóa thạch – than đá, dầu hỏa – những thứ mà chúng ta sử dụng kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp để biến đổi vật chất và gia tăng sản xuất. Khi các nguồn năng lượng này cạn kiệt, nhân loại sẽ quay trở lại tình trạng nghèo đói ban đầu và sẽ có hàng tỷ người không thể sinh tồn. Cú sốc dầu hỏa, năm 1973, mới chỉ là điều báo trước những gì đang chờ đợi chúng ta, nếu không có những biện pháp quyết liệt.
Nhưng rất nhanh, những lý luận này đã khơi mào những chỉ trích. Đó là chúng ta không phải là vi khuẩn. Vi khuẩn không có ý thức, và chúng không có bất cứ cơ chế nào cho biết môi trường dinh dưỡng của chúng đang bị cạn kiệt. Song, nhân loại được tạo thành từ những con người và xã hội có ý thức, biết lựa chọn, dựa trên những thông tin mà họ có. Thời kỳ đồ đá không dừng lại vì thiếu đồ đá, mà bởi vì con người đã phát minh ra các phương tiện kỹ thuật khác để sản xuất. Tại sao điều đó lại khác với các tài nguyên hóa thạch?
Vào thời điểm hiện tại này, giá dầu tăng cao khiến tôi phải cân nhắc đến việc thay đổi ô tô, đến việc giảm bớt các hành trình của mình; tôi sẽ tính đến điều này khi cần phải thay thế hệ thống sưởi ấm ngôi nhà của mình. Chính giá cả cao như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp tìm ra các phương tiện kỹ thuật để tiết kiệm dầu hỏa; xe điện, các năng lượng tái tạo, v.v..
Nhưng đâu là cách tiếp cận tốt? Liệu đó có phải là mô hình các vi khuẩn không? Hay là một cách nhìn thay thế, trong đó sự sáng tạo của con người là nguồn tài nguyên tối thượng, trong đó nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong thực tế, là vô hạn? Câu chuyện thứ nhất thật đáng sợ, câu chuyện thứ hai dựa trên một sự đánh cược, mà cuối cùng, cũng sẽ tìm ra được một giải pháp. Làm thế nào để quyết định giữa hai câu chuyện này?
William Nordhaus: mô hình hóa nền kinh tế và khí hậu
William Nordhaus bước vào cuộc tranh luận này với ý tưởng mang đến các yếu tố giải quyết bằng cách xây dựng một mô hình, mô tả sự tương tác giữa nền kinh tế và khí hậu, dựa trên những kiến ​​thức khoa học sẵn có. Nếu các tài nguyên trở nên khan hiếm, thì giá tài nguyên sẽ tăng, khiến phải thay thế chúng hoặc giảm bớt việc sử dụng chúng; nếu lượng khí thải carbon và nhiệt độ khí hậu tăng, thì nền sản xuất ở một số vùng sẽ sụt giảm, buộc phải di chuyển và sản xuất ở một nơi khác. Mục tiêu của mô hình là so sánh chi phí của một hành động tức thời – giảm ngay lập tức những phát thải khí nhà kính, ví dụ – với những lợi ích có được trong tương lai từ hành động nói trên, bằng cách đo lường một cách chính xác nhất có thể, dựa vào kiến thức của chúng ta, các chi phí và lợi ích đó.
Chính ngay nguyên lí của cách tiếp cận này đã bị phê phán. Làm thế nào có thể tiếp cận vấn đề đó từ góc độ này? Liệu khí hậu trong tương lai, tương lai của hành tinh, có thể là đối tượng của sự tính toán không? Và nếu việc giải cứu khí hậu không “sinh lợi”, thì liệu có nên từ bỏ nó không?
Vấn đề đối với phê phán này là cách tính này, chúng ta làm điều đó mỗi ngày. Nguồn tài nguyên bị hạn chế và ngay từ bây giờ chúng ta không thiếu những rắc rối. Tương lai của vấn đề khí hậu là một việc, nhưng chính phủ Ấn Độ sẽ nói với bạn: có 700.000 công nhân đang phụ thuộc vào việc khai thác than đá ở trong nước, và hàng trăm triệu người ở Ấn Độ xem vấn đề có điện để sử dụng hiện nay là điều vô cùng quan trọng so với cái được cho là phúc lợi của những người sẽ sống trong 200 năm tới và không ai trong chúng ta sẽ gặp những người đó.
Các mô hình kiểu mô hình mà Nordhaus đã phát triển làm nổi bật hai khía cạnh chính. Khía cạnh thứ nhất là chúng ta không thể chờ đợi và nói rằng “thị trường sẽ giải quyết vấn đề lần lượt theo sự tiến triển của giá cả”. Một cách tự nhiên, chúng ta sẽ không đủ sức để lo cho tương lai, và chúng ta có nguy cơ tạo ra quá nhiều khí nhà kính, quá nhiều sự ô nhiễm. Đầu những năm 1970, Nordhaus đã khuyến nghị việc đánh thuế lên các lượng khí thải carbon để làm giảm lượng thải khí này.
Khía cạnh thứ hai, cách tiếp cận này rất nhạy cảm với tỷ suất chiết khấu – giá trị của ngày nay so với giá trị của tương lai – mà chúng ta cần quyết định lựa chọn. Khi tỷ suất chiết khấu có một giá trị thường được sử dụng cho kiểu tính toán này thì những nỗ lực mà chúng ta phải dành cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trở nên không có nghĩa lý gì. Nhưng chúng ta nên gán giá trị nào tương lai? Liệu chúng ta có thể thực sự nghĩ rằng con người tương lai và thu nhập của họ có giá trị chính xác giống như con người ngày nay không? Ai sẽ chấp nhận việc giảm mức sống của mình để cải thiện mức sống của những người mà chúng ta sẽ không bao giờ biết không?
Martin Weitzman (1942-)
Đó chính là giới hạn của cách tiếp cận lợi ích-chi phí này, trong một trường hợp giống như trường hợp của biến đổi khí hậu khi mà các chi phí là tức thời còn lợi ích rất xa vời về mặt thời gian. Tuy nhiên, có những cách tiếp cận khác, chưa được giải thưởng Nobel tặng thưởng. Đó là trường hợp các công trình của Martin Weitzman, người cho rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày nay là một hình thức bảo hiểm chống lại các sự kiện thảm khốc. Trong thực tế có nhiều khả năng, giống như điều hàm ý trong các mô hình của Nordhaus, là các hiệu ứng của sự biến đổi khí hậu đang tăng dần dần; nhưng cũng có khả năng là sự biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ của những sự kiện thực sự là tai hoạ, không thể đảo ngược. Cái giá mà chúng ta phải trả ngày nay để chống lại suy thoái môi trường không nên được tính như là một số tiền để dành, như là một của thừa kế cho con cháu chúng ta, mà nên được tính như là một phí bảo hiểm mà chúng ta chi ra mỗi tháng để tránh ngôi nhà của chúng ta bị tiêu tan vì hỏa hoạn. Theo cách nhìn này, những nỗ lực được các mô hình theo kiểu Nordhaus khuyến nghị là chưa đủ tính nguy kịch.
Việc quên mất Weitzman là điều đáng tiếc; nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng khi trao thưởng cho Nordhaus, Ủy ban Nobel đã chọn tặng thưởng cho công trình mô hình hóa, sự mô hình hoá kinh tế như là một công cụ để xử lí những vấn đề bức xúc nhất của thời đại chúng ta.
Paul Romer, đồ vật và ý tưởng
Các công trình của Paul Romer cũng nằm trong bối cảnh những vấn đề kinh tế lớn trong dài hạn. Vấn đề của Paul Romer cũng liên quan đến đường cong tăng trưởng GDP toàn cầu. Điều gì đã xảy ra? Và làm thế nào để quá trình này có thể tiếp diễn?
Câu hỏi về nguồn gốc của sự giàu có đã được đặt ra kể từ Adam Smith, người đã mô tả sự gia tăng sản xuất có được nhờ sự phân công lao động trong cuốn “Của cải của các dân tộc”. Nhưng đó không phải là con đường mà các nhà kinh tế học sau này đã đi theo, những người quan tâm đến những gì hữu hình hơn: sự tích lũy tư bản, sự gia tăng sản xuất từ sự nhân rộng máy móc.
Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản của Marx và Engels bắt đầu bằng một lời ca ngợi thực thụ chủ nghĩa tư bản, “đã tạo ra tất cả những điều kỳ diệu khác như các kim tự tháp của Ai Cập, các cống dẫn nước của La Mã, các thánh đường Gothic” bằng cách tạo ra “những lực lượng sản xuất nhiều hơn và to lớn hơn so với tất cả các thế hệ đã qua”.
Sự tích lũy tư bản sản xuất không được xem như là nguồn gốc gia tăng sản xuất duy nhất; các nhà kinh tế đã xem sự thay đổi kỹ thuật, các sáng kiến phát minh, cũng có phần đóng góp. Nhưng rất khó để biết làm thế nào tích hợp những điều nói trên, những thứ có vẻ như liên quan nhiều đến lịch sử các kỹ thuật, các kiến ​​thức tự nhiên và vật lý, ngoài tầm năng lực của các nhà kinh tế, những người lý luận dựa trên trình độ hiểu biết hiện tại.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter đã nỗ lực, vào đầu thế kỷ 20, xây dựng một lý thuyết về sự tiến hóa kinh tế, đưa sự tiến hóa công nghệ vào trung tâm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhưng cách tiếp cận của ông bị thiếu, nói một cách chính xác, sự mô hình hóa. Theo cách nhìn của ông, sự sáng tạo đổi mới là thành quả của một tổ chức xã hội có thứ bậc, trong đó các doanh nhân, những siêu nhân theo kiểu Nietzsche, triển khai “sự hủy diệt sáng tạo”, qua đó sự thay đổi kỹ thuật phá hủy hết những kỹ thuật sản xuất cũ để thiết lập những kỹ thuật sản xuất mới, và nhân đó trở nên giàu sụ. Chủ nghĩa tư bản, theo cách nhìn này, là “nền văn minh của sự bất bình đẳng và của các cơ đồ gia đình” và sự tăng trưởng sẽ bị dừng lại vì các lý do xã hội, những xã hội hiện đại ngày càng trở nên thù địch hơn đối với nền văn minh này.
Robert Solow (1924-)
Nhà kinh tế học Robert Solow, học trò của Schumpeter tại Đại học Harvard, đã thiết kế, vào những năm 1950, một mô hình cho phép nghiên cứu những tương tác giữa sự tích lũy tư bản và sự thay đổi công nghệ. Trong cách tiếp cận của ông, tăng trưởng kinh tế là một hiện tượng chuyển tiếp, mà cuối cùng tất cả các nền kinh tế đều đạt được một mức độ thịnh vượng giống nhau, chỉ được điều chỉnh bởi một sự thay đổi công nghệ bắt nguồn từ bên ngoài, theo cách không thể giải thích, giống như một “của trời cho”.
Nhưng vào đầu những năm 80, thực tế không giống với mô hình của Solow. Không những tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chậm lại, mà còn tăng tốc nữa; thay vì nhìn thấy các nước hội tụ đến cùng một mức thu nhập, sự phân kỳ còn tăng mạnh hơn nữa. Chính trong bối cảnh này, Paul Romer đã dành một thập kỷ để xây dựng một mô hình mà mục tiêu vừa phản ánh được thực tế vừa làm cho sự thay đổi công nghệ trở thành yếu tố trung tâm của sự tăng trưởng.
Lý thuyết của ông liên quan đến việc phân biệt hai loại hình sản xuất: đồ vật và ý tưởng. Việc sản xuất đồ vật, GDP, liên quan đến các quy tắc kinh tế thông thường. Nhưng ý tưởng thì có những đặc điểm khác. Đầu tiên, ý tưởng xác định đâu là một nguồn lực sản xuất và đâu là một nguồn lực phi sản xuất. Nếu không có kiến ​​thức hóa học để biến dầu thô thành dầu hỏa, nhiên liệu hoặc chất dẻo, thì dầu thô chỉ là một chất ô nhiễm của những lớp nước ngầm. Thế nhưng nếu đồ vật bị giới hạn – khối lượng trái đất sẽ không tăng – thì ý tưởng lại không bị giới hạn. Một chiếc bánh là một tập hợp các nguyên liệu làm bánh và một công thức. Nếu tôi có nguyên liệu làm bánh, thì bạn không thể có chiếc bánh; nếu tôi có công thức và đưa nó cho bạn, thì tôi vẫn luôn có chiếc bánh và bạn cũng vậy.
Do đó, ý tưởng có thể được nhân rộng ra rất nhiều và nhanh hơn đồ vật; hơn nữa, ý tưởng có thể kết hợp với nhau. Phát minh ra chiếc máy tính và sợi quang học, bạn có internet, điều đó cho phép bạn phát minh ra những đồ vật mới. Nhưng nếu từ đó vấn đề thù lao của nhà sản xuất đồ vật không thành vấn đề, thì làm thế nào để giải quyết chuyện thù lao cho các nhà phát minh?
Chỉ có những cơ chế không hoàn hảo và hạn chế để làm điều đó, chẳng hạn như bí mật công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ, những thứ tạo ra một nghịch lý: việc trả thù lao cho các nhà phát minh yêu cầu phải hạn chế việc phổ biến các phát minh của họ, làm giảm lợi ích cho xã hội; tạo điều kiện phổ biến các phát minh sẽ làm giảm động lực phát minh. Trong mô hình của Romer, kết quả của sự phân xử này là, một cách tự phát, không có đủ các phát minh sáng chế. Nếu không có những cơ chế cụ thể, chẳng hạn như việc chính phủ trợ cấp cho các nhà nghiên cứu, thì nền kinh tế thị trường sẽ không tạo ra đủ sự đổi mới sáng tạo. Giống như mô hình của Nordhaus, mô hình của Romer là một mô hình mô tả các nền kinh tế thị trường không hoạt động tốt một cách tự phát.
Cách tiếp cận của Romer đã dẫn đến những thay đổi lớn trong phân tích kinh tế vào những năm 1980. Các nhà kinh tế và các sử gia kinh tế đã đặt câu hỏi về những phát minh sáng chế, kinh tế học tri thức và sự tiến hóa của công nghệ. Mô hình của Romer nằm ở trung tâm những tư duy vào giữa những năm 90 với sự vươn lên của internet. Ví dụ, liệu có cần phải chia tách Microsoft vì đã lạm dụng vị thế thống trị của nó không? Làm thế nào để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo?
Tuy nhiên, sự phấn khích đã không kéo dài lâu. Sự tăng trưởng kinh tế đã chậm lại ở các nước giàu kể từ những năm 2000, sự tiến bộ công nghệ đã gây thất vọng, sự tăng trưởng toàn cầu là sự tăng trưởng của những nước đang bắt kịp [các nước giàu] như Trung Quốc: một thế giới khá gần với mô hình của Solow hơn so với mô hình của Romer. Nhưng có lẽ một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo sẽ mang sự đổi mới sáng tạo trở lại. Trong mọi trường hợp, các ý tưởng của Romer đã làm thay đổi, một cách dứt khoát, cách thức mà chúng ta nắm bắt sự tăng trưởng kinh tế và tương lai của nó: tương lai sẽ không đến khi cạn kiệt nguồn tài nguyên, mà sẽ không đến khi cạn kiệt khả năng phát minh ra những điều mới.
Phải viết ra tương lai
Nếu giải Nobel được trao cho hai nhà kinh tế học này là điều được kỳ vọng, thì việc ghép chung họ với nhau là điều gây ngạc nhiên: kinh tế học môi trường xứng đáng có một giải Nobel độc lập, Weitzmann cũng đáng được trao thưởng; lý thuyết tăng trưởng đáng lí cũng nên có một giải Nobel riêng biệt, kết hợp Romer cùng với các nhà kinh tế học khác như ông từng có đóng góp vào sự đổi mới của lý thuyết tăng trưởng trong những năm 1980.
Nhưng cả hai tác giả đều có những điểm chung. Cả hai đã đặt ra những vấn đề quan trọng nhất của lịch sử kinh tế và của tương lai chúng ta, và đã tìm cách trả lời bằng những mô hình rõ ràng, cho phép phát biểu các vấn đề trên theo một cách mới.
Thông điệp về tương lai của họ là một chủ nghĩa lạc quan vừa phải. Chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề một cách tự phát, theo thông điệp của họ gởi đến chúng ta. Nền kinh tế tự thân nó sẽ không tạo ra sự thịnh vượng mà chúng ta cần trong tương lai, và một mình nó sẽ không giải quyết được các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, giải pháp đối với hai tác giả đòi hỏi đến sự khéo léo của con người, vốn ở cội nguồn của sự thịnh vượng của chúng ta trong quá khứ và cơ hội duy nhất cho tương lai của chúng ta. Tương lai chưa được viết ra: Romer và Nordhaus đã giúp chúng ta giải mã nó.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: William Nordhaus, Paul Romer, Nobel d'économie 2018, francetvinfo, 14 octobre 2018.
Print Friendly and PDF